Rong biển
(seaweeds) còn có các tên gọi khác như rong mơ, rau mã vĩ, hải tảo là loại thực
vật sống ở biển.
Theo các nhà sinh vật học, có đến hơn hai ngàn loài rong biển, từ những mảng
rêu trong ao nước tới các loại tảo bẹ (kelp) ngoài biển cả.
Rong biển được phân chia ra làm bốn nhóm chính tùy theo mầu sắc của chúng: Rong
nâu, rong đỏ, rong mầu lục và rong mầu xanh.
Rong có thể ngắn nhỏ li ti hoặc dài đến 700 thước như tảo bẹ
Rong mọc tự nhiên rất nhiều ở biển. Nhưng hiện nay nhiều quốc gia cũng lập những
trại nuôi rong biển để thỏa mãn nhu cầu ngày một tăng.
Giá trị dinh dưỡng
Từ lâu rong biển đã được dùng làm thực phẩm cho người
và gia súc vì có nhiều chất dinh dưỡng và khi ăn cho một vị rất ngon.
Loại thực vật này chiếm tới 25% trong các món ăn của dân chúng Nhật như nấu
súp, trộn sà lách, ăn với đồ biển (sushi), với thịt. Người Việt Nam cũng đã biết
thưởng thức rong biển từ lâu, tuy rằng ít người chú ý đến đặc tính bổ dưỡng và
trị bệnh của nó. và cũng nhiều người không để ý là trong kem, dầu sà lách hoặc
thuốc đánh răng cũng có một chút rong biển để các chất này bớt nhão.
Rong biển rất giàu những chất dinh dưỡng căn bản như chất đạm, folic acid, beta
carotene, calci, iod, natri, magnesium, kali, phosphor và sắt. Viện Nghiên Cứu
Rong Biển ở Na Uy phân tích được tới gần 60 khoáng chất khác nhau trong rong biển.
Rong biển cung cấp rất ít năng lượng: một phần ăn trung bình chỉ cung cấp chừng
100 calori nên rất tốt cho những ai muốn giữ thân hình thon thả.
Loài rong biển wakame ở Nhật còn có nhiều loại amino acids như alanine,
arginine, glutamic acid, glycine, leucine, isoleucine, v.v… Vì thế rong biển là
một món ăn bổ dưỡng và ngon miệng.
Bác sĩ người Đức Heinz A. Hope, một chuyên gia nổi tiếng về rong biển, cho rằng
rong biển là nguồn thực phẩm rất lớn, có khả năng giải quyết nạn khan hiếm thực
phẩm ở các nước nghèo.
Trong rong có chất algin được dùng trong kỹ nghệ thực phẩm để làm cho các chất
lỏng kết hợp với nhau. Chẳng hạn khi cho vào kem, algin làm nước trong sữa
không kết tinh mà trộn đều với nhau.
Rong được bán tươi, phơi khô, hoặc xay thành bột hoặc làm thành dạng viên.
Bột rong được rắc vào súp, sà lách, pho mát hoặc khoai tây bỏ lò để tăng hương
vị món ăn.
Tác dụng trị bệnh
Tương truyền là Vua Thần Nông (khoảng 3.000 năm trước
Công nguyên ) và Đức Khổng Tử (551 đến 479 trước Công nguyên) đều đã biết rằng
rong biển có đặc tính dinh dưỡng và trị liệu. Từ thời thượng cổ, ở Trung Hoa,
rong biển đã được dùng để chữa bệnh ung thư.
Theo Jean Carpenter, khoa học ngày nay đã công nhận rong biển là một trong nhiều
môn thuốc thiên nhiên có quanh năm, với nhiều công dụng như ngăn ngừa và chữa
vài loại ung thư, làm giảm cholesterol và huyết áp, làm loãng máu, ngăn ngừa
viêm loét bao tử, tiêu diệt vi trùng, và làm thông đại tiện.
Theo bác sỹ Jane Teas của Đại Học Harvard, những vùng có tập quán ăn nhiều rong
biển, như miền biển Sago và Hokkaido ở Nhật, thì nơi đó ung thư vú thấp hơn so
với các địa phương khác
Bác sĩ Nhật Ichiro Yamamoto của Đại Học Kitasato nghiên cứu rong biển trong 15
năm, và kết luận rằng rong biển có tác dụng chống ung thư vú, ung thư máu, ung
thư ruột già và nhiều loại ung thư khác.
Rong biển còn có khả năng kháng sinh. Năm 1917, khoa học gia người Đức R.
Harder đã khám phá đặc tính kháng sinh của rong biển.
Đến năm 1959 khoa học gia Mỹ J.M.N. Sieburth nhận thấy trong ruột của chim cút
(penguin) không có vi khuẩn. Sau khi nghiên cứu, ông mới tìm ra nguyên do là
chim cút ăn tôm, mà tôm thì có chất kháng sinh nhờ ăn rong biển.
Từ đó tới nay, nhiều cuộc khảo cứu khác cho thấy rong biển có chứa những chất
kháng sinh với đặc tính không kém gì các kháng sinh nhân tạo như penicillin,
terramycin, và streptomycin.
Ngoài khả năng kháng sinh, rong biển còn có đặc tính hạ huyết áp, làm loãng máu
và hạ cholesterol cho nên người Nhật xem rong biển là thực phẩm giúp sống lâu.
Loại rong biển wakame ở Nhật có đặc tính hóa giải chất độc nicotine trong thuốc
lá.
Rong biển có nhiều iod, cần cho các chức năng của tuyến giáp. Thiếu iod, tuyến
giáp sưng to, kích thích tố của tuyến giảm, cơ thể suy nhược, da khô và thô,
tóc rụng, trí tuệ giảm, người như mụ mẫm, buồn rầu.
Một nhược điểm của rong biển là tỷ lệ muối natri khá cao: Nửa ly rong biển tươi
có tới 900 mg natri. Do đó, người cao huyết áp không nên ăn nhiều rong biển.
Rong biển đôi khi cũng làm mụn trứng cá trở nên trầm trọng hơn./.
Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức, MD
No comments:
Post a Comment