Thursday, September 13, 2018

"Bị Con Rầy" - Sương Lam


Thưa quý anh chị,
Thời cuộc đổi thay, lòng người và văn hoá đạo đức gia đình cũng thay đổi. Có những sự thay đổi khiến cho chúng ta vui mừng và cũng có những cuộc đổi thay khiến cho chúng ta "buồn trong lòng" một ít.

Khi liều thân đem con cháu đến xứ người tự do an lành,  cha mẹ nào cũng vui mừng khi thấy con cái của mình "công thành danh toại",  nhưng ..... chữ Nhưng này mới quan trọng vì cha mẹ nơi xứ người phải đối đầu với những  "Culture Shock", tạm dịch là  "những xung đột văn hoá" .  Nhiều phụ huynh học sinh và ngay cả chính bản thân người viết, khi bị những "cú sốc văn hóa" này, đã bàng hoàng không ít trong buổi ban đầu.  Nhưng rồi qua thời gian, chúng ta cũng tạm thích ứng với đời sống mới, với văn hoá mới, với những nghĩ suy của những người biết Đời biết Đạo vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy" này, chúng ta chấp nhận sự việc đến với chúng ta một cách bình thản hơn, để cho cái Tâm của mình được an bình hơn.

Bài tâm tình hôm nay nói lên tâm sự của bậc cha mẹ già nơi xứ người khi thấy con cháu của chúng ta,  khi nhận được sự giáo dục nơi xứ người, có những cách sống, lối suy nghĩ, cách đối xử với ông bà, cha mẹ không giống như chúng ta, những người của thế hệ 30, 40, 50 đưọc giáo dục theo lối giáo dục Đông Phương, đặt căn bản trong "tình cảm gia đình" khác hẵn lối giáo dục "cá nhân chủ nghĩa" của Tây Phương hiện tại.  Chúng ta đành phải chấp nhận và biến hoá  sự việc theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Bạn đồng ý chứ?
Chúc an lạc.
Sương Lam

Đây là bài số bốn trăm ba mươi lăm (435) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.
Những bậc cha mẹ Việt Nam ở lứa tuổi U60, U70, U80 đang sống ở hải ngoại hiện tại chắc cũng có đôi lần "tủi thân" vì "Bị Con Rầy", theo cách nghĩ của họ, khi người con lớn tiếng với cha mẹ một khi họ không đồng ý cha mẹ làm một việc gì đó hay là đã làm phiền họ. 

 Với văn hoá, giáo dục ngày xưa ở Việt Nam cha mẹ có rất nhiều uy quyền đối với con cái.  Cha mẹ có quyền quyết định tất cả mọi việc và rầy la dạy dỗ con cái.  Dù là nhiều khi bị rầy một cách oan uổng nhưng con cái vẫn phải ngồi im chịu trận chứ không dám cãi lại, nếu không, sẽ bị hàng xóm láng diềng chê trách là hỗn hào, bất hiếu với cha  mẹ.

  Thời cuộc đổi thay, sống ở xứ người, cha mẹ nhiều khi bị trở ngại ngôn ngữ, kém hiểu biết về kiến thức khoa học kỹ thuật hoặc không biết lái xe v…v... đôi khi phải nhờ đến sự giúp đỡ của con cái thì sẽ bị con cái la rầy ngay vì đã làm phiền họ.
  Đôi khi họ sẽ không cho phép ông bà nội, ngoại chăm sóc con cái của họ theo cách săn sóc ngày xưa mà cha mẹ họ đã chăm sóc họ khi còn bé ở Việt Nam.  
Đối với những người con lớn tuổi theo cha mẹ sang định cư xứ người thì còn giữ được một phần nào văn hoá, sự giáo dục ngày xưa.  Những đứa trẻ theo cha mẹ sang nước người lúc tuổi còn thơ hay được sinh tại hải ngoại thì không nhiều thì ít,  họ chịu ảnh hưởng giáo dục của Âu Mỹ nhiều hơn, nên cũng làm cho cha mẹ đau lòng nhiều hơn với cung cách đối xử của họ đối với cha mẹ Dĩ nhiên giáo dục trong gia đinh rất quan trọng nhưng một khi đứa bé chịu ảnh hưởng quá nhiều về văn hoá nơi mình đang sống thì những quan niệm giáo dục ngày xưa của cha mẹ sẽ bị  họ coi là "Old Fashion" ( lỗi thời) rồi.  Cũng đành thôi!
Cuộc đời thay đổi từng sát na huống chi là cả một thế hệ, cả một sự khác biệt về quan điểm sống, về sự giáo dục của nơi mình đang sống. Ngày xưa ở Việt Nam chúng ta thuộc các thế hệ  30, 40  được giáo dục theo đạo đức văn hóa Á Đông với  “tam cang, ngũ thường”, với “tam tòng tứ đức” của Khổng, Mạnh.  Con cái phải yêu thương, săn sóc bố mẹ khi già yếu trong bất cứ hoàn cảnh nào với câu nói “trẻ cậy cha, già cậy con”. Những câu chuyện về chữ hiếu như chuyện Nhị Thập Tứ Hiếu, chuyện Thoại Khanh Châu Tuấn , chuyện Mục Liên Thanh Đề đề cao chữ hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ được giảng dạy ở trường học cũng như ở chốn thiền môn. Người cha, người mẹ trong các thế hệ trước được tôn trọng, có nhiều quyền uy trong gia đình, trong đời sống, trong hôn nhân của con cái với quan niệm: “áo mặc sao qua khỏi đầu”, “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”.  Nếu con cãi lời cha mẹ, không chăm sóc cho cha mẹ lúc tuổi già thì sẽ bị mang tiếng  là “bất hiếu”.
 Bây giờ sống ở xứ Âu Mỹ, con trẻ được giáo dục khác hẵn lối giáo dục Á Đông là học sinh được quyền phát biểu ý kiến cá nhân ngay từ bậc tiểu học. Lớn lên, thanh niên nam nữ được quyền chọn lựa ngành nghề học theo ý muốn, sở thích của mình.  Trong hôn nhân, họ được quyền chọn lựa người phối ngẫu  theo trái tim tình cảm của mình và tổ chức hôn lễ theo ý của hai đương sự  và cha mẹ sẽ là người được “con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đó” là xong chuyện.  Mọi người  phải tôn trọng đời sống cá nhân của người khác. Cha mẹ chỉ là những bóng mờ hay là người “osin, ở đợ không lương” cho con cái.  Hơn nữa, là chướng ngại vật hay là gánh nặng trong đời sống của con cái khi tuổi già. Nói ra thì đau lòng, mà sự thật tuổi già sống ở nơi đây là thế đấy, bạn ạ?
Người viết vẫn tin vào hai chữ Nghiệp Duyên của nhà Phật trong mọi sự việc ở đời. Cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, bạn bè, kẻ yêu người ghét v..v…  gặp gỡ nhau trên cõi đời này cũng là do duyên nghiệp đã tạo thành từ muôn nghìn kiếp trước. Tại sao thế giới này có cả tỷ người nhưng chúng ta lại gặp được cái “cái nữa xương sườn” đúng “size” của mình.  Nếu thực sự là có duyên nợ lâu dài thì sẽ đưọc “trăm năm hạnh phúc”;  còn nếu không, thì sẽ “rầm rộ  đám cưới” lúc  ban đầu rồi sẽ “âm thâm ly hôn” lúc về sau. Tại sao con cái có đứa biết thương cha mẹ, có đứa lại bất hiếu với mẹ cha?  Phải thật tình mà nói thì hình như con gái có hiếu và thương cha mẹ nhiều hơn con trai.  Xin lỗi quý ông nhé, đó chỉ là nhận xét riêng của người viết mà thôi, nếu không đúng, xin quý vị niệm tình tha thứ nhé.  Smile!
Người viết cũng vẫn nghe ngay tại xứ Mỹ này, có nhiều cha mẹ sung sướng khoe rằng: “Con tôi làm việc đem lương về nộp cho tôi đầy đủ. Chúng chỉ chừa lại một phần nhỏ để xài vặt mà thôi”  hoặc  là “Con tôi đưa tiền cho tôi trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tất cả sinh hoạt gia đình và rất hiếu  để với cha mẹ”! Trời ơi!  Những ông bà cha mẹ này có phước thật!  Xin chúc mừng cho quý vị và phần phúc ai nấy hưởng nhé! Còn đa số thì than phiền con cháu bây giờ sao mà bạc ác quá!
Đừng nói chi cha mẹ Việt Nam ở các nước Âu Mỹ than phiền rằng con cháu bây giờ hành xử không giống như mình mong muốn. Báo chí Việt Ngữ phát hành tại Mỹ cũng đãng lại tin tức con cháu ở Việt Nam cãi vã với cha mẹ, ông bà rồi giết cha mẹ, ông bà  để lấy tiền đi chích xì ke, bài bạc, nhậu nhẹt, mua điện thoại xịn v…v…
Nếu chúng ta hiểu rằng tất cả sự việc trên đời là do duyên nghiệp tạo thành thì chúng ta cố gắng làm “the best we can” những gì chúng ta có thể làm được đối với con cháu, trong vai trò, trong  bổn phận của cha mẹ, ông bà của chúng ta.  Đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng nơi con cháu.  Đừng bao giờ trông cậy vào con cháu điều gì. Chúng ta hãy chấp nhận và sẵn sàng khi già không làm việc nổi, không tự săn sóc mình nổi nữa thì vào “nursing home”, như vậy mình sẽ bớt khổ hơn. Dầu sao đi nữa ở nơi xứ Mỹ, chính phủ vẫn lo lắng, trợ cấp cho người già đầy đủ, dù bạn có làm việc hay không làm việc, nếu bạn là công dân Mỹ.  Mỗi khi buồn khổ xin Bạn hãy nghĩ đến những người già  cô đơn, nghèo khổ ở Việt Nam là bạn sẽ thấy mình vẫn còn có phúc nhiều lắm, bạn nhé!
Những khi "bị con rầy" như trên đã nói, hy vọng bạn sẽ bớt buồn đôi chút sau khi đọc tài liệu dưới đây do người viết sưu tầm đem về đây chia sẻ với bạn bè.


Nhân duyên vợ chồng cha mẹ con cái

Đức Phật thường nói rằng nếu không nợ nhau thì làm sao gặp gỡ. Cùng khám phá nghiệp quả, nhân duyên vợ chồng, cha mẹ và con cái.
Có thể người vợ ở kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, tới trả nợ cho bạn. Đứa con trai ở kiếp này, là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, để đòi món nợ chưa trả. Đứa con gái ở kiếp này, là người tình ở kiếp trước, tới vì tình cảm chưa dứt. Người tình kiếp này, là vợ chồng của kiếp trước tới nối tiếp phần duyên phận chưa dứt. Hồng nhan tri kỷ của kiếp này là anh em của kiếp trước tới chia sẻ những tâm sự chưa nói hết. Người giàu có kiếp này là người giàu lòng thiện kiếp trước, tới nhận phần công đức đã phát ra từ kiếp trước….. Đây không phải là mê tín mà là nhân quả luân hồi, là số kiếp. Phật thường nói rằng nếu không nợ nhau thì làm sao gặp gỡ.

Bất cứ việc gì, bất cứ người nào, trong gia đình (ngay cả ngoài gia đình, bề trên, cấp dưới…) phàm làm khiến cho ta tổn hại, đều phải gánh chịu thọ báo. Gia quyến lục thân, đều do tứ nhân tương tụ (tứ nhân là trả nợ, đòi nợ, trả ơn và báo oán) bất luận chúng ta thọ báo bao nhiêu oan ức, không những không được sân hận, ngược lại phải sám hối cho nghiệp chướng của chính ta, tội nghiệp của quá khứ hay đời trước nay phải trả, nếu đem lòng sân hận, làm sao không tạo thêm nghiệp mới, “Chúng sanh oan oan tương báo đến bao giờ mới hết, nếu biết lấy ân báo oán thì oán liền tiêu trừ”.
Tất cả mọi nơi đều có oan gia trái chủ đến gây nạn (làm khó dễ) chúng ta phải phản tỉnh lại, tại sao họ không tìm người khác để gây phiền phức, đều do trong quá khứ hay đời quá khứ, chúng ta có làm điều gì sai lỗi với họ, ta phải tu nhẫn nhục, làm nghịch tăng thượng duyên, lúc đó mọi oán thù trong quá khứ nhờ đó mà được tiêu trừ.

Có rất nhiều người kết hôn nhưng suốt đời chẳng có con, vì sao?

Chẳng có duyên! Con cái phải có duyên với quý vị thì chúng mới đầu thai vào nhà quý vị. Chúng nó chẳng có duyên với quý vị, sẽ chẳng đầu thai vào nhà quý vị. Nói cách khác, chúng nó đi đầu thai, phải tìm đối tượng. Quý vị mong cầu chúng nó, chưa chắc chúng nó đã để ý tới quý vị! Tìm đối tượng nào? Có mối quan hệ trong đời quá khứ. Trong kinh, đức Phật đã nói bốn loại nhân duyên.

1) Loại thứ nhất là báo ân.
Trong quá khứ (hay đời quá khứ), đôi bên có ân huệ với nhau, lần này chúng nó lại thấy quý vị, bèn đầu thai vào nhà quý vị, sẽ trở thành con hiếu, cháu hiền, đến để báo ân tình xưa.

2) Loại thứ hai là báo oán.
Trong quá khứ (hay đời quá khứ), quý vị kết cừu hận với họ. Gặp gỡ lần này, họ đến làm con cái quý vị, mai sau lớn lên sẽ thành đứa con khiến cho gia đình suy bại, khiến cho quý vị nhà tan, người chết, nó đến để báo th quý vị..! Vì thế, chớ nên kết oán cừu cùng kẻ khác. Kẻ oán cừu bên ngoài có thể đề phòng, chứ họ đến đầu thai trong nhà quý vị, làm cách nào đây? Quý vị hại người đó hay hại chết kẻ đó, thần thức kẻ ấy sẽ đến làm con cháu trong nhà quý vị. Đó gọi là “con cháu ngỗ nghịch” khiến cho nhà tan, người chết..!

3) Loại thứ ba là đòi nợ.
Đời quá khứ (hay đời quá khứ), cha mẹ thiếu nợ chúng nó, chúng nó đến đòi nợ. Nếu thiếu nợ ít, nuôi hai, ba năm, con bèn chết. Nếu thiếu nợ nhiều, đại khái là nuôi đến khi tốt nghiệp đại học, sắp có thể làm việc bèn chết mất. Nợ đã đòi xong, nó bèn ra đi.

4) Loại thứ tư là trả nợ.
Con cái thiếu nợ cha mẹ quá khứ (hay đời quá khứ) hiện tai hay đời này gặp gỡ, nó phải trả nợ. Nó phải nỗ lực làm lụng để nuôi nấng cha mẹ. Nếu nó thiếu nợ cha mẹ rất nhiều, nó cung phụng cha mẹ vật chất rất trọng hậu. Nếu thiếu nợ rất ít, nó lo cho cuộc sống của cha mẹ rất tệ bạc, miễn sao quý vị chẳng chết đói là được rồi. Hạng người này tuy có thể phụng dưỡng cha mẹ, nhưng thiếu lòng cung kính, chẳng có tâm hiếu thuận. Báo ân bèn có tâm hiếu thuận, chứ trả nợ chẳng có tâm hiếu thuận. Thậm chí trong lòng chúng nó còn ghét bỏ, chán ngán cha mẹ, nhưng vẫn cho quý vị tiền để sống, nhiều hay ít là do xưa kia quý vị thiếu chúng nó nhiều hay ít.
* Nhưng cũng có thể họ có nhiều duyên nợ với chúng sanh nhưng lại đi gieo nhân không con (như phá thai, sát sanh, giết người…) ở quá khứ hay tiền kiếp nên hiện tại lại phải trả nghiệp nên không có con. hoặc họ muốn có con thì phải sám hối, và làm thật nhiều việc tốt, hướng thiện và phóng sanh… Nói chung thì đường đi của Luật nhân quả rất phức tạp khó ai thấu hiểu hết.

Đức Phật dạy rõ chân tướng sự thật, người một nhà là do bốn loại quan hệ ấy mà tụ hợp. Gia đình là như thế, mà người trong một họ cũng là như thế. Ân, oán, nợ nần nhiều, bèn biến thành cha con, anh em một nhà hay ân oán, nợ nần ít hơn cũng có thể biến thành thân thích, bầu bạn. Do đó, giữa người và người với nhau đều có duyên phận. Quý vị đi đường, một kẻ xa lạ gật đầu mỉm cười với quý vị cũng là do duyên phận xưa kia. Thấy một kẻ xa lạ, vừa thấy kẻ ấy liền cảm thấy gai mắt cũng là do duyên phận trong quá khứ.

Phải hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta khởi tâm động niệm chớ nên không cẩn thận, ngàn muôn phần đừng kết oán cừu với hết thảy chúng sanh, đừng nên có quan hệ nợ nần với hết thảy chúng sanh. Thiếu nợ phải trả cho sạch nợ, để tương lai hay đời sau khỏi phải đền trả nữa. Chuyện này rất phiền toái! Giáo huấn của thánh hiền Nho và Phật đều dạy chúng ta phải hóa giải ân oán. [Hóa giải] sẽ là phương pháp tốt lành nhất và viên mãn nhất. Chỉ có Nho và Phật mới có thể làm được, những thứ giáo dục khác trong thế gian chẳng thể thực hiện được!
(Nguồn: NiệmPhật.vn)
  
Theo thiển ý của người viết, muốn cho bớt khổ, muốn cho tinh thần an lạc, điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi quan điểm sống “trẻ cậy cha, già cậy con” ngày xưa và cũng nên cảm thông con cháu vì chúng cũng có những bận bịu, lo toan trong đời sống của chúng nên chúng không thể lo lắng, chăm sóc ông bà, cha mẹ già như ý mình mong muốn được. Bạn thì sao?
Xin mượn những vần thơ sau đây để làm kết luận cho những chuyện bình thường trong đời sống của bạn và của tôi hôm nay:
“Hãy nhớ rằng ta là cát bụi 
Sắc Không, Không Sắc vẫn hoàn ...Không 
Dỉ vãng qua rồi, mai chưa đến
Thì xin hiện tại sống an vui
Thơ Sương Lam
(Trích trong Tuyển Tập Những Chuyện Bình Thường của SL)

Mời xem Youtube Nét Thiền của Đá do người viết thực hiện để thấy Đá vẫn có nét đẹp của Thiền và biết rằng sỏi đá cũng cần có nhau
Youtube Nét Thiền Của Đá
   
Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam

2 comments:

  1. Bài viết rất đúng thực tế. Ngày nay cha mẹ không còn quyền hạn gì với con cái khi chúng đã trưởng thành, lời khuyên bảo của cha mẹ như nước đổ lá môn, không dễ gì lọt tai chúng.
    Thôi thì mình chấp nhận vậy và phải tự biết thân, tự lo cho mình về già chớ đừng mong được phụng dưỡng như ở thế hệ mình ngày xưa, phải không chị?.
    Cám ơn chị Sương Lam.
    Thân mến.
    NPN

    ReplyDelete
  2. Nuôi dạy con cái:chuyện mẹ cha,
    Giúp con tồn tại với người ta.
    Nay con khôn lớn mưu sinh được,
    Cũng đủ an vui lúc tuổi già.
    Trách nhiệm xong xuôi lòng hoan hỉ.
    Sá gì con cái lỡ "rầy la"?
    Con dù có hiếu hay không hiếu,
    Để bụng làm chi tự phiền hà?

    ReplyDelete