Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Liên Hiệp Quốc mới đây gửi thư cho Thủ
tướng CS Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ lo ngại về tình trạng sử dụng
đồ uống có cồn ở mức “báo động” ở Việt Nam. Con số người Việt tiêu thụ
bia nghe kinh khủng, trên 4 tỷ lít bia hồi năm 2017. WHO cũng cho biết
việc tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức có hại “là yếu tố chính, góp phần vào
gánh nặng các bệnh không lây nhiễm”, cũng như “gây tai nạn giao thông
đường bộ, bạo lực và thương tích”. Tổ chức Y tế Thế giới đã kiến nghị
Việt Nam “thực hiện các biện pháp hiệu quả” như có chính sách giá cả đối
với đồ uống có cồn. Bộ Y tế VNCS hồi tháng Tư năm nay đã đề nghị 3 biện
pháp, giờ cấm bán rượu, bia, có thể từ 22 giờ đêm hôm trước tới 6 giờ
sáng hôm sau, trừ một số khu vực nhất định. Nhưng theo báo chí Việt Nam,
dự luật đã gây ra các tranh luận “nảy lửa” cũng như “vấp phải sự phản
đối của các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia” nên bị ngâm dấm.
Nạn
bia rượu ở Việt Nam thời CS đã thành quốc nạn, đến đỗi Tổ chức Y tế Thế
giới của Liên Hiệp Quốc mới đây phải cảnh báo Thủ Tướng bằng công văn,
giấy trắng mực đen như trên. Đây không phải lần đầu CSVN bị cảnh cáo, mà
nhiều lần báo chí quốc tế đã báo động, đưa tin cho toàn thế giới biết.
Thực
vậy, tiêu biểu như hồi năm 2015, thông tấn xã AFP (Agence
France-Presse) là một thông tấn xã của nước Pháp, trụ sở chánh ở Paris,
có tầm vóc quốc tế. AFP cũng là một thông tấn xã lâu đời nhứt, là một
trong những thông tấn xã lớn nhứt trên thế giới, có thông tín viên và
văn phòng thường trực tại 150 nước trên thế giới. AFP nhơn dịp Tết Việt
Nam đi tin nạn nhậu nhẹt của người Việt trong thời CS, với một dẫn dụ
đọc cười ra nước mắt, lo cho tương lai VN không biết đi về đâu, với lời
“phát biểu, tuyên bố” theo kiểu đoàn thanh niên CS Hồ chí Minh, của
Anh Võ văn Bảo [bản tin tiếng Pháp không có dấu] khoảng 21 tuổi nói với
AFP, rằng thì là, "Uống rượu là phải say, nếu không say khác gì vứt tiền
đi.”
Tin của AFP cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia
có giá bia rẻ nhất thế giới. Thức uống có độ cồn cao ở Việt Nam tăng
nhanh vào bậc nhất hoàn cầu. Người Việt Nam trước kia chánh yếu thưởng
thức những ly bia, chén rượu tại các quán nhỏ ven đường. Bây giờ thời
CSVN mở cửa cho đầu tư ngoại quốc vào, cán bộ đảng viên CS lên đồ lớn,
thắt cờ ra oách, Việt Nam là nước tiêu thụ bia đứng đầu Đông Nam Á, nhập
cảng đủ loại bia ngoại quốc.
Trong 10 năm qua, tỷ lệ người uống
bia ở Việt Nam tăng 200%. Ô. Phuong Nam Nguyen viên chức Tổ chức Y tế
Thế giới ở VN cho biết một phần tư nam giới đang tiêu thụ bia ở mức "gây
nguy hiểm", tức là trên 6 ly một lần, theo nghiên cứu của WHO. Theo một
nghiên cứu của chính phủ VNCS, 60% các vụ bạo hành gia đình ở Việt Nam
có liên quan đến bia rượu. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ bia rượu quá mức
còn dẫn tới sự gia tăng của các loại bệnh nguy hiểm như ung thư, xơ gan,
tiểu đường, cao áp huyết và các bịnh về tim mạch nữa.
Một
thoáng nhìn qua lịch sử ẩm thực Việt cho thấy, rượu du nhập vào VN từ
Trung Hoa. Sách Thánh Hiền của Trung Hoa dạy “vô tửu bất thành lễ” và
coi rượu là một thuộc tính của phái nam, mà phong tục Tàu là trọng nam
và trọng trưởng. Tư tưởng Tàu này đã ăn sâu vào văn hóa ẩm thực VN sau
1.000 quốc gia dân tộc VN bị quân Tàu cai trị.
Trước khi thực dân
Pháp đánh chiếm và cai trị VN, chỉ có rượu, đủ thứ ít ai nhớ hết tên.
Khi Pháp vào đem vào nhiều thứ rượu Tây, rượu chát, rượu mạnh Cognac,
Martell, nhưng nhiều nhứt là rượu bia làm tại chỗ với houblon mua tại
Pháp, dân Miền Nam gọi là la ve. Thực dân Pháp độc quyền về rượu, các
“công xi rượu” lớn, các hãng bia như BGI Saigon đều của thực dân Pháp.
Thực dân Pháp có ngành bắt rượu lậu gọi là “tàu cáo”, tư nhân làm rượu
lậu bị bắt là tù mọt gông và tán gia bại sản.
Nạn rượu trong thời
cận đại Việt Nam Cộng Hoà và VNCS đều có. Nên trong văn chương bình
dân của dân nhậu có những “ranh” [danh] ngôn của phe nhậu. Thời VNCH,
“uống xả láng, sáng về sớm; uống mút mùa lệ thuỷ; cạn ly đầy đầy ly cạn;
luật nhậu là vào ba ra bảy”. Thời CS “sáng xỉn chiều say, tối la đà;
rượu này ông uống bà khen, uống rượu là phải say, nếu không say khác gì
vứt tiền đi”.
Rượu bia đã biến thành quốc nạn với những con số
kinh hồn khiếp vía thời CSVN. Dân số VN theo Cục Thống Kê VNCS công bố,
kể từ ngày 1 tháng Tư năm 2014, là 90 triệu 493 ngàn người, gồm 45.87
triệu phụ nữ, 33.1% ở thành thị và 66.9% ở nông thôn.
Nhưng số
rượu bia để nhậu, và “lượng tiêu thụ đồ uống có cồn của Việt Nam tăng
nhanh vào bậc nhất thế giới. Việt Nam theo thống kê năm 2014, mỗi năm
tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, đứng thứ ba châu Á và thứ nhất Đông Nam Á
chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc dân số đông hơn VN. Năm 2017 lên 4 tỷ
lít bia, quá cao.
Giá bia VN rẻ nhứt thế giới. Buôn bán, sản xuất
bia rượu là một ngành kinh doanh lớn mạnh, lời nhiều. Hầu hết các tỉnh
thành lớn đều có hãng bia riêng. Hàng quán, tiệm nhậu, mọc lên như nấm.
Nhậu đủ kiểu, bia ôm, bia đèn mờ, bia xào khô, xào nước. Mồi đủ kiểu, từ
trái ổi, trái cóc chấm mắm ruốc đến sơn hào hải vị, đặc sản con dế, con
kiến, con ốc sên nướng. Nhà Nước miệng thì nói mở khu du lịch, nhưng
chánh yếu là cho mở quán nhậu “tá lả bồn binh”.
Thanh niên biết
uống rượu rất sớm, phụ nữ cũng xem uống rượu là một nghi thức trong xã
giao. Dần dần hình thành tâm lý người không chịu uống rượu, bia là tự cô
lập. Đàn ông không uống rượu xem là “bản lĩnh” kém, mất nam tính, già
trước tuổi hay già quá “đát”. Phó thường dân cho đến cán bộ, đảng viên,
đại cán, đại gia đều uống rượu, bia. Vui uống, buồn uống, thành uống,
bại cũng uống. Chính tâm lý ấy làm một số người phải cố gắng theo số
đông, làm vừa lòng tập thể.
Hậu quả vô cùng tai hại cho cá nhân,
gia đình và xã hội. Sức khỏe toàn dân xuống. Bịnh xã hội tăng. Ung thư,
xơ gan, tiểu đường, cao máu, tim mạch trở thanh phổ biến. Cướp giựt
đường phố tăng. Nhậu nhẹt đánh chém nhau tăng. Cán bộ đảng viên hư hỏng,
tham nhũng, trễ giờ làm việc vì nhậu tăng.
Vì bia rượu làm tai
nạn giao thông tăng. Thống kê từ nhiều năm qua cho thấy, ở VN trung bình
mỗi ngày Tết (tính từ 30 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), mỗi ngày có tới
gần 50 người bỏ mạng vì tai nạn giao thông, trong đó đa số do uống bia,
rượu vẫn chạy xe.
Vi Anh
vietbao.com
No comments:
Post a Comment