Saturday, December 10, 2022

Tám Hổ - Hồ Văn Ẩn

 

Gia đình tôi đông anh em. Tôi yêu thương nhất là người em thứ tám. Tôi thương chú Tám hơn vì chú có tấm lòng ngay thẳng, hiền lành, chịu khó nhưng số phận lại hẩm hiu.
     
Chú lấy vợ, được đứa con trai thì gia đình gãy đổ. Lỗi một phần ở chú. Ở thời buổi này có người đàn bà nào chịu chung sống trọn đời với một người đàn ông chỉ có tấm lòng! Vật chất nữa chứ! Chú ngồi yên lặng – sự yên lặng chiếm gần hết tuổi thanh xuân của chú – nhìn Phụng, người vợ mà chú yêu thương rất mực, ra đi.
     Tôi trở về, sau bảy năm cải tạo. Với số vốn nhỏ nhoi ban đầu, tôi mua bán tre, lá, tầm vông. Rồi từ từ bán thêm vật liệu nặng như sắt, xi măng, đá, gạch, ngói, cát...Sau một cuộc chiến tranh dai dẳng, hòa bình trở lại, gia đình nào cũng cần xây dựng lại nhà cửa. Chỉ sau hai năm làm ăn buôn bán, gia đình tôi đã khá giả. Tôi mua thêm một miếng đất, dự trù cất cho chú Tám một căn nhà nhỏ, vách ván, lát gạch, cách nhà tôi không xa và đồng thời cưới vợ cho chú. Tôi thật ái ngại khi nhìn thấy chú trong cảnh gà trống nuôi con. Chú tươi cười từ chối đề nghị của tôi. Chú quyết tâm bám trụ ở Sài Gòn. Chú bước thêm bước nữa với một người đàn bà Tàu lỡ thời, dung nhan rất khiêm tốn.
     
Vợ chồng chú có một căn bán vật dụng lao động như cuốc, xẻng, dao, liềm, gầu...tọa lạc gần cầu Ba Cẳng, chợ Kim Biên. Nói là một căn cho nó oai, chứ thực ra rất nhỏ hẹp, nếu đứng giữa nhà dang tay mặc áo cũng đụng hai vách bên.
     
Có dịp lên thành phố, lần nào tôi cũng mang theo quà, ghé thăm vợ chồng chú. Tôi mừng thầm vì chú đã có đôi và cuộc sống không đến nỗi quá chật vật. Bản chất tôi rất hiếu khách, nhưng vào dịp tất niên hoặc ngày giỗ kỵ, tôi không mời ai cả dù là bạn hữu quí mến hoặc hàng xóm thân quen, chỉ có anh em chúng tôi quây quần bên nhau. Anh em cả năm xuôi ngược, mưu sinh, chỉ có dịp lễ này để gặp mặt, nói với nhau những lời thân thiết, phụ lực nhau giải quyết những điều khó khăn với tấm lòng thương yêu đùm bọc. Có sự hiện diện của người ngoài, làm sao anh em dám thổ lộ hết những vui buồn tốt xấu. Trong lúc cúng, ngồi chờ nhang tàn, hoặc khi ngồi vào bàn ăn, tôi thường kể lại cho các em nghe về những kỷ niệm gia đình mà lúc đó các chú còn nhỏ không nhớ gì. Những chuyện tôi kể thường liên quan đến công lao khó nhọc của cha mẹ tôi lo nuôi dạy đàn con. Mẹ tôi, người đàn bà tuyệt diệu, suốt đời hy sinh cho chồng con. Mẹ tôi mất năm bà mới 54 tuổi, trong lúc mấy người con trai lớn của bà đang tại ngũ, xông pha ngoài trận mạc, có lần tôi về phép thăm mẹ tôi đang nằm trên giường bệnh. Nắm tay tôi nước mắt rưng rưng, bà nói:
     - Nghe súng nổ ở đâu, má tưởng tượng mấy con đang ở đó, má lo lắng quá.
     Ôi! Biển dầu rộng, nhưng làm sao sánh được bằng tấm lòng thương con mênh mông của người Mẹ hiền.
     
Cha tôi làm thợ, siêng năng cần cù, đội mưa phơi nắng, đau không dám nghỉ. Với số lương kiếm được hầu như cố định hằng tháng, ông trao hết cho Mẹ tôi để nuôi đàn con đang sức lớn như thổi.
     Một lần cuối năm, tình cờ nghe ba tôi than:
     - Tết đến rầu quá!
     
Trong dịp gần Tết, ba tôi phải đi làm thêm cả ngày thứ bảy và chủ nhật để kiếm thêm tiền sắm sửa Tết và may cho anh em chúng tôi mỗi đứa một bộ đồ mới mặc Tết.
     
Tôi hỏi han về đời sống của các em. Người nào khá phải giúp đỡ người kém may mắn. Tôi làm lực lượng tổng trừ bị. Anh em tôi cho đến giờ vẫn duy trì nếp sống tương trợ đó. Sống bám ở thành phố được hai năm, gia đình chú Tám bị chính quyền ép phải đi vùng kinh tế mới ở Ðịnh Quán, giáp ranh tỉnh Lâm Ðồng. Số chú quả là số con rệp. Tôi nhận được tin báo vào buổi trưa, trong thư chú không nói rõ địa chỉ, thành thử dù rất nóng lòng, tôi cũng không biết cách nào đi thăm để yểm trợ.
     
Ðến ngày giỗ thân phụ, anh em chúng tôi ngồi ngóng đến chuyến xe đò cuối cùng chú Tám mới về tới. Ngoài bánh, mứt, trà sắp lên bàn thờ cúng cha mẹ, chú Tám còn mang về biếu tôi một bình rượu to ngâm sáu con bìm bịp, với một lít mật ong nguyên chất.
     
Anh em ngồi quây quần nghe chú kể về cuộc sống gian nan, khó khăn trong những ngày đầu đến sinh sống ở vùng kinh tế mới. Một vài gia đình có người chết vì bệnh kiết lỵ hoặc sốt rét. Nhiều gia đình không chịu đựng nổi cuộc sống kham khổ, lén trốn về Sài Gòn. Riêng gia đình chú, với số đồ sắt bán ế trước đây còn tồn tại, chú chở theo lên bán rất được giá. Chú lại mua thêm đồ để bán như xoong, nồi, quần áo lao động, giầy bố, một số thuốc Tây thông dụng như thuốc sốt rét, đau bụng, kiết lỵ và cảm cúm. Vốn buôn bán làm ăn của chú bây giờ khá hơn hồi còn nấn ná ở Sài Gòn. Anh em đều mừng rỡ, gọi đùa chú là “người hùng vùng kinh tế mới”.
     
Sáu tháng sau, tôi lên thăm chú. Trời ngả về chiều, tôi tới Ðịnh Quán. Ðến vùng kinh tế mới Kim Biên, cách huyện trên 10 cây số về hướng Tây, phương tiện duy nhất ở đây là xe đạp ôm. Dọc đường tôi hỏi thăm người chạy xe về tin tức của chú Tám:
     - Tám Nghĩa, trước bán đồ sắt ở chợ Kim Biên lên đây hiện đang ở đâu, chú có biết không?
     - Biết, biết! Anh Tám Hổ đó mà, có quán cà phê và tạp hóa ở gần bìa rừng.
     
Tôi ngạc nhiên về cái tục danh Tám Hổ, nó có vẻ ngang tàng anh chị quá, nhất định không phải chú ấy rồi. Chú Tám hiền đến độï trước đám đông chú thường yên lặng, cười xã giao. Lúc còn đi học tiểu học, chú thường đi sớm đến chùa Viên Minh để được chia phần khất thực vào giờ độ ngọ. Các vị sư nói chú có nhiều Phật tính, nhất định chú Tám, em tôi không phải là Tám Hổ.
     
Sau gần hai tiếng đồng hồ ngồi trên xe đạp dồn xóc ê ẩm, trời sụp tối. Người lái xe quẹo vào cái quán có đèn “măng sông” sáng choang, dừng lại gọi lớn:
     - Tám Hổ ơi! Có anh ở Trà Vinh lên thăm nè.
     Chú Tám Hổ bước ra, em trai tôi đây mà! Hai anh em mừng rỡ nắm tay nhau:
     - Anh lên, em mừng và ngạc nhiên quá!
     Tôi thắc mắc:
     - Có vụ gì mà có tục danh Tám Hổ nữa đây?
     Chú cười:
     - Bí mật! Anh vào tắm cho khoẻ, em sẽ tường thuật cho anh nghe sau.
     
Căn nhà chú đúng là quán hàng xén, đầy đủ đồ gia dụng cần thiết và thực phẩm khô. Tôi chú ý trên vách, cạnh bàn thờ có treo một khẩu súng săn bóng loáng.
     
Bữa cơm, canh rau nấu với tôm khô, lạp xưởng chiên. Ðặc biệt có bia lai rai với khô cá lóc tôi mang lên. Rót tiếp bia cho tôi, đoạn chú chỉ xuống gầm bàn, nói:
     - Em có tên Tám Hổ vì nuôi nó trong nhà đó.
     
Tôi ngó xuống giựt mình, co chân lên ghế. Một con cọp vằn đen lông vàng to bằng con chó ta, đang nằm cuộn mình dưới gầm bàn. Chú cười, cụng ly với tôi rồi bắt đầu kể:
     - Lần trước về ăn đám giỗ ba, trở lên Sài Gòn bổ đồ hàng xén cho tiệm, em mua được cây súng săn giá rất rẻ của một người thua bạc cần tiền. Em rất thích đi săn. Hơn nữa ở đây nhiều chim, gà rừng, mễn, nai, cheo...Một ngày đi săn xông xáo, lớp ăn, lớp xẻ khô, gia đình em dùng cả tháng chưa hết. Một hôm đang mải mê theo dấu một con công, rất sâu trong rừng, bỗng em thấy đám cỏ tranh lay động và từ xa em nghe tiếng kêu ăng ẳng như tiếng chó con. Em liền chạy đến thì gặp... nó đây! (Chú vừa nói vừa chỉ vào con cọp đang nằm dưới gầm bàn, lâu lâu lại đưa chân trước lên vuốt mép). Hẫng một phút vì bất ngờ, em vội nhào tới ôm nó lên, bỏ cả xâu chim chiến lợi phẩm, chạy bất kể thân, vì em biết thế nào mẹ nó cũng lẩn quất không xa. Cọp mẹ mà biết em bắt con của nó thì giờ này em không còn được ngồi đây uống bia với anh. Về đến nhà, em để nó vào cái cần xé, nằm bật ngay trên ván vì mệt, muốn kiệt sức.
     - Hớp một ngụm bia, chú kể tiếp:
     - Anh không thể tưởng tượng được, trong tuần lễ đầu tiên lúc mới bắt nó về, tụi em không làm ăn buôn bán gì được cả. Người hiếu kì kéo tới coi không ngớt suốt ngày, mỗi người hỏi một vài câu, trả lời thôi cũng muốn khùng. Tuần rồi Công an huyện cho người xuống nói thừa lệnh trên bắt nó về cho Sở thú Sài Gòn nuôi để nhân dân tham quan. Em biết họ đặt điều, bắt đem đi bán cho khách ngoại quốc. Không có lệnh trên lệnh dưới nào cả. Em nói nó là vật sở hữu của em, không ai có quyền bắt cả. Sở thú Sài Gòn có mần thịt sư tử, cọp bán xương cho mấy ông ba tàu Chợ Lớn nấu cao hổ cốt thì bắt cọp nữa làm gì? Thấy em có phản ứng quyết liệt, họ thụt, nhưng bắt em ký giấy cam kết nếu nó làm gì nguy hiểm cho nhân dân, em hoàn toàn chịu trách nhiệm.
     Chú cúi xuống đưa tay xoa xoa đầu cọp và nói tiếp:
     - Em cho nó uống nước cơm pha đường thẻ, ăn cơm với thịt hoặc cá đã nấu chín. Tuyệt đối không cho ăn thịt sống. Nó mau lớn và hiền lắm. Ở đây, đa số đất khai hoang đều trồng bắp và đậu phộng, thu hoạch cũng khá. Khổ nỗi khỉ và heo rừng thường tới phá hoa màu. Mỗi buổi sáng, em phụ vợ em dọn quán và pha cà phê, cơm nước xong, em vác cuốc xẻng, đồng thời đem theo đồ ăn trưa. Em ra rẫy, nó lững thững đi theo sau. Một điều lạ, không biết vì trông thấy hay ngửi thấy mùi phân và nước tiểu của cọp nên khỉ và heo rừng không dám bén mảng tới phá nữa. Mấy công đất em trồng bắp và đậu phộng lên tốt, nguyên vẹn. Tiếng đồn lan ra khắp vùng, nhiều người tới năn nỉ nhờ em cho mướn nó đi biểu diễn để khỉ và heo rừng sợ không dám tới phá hoa màu của họ nữa. Em sẵn lòng giúp họ nhưng khổ nỗi là không có em, ai dẫn nó cũng không chịu đi. Sau vụ thu hoạch hoa màu, chủ rẫy mua đường, sữa, bột đậu nành đến cho nó bồi dưỡng. Nó là cọp cái, em đặt cho nó cái tên Gina vì trước em rất thích nữ tài tử Gina Lolobrigida.
     
Trong thời gian một tuần lễ ở lại chơi với chú, tôi đi săn với Tám Hổ hai lần và dĩ nhiên có cả Gina đi theo. Tôi vừa bắn rớt con gà rừng, Gina nhanh như chớp phóng tới ngoạm con gà mang đến cho tôi.
Ngày về, chú cho tôi một con chim trĩ, hai con két, hai lít mật ong làm quà. Chú và Gina tiễn tôi tới bến xe đạp ôm. Ði được một quãng, ngoái lại tôi thấy chú Tám cười vẫy tay và hình như Gina vẫy đuôi.
     
Ít lâu sau, có người dẫn một du khách Ðài Loan đến ngỏ ý thương luợng trả mười cây vàng để mua Gina. Tám Hổ từ chối, nhất định không bán. Chú bảo Gina là người bạn quý của gia đình và không ai lại đi bán bạn bao giờ.
     
Tám Hổ mua một máy chụp hình lấy liền hiệu Polaroid để chụp hình lưu niệm cho khách. Người dân thành phố về vùng kinh tế mới thích chụp hình đứng bên Gina để gửi tặng thân nhân như một bằng chứng đời sống nơi hoang dã. Trẻ nít thì khoái chụp hình ngồi trên lưng cọp, vuốt râu hùm...Sáng kiến chụp hình lưu niệm này đã đem lại số lợi tức đáng kể về cho gia đình Tám Hổ.
     
Một năm sau, nhân ngày giỗ Mẹ, Tám Hổ mang về nhiều quà cáp, nhưng nét mặt dường như không được vui. Tối đến, anh em quây quần trò chuyện và uống trà, Tám Hổ buồn bã kể chuyện về Gina:
     - Cách nay một tuần, con Gina đã bỏ vào rừng biệt tăm. Trước đó, Gina lộ vẻ quạu cọ, cắn xé thùng giấy, bao bố...Ban đêm nó không ngủ, đi vòng vòng, sục xạo...dường như đến thời kỳ rượng đực.
     
Một hôm tôi đang ngồi loay hoay sửa lại giàn hoa trước nhà thì nhận được bức điện tín của chú Tám gửi về với nội dung cho biết: “Gina trở về. Có bầu!”.
Tôi nhắn cho thân nhân biết tin vui, mọi người đều mừng cho Tám Hổ đồng thời thư từ liên lạc, theo dõi câu chuyện chửa đẻ của Gina, say sưa như theo dõi truyện thần thoại xứ Ba Tư ngày xưa.
     
Tết năm đó, tất cả anh em chúng tôi bao một chuyến xe lên vùng kinh tế mới Kim Biên, Ðịnh Quán thăm gia đình Tám Hổ. Cơ ngơi của chú bề thế khang trang. Căn nhà ba gian, cột tròn, đánh vẹc-ni màu hổ phách bóng loáng. Nền nhà lát gạch, có sắm máy phát điện nhỏ. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy Gina cao lớn, oai phong như một bà chúa sơn lâm chạy ra vẫy đuôi mừng, theo sau là hai chú cọp con. Tám Hổ cho biết cái cơ ngơi này được tạo dựng khang trang, phần lớn là do công lao đóng góp của ba mẹ con Gina. Hai chú cọp con, Tám Hổ đặt tên là Pelé và Maradona.
     
Tám Hổ chụp hình cho khách mệt nghỉ. Nhiều người trước đây đã chụp hình đứng chung với Gina, nay lại muốn chụp nữa để có tấm hình bồng bế Pelé và Maradona trên tay, đứng bên con Gina cao lớn, bệ vệ, oai phong.
     
Thế rồi một đêm mưa, hòa trong tiếng sấm chớp xé trời, người ta nghe như có tiếng rống của cọp đực gần phía bìa rừng. Trước đó một tuần, Tám Hổ thấy có dấu chân cọp lớn hơn dấu chân con Gina ở phía ngoài rào. Sáng hôm sau, mải lui cui pha cà phê, có khách tới xin chụp hình với mẹ con Gina. Tám Hổ ngó quanh không thấy Gina đâu, chạy sục sạo tìm kiếm, ra cửa rào thì thấy dấu chân mới của Gina, Pelé, Maradona và thêm dấu chân cọp to hơn hướng về phía rẫy và lẩn khuất phía bìa rừng. Gina dẫn hai con đi rồi! Tám Hổ nằm liệt giường, đóng cửa tiệm một tuần. 

Ðược tin, tôi viết thư an ủi chú. Ô! Sông có khúc, thì người cũng có lúc. Gina giúp đỡ chú như thế quá đủ rồi. Tuy là loài vật, Gina cũng phải lo cho hạnh phúc và đời sống riêng tư của nó nữa chứ. Môi trường thích hợp nhất với Gina là rừng xanh và bóng cây già, với đồi với suối thiên nhiên hùng vĩ, chứ đâu phải nép mình trong căn nhà ba gian của chú! Tám Hổ mở cửa tiệm buôn trở lại. Có những buổi chiều, chú ngồi yên lặng cả giờ, đôi mắt xa xăm nhìn về phía rừng, nơi Gina đã ra đi cũng như trước đây Phụng, người vợ đầu tiên mà chú rất mực yêu thương đã ra đi. Ðối với người và thú vật, tuy tình cảm lưu luyến có khác, nhưng sự ra đi nào mà chẳng để trong lòng kẻ ở lại cái cảm giác bơ vơ hụt hẫng tiếc nuối.
     
Chiều hai mươi tám tết, tôi đang đứng trên ghế, đơm mấy trái quýt ta quanh nải chuối cau và trái dưa hấu thật to trong đĩa trái cây đặt trên bàn thờ ông bà, bỏ mấy viên Aspirine vào chiếc độc bình giữ cho cành mai lâu tàn, bỗng nghe tiếng mấy đứa em cùng reo lên một lượt khi có chiếc xe đò dừng lại:
     - Tám Hổ về tới!
     Mọi người chạy ra đón Tám Hổ và phụ đem đồ vào nhà. Phương, đứa con trai lớn của tôi hỏi:
     - Túi này đựng gì mà nặng quá vậy chú Tám.
     Tám Hổ cười đáp:
     - Hai chục ký lô khô nai, nhậu mệt nghỉ!
     
Chú cho biết, mấy lúc gần đây, một tháng đôi lần, vào những tuần trăng, sáng ra mở cửa thấy một con mễn, có khi heo rừng nặng cả tạ, và mới đây là một con nai to bằng con bê còn nóng hổi nằm chết trước nhà. Có dấu chân cọp in hằn rõ nét mà Tám Hổ không bao giờ lầm lẫn, đó là dấu chân của Gina.
     
Gina đã trở về sống với rừng xanh, nhưng cứ đến tuần trăng nó lại tha mễn, nai hoặc heo rừng đến trước sân nhà làm quà cho Tám Hổ. Gina tuy là thú vật nhưng vẫn còn lưu luyến chút tình người, chứng tỏ nó không quên Tám Hổ. Còn Phụng, người vợ cũ đầu ấp tay gối ra đi biệt tăm, mặc dù hai người đã có chung với nhau một đứa con trai. Phụng và Gina, ai “người” hơn ai? Câu hỏi lẩn quẩn trong đầu đã bao lần Tám Hổ không sao tìm được câu trả lời thích đáng, mỗi chiều bên ly bia sủi bọt, mơ màng ngó về hướng bìa rừng rồi lại nhìn đứa con trai trông giống Phụng như đúc, Tám Hổ ngồi yên lặng thở dài.
     
Sau đó gia đình tôi bồng bế nhau sang Hoa Kỳ theo diện H.O, một chương trình được mệnh danh là nhân đạo.
Thân nhân, bè bạn, anh em tiễn đưa gia đình tôi ở phi trường Tân Sơn Nhất thật đông. Qua khung cửa kính, lúc máy bay vừa cất cánh, tôi chợt thấy Tám Hổ một tay vịn vai thằng Ân, tay kia đưa ngang mặt quẹt nước mắt. Hình ảnh Tám Hổ khóc, khiến tôi bồi hồi xúc động, theo tôi suốt cuộc hành trình bỏ xứ ra đi này.
     
Trăm cay nghìn đắng gặp phải khi mới đến định cư xứ người, còn gì khổ bằng khi tóc đã muối tiêu, tôi phải sắp xếp mọi thứ cho gia đình lại từ đầu. Qua thư từ liên lạc với thân nhân ở quê nhà, tôi biết Phụng đã tìm lên vùng kinh tế mới, gặp Tám Hổ để bàn về thằng Ân, đứa con trai chung của hai người. Phụng tỏ ra rất biết điều, nói năng từ tốn, không dám đòi hỏi gì. Phụng chỉ mong Tám Hổ thương thằng Ân, nghĩ đến tương lai của nó, cho thằng Ân theo Phụng sang Úc do sự bảo lãnh của gia đình Phụng. Phụng cũng xin lỗi Tám Hổ, đã từ lâu giấu Tám Hổ âm thầm lo hồ sơ xuất ngoại cho thằng Ân.
     
Sau gần một tuần suy nghĩ, tốn thật nhiều bia để trợ lực, vì tình thương thằng Ân vô bờ, Tám Hổ đồng ý cho thằng Ân sang Úc với Phụng. Tương lai nó dù sao cũng sáng sủa hơn ở vùng kinh tế mới Ðịnh Quán này, địa danh mà người đi qua chợt xác nhận vị trí bởi những hòn đá cheo leo xếp chồng lên nhau một cách hờ hững bên đường.
     
Ngày thằng Ân lên máy bay, Tám Hổ không đi tiễn, nằm nhà ngủ vùi với cơn say và nước mắt. Phụng phải nắm tay lôi thằng Ân ra phi đạo vì nó nằng nặc đòi ở lại. Ân vừa bước đi vừa mếu máo:
     - Mấy bác thấy ba con đâu không? Con thương ba con lắm! Con muốn ở lại với ba con.
     
Tôi biết Tám Hổ đứt ruột phải xa thằng Ân. Sự ra đi của nó là một tổn thất lớn nhất trong đời của Tám Hổ, còn hơn sự ra đi của Phụng mười năm trước. Cách quê hương nửa vòng trái đất, cuộc sống Mỹ đã đưa gia đình tôi vào quỹ đạo chóng mặt, riêng tôi không còn thời gian nhàn hạ nữa. Hằng tháng tôi gọi điện thoại về Việt Nam thăm hỏi gia đình, người thân. Quê hương ai xa mà không nhớ, chính điều đó mà người Việt đã đóng góp một số tiền rất lớn, lên hàng nhiều triệu trong trương mục của các hãng điện thoại viễn liên.
     
Sang Mỹ được hai năm, buổi chiều đi làm về tôi nhận được thư của Nhường – rất dầy, dán đến bốn mươi lăm ngàn đồng tem Việt Nam – đứa em trai thứ bảy được tôi ủy quyền trông nom nhà cửa. Trong thư chú chỉ nói có nửa trang về thân nhân gia đình bình yên, còn hơn mười trang nói về Tám Hổ và Gina. Ðọc thư tôi cười và nói thầm: “Chuyện Gina sang đến Mỹ rồi”.
     
Với số thịt rừng hàng tháng do Gina mang đến tặng trước sân nhà mỗi độ trăng sáng. Tám Hổ ướp nước đá và mang về bán cho các quán nhậu tận Sài Gòn, giá được tăng gấp đôi. Lấy tiền bán thịt rừng làm vốn bổ đồ về quán tạp hóa, không vốn mà Tám Hổ được bốn lời! Ðể đền ơn, nhìn trăng biết ngày Gina đến, Tám Hổ pha một thau sữa bột đậu nành đường cát trắng, đặt giữa sân chỗ Gina thường bỏ con mồi. Tám Hổ thức chờ.
     
Trăng sáng trên đỉnh đầu, Gina xuất hiện kéo lết một con nai, bước những bước nặng nề, mệt nhọc đi vào sân. Bỏ con mồi xuống, Gina gục đầu sang thau sữa uống một cách ngon lành, tiếng Gina uống sữa như nước chảy vào ống cống hẹp. Tám Hổ run run, xúc động bước ra sân và khẽ gọi:
     - Gina!
     
Gina quay lại ngoắc đuôi, bước đến cọ đầu và tai vào chân Tám Hổ một cách trìu mến, quyến luyến. Tám Hổ ngồi xuống ôm và xoa đầu, Gina liếm nhè nhẹ vào má Tám Hổ. Vài phút sau Gina bỏ đi, Tám Hổ gọi tên mấy lần, Gina bước nhanh và không ngoái đầu lại.
     
Mỗi tháng trăng sáng, Tám Hổ nôn nóng gặp Gina – không phải vì con mồi – với trạng thái tình cảm nồng nàn như trông ngóng người tình. Thế rồi một buổi chiều, trời vừa sụp tối, Tám Hổ đang cho thêm đường vào thau sữa thì thấy một xe Jeep chạy chầm chậm ngang qua quán.
     
Nửa đêm trăng sáng vằng vặc, Tám Hổ nằm ngủ trên võng, mơ màng ngoài mái hiên nhà bỗng nghe tiếng súng nổ đoàng!! đoàng!! đoàng!!...nhiều loạt đạn nổ chát chúa, cộng với tiếng rống xé trời vang lên từ phía bìa rừng. Tám Hổ choàng tỉnh chạy ra mé rào, trống ngực đập liên hồi, lo lắng, không biết có điều gì bất trắc xảy ra cho Gina.
     
Trời vừa rạng sáng, người xe đạp ôm đầu tiên chở khách từ Ðịnh Quán vào, uống cà phê và cho Tám Hổ biết có người vào đây săn cọp, bị cọp vồ, vết thương ở cổ họng và bọng đái rất nặng đang chở vào thành phố cấp cứu. Họ săn được một con heo rừng và một con cọp. Nghe đến đây Tám Hổ rụng rời! Gina đã chết rồi, Gina vì mang heo rừng về biếu Tám Hổ, do theo thói quen mà Gina phải chết.
Tám Hổ đi ra nhìn kỹ, quả thật xác Gina đang nằm như ngủ, ngoài mái hiên. Nhờ người thương lượng, Tám Hổ mua xác Gina với giá năm triệu đồng.
     
Ðường dạo này đã ban bằng và mở rộng, Tám Hổ mua một cái quan tài hàng chân nhang hạng nhất, bao nguyên chiếc xe Lam chở quan tài và xác Gina về nhà. Riêng phần Tám Hổ lo cho đám tang Gina thật chu đáo. Chờ xác Gina về tới, anh em xe đạp ôm, già trẻ, lớn bé hiếu kỳ đến chật nhà. Tám Hổ cho che tấm bạt lớn kín gần nửa sân, quan tài đặt chính giữa, lót một tấm mền bông mới nguyên xé từ trong bọc, hai mép phủ bên ngoài. Gina được lau khô máu, đặt quan tài trong tư thế nằm nghiêng, êm đềm như ngủ. Vợ chồng Tám Hổ tận dụng tất cả bàn ghế trong nhà, một số hàng xóm tự động mang tới. Cà phê, nước trà, bánh ngọt, thuốc lá khách dùng tự nhiên.
     
Mỗi người nói một câu, quang cảnh như buổi chợ đêm. Tình cờ Tám Hổ nghe mấy anh xe đạp ôm đã vô mấy xị tiết lộ cho biết vợ Tám Hổ là một trong những tay đánh số đề có hạng ở Ðịnh Quán. Tám Hổ nghe đắng ở cổ họng và tức muốn ói máu, bán buôn rất được, mỗi lần đi bổ hàng đều bị thiếu tiền, một số thất thoát không kiểm chứng được.
     
Tám Hổ chôn Gina ngay ngoài sân nơi đêm đêm trăng sáng, Gina mang thú rừng về tặng Tám Hổ. Chôn cất Gina xong, chờ cho mọi người về hết, Tám Hổ hỏi tội vợ về việc chơi số đề. Một cuộc đập lộn quyết liệt xảy ra, có người đến can mãi mới lôi hai vợ chồng ra được. Tám Hổ bị chảy máu mũi và bầm tím một bên mắt, nghe đâu vợ Tám Hổ có võ tiều. Rõ ràng số Tám Hổ là số con rệp. Một tuần sau, Tám Hổ rước thợ, mua cát đá, xi măng làm mộ cho Gina. Xây mộ xong, vật liệu còn thừa, Tám Hổ cho tráng rộng chân nền ra gần hai thước, tất cả vuông mộ và nền được tô đá mài màu xanh xám, mát lạnh. Tám Hổ đem hình Gina ở tư thế hai chân trước chống thẳng, hai chân sau quỳ bằng, đôi mắt sáng quắc nhìn thẳng về thành phố bọc kính, tấm mộ bia to bằng tấm lịch treo tường, phía dưới đục hàng chữ đen bóng.
      Phần mộ: Gina, sanh năm 1989, tử nạn ngày 6/5/1998. Hưởng thọ 9 tuổi.
     Tấm mộ bia được gắn vào mộ Gina đẹp, uy nghi và có thần lạ thường. Nền mộ của Gina bây giờ là tụ điểm của xe đạp ôm, cờ tướng, bài cào con, trẻ nít quây quần đánh đáo, bắn bi. Mấy tay mê số đề thắp nhang van vái Gina phù hộ. Vợ Tám Hổ nhìn một cách thèm thuồng nhưng không dám thắp nhang. Không biết nhờ Gina phù hộ hay mấy tay mê số đề tới số, đa số những người van vái đều trúng số đề, không nhiều thì ít. Tiếng đồn vang xa, mộ Gina suốt ngày khói hương nghi ngút.
     
Thế rồi, một buổi sáng trên chiếc xe lam bốn người phụ nữ Tàu ăn mặc sang trọng, mang theo mấy mâm bánh, trà, trái cây và một con heo quay to. Theo lời tiết lộ của bác tài xe lam, đây là gia đình A Phóng, dân kinh tế mới vượt biên đến đảo Paulo Bidong an toàn, đem phẩm vật lên trả lễ vì trước khi vượt biên, A Phóng có đến khấn trước mộ Gina. Suốt đêm đó và cả ngày hôm sau, Tám Hổ và đám xe ôm say mệt rồi ngủ, thức dậy nhậu tiếp mới hết nửa con heo quay, phần còn lại chia cho hàng xóm.
         
Thằng Ân từ bên Úc gửi thư về thăm Tám Hổ. Nó nói thương ba lắm, trong thư nó bảo Tám Hổ ráng giữ gìn sức khỏe, bốn năm nữa đúng mười tám tuổi, thằng Ân sẽ bảo lãnh Tám Hổ qua Úc sống với nó. Vợ Tám Hổ vẫn lén lút, bòn nhét đánh số đề. Tám Hổ buồn đời, hận vợ, nhớ thằng Ân nên say xỉn hoài, gia đình bắt đầu xuống dốc.
     
Có những đêm gây lộn với vợ, uống say Tám Hổ mang mền gối ra mộ Gina nằm ngủ, rượu vào cơ thể nóng bừng, nằm trên đá mài mát lạnh, Tám Hổ phê một giấc tới sáng. Khách lục tục vào uống cà phê, mặt trời lên cao gần một sào, Tám Hổ mới thức dậy mang mền gối lề mề vào nhà. Khách quen hỏi:
     - Hồi hôm đã dữ hả Tám Hổ?
     Tám Hổ trả lời giọng còn ngái ngủ:
     - Cũng đủ lãng quên đời thôi.
     
Cuối năm, mấy đứa em tôi và cả vợ Tám Hổ gửi thiệp chúc Tết kèm theo thư dài sang Mỹ, báo rõ cho tôi biết tình trạng bê bối của Tám Hổ, nhờ tôi biên thư về “giũa” Tám Hổ vì chú chỉ sợ và nghe lời mỗi một mình tôi mà thôi. Ừ! Tôi phải biên thư về rầy Tám Hổ bỏ rượu vì nó là độc dược tàn phá, hủy hoại tuổi thọ con người. Nói thì nói vậy, tôi thương số phận “con rệp” hẩm hiu của Tám Hổ lắm. Chiều ba mươi, bữa cơm rước ông bà được nấu nướng vội vã, hớp một ngụm bia, phần còn lại sau khi rót cúng, tự dưng tôi muốn nói một lời đủ chỉ mỗi một mình Tám Hổ nghe thôi:
     - Anh thương và thông cảm hoàn cảnh của chú lắm! Xin chú đừng mượn rượu để hủy hoại đời mình. Nhưng nếu thật tình như lời chú nói: “Uống rượu để lãng quên được chuyện đời!”, thì Tám Hổ ơi! Anh đây cũng xin được làm người nát rượu. 


Hồ Văn Ẩn

 

No comments:

Post a Comment