Saturday, September 2, 2023

NỢ !! - Liên Hương Phanta

 

 Hình chụp đang hát bài Tình Ca của ns. Phạm Duy. Tại nhà thờ khu C. Panatnikhom Thái-Lan 1989 khi vị Giám Mục Thái có mẹ là người Việt đến thăm trại tỵ nạn.


Chín tháng tị-nạn trong trại Panatnikhom Thái-Lan, hai mẹ con tôi đã sống trong hy vọng sau những gian nan trên đường vượt biên vượt biển.

Để cảm tạ đất trời tự do khi đặt chân lên đất liền, một số anh em chung thuyền đã quỳ lạy ơn trên và sấp mình trên đá sỏi rừng núi, cúi hôn lên mảnh đất tự do đầu tiên, những giọt nước mắt vui mừng mở đầu cho một chương đời mới, có khổ cực có nhọc nhằn... 

Giọt nước mắt rưng rưng nơi khoé mắt nhăn nheo của những người đàn ông da cháy nám khắc khổ, giọt nước mắt chảy dài trên má thiếu phụ lưng chừng mùa xuân... những giọt nước mắt đã rơi xuống một vạt núi rừng đất Thái cuối đông !

 

Chúng tôi được đổ xuống sân trước có mái che từ những chiếc xe GMC bít bùng, những người lính Thái hò hét bắt đám người tị-nạn ngồi thành hàng qua thông dịch của những trật tự viên người Việt ( phần đông là những người ở lâu thâm niên không được quốc-gia nào nhận, bộ đội vượt biên không có qui chế tị-nạn trở thành cay cú dữ dằn ). 

Đám đàn ông đàn bà thanh niên trai gái ngồi xếp re không dám hó hé dù bị bắt lên xe lúc mờ sáng qua những chặng đường dài; Chỉ có đám con nít chạy lăng quăng chung quanh là được phát hộp nước trái cây và phong bánh ngọt... Mái tole nóng hừng hực dù là tháng một, chúng tôi theo thứ tự điểm danh nhiều lần rồi lại được phân nhóm, rồi lại chờ... chờ "ông Chô" trại trưởng !

"Ông Chô" trưởng trại là người Thái, trẻ, đẹp trai, cấp bậc Đại-úy trong quân đội Thái. Ông làm trại trưởng vì có thâm niên "chăm sóc" trại tù này, thật sự đây là một trại tù dùng để nhốt những người Cambuchia, Lào vượt biên, nhốt những người Việt đã được thanh lọc từ các trại sát biên giới Thái Cambuchia.v.v...

Ông Chô nói tiếng Việt như người Việt, ông tử tế với người này nhưng là hung thần của người khác. Khu trại transit và khu C tổng cọng hàng chục ngàn người Việt tỵ nạn đủ mọi thành phần thêm nhóm người Lào, Campuchia thì kỷ luật sắt của ông Chô là điều cần thiết. ( đó là những gì tôi biết được về ông Chô chỉ trong 4 giờ ngồi xếp hàng trên nền ciment chờ được vào trại chính, không ăn uống tiêu tiểu chi hết từ 4 giờ sáng ! )

 

Hơn ba mươi người ở chung một lán, bốn lán đâu mặt vuông sân đất rộng, giửa khoảnh sân là nơi mỗi tuần chúng tôi được nhận gạo, mắm, cá, than củi ép, không đủ dùng cho cả tuần. Tôi may mắn được chia chỗ nằm xa góc có nhà tiêu chung cho 8 lán trại (nhờ có con nhỏ), vị chi trên 250 người dùng chung, nhà tiêu có bốn ngăn có mái che, người bên trong đứng lên thì vách ngăn cao đến ngực... và bốn người có thể nghe thấy những âm thanh bất nhã, bất khả kháng của nhau ! Vì nhà cầu lúc nào cũng có người xếp hàng dài chờ phiên bên ngoài, nhất là ngày vừa được hút hầm ( cầu nổi ) và đã dọn đẹp sạch sẽ.

Bé Hân sau này kể :

- Con hay lén má đổ bỏ ly sữa vì sợ đi chảy...

Những ngày sau khi hút hầm, phân người chồng chất lên nhau tràn ra cả bàn cầu, nghĩ đến mà vẫn còn rùng mình ! Bé Hân nhớ lại :

- Con sau này cứ nghĩ đến cái cầu tiêu phân người chất đống chồng lên nhau lổn nhổn vàng đỏ xanh nâu... mà không dám ăn sinh tố trái cây giằm giống quán nước ông Dư nữa ! 

Mọi người được kêu đi lãnh nước tắm, nước đủ cho tắm gội nhưng những người đàn bà con gái mới đến như chúng tôi thì được nhóm thanh niên Cambuchia hậu hỉ cho thêm nước trong lúc tắm vì sau tuần lễ tại trại nhỏ gần biên giới thiếu thốn, đám đàn bà chúng tôi thật tình hôi như cú ! Đổi lại mấy thằng đổ nước được phen hí hố nhìn ngó đám đàn bà chúng tôi tắm chung trong phòng tắm không có mái che, chung quanh được che chắn quây tạm bằng những tấm phên tre hoặc tấm nilon... mặc kệ ! Đã gần như chết đi, khi sống lại thì nhằm nhò chi những cặp mắt trần tục kia...


Một tuần, hai tuần... qua, tuần kế không hiểu vì sao không có lương thực cung cấp, không gạo không cá mắm dầu củi ! Những người mang theo được ít vàng còn có cái để đi chợ, phần tôi đã bán một chỉ đánh điện tín mua thực phẩm thuốc men khi mới đặt chân lên đất Thái.

Còn một chỉ vàng cuối cùng trước khi chuyển lên đây, tôi đã lạc lòng cho một em gái nhỏ 13 tuổi bị giữ lại vì có mẹ chết khi vào bờ bị lún trong bãi sình lầy; Em phải ở lại để nhận xác mẹ và làm thủ tục thiêu xác... mà em lại không còn thân nhân nào đi cùng ngoài anh Tuấn cùng ghe và cũng là người cứu kéo em từ bãi sình vào bờ trước đôi mắt mở trừng của mẹ em chới với lún dần chìm xuống.. 


Anh Tuấn hứa sẽ trả lại chỉ vàng ấy cho tôi khi anh nhận được tiền từ thân nhân, nhưng đói quá ! Tôi hằng ngày dẫn bé Hân đến khu lán anh ở, lảng vảng mà không dám hỏi đòi vì anh đã hứa là đồng bạc đầu tiên anh nhận được sẽ trả cho tôi...

Tôi đói thì không nói chi, anh em thằng Hiệp đi chung ghe cùng ăn cơm chung với tôi đói theo! Tụi nó không có thân nhân cũng đã đành nhưng bé Hân con gái tôi thường kén ăn bây giờ môi khô khốc mắt thâm quầng, đôi cẳng chân và cánh tay khẳng khiu ! Không thể chờ đợi và không làm gì khác được, cũng không thể nhờ cậy ai, một buổi sáng tôi dẫn con ra chợ...

Tôi dẫn con lang thang khu chợ sáng sớm, thật ra chỉ là một dãy lán bán quần áo vật dụng tạp hoá của người Thái, bên ngoài là chái bán rau, khoai củ, thịt cá... tôi lang thang hy vọng có ai đó mở tay, tôi đi xin ăn các bạn à ! Nhưng còn sớm vắng người bé Hân nắm tay tôi đi lòng vòng đã mỏi chân, con rơm rớm nước mắt :

- Má ơi con muốn về nhà, con đói bụng, con muốn ăn mì. ..

- Ừ ! ráng chút nữa đi con...

Tôi biết chắc Chủ nhật trạm thư trại đóng cửa, sẽ không có ai còn tiền cho tôi mượn, vã có ai quen biết nhau đâu ! Chúng tôi tứ xứ gặp nhau, có ai giàu có hơn ai đâu, tôi đói họ cũng đói ! Tôi đến gần một vài người đàn bà đi chợ sớm, họ nhìn tôi và bé Hân lắc đầu, tia nhìn ái ngại...

Chân tay tôi đã run, con gái tôi nước mắt nhòe mặt... từ xa tôi thoáng thấy bên trong khu tạp hoá có người đàn ông bước vào đang lúi húi tìm mua gì đó trong quầy... Tôi bước như chạy, tay bé Hân nhỏ xíu trong tay tôi :

- Thưa ông, không thưa anh...

Người đàn ông ngó lên :

- Vâng thưa cô có việc gì ?

Tôi nhìn thấy chiếc áo sơ mi đen có miếng cổ trắng cài ngang, tôi nhìn thẳng gương mặt người đàn ông... vị linh mục mà tôi có gặp những buổi chiều dự Thánh lễ đây mà ! Tôi lắp bắp, nước mắt chảy dài :

- Thưa cha, con của con mấy ngày nay không có gì ăn, con đói thưa cha... con có thân nhân nhưng chưa liên lạc được, con đã gửi thư...

Vị linh mục lục túi, giúi vào tay bé Hân 3 dollars. 

- Cầm lấy mua gạo cho cháu tạm vậy.

- Dạ Cảm ơn cha, cả tuần nay họ không phát thực phẩm ! Con sẽ gửi lại cha khi...

- Ôi ! Cô gì hôm trước có hát sau lễ đây mà, không cần phải trả lại đâu ! Mai cha đi định cư rồi.

Tôi mua mấy gói mì gà Thái, vài ký gạo, chai xì dầu, vài quả trứng gà những món mà bé Hân thích và... giấu kỹ đồng bạc còn lại !

 

Mỗi sáng đúng 8 giờ loa trại phát bài quốc ca Thái, luật buộc mọi người bất kể già trẻ dù trong phòng khuất cũng phải đứng nghiêm chào quốc-ca ; một sáng bé Hân chạy chơi đâu đó, tôi còn đang bưng chén mì đi vòng sân Chùa tìm, thì bài quốc-ca vang lên, nóng ruột vì không thấy con ( trại tị-nạn nhiều thành phần, cha mẹ không được rời mắt khỏi con cái, nhất là các bé gái ) Chân tôi vẫn bước tới cứ nghĩ không ai thấy mình nhưng... "đét" tiếng roi vụt xuống mông đau điếng ! Tôi quay lại, ông Chô tay lăm lăm cây roi vụt vụt trong không khí... Tôi trừng mắt :

- Ông không thấy tôi đang tìm con gái tôi sao ? Ông biết ở đây rất nguy hiểm cho các bé gái mà ! 

Ông Chô nhìn tôi chăm chăm rồi dịu giọng :

- Được rồi lần này tha, phải chú ý lần sau !

(Không tha thì sẽ lãnh thêm vài roi thẳng cánh và quỳ gối tại chỗ hàng giờ cho lần phạm lỗi đầu tiên... ) Tức anh ách, nhưng sống trên đất người thì phải theo lệ người, ghét ông Chô thì ít mà tức đám thanh niên Việt ỷ làm trật tự dựa thế tác oai tác quái. Nghe nói ông Chô cặp bồ với những cô gái Việt mà ông vừa ý qua những cống nạp lập công của đám trật tự này, nghe nói ông muốn lấy vợ là người Việt tị nạn để ông có cơ hội đi Mỹ (*)

 

Tháng sau thì tôi bắt đầu nhận thư và tiền từ ba và chồng tôi gửi đến trại, số tiền không nhiều nhưng đủ để nhàn nhã, tôi thành người giầu có ( vì có thân nhân ở Mỹ) ; Nhận được tin thằng em út cũng đã qua được biên giới Thái đang bị giam giữ ở Sikiu, tôi gửi 50 dollars nhờ một linh mục mang giùm cho thằng em út, gửi thí xác vì chỉ biết tin chứ không biết thật sự nó đang ở đâu !


Chung lán có ôngTánh, người đàn ông thấp đậm chân chất cùng vợ và năm con nheo nhóc, ông làm tất cả mọi việc trong trại để kiếm thêm thu nhập, khi thì đóng cho tôi chiếc bàn thấp, chiếc ghế đẩu bằng gỗ tạp, đến giờ lấy nước ông canh chừng lấy hai thùng cho mẹ con tôi trước rồi mới đến phiên gia đình ông, ông lãnh làm vệ sinh chung quanh lán trại và nhà tiêu khi đến phiên tôi.v.v... đổi lại dù không nói ra nhưng tôi cho ông hết phần lương thực dầu củi cá mắm... cho con ông bánh kẹo những thứ mà tôi mua cho con gái mình thì tôi mua thêm cho con ông, tôi cho vợ ông cả những viên thuốc cảm sốt và một ít tiền công.


Ngày gia đình ông Tánh lên đường qua Phi, tôi giúi vào tay chị vợ 50$ dặn chị cất riêng không được đưa cho chồng vì tôi biết chồng chị tuy thương và lo lắng cho vợ con nhưng lại có tật uống rượu, mà uống rồi thì ông lại đánh vợ không nương tay... Chiều tối đó hai vợ chồng dắt nhau qua "nhà tôi" cảm ơn rối rít, anh chồng còn khóc hu hu nắm tay tôi thề hứa sẽ không bao giờ đánh vợ, sẽ chăm sóc con cái nên người... sẽ... nếu gặp lại tôi bên Mỹ :

- Tụi tui cắn cỏ ngậm vành... sẽ suốt đời chăm sóc nhà cửa cho gia đình cô... 

- Không cần phải vậy ! Em giúp anh chị vì trên đường vượt biên em nhận được nhiều giúp đỡ của người khác, em không trả ơn được cho họ thì em trả bằng cách giúp lại anh chị và các cháu, đừng ngại chi sau này không gặp lại em thì anh chị làm việc thiện giúp người khác cũng như trả cho em vậy.

 

Hai mẹ con tôi sau phỏng vấn được nhận thì chuyển vào khu C , một góc bốn mét vuông đủ để giăng cái mùng đôi treo cao, sáng cuốn vắt lên trần mùng và tối hạ mùng xuống phải dùng tất cả mọi thứ để chèn chung quanh nếu không muốn nửa đêm bị chuột gặm ngón chân... rồi gián, rít, bọ cạp... !

Góc lán tôi ở bên cạnh năm sáu cái chum nước lớn cho bốn lán, có một cái chum để riêng gần cửa ra vào "nhà" tôi, dọn vào buổi sáng buổi chiều cô gái góc lán bên kia bước qua chào giọng miền nam thân thiện:

- Em tên T, chị tên gì ? Cái chum nước này là của riêng em đó, chị và con gái cứ xài chung với em tự nhiên nhen, em bị rớt phỏng vấn hoài, không nước nào nhận... em ở đây lâu lắm rồi !

Hôm sau và những hôm sau nữa, cô gái lúc qua nhờ tôi bắt chí giùm, lúc tỉ tê kể chuyện :

- Em đi một mình không có ai quen, cũng không có ai ở nước ngoài, em ở lâu nên quen mấy anh trật tự, mấy anh đổ nước thương cho em nước xài... chị dạy thêm cho em tiếng Mỹ, viết chữ... mà... nếu đêm hôm chị có nghe ồn ào gì bên nhà em thì cũng đừng để ý tới làm gì ! Nhưng sáng thì chị qua coi thử em có thức dậy không thôi nhen...


Cứ vậy mà cô gái mà tôi quen nhau, cô thức dậy thường quá trưa, chiều tắm xong cô qua nhà tôi hong tóc nhờ tôi bắt chí, cô hát nho nhỏ mấy bài tân cổ trữ tình... Một buổi tối quá nửa đêm ngoài trời trăng sáng vằng vặc không khí lại oi nồng ! Tôi nghe tiếng cãi nhau nho nhỏ rồi âm thanh của những cái tát... tiếng vật lộn, rồi tiếng khóc nho nhỏ ! Tôi rón rén mở cửa bước qua dập mạnh lên phên cửa nhà cô T:

- Có chuyện gì không ? T nói chị biết nếu không lên tiếng chị kêu cứu...

Im lặng, rồi tiếng T nhỏ nhẻ:

- Em không sao !

Chiều hôm sau T qua nhà tôi ngồi chải mái tóc ướt, một bên mắt bầm tím cô gái nói giọng sũng nước mắt:

- Em ở trại hơn 10 năm nay, em làm gái chị à ! Ở đây lâu khổ lắm buồn lắm, em yêu ai vài tháng rồi họ cũng bỏ em đi... hồi đó em cũng có người yêu em thiệt, ảnh ghen quá mà em thì cần tiền, làm gái như em khi đổ bịnh thì phải có tiền...

Tôi thở dài ! Hèn chi từ bên này phên cửa tôi thấy khung cửa nhà cô ban đêm khép mở và bóng những người đàn ông thấp thỏm vào ra ! Ngọn đèn dầu bên nhà cô ban đêm không bao giờ tắt...

Một hôm cô gái bị sốt nặng, tôi cho cô mượn 15$ mua thuốc trụ sinh và hạ nhiệt, mấy ngày sau tôi có danh sách lên máy bay ! Cô gái cầm qua nhà tôi chiếc khăn quàng cổ len móc hoa xù màu hồng trao cho tôi mắt ngân ngấn nước :

- Xin chị nhận món quà này ! Em làm nó đã lâu để dành nay tặng chị, món nợ của chị em không có dịp trả...

- Chị nhận chiếc khăn quàng cho em vui, còn tiền em mượn thì coi như chị cho ! Hôm nay chị giúp em ở đây thì biết đâu nơi nào đó cũng có người đang giúp đỡ em chị ở trại biên-giới. 

( Đến nay, chiếc khăn quàng màu hồng tôi không còn giữ, nhưng tôi hy vọng cô gái đã được định cư một nơi nào khác trước khi trại tị nạn đóng cửa, và cuộc đời cô phải được ngoi lên từ vũng lầy cô đã sẩy chân... )

 

Chín tháng trong trại Panatnikhom Thái Lan, tôi dạy bé Hân Anh-văn những từ ngữ thông dụng, nhưng con bé ham chơi chẳng nhớ được là bao ! Qua Mỹ bé Hân đi học tiểu học được vài tháng, còn tôi thì học lớp ESL. có lần đón con đi học về hai mẹ con ghé Supermarket mua ít vật dụng, đến quầy trả tiền người thâu ngân hỏi tôi một tràng tiếng Mỹ, tôi cứ ngẩn người không hiểu ! Thì bé Hân cầm tay áo tôi giật giật :

- Má nè, ổng nói má muốn dùng bịch giấy hay bịch ni lông đó má plastic bag or nilon bag...

Tôi mừng quá, đứa con gái tám tuổi ngày nào tôi dạy tiếng Anh bập bẹ: table là cái bàn, chair là cái ghế... chỉ ba tháng đã "giỏi" hơn má nó !


Nửa năm sau một mình tôi khệ nệ bụng bầu đẩy xe mua thực phẩm gia dụng, tôi chất đầy xe những món trong phiếu WIC ( bông sữa chính phủ cấp cho bà bầu ) đến quầy tính tiền. Cô thâu ngân nói một tràng, tôi ngẩn ngơ nhìn miệng cô đoán ý... 

- Repeat again please !

- This coupons for three months, you only can use one month coupon ( những phiếu này dùng cho 3 tháng, bà chỉ được mua một tháng mỗi lần )

 Tôi hiểu ra vì là lần đầu tiên mua bằng phiếu bông sữa, vội vã tôi lấy những thứ đã mua quá quy định ra ngoài... Một phụ nữ trẻ bước đến gần xua tay nói với cô thâu ngân :

- Tôi sẽ trả tiền tất cả những thứ dư ra cho this lady please !

Rồi quay qua tôi :

- Có phải bà mới được tị nạn từ quốc gia của bà không ? Bà không phải lo âu hãy nhận như là món quà chúc mừng bà được đến đất nước tự do chúng tôi.

Ôi ! Tôi vẫn còn nhớ tôi đã đỏ mặt vì cảm kích, đỏ mặt vì xấu hổ lí nhí nói "Thank you"

Tôi qua Mỹ diện nhân đạo vì qua chương trình bảo trợ của ba tôi, không phải trả tiền vé máy bay cho hai má con ( mấy năm sau mới bắt đầu trả góp). Chồng tôi mấy tháng đầu thất nghiệp thì tôi và bé Hân được trợ cấp phiếu thực phẩm, tiền trợ cấp sinh sống, chương-trình chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trẻ em, phiếu thực phẩm cho bà bầu em bé... Con gái tôi đi học được free ăn sáng, ăn trưa... Tôi không phải tốn một đồng nào cho chi phí trường học !

Tôi đã nợ nước Mỹ rất nhiều, các con tôi được đi học ở những trường học từ lớp mẫu giáo đến hết trung học trong các trường công tốt nhất mà ở Việt-Nam bạn có mơ cũng không được !

Tôi đã được cho học nghề với giá phí thấp tượng trưng cho người mới chưa có thu nhập... Hai lần sinh con, các con đi học tất cả đều nhờ trợ cấp chính phủ. 

Tôi quay phim gửi về Việt-Nam cái tủ lạnh đầy trứng gà, sữa, sữa chua, nước trái cây, bánh ngọt, kem lạnh, ngăn đông đá chất đầy thịt bò heo gà cá... những con tôm đông lạnh to hơn ngón chân cái ! Mà ngày xưa sau 75 cả nhà tôi ngay cả mơ cũng không dám.


Bây giờ các con tôi đã tốt nghiệp đại học, bằng tiền ngân hàng cho mượn không tiền lời cho đến ngày ra trường, chúng có việc làm sẽ trả góp với phân lời thấp...

Tôi mang nợ nước Mỹ tất cả những gì tôi có được hôm nay, mọi đóng góp của các con tôi sẽ trả lại cho nước Mỹ từ thành quả của chúng.

Riêng tôi, tôi trả ơn cho những người đã giúp tôi bằng cách của riêng mình !

 

* Viết xong tháng 6-2017. Xin cảm ơn tất cả các bạn đã đọc đến giòng cuối những tâm tình này 🥰 


Liên Hương Phanta

No comments:

Post a Comment