Qua đến mồng một, ngày Tết chỉ còn chút hương vị vì thực tế đón Giao thừa xong có cảm giác Tết đã vừa đi qua hết một nửa đường.
Ngày ba mươi, đêm ba mươi rộn ràng không khí Tết đầy ắp trong mỗi căn nhà, làng
xóm. Người ta bảo ba mươi chưa phải là Tết, nhưng với tôi, ba mươi mới gọi là
Tết.
Đó là ngày nhà nhà lo nấu nướng, chuẩn bị rước ông bà về vui Tết với cháu con.
Nhà đã thoảng mùi nhang trầm, bàn thờ đã chưng hoa trái. Bàn thờ ngày thường
đôi khi lạnh lẽo giờ bừng sáng với những sắc màu. Bát nhang tươi mới, hoa trái
đủ đầy, những tấm ảnh không còn phủ bụi, tất cả nhìn về với lòng thành kính.
Đám phụ nữ bận rộn với món này món nọ, con gà luộc, bánh tét, bánh chưng, món
mặn, món ngọt đã được vớt ra, đã được chế biến. Vài ba món mặn, đôi dĩa mứt
bánh chuẩn bị rước ông bà.
Cũng một mâm chè xôi, bánh trái đang chờ để cúng Giao thừa lúc nửa đêm. Người
ta bắt đầu kiêng cử từ ngày này, trẻ con ra vào vét nồi thưởng thức món ăn, món
mứt trước tất cả mọi người.
Nếu nói Tết là đoàn viên thì ngày ba mươi là ngày đầy đủ mọi người trong gia
đình. Cái không khí rộn ràng chuẩn bị cả nửa tháng trước dồn vào một ngày này
nên nó mang mùi Tết nhiều nhất. Ngày xưa còn cho đốt pháo, trưa ba mươi pháo đã
bắt đầu nổ và tối ba mươi pháo nổ khắp nơi. Đó mới là Tết.
Rước ông bà buổi trưa, cánh đàn ông đôi khi khề khà đến chiều, đám phụ nữ lại
lăn vào bếp hay ngồi tám chuyện đất trời. Đám con nít lăng xăng chờ giờ thay áo
mới. Không khí nửa đêm với ánh đèn cầy quyện khói nhang biến đêm mang màu
thiêng liêng, đêm mang đất trời đến gần với con người, mang tiên tổ về với cháu
con. Đó chính là Tết.
Sáng mồng một, Tết đã xong phần đầu, thay áo mới, thắp thêm nén nhang, đốt thêm
ánh lửa ngồi chờ lời chúc của cháu con. Trẻ con vui với áo mới, chạy tung tăng
với bao lì xì, vui vì thấy ai cũng vui. Mấy đứa nhỏ thuộc lòng lời chúc, ngọng
nghịu, ngượng ngùng chúc Tết ông bà, cha mẹ.
Người già vui với lời chúc, vui với đoàn tụ cháu con, quên đi nhọc nhằn, buồn
lo để có Tết vui vẻ, đầm ấm. Người trẻ vui sum họp, cha mẹ đủ đầy, anh em yêu
thương gắn bó nhau, bỏ sau lưng những khó nhọc của năm cũ để mong một năm mới
tốt lành hơn. Tất cả là hình ảnh ngày mồng một Tết. Rồi đi chùa, đi lễ và là
xong Tết.
Những ngày còn lại chỉ là Tết đã tàn phai. Là những bữa ăn, là những trò chơi
vui, là những cuộc thăm hỏi tẻ nhạt, máy móc. Ở thôn quê còn rộn ràng Tết chứ ở
thành phố đôi nhà đóng cửa xem truyền hình hay mở máy xem phim. Xem như Tết đã
xong rồi. Bàn thờ đèn vẫn sáng, hoa vẫn tươi, mùi nhang trầm vẫn thoang thoảng
đợi chiều mồng ba lại cúng tiễn ông bà.
Một bữa cúng để chấm dứt Tết, rồi chờ đến năm sau. Bữa tiệc cuối Tết đó có khi
không đủ mặt nhưng cũng đủ món cho một lễ cúng. Trẻ con không còn háo hức,
người già cũng không còn bận rộn. Tết hết.
Những cành mai vẫn còn hoa rơi rớt, nụ vẫn còn đâm chồi. Những chậu hoa ngoài
sân vẫn còn khoe sắc, hoa trên bàn thờ vẫn tươi, hoa trái vẫn còn nhưng đèn đã
tắt, mùi nhang trầm không còn. Tết đã đi qua.
Lại trở về năm tháng thường ngày chờ Tết năm sau. Xuân hạ thu đông rồi lại
xuân. Vòng tuần hoàn không thể thiếu trong đời của mỗi người.
2.2.2022
Mồng hai Tết Nhâm Dần
DODUYNGOC
No comments:
Post a Comment