Monday, July 7, 2025

Cháu Bà Nội Tội Bà Ngoại - Sỏi Ngọc

Hình: Sỏi Ngọc


Nghe con dâu báo tin đi làm lại khi thằng cháu nội mới 10 tháng tuổi, bà ngoại cháu và tôi đều lo lắng hỏi nhau “ai sẽ trông cháu?” con trai tôi nói:

-Hồi đó mẹ nói mẹ có thể canh cháu hai ngày một tuần mà? Còn bà ngoại thì bảo trông bao nhiêu cũng được?… Tụi con muốn cho cháu đi nhà trẻ khi bé 18 tháng, chứ bây giờ còn nhỏ quá chưa biết gì, lại dễ bị lây bệnh của các cháu nhỏ khác.

Tôi mới về hưu non, định sẽ đi du lịch khắp nơi trên thế giới, sẽ để dành thì giờ viết lách, làm những thứ riêng của mình, thế nhưng bây giờ con cháu nhờ chả lẽ mình lại từ chối, tôi đành chấp nhận, và tự an ủi “thôi còn ba ngày trong tuần và hai ngày cuối tuần cho mình thoải mái thì cũng được rồi.”

Còn bà ngoại thì chiều con gái út nên yêu luôn thằng cháu bé, bà nói chắc nịch:

-Khi nào con cần mẹ trông thì cứ gọi, mẹ sẽ tới ngay!

Tôi thầm nghĩ “mẹ con người ta sống vì gia đình như thế chứ, có ai như mình ích kỷ chỉ lo bản thân, tung tăng đi chơi, con cháu thì mặc kệ lại còn đùn đẩy nữa, phải học theo cách sống của bà sui mới được.”

Bà sui hơn tôi mười mấy tuổi, dáng người đẫy đà, một người đầy nhiệt huyết, niềm vui của bà là nhìn thấy con cháu sống hạnh phúc, nên bà sẵn sàng hy sinh hết ngày giờ cho con cháu, gia đình, thỉnh thoảng mới đi nghỉ hè riêng với gia đình nhỏ của bà mà thôi.

Bé Bamby là cháu đầu tiên của hai gia đình nội ngoại, nên được cưng ghê lắm, một tiếng khóc của nó làm mọi người quýnh hết cả lên, bỏ công chuyện đang làm để vào bế, nhất là bà ngoại đã chờ đến tuổi này, xấp xỉ 80, mới được bế cháu đầu tiên, thành ra tôi “đành” nhường!

Những ngày cuối tuần vợ chồng hai đứa thường về nhà ngoại ăn uống để ông bà chơi với cháu, nhân tiện chúng nó gởi con để đi chợ búa; còn vợ chồng tôi đã book đi Châu Âu 12 ngày từ cả năm trước, vừa về đến phi trường, đã thấy mấy cú gọi lỡ của con trai Kay.

Tôi gọi lại:

-Kay hả? chuyện gì không con?

-Mẹ đang ở đâu vậy? đã về đến nhà chưa?

-Ah mẹ đang chờ taxi để về đây, các con ok chứ?

-Con bực mình quá nên muốn phone tâm sự với mẹ thôi.

Kay là con trai út của tôi, mới lập gia đình được hai năm, năm nay đã có thằng cu Bambi được 10 tháng tuổi, từ bé bất cứ điều gì cũng hay tâm sự với mẹ; tôi ngồi vào taxi một tay cầm phone và tay kia bấm địa chỉ vào máy Gps cho tài xế đưa tôi về nhà:

-Ừ nói đi!

-Mẹ biết không, bà ngoại thằng Bambi kỳ cục ghê, bà cắt cái vú của chai sữa to ra để thằng bé bú cho nhanh, làm thằng nhỏ bị sặc, ói ra hết trơn sau khi nó bú xong đó…

-Sao kỳ cục vậy!… Mà thôi con đừng nói gì nhé, cứ để vợ con nói chuyện với bà cho dễ, con nói mất công lại có chuyện đó!

-Bởi vậy nên con tức quá, không biết phải kể cho ai nên mới phone mẹ đó, bà cắt cái lỗ to mà mình còn muốn sặc thì làm sao thằng bé không bị ói chứ; mẹ không biết đâu hôm nọ bà còn lén tụi con cho Bambi ăn miếng nho còn vỏ, thằng bé bị hóc, mặt đỏ rần lên, bà sợ quá gọi con, con chạy lại móc họng nó, miếng nho rơi ra đó. Con giận ghê mà cũng phải nuốt cho trôi. Bà giải thích là bà đã cắt miếng nho nhỏ ra rồi, nhưng không bóc vỏ, bà tưởng nó có 8 cái răng tự nhai được, ai ngờ lại bị hóc; bà còn kể là con bé cháu gái nào đó bạn của bà có tám cái răng, đồ ăn con bé đó tự nhai nên mình chỉ cần cắt sơ thôi là được, không cần băm nhỏ ra.

-Thôi không sao con à, con nít ăn rồi ọe là chuyện thường, mình đừng bắt bẻ làm gì cho mất tình thân nhe, con bỏ qua đi đừng nói với vợ con, nó lại cằn nhằn bà ấy mất vui.

-Con không cần nói đâu, vợ con cũng đã thấy hết rồi, cổ đâu có rời mắt khỏi Bambi, nên cổ đã lầu bầu bả rồi, con kể cho mẹ nghe để cho mẹ thấy là bà hay tự ý làm đủ thứ chuyện mà không hỏi tụi con là thằng nhỏ có ăn được không!

***

Một ngày cuối tuần tôi mời bạn bè đến ăn cơm chiều, đang xào nấu khói bay nghi ngút, mở cái fan để hút khói lên nên tiếng động ồ ồ, mãi mới nghe tiếng phone của Kay :

-Mẹ xin lỗi nhé, mẹ đang xào nấu đồ ăn nên không nghe con gọi, tiếng thằng con xấn ngang :

-Con phải kể cho mẹ nghe để mẹ còn nói con phải ráng chịu đựng hay bỏ qua nữa không nhé…

-Lại chuyện gì nữa? cãi nhau với vợ hả?

-Không phải mà là bà ngoại Bambi thấy cháu đi poo poo không chịu thay tã cho nó ngay mà bà nói phải chờ cho nó đầy thêm mới thay cho đỡ phí, bây giờ mông nó bị xưng tấy đỏ lên, mỗi lần rửa nó đau rát khóc quá trời thật tội nghiệp!

-Rồi vợ con có nói chuyện với bà chưa?

-Con muốn nói thẳng với bà, nhưng con lại sợ làm bà giận nên mới nói cho mẹ nghe trước, con bực mình quá, thà tụi con bỏ cháu vào nhà trẻ còn hơn để cho bà giữ, bà làm theo ý bà, mình nói gì cũng thật khó, sợ bà giận, bà mà không giữ cháu nữa ngay lúc này thì tụi con không thể nào tìm được chỗ gởi. Chúng con nhất định cho cháu đi nhà trẻ sớm hơn dự định vì mẹ thì còn phải có cuộc sống sinh hoạt riêng, không muốn giữ cháu 7/7, còn bà ngoại thì lớn tuổi, bà nghĩ gì làm đó, nạn nhân là thằng bé chưa biết nói, chả lẽ tụi con cứ phải đi theo canh bà hoài hay sao… Nếu con mà lên tiếng thì chắc lại mất hết cả tình… Mà cố chịu đựng thì tội cho thằng bé quá!

-Bà ngoại thương con cháu lắm, nên hãy nói với vợ con tìm cách nói chuyện với bà cho bà đừng giận…

-Không được mẹ ơi, mình nói gì bà cũng tìm cách phản hồi lại theo ý nghĩ của bà, rồi bà nói « mẹ tưởng…mẹ tưởng » … nước mắt ngắn dài kể công hồi xưa nuôi con bao cực nhọc mà bây giờ lớn lên lại nặng nhẹ với bà.

Rồi chuyện đâu cũng vào đấy, vợ chồng con tôi cũng nể bà ngoại, nên lại để bà trông cháu chiều theo ý nguyện của bà, nhưng lúc nào cũng để mắt theo dõi. Tôi không còn thấy thằng Kay phone lại bực tức điều gì nữa, nên cũng mừng, sinh hoạt với những thú vui riêng của tôi.

***

Đang tụ tập ca hát ăn uống nhà bạn, tôi nghe phone reng, thằng Kay gọi:

-Mẹ ơi, tuần tới và mãi về sau, mẹ canh Bamby luôn dùm tụi con có được không?

Tôi ngần ngừ lo lắng:

-…Tại sao thế? Bà ngoại đâu?

-Chúng con không còn tin bà ngoại nữa… Vợ con đang giận lắm luôn!

-Chuyện gì vậy?

-Con kể chuyện được không?… Hay chờ mẹ về nhà con mới kể?

-Ừm… để… sáng mai mẹ gọi lại con nhé, bây giờ chắc mẹ phải ở đây… chơi đến 12 giờ đêm!

-Sáng mai sao? Sợ trễ quá vì sáng mai mẹ phải đến con, trông cháu…

-… Sao gấp thế?

-Vì gấp nên con mới gọi mẹ giờ này, để mẹ còn sửa soạn…

-Hum… thôi được rồi, để mẹ sẽ về sớm và sáng mai đến con sớm trông cháu nhe.

-Vâng, con cám ơn mẹ.

Tôi ngồi lại nhà bạn tiếp tục cuộc ca hát nhưng trong lòng vẫn không yên, không biết chuyện gì xảy ra cho chúng nó mà tôi lại phải mang “gánh nặng” này vài tuần lễ đây. Tôi nghĩ chắc bà sui bị té hay đầu gối, bả vai bà bị lên cơn arthrose hành hạ đau đớn mà không bế thằng bé để ru ngủ được nên mới cần đến tôi.

***

Sáng sớm 6:30 khi mới mở cửa bước vào nhà, thấy hai vợ chồng đang hấp tấp người sửa soạn một bình sữa đầy cho cả ngày để tôi chỉ san vào chai mỗi lần cho cháu bú, kẻ thì làm cơm lunch để đi làm, chúng vừa làm vừa chạy nhặng lên xung quanh cái bàn bếp, lấy thứ này bỏ thứ kia.

Tôi chưa kịp lên tiếng hỏi cháu bé đâu, thì đã nghe tiếng nó khóc ré trong phòng mới thức dậy, tôi vội vàng lên tiếng:

-Các con cứ sửa soạn đi làm đi, tất cả để mẹ lo, mẹ sẽ thay tã, cho Bambi bú, đánh răng rửa mặt cho cháu…

Tôi vào phòng ngủ để bế cháu ra, mới nhìn thằng bé với mái tóc lởm chởm ngắn ngủn, chỗ lồi chỗ lõm thật tức cười, khuôn mặt ngố ra nhưng rất dễ thương, hai má bầu của nó nhô ra vì tóc cắt quá ngắn, tôi vừa cười vừa hỏi vọng ra bên ngoài:

-Các con mới cắt tóc cho Bambi đó hả, nhìn mặt nó…

Chưa kịp hết câu, Kay đã xuất hiện ngay ngưỡng cửa phòng, tức tối diễn tả:

-Mẹ thấy chưa, con gởi thằng Bambi cho ngoại trông để đi chợ, đã căn dặn bà tất cả mọi thứ, không ai có thể ngờ được là khi về nhà đã thấy đầu thằng nhỏ bị cắt trụi tóc rồi! Tụi con không muốn cắt tóc nó, muốn giữ tóc baby của nó đến một tuổi, vậy mà bà đã cạo trụi lơ, đã thế con cũng sợ rất nguy hiểm, bà cầm kéo một mình không ai trông nó lỡ đâm vào mắt nó thì sao chứ! Sao bà chả nói gì với tụi con hết mà tự ý làm thằng bé như thế, vợ con tức quá khóc um sùm, còn con thì sẽ không bao giờ nhìn mặt bà ấy nữa!

Tôi ái ngại, không biết nói gì hơn, chỉ an ủi con trai:

-Tóc con nít mau dài lắm, sẽ dài ra lại, chỉ sợ con nói không nhìn bà ngoại nữa thì …sau này ai sẽ trông cháu?

-Mẹ trông tạm thời vài tuần rồi chúng con sẽ tìm nhà trẻ cho cháu vào ạ.

Tôi lầm bầm:

-Vài tuần sao? Tức là mẹ phải ngủ ở đây đến vài tuần hả?

-Vâng!

Khi chúng ra khỏi cửa, một mình tôi ở nhà lo cho cháu, thằng bé ư ơ, hóng chuyện ghê lắm, cứ đứng trong cũi của nó gọi bà ơi ới mỗi khi tôi đi ngang qua phòng nó. Tiếng chuông điện thoại vang lên, đầu dây bên kia là tiếng khóc tủi thân xụt xịt của bà sui vì nhớ cháu, bà phân trần:

-Em coi đó, chị cắt tóc cho thằng nhỏ vì tóc đàng sau dài quá cổ, còn đàng trước thì gần đâm vào mắt, cho cháu ăn thì nó bốc đồ ăn chà lên đầy đầu hết, dính bết vào tóc, nên chị mới cắt lên cho nó sáng sủa, gọn ghẽ, với lại tóc baby phải cắt đi thì nó mới mọc dầy hơn được… Em thấy đâu quá ngắn đâu, mà tụi nó la hét um sùm, đứa thì khóc, đứa thì giằng phắt thằng bé trên tay chị lại, đôi mắt chúng nhìn chị đanh lại như kẻ thù, lại còn bảo không cho chị trông cháu nữa… Thật chị buồn quá, con cái đối xử bất hiếu với bố mẹ!

Tôi từ tốn giảng giải:

-Chị ơi, tụi nó nhờ mình trông cháu và cho ăn, thì mình chỉ làm việc đó thôi, chứ chị cắt tóc thằng bé thì em thấy… hơi hơi kỳ đó!

-Hồi xưa mình nuôi tụi nó từ nhỏ xíu, mình nói cái gì, làm bất cứ điều gì cho tụi nó tốt thì mình làm thôi, mà cắt tóc có gì là ghê gớm đâu chứ, nó sẽ mọc lại, tại sao đối xử với tôi như thế chứ, đồ con cái bất hiếu!

-Tụi nó được sanh ra lớn lên bên này, cái gì riêng của tụi nó là mình không được tự ý chạm vào nếu không có sự cho phép của tụi nó, chị nghĩ chúng là con cháu mình, muốn làm gì cũng được là không phải rồi. Chị biết không, thằng Kay nhà em phòng của nó em cũng chỉ vào dọn khi nó mở cửa thôi đó, chứ không bao giờ tự động xé thư của nó xem, hay vào phòng nó vứt đồ đạc theo ý muốn của mình được, cho dù mình thấy ngổn ngang dơ bẩn cũng không dám vứt…

-Tôi không thể tưởng tượng được chúng lại trừng phạt tôi, không cho tôi gặp thằng Bambi, không cho tôi trông nó, tôi đã lớn tuổi rồi, sống không biết còn bao lâu nữa, nếu tôi có “sao” thì hãy đừng đến viếng tôi luôn! Đúng là con cái mất dậy!

-Em sẽ từ từ khuyên chúng chị nhé, chị đừng buồn, hãy nghỉ ngơi cho khỏe, em sẽ cho chị biết tin sau ạ.

Biết bà sui là người có tâm tốt, muốn làm điều thiết thực cho con cháu, nhưng sự suy nghĩ của bà không còn hợp với lối sống của giới trẻ hiện nay; khi lập gia đình chúng đã ra riêng là vậy, muốn có cuộc sống riêng, tự lập của mình, cho dù làm cha mẹ cũng không thể ép con theo ý mình như thời phong kiến cổ xưa. Nhiều lúc họp mặt gia đình đông đủ, tôi thấy bà ngoại bế cháu nhét cho thằng bé ăn những thứ từ miệng bà, cho cháu bú buổi tối bằng vú của bà để nó đỡ khóc đòi mẹ, và tập cho nó quấn quít với bà như với mẹ nó vậy! Những điều này tôi thấy rõ nhưng không dám hở môi sợ gây xích mích phiền phức, cũng định bụng chọn thời cơ nói cho bà biết, chưa gì hết mà chuyện cắt tóc đã rùm beng cả hai họ.

***

Con trai và dâu tôi nói là làm, chúng nó đã đăng ký được một nhà trẻ ngay trước cửa nhà, nơi đây họ canh khoảng sáu cháu bé từ mười tháng đến bốn tuổi. Ban đầu chúng muốn để cháu hai tiếng một ngày cho quen, rồi từ từ mới tăng dần số giờ lên.

Ngày đầu đưa cháu vào nhà trẻ, thằng bé được dụ chơi đồ chơi với các bạn, con dâu và tôi từ từ rút lui khỏi đó không cho cháu biết. Vừa bước được vài bực cầu thang đã nghe tiếng hét khóc ré thất thanh của nó, tiếng cô giữ trẻ vỗ về cháu, tiếng khóc nức nở đau khổ lần đầu tiên ở ngôi nhà lạ một mình, xa mẹ …làm tôi và con dâu không thể nào cầm được nước mắt. Đứng trước cửa một lúc tiếng khóc cháu vẫn không ngưng, chúng tôi đành phải bấm bụng bỏ về nhà mà lòng bồn chồn lo lắng khôn nguôi.

Hai tiếng trôi qua, cô giữ trẻ phone gọi chúng tôi đến đón, thằng bé mặt mày đỏ au, mũi dãi thòng lòng, mắt xưng lên vì khóc không ngừng, cô ta nói:

Phải chịu như thế trong vòng một hai tuần đầu, rồi các cháu sẽ quen với môi trường, bạn bè mới, chứ giữ ở nhà lâu ngày quá thì khi lớn lên sẽ rất khó cho chúng đi học trường, ra ngoài xã hội… Hy vọng ngày mai sẽ bớt khóc hơn.

Từ ngày cháu Bambi được gởi nhà trẻ, tuy chỉ có hai tiếng một ngày thôi, cũng làm hai vợ chồng Kay suy nghĩ lại về tình mẫu tử, tôi phân tích thêm vào:

-Bà ngoại rất yêu cháu, vì quá yêu nên bà muốn làm từ việc nhỏ đến việc lớn cho cháu, ví dụ mua giày dép, quần áo, làm đồ ăn cho cháu, giã gạo nấu cháo, hầm gà với khoai tây cà rốt gởi cho mẹ đem tới, sợ thằng bé không cao bằng những đứa bản xứ nên bà cứ căn dặn mẹ phải ép cho Bambi ăn những thứ bà làm mới đủ chất bổ. Mẹ biết bà có làm lỗi cắt tóc thằng bé khi không nói trước cho các con, nhưng chả lẽ vì lỗi ấy mà các con từ bà ấy luôn hay sao?

Con dâu tôi nói:

-Không phải từ bà đâu, mà con muốn để cho mẹ con có thời gian suy nghĩ về chính mình, vì từ lúc con sanh ra đến giờ, cái gì của con tức là của bà, tất cả mọi thứ bà đều muốn quán xuyến, nhúng vào; bây giờ con đã có gia đình của con, con của con, con có quyền quyết định chứ không phải là bà nữa, con muốn bà phải có cái suy nghĩ ấy nên mới ngưng nói chuyện với bà một thời gian, chứ con cũng bỏ qua rồi chuyện cắt tóc thằng bé.

-Mẹ nghĩ bà cũng đã hiểu ra nhiều, mẹ đã nói chuyện với bà, bà không muốn xa con cháu thì bà phải thay đổi theo lối sống của các con thôi. Ngày mai là sinh nhật của ba của con, hãy về nhà, coi như không có chuyện gì xảy ra cả, đem thằng Bambi theo, đã lâu bà chưa nhìn cháu, chắc bà sẽ vui mừng lắm đấy!

***

Tôi nhận được cái clip ngắn qua messenger do Kay gởi: cháu bé Bambi đang ngồi trên hai chân bà ngoại, bà đưa nó lên cao lại hạ xuống thấp, tiếng thằng bé cười giòn tan, nó thích chí cứ ơi ơi vỗ tay, bắt bà phải làm cái cầu dập dình đưa lên đưa xuống cho nó mãi.

Tôi biết cái đầu gối bà bị arthrose đau lắm, nhưng vì “tương tư” thằng cháu Bambi cả tháng nay nên bà đã phải cắn răng chịu đau.

Bà xiết lấy Bambi:

-Thằng chó! Cả tháng nay bà chật vật, nhớ mày còn hơn nhớ người yêu của bà hồi xưa nữa đấy!

Tay bà ẵm cháu ngủ ngoan,
Ru câu mộc mạc chứa tràn ước mong.
Mai sau cháu lớn thành công,
Chữ hiền cháu viết… là lòng bà trao.


Sỏi Ngọc

(Montreal, 2025)

No comments:

Post a Comment