Cho đến nay, người ta cũng không hiểu tại sao não bộ lại biết đau,
với nhiều giả thuyết dẫn giải về những “đường lối” (pathways) đưa đến
cảm nhận đau. Một thí dụ đơn giản, khi ta bị thương tích chẳng hạn,
những dây thần kinh cảm giác bị khuấy động và dẫn về não bộ, qua nhiều
“cửa ngõ” (gates) khác nhau. Những tín hiệu đau nầy cũng được khuếch đại
bởi các “chất làm cho biết đau” gọi là prostaglandins được tiết ra khi
cơ thể bị thương tích, bị viêm sưng (inflamation). Cũng các chất
prostaglandins nầy lại dính dáng chuyện cơ thể tăng thân nhiệt làm cho
ta bị sốt.
Chất prostaglandins được đặt tên theo tuyến tiền liệt, tức là nhiếp
hộ tuyến, prostate gland. Năm 1935, nhà khoa học người Thụy Điển, Ulf
von Euler, khám phá ra chất nầy trong tinh dịch của người đàn ông. Sau
đó người ta biết thêm, proataglandins gồm có nhiều chủng loại và được
sản xuất ra ở nhiều nơi khác nhau trong cơ thể, cũng như có nhiều phận
sự hay tác dụng tùy theo trường hợp.
Chất prostagladins được sản xuất ra từ chất béo, mỡ đặt, do chi phối
của hai chất xúc tác, enzymes gọi là cyclooxygenases (COX-1 và COX-2).
Prostaglandins làm cho mạch máu giản nở hay co thắt, làm cho máu đông
đặc hay ngược lại, làm điều hoà mức độ vị viêm sưng khi bị thương tích,
làm cho tử cung co thắt khi sanh nở, cũng như ảnh hưởng đến cơ chế điều
hoà thân nhiệt, gây sốt, bảo vệ cho bao tử không bị thương tích và nhiều
tác dụng khác…
Năm 1971, người ta khám phá ra rằng aspirin và các loại thuốc tương
tự trong nhóm gọi là NSAIDs (Nonsteroidal anti-inflammatory drugs) có
tác dụng giảm sự sản xuất ra chất prostagladins bằng cách khống chế các
chất xúc tác cyclooxygenases (COX-1 và COX-2). Vì thế các loại thuốc nầy
đều có những hiệu ứng giảm đau, chống sốt…
Ngoài aspirin, trong nhóm NSAIDs nầy gồm có các loại thuốc tiêu biểu
như ibuprofen (Motrin), naproxen (Aleve), và diclofenac (Voltaren).
Thuốc Tylenol (acetaminophen) tuy có những công hiệu tương tự nhưng
lại thuộc vào một diện khác, hoàn toàn độc lập. Cho đến nay người ta
cũng không hiểu làm thế nào thuốc Tylenol (acetaminophen) lại giảm đau,
chống sốt. Khác với các thuốc trong nhóm NSAIDs kể trên, thuốc Tylenol
(acetaminophen) chỉ có tác dụng giảm bớt hiệu năng của chất xúc tác COX ở
trong hệ thần kinh trung ương, não bộ mà thôi. Vì thế, khác với
ibuprofen (Motrin), naproxen ( Aleve), và diclofenac (Voltaren), Tylenol
có tác dụng giảrm sốt và chống nhức đầu nhiều hơn là giảm đau bắp thịt,
đau xương, hay chống sưng do thương tích.
Người ta cũng cho rằng thuốc Tylenol có những tác dụng trên hệ thống
cảm nhận đau ở não bộ, gọi là endocannabinoid system (ECS). Hệ thống
ECS, nầy cũng chịu ảnh hưởng bởi các chất thuốc phiện, cần sa. Cũng vì
lý do đó mà Tylenol cũng được dùng chung với các loại thuốc giảm đau có
nguồn gốc thuốc phiện như Codeine, tạo thành thuốc Tyenol #3 chẳng hạn.
Trước khi bàn về thuốc giảm đau có nguồn gốc thuốc phiện, opioids, ta
hãy phân biệt sự khác biệt về tác dụng của các loại thuốc giảm đau đã
nêu trên.
Như đã đề cập, thuốc Tylenol có tác dụng giảm sốt, chống nhức đầu hơn
là giảm đau ngoài não bộ nói chung. So với các loại NSAIDs, thuốc có ưu
điểm là không gây ra tác dụng phụ như loét bao tử, tăng nguy cơ bị bệnh
tim mạch, hay làm cho máu loãng không đông. Tuy nhiên, ngộ độc thuốc
Tylenol có thể làm hư gan cấp tính.
Thuốc ibuprofen (Motrin) có tác dụng
giảm đau bắp thịt nhiều hơn là giảm nhức đầu hay giảm sốt. Thuốc
ibuprofen (Motrin) dùng thích hợp cho các trường hợp bị viêm sưng như té
ngã, đau khi có kinh nguyệt chảng hạn. Trong khi đó, thuốc naproxen
(Aleve), và diclofenac (Voltaren) có lợi thế chống đau nhức khớp xương
nhiều hơn là giảm sốt, giảm đau bắp thịt, thí dụ như đau phong thấp, đau
lưng, cột sống.Tuy nhiên trong mọi trường hợp đau nhẹ, sốt nhẹ, thời
gian ngắn hạn, loại thuốc nào trên đây cũng uống được. Nếu bị đau nhức
kinh niên, để giảm tác dụng phụ, phải uống đúng loại thuốc cho đúng loại
đau nhức.
Thuốc có nguồn gốc hay hiệu ứng thuốc phiện, opioids, là các chất
kích hoạt lên các hệ thống thần kinh trung ương làm giảm cảm nhận đau
hay tăng cảm giác biết sung sướng gọi là opioid receptors. Các loại
thuốc như thuốc phiện, bạch phiến (heroin), morphine và một số thuốc
tổng hợp như hydrocodone, oxycodone (Oxycontin) and fentanyl đều tác
dụng trên các opipoids receptors này.
Thuốc opioids trước đây chỉ được dùng cho những trường hợp đau đớn
trầm trọng. Hiện nay nguy cơ của nạn ghiền thuốc tăng vọt lên tình trạng
báo động khẩn cấp. Một phần do các bác sĩ kê toa thiếu trách nhiệm. Năm
2012, có khoảng 260 triệu toa thuốc opioids được viết ra, đổ đồng một
lọ thuốc 30 viên cho mỗi đầu người trên toàn dân số nước Mỹ! Phần khác
do người tiêu thụ lạm dụng thuốc.
Trong năm 2013, có khoảng 40 triệu
người dùng thuốc opiods một cách bừa bãi, trẻ nhất chỉ 12 tuổi! Trong số
những người dùng thuốc, 25% bị nghiện, chưa kể những trường hợp dùng
thuốc “không chính thức” như là ma tuý. Cũng trong năm 2015, có khoảng
60,000 người tử vong vì ngộ độc thuốc opioids, nhiều hơn số lính Mỹ chết
trận trong toàn bộ chiến tranh Việt Nam!
Không riêng gì thuốc có nguồn gốc hay hiệu ứng thuốc phiện, các loại
thuốc như Tylenol, ibuprofen (Motrin), naproxen (Aleve), và diclofenac
(Voltaren) cũng gây ra tình trạng nghiện ngập và ngộ độc. Riêng thuốc
ibuprofen (Motrin), gần đây được chứng minh có thể làm tăng nguy cơ bị
bệnh tim mạch.
Khả năng chịu đau có thể thay đổi tùy người và tùy theo chủng tộc
cũng như tùy theo nền văn hoá. Có lẽ sự khác biệt là do sự truyền dẫn
tín hiệu đau đến hệ thần kinh trung ương đi theo nhiều đường (pathways),
nhiều cửa (gates) khác nhau tùy theo mỗi cá nhân, mỗi trường hợp.
Tóm lại, không ai muốn đau cả. Tuy nhiên nên kiên nhẫn và tránh lạm
dụng thuốc giảm đau nói chung không riêng gì thuốc phiện. Kiên nhẫn ở
đây có nghĩa là khi dùng thuốc phải cho thời gian để thuốc có hiệu ứng.
Tránh lạm dụng là chỉ nên dùng thuốc khi cần, dùng ít thuốc, và dùng
đúng loại thuốc tùy theo loại đau nhức. Cá nhân tôi hiện nay, khi bị
đau, lại quay về dùng thuốc aspirin, là loại thuốc xưa nhất, ít nguy
hiểm và lại có những tác dụng phụ tốt như giảm nguy cơ bị ung thư, bệnh
tim mạch.
Hồ Ngọc Minh
No comments:
Post a Comment