Dân quê sợ nhứt là bị Tây bố. Không những súc vật họ bị lùa xuống tàu, đàn bà con gái bị hãm hiếp, đàn ông bị bắt bớ hoặc bị bắn chết, đôi khi họ còn phóng hỏa đốt rụi cả xóm. Bình thường, máy tàu chiến của họ chạy ầm ầm, dân chúng nghe từ xa nên có thì giờ trốn tránh. Lần này tây đổi chiến thuật, gần tới làng Tân An họ tắt máy trước, theo con nước từ từ trôi, bất thình lình cặp bến đình, tràn lên bờ. May mà người chăn bò cho ông nội Ái Linh thấy kịp, vội lùa hai con bò dấu vô bụi tre gần đó, ba chưn bốn cẳng chạy thục mạng về nhà, miệng la bài hãi “tây bố…tây bố!”
Ông nội, chú Bảy và ba Linh đang bồi đất thêm vô mấy gốc xoài mới trồng ngoài vườn. Anh Thiên và chị Thủy đang phụ bà nội khiêng mấy hũ tương ngọt ra phơi nắng ngoài sân, đợi rằm đem cúng chùa. Má Linh và thím bảy đang lo bữa cơm trưa. Phần Linh và con Cẩm Hương con chú bảy đang nhảy dây ngoài sân. Mấy ông ở ngoài vườn nghe tây bố lật đật chạy vô. Ba bắt cái thang, tất cả phái nam leo hết lên căn gác ngoài nhà bánh ú. Căn nhà vuông vức độ bốn thước được cất trước mặt căn nhà lớn. Nóc nhọn mái cong, bốn phía trống trơn nhưng bốn cây cột được sơn đỏ rất đẹp. Thời còn thanh bình, sau bữa cơm tối ông nội thường ra đó ngồi khề khà chung trà thơm, ngắm cảnh trăng thanh gió mát. Chị Thủy vác cái thang ra dấu sau hè. Má Linh hối chị chạy qua mấy nhà bà con cho họ hay. Bảy căn nhà của đại gia đình họ Nguyễn cất hàng dọc sát bên bờ sông Con. Sông này đổ ra sông Cái cách đó chừng một cây số. Nhà nào cũng có chỗ bí mật cho các ông trốn. Hầm núp chỉ để tránh bom, pháo kích. Lúc bị tây bố mà chun hết xuống hầm núp, rủi có anh tây đen nào ngứa tay thẩy một trái lựu đạn vô hầm là chết chùm cả đám.
Sau chiến dịch tiêu thổ kháng chiến, tất cả nhà nền đúc đều bị phá hủy chỉ còn trơ cái nền. Riêng nhà ông nội Ái Linh may mắn cái mặt tiền còn nguyên vẹn. Rồi dựa lên cái mặt tiền này ông cho cất thêm phía sau thành một căn nhà nhỏ hơn, tuy bằng gỗ nhưng cũng rất bề thế, chắc chắn.
Thủy đi được một lúc thì mấy bà em dâu ông nội dẫn mấy cô, mấy thím, kèm thêm cả chục nhi đồng hớt hơ hớt hải chạy tới. Bà nội Linh lấy lọ nghẹ bôi lên mặt mấy thím, mấy cô độc thân vì người nào cũng trắng tươi như bông bưởi. Tụi nhóc thấy mặt mũi mấy bà tèm lem thì bụm miệng cười khúc khích. Linh bị chị Thủy trợn mắt cú lên đầu một cái đau điếng.
Những lần tây bố trước, vừa nghe tiếng tàu u u từ xa là cả làng đã bồng bế con cái túa ra đồng, chạy một mạch qua làng Mỹ Ngãi lánh nạn. Giữa hai làng là một cánh đồng rộng chưa đầy ba cây số. Lính tây không bao giờ dám băng đồng qua ruồng bên đó vì sợ Việt Minh núp sau mấy hàng bần, gáo, dừa nước bắn ra. Lần này họ tới đột ngột quá chạy không kịp đành rút vô nhà đóng cửa chịu trận. Bà nội Linh hối mọi người niệm Phật. Cầu Phật bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn phù hộ….
Có tiếng xí xô xí xào ngoài sân. Ai nấy mặt cắt không còn hột máu. Tiếng dộng cửa ầm ầm càng làm cho mọi người run như thằn lằn đứt đuôi. Linh nắm chặt tay má miệng đánh bò cạp! Sau cùng cánh cửa bị bật tung. Vừa thấy những khuôn mặt đen như lọ nồi, chằng chịt sẹo của mấy tên lính lê dương, những họng súng đen ngòm chỉa về phía trước như sẵn sàng nhả đạn, đám nhi đồng ré lên khóc um sùm. Tụi lính tây vừa lùa đám đàn bà con nít ra sân vừa cười nham nhở: con gái, con gái tốt!…Nhác thấy viên trung úy đứng dưới gốc cây vú sữa, thím Sáu mừng rỡ chạy tới xổ một tràng tiếng tây. Thím là chị em bạn dâu với má của Linh. Thím sanh đẻ trên Nam Vang, đi học trường bà Sơ nên nói tiếng Pháp rôm rốp. Linh thấy viên Trung úy có vẻ ngạc nhiên. Chắc anh ta không ngờ giữa chốn quê mùa lại có một bà thông thái như vậy! Hắn vừa nghe thím nói vừa gật đầu lia lịa. Lát sau anh ta búng tay tróc tróc ra lịnh cho đám thuộc hạ đi xét chỗ khác, không quên để lại mấy tấm mền len màu cứt ngựa làm vật lưu niệm! Tụi lính vừa đi vừa ngoái lại nhìn, chắc trong lòng đang tiếc hùi hụi vì dễ dầu gì gặp một lúc cả một com- pa- ni “con gái tốt” như vậy? Các bà mừng như vừa được tái sanh, xúm lại khen thím Sáu không tiếc lời.
Tới chiều tây mới rút hết. Tổng kết tình hình sau trận bố thì ngoài số lớn gà vịt, trâu bò bị lùa xuống tàu, chỉ có vài người bị thương nặng nhẹ khác nhau. Chú ba Bảo dưới xóm Chùa theo đạo Cao Đài nên để tóc dài, bới thành cái bí bo sau ót, lại mặc bộ đồ vải săn đầm đen láng mướt. Tây rạch mặt tưởng bở đè ra định hiếp. Khi sự thật phơi bày, nó giận quá đánh chú một trận, gãy mấy cái xương sườn nằm liệt cả tháng trời. Sau trận đòn này chú mới chịu cắt phăng cái xi nhông. Thím Ba khoái lắm vì nhiều khi tới chỗ lạ hay bị cầm nhầm hai người là hai chị em. Út Kiên, con trai ông Sư Nhiên, mới mười tám cái xuân xanh lại trắng trẻo, đẹp như một thiếu nữ cũng bị một tên lê dương pédé nhận đầu vô lu gạo làm ẩu. Cậu đau quá khóc la om sòm, kêu má ơi má cứu con. Bà mẹ đang núp trong buồng nóng ruột chạy ra bị thằng quỷ thoi cho mấy cái mặt mũi sưng vù, gẫy hai cái răng.
Nhưng chuyện ly kỳ khiến đầu trên xóm dưới bàn tán hoài không chán là chuyện vợ chồng chú Tự ngoài lộ mới. Căn nhà quay mặt ra lộ, phía sau là đồng trống nên rất khó trốn, vì con lộ chỉ trồng hai hàng me keo thưa thớt. Nhà chú Tư là một căn nhà lá nhỏ xíu. Loay hoay làm sao thím bị lọt vô tay một tên lê dương… Sau khi tây rút rồi, chú lôi vợ ra đánh một trận tơi bời. Lối xóm nghe thiếm khóc chạy qua can. Không ai hiểu tại sao thím đã bị tây làm nhục còn bị chồng đánh đòn? Chú nghiến răng, mắt long lên sòng sọc, chỉ tay về phía bà vợ đang ngồi ôm mặt khóc thút thít trên chiếc giường gỗ ọp ẹp:
– Bà con coi hổng tức sao được. Hồi bị thằng tây gạch mặt hiếp, nó không khóc la hay kêu cứu gì ráo trọi, mà rõ ràng tui còn nghe tiếng nó vừa thở vừa rên rỉ!
Anh Hòa ở cạnh nhà chú cắc cớ hỏi:
– Ủa, sao chú… nghe được?
Chú Tư thành thật trả lời:
– Thì tao trốn dưới đít giường chớ đâu! Ờ mà lúc đó cái giường rung rinh như muốn sập. Nó mà sập thì chắc tao phải theo ông theo bà chớ hổng chơi. Thằng lọ nồi bự như con trâu mà. Sau khi nó bỏ đi tao chun ra thấy con quỷ này còn nằm chình ình đó, cặp mắt lim dim, hổng có vẻ gì đau đớn hết trơn! Mầy nghĩ coi tao hổng dộng cho nó một trận sao được!
Ai nghe chú kể cũng không thể nín cười. Rồi hàng xóm mỗi người khuyên một câu từ từ chú cũng bớt giận. Người dân quê thiệt thà hết sức!
Bàn tán mãi cuối cùng ba má Linh quyết định tản cư luôn qua Mỹ Nghĩa. Ông bà nội lấy cớ già rồi, chết chóc là chuyện thường. Chú thím Bảy phải ở lại săn sóc ông bà. Ba và anh Thiên chèo ghe lên Đốc Vàng xin cái kho lúa cũ của ông ngoại bỏ trống từ lâu, mướn người dỡ ra rồi đem về cất thành một cái nhà sàn vách ván, mái ngói đàng hoàng. Cô Tú, em của ba Linh cũng theo vô cất nhà bên cạnh. Cô dượng có hai đứa con sanh đôi, con Cúc và con Mai lớn hơn Linh một tuổi. Theo ý kiến riêng của chị Thủy thì hai đứa này hiền chớ không xí xọn như con nhỏ Linh!
Đi tản cư mà bộ tam sên Mai-Cúc-Linh khoái lắm vì khỏi phải đi học. Vì thầy Lương nổi tiếng là hung thần. Học không thuộc bài hoặc làm toán sai là a lê hấp thước bảng ổng khẻ thẳng cánh!
Trong đồng tới mùa nước nổi, nước từ sông Cái theo kinh, rạch tràn vô lai láng, ngập hết mọi nơi, vì vậy phải cất nhà sàn hoặc trên gò thiệt cao. Có xuồng tam bản để di chuyển. Cánh đồng nước mênh mông. Nhưng kỳ diệu là nước ngập tới đâu đám lúa non xanh mướt kiên trì vươn cao tới đó.
Tôm cá nhiều vô số. Ngồi trên nhà thả cần câu xuống nước cũng câu được cá lòng tong, cá mại, cá chốt. Mấy thứ này kho tiêu ăn cũng ngon lắm. Nhưng ba và dượng Hai của Ái Linh có thú bơi xuồng ra tuốt ngoài đồng trống câu tôm vào lúc chập tối. Lựa chỗ giáp ranh hai miếng ruộng, nơi này không có lúa mọc, cắm một hàng cọc tre dài chừng một cây số. Giăng một sợi dây nhỏ có gắn lưỡi câu lên đó. Mỗi lưỡi cách nhau độ hai gang tay. Câu tôm bằng mồi dừa khô trắng nõn thơm phức, xắt từng miếng vuông vức bằng lóng tay móc vô lưỡi câu. Cây đèn cóc chỉ sáng vừa đủ cho thấy dạng con tôm. Sáng quá mấy chú nhìn thấy người trên xuồng lập tức sẽ đánh bài tẩu mã! Sợi dây câu chỉ chìm khỏi mặt nước độ năm phân. Dượng hai, hoặc có khi anh Thiên, ngồi cầm lái. Ba ngồi trước mũi một tay cầm cây dầm đầu có gắn chiếc vợt lưới, tay kia dùng ngón trỏ nhẹ nhàng nâng sợi dây câu. Cứ thấy lưỡi câu nào có chú tôm đang ăn mồi là lẹ làng cho vợt xuống hất anh ta vô khoang xuồng. Xong một tua hai ông ngồi nghỉ độ nửa giờ, nhâm nhi ly đế cho ấm lòng, đợi những chú tôm nhẹ dạ khác tới nộp mạng.
Đi độ ba tua là có lưng khoang xuồng. Những ngày sau đó là tôm bảy món. Tôm luộc, tôm kho tàu, tôm nướng, tôm làm gỏi với cọng bông súng v.v…và v.v… Thỉnh thoảng, má, chị Thủy và Linh bơi xuồng về Tân An biếu tôm cá cho ông bà nội, rồi chở vô Mỹ Nghĩa mấy thứ trái cây như chuối, mít, ổi xoài, dừa…đầy dẫy trong vườn nhà. Chỉ cách một cánh đồng mà bên Tân An đất bồi trồng cây thật tốt. Mỹ Nghĩa đất phèn chỉ thấy rặt ô rô, bần, đước, ô môi, tre. May sao trước mặt nhà Linh có cây me già. Cây me chua gốc to ba người ôm mới giáp. Tàng cây xòe rộng tỏa bóng mát cả chục thước. Phía bên kia gốc me đâu mặt với nhà Linh là nhà chú Quân. Trong nhà ngoài chú thím, con An lên sáu, thằng Quang lên bốn còn thêm bà ngoại chú. Bà già lắm. Mái tóc bạc phơ, miệng rụng răng nhai trầu móm mém. Mùa khô bà ngồi suốt ngày trên cái sạp cây dưới gốc me, vót từng cọng nan đan thúng mủn, rổ rá bán cho dân làng kiếm thêm tiền vì chú Quân nghèo lắm.
Quay lưng lại nhà chú Quân nhưng quay mặt ra con rạch nhỏ là nhà bác tám Nhân. Căn nhà cũng lợp lá, nhưng gia cảnh bác khá hơn chú hai vì các con bác đã lớn giúp đỡ bác rất nhiều. Anh lớn hai mươi tuổi, chị Xinh mười bảy và thằng Chơn lên chín. Tuy hơn Ái Linh hai tuổi mà nó khờ lắm. Trong xóm không có con trai cùng lứa nên cu cậu đành theo chơi với đám con gái Mai-Cúc-An-Linh. Anh Thiên chọc nó:
– Mầy chơi làm chi với đám con gái cho mất “thể diện”. Tụi nó chỉ có tài ăn hiếp mầy thôi hà…
Cu cậu nghe vậy cũng hơi mắc cở nên tránh tụi Linh. Rồi chỉ được vài bữa buồn quá phải lân la xin chơi lại. Tụi con gái lên mặt, nói xỏ xiên đã đời rồi hành hạ nó đủ điều như bắt leo hái me, ô môi, bần… cho tụi nó ăn. Có lần thấy một tổ ong to bằng cái thúng trong bụi tre gần bìa ruộng, lũ con gái xúi nó lấy cây chọc thử coi có mật ong không. Cu cậu nghe lời…đường mật, nên mật đâu không thấy mà một bầy ong cả mấy chục con bay túa ra. Đám con gái khôn hồn đứng xa xa nhìn, đã vội vàng đánh bài tẩu mã trước. Cu Chơn đứng gần quá chạy không kịp bị ong chích mấy phát, cái mặt sưng vù gần bằng cái… tổ ong, đau đớn chịu không thấu! Anh Thiên còn tặng nó một phát ân huệ:
– Tao đã nói rồi. Ai biểu mầy dại gái!
Lần đó nó giận tụi con gái cả tuần. Tuy đi tản cư, thiếu thốn đủ mọi thứ mà sao Linh vẫn cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Vì nhà cất “trong đồng” nên ruộng lúa mấp mé sát cạnh nhà. Tụi nhỏ chơi cút bắt hay trốn trong đám lúa, núp dưới những bông lúa chín vàng nặng trĩu trên đầu. Cô dượng Tú cũng như ba má Linh chỉ làm tà tà chớ không cực khổ như những người nông dân thực sự ở đây. Mùa nước họ phải kiếm cá để làm mắm làm khô. Mùa lúa phải phơi sương phơi nắng ngoài đồng từ sáng đến tối. Người nào cũng có vẻ đen đúa lam lũ. Quanh năm quần vải áo bô. Ngoài những đám hỏi đám cưới thì chẳng có một thú vui nào hết. Vì vậy đám cưới của anh Dương con bác tám Nhân được mọi người trông đợi như hạn mong mưa. Tụi con nít thì tính từ ngày. Thịt heo, thịt gà, thịt vịt sẽ thay thế cho món cá kinh niên!
Trong đồng, nhà cửa thưa thớt nên tuy mang tiếng mời cả làng mà cũng chưa tới trăm người tới dự. Người mang đôi gà tơ, kẻ đem cặp vịt bầu tới mừng chớ có mấy ai có tiền mặt dư dả để mừng cô dâu chú rể. Rồi họ cũng tự động xăn tay áo lên phụ dựng rạp, mổ heo, làm gà. Má Linh được mời chỉ huy nấu nướng.
Nhà gái ở tuốt bên Cù Lao Ông Chưởng nên vợ chồng bác Tám và chú rể phải đem sính lễ qua bên đó từ hôm trước. May mà bà mai là em bác Tám nên mới có chỗ ở qua đêm. Sáng hôm sau nhà gái đưa dâu qua Mỹ Nghĩa bằng ghe cà dom. Chắc phải đi từ lúc gà gáy nên mặt trời vừa lên độ ba sào là đám rước dâu về tới. Ở nhà có ba Linh thay mặt bác Tám lo mọi việc. Thời chinh chiến nên mọi thủ tục đều được giản dị tối đa. Dòm bộ tịch lúng túng của chú rể, lần đầu được diện cái quần tây và cái áo sơ mi đứng bên cạnh cô dâu, cũng bối rối không kém trong cái áo bà ba bằng cẩm nhung màu cánh sen, quần lãnh Mỹ a láng mướt, tụi nhóc bụm miệnh cười. Cô dâu cùng tuổi chị Xinh nhưng bới tóc. Bác Tám cho con dâu đôi bông tiền điếu bằng cẩm thạch. Sợi dây chuyền vàng y, mặt cũng cẩm thạch hình trái tim. Linh thấy chị cũng đẹp nhưng nước da không trắng trẻo như chị Thủy. Má nói con gái nhà quê nước da phải mặn mòi mới khỏe mạnh, làm công chuyện giỏi dắn. Mấy đứa trắng da dài tóc chỉ tổ tốn tiền thuốc!
Sau lễ gia tiên mọi người vui vẻ nhập tiệc. Đế tuôn ào ào. Rượu vào lời ra. Tiếng chúc tụng, tiếng cười nói ồn ào vui hết sức.
Xế xế, ông sui gái đứng lên xin phép rút lui cho kịp con nước ròng. Ba Linh được bác Tám đề cử phát biểu đôi lời tiễn biệt nhà gái. Mọi người im lặng lắng nghe. Cho tới lúc ông lấy giọng hết sức thảm thiết: “…tui thông cảm với anh chị nhiều lắm( dù chưa làm sui lần nào). Trời ơi! Còn gì đau đớn cho bằng đứa con mình rứt ruột đẻ ra, nuôi cho khôn lớn rồi đem giao cho người khác. Đường sá xa xôi biết chừng nào mới gặp lại… “ làm ông bà xuôi gái ồ lên khóc. Bà mai lật đật lôi tay họ xuống ghe, hối chèo cho lẹ.
Má Linh cằn nhằn. Ba cười chống chế:
– Thì tui đâu có ngờ ổng bả mau nước mắt như vậy.
Mọi người cười phụ họa vì ai lạ gì cái tánh thích cà rỡn của chú Năm! Dọn dẹp xong ai về nhà nấy, đợi đám cưới chị Xinh trong vòng năm tới. Chị đã hứa hôn. Nhà chú rể tương lai ở tuốt trong Kinh Xáng xa lắc xa lơ. Anh hôn phu tới từ mấy hôm trước để phụ đám cưới. Xinh tuy là gái nước phèn nhưng nước da không đen mốc vì được ở nhà phụ mẹ nuôi một bầy heo, không phải ra đồng để cấy hay gặt lúa. Chuồng heo nhà bác Tám lúc nào cũng có cả chục con. Hai con heo nái để gây giống và một chú heo nọc cái mỏ dài sọc, cặp mắt ti hí coi rất…nham nhở! Ngoài phận sự phục vụ cho hai người đẹp tại gia, cu cậu còn được những nhà có heo nái tới rước đều đều để làm chuyện…con heo! Vì vậy cuộc sống của cậu khá bận rộn. Tuy vất vả nhưng không kém phần sung sướng.
Sau hôm đám cưới, mới ngủ dậy là thằng Chơn chạy ù ra gốc me. Nó biết thế nào cũng gặp đám con gái ngoài đó. Cu cậu làm ra vẻ bí mật:
– Tụi bây biết tối hôm qua, lúc chị Xinh ra chuồng thăm mấy con heo, tao thấy cái gì hôn?
Con Cúc le lưỡi, rụt cổ:
– Chắc mầy thấy mấy con heo nái mọc nanh thành tinh?
Thằng Chơn xì một tiếng:
– Tầm bậy. Tao thấy anh Luân nắm tay chị Xinh. Ảnh còn đòi hun chỉ nữa.
Linh giựt nẩy mình khi nhớ tới lời má căn dặn chị Thủy (tuy năm nay chỉ mới mười lăm):
– Con gái phải giữ mình cẩn thận. Đừng để con trai nắm tay nắm chưn, đụng vô mình là dễ bị mang bầu lắm đó! Con nhỏ la lên:
– Chết cha, coi chừng chị Xinh mày có bầu!
Thằng Chơn hết hồn vội bụm miệng Linh:
– Trời, mày nói nhỏ nhỏ, rủi má tao nghe được chị Xinh bị đòn nứt đít.
Câu truyện đầy những kỷ niệm vui buồn ở làng quê từ thời Tây đô hộ đến thời Mỹ qua giọng văn thật dí dỏm, truyền cảm của nhà văn TT, đọc mà thấy không muốn chấm dứt! emNH
ReplyDelete