Ở Việt Nam ngày nay người ta có câu, “Tiền là tiên là phật; Là sức
bật lò xo; Là thước đo lòng người; Là nụ cười tuổi trẻ; Là sức khỏe tuổi già;
Là cái đà danh vọng; Là cái lọng che thân; Là cán cân công lý; Tiền vô thì hết
ý.” Câu nói này phản ảnh một xã hội đề cao vật chất nhiều hơn là giá trị tinh
thần.
Ở Hoa Kỳ, người ta lại
có câu nói, “Tiền mua được cuốn sách nhưng không mua được trí óc; mua được đồ
trang sức nhưng không mua được sự xinh đẹp; mua được căn nhà nhưng không mua được
mái ấm; mua được thuốc thang nhưng không mua được sức khỏe; mua được đồ xa hoa
nhưng không mua được văn hóa; mua được mọi thú tiêu khiển nhưng không mua được
hạnh phúc; mua được tôn giáo nhưng không mua được ơn cứu độ; mua được giấy
thông hành đi bất cứ đâu nhưng không mua được thiên đường.” Câu này phản ảnh một
xã hội chịu ảnh hưởng của Kitô Giáo, nó cho thấy ngoài những giá trị vật chất
còn có giá trị tinh thần.
Sống trong xã hội không
ai là không cần tiền, nhưng một người khôn ngoan thì phải biết lựa chọn điều gì
có lợi hơn và thi hành. Đó là ý nghĩa của bài phúc âm hôm nay.
Thoạt nghe qua bài phúc
âm, người ta có cảm tưởng Đức Giêsu đề cao thái độ lươn lẹo của người quản gia
khi sắp bị mất việc, ông đã ăn cắp tài sản của chủ bằng cách tha bớt nợ cho các
con nợ. Sự thật thì ngày xưa, trong xã hội Palestine, người quản gia cho một
ông chủ giầu có thì họ làm việc không lương, nhưng họ lấy huê lợi từ các con nợ.
Thí dụ, mượn 10 thùng lúa của chủ, nhưng giấy nợ viết là 12 thùng. Hai thùng dư
này là tiền lời và phần của người quản gia.
Trong bài phúc âm, khi
sắp sửa mất việc, người quản gia đã biết nghĩ đến tương lai nghèo đói và nghĩ đến
sự giúp đỡ của các con nợ nên ông đã nói các con nợ viết lại số nợ cho đúng.
Trên thực tế, ông không lấy của chủ nhưng ông đã biết dùng của cải của người
khác – ở đây là ông chủ giầu có – để có lợi cho mình. Đây là điều được Đức
Giêsu khen ngợi là khôn khéo.
Từ nghĩa đen của câu
chuyện, theo nghĩa bóng có nghĩa chúng ta là những quản gia của Thiên Chúa. Tất
cả những gì chúng ta có, như tài năng, bằng cấp, sức khỏe, tiền của, v.v., đều
do Chúa ban để chúng ta sống hạnh phúc. Chúa không cấm chúng ta hưởng dụng các
tiện nghi, các vui thú ở đời này, nhưng Chúa muốn chúng ta hãy nghĩ đến một
ngày nào đó, khi phải từ giã cuộc đời này, không còn quản gia những của cải vật
chất ấy nữa, thì số phận chúng ta sẽ ra sao?
Alexander Đại Đế là một
ông vua thời Cổ Hy Lạp, khi năm ba mươi tuổi, sau những chiến thắng lẫy lừng từ
Á Châu đến bắc Phi Châu, ông đã lập được một đế quốc rộng nhất thế giới, trải dài
từ nước Hy Lạp cho đến bắc Ân Độ. Người ta nói rằng, trước khi chết ông đã sai
làm cỗ quan tài có hai cái lỗ ở hai bên hông. Các lỗ hổng đó là để hai bàn tay
của ông thò ra ngoài để mọi người thấy rằng, khi chết đi người ta chẳng đem
theo được gì sang thế giới bên kia!
Đó là một sự thật mà
nhiều khi chúng ta không muốn đối diện. Chúng ta không muốn đến nhà quàn để thấy
người chết mà một ngày nào đó chính chúng ta cũng chỉ là một thi hài bất động khi
bước qua ngưỡng cửa sự chết.
Nhưng người theo Chúa
Kitô thì không tuyệt vọng như Alexander Đại Đế hay những người không tin vào
Chúa Kitô. Trong phúc âm, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: của cải, vật chất
thì không theo chúng ta sang thế giới bên kia, nhưng những hành động bác ái mà
chúng ta đã thi hành khi còn sống thì có giá trị trước mặt Chúa. “Thầy
bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của tạm bợ mà giúp đỡ người khác, để khi hết
tiền hết bạc, anh em sẽ được đón vào nơi vĩnh cửu.” (*)
Tiền của là những gì
nay còn mai mất, nhưng nếu chúng ta biết sử dụng những gì tạm bợ ấy để đổi lấy
đời sống vĩnh cữu, đó là sự khôn ngoan. Đó là điều Chúa Giêsu khuyến khích
chúng ta.
Nhưng ngày xưa, cũng
như ngày nay, người ta không tin vào lời của Chúa Giêsu, không tin rằng sự sống
đời sau thì hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn, do đó, họ vẫn bám víu lấy của cải đời
này mà không thi hành việc bác ái. Đức Giêsu phải than rằng, “Khi
xử sự với người đồng loại, con cái của thế gian khôn khéo hơn con cái sự sáng”!
Chúng ta là con cái sự sáng nhưng không giống như người quản lý kia biết nghĩ đến
tương lai và hành động ngay lập tức.
Tại sao chúng ta không
muốn chia sẻ của cải, thời giờ, và tài năng để giúp đỡ người khác? Vì hậu quả của
tội nguyên tổ, loài người trở nên ích kỷ và không bao giờ thấy mình đầy đủ. Khi
đứng trước nhu cầu của người khác, chúng ta thường tự nhủ, “Tôi không có thời
giờ, tôi không giầu bằng người khác, tôi không giỏi bằng người khác,” v.v. để từ
chối giúp đỡ. Một khi có ý nghĩ như thế thì dù là triệu phú, chúng ta vẫn không
muốn giúp đỡ bất cứ ai có nhu cầu. Đây là điều đã được Đức Giêsu cảnh cáo, “Ai
trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai không thành
thật trong việc rất nhỏ, thì cũng không thành thật trong việc lớn. Do đó, nếu
anh em không trung tín với tài sản thế gian, ai sẽ giao cho anh em tài sản đích
thực?”
Hành động bác ái mà Đức
Giêsu mời gọi thì rất nhỏ, có thể là một ly nước cho người đang khát, một miếng
bánh cho người đang đói, một chiếc quần cái áo cho người rách rưới, hay một lời
thăm hỏi những người già neo đơn. Nhưng phần thưởng của Đức Giêsu thì rất lớn,
là hạnh phúc đời đời. Nếu chúng ta không muốn thi hành một việc rất nhỏ, làm
sao Chúa Giêsu có thể ban cho chúng ta một hạnh phúc rất lớn!
Trong Thánh Lễ hôm nay
có hội Đạo Binh Đức Mẹ ra mắt, bắt đầu hoạt động sau khoảng 6 tháng thử thách.
Tôi được vinh dự là một phần tử của tổ chức ấy và đã sinh hoạt với hội này
trong khoảng 6 tháng vừa qua. Điều tôi thường nói với các hội viên là đừng thành
lập đoàn thể chỉ để đọc kinh! Ở nhà cũng có thể đọc kinh, không cần phải vào hội
đoàn. Nếu chúng ta đã từng tham gia hội này đoàn kia mà lối sống của mình không
thay đổi, cách đối xử của mình với tha nhân vẫn như cũ – nhất là đối với con
dâu, con rể – điều đó có nghĩa chúng ta chưa hiểu mục đích của một đoàn thể
Công Giáo.
Tất cả mọi hội đoàn được
gọi là Công Giáo đều nhắm đến mục đích thánh hóa bản thân. Qua những hy sinh thời
giờ để hội họp, để thi hành các công tác xã hội, để học hỏi, suy nghĩ về đạo
Chúa, chúng ta sẽ trở nên tốt lành hơn, thánh thiện hơn, để trở thành một lớp
men tốt cho xã hội như Chúa Giêsu mong muốn.
Một hội đoàn lấy Đức Mẹ
làm gương mẫu thì còn khó khăn hơn nữa, bởi vì, đời sống của Đức Mẹ là luôn
luôn vâng theo thánh ý của Thiên Chúa. Đây không phải là điều dễ dàng. Các hội viên
của Đạo Binh Đức Mẹ cũng phải cố gắng từ bỏ ý riêng của mình để sống cho tập thể,
cho cộng đồng, và sau cùng là sống cho Vương Quốc của Thiên Chúa được thể hiện ở
trần gian này.
Trong các buổi họp hàng
tuần của hội Đạo Binh Đức Mẹ, tôi thấy có phần báo cáo những công tác bác ái,
hay xã hội mà họ đã thực hiện trong tuần qua. Đây là điểm rất tốt cho các hội viên
vì rất phù hợp với tinh thần của bài phúc âm hôm nay. Các hội viên đang tập
trung tín trong việc rất nhỏ, để một ngày nào đó họ có thể trung tín khi được
Chúa giao cho một trách nhiệm lớn lao hơn. Nếu ông bà, anh chị em có thể dành
chút thời giờ đi họp hàng tuần, hãy tham gia hội Đạo Binh Đức Mẹ, bởi vì đó là
một môi trường rất tốt để đào luyện con người chúng ta.
Chúa Giêsu là người
trung tín với những gì Người đã hứa. Lời than thở của Chúa trong bài phúc âm
hôm nay, “Khi xử sự với người đồng loại, con cái của thế gian khôn khéo hơn con
cái sự sáng”, có thể là lời Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay. Trong ánh sáng lời
Chúa, hy vọng chúng ta sẽ thành tâm nghĩ lại đời sống của mình và hãy theo
gương người quản lý khôn ngoan, là dùng của cải Chúa ban để có được hạnh phúc đời
đời bằng những hành động bác ái đối với tha nhân.
No comments:
Post a Comment