Hình Nhà Thương Saigon 1963
Bây giờ mà ngồi nói
chuyện với ai đó, hoặc đọc đoạn văn của ai đó mà gọi bệnh viện là nhà thương
thì chắc chắn rằng ai đó chánh hiệu con nai vàng là dân Sài Gòn trước 75. Chắc
chắn là như thế..
Bởi trước 1975 ở Sài
Gòn dù các bảng tên đều ghi là Bệnh viện, nhưng dân Sài Gòn vẫn gọi là nhà
thương. Bởi theo quan niệm của họ đây là nơi nhà chữa trị cho người thương tật
bịnh hoạn, là nơi xoa dịu nỗi đau, giúp họ khỏi bệnh tật.
Người miền Nam trước
1975 gắn liền nhà thương với tình thương, là nơi thể hiện tình cảm của những
người làm ngành y tế với bệnh nhân, là nơi các soeur Công giáo hy sinh trọn đời
để chăm sóc và thương yêu từng bệnh nhân, là nơi các bác sĩ, y tá hết lòng cứu
chữa bệnh nhân với tình thương và trách nhiệm. Nên họ gọi bệnh viện là nhà
thương, tiếng gọi bao hàm nhiều tình thân và nhân bản.
Sài Gòn thời đó có
nhiều bệnh viện công do nhà nước quản lý như nhà thương Chợ Rẫy, nhà thương Chợ
Quán, Bình Dân, Nguyễn Văn Học, Từ Dũ, Hùng Vương hay nhà thương Hồng Bàng, Vì
Dân...Bệnh nhân vào chữa trị ở các bệnh viện này đều được miễn phí hoàn toàn,
nên còn gọi là nhà thương thí. Mang danh nhà thương thí nhưng y bác dĩ vẫn tận
tâm, chữa trị đến nơi đến chốn.
Đương nhiên ở nhà
thương thí thì điều kiện sinh hoạt không được tốt như những nhà thương tư.
Nhưng không bao giờ có cảnh ba bốn người một giường hay điều kiện vệ sinh quá
nhếch nhác như một số bệnh viện bây giờ. Cũng không có cảnh phải phong bì bồi
dưỡng từ y công, y tá đến bác sĩ như bây giờ.
Thuở đó Sài Gòn cũng
có nhiều bệnh viện tư dành cho người có tiền như bệnh viện Đồn Đất (Grall của
Pháp) hay các bệnh viện của bang hội người Hoa như Triều Châu, Quảng Đông, Phúc
Kiến, Sùng Chính…mở ra nhiều ở Sài Gòn. Nhiều nhà sinh tư nhân thì gọi là nhà
bảo sanh, cũng là nơi giúp các sản phụ khi sinh nở. Ở nhiều nhà bảo sanh có các
bà mụ là y tá lâu năm, tay nghề rất giỏi.
Thế nhưng, nằm nhà
thương tư thì sạch sẽ, thoáng mát nhưng nếu gặp biến cố hay ca khó, bệnh nhân
cũng đều phải chở vào nhà thương công, bởi mang danh là nhà thương thí nhưng ở
đó đều quy tụ bác sĩ giỏi và các sinh viên y khoa ưu tú nội trú ở đấy. Họ giỏi
về chuyên môn và đối xử với bệnh nhân bằng y đức. Sanh con so hay khó sinh thì
phải vào nhà thương Từ Dũ, Hùng Vương, lao phổi thì phải vào bệnh viện lao Hồng
Bàng.
Cả một thời gian dài
mấy chục năm, chưa bao giờ có cảnh người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế
mà chỉ có một thái độ kính phục, trân trọng và biết ơn.
Thời thế đổi thay,
chẳng còn ai gọi bệnh viện là nhà thương nữa. Gọi thế thành châm biếm. Bởi bây
giờ chốn ấy chẳng còn tình thương, không còn là nơi để sẻ chia những đau đớn
của người bệnh nữa.
Giờ bệnh viện là chốn
kinh doanh, có nơi tiền phòng đắt như khách sạn bốn năm sao. Vào nhập viện dù
đang cấp cứu sắp chết thì cũng phải đóng tiền mới có người đến khám. Mọi sinh
hoạt đều phải trả tiền, từ miếng nước cho đến giấy chùi cầu, từ ngọn đèn cho
đến bông băng. Chẳng còn phân biệt công tư, chỗ nào cũng phải có tiền mới chữa.
Giờ mang bệnh thì giàu có không nói làm chi, chứ khá sẽ xuống nghèo, nghèo
xuống mạt và chẳng còn chi để sống, bán vợ đợ con, bán hết đất hết vườn hết
ruộng hết nhà vì bệnh. Tiếc cái nhà thương thí biết bao nhiêu.
Cái tên nhà thương thí
đã trở thành dĩ vãng.
Bỗng dưng nhớ tiếng nhà
thương tha thiết và tiếc một thời gọi thân thương nhà thương thay cho bệnh
viện.
27.6.2018
DODUYNGOC
No comments:
Post a Comment