Mười năm khổ nhục trong tù, nay Chương được thả về nhưng bị cưỡng bức cư trú tại khu kinh tế mới Ðạm-Ri. Những tháng năm bị kiềm tỏa giữa núi rừng cheo leo, giờ được sải đôi chân tự do trên con đường dẫn về phố thị lòng Chương nghe phơi phới lạ thường!
Những bạn tù cùng trên đường về, người nào cũng nôn nao mong được gặp mặt người thân. Riêng Chương thì vô tư, chẳng bận tâm vì không còn ai để đoàn tụ. Chàng bây giờ sống một cuộc sống đơn độc của một kẻ không nhà.
Cha mẹ Chương đã mãn phần từ lâu. Vân, vợ chàng và đứa con gái lên hai đã biệt tích từ năm 1976 khi ông Trương Thanh cha nàng ở Hà Nội về buộc Vân phải làm đơn ly dị chồng để lấy tên cán bộ thân cận của ông từ Bắc vào. Nàng chống cự quyết liệt rồi ôm con bỏ nhà ra đi. Ông Trương Thanh gởi đơn lên chính quyền tố cáo Hoàng Thuý Vân đã mang con vượt biên, vợ chồng ông không chịu trách nhiệm trước hành động phản quốc đó.
Sau khi làm thủ tục trình diện chính quyền sở tại, Chương may mắn xin được một chân công nhân gạch ngói tại vùng Madagui. Chàng có nơi ăn chốn ở tạm thời.
Ngay buổi đầu, anh em công nhân trong đội gạch ngói đã mở rộng vòng tay đón nhận Chương. Họ tận tình hướng dẫn, tập luyện cho chàng học nghề theo từng khâu một. Dù phải làm việc nặng nhọc liên tục dưới ánh nắng thiêu người, Chương vẫn cảm thấy hạnh phúc. Một niềm hạnh phúc đơn thuần của đời sống tự do ngoài vòng kềm kẹp. Giá trị mồ hôi đổ ra được trả công và nhân cách của chàng dù sao cũng không bị xúc phạm từng giờ từng phút như trong lao tù.
Sáng nay, một đoàn xe tải lần lượt nối đuôi nhau đậu trước sân lò ngói. Loa phóng thanh từ Ban Quản Trị yêu cầu công nhân tập họp chuyển ngói lên xe. Chương theo chân mọi người sắp thành hai hàng dọc. Mỗi hàng là một dây chuyền. Mỗi chồng ngói năm viên được chuyền tay nhau đưa vào tận lòng xe.
Mọi người đang chăm chú làm việc, bỗng có tiếng gọi:
“Ðại bàng, Ðại bàng!”
Anh em công nhân đưa mắt hỏi nhau ai là đại bàng, rồi tất cả nhìn vào Chương khiến cho dây chuyền ngói khựng lại.
Một người đàn ông đầy đặn, tầm thước từ trong phòng lái bước xuống xe rồi tiến thẳng tới nơi Chương đứng. Anh ta kéo Chương ra khỏi hàng, ôm chặt lấy tấm thân gầy gò của chàng reo lên:
- “Ðại bàng ơi! Em không ngờ thầy trò mình lại được gặp nhau đây. Cám ơn Trời Phật! Em đã hai lần ghé vào nhà cũ để hỏi thăm đại bàng về chưa nhưng căn nhà thì đổi chủ, chị Vân và cháu Vân Chuyên, nghe nói đã vượt rồi.”
“Ðường đạn may mắn” đã cắt đứt hàng lông mày bên trái để lại vết sẹo trên khuôn mặt Ðông đã giúp cho Chương nhận ra người tài xế năm nào.
Chuyến đi công tác qua vùng Mỏ Cày thuộc tỉnh Quảng Ngãi cuối năm 1973, một viên đạn bắn sẻ của địch lướt qua trước mặt Chương rồi chạm sát vào da trán của Ðông lấy luôn hàng lông mày của anh ta. Nếu tốc độ xe lúc ấy nhanh hơn một tích tắc là chàng nhận đủ viên đạn vào đầu.
Chương từ chối sự trợ giúp tài chánh của Ðông, viện lý do là lương công nhân đủ sống và cám ơn Ðông vẫn còn quí mến chàng.
Bảy ngày sau, Chương nhận được lá thư của Ðông:
“Anh Chương kính mến,
Trước hết, em xin anh tha lỗi vì hôm gặp anh, em quá đường đột đã làm mất đi phép tắc của người thuộc cấp và đã khiến cho anh khá ngại ngùng với tiếng gọi ‘Ðại Bàng’. Nỗi vui mừng được gặp lại anh đã làm cho em quên giữ gìn ý tứ. Ôi, sung sướng biết chừng nào khi thấy anh còn lành lặn cho dù lao tù đã vùi dập anh suốt mười năm.
Từ khi còn trong quân ngũ, cái nhóm từ huynh-đệ-chi-binh đối với em chưa đủ nói lên tình mặn nồng ruột thịt, chết sống có nhau như anh với đồng đội. Em rất kính trọng và thương quý anh, bởi anh là vị chỉ huy đã thể hiện tấm lòng nhân ái đối với binh sĩ dưới quyền. Chắc anh còn nhớ nhóm lưu linh của bọn em: Ðoàn, Hồng, Hiệp, Hàn và Ðông. Bọn em đã ‘tái kết nghĩa đào viên’ trong năm vừa rồi. Chúng em hứa với nhau: ‘Ðứa nào gặp đại bàng Lê Hồng Chương trước là phải cấp báo ngay cho anh em. Ðồng thời, cùng nhau chăm sóc giúp đỡ ông Thầy’. Như vậy, em là người được diễm phúc gặp huynh, người anh cả đã một thời tận tụy với đàn em.
Ngày Mười Lăm tháng tới đây, nhóm lưu linh hẹn gặp nhau tại nhà em để được chúc sức khỏe ông thầy. Em sẽ đích thân xuống Madagui chở anh. Chúng em cũng có bàn thảo tìm một việc làm mới thích hợp với sức khỏe và năng lực của anh hiện giờ.
Rất mong ông Thầy chấp thuận cho cuộc họp mặt tình nghĩa này.
Ðại diện nhóm lưu linh.”
Em Ðông.
Ðọc xong bức thư, Chương bồi hồi xúc động. Thì ra trong cuộc biển dâu vẫn còn đọng lại một chút tình.
Cuộc gặp gỡ với những chiến hữu cũ đầy thân tình và cảm động. Họ xem Chương như một người anh và thật sự quan tâm tới chàng. Cái nhóm lưu linh ấy chẳng có người nào khá giả cả, hầu hết là công nhân và xã viên hợp tác xã. Riêng Ðông, đời sống có phần thoải mái hơn nhờ những gói cà phê quốc cấm giấu trong xe hàng hợp pháp.
Họ tích cực vận động và qua trung gian của người đồng hương với Ðông, hiện là thủ trưởng một cơ quan ở huyện xin cho Chương một chân trong Tập Đoàn Sản Xuất Cà Phê ở khu đất mới Tân Hội. Chàng có hộ khẩu thường trú và được phục hồi quyền công dân sớm sủa.
Trên thực tế, Chương có trách nhiệm cai quản ba mẫu cà phê của những người giấu mặt trong bóng tối đầy quyền lực. Nhờ vào lực lượng cơ khí của đội xe ủi đất thuộc Công Ty Thủy Lợi, mấy tay chóp bu địa phương đã tạo được những mẫu cà phê hạng nhất tại vùng này.
Mùa cà phê đã đến thời kỳ thu hoạch. Ðồng bào dân tộc đến tấp nập ghi tên hái cà phê lấy công. Trẻ em cũng tham gia khá đông đảo. Chúng rất rành rẽ trong kỹ thuật hái cà phê, vừa làm vừa nói chuyện, cười đùa ríu rít. Trong số này có một em bé gái đồng lứa với các em khác nhưng làm việc còn rụt rè chậm chạp. Bạn bè gọi tên bé là Ca-len và em nói tiếng dân tộc Ra đê. Bé đeo những chuỗi cườm đủ màu sắc trên tay, trên cổ và một chiếc gùi quá lớn sau lưng. Thoạt nhìn, bé giống như một nghệ sĩ tí hon đóng vai dân miền Thượng.
Con bé cũng có màu da bánh mật, đầu tóc cháy nắng vàng hoe. Ðặc biệt là mái tóc của nó được chải rẽ đường ngôi giữa đỉnh đầu và lúc nào cũng có kẹp vắt tóc hai bên thái dương. Với chiếc mũi dọc dừa nhỏ nhắn cùng cái miệng mủm mỉm xinh xinh khiến nó nổi bật trong đám trẻ dân tộc kia. Bé làm việc cặm cụi, ít khi cười đùa. Nó chỉ trả lời mỗi khi bạn hỏi. Gặp lúc những câu chuyện kể vui vui, con bé nở nụ cười trông thật rạng rỡ, phô ra đôi hàm răng trắng ngần.
Chương nhìn con bé mà nghe lòng xốn xang. Chàng nhớ đến Vân Chuyên đứa con gái của mình và người vợ đã vượt biên. Nhiều đêm Chương suy nghĩ nếu Vân đã đến được bến bờ tự do thì ít nhất nàng cũng biên thư gởi về nhờ bạn bè chuyển cho chàng. Ðã gần mười năm rồi còn gì! Từ ý nghĩ đó nên Chương hoàn toàn thất vọng. Biết đâu hai mẹ con nàng đã bỏ xác ngoài biển khơi!
Ngày mới quen nhau, Chương chỉ hiểu lờ mờ Vân mồ côi cha. Mẹ Vân, bà Hương quê Thừa Thiên đến lập nghiệp tại thị trấn Sông Vàng. Một khu thị tứ sầm uất nên nghề buôn bán vải của bà mỗi ngày mỗi phát đạt. Trong vòng có mấy năm mà mẹ Vân đã tạo dựng được một sự nghiệp thuộc loại nhất nhì tại thị trấn.
Tình của Chương và Vân ngày càng đậm đà khắn khít. Lễ thành hôn của hai người tuy đơn sơ nhưng thật thơ mộng: chồng lính chiến, vợ nữ sinh. Họ hàng tham dự là đám áo màu tray-di cùng với đám nữ sinh, bạn học của Vân. Lễ cưới tựa như buổi tiệc khao quân có các em gái hậu phương chiêu đãi.
Ngày vào tù, Chương được Vân báo cho biết cha nàng từ Hà Nội đã trở về gặp lại mẹ. Thì ra bà Hương đã dấu kín lý lịch có chồng tập kết ra Bắc. Lòng Chương cũng cảm thấy vui vui bởi từ nay bé Vân Chuyên có đầy đủ ông bà ngoại.
Ðến mùa thu hoạch cà phê, vùng đất mới Tân Hội nhộn nhịp hẳn lên. Xe tải, xe con của cán bộ thương nghiệp từ các nơi đổ về tấp nập.
Tất cả thành phẩm cà phê trong vùng này khi xuất đi đều phải có giấy phép của chính quyền huyện. Nhiều trạm kiểm soát hỗn hợp được bố trí trên các tuyến đường vào ra khu vực. Cà phê của cá thể do ngành thương nghiệp thu mua theo giá ấn định, không được mang ra ngoài bán. Tuy vậy, vẫn có một số con buôn lén lút mua giá cao gấp bội. Họ thu góp rồi gởi trong nhà dân. Chính quyền biết rõ điều đó nên thường xuyên đột nhập vào nhà dân khám xét. Nếu bị phát hiện, cà phê lậu bị tịch thu và chủ nhà bị phạt tù.
Cà phê là sản phẩm do nhà nước độc quyền quản lý cũng như tiêu hạt trầm hương và quế ống. Ai chứa trong nhà là mang mối họa vào thân.
Nỗi oái ăm của một dân tộc là mọi sản phẩm của mình làm ra đều dồn vào tay nhà nước. Những con tôm hùm, mực nang, sò huyết... là hải sản dồi dào trên vùng biển nước ta, thế mà chúng biến mất trong đời sống dân chúng. Ðồng bằng Cửu Long là vựa lúa của miền Nam giờ đây đã trở thành vựa lúa xuất khẩu của Ðảng cầm quyền để người dân không đủ gạo ăn giáp hạt.
Hai ngày qua bé Ca-len không đến nông trường. Sáng nay, bé lại xuất hiện trong đám trẻ con dân tộc. Khuôn mặt u buồn của bé hôm nay lại càng buồn hơn. Cuối ngày, bé là người giao sản phẩm trễ nhất.
Phần công của em chỉ bằng một nửa của mấy ngày trước. Chương động lòng cho công em bằng lượng cà phê của bạn bè. Nó nhìn chàng rồi trịnh trọng:
- Cám ơn ông.
Con bé phát âm tiếng Việt rất chuẩn. Khác hẳn giọng nói lơ lớ của những đứa bé dân tộc kia. Chương ngạc nhiên hỏi:
- Cháu là người Kinh? Con bé gật đầu.
- Hai ngày qua sao cháu không đến? Bé ngước nhìn Chương với đôi mắt ướm lệ:
- Mẹ cháu bệnh.
Chương tò mò:
- Thế bố cháu đâu?
Con bé lắc đầu. Chương định hỏi thăm thêm gia cảnh của nó, nhưng bé vội vã ra về.
Chương nghĩ con bé Ca-len này được đặt tên theo âm ngữ dân tộc Ra đê, như vậy cha mẹ của nó, một trong hai người phải là giống dân thiểu số sống tại vùng Ka-long bên dưới chân đèo Prein.
Bé mang chiếc gùi lớn sau lưng, đôi chân tong teo trong chiếc quần đùi rộng quá khổ, nhìn từ xa giống như con búp bê đang di động. Cơn gió xoáy chạy dọc theo con đường băng qua ngọn đồi cuốn hút bụi lá lên cao nom như một cái phễu. Bước chân con bé xiêu xiêu như rơi vào cuốn phễu đó. Áo quần và tóc bị cuốn hút ngược lên như muốn vuột khỏi cái thân hình gầy guộc, đen đủi của nó. Bé vẫn bình thản bước đi khi nắng chiều vụt tắt.
Ðêm về, Chương trằn trọc mãi, lòng cứ xót thương cho hoàn cảnh bất hạnh này. Giấc ngủ nặng nề đến với Chương trong lúc nửa đêm về sáng. Chàng mơ thấy bé Ca-len rớt xuống vực sâu bên dưới dòng thác. Nó hụt chân, trồi đầu lên gọi chàng: "Bố ơi cứu con với" rồi cả thân mình nó chìm lỉm xuống dòng sâu. Chương giật mình bừng tỉnh, lồng ngực vẫn còn nghe nặng trĩu.
Từ sáng sớm, vườn cà phê đã rôn rịp người. Chương có ý đợi bé Ca- Len mà vẫn không thấy. Chàng muốn đến nhà để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em ra sao, và có thể giúp được gì cho nó. Chương hỏi thăm khá nhiều người nhưng chẳng ai biết chỗ ở của bé. Hai ngày chờ đợi con bé trở lại vườn cà phê là hai ngày lòng chàng như lửa đốt. Chương càng nghĩ đến nó, chàng càng tự trách mình thờ ơ và vô tình.
Cuối cùng rồi bé Ca- Len cũng đến. Nó lặng lẽ làm việc giữa tiếng cười vui của đám trẻ. Đôi mắt bé trũng sâu như người thiếu ngủ. Mái tóc hoe vàng cháy nắng không còn ngôi rẽ ngay ngắn giữa đỉnh đầu, cây kẹp vắt hững hờ trên mái tóc lưa thưa rối bời.
Cuối ngày, Chương cố giữ con bé ở lại đến khi mọi người đã ra về. Chàng bày tỏ ý định đến nhà để xem căn bệnh của mẹ nó ra sao và chàng có thể giúp đỡ được gì không.
Mặt trời mệt mỏi ngã mình trên đỉnh rừng già, phớt chút nắng vàng nhợt nhạt trên các ngọn đồi cà phê. Chương hăm hở theo chân bé Ca-Len đến nhà.
Một túp lều mái tranh vách nứa nằm khuất giữa đám bắp đang độ ra hoa. Con bé nhè nhẹ đẩy cánh cửa liếp bằng nứa đơn sơ.
Chương bước vào túp lều lờ mờ ánh sáng. Từ nơi góc nhà, tiếng yếu ớt của một người đàn bà vẳng lên:
- Ai đó?
Chương cố vận dụng sự điều tiết của đôi mắt để nhìn cho rõ khuôn mặt người đang nằm trên chiếc giường tre ọp ẹp:
- Thưa bà, tôi là người làm ở nông trường cà phê... Chương trả lời chưa hết câu, bỗng người đàn bà kêu lên:
- Ôi! Anh Chương! Rồi lịm đi...
Chương sững sờ! Tiếng nói của Vân, vợ chàng. Giọng nói thân yêu đã ngự trị trong tim chàng, mọc mầm trong ký ức chàng. Giọng nói đã quần tụ trong nỗi nhớ quay quắt suốt mười năm trong tù, làm sao chàng lầm lẫn được. Chương nhào tới. Khuôn mặt xanh xao của Vân hiện ra. Trong một giây khựng lại, rồi chàng ôm chầm lấy vợ, kêu lên:
- Vân ơi! Em ơi! Sao lại ra nông nỗi này?
Vân ngất xỉu trước cơn xúc động tận cùng. Trái tim nàng nhỏ nhoi quá, yếu đuối quá, làm sao kham nổi trước niềm vui to lớn quá, bất ngờ quá! Làm sao kham nổi cơn đau đớn vượt ngoài sức chịu đựng của nàng.
Chương vùi mặt vào ngực vợ. Nhịp đập của trái tim nàng nhẹ nhàng, chầm chậm, từng khoảng nhỏ cách rời. Nó mất cả rồi cơn rộn ràng tới tấp trong căn ngực no tròn của thuở hai người yêu nhau. Bộ ngực bây giờ trải bằng theo lớp xương sườn khô đét làm nổi bật chiếc bụng nàng trương cao.
Vân tỉnh lại. Nàng đưa đôi tay ốm yếu ôm lấy đầu chồng. Vân muốn ghì Chương vào ngực nàng nhưng đôi tay không còn sinh lực chỉ đủ sức áp nhe bàn tay lên cổ chàng. Chương ngẩn đầu nhìn Vân.
Chàng đặt môi hôn trên má trên mắt và môi nàng.
Vân giữ đầu Chương cho hai người úp mặt vào nhau. Nàng muốn nghe lại hơi hướng của chồng. Nàng muốn nhìn vào đôi mắt chàng, đôi mắt tình tứ và đầy cương nghị mà nàng đã yêu đắm đuối trong buổi gặp gỡ đầu tiên, nhưng nàng chẳng còn thấy gì ngoài nước mắt chảy đầm đìa trên khuôn mặt.
Con bé tự nãy giờ yên lặng, ngơ ngác. Nó đứng nơi góc nhà nhìn cảnh tượng lạ lẫm của mẹ và người đàn ông tên Chương, người mà trong bức hình phóng lớn, mẹ thường hay đem ra ngắm và bảo là bố của bé, rồi mẹ âm thầm lau nước mắt.
Vân sực nhớ đến con gái, nàng gắng gượng đẩy đầu chồng qua một bên rồi lên tiếng gọi:
- Vân Chuyên đến đây với bố. Bố đã về với mẹ con mình rồi.
Nàng thì thầm bên tai Chương:
- Con gái của chúng mình đó. Tội nghiệp. Nó đã chịu đựng cùng em bao nỗi nhọc nhằn, đắng cay suốt mười năm nay.
Bé Vân Chuyên ngập ngừng từng bước, từng bước một đến bên giường của mẹ. Chương vụt đứng lên ôm con gái vào lòng với muôn vàn nỗi xót xa. Chàng âu yếm nói với con:
- Ba xin lỗi. Ba vô tình và Ba chẳng ngờ...
Tạ ơn Thượng Đế, Người đã dẫn dắt con về đây để có cuộc trùng phùng này. Con bé gục đầu trên vai Chương nhủ thầm: "Bố trong bức hình thì vặm vỡ, ôm vai mẹ cười rạng rỡ, còn Bố bây giờ sao lạ quá như hai người đàn ông khác biệt".
Nó nào biết mười năm khốn khổ trong tù đã huỷ hoại cơ thể chàng thanh niên đầy sinh lực kia, còn lại tấm thân gầy gò tàn tạ của người bố ngày hôm nay.
Vân nhìn chồng và con mà nước mắt cứ trào ra, dù nàng gắng gượng để không khóc nữa. Dường như nước mắt trong mười năm tích tụ, đã đến lúc tràn bờ, nàng không còn đủ sức ngăn chặn.
Ba người yên lặng trong màn đêm bao phủ. Chương một tay cầm tay vợ, tay kia ôm chặt bé Vân Chuyên vào lòng. Họ đang tận hưởng những phút giây sum họp đã đợi chờ suốt mười năm.
Vân đau đớn thầm nghĩ: "Trong giây phút đoàn viên đã có ánh chớp chia lìa, tàn nhẫn quá, bẽ bàng quá!" Bỗng cơn đau nổi lên như những mũi dao cắt vào ruột gan Vân, nàng kêu lên: "Chương ơi! con ơi!" rồi cơn tê dại úp chụp lên toàn thân khiến cho tay chân nàng run lẩy bẩy. Chương vội buông con, ôm lấy vợ.
Chiếc đèn dầu hoả cháy leo lét trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ xiêu vẹo. Ánh sáng vàng vọt làm cho cảnh tượng trong túp lều càng thêm thê lương.
Qua cơn đau, Vân mỉm cười trong nước mắt, nàng thì thào:
- Em hạnh phúc và thoả nguyện vô cùng. Bé Vân Chuyên không còn cô quạnh và cả em, trời đã cho thấy mặt anh lần này. Em rất yên lòng khi... con bé còn cha.
Chương ngậm ngùi nhưng quả quyết nói:
- Ngày mai anh sẽ đưa em đi thành phố; nơi đó có bạn bè anh giúp đỡ để chữa bệnh cho em.
Vân vội ôm đầu Chương vào ngực để chàng không kịp thấy dòng nước mắt của nàng đang tuôn ra trên đôi mắt trũng sâu. Vân không muốn cho chồng con biết căn bệnh viêm gan của nàng đã chuyển sang giai đoạn ung thư. Bỗng dưng nàng hỏi Chương:
- Họ mướn anh làm công việc gì ở khu cà phê ấy?
Chương cầm tay vợ ân cần:
- Cai quản ba mẫu cà phê của các ông trên Huyện. Bây giờ là mùa thu hoạch, anh lo điều hành và bảo quản sản phẩm trong kho.
Vân hối thúc:
- Vậy anh phải về ngay bây giờ. Nếu có việc gì xảy ra không chừng anh bị mất việc.
- Đành chịu vậy. Chàng cả quyết:
- Anh phải ở lại đây đêm nay để chăm sóc em thay con.
- Anh à, số cà phê hột bị mất trộm thì mẹ con em sẽ cùng chung số phận ngồi tù với anh.
Vân nằn nì:
- Thương em, thương con xin anh nghe lời em. Anh chưa thấu hiểu bằng em cái xã hội "bần cùng sinh đạo tặc" này đâu. Ngày mai, anh sắp xếp công việc đâu vào đó rồi đến với em và con.
Một thực tế phũ phàng mà Chương không thể tránh né được.
Chàng phải gượng ép nghe theo lời vợ. Trước khi rời túp lều, Chương đắp lại tấm chăn bông đã nhàu nát lên mình vợ, hôn nàng và con gái. Vân lấy dưới gối một bì thư lớn đã niêm phong trao cho chàng.
Chương bước ra khỏi lều, gió núi về đêm phả vào mặt chàng nghe tê lạnh. Rẫy cà phê um tùm nối tiếp nhau trong màn đêm u uất.
Tiếng dế vang vang từ bên bờ cỏ im bặt khi bước chân chàng đến gần. Loài chồn ăn đêm cũng chuyền cành tránh xa khi thấy bóng người đi tới. Tâm hồn Chương trĩu nặng nỗi lo âu phiền muộn.
Chàng cảm thấy hụt hẫng trước hoàn cảnh tận cùng bi đát của vợ con.
Bên trong chiếc phong bì là một tập vở học trò, loại giấy tái tạo xậm màu và nhàu nát. Màu mực tím có nơi đã hoen ố và mờ nhạt.
Chương chậm rãi, cẩn trọng giở từng trang đọc dưới ánh đèn dầu vàng vọt:
Năm 1976.
Anh yêu,
Em không thể viết thư cho anh, bởi em sợ anh đau buồn vì những bất hạnh đã xảy ra. Em viết những dòng này với cõi lòng tan nát! Chương ơi, em đã bỏ nhà ra đi vì ông Trương Thanh đã gây áp lực với má buộc em phải ly dị anh. Ngay từ ngày đầu nhìn thấy ông đến nhà là linh cảm em báo trước nỗi bất an. Tội nghiệp cho má, bà đã hiến trọn tình yêu và niềm tin vào ông ấy, nhưng bản chất đa nghi và tâm hồn ti tiện, ông xem em như là đứa con hoang, đứa con ngoại hôn. Ông không chấp nhận em cùng dòng máu với ông ta.
Có lần ông ấy nói thẳng với cấp bộ đảng là ông không tin vợ ông hoài thai trong thời gian chỉ sống chung có ba tuần lễ trước khi ông tập kết ra Bắc.
Người Cộng Sản hành xử vì cứu cánh, bởi vậy họ không từ nan một mưu chước nào. Ông lợi dụng má và muốn chiếm đoạt gia tài. Em ra đi chưa đầy bốn tuần lễ là ông ta báo cáo lên chính quyền rằng em thuộc diện phản quốc trốn ra nước ngoài.
Má đã rửa nhục bằng máu của ông ấy và cái chết của Người! Em đã khóc mấy ngày liền khi hay tin má quyên sinh. Bây giờ, mọi nẻo về của em và con đều bít lối. Căn nhà đã bị tịch thu, tài sản của má hoàn toàn mất sạch. Em đang tìm một nơi ẩn náu lo bươn chải qua ngày, nuôi con, chờ chồng...
Ngày... 1977
Em và con đang ở Tân Hội, một vùng đất hoang mới được khai khẩn thuộc tỉnh Lâm Đồng. Tên em hiện giờ trong hộ khẩu là Hoàng Thị Vấn. Cái tên Hoàng Thuý Vân của anh ngày xưa đã mất rồi. Có lẽ định mệnh đã an bài cho em sống chết nơi đây.
Ngày… 1980…
Ngày... 1981
Triệu chứng bệnh gan của em mỗi ngày mỗi nặng. Nếu có mệnh hệ nào, em sẽ gởi bé Vân Chuyên đến nhà Thái Tuỵ, bạn học của em tại Thị Trấn Sông Vàng.
Ngày… 1982...
Đọc nửa chừng phần nhật ký, Chương thiếp đi tự lúc nào không hay. Tiếng chim kêu lanh lảnh ngoài vườn cây đánh thức chàng tỉnh giấc.
Chương vội vã sắp xếp dụng cụ thu hoạch cà phê trong ngày, viết đơn xin phép nghỉ một tuần lễ và yêu cầu ban lãnh đạo tập đoàn cho người thay thế chàng trong ngày hôm nay. Chương đang xếp vài bộ đồ vào túi xách, chợt bé Vân Chuyên đột ngột chạy vào nhà mếu máo khóc:
- Mẹ chết rồi!
Chương ngẩn người, tựa sét đánh trúng ngay tim. Chương vất quần áo xuống đất chạy ra ngoài. Chàng cắm đầu cắm cổ băng đồi.
Chàng chạy thục mạng bất kể gai cây đá sạn, bất kể những cành cà phê quất vào mặt, vào đầu. Chàng chạy theo con đường nào gần nhất. Đôi chân trần rỉ máu nhưng Chương hoàn toàn mất cảm giác. Chàng quên tất cả, bỏ mặc công việc hàng ngày, ngay cả bản thân chàng cũng quên tất!
Chương tông cửa vào nhà, vợ chàng nằm đó, hai tay buông xuôi, đôi mắt không hồn nhìn trân trân về hướng khung cửa. Tấm hình lớn của hai vợ chồng chụp trong ngày cưới nằm bên cạnh nàng.
Chương ôm chầm lấy xác vợ. Chàng lay, chàng gọi, chàng gào thét trong nỗi đau đớn tận cùng. Chàng đấm vào trái tim đang rỉ máu.
Chàng đấm vào lồng ngực cho nỗi uất ức vỡ trào. Máu căng đầy đôi tròng mắt đỏ ngầu, máu chảy rần rật trong đôi tay chàng run rẩy. Cơn uất nghẹn không lối thoát.
Con bé đứng bên giường mẹ ôm mặt khóc thút thít tự lúc nào, Chương quay nhìn thấy con cô đơn và lạnh lẽo, chàng chợt tỉnh.
Giọt máu của chàng còn đó, núm ruột của chàng còn đây, Chương đứng dậy ôm con vào lòng và nước mắt bỗng dưng tuôn trào.
Nước mắt chàng chảy thành dòng rơi xuống mặt bé Vân Chuyên. Nước mắt của hai cha con hoà chung một làm ướt đẫm cả ngực áo con gái chàng.
Ánh nắng xuyên qua mái lá rọi xuống khung hình phản chiếu ánh sáng lung linh trên bức tường nứa. Mắt Vân bây giờ đã khép. Khuôn mặt nàng vẫn còn vương nét khổ luỵ chất chồng, duy hai khoé miệng nàng dường như còn giữ lại nụ cười mãn nguyện.
Chương
chôn vợ nơi nghĩa địa của vùng đất mới Tân Hội. Trên bia mộ chàng ghi: “ Nơi an nghỉ cuối cùng
của bà Lê Hồng Chương, nhũ danh Hoàng Thúy Vân. Mất ngày 18 tháng 8 năm 1985”
Chồng và con gái Lê Vân Chuyên phụng lập ”
Từ hôm ấy, khi mặt trời chiều
đổ sập sau đỉnh núi cao, người ta thường thấy hai cha con, một già một trẻ đi
viếng mộ trở về. Mái tóc bạc màu làm nổi bật gương mặt khắc khổ của người cha.
Bé gái trầm ngâm nắm tay cha bước đi giữa bóng hoàng hôn đang chìm vào đêm tối…
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích
No comments:
Post a Comment