Cô Flaviane Carvalho cho xem tờ giấy viết mấy chữ “Cháu cần giúp gì không?” trên trang mạng gây quỹ GoFundMe để giúp em trai bị hất hủi. (GoFundMe)
Người Mỹ không những thương yêu
con mình mà còn quý con cháu người khác nữa. Thấy một trẻ em có vẻ lâm nạn, thì
phải cứu. Đó là câu chuyện một cô chạy bàn ở Orlando, Florida.
Cô Flavaine Carvalho chạy bàn ở quán “Bà Khoai Tây” (Mrs. Potato). Bữa đầu năm,
cô tiếp một gia đình đến ăn trưa. Cả nhà gọi món ăn, nhưng không đặt món nào
cho một cậu bé. Cô Carvalho hỏi tại sao, người bố giải thích rằng đứa con sẽ về
ăn ở nhà. Nhưng khi nhìn đứa bé im lặng với bộ mặt buồn bã, cô chăm chú quan
sát. Cô nhận thấy những vết trầy sước trên trán và đuôi con mắt, vết bầm trên
cánh tay.
Cô Carvalho có thể bỏ qua chuyện này, chỉ lo việc hầu bàn của mình thôi. Nhưng
lương tâm cô bảo không được. Không thể để cho một đứa bé có vẻ bị hất hủi, đang
đau khổ như thế, mà không tìm cách giúp. Cô viết mấy chữ lớn trên một tờ giấy
nho nhỏ: “Cháu cần giúp gì không?” (Do you need help?). Cô nâng tờ giấy lên, cố
ý cho em bé trông thấy, khi cô đứng đằng sau bố mẹ cháu. Cô làm như thế ba lần,
những lúc mang các thức ăn ra bàn. Lần thứ ba em bé mới gật đầu.
Carvalho bèn gọi cho cảnh sát. “Tôi thấy một đứa bé có vết bị đánh đập. Nó
không ăn gì cả. Tôi lo quá sức, nhưng không biết làm sao! Các ông bà bảo tôi phải
làm gì?”
Cảnh sát tới, gọi em bé ra hỏi chuyện. Em bé khai vẫn thường bị ông bố ghẻ
đánh. Có lần em bị trói, bị đánh bằng cán chổi, bị treo lên cánh cửa, bị còng
tay. Em cũng hay bị phạt, bắt phải nhịn đói. Sau này các bác sĩ xác nhận các vết
thương trên mặt và trên cánh tay. Họ còn nói em bé 11 tuổi này gầy quá, trọng
lượng thấp hơn các đứa trẻ cùng tuổi gần mười ký (20 pounds).
Ông bố dượng bị bắt và bà mẹ cũng bị truy tố. Cậu bé và đứa em 4 tuổi được trao
cho người khác nuôi. Cảnh sát Orlando ca ngợi lòng từ bi, óc quả quyết và trí
nhanh lẹ của cô Carvalho. Các báo đài không nêu tên hai vị phụ huynh để bảo vệ
đời tư của hai em bé.
Có lẽ ở bất cứ nước nào cũng thường có những người đầy từ tâm như cô Carvalho.
Nhưng chắc chỉ ở một ít quốc gia, nước Mỹ là một, có những cô chạy bàn quyết định
“xía vô” chuyện gia đình người khác. Và chắc cũng rất ít nước mà cảnh sát lại đi
can thiệp vào việc “dạy con” của người dân, như ở Mỹ.
Trong 26 năm sống ở Mỹ tôi có nhiều kinh nghiệm rất tốt về cảnh sát, dù đã bị phạt
trên xa lộ mấy lần. Nhiều năm tôi đi du lịch cả tháng, trước khi đi viết giấy
báo cho cảnh sát thị xã biết. Họ có mẫu giấy in sẵn, mình chỉ cần tới hỏi rồi
điền vào, đưa cho họ giữ. Mỗi lần trở về, tôi đều nhận được bản “báo cáo công
việc” của cảnh sát. Họ ghi từng ngày mấy chữ “vô sự,” và ghi tên người cảnh sát
đã đến thăm căn nhà, vào lúc mấy giờ.
Nhưng ai cũng còn nhớ chuyện anh George Floyd chết ở thành phố Minneapolis hồi
tháng 5 năm ngoái sau khi bị một ông cảnh sát đè đầu gối lên cổ gần 9 phút.
Chuyện đó làm nhiều người nổi giận. Con sâu làm rầu nồi canh; nhưng tôi vẫn
luôn luôn nghĩ rằng giới cảnh sát nói chung đều đáng được dân Mỹ kính trọng.
Trở lại câu chuyện trẻ em. Xin kể chuyện một đứa trẻ bị mẹ bỏ quên, khiến một
thanh niên trên 20 tuổi cũng mủi lòng thương xót.
Nhật báo The Oregonian mới kể: Có một bà ở Beaverton, Oregon lái xe tới đậu trước
cửa tiệm thịt để vào mua, không tắt máy, cũng không khóa xe. Một anh chàng thấy
thế leo lên lái xe đi. Đi một hồi, anh ta mới nhìn thấy có một đứa bé ngồi trên
ghế sau. Chàng ăn trộm lái xe trở lại trước cửa hàng thịt. Anh la mắng bà mẹ một
hồi, về tội đã để con trong xe một mình trong khi máy vẫn nổ. Rất nguy hiểm cho
đứa bé bốn tuổi. Theo tin báo chí, đã có mấy vụ trẻ em bị cha mẹ bỏ quên trong
xe lâu đến nỗi chết, vì trời nóng quá, hay vì đói, khát.
Không những la mắng bà chủ xe, anh ăn trộm còn dọa gọi cảnh sát tố cáo bà mẹ đoảng.
La mắng xong, bắt bà mẹ phải bế con ra rồi, anh ăn trộm lái chiếc xe đi luôn.
Bà mẹ cho cảnh sát biết anh chàng khoảng 20 đến 30 tuổi.
Nước Mỹ là nước như thế nào? Họ cũng giống các nước lớn nhỏ khác: Có người tốt,
người xấu, cũng đủ tham sân si mà cũng đủ từ bi hỉ xả. Đó là một quốc gia còn mới,
lớn và mạnh, trẻ hơn với các quốc gia tương đương ở châu Âu và châu Á. Đó là một
dân tộc đang thành hình. Mỗi thế hệ lại góp thêm những định chế, những ý kiến,
các giá trị chung, những nhân vật, những tư tưởng, biến cố. Dần dần họ sẽ tạo
nên một tập thể độc đáo, dù không thuần nhất.
Xã hội Mỹ cũng có đủ loại người, xấu và tốt như người dân sống ở các nước khác.
Thí dụ, có một ông ở Dallas, Texas bay lên Washington, dự cuộc biểu tình ngày 6
tháng Giêng vừa qua. Ông nói, để “cứu nước.” Cơ quan FBI đã bắt, truy tố ông về
tội xâm nhập tòa nhà quốc hội trong vụ bạo loạn. Bà vợ ông khai rằng ông đã dọa
các con, đứa nào báo cho cảnh sát biết bố đã mang súng lên Washington thì ông sẽ
coi là “phản bội.” “Bay có biết những kẻ phản bội sẽ ra sao không? Đem bắn chết.”
FBI đã tìm ra tung tích ông này nhờ các tấm hình trên bản tin của Reuters và
Fox News, chứ không phải vì bị con tố giác.
Nhưng bà vợ cũng cho biết ông chồng mình nóng tính, ông hay nói năng phũ phàng.
Nhưng bà biết, ông không giết các con đâu. Tôi cũng tin như vậy. Nhưng nói năng
phũ phàng đến mức dọa bắn chết các con thì cũng hiếm có. Vì người Mỹ rất quý trẻ
con. Họ còn tôn trọng trẻ con hơn người lớn. Hồi người Việt tị nạn mới qua Mỹ, các
ông đã bảo nhau phải biết thân phận mình đang thay đổi. Vì ở xứ này trẻ con được
tôn quý nhất; rồi tới đàn bà; thứ ba là chó. Đàn ông đứng hạng chót.
Nước Mỹ là nước như thế nào? Sau cảnh bạo loạn ở tòa nhà quốc hội, có thể coi cảnh
người ta đi biểu tình ở Richmond, thủ phủ tiểu bang Virginia, hai ngày trước lễ
tuyên thệ tổng thống mới tại trụ sở quốc hội, cách đó hơn trăm cây số; 25 ngàn
vệ binh và cảnh sát đang lập vòng đai an ninh.
Cuộc biểu tình này vẫn diễn ra đúng ngày 18 tháng Giêng, thường có 20,000 người
tham dự “Ngày Vận Động Nghị Viện” hàng năm, để biểu dương và đòi củng cố quyền
mang súng của dân Mỹ. Năm nay chính quyền cũng vẫn cho phép, nhưng vì bệnh dịch
Covid-19 nên không đông bằng. Dù số người ít hơn, nhưng vẫn có đủ các loại. Họ
mang cờ quạt, biểu ngữ, và ai cũng mang súng, loại vũ khí tấn công AR 15.
Trong đám biểu tình có những người mặc áo mang dấu hiệu của Proud Boys và
Boogaloo Bois; những nhóm cực hữu; họ có nhiều người đi đánh vào quốc hội hai
tuần trước. Nhưng hôm thứ Hai vừa rồi, các đoàn viên Boogaloo Bois đã hoan hô
khi gặp những người thuộc nhóm Black Panthers, quy tụ người da đen, lập ra từ thập
niên 1960, 70. Và Boogaloo Bois cũng thân thiện với cả những người Black Lives
Matter, mới ra đời mấy năm gần đây. Mấy chục cảnh sát thành phố đi bên lề đường
để giữ trật tự, nhưng họ ít phải can thiệp. Hàng trăm tổ chức khác nhau từ nhiều
tiểu bang kéo về Richmond hôm đó, tất cả các nhóm đồng lòng bảo vệ quyền mang
súng.
Cũng có lúc căng thẳng, như khi hai nhóm Boogaloo Bois và Proud Boys đi qua gặp
nhau. Mấy cậu Boogaloo Bois hô lên: “Proud Boys! Đi về đi!” Hai nhóm này vẫn cạnh
tranh vì giành thị trường khi tuyển mộ đoàn viên. Nhóm Proud Boys thường kình
chống, vì thấy Boogaloo Bois thân thiện với nhóm Black Lives Matter.
Vậy nước Mỹ là nước như thế nào? Nó như vậy đó.
Năm 1964, sau khi Tổng Thống John Kennedy bị ám sát nhà văn Chu Tử đưa tôi coi
cuốn sách của một tác giả người Pháp, sau được dịch sang tiếng Việt, tựa đề:
“Nước Mỹ Bốc Cháy!” Từ đó đến nay, nước Mỹ chưa cháy tàn. Nhưng than hồng vẫn
âm ỉ không tắt. Vụ bạo loạn tấn công trụ sở quốc hội Mỹ cũng gây chấn động
không khác gì vụ ám sát tổng thống năm 1963. Có lẽ còn nguy hiểm hơn nếu họ
thành công. Cơ quan an ninh cho biết có những người âm mưu mở cuộc tấn công
này, với mệnh lệnh giết các đại biểu, còn định thả hơi “gas” vào khu đường hầm
có người lãnh đạo quốc hội đang trú ẩn. Nếu đám vệ binh đỏ này giỏi hơn và nếu
viện binh đến trễ, nhiều người có thể chết. Trong đó có ba người có thể kế nhiệm
tổng thống Mỹ, theo thứ tự: ông Phó Tổng Thống, bà Chủ Tịch Hạ Viện, và ông Nghị
Sĩ Thượng Viện cao cấp nhất.
Nước Mỹ đã bốc cháy mấy lần, nhưng được dập tắt. Ngày 7 tháng 11 năm ngoái, sau
khi được các báo đài loan tin thắng cử, ông Joe Biden đã kêu gọi người Mỹ, “Hãy
chấm dứt những tiếng nặng nề, hãy hạ thấp nhiệt độ. Hãy nhìn lại nhau. Hãy lại
lắng nghe nhau.” Ông khuyên dân Mỹ, “Chúng ta hãy chấm dứt không coi người đối nghịch
là kẻ thù. Họ không phải là kẻ thù. Họ là người Mỹ. Hãy cho người khác cơ hội
thay đổi …”
Không biết ông Biden sẽ làm sao thể hiện được những lời đẹp đẽ này. Nhưng nhiều
người đã thể hiện các lý tưởng đó từ lâu rồi. Như cô chạy bàn Flavaine Carvalho
ở Orlando, Florida. Hay anh ăn trộm xe yêu trẻ ở Beaverton, Oregon. Đó là những
người Mỹ rất bình thường.
Trước sau gì thì xã hội Mỹ sẽ vẫn rất phức tạp, vẫn đầy mâu thuẫn, có người thiện,
người ác, có tham sân si, có từ bi, bác ái. Cứ mỗi lần bốc cháy, các định chế
dân chủ tự do lại vững chắc hơn. Ngay cả những người gây bạo loạn, họ cũng quả
quyết rằng họ đang chiến đấu để bảo vệ bản hiến pháp. Ông Mitch McConnell nói rằng
những người đó bị lừa gạt. Nhưng khi nào tinh thần thượng tôn luật pháp vẫn được
giữ gìn, bảo vệ, thì nước Mỹ sẽ không bị cháy luôn!
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment