Là thành phố sầm uất với gần 7,5 triệu dân, Hong Kong nổi tiếng với
thị trường bất động sản đắt đỏ. Vì thế, khoảng 220.000 người hiện đang sống
trong 110.000 căn hộ, được gọi là “chiếc hộp đựng giày” để mô tả cái diện tích
nhỏ nhoi và tồi tàn của nó…
Xa vời giấc mơ “an cư lạc nghiệp”
Lúc
mới bắt đầu chuyển đến làm việc trong một tiệm bánh ở Hong Kong, ngôi nhà mơ ước
của Li Suet-wen sẽ gồm một phòng ngủ, phòng khách và nhà bếp, nơi hai đứa con
có thể chơi đùa, học tập nhưng sau 6 năm, không gian riêng tư của gia đình cô vẫn
chỉ là một cái khung hình chữ nhật rộng 12m2, nằm trong một chung cư cũ kỹ mà
người dân sống ở đó gọi là những “chiếc hộp đựng giày”.
Với
diện tích như vậy, Li Suet-wen chỉ có thể kê được một chiếc giường 2 tầng. Cô
ngủ ở tầng trên còn hai con ngủ tầng dưới, đối diện với cái tủ lạnh dung tích chỉ
50 lít và cái máy giặt mini. Từ đây có thể nhìn thấy góc cuối phòng, một bên là
chỗ nấu ăn với 2 bếp gas, kế đó là bồn cầu đồng thời cũng là nơi tắm rửa còn
bên kia, trên chiếc bàn bằng thép không gỉ, Li dùng nó để chế biến thức ăn, rửa
chén bát. Dọc theo thành giường, khi con cái đã đi ngủ, nó biến thành chỗ phơi
quần áo.
Chẳng còn chỗ cho trẻ con chơi đùa trong chiếc “hộp
đựng giày”.
Là
mẹ đơn thân, công việc ở tiệm bánh mang lại cho cô tiền lương 1.766 đôla Hong
Kong mỗi tháng nhưng tiền thuê nhà đã chiếm hết 794 đôla, chưa kể chi phí điện nước
nhưng Li vẫn cảm thấy mình may mắn hơn so với bà Lam, 47 tuổi, ở sát vách nhà
cô. Căn hộ của bà chỉ rộng 3,2m2, vừa chỗ cho 1 chiếc giường, 1 cái tivi 14
inches và 1 bồn cầu! Li cho biết bà Lam phải trả 387 đôla mỗi tháng.
Li
Suet-wen và bà Lam chỉ là 2 trong số 220.000 người đang sống trong những “hộp đựng
giày” ở Hong Kong mặc dù hòn đảo này không hẳn là đã hết quỹ đất. Với tổng diện
tích 1.110 km2 nhưng chỉ có 25% là đất ở, phần còn lại là các vườn quốc gia hoặc
các khu bảo tồn trong lúc dân số xấp xỉ 7,5 triệu người nên nhu cầu về nhà rất
lớn. Theo ước tính của chính quyền Hong Kong, trong số 220.000 cư dân nêu trên,
có khoảng 100.000 người sống trong những căn hộ diện tích từ 3 đến 5m2, được gọi
một cách hình tượng là “quan tài” vì nó chỉ là những chiếc lồng bao phủ bằng lưới
mắt cáo, bên trong có một giường 2 tầng dành cho hai người. Tư trang cá nhân của
cả hai đều được dồn hết xuống gầm giường tầng dưới. Ông Wong Chun-sing, sống
trong nhà lồng đã 3 năm cho biết: “Mỗi tháng phải trả 180 đôla. Tắm rửa thì ở
phòng tập thể, nhà vệ sinh dùng chung. Do không có chỗ nấu nướng nên ai cũng ăn
ở ngoài hoặc mua cơm hộp…”.
Để
tối đa hóa thu nhập từ việc cho thuê nhà ở Hong Kong, các nhà đầu tư đã tận dụng
từng mét vuông diện tích mặt bằng mà họ có được. Như chỗ ở của ông Wong
Chun-sing chẳng hạn, chỉ với 50m2 nhưng có tới 24 người chui rúc trong 12 nhà lồng
nên cũng dễ hiểu vì sao hòn đảo này luôn nằm trong “top đầu” thế giới về giá bất
động sản bởi lẽ giá thuê 60 đôla/tháng trên mỗi mét vuông nhà lồng đắt hơn mỗi
mét vuông của những căn hộ dạng trung bình ở Hồng Kông. Lấy thí dụ một căn hộ rộng
90 m2 tại cao ốc 30 tầng thuộc sở hữu của tập đoàn New World Development ở Sai
Ying Pun được bán hồi tháng 5 với giá 580.000 đôla thì tính ra, mỗi mét vuông của
nó chưa đến 60 đôla. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bao nhiêu người lao động có đủ
580.000 đôla để trả hết một lần?
Và
không chỉ lao động phổ thông, ngay cả một số thanh niên nam nữ từ Trung Quốc đại
lục sang Hong Kong, đã tốt nghiệp đại học, có được việc làm cũng phải chật vật
với vấn đề “ở”. Julia Zhu, 28 tuổi, phóng viên của một tờ báo ở Hàng Châu, thường
trú tại Hong Kong đã 5 năm nhưng vẫn ở “hộp đựng giày”. Zhu nói: “Căn phòng của
tôi chỉ khoảng 10 m2, trong đó kê một chiếc giường đơn, một cái bếp còn chỗ tắm
và bồn cầu nhỏ đến nỗi hầu như không thể xoay người”. Ấy vậy mà cô vẫn phải trả
250 đôla mỗi tháng. Tương tự như vậy, Chen Qingyang, 28 tuổi, làm việc cho một
công ty xuất nhập khẩu đã phải cùng 2 người bạn thuê chung một căn phòng nhằm
tiết kiệm chi phí. Chen cho biết đôi lúc cô cảm thấy mình là “kẻ thất bại” khi
thấy những con gián bò lổm ngổm trên sàn nhà: “Hong Kong là một thành phố tuyệt
vời, mang đến cơ hội cho những người trẻ tuổi nhưng tôi không thể nói đó là nơi
đáng sống. Trong tám năm ở đây, tiền thuê nhà tăng cao hơn cả mức tăng lương của
tôi”.
Ông Wong Chun-sing trong
căn “nhà lồng” thuê với giá 180 đôla/tháng.
Với
Max Lee, bác sĩ 26 tuổi người Hong Kong, cuộc sống trong căn hộ một phòng của
anh chỉ xoay quanh chiếc giường. Đó là nơi không chỉ để ngủ và xem tivi mà còn
là nơi nghiên cứu tài liệu y khoa với chiếc máy tính xách tay đặt trên giường,
còn Lee thì ngồi bệt xuống đất. Những căn hộ như vậy được gọi là “microflats”
hay nói một cách văn hoa là “mặt bằng vi mô”. Theo số liệu của Sở Xây dựng,
Hong Kong hiện đang có 8.500 căn hộ loại này, chiếm 7% tổng số công trình xây dựng
và được tiếp thị là “chỗ ở giá phải chăng”.
Nếu
như trước đây, các quy tắc về an toàn cháy nổ yêu cầu nhà bếp phải được ngăn
cách với phòng ngủ hoặc phòng khách bằng một bức tường có cửa sổ riêng để cung cấp
đủ ánh sáng và không khí thì hiện nay, với những căn hộ microflats, chúng nằm đối
diện nhau giữa một hành lang hẹp là lối đi chung còn nhà bếp thì nằm cạnh cửa
ra vào nhưng không có ống dẫn khí gas. Việc nấu nướng thường là bếp điện, lò vi
sóng hoặc thậm chí là cả bếp dầu, còn phòng tắm thì vòi sen đặt ngay phía trên
bồn cầu.
Vẫn
theo số liệu của Sở Xây dựng, tình trạng thiếu nhà nghiêm trọng đã khiến giá
nhà tăng 187% từ năm 2010 đến năm 2019 còn hiện tại, một căn hộ trung bình với diện
tích 60m2 đã vượt quá 1,3 triệu đôla trong lúc mức lương tối thiểu của người
lao động chỉ là 4,82 đôla/giờ. Ngay cả một công nhân lành nghề cũng phải làm việc
liên tục 21 năm mới đủ tiền mua một căn hộ nói trên. Theo Công ty tư vấn bất động
sản Demographia, Hong Kong “là thị trường nhà ở có giá đắt nhất thế giới trong
7 năm liên tiếp, đánh bại 400 thành phố khác.Trong 7 năm ấy, giá nhà tăng gấp
19 lần so với thu nhập trung bình tính trên đầu người”.
Bài toán nan giải
Lịch sử của những căn hộ tí hon khởi đầu từ năm 1953, khi một trận
hỏa hoạn phá hủy những khu nhà tồi tàn của di dân từ Trung Quốc đại lục khiến
hơn 50.000 người lâm vào cảnh bơ vơ. Và thay vì cấp lại đất cho họ, chính quyền
Hong Kong do người Anh quản trị đã nhanh chóng xây dựng các khu tái định cư mà
điển hình là chung cư Mei Ho. Mỗi gia đình được cấp một căn hộ 30 m2 bất kể
bao nhiêu nhân khẩu và 6 gia đình sử dụng chung một nhà vệ sinh! Khi dân số
tăng lên vào thập niên 1960, 1970, Toàn quyền Hong Kong khi ấy là Lord
MacLehose không những đã không mở rộng nơi cư trú, ông lại chỉ định bảo tồn những
khu rừng rộng lớn, đóng vai trò đầu nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho Hong
Kong. Kết quả là 24 công viên quốc gia, 443 km2 rừng,
đồng cỏ, đất ngập nước trở thành nơi bất khả xâm phạm, dẫn đến tình trạng như
quận Kowloon chẳng hạn, 49.000 người chen chúc trên một km2.
Bếp nấu ăn, chỗ rửa chén bát, bồn cầu, máy giặt, tất
cả đều dồn vào một góc.
Năm
1997, khi người Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, tình trạng này vẫn không
cải thiện và thậm chí còn kéo dài cho đến ngày nay. Bác sĩ Max Lee nói: “Nếu
nhìn lên bất kỳ tòa tháp dân cư lấp lánh nào đó mới được xây dựng ở Hong Kong,
rất có thể bên trong nó là những “chiếc hộp đựng giày” như chúng tôi đang sống.
Bởi lẽ không chỉ microflats, Hong Kong còn có những căn hộ “siêu nhỏ” khác, gọi
là “nanoflats”, nhỏ hơn một chiếc xe hơi loại 7 chỗ ngồi”. Chan Siu-ming, giáo
sư chuyên ngành “Khoa học xã hội và hành vi”, Đại học Hong Kong trong một
nghiên cứu đã viết: “Rất nhiều người lao động đã nghĩ rằng nếu không đủ khả
năng mua một ngôi nhà tử tế thì đó là lỗi của mình. Tôi đã nói chuyện với những
người này nhiều lần. Họ không còn một hy vọng nào nữa”.
Sinh
hoạt trong không gian chật hẹp, nhiều gia đình phải cân nhắc đến việc mua sắm
thêm vật dụng. Hầu hết những căn hộ kiểu microflats đều không có tủ đựng quần áo
vì nó sẽ lấy đi những mét vuông quý giá. Vài thứ đồ nội thất cũng thường rất nhỏ
và tối giản. Một chiếc bàn xếp và vài chiếc ghế xếp khi bật ra sẽ thành chỗ ăn
cơm. Tấm nệm ban đêm là giường ngủ thì ban ngày được dựng vào vách tường, là chỗ
dựa lưng cho trẻ con ngồi học. Ngay như cái tivi cũng được treo lên sát trần
nhà qua một hệ thống ròng rọc, khi nào muốn xem thì hạ nó xuống ngang tầm mắt.
Alice
Poon, tác giả cuốn sách “Land and the Ruling Class in Hong Kong” đã bán hết 8
triệu bản trong vòng 6 tháng sau khi phát hành bằng tiếng Hoa, đã đặt ra thuật
ngữ “bá chủ bất động sản” để mô tả việc các nhà đầu tư mua những quỹ đất khổng
lồ rồi bỏ đó cho đến khi giá cả tăng cao vì thiếu nguồn cung. Bằng cách ấy, lợi
nhuận mà họ thu về nhiều gấp hàng trăm lần so với bất kỳ một hình thức kinh
doanh nào khác, dẫn đến số lượng các căn hộ tư nhân xây dựng trên đất riêng đã
giảm từ 25.500 căn vào năm 2018 xuống còn 13.200 căn vào năm 2021 vì đất đã...
bán rồi!
Để giải quyết những lo ngại về nguồn cung nhà ở, tháng 10 năm ngoái
chính quyền Hong Kong đã công bố kế hoạch thành lập một đô thị mới ở phía bắc,
gần biên giới Trung Quốc đại lục, cung cấp nhà ở cho 2,5 triệu người với diện
tích tối thiểu 60m2 nhưng việc hoàn thành dự án này phải mất nhiều năm bởi lẽ đã
có 283.200 người đăng ký, và hơn 4 năm rưỡi nữa họ mới có nhà với điều kiện việc
xây dựng được thực hiện đúng tiến độ.
Bên
cạnh đó, cư dân Hong Kong còn kiến nghị chính quyền cấm các chủ đầu tư xây dựng
căn hộ microflats và nhất là nanoflats bởi lẽ cùng một mảnh đất nhưng chia thành
2 hoặc 4 căn hộ rồi cho thuê sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn. Theo dẫn chứng của
những cư dân này, CK Asset Holdings, công ty hàng đầu của nhà tài phiệt Li
Ka-shing, bắt đầu xu hướng ấy vào năm 2014 khi dự án Mont Vert ở Fanling thành
công rực rỡ. Căn hộ nhỏ nhất với diện tích 30m2 được bán với giá 1,29 triệu
đôla (tương đương 240.000 USD).
Cuối
cùng, phải kể đến những người sống tự do bằng cách chiếm mặt bằng sân thượng của
một số cao ốc mà nơi ở của họ được gọi là “ổ chuột trên trời”. Chan Geng-kau, người
làm công việc gác cổng cho một nhà hàng đang lo lắng về việc bị buộc phải rời
khỏi túp lều mà anh và vợ con đang sống. Nó có diện tích 45m2, được dựng lên bằng
tôn, nylon và thùng các-tông giữa những chảo ăng ten tivi cùng những bó dây điện
lằng ngoằng trên sân thượng của một tòa nhà ở Kowlon.
Chan
nói: “Chính phủ đang có kế hoạch phá dỡ những căn nhà như của tôi vì lý do xây
dựng bất hợp pháp. Nếu bị phá dỡ, vợ chồng tôi cùng 3 đứa con không biết phải
đi đâu. Số tiền 2.000 đôla mỗi tháng để thuê một chiếc “hộp đựng giày” nằm
ngoài tầm với”. Nhưng chẳng riêng gì Chan Geng-kau, ở CauseBay, một trong những
khu thương mại sang trọng và sầm uất nhất Hong Kong, hàng trăm cư dân của những
“ổ chuột trên trời” cũng đang trong tâm trạng ăn không ngon, ngủ không yên vì
“xảy nhà ra thất nghiệp”...
Vũ Cao (Theo Business)
No comments:
Post a Comment