Tuesday, December 27, 2022

Làm Thế Nào Để Đương Đầu Với Nghịch Cảnh? - Edward


Cuộc đời luôn có những chuyện xảy ra không như mong đợi của mỗi người, nó gọi là nghịch cảnh. Gục ngã trước nghịch cảnh hay mạnh mẽ để vượt qua nó, đó là một sự lựa chọn. 

Khi còn đi học, nghịch cảnh đến với chúng ta có thể áp lực việc học hành, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thất bại trong thi cử, khó khăn trong những mối quan hệ, căng thẳng với người thân. 

Khi lớn lên, nghịch cảnh đến với chúng ta từ công việc, tình yêu hôn nhân có thể không như mong đợi. Hoặc chúng ta thiếu đủ mọi thứ nguồn lực, chẳng hạn như thiếu tiền, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, thiếu các mối quan hệ, thiếu cả những cơ hội để thành công. Và luôn là những chuyện không hay xảy đến với mình. 

Thế rồi, dần một ngày nào đó, bao lý tưởng thời trẻ của chúng ta sụp đổ. Không còn là bức tranh màu hồng trong tâm trí như thời đi học, cũng chẳng còn đâu là lý tưởng sống căng tràn với bao hoài bão như những tháng ngày mới ra đời bươn trải. Thống kê tâm lý chỉ ra rằng, ở sau tuổi 35, con người ta thường có hai xu hướng hoặc là rất thành công, hoặc là mắc kẹt dậm chân tại chỗ. Những người mắc kẹt, sau khi trải qua một số nghịch cảnh trong đời, sau nhiều lần thất bại te tua tơi tả, họ đánh mất niềm tin rằng bản thân có thể thành công, họ đánh mất niềm tin vào cuộc đời. Hiện tượng này gọi là khủng hoảng tuổi trung niên. Và từ đó, họ sống một cuộc đời an phận với bao trách nhiệm, nhưng khi đó là gánh nặng. Đó là gánh nặng cơm áo gạo tiền, công việc, gia đình, và đủ thứ chuyện không hay cứ xảy ra trong đời. Vậy làm thế nào để đương đầu với nghịch cảnh?

Bên cạnh năng lực cảm xúc (Emotional Intelligence), (Bạn đọc có thể đọc tại bài viết Vì sao giới trẻ Việt ngày càng khủng hoảng? https://tamly.blog/vi-sao-gioi-tre-viet-ngay-cang-gap-nhieu-khung-hoang/) càng ngày có càng nhiều kết luận chỉ ra thêm một chỉ số quan trọng giúp dẫn đến thành công. Chỉ số này liên quan nhiều đến khả năng vượt qua nghịch cảnh, đó chính là chỉ số vượt khó (Adversity Quotient). Đây là khả năng đương đầu với khó khăn, nghịch cảnh, khả năng phản ứng lại một cách tích cực trước những khó khăn, thất bại trong cuộc đời. 

Thế hệ 9x và 0x sau này – thế hệ được sinh ra trong điều kiện kinh tế tốt hơn, trong thời đại mà no đủ về ăn uống, thời đại sẵn sàng về giải trí, vui chơi và công nghệ thông tin. Điều đó cũng vô tình dẫn đến bất lợi cho việc nâng cao chỉ số vượt khó. Bởi lẽ, nếu sinh ra trong vất vả, khổ cực và nhiều nghịch cảnh từ nhỏ, thì sự thật là chỉ số vượt khó sẽ tốt hơn. Cho nên, đó cũng là lý do vì sao ngày nay các nhà tuyển dụng thường than phiền về sinh viên khi ra trường thường dễ bỏ cuộc, hay nhảy việc bởi vì không có khả năng thích nghi và chịu khổ trong công việc, dễ nản chí. Cũng như vậy, tỉ lệ li hôn ngày càng tăng cao là bởi vì họ cũng khó chấp nhận nhau và cùng nhau vượt qua được những sóng gió, thử thách trong gia đình và chuyện hôn nhân, nuôi dạy con nhiều hơn. Chưa kể, người nào không vượt qua được thì lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn khủng hoảng tuổi trung niên, và kết quả là cuộc đời họ chấp nhận an bài với sự thật là thiếu thốn và không hạnh phúc. 

Google giờ đây không còn ưu tiên tuyển dụng những bạn sinh viên GPA xuất sắc (chẳng hạn 4.0/4.0) nữa vì những người này thường tự cao, tự đại, ít lắng nghe, và bởi vì ở trường học – có thể vì sự thông minh, nên họ luôn gặp thành công và họ sẽ khó chấp nhận được thất bại. Nhưng thực tế khi đi làm, khó khăn và thất bại là điều đương nhiên, bởi sinh viên đều không được trang bị kỹ năng thực tế. Mà lúc đó, các công ty cần những người có khả năng chấp nhận thất bại, học cách đứng lên, và tiến về phía trước. Khả năng đó được gọi là chỉ số vượt khó. Không còn chạy theo những sinh viên tốt nghiệp có thành tích học tập, đây chính là cách mà công ty số 1 thế giới đang làm. Cho nên, giới trẻ ngày nay phải đối mặt với một thách thức lớn hơn trong việc nâng cao chỉ số vượt khó. 

Về cơ bản, chỉ số vượt khó là quá trình rèn luyện và tích lũy theo thời gian, năm tháng cùng các trải nghiệm. Nhưng có thể nói tóm lược trong hai cách đơn giản để rèn luyện – đặc biệt là dành cho các bạn trẻ. Một là về thể chất và hai là về tinh thần.

VỀ THỂ CHẤT: 

Khoa học về tâm lý chỉ ra mối tương quan sâu sắc giữa thể chất và não bộ. Não bộ con người có một vùng gọi là thùy đỉnh (Parietal lobe), quy định các chức năng về vận động, gọi là vận động tinh và vận động thô. Chẳng hạn như khả năng làm đồ thủ công, tỉ mẩn, khéo léo, may vá thêu thùa; hay khả năng vận động thể chất như chơi thể thao, chạy bộ, đá bóng, bóng rổ,… Khi khả năng vận động tinh và vận động thô được nâng lên, thông qua việc rèn luyện thể chất, nó kéo theo sức bền được tăng lên, và đặc biệt từ đó sức chịu đựng cũng được nâng lên. Khi đó, chỉ số vượt khó được gia tăng. 

Đó là lý do chứng minh vì sao những vận động viên thể thao chuyên nghiệp luôn là tấm gương lớn về ý chí, nghị lực. Là bởi vì họ phải trải qua quá trình rèn luyện thể lực, thể chất một cách nghiêm túc. Lúc đó họ rất dễ bỏ cuộc, và việc họ phải làm đó là không được bỏ cuộc. Đó cũng là lý do vì sao lực lượng quân đội, công an, đặc nhiệm luôn được yêu cầu gắt gao về thể lực. Lịch sử đã chứng minh rằng năm 2014, chỉ khoảng 1 tiểu đội đặc nhiệm SEAL, cũng đủ làm nên kỳ tích khi bất ngờ tiêu diệt trùm khủng bố Binladen ở ngay tại Pakistan mà nguyên đất nước Pakistan và hệ thống bảo vệ Biladen không hề hay biết. Để trở nên tinh nhuệ và tinh thần thép, những người lính SEAL luôn phải vượt qua các bài tập thể chất trong quá trình đào tạo như lăn lộn trên cát, bơi hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày, bơi trong biển có cá mập, ngụm lặn xuống bùn, … những thứ khiến cho họ chỉ muốn bỏ cuộc.

Cho nên, rèn luyện thể chất hàng ngày, 1 tuần 7 ngày, mỗi ngày 30 phút, là điều cực kỳ quan trọng, dù là bơi lội, hay chạy bộ, hay đến phòng tập gym. Song song với đó, thỉnh thoảng cũng nên đi phượt, đi đến nơi hoang vu, hoang dã, leo đồi lội suối, mệt một tí, vất một tí, để thể lực nâng cao.

VỀ TINH THẦN:

Ý chí được rèn luyện thông qua cách ta làm mọi việc. Cách bạn làm một việc quyết định cách bạn làm một việc. Cách bạn làm việc nhỏ quyết định cách bạn làm việc lớn. Để rèn luyện chỉ số vượt khó, hãy rèn luyện một thói quen là làm một thứ gì đó cho đến khi nó kết thúc hoàn toàn. Giới trẻ ngày nay dễ bỏ cuộc, nhất là khi vừa gặp khó khăn. Cho nên, các bạn trẻ còn lại, hãy làm điều ngược lại. Từ việc nhỏ nhất như đi học ở trên trường, hãy cố gắng ngồi cho hết giờ. Khi học một chương sách, hãy cố gắng học cho hết cả chương để hiểu nó như nào. Khi mua một quyển sách, hãy cố gắng đọc cho hết nó. Đang học ngành học nếu chán, nhưng đã lựa chọn rồi, hãy cố gắng kết thúc nó, luôn có một điều gì đó đáng giá để học. Nếu hợp tác kinh doanh chẳng hạn như kinh doanh hoa ngày 20-11, hãy hoàn thành dự án xong xuôi cho dù lỗ hay lãi, chứ đừng chỉ dừng lại ở mức ý tưởng hoặc đang làm thì xung đột nhóm nên bỏ cuộc. Khi đi làm, dù những việc nhỏ nhất, cũng hãy cố gắng hoàn thành đúng deadline. Ngay cả khi trễ deadline, dù bận dù mệt đến mấy cũng phải cố kết thúc nó. Đừng vội bỏ dỡ giữa chừng. Nếu đi làm, đừng tư tưởng nay nhảy chỗ nọ mai nhảy chỗ kia. Cũng đừng tư tưởng là việc nhẹ lương cao không cần trình độ, và càng nên bỏ tư tưởng dựa dẫm người thân. Hãy chọn môi trường khó, công việc thử thách, áp lực, căng thẳng. Mình còn trẻ, là lúc tốt nhất để mình va chạm cuộc đời, để cuộc đời tôi luyện mình rắn rỏi, mạnh mẽ. Bởi lẽ, còn trẻ, tài sản lớn nhất của một người đó là thời gian để có thể làm lại từ đầu nếu có thất bại.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÔNG CHẤP NHẬN THẤT BẠI 

Nếu có gặp khó khăn, thì hãy nhớ có nhiều con đường đi tới đích, không có con đường thẳng thì phải đi đường vòng. Nếu ngã thì từ từ đứng dậy, phủi chân phủi tay rồi tiếp tục đi tiếp. Dù đau mà đứng lên đi được còn hơn là dậm chân tại chỗ và ngồi khóc một mình. Thành công là kiên định tiến lên từng bước một. 

Edward có những trải nghiệm riêng của mình về thành công, về thất bại. Nhưng kể từ ngày viết cho Tâm lý ứng dụng, chưa bao giờ chia sẻ câu chuyện cá nhân, mà hãy kể về những người đã được lịch sử kiểm chứng. Người đàn ông trong câu chuyện dưới đây là một tấm gương về chỉ số vượt khó và khả năng vượt qua nghịch cảnh, ông ta có tên là Soichiro – một cái tên nhiều người không biết đến, nhưng di sản ông để lại cho đời thì chúng ta đều thấy mỗi ngày, thậm chí thấy nhiều, thấy liên tục. Ông chính là cha đẻ của tập đoàn Honda với cái tên đầy đủ: Soichiro Honda.

Giống như hầu hết các quốc gia khác, Nhật Bản cũng bị thiệt hại nặng nề bởi cuộc Đại suy thoái kinh tế trong thập niên 30 của thế kỷ 20. Năm 1938, khi vẫn còn tiếp tục đến trường, Soichiro Honda đã bắt đầu một xưởng chế tạo nhỏ, phát triển ý tưởng về vòng piston. Kế hoạch của ông là bán ý tưởng đó cho Toyota. Honda lao động vất vả ngày đêm, thậm chí ngủ luôn trong phân xưởng, với niềm tin mãnh liệt rằng ông có thể hoàn chỉnh thiết kế này và tạo ra một sản phẩm đáng giá. Lúc đó, Honda đã kết hôn, ông phải đem đồ nữ trang của vợ mình đi cầm để lấy vốn làm việc.

Cuối cùng, Soichiro Honda cũng hoàn thành vòng piston và có thể mang một mẫu thử đến cho Toyota, để rồi bị nói rằng tâm huyết của ông không đáp ứng tiêu chuẩn của họ! Soichiro trở về trường, thiết kế của ông bị các kỹ sư khác cười chế nhạo. Tuy nhiên, ông kiên quyết không từ bỏ. Thay vì chìm đắm vào thất bại, Soichiro Honda tiếp tục cố gắng để đạt được mục tiêu của mình. Thế rồi, sau 2 năm chật vật và thiết kế lại, ông đã giành được hợp đồng với Toyota. 

Lúc này, chính phủ Nhật Bản rục rịch chuẩn bị chiến tranh. Với hợp đồng trong tay, Soichiro Honda cần xây dựng một nhà máy để cấp hàng cho Toyota, nhưng vật liệu xây dựng lại vô cùng khan hiếm. Tuy nhiên, ông vẫn không từ bỏ! Ông đã phát minh ra quá trình làm bê tông, từ đó tự xây dựng nhà máy của mình. Và khi nhà máy được xây xong, Soichiro Honda đã sẵn sàng sản xuất, thì kết quả, nhà máy bị đánh bom đến hai lần. 

Do chiến tranh, thép trở nên xa xỉ, lúc này ông bắt đầu thu thập những can xăng thừa mà lính Mỹ vứt đi – hay theo cách gọi của ông là “những món quà từ Tổng thống Truman”. Chúng đã trở thành nguyên liệu thô mới để ông tái sản xuất. Nhưng rồi, nhà máy lại tiếp tục bị phá hủy bởi động đất.

Sau nhiều nghịch cảnh, nhưng ông ta không cháp nhận thất bại, và quyết tâm tìm cửa sinh trong cửa tử. Sau chiến tranh, xăng dầu cực kỳ thiếu thốn, vì vậy, người Nhật buộc phải đi bộ hay sử dụng xe đạp. Honda đã dựng nên một động cơ nhỏ và gắn nó vào xe đạp của mình. Hàng xóm của ông cũng muốn một cái, và dù Honda đã cố gắng, ông không thể tìm thấy nguyên vật liệu và không thể đáp ứng nhu cầu. Ông quyết tâm viết thư cho 18.000 chủ cửa hàng xe đạp và – bằng giọng điệu tràn đầy cảm hứng – nhờ họ giúp đỡ ông hồi sinh Nhật Bản. 5000 người đáp lại và ứng trước cho ông những khoản tiền nho nhỏ theo khả năng của mình để giúp Soichiro hoàn thiện động cơ tí hon dành cho xe đạp. 

Không may là, ban đầu các mô hình quá cồng kềnh, không thể làm việc tốt được. Vì vậy, Honda lại tiếp tục phát triển và chỉnh sửa. Cuối cùng, động cơ nhỏ mang tên “Siêu Cub” cũng thành hiện thực và phổ biến khắp Nhật Bản. Từ thành công này, Honda bắt đầu xuất khẩu động cơ xe đạp của mình sang châu Âu và châu Mỹ. Và rồi điều gì đến cũng phải đến, sự nỗ lực nào rồi cũng có ngày được đền đáp. Vào thập niên 70, nạn thiếu hụt khí đốt lại diễn ra – lần này là ở Mỹ. Người ta bắt đầu chuyển sang dùng xe hơi cỡ nhỏ, và Honda nhanh chóng nắm bắt trào lưu này. 

Giờ đây, ông đã là chuyên gia về thiết kế động cơ mini và có công ty riêng. Honda và nhân viên bắt đầu sản xuất những chiếc xe hơi tí xíu – chưa ai từng thấy loại xe nhỏ như vậy trước đây – và tạo nên một làn sóng thành công khác. Ngày nay, Tổng Công ty Honda – với trên 100.000 nhân viên ở Mỹ và Nhật Bản – là một trong những công ty về xe hơi lớn nhất trên thế giới. Honda thành công là bởi vì có một người đàn ông đã ra quyết định thực sự quyết tâm, hành động theo nó, và liên tục điều chỉnh khi cần thiết. Ông liên tục tiến về phía trước và không bao giờ để “thất bại” cản đường mình để rồi đã để lại một di sản lớn cho cuộc đời.


*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng Edward 

Về tác giả: Edward

Về tâm lý, Edward yêu thích tâm lý học phương Tây và cả triết học phương Đông và đã theo đuổi tâm lý nhiều năm nay. Các bài viết của Edward chú trọng đến chất lượng hơn số lượng, bởi với Edward, người đọc không tiếc thời gian dài bỏ ra để đọc những bài viết giá trị, nhưng người đọc sẽ là không được tôn trọng nếu phí phạm thời gian bỏ ra cho những bài viết kém chất lượng. Ý thức được rằng những quan điểm, tư tưởng của mình có thể ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người cho nên Edward luôn chắt lọc, nghiên cứu, tìm tòi kỹ lưỡng và cẩn trọng trong những gì mình chia sẻ tới cộng đồng. Với hy vọng, những giá trị tốt, những kiến thức về tâm lý sẽ được lan tỏa ngày càng rộng càng tốt, giúp người Việt sống hạnh phúc hơn.


No comments:

Post a Comment