Thursday, August 31, 2017

Uống Thuốc Vừa Đủ - BS Hồ Ngọc Minh


Có những người rất sợ uống thuốc, trong đầu óc của họ, “thuốc men” gần như đồng nghĩa với thuốc độc. Ngược lại, cũng có người dường như phải uống nhều thứ thuốc khác nhau mới gọi là đủ, nhất là vô số thuốc bổ. Và, cũng có không ít người, uống thuốc của bác sĩ kê toa một cách tuỳ hứng, nhớ thì uống, quên thì ngày hôm sau uống bù gấp đôi gấp ba cho đủ dose!

Người ta nói, “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Ngày nay ta không phải đợi tới lúc đói mới ăn rau, thế thì uống thuốc khi nào và uống bao nhiêu thì đủ? Bài viết nầy sẽ khai triển thêm về chủ đề “Lạm Dụng Thuốc Men” của một bài viết trước đây.

Kỳ trước, chúng ta đã bàn về ba thứ thuốc bị lạm dụng nhiều nhất gồm có thuốc bổ, thuốc giảm đau và thuốc trụ sinh.
Tóm tắt, hầu hết thuốc bổ thật ra không cần thiết, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như suy dinh dưỡng hay sản phụ đang mang thai. Uống nhiều thuốc bổ chỉ thêm phản ứng phụ không cần thiết, có khi còn tăng nguy cơ bị ung thư. Còn thuốc giảm đau, uống nhiều có thể bị bệnh tim mạch chưa kể đến phản úng phụ như bị loét bao tử, hoặc bị ghiền, hay ngộ độc nếu là thuốc có chất ma tuý. Riêng thuốc trụ sinh, dùng nhiều có thể bị lờn thuốc vì những con vi trùng càng ngày càng khó trị.

Tình trạng bị lạm dụng thuốc men là do lỗi của cả bệnh nhân lẫn bác sĩ. Ngay chính trong giới bác sĩ, hiện nay cũng được khuyến cáo để góp phần giảm bớt vấn nạn bị lạm dụng thuốc men.

Về thuốc trụ sinh và thuốc giảm đau, nghiên cứu cho biết, hầu hết những toa thuốc trụ sinh và thuốc giảm đau có chất á phiện không bao giờ được uống hết như lời dặn của bác sĩ. Thuốc dư thì bỏ thùng rác, nằm lây lất đâu đó trong tủ thuốc, hoặc cho bạn bè uống ké. Gần đây, trong ngành Sản Phụ Khoa, Hội Đồng Giám Định American Board of OB/GYN đã đề xuất một số định chuẩn mới trong việc kê toa thuốc trụ sinh. Một số ca mổ nhẹ như nội soi, bây giờ không cần cho thuốc trụ sinh trước và sau khi mổ. Nếu có phải cho thuốc trụ sinh, bác sĩ được khuyên nên dùng những loại thuốc trụ sinh vừa phải và cho uống dose ít lại. Ví dụ, chỉ một viên thuốc trụ sinh Doxycyclin 100 mg trước khi mổ đã đủ phòng ngừa trên 99% bệnh nhiễm trùng có thể xảy ra.

Đầu năm nay, Viện Hàn Lâm American College of Physicians đã ra lời khuyên mới về việc chữa trị bệnh cao huyết áp cho người trên 60 tuổi. Bệnh nhân không cần phải uống thuốc trị cao huyết áp trừ khi áp suất máu cao hơn 150 mm thuỷ ngân, tuy rằng Hội Tim Mạch Hoa Kỳ vẫn giữ mức giới hạn là 140. Về bệnh cao cholesterol, cơ quan phòng chống bệnh U.S. Preventive Services Task Force có vẻ như khuyên mọi người, mọi công dân, nên uống thuốc statins!

Uống quá nhiều thuốc khi không cần thiết sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn do phản ứng phụ. Ví dụ như phản ứng phụ của các thuốc trị cao huyết áp bao gồm ho khan kinh niên, tiêu chảy, nôn mữa và chóng mặt. Còn thuốc statins trị cao cholesterol có thể làm đau và làm yếu bắp thịt, hư hoại thận, và gây ra bệnh tiểu đường loại 2.

Mặc dù cao huyết áp và cao cholesterol có hại đến sức khoẻ, nhưng vẫn còn tuỳ vào các yếu tố khác như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, và có thêm bệnh tiểu đường hay có hút thuốc lá hay không.

Để biết được có cần phải uống thuốc statins hay không, ta cần biết chỉ số nguy cơ trong 10 năm kế tiếp, bằng cách tham khảo website, http://tools.acc.org/ASCVD-Risk-Estimator/.

Tuy bản tính nầy có khuynh hướng khuyên mọi người nên uống thuốc statins, nhưng theo nhiều bác sĩ chuyên khoa, nếu chỉ số nguy cơ dưới 7.5 thì không cần uống thuốc. Nếu chỉ số từ 7.5 đến 10 thì chỉ cần thay đổi nếp sống như ăn uống điều độ, tăng cường vận động, thể dục thể thao, trước khi phải uống thuốc statins. Nguyên tắc nầy cũng áp dụng cho bệnh cao huyết áp. Chỉ cần thay đổi lề lối sống, có thể giảm nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch mà không cần phải uống thuốc. Cụ thể, nếu huyết áp trên 140-150 thì nên thử điều chỉnh lề lối sống, trước khi uống thuốc.

Cho dù phải dùng thuốc, chỉ khi nào bệnh nhân đã từng bị nhồi máu cơ tim hay tai biến não thì mới uống thuốc statins với liều lượng cao, ngoài ra có thể chỉ bắt đầu bằng liều lượng thấp nhất. Trong trường hợp cao huyết áp, khuynh hướng bây giờ lại trở lại với những loại thuốc xưa nhất như thuốc lợi tiểu, chlorthalidone hay hydrochlorothiazide, trước khi dùng những loại thuốc khác như ACE inhibitor, calcium channel blocker…

Khi một loại loại thuốc được bán ra thị trường, các nhà sản xuất thuốc thường “đề nghị” một dose thuốc, liều lượng và thời lượng hiệu nghiệm cho trên 95% người dùng (dựa trên biểu đồ Bell của thống kê). Tuy nhiên, trên lý thuyết, mỗi bệnh nhân, thực ra có một dose thuốc thích hợp khác nhau tuỳ theo mỗi cơ thể. Các bác sĩ đều biết rõ điều này, nhưng để trừ hao và “cho chắc”, hầu hết các bác sĩ đều cho một toa giống nhau với liều lượng và thời lượng cao nhất.

Ví dụ trong ngành chữa trị hiếm muộn, một số bác sĩ cho thuốc theo một “công thức” cố định cho tiện công việc. Những nghiên cứu mới cho thấy có khi dùng thuốc ít lại hiệu nghiệm hơn. Cá nhân tôi, khi kích thích trứng lớn, sử dụng thuốc tuỳ theo chiều cao, sức nặng , tuổi tác, và số lượng trứng “tồn kho” của mỗi bệnh nhân, và tuỳ theo tốc độ phát triển của trứng mà thay đổi liều lượng.

Mới đây, các công ty như Apple, Amazon và Google đã tiến vào lãnh vực lưu trữ hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân. Bệnh sử của bệnh nhân được tập trung vào một kho chứa dữ kiện, dễ cho bác sĩ tham khảo. Thuốc men được ghi rõ để bác sĩ khỏi kê toa trùng. Trong tương lai gần, theo đà phát triển nghiên cứu về sự chi phối của của các gene ảnh hưởng đến bệnh lý, mỗi bệnh nhân sẽ có một loại thuốc chữa trị thích hợp riêng với liều lượng riêng.

Một ngày không xa, toàn bộ hồ sơ bệnh lý cũng như những dữ kiện cơ bản về áp suất máu, nhịp tim, nồng độ oxygen, biểu đồ tim EKG, lượng đường trong máu sẽ có sẵn trong chiếc đồng hồ đeo tay hay trong điện thoại di động. Trong khi chờ đợi, để sử dụng thuốc cho đúng liều lượng, hữu hiệu và tránh phản ứng phụ, bệnh nhân cần phải tham khảo với bác sĩ về chế độ thuốc men của mình.

BS Hồ Ngọc Minh

No comments:

Post a Comment