Người đàn bà với tay kéo tấm bạt vải phủ hai mặt bàn thấp và lổng
chổng mấy cái ghế úp lại phía trên. Buổi chiều tháng chín nhả vài vệt nắng vàng
sậm trên mấy lùm cây mắm khẳng khiu mọc hoang dại bên hông. Căn nhà chia làm
hai, phía trên mặt lộ làm quán lộ thiên, phần còn lại là căn nhà sàn nằm doi ra
mặt bờ kinh Cụt. Mặt quán cũng được biến dạng mỗi ngày. Sáng có cà-phê, hàng
xôi và thuốc lá. Buổi trưa là quán cơm bình dân cho đám khách hàng chợ Giữa, đến
từ các huyện xa xôi. Tối đến, chỉ còn vỏn vẹn thùng thuốc lá bán lẻ. Tất cả
sinh hoạt biến dạng dưới bàn tay của người đàn bà và đứa con gái nhỏ. Người ta
nhìn thấy trong đôi mắt nâu đen của hai má con in đậm hình ảnh căn nhà chật chội,
bày biện lượm thượm những ghế bàn buồn bã, lạnh lùng. Bóng dáng người đàn bà và
bếp lửa áo cơm, vẫn không đủ vẽ lên khung cảnh đầm ấm của một gia đình. Đứa con
gái mười bốn tuổi, giống má, lầm lũi như chiếc bóng trong nhịp đời hờ hững.
Tiếng chim chài-chài gọi chiều văng vẳng dọc bờ kinh quen thuộc. Người đàn bà ngồi lặng lẽ, đếm những tờ giấy bạc nhăn nheo bỏ vào chiếc hộp thiếc trốc sơn, cũ kỷ. Dáng dong dỏng cao, người đàn bà chừng như nhốt cả cuộc đời trong những bước chân rời rạc, nặng nề. Tóc cắt ngắn, lưa thưa trên khuôn mặt xương dài, khó đoán được tuổi của người đàn bà. Trên năm mươi cũng không quá đáng, dưới bốn mươi cũng không chừng. Thỉnh thoảng, người đàn bà đứng thẩn thờ nhìn lên khung hình nhỏ treo sau góc cột, lẫn lộn với những tấm lịch thời trang cũ trên tường. Bức ảnh bán thân của người con gái đẹp, có đôi mắt buồn xa xăm và mái xỏa dài đen mượt. Bụi thời gian chưa làm hư mờ màu ảnh, mà sóng cuộc đời đã xô dạt bao biến động của người xưa.
- Má à, con dọn cơm xong rồi. Má vô ăn đi, để nguội.
Tiếng gọi má của con, nhắc người đàn bà trở về thực tại. Bà ngồi xuống bàn, so đủa và đở lấy chén cơm từ tay con. Tô canh rau dền nấu tép và diã thịt nạc kho tương để trước mặt là những món ưa thích, mà bà cũng chẳng mấy để tâm. Gió buổi chiều trở lộng, mang theo hơi nước dìu dịu của dòng kinh. Đứa con gái miệng nhắc má ăn, tay gắp từng nhúm rau miếng thịt bỏ vào chén cho bà. Chậm rãi, người đàn bà nhai đều thức ăn trong miệng như đang nhai lại bao nỗi lòng, bao hình ảnh chập chờn của quá khứ. Thỉnh thoảng, có vài chuyến ghe lưới trễ về ngang, bà ngừng ăn, đưa mắt dõi theo buồn bã.
Chợt có tiếng nhừa nhựa, ồn ào của đàn ông và tiếng cười rú lên của đứa con gái vọng vào. Người đàn bà hốt hoảng, bật dậy, đánh rơi đôi đũa xuống sàn nhà. Không đợi, đứa con gái đứng dậy, chạy nhanh ra cửa.
- Không phải ba về đâu má, để con lấy đôi đủa khác.
Ngực nằn nặng, nhói đau, người đàn bà cố nuốt từng miếng cơm nhệu nhạo, khó
khăn. Dù không phải hắn, nhưng làm sao bà quên được những tiếng cười rú nham nhở
đó. Đã quá nhiều lần và dù đã lâu, mà bà vẫn còn ghê tởm, thù ghét. Lúc con Yến
mới vừa thôi bú, đang tập ăn bột bích-chi và cháo nấu lỏng thì hắn, Bảo kinh Cụt,
chồng bà bắt đầu phất lên. Nhà nước bỏ cách làm ăn tập thể, hợp đồng với tư
nhân. Kinh tế thị trường mở rộng mang theo nhiều tệ nạn xã hôi mà chế độ bao cấp
chưa chuẩn bị thay thế... Có chuyến ba ngày, có chuyến tuần lễ, chiếc ghe của Bảo
lần nào về bến cũng đầy ấp cá, tôm. Phần bán hợp đồng, phần lọt mối chui, chẳng
bao lâu hắn mua tàu đánh cá lớn, trang bị hiện đại. Một rồi thêm chiếc thứ hai.
Căn nhà lá xập xệ thành căn nhà ngói, thềm tráng xi-măng. Hắn đi biển thì thôi,
lần nào về bến, nhà cũng đầy khách khứa, nhậu nhẹt ngày đêm. Công chuyện làm ăn
của chồng, bà muốn hết lòng chăm lo, ủng hộ phía sau, cho thuận vợ thuận chồng,
tát biển Đông cũng cạn. Người đàn bà chỉ mong như vậy, từ lâu. Từ ngày bỏ cả việc
làm, để về làm vợ của Bảo. Cô sinh viên một thời, trưởng phòng bưu điện huyện,
Nguyễn Thị Ánh. Nàng tiên nga của lớp 12C, hoa khôi trường phổ thông cấp 3 huyện.
Bạn bè quen thân giờ đây gặp lại, nhìn không ra. Nhắc lại, sững sờ, chỉ còn biết
ôm lấy nhau đầm đìa nước mắt. Còn đám bạn bè khác, trước thường ghen tị, nay được
dịp thỏa mãn tự ái và làm ra vẻ thương hại. Tấm tuồng đời, thường tình, đâu
cũng vậy. Nước mắt rồi cũng khô, chịu đựng rồi cũng quen. Trước mắt còn lại là cuộc
đời phải sống, gia đình phải lo và đứa con gái cần có tình thương của má. Cánh
cửa cuộc đời tự nó, chẳng khép lại với ai. Nhưng với người đàn bà đó, là sự tự
nguyện, đóng kín. Để phải sống, cho con, cho những bóng mờ quá khứ và cho cả
thói quen đấp đổi qua ngày...
Người đàn bà không thể nào quên được những cơn đau đớn và những mũi thuốc trụ
sinh hoành hành cơ thể, không đứng dậy nổi. Nhưng cũng từ đó, vết ung mủ của thể
xác đã lan tràn, ăn sâu vào tâm hồn bà như chứng di căn ác tính. Ghê tởm chồng
bao nhiêu, người đàn bà cũng ghê tởm chính mình bấy nhiêu. Chứng bệnh sinh lý
lây qua từ chồng đã giết đi con người bà từ thể xác đến tinh thần. Người đàn bà
suy xụp chỉ còn xương bọc da. Tóc rụng từng lọn, da mặt nám khô từng dề bởi sự
dị ứng của việc dùng thuốc trụ sinh không liều lượng nhất định, bừa bải.
Chỉ vài tháng sau, người đàn bà đập nát mấy tấm gương soi trong nhà. Bà kinh hải
mỗi khi phải đối diện với trong mọi sự phản chiếu hình bóng của chính mình. Hiện
tại là vũng đau nhức không cùng và ngày mai lại là bãi lầy của những vùng đau đớn
khác. Hắn thề sống thề chết sẽ chừa chơi gái. Được đâu đôi ba tuần, hắn lại tìm
đến xóm chị em. Nhưng lần nầy hắn dẫn gái về tận nhà, trên giường ngủ của vợ chồng
hắn. Lý do, hắn giải thích, chỗ chứa gái dơ và nhiều xui xẻo... Những đêm đó,
người đàn bà chợt giấc vì tiếng nhừa nhựa đầy rượu của hắn và tiếng con gái cười
lanh lẻo. Cửa mở, hắn cặp tay đứa con gái tuổi không quá hai mươi, lớn tiếng:
- Tối nay tao và em Hà đây, ngủ nhà. Bà chịu khó bồng con xuống nằm cái chỏng dưới bếp.
Người đàn đứng chết lặng, miệng đắng khô và tay chân lạnh cứng.
- Bộ điếc hả, đi lẹ đi. Hay đợi tao tống cổ xuống dưới. Hết cả đêm của người
ta!
Người đàn bà nằm ôm chặc con trong lòng, đôi mắt khô cứng trừng trừng vào lòng
đêm sâu. Tiếng hôn hít, cười cợt của hắn và đứa con gái vọng ra rõ ràng từng tiếng.
- Vợ con gì đâu nhìn mà phát chán. Mình mẩy chỉ toàn là xương sườn, khô đét. Ớn đến cầm cổ... chớ đâu có mịn màn, tươi mát như em.
Đầu óc căng cứng, người đàn bà buông lỏng con ra và ngồi bật dậy. Sự chịu đựng đã vỡ, niềm oán hận tràn bờ, người đàn bà xô mạnh cửa buồng ngủ. Bên trong là tiếng thở dồn dập, hổn loạn của hắn và tiếng cười rúc rít của đứa con gái. Cả hai đang trần truồng, hốt hoảng, ngồi bật dậy, hắn chợt định thần thấy vợ, hét lớn:
- Bà làm gì xấm xác vô đây. Bộ điên rồi à... Đồ vợ con mất dạy!
Hắn vừa nói vừa lôi cánh tay vợ đẩy ra. Người đàn bà gằn lại, mắt trừng nhìn hắn trần truồng khinh bỉ. Bất ngờ, hắn cung tay đấm thẳng vào mặt vợ. Thân thể ốm cao chúi về phía sau, ngả quị. NgườI đàn bà nghe đau buốt, tối tăm một bên mặt. Cánh cửa đóng sầm, không ráng gượng dậy được, người đàn bà đành xuôi tay nằm trên sàn nhà lạnh giá. Một thoáng lặng yên, rồi những tiếng động hổn hển vọng ra cùng tiếng khóc của đứa con gái nhỏ giật mình thức giấc, vọng lên từ dưới bếp. Cố đỡ tay một phía bên mặt, người đàn bà nương vách đứng dậy, lần tay đi về phía tiếng khóc tối tăm của con mình. Đêm không trăng, dòng kinh Cụt lạnh đen xuôi về cửa biển mù khơi.
2.
Bốn năm đại học thoáng qua,
giả từ đời sinh viên nàng bắt đầu bước vào cuộc đời bằng nhiều cánh cửa may mắn.
Bằng đại học bưu điện chỉ là mảnh giấy cầm tay, như những công lệnh đi đường của
bao nhiêu người khách bộ hành khác trong guồng máy hành chánh mang tính đoàn thể,
đảng quyền. Nhưng với Ánh, nhan sắc mặn mà của nàng mới chính là chiếc chìa
khóa vạn năng mở toang bao nhiêu cánh cửa địa vị khác trong xã hội. Cuộc phỏng
vấn chỉ toàn là những lời khen ngợi bóng gió, bâng quơ. Trưởng ban nhân viên kiểm
soát bưu phẩm rồi trưởng phòng bưu điện huyện trong một thời gian ngắn. Thật ra
thì công việc của Ánh là ra vào động viên nhân viên bưu điện bằng những nụ cười
và thay mặt huyện đi họp tỉnh mỗi tháng vài ba lần. Các buổi tiệc tùng, liên
hoan của cơ quan bạn, ủy ban hành chánh huyện tỉnh đều mời cho bằng được sự hiện
diện của nàng. Chung quanh Ánh biết bao cuộc tình mời gọi. Từ mấy anh đồng nghiệp,
thanh niên hàng xóm đến các tên trưởng phòng địa phương. Trong đó, người gây
nhiều cảm tình cho Ánh là Tuấn, bác sĩ trẻ tuổi, làm bên bệnh viện đa khoa, đối
diện phòng bưu điện. Chiều nào Tuấn cũng đợi Ánh về, chạy theo sau chuyến xe
lam hoặc dạm hỏi, cho nàng quá giang. Đoạn đường bốn năm cây số, những chuyến
xe lam lại ngày một thưa bởi xăng dầu ngày càng hiếm và đồng lương trưởng phòng
của Ánh cũng chỉ vừa đủ cho buổi ăn trưa tập thể và hai chuyến xe đi về. Tuấn
cũng mới ra trường, đang tập sự, tính tình phóng khoáng và dễ nhìn. Ở tuổi hai
ba, không còn những mơ mộng viễn vông nữa, mà Ánh phải chuẩn bị chuyện ở đời,
duyên nợ. Bạn bè chung quanh thì thầm “kết” nàng và Tuấn.
Bến Trống chạy dài theo bãi sông, nối liền với biển mặn. Dọc bờ là rừng mắm, loại cây thân võ khô, rễ tủa lên trên mặt đất bùn non. Bến Trống không đẹp nhưng là nơi lý tưởng hẹn hò, gió lộng quanh năm. Ánh ngồi chụm gối, đôi mắt đẹp dõi xa xăm khoảng trời xanh nhạt cuối ngày. Bên cạnh, Tuấn xiết chặc tay người yêu và thỉnh thoảng, không ngăn được tiếng thở dài dấu trong lồng ngực. Thời gian hờ hững, trôi chầm chậm chung quanh... Đã bao lần hò hẹn, nhưng Ánh vẫn không cảm nhận được sự rung động của mình bên Tuấn. Nàng vẫn thờ ơ, cứng ngắc trong vòng tay. Những nụ hôn trên mắt, trên môi của Tuấn chỉ là đốm lửa tàn nhanh chóng, thoáng qua. Bao mơn trớn thể xác, tuyệt nhiên không để lại dấu vết gì trong xúc cảm của người con gái. Mọi cố gắng cũng thừa. Mọi đánh lừa cảm giác cũng dửng dưng, tội nghiệp. Chừng như không chỉ có Ánh, mà Tuấn cũng cảm nhận điều nầy.
- Anh yêu em hơn tất cả mọi thứ trên đời. Em hiểu điều nầy... Anh sẽ ở lại,
cùng em, chấp nhận thử thách của hạnh phúc và khổ đau trước mặt. Hoặc em sẽ
cùng anh đi khỏi nơi này, vào một cuộc phiêu lưu không định hướng. Có em, anh
tin vào ngày mai, tin vào mọi rủi may số mệnh.
Tuấn cố gắng trong cơn mê đồng bóng. Người con gái cúi đầu, cố nhìn sâu vào tận
đáy lòng mình. Không hiểu. Mối tình Tuấn dành cho nàng như một thứ đá quý đặt
trước mặt người đang bơ vơ, thất lạc trên sa mạc mênh mông không điểm tới.
Nhưng thứ đá quý đó không phải là những ngụm nước.
- Anh phải làm gì để được tình yêu của Ánh ?
- Anh không cần làm điều gì khác hơn, mà anh đã dành cho em. Có lẽ mình có duyên mà không nợ. Anh hãy tha lỗi cho Ánh.
Và, không hiểu sao thốt lên điều đó, niềm ân hận tràn ngập lòng nàng. Trái tim khốn khổ của Ánh đang đập những nhịp ngược lại tầm nhìn trong tâm tưởng. Tình yêu không thể hiện diện với niềm ân hận. Người con gái đang nói lên sự thật đầy mâu thuẩn lòng mình. Phải chăng chính điều nầy đã làm nên định mệnh của mỗi con người chúng ta?
Vài tháng sau, Tuấn xin chuyển công tác đi nơi khác. Buổi chia tay lặng lẽ, Tuấn
đưa lại cho Ánh khung ảnh bán thân của chính nàng tặng Tuấn những ngày mới
quen. Hôm đó, Ánh khóc thầm cả
đêm.
Gặp
lại Bảo, Huỳnh Thanh Bảo bạn cùng lớp, tình cờ ở ty bưu điện tỉnh. Bảo đang sắp
hàng gửi thư bảo đảm. Mới hơn bốn năm mà Bảo sững sờ nhìn Ánh, vừa bối rối vừa
mừng rỡ. Ngược lại, Bảo cũng thay đổi nhiều, cao lớn, chững chạc và đẹp dáng
đàn ông hơn xưa. Bao nhiêu kỷ niệm học trò, trường lớp chợt hiện về như mới hôm
qua. Câu chuyện kéo Ánh và Bảo từ buổi tình cờ gặp gỡ đến những lần hẹn nhau quán
nước bên đường... Bảo chợt hỏi Ánh về việc làm, đời sống nhất là hoàn cảnh gia
đình. Ngập ngừng, Bảo hỏi thêm rằng, nghe bạn bè nói Ánh đã lập gia đình với
ông bác sĩ bên bệnh viện huyện. Ánh vừa cười vừa xoà hai bàn tay trơn trống,
“đâu được cái may mắn như lời đồn đãi”. Bảo vui mừng hẳn lên và cho biết
đang làm cho công ty thủy sản. Cũng như nàng, Bảo than phiền về công việc tù
túng, đồng lương khó khăn và những nhảy vọt của nền kinh tế chợ đen. Bảo
chuẩn bị làm ăn riêng, trở lại ghề đánh cá biển truyền thống của gia đình. Mặt
biển bao la, một cuộc sống phơi phới tự do không ràng buột vào những qui tắc cơ
quan, đoàn thể phiền toái. Không biết tự lúc nào, Ánh bị lôi cuốn vào những dự
tính và mơ ước của Bảo. Trước mặt Ánh không còn là người học trò rụt rè, bẻn lẽn
ngày nào mà một thanh niên tư tin và nhiều ước vọng.
Buổi chiều đi dọc theo ven bờ biển thị xã, Bảo cầm đôi bàn tay và cúi hôn thật
nhanh lên môi Ánh. Lần đầu tiên nàng thấy chơi vơi, niềm xúc cảm chạy rần cơ thể.
Để lúc chia tay, nụ hôn Bảo lâu hơn quyện trên đầu lưỡi hôn trả của Ánh nồng
cháy. Suốt cả đêm Ánh trăn trở và chập chờn cơn mộng mị trong vòng tay say đắm
dục tình của Bảo. Không mặc cảm xấu hổ, ngược lại, Ánh háo hức để được gặp lại
Bảo ngày mai. Chưa bao giờ, tâm hồn nàng lại bâng khâng và thân thể ngây
ngất, đợi chờ như vậy. Ánh biết mình đã bắt đầu yêu Bảo thiết
tha.
3.
Buổi sáng trời mờ sương và ẩm thấp. Nước kinh Cụt dâng cao, ngầu đục sau trận mưa rào đêm qua. Người đàn bà kéo thẳng hai tấm khăn trải bàn màu vàng nhạt treo lên sào và kẹp lại ở hai đầu. Mấy giọt nước nhiễu xuống từ góc khăn, theo chiều gió, rơi xuống mặt sông những vòng bóng nước. Đàn cá ròng-ròng đÁnhg lội ngược dòng, chợt tưởng mồi, lao vào hớp bóng. Người đàn bà ngồi sệt xuống sàn ván lở, thờ thẩn dõi theo mấy cụm lục bình trôi dạt trên sông. Phận đời rễ nước, lênh đênh về đâu khi dòng sông xuôi lòng biển mặn... Tất cả chung quanh chừng như không có gì thay đổi. Căn nhà, dòng sông, bến nước và những cuộc đời lặng lẽ ở đây. Người đàn bà chợt rùng mình, nhớ lại những giấc mộng trong đêm. Gần đây bà thường nằm mơ. Nhiều giấc mơ ngắn ngủi, nối chấp, trộn lẫn vào nhau bao hình ảnh hổn loạn. Chỉ còn lại những khuôn mặt hiện ra thật rõ, thật quen thân mà dù cố gắng, bà vẫn không nhớ được cái tên ! Họ là ai mà với bà trên chuyến xe lam? Họ là ai mà đi chung cùng đoạn đường, có hàng cây bạch-đàn và dưới cổng trường gạch đỏ? Cái đầu bé nhỏ, u muội của bà như có muôn ngàn mủi kim và hàng vạn con vòi lúc nhúc đục phá, vỡ tung... Chẳng lẽ bà còn phải chịu đựng đến hết một đời. Mười năm, hai mươi năm hay cả ba bốn mươi năm trước mặt. Yến đang ý thức dần dần những gì xảy ra cho má nó. Đứa con gái ở lứa tuổi mới lớn, tuổi chuẩn bị đâm chồi cho bao mộng ước ban đầu. Xã hội chung quanh hổn loạn, quan hệ gia đình nhầy nhụa, xót xa. Yến sẽ còn lại gì vun bón cho những mần non hy vọng, rễ bám vào đâu giữa bao ung nhọt, cáu bẩn bủa vây. Thấy gì đây, mười mấy năm đời bà là những bóng nước thoáng chốc, vỡ tan. Thỉnh thoảng trên đường ngoài chợ hoặc vài khách bộ hành ghé quán thì thầm với nhau, “Chị Ánh, chị Nguyễn Thị Ánh, trưởng phòng bưu điện huyện mình hồi trước đó”! ‘”Thật sao ? Nghe nói chị ấy là người đẹp cả huyện mà”, rồi tất cả chợt lặng yên hồi tưởng, nuối tiếc... Hàng xóm chung quanh kinh Cụt gọi người đàn bà là "bà Sáu quán". Cô nữ sinh lớp 12C Nguyễn Thị Ánh ngày xưa đã chết, đã vĩnh viễn ra khỏi kiếp đời nầy.
Người đàn bà mệt mõi gượng đứng dậy, đôi mắt mờ dại thường ngày chợt đanh lại, lạnh bén. Thò tay vào túi áo bà ba xanh bạc màu, người đàn bà nâng nê trong tay gói thuốc bột diệt chuột cực mạnh. Tháng trước nhà nước phát động phong trào diệt chuột đang hoành hành cùng khắp tỉnh thành. Họ cấp phát cho mỗi hộ gia đình những bịt thuốc bột loại cực mạnh, trộn vào thức ăn làm mồi. Chuột chết cùng nhà, khắp cả xóm phường, gom thành từng đống. Bà đã giữ lại, gói kỷ càng, cất riêng cho mình. Mãi đến hôm nay, người đàn bà mới quyết định xữ dụng gói bột. Cho chính cuộc đời mình. Cho người đàn ông, bà một thời yêu tha thiết. Và trên hết, cho ngày mai đứa con gái, nắm ruột xót xa và cả một phần đời của bà còn lại. Tự ban đầu, bà chỉ nghĩ đến người đàn ông đã xô đẩy đời má con vào vũng bùn lầy của địa ngục trần ai. Nhưng khi nhìn đưa con gái đang sống lặng lẽ bên cạnh, bà không thể chỉ dừng lại ý định đó nữa. Rồi bà sẽ làm được gì cho đời sống nó ? Hay cũng thay thế vũng lầy đời nầy bằng bóng tối bao la khác. Con ơi, hãy tha thứ cho má. Người má suốt đời chỉ ước mơ cho con có được trọn một nụ cười. Gói thuốc bột dư để bà và chồng cùng tìm giấc mơ an lành, vĩnh viễn. Để trả lại hết cho cuộc đời nầy những giấc mơ đầm ấm, yên vui. Để cho con bà có lại những mộng mơ một thời con gái; một hạnh phúc ngày mai mà sự hiện hữu của bà là màn đêm phủ tối, là tiếp nối cơn ác mộng đời sau... Người đàn bà đã gửi con gái về bên dì của nó, chuyến đò sáng sớm hôm nay. Trong bọc hành trang của Yến, bà đã cẩn thận gói ghém đôi bông tai ngày cưới, món tiền bà dành dụm lâu nay và khung hình bán thân thời con gái.
Mặt trời đã lên khỏi hàng cây mắn mọc hoang dại dọc bờ kinh. Người đàn bà mồi bếp
lửa, hâm lại xoong thịt kho tiêu ưa thích của chồng. Chậm rãi, bà rắc gói thuốc
bột vào xoong. Mùi thịt kho tiêu vẫn bốc lên thơm nồng. Bên trong nhà vọng lại
nhiều tiếng động quen thuộc, chồng bà đã tỉnh rượu, thức giấc. Người đàn bà cúi
xuống, tay quậy thật đều mấy miếng thịt kho và những giọt nước mắt tuôn tràn từ
khuôn mặt méo mó, lạnh tanh của bà. Tiếng con chim chèo-bẽo từ đâu bay về,
chợt cất lên não nuột, văng vẳng dọc bờ kinh...
4.
Người đàn ông ngồi chết lặng, nuốt trọn từng lời của người con gái mang nét đẹp quen thuộc, dịu hiền trước mặt. Cổ họng ông tắt nghẹn, cảnh vật chung quanh mờ nhạt một màn nước phủ vây. Ông cố ngước mặt lên trần nhà, trách phải đối diện với người con gái cũng đang gục đầu thổn thức bên kia. Không gian bơ vơ, đặc sệt những hình ảnh của quá khứ, không thuộc về họ. Mùi hương thoảng lan xa từ ba nén nhang thắp trên bàn thờ của hai bức ảnh quen thân, trong bao la quá khứ mịt mùng. Khói hương dĩ vãng cuốn những vòng xoáy thực tại bơ vơ dòng nước mắt vô tình. Khung ảnh bán thân màu trắng đen của người thiếu nữ trên mặt bàn, thơ ngây nhìn ông trong nụ cười không tắt.
- Ước mơ trên hết và cuối cùng của má cháu, là trao lại được bức ảnh nầy đến tận
tay bác. Bây giờ, chắc hồn má cháu vẫn ở quanh đây và đang mĩm nụ cười mãn nguyện.
Giọng người con gái chợt mừng, chợt tủi. Người đàn ông vẫn lặng yên, không tìm
được ngôn ngữ gì để thắp lên câu chuyện. Căn phòng nhỏ, bày biện đơn sơ nhưng
ngăn nắp, sáng sủa và ấm áp. Khung cảnh hạnh phúc của một gia đình trẻ. Tất
cả đã đổi thay. Những đổi thay chừng như theo đúng qui luật tuần hoàn của vạn vật.
Con người cũng không nằm ngoài phạm trù đó. Trong sự phát triển chóng mặt của nền
kỷ thuật toàn cầu, xã hội chừng như bị cuốn hút theo chiều thẳng đứng của thời
gian. Mặt tốt đẹp cũng nhiều, nhưng những xấu xa, tệ trạng cũng không phải ít.
Ông đã chứng kiến và nhận thức rõ bao biến đổi chung quanh. Những nuối tiếc,
hoài niệm của quá khứ không đủ để khước từ và chối bỏ những đổi thay của đời sống
chung quanh. Như khung cảnh gia đình nhỏ của Yến, ngăn nấp và ấm áp. Sự sống và
hạnh phúc đôi khi không phát nguồn từ những cảm nhận và phán đoán bên ngoài. Mà
từ bên trong, trong mỗi trái tim và niềm hạnh phúc riêng tư của chúng ta. Ông cũng
không ngoại lệ, chỉ là kẻ đứng bên ngoài, ngắm nhìn hạnh phúc, khổ đau của người
ngoại cuộc. Có lẽ đây là tất cả những gì ông có thể làm được cho Yến... Đôi mắt
cay cay, trũng nước ông chợt nghe có tiếng khóc trẻ con vọng ra từ phòng phía
bên trong.
- Con trai đầu lòng của cháu, vừa được tám tháng. Để cháu vào bồng ra chào bác.
Người con gái vừa dợn bước đi, chợt quay lại hỏi nhanh: - Chừng nào bác Tuấn trở về Mỹ?
Ông chưa kịp trả lời, thì người con gái đã bước vội vào trong. Bên ngoài cửa sổ,
trời nắng tháng năm rực vàng, chói chang. Ông cảm nhận đâu đây mùi nắng gió của
bãi rừng mắn, mọc hoang du dọc theo bờ biển bùn mù khơi. Chừng như có ánh mắt
ai thầm lặng, đang dõi theo con sóng nhỏ, xô dạt trăm năm cuối tận nhánh sông
dài:
Sông này chảy một dòng thôi.
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông... (Phạm Thiên Thư)
Nguyễn Vĩnh Long
Durham, North Carolina
No comments:
Post a Comment