Hắn và cô ấy học cùng
trường, hắn trên cô ấy hình như 3 lớp. Từ nhà hắn đến trường, đi nửa đường là
nhà cô ấy nên thường gặp nhau. Hồi đó học trò thường đi bộ, một số bạn bè đã có
xe gắn máy nhưng bố hắn không cho đi xe sợ nguy hiểm, chỉ thỉnh thoảng rảnh rỗi
bố hắn chở hắn đến trường, nhưng chỉ năm thì mười họa. Thường thường gặp nhau trên đường, hôm thì hắn đi trước, cô ấy
đi sau. Những khi như vậy hắn thường đi qua bên kia đường, đi chậm lại cho nàng
đi trước rồi băng lại qua đường đi sau lưng nàng một quãng. Hôm nào ngẫu nhiên
đi sau, hắn cứ tà tà lẽo đẽo đằng sau, cách hơn 10 thước. Hắn khoái đi sau lưng
cô ấy để được ngắm những bước chân đi, nhìn gót chân hồng hồng trong đôi guốc
mộc, nhìn dáng đi chậm rãi có vẻ đoan trang, thùy mị, con gái thời đó được dạy
thế, nhìn suối tóc dài đen mướt buông thả ngang lưng với tà áo trắng. Chỉ thế
thôi mà lòng rộn rã. Con đường đi qua những hàng phượng đỏ,
thuở ấy con đường này đầy phượng. Mùa nắng, hoa phượng đỏ rực dưới bước chân
nàng. Trên cao những chùm hoa phượng đỏ rực rỡ trên nền trời xanh. Một cơn gió
thoảng qua, nhiều cánh hoa như những giọt máu bay trong gió. Ôi cái thời thật
hồn nhiên và lãng mạn. Cô ấy có biết hắn theo không, hắn nghĩ là có biết bởi
cũng có nhiều lần cô ấy quay nhìn lại, đôi mắt tròn xoe như có nụ cười. Và hắn
làm thơ, viết bao nhiêu là bài thơ về mối tình một chiều đang ươm mầm và lên lá
trong lòng cậu học trò lớp đệ tam. Ngày nắng hay ngày mưa, hắn vẫn như cái đuôi
suốt đoạn đường đến trường lúc đi cũng như khi về. Con đường đấy có một nhà
thờ, thỉnh thoảng giấc trưa đi học về có tiếng chuông ngân nga, mỗi chiều có
tiếng kinh cầu. Hắn có viết một bài thơ có tiếng chuông ngân và lời kinh cầu
đó.
Hình ảnh ấy kéo dài
suốt 2 năm mà cũng chẳng có gì thay đổi. Vẫn cô nàng đằng trước và hắn phía sau
suốt 2 niên học. Hắn học nhảy, năm đệ tam hắn đã thi thí sinh tự do tú tài 1
bằng cách mua một học bạ lớp đệ nhị của một trường tư thục. Bởi thế năm đang học
đệ nhị hắn đã chuẩn bị thi tú tài 2. Đời học sinh của hắn không học lớp đệ nhất
ở trường chính thức.
Vừa đậu tú tài 2 chuẩn
bị ra Huế hoặc vào Sài Gòn học đại học, hắn gom tiền in 300 tập thơ, toàn thơ
tình viết cho cô ấy, viết về một mối tình câm lặng suốt 2 năm, viết về những
nỗi buồn không nói được, về những tâm trạng của thằng con trai mới lớn si tình.
Trước ngày bay vào Sài Gòn, hắn gói 10 tập thơ bằng tờ giấy hoa rất đẹp gởi đến
địa chỉ nhà nàng rồi bay mất. Để lại thành phố nhỏ đó một mối tình si, mối tình
của tuổi mới lớn nhiều ký ức nhưng không có kỷ niệm.
Hắn không chấp nhận ngành học mà bố hắn yêu cầu nên ở đất Sài Gòn, hắn thuộc diện sinh viên mồ côi, tức là không có trợ cấp của gia đình. Hắn làm đủ việc để kiếm tiền đi học, công việc cuốn hắn đi. Cơm ăn, áo mặc, tiền cours, tiền sách báo, tiền học thêm ngoại ngữ khiến hắn không còn thì giờ để nghĩ ngợi nhiều. Thế nhưng nhiều đêm, thỉnh thoảng ôm đàn dưới trăng, hắn lại nhớ về cô ấy, nhớ thế thôi chứ cũng chẳng biết làm gì. Có lần ghé ký túc xá sinh viên Trường Kỹ sư Phú Thọ, hắn bắt gặp ai đó viết bài thơ của hắn trên tường ở đầu giường. Hắn vui vì cũng có người thích những bài thơ vụng dại một thời của hắn.
Rồi hắn được một cái
học bổng đi học xa, 4 năm xa tít mù khơi cũng khiến hắn phai mờ mối tình câm
của thuở học trò. Trở về, hắn làm công chức, ngày hai buổi đón xe đến sở làm,
rồi về. Hắn vẫn là thằng đàn ông nhạt thếch không biết ăn chơi, nhảy nhót
như những bạn cùng sở. Hắn lại không rượu bia, cà phê lê la hàng quán. Cuộc
sống của hắn nhàn nhạt ngoài mấy cuốn sách hắn ngấu nghiến hàng đêm và tiếng
đàn nỉ non những đêm trăng.
Rồi biến cố lịch sử ào
ạt ập tới, cuộc sống mới lắm đổi thay, hắn thất nghiệp vì không đi trình diện
sở làm cũ. Hắn lại sống lây lất và cũng đến lúc hắn lập gia đình, vợ hắn là
người Sài Gòn. Cuộc đời hắn lại qua một trang mới. Hắn xin đi
dạy học, lúc ấy nhu cầu giáo viên rất cần nên hắn được nhận rất dễ dàng nhưng
vì lý lịch xấu quá hắn được đưa về một trường xa tít mù ở ngoại thành.
Một lần, lúc hắn đang
đứng lớp, có người báo tin vợ hắn lâm bệnh, phải đưa vào nhà thương. Hắn lật
đật chạy về vào bệnh viện thăm vợ. Hắn tình cờ gặp cô ấy, người con gái ngày
xưa đó trong phòng của bệnh nhân. Cô ấy nuôi mẹ bệnh, giường mẹ cô cách giường
vợ hắn hai dãy. Cô nhìn hắn với đôi mắt ngạc nhiên tựa hình dấu hỏi. Vẫn đôi
mắt đen với rèm mi cong ấy. Hắn nhìn cô ngỡ ngàng, định mở lời hỏi thăm mà
không dám mở lời bởi vợ hắn ghen ghê lắm. Đành thôi. Ở lại một đêm với vợ,
thỉnh thoảng liếc nhìn qua giường bên kia, không biết cô ấy đang nghĩ gì về
cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên này.
Khi trời chưa sáng,
hắn lật đật ra bến xe để đến trường dạy học và vợ hắn sẽ được xuất viện trưa
nay. Hắn cứ ân hận mãi về việc không có một lời thăm hỏi sau một thời gian khá
dài mới được gặp lại.
Dạy được đôi năm, biết
hoàn cảnh khó khăn của gia đình hắn, hắn cũng được cấp nhà ở thành phố, một căn
nhà nhỏ đủ cho một cặp vợ chồng với một con tá túc. Nhận ngôi nhà trống chẳng
có vật dụng gì, hắn xuống phố gần nhà kiếm bộ bàn ghế rẻ tiền làm bàn ăn cũng
là nơi làm việc và tiếp khách. Hồi đó ai cũng nghèo, làm nghề thầy giáo lại
càng nghèo nên cứ đi loanh quanh mà vẫn chưa tìm được bộ bàn ghế nào vừa ý và
hợp với số tiền trong túi. Cuối cùng, có một tiệm đầu phố gần dốc cầu hắn
thoáng thấy một bộ bàn ghế bằng gỗ tạp, chắc là giá không đắt lắm. Hắn ghé vào,
tiệm lổn ngổn những tủ bàn gỗ mộc nhưng chẳng thấy ai đứng bán. Chỉ có một cô
bé khoảng 5, 6 tuổi đang ngồi chơi đồ hàng. Cô bé thấy có khách bèn ngừng chơi
nói vọng vào trong: Mẹ ơi! Có khách mua hàng nè. Một người đàn bà xuất hiện,
vừa nhìn hắn đã nhìn ra là cô ấy dù thời gian đã làm nhan sắc của nàng có chút
đổi thay. Cô ấy cũng ngạc nhiên khi thấy hắn, một thoáng nhận ra nhau. Hắn chưa
kịp mở lời thì nàng đã nói vọng vào trong: Anh ơi! Anh bạn ngày xưa làm thơ
tặng em nè. Hắn vừa nghe đến đó cảm thấy quê xệ quá nên liền vọt lẹ, lúng túng
nên đạp mấy cái, xe cà tàng không chịu nổ, hắn chèo hai chân đẩy vội xe đi,
đường hơi xuống dốc nên hắn lật đật gài số, xe nổ hắn rú xe chạy một mạch.
Nhà hắn cách nhà cô ấy
chỉ một con đường và một chiếc cầu. Hắn thường đi qua đó nhưng chẳng có chi để
ghé vào cho đến mấy năm sau, người ta trùng tu lại cây cầu, tiệm đồ gỗ của nàng
đóng cửa, không biết dọn về đâu?
Gần 30 năm sau, trong
một buổi họp mặt sinh viên của trường đại học cũ, hắn ngồi cạnh một anh bạn.
Thời sinh viên la cà hành lang, biết nhau chứ không thân. Hai thằng nói qua nói
lại, hóa ra cũng là bạn của nhiều người bạn chung.
Nhắc nhiều chuyện ngày xưa nên cũng cảm thấy thân tình như tìm được một người
bạn cũ. Hẹn hôm nào uống cà phê nói tiếp.
Sáng hôm sau hắn đi ăn
sáng ở cơm tấm Nguyễn Phi Khanh, lại gặp anh bạn ấy cũng ăn sáng ở đấy. Lại tám
chuyện cùng nhau và bạn rủ về quán gần nhà uống cà phê. Quán nằm ngay sau lưng
nhà cô ấy. Nói năm điều bốn chuyện, hết chuyện trường xưa bạn cũ lại chuyên
chính trị, thời sự. Cuối cùng, như thói quen của những người già, hỏi thăm gia
đình, con cái của nhau. Anh bạn hắn chỉ ngôi nhà của cô ấy và bảo nhà tôi đấy,
vợ người cùng quê Đà Nẵng với ông và có 2 con đã lớn. Hắn chột dạ, thấy mẹ rồi,
thì ra tay này là chồng của cô ấy. Sao trái đất bé quá vậy ta?
Hắn định bảo hắn có
quen biết cô vợ. Nhưng nghĩ chẳng nên nói mà chi. Hay là thằng này nghe vợ kể
tên hắn rồi nên làm thân để điều tra chi đây? Câm là hay nhất. Từ lần đó hắn
cũng không gặp lại người bạn này.
Thời gian lẹ quá, bỗng
chốc mới đó mà đã quá tuổi 70. Vợ hắn mất đã được mấy năm. Hắn lại cơm
hàng cháo chợ. Suốt ngày lang thang quán xá. Hắn phát hiện có một quán cơm
ngon, vệ sinh mà giá phải chăng nên trưa, chiều đều đến ăn ở đấy. Quán nằm đối
diện căn nhà của cô ấy phía bên kia đường. Đôi khi ăn cơm, hắn thường nhìn qua,
căn nhà cứ mãi đóng cửa im ỉm. Hắn đợi một hôm nào đó nhìn thấy nàng, hắn sẽ
mạnh dạn đi qua mở một lời chào. Nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy. Suốt hơn 50 năm
biết nhau, hắn chưa được một lời với người hắn đã từng có thời yêu say đắm. Giờ
hắn đã là ông nội, cô ấy cũng đã là bà ngoại. Sao cuộc đời không cho hắn gặp
lại chỉ một lần nữa thôi để hắn ngỏ được một lời, để thấy được một nụ cười dù
biết nụ cười bây giờ đã móm mém rồi.
Chiều nay, như mọi
buổi chiều, hắn ngồi ăn cơm quán. Trời mưa lớn, hắn nhìn qua căn nhà trong màn
mưa. Căn nhà vẫn đóng cửa im ỉm, chẳng thấy bóng ai.
19/7/2022
DODUYNGOC
Thân gởi Cô Người Phương Nam - Mấy lâu nay Long mất địa chỉ email của Cô -Xin Cô gởi cho địa chỉ email mới về longkangaroo@gmail.com hoặc lylongphan@yahoo.com - Cám ơn Cô Long Hương thân chúc Cô và cả nhà vạn an-Long Hương Melbourne
ReplyDelete