Friday, December 1, 2023

Con Là Nợ, Vợ Là Oan Gia, Chồng là Chi? - Hoàng Thị Quỳnh Hoa

 

Ta vẫn thường nghe thiên hạ ta thán mỗi khi cơm không lành canh không ngọt trong gia đình: “Con là nợ, vợ là oan gia.” Vậy chồng là gì? Sao lại chỉ nói đến vợ và con thôi? Chẳng lẽ ông chồng không lúc nào gây rối cho gia đình? Người đàn ông thường lắc đầu lẩm bẩm, “Con là nợ, vợ là oan gia.” Người làm vợ âm thầm cay đắng nhận mình là oan gia! Nhưng đó là ngày xưa. Ngày nay nam nữ bình quyền. Người vợ cũng biết lên tiếng mắng mỏ ông chồng là nghiệp báo, là cục nợ đời! Thật là bất công khi vợ và con bị rủa là oan gia, là nợ mà ông chồng thì thong dong đứng ngoài vòng thị phi! Xã hội Việt Nam ảnh hưởng văn hóa Tàu quá sâu đậm, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô! Nghe có lọt màn nhỉ không? Xã hội bất công cho rằng đàn ông có quyền có năm bảy lá gan, lá ở cùng vợ, lá toan cùng người. Đàn bà chính chuyên thì chỉ một chồng thôi. Đàn bà đời nay đòi bình đẳng với nam giới trên mọi phương diện nhưng không muốn bình đẳng trên phương diện này, không muốn có năm bảy lá gan như đàn ông!

 

Từ lâu rồi, câu “con là nợ, vợ là oan gia” vẫn ở cửa miệng mọi người mà sao thiên hạ vẫn muốn rước oan gia vào mình, vẫn muốn nhiều con, nhiều nợ! Ai lập gia đình mà muộn sinh con thì vội vàng đi cầu tự, xin con nuôi! Câu “con là nợ, vợ là oan gia” được đưa vào từ điển nữa. Tự điển giải nghĩa: Gặp cảnh vợ con không ra gì, coi vợ con là những vướng bận, ràng buộc, gây khó chịu cho mình và có nhiều ông chồng muốn cởi bỏ những vướng bận ấy. Còn vợ mà gặp ông chồng không ra gì thì sao, có muốn vất đi không? Cũng có bà muốn vất đi khi cảm thấy chồng mình là “gừng với vôi”:

 

Chị em ơi người ta trông thấy chồng thì mừng

Sao tôi trông thấy mặt chồng thì nó như gừng với vôi

Chồng gì anh, vợ gì tôi,

Chẳng qua là cái nợ đời chi đây!

 

Mà đã là cái nợ đời thì không ai tránh được nên con trai vẫn kiếm vợ và con gái vẫn kén chồng. Khi hiểu ra: “Chồng con là cái nợ nần, Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm” thì đã lòi ra nhiều cục nợ rồi. Nợ càng thêm nợ nhưng phần đông cố gắng chịu đựng vì sợ sẽ gặp lại ở kiếp sau để trả nợ tiếp, cả vốn thêm lời, nên chịu khó trả nợ kiếp này cho xong, không muốn gặp lại mà khi chết cũng không muốn dính dáng chi đến cục nợ đời nữa! Tôi được biết chuyện một gia đình bàn bạc đi tìm mua đất sanh phần cho cha mẹ. Con cái chọn được chỗ đất tốt cho cha mẹ cạnh nhau thì vui lắm nhưng bà mẹ giảy nảy: “Thôi thôi, cả đời mẹ sống với ông mệt mỏi lắm rồi, khi chết mẹ không muốn nằm gần một bên!” Vợ chồng là tiền duyên, con cái là nợ cũ! Không duyên không lấy, không nợ không theo! Ngày tôi học ở Mỹ, bạn Mỹ hỏi dating ở Việt Nam như thế nào. Khi nghe tôi nói không có chuyện dating, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy thì tụi nó la lên nhưng sau khi nghe tôi nói rõ thời cha mẹ tôi trở về trước con gái chỉ đi học để biết đọc biết viết thôi vì còn phải học công dung ngôn hạnh, học làm dâu, học thờ chồng, nuôi con... Người con gái lớn lên biết rằng mình sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài người cha mẹ chọn nên không đòi hỏi nhiều, không mơ mộng nhiều. Họ ngoan ngoãn về nhà chồng, vui với bổn phận. Mà nhờ vậy ngày trước không có chuyện ly dị. Mấy cô bạn Mỹ suy nghĩ một hồi rồi gật gù bảo nhau: “Arranged marriage” thế mà hay, không phải cực nhọc đi kiếm đối tượng mệt quá! Theo một kết quả trưng cầu ý kiến (survey) ở Mỹ thì một cô gái hôn 79 cậu trước khi kết hôn (Jan. 29, 2017).

 

Edgar Cayce, nhà tiên tri Mỹ của thế kỷ 20, nói rằng vợ chồng là duyên nghiệp, phải gặp nhau để trả nợ nhân quả cho nhau. Bác sĩ tâm thần Brian Wise cũng kết luận vợ chồng không phải ngẫu nhiên mà gặp. Ông nói một người có nhiều đối tượng gặp gỡ vì đã gây nhân duyên với nhiều người qua nhiều đời, nhiều kiếp cho nên ở kiếp này có thể gặp nhiều đối tượng để thương yêu, để trả nghiệp. Người nào hên nên vợ nên chồng với đối tượng số một (soulmate1) thì gia đình êm ấm, hạnh phúc trọn đời. Không may kết duyên không đúng đối tượng thì một trong hai người sẽ bứt ra đi tìm đối tượng số một. Vậy nên người đời không nên vội kết án hành vi của những người nhiều vợ, nhiều chồng, nhiều người yêu. Không ai muốn làm những chuyện xã hội chê cười, chẳng qua là họ tìm cách trả nợ cho nhau mà thôi. Không có người nào tốt quá, cũng không có người nào xấu quá, mọi người hành xử theo nghiệp dẫn. Nhưng cũng không thể đổ hết cho nghiệp. Có Trời mà cũng tại ta! Con người cũng có tự do trong việc lựa chọn của mình. Mình làm chủ trong mọi quyết định, tâm dẫn đầu, tâm tạo tác. Theo Phật giáo thì không những vợ chồng, con cái là kết quả của một mối nợ tiền kiếp mà, ở trên Cõi Ta Bà này, mối quan hệ nào -- thân tộc, bạn hữu, đồng nghiệp thân sơ... – cũng đều do duyên nợ từ nhiều đời nhiều kiếp mà hình thành. Muốn giữ cho mối quan hệ được tốt đẹp thì cá nhân phải chịu khó vun xới, tô bồi chứ không phải tự nhiên mà được đối xử tốt. Quan hệ mẹ chồng nàng dâu thường không đẹp và đã có bao nhiêu ca dao tục ngữ nói đến mối quan hệ không đẹp này. Người ta ví von mẹ vợ là con khỉ già, mẹ chồng là con đười ươi không còn trẻ. Nhưng cũng có nàng dâu ăn ở thuận thảo được mẹ chồng thương yêu hơn con gái cho nên ca dao cũng có câu:

 

Ví dù còn có kiếp sau

Mẹ xin trở lại làm dâu cho mày!

 

Những nàng dâu được mẹ chồng trân quý như thế này chắc hiếm lắm! Mà thời buổi chat.com này làm gì có chuyện mẹ chồng nàng dâu nữa. Mà ngược lại, mẹ chồng nể sợ con dâu là chuyện bình thường. Ca dao tục ngữ cũng thường ca ngợi tình yêu nam nữ ở xứ ta rất thú vị:

 

Đi đâu cho thiếp theo cùng,

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam!
 

Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua!
 

Chừng nào cho sóng bỏ gành

Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em.

 

Nếu vì khác tôn giáo không được gần nhau thì người đời cũng cầu xin giùm cho đôi lứa:

 

Amen, lạy Đức Chúa Trời

Xin cho bên đạo bên đời lấy nhau!

 

Lấy được nhau rồi là đã tu bao nhiêu kiếp:

 

Tu trăm năm mới đi chung thuyền,

Tu ngàn năm mới chung chăn gối

 

Chung chăn chung gối rồi mới khám phá ra người kia không hẳn là người trong mộng! Người trong cuộc tưởng chừng như bị lừa và khi gặp cảnh cơm không lành, canh không ngọt thì người chồng than vãn “Con là nợ, vợ là oan gia.” Vợ thì chu chéo:

 

Chồng gì anh, vợ gì tôi.

Chẳng qua là cái nợ đời chi đây!
 

Thành vợ thành chồng phải vừa có duyên vừa có nợ, duyên mà không nợ, nợ mà không duyên cũng không nên vợ nên chồng được nên sự lựa chọn khôn ngoan là không lựa chọn gì cả. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ mà, không sai chạy vào đâu được. Cho nên nếu không may, một ngày đẹp trời cảm thấy con là nợ, vợ là oan gia, chồng là nghiệp báo thì cũng nên nương nhau mà trả món nợ đời cho trọn kiếp!



Vỹ Dạ 19, tháng 8, 2023

Nguyên Ngọc Hoàng Thị Quỳnh Hoa

5 comments:

  1. Con là nợ, vợ là oan gia, ông bà già vợ là hai con khỉ già, chỉ có em vợ là...tiên nga

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nghe cũng đủ ớn lạnh, miễn bàn thêm...

      Delete
  2. bài viết hay quá Cô Quỳnh Hoa ơi. Cám ơn Tố Kim nhé. TThu

    ReplyDelete
  3. Vợ là nó con là oan gia cha là. Tên mắc dịch

    ReplyDelete
  4. Rất đồng ý với tác giả

    ReplyDelete