Đã có một vài bài viết nói về cái chết của Nhạc sĩ Dzũng Chinh, nhưng tiếc là không chính xác. Bài viết này nhằm mục đích làm rõ cái chết của ông, một nhạc sĩ trẻ được nhiều người biết đến qua nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim”. Người viết bài này đã ở cùng một đơn vị với ông khi ông tử trận)
Phạm Tín An Ninh
Nhạc sĩ Dzũng Chinh không có nhiều sáng tác, nhưng nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim” đã làm nên tên tuổi ông. Bài hát được phổ biến trong những năm đầu thập niên 1960, thời điểm chiến tranh Việt Nam bắt đầu khốc liệt, hàng hàng lớp lớp thanh niên miền Nam, hầu hết là những học sinh, sinh viên tạm gác bút nghiên, lên đường tòng quân bảo vệ giang sơn. Bài hát Những Đồi Hoa Sim (viết theo ý bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, một nhà thơ sống ở miền Bắc) phổ biến rất rộng rãi và nhanh chóng được quần chúng đón nhận khá nồng nhiệt, đặc biệt trong hàng ngũ lính chiến miền Nam Việt Nam.
Nhạc sĩ Dzũng Chinh cũng là một người lính chiến thực thụ. Tên thật là Nguyễn Bá Chính, quê quán ở Bình Can – Võ Cạnh – Nha Trang (sinh ngày 18/12/1941). Trước khi theo học khóa sĩ quan đặc biệt ở Đồng Đế Nha Trang, anh là hạ sĩ quan phục vụ tại Tiểu Đoàn 2/14/ Sư Đoàn 9 Bộ Binh thuộc Vùng IV. Cuối năm 1968, sau khi tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy, anh chọn đơn vị Sư Đoàn 23 Bộ Binh và xin được phuc vụ tại Trung Đoàn 44 (trú đóng tại Sông Mao, Phan Thiết).
Thời điểm này, Sư Đoàn 23 Bộ Binh đặt bản doanh tại Ban Mê Thuột, đặc trách hành quân trong lãnh thổ Khu 23 Chiến Thuật. Sư Đoàn có 3 trung đoàn cơ hữu. Trung Đoàn 45 Bộ Binh trú đóng tại Ban Mê Thuột, nơi có Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, phụ tránh hành quân an ninh tại các tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn. Trung Đoàn 53 Bộ Binh đồn trú tại Di Linh (Lâm Đồng), chịu trách nhiệm các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Quảng Đức. Riêng Trung Đoàn 44 Bộ Binh trú đóng tại Sông Mao, Bình Thuận, đảm trách các tỉnh miền duyên hải gồm Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.
Trung Đoàn 44 Bộ Binh đồn trú tại trại Lý Thường Kiệt, Sông Mao, một doanh trại rộng lớn của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, thời Đại Tá Voòng A Sáng, bàn giao lại để di chuyển vào Vùng 3 Chiến Thuật. Sông Mao là một thị trấn nhỏ thuộc quận Hải Ninh, nằm phía Bắc Phan Thiết khoảng 60 cây số, cách Quốc Lộ 1 gần 2 cây số. Hầu hết dân chúng ở đây là người Nùng, đã theo chân Đại Tá Voòng A Sáng và Sư Đoàn 3 Dã Chiến (tiền thân của Sư Đoàn 5 Bộ Binh) từ vùng Mống Cái, Bắc Việt di cư vào đây tháng 8 năm 1954. Phía dưới là quận Phan Lý Chàm (Chợ Lầu). Dân chúng đa số là người Chàm. Có cả dinh cơ của bà công chúa cuối cùng của Vương Quốc Chiêm Thành, với đền thờ vua, cờ xí, long bào và ấn tín. Cách đó không xa là mật khu Lê Hồng Phong nổi danh của Việt Cộng.
Nhắc đến địa danh Sông Mao và mật khu Lê Hồng Phong, người ta nhớ tới mấy câu thơ nổi tiếng hào sảng của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn:
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
Chuẩn Úy Nguyễn Bá Chính xin về Trung Đoàn 44 nhằm được gần quê quán. Anh được bổ sung về Đại Đội 1 thuộc Tiểu Đoàn 2/44. Đại đội trưởng là Trung Úy Nguyễn Văn Chánh và tiểu đoàn trưởng là Đại Úy Ngô Văn Xuân (đến tháng 5 năm 1972 ông là trung tá trung đoàn trưởng). Một tháng sau khi về đơn vị, anh được vị sĩ quan trưởng khối Chiến Tranh Chính Trị trung đoàn biết anh là nhạc sĩ Dzũng Chinh nên xin biệt phái anh về Khối Chiến Tranh Chính Trị, tạm thời đảm trách Ban Văn Nghệ mới được thành lập. Vốn mang tính nghệ sĩ và sống phóng khoáng nên anh thường (dù) về Phan Thiết chơi với bạn bè, nhiều lần vắng mặt tại đơn vị, nên bị trả lại tiểu đoàn, tiếp tục giữ chức vụ trung đội trưởng tác chiến.
Đầu tháng 3 năm 1969, Tiểu Đoàn 2/44 di chuyển ra hành quân tại khu vực quận Ninh Phước thuộc Tiểu Khu Ninh Thuận. Đại Đội 1/2 đảm trách an ninh tại Văn Lâm, một làng của người Chàm, nằm phía Đông Nam tỉnh lỵ Phan Rang khoảng 25 cấy số. Nhận tin tức của Phòng Nhì Tiểu Khu, cho biết có một mũi công tác của Việt Cộng từ mật khu núi Chà Bang (tiếng Chàm: Chơk Chabbang) sẽ về Văn Lâm thu thuế và thực phẩm, Tiểu Đoàn ra lệnh Đại Đội 1 cho một trung đội đến án ngữ dưới chân núi Chà Bang để phục kích toán quân Việt Cộng khi chúng trên đường ra Văn Lâm. Trung đội của Dzũng Chinh nhận lãnh trách nhiệm đặc biệt này. Đến địa điểm phục kích khoảng 7 giờ tối, Chuẩn Úy Chính cho tiểu đội của Trung Sĩ Luận ra nằm tiền đồn phía trước, bên con đường mòn dưới chân núi, cách trung đội chừng 500 mét, vừa theo dõi báo cáo bằng tín hiệu riêng khi địch quân xuất hiện, vừa làm nút chặn, khi đám địch bị trung đội tấn công, chạy ngược lại phía sau.
Khoảng 11 giờ tối, một toán người xuất hiện và lên tiếng: “Luận về đây”. Chuẩn Úy Chính tưởng là Trung sĩ Luận đã dắt tiểu đội về, nên hỏi lại: “Sao Luận về sớm vậy?”. Một tràng súng nổ tức thì. Chinh ngã xuống.
Thì ra có một trùng hợp kỳ lạ, quái ác, đã đưa đến cái chết tức tưởi của Dzũng Chinh. “Luận về đây” lại là mật khẩu của địch, trong đó cũng có tên Luận trùng với tên Trung Sĩ Luận, người tiểu đội trưởng của Chính có nhiệm vụ tiền đồn. Địch quân sợ bị phục kích nên đã chia làm hai toán, sử dụng lộ trình khác, không đi theo con đường mòn, nên tiểu đội tiền đồn của Trung Sĩ Luận không phát hiện được. Chính vì sự ngộ nhận đáng tiếc này làm Dzũng Chinh đã hứng trọn một tràng đạn AK của địch. Đại đội cho bắn trái sáng, kịp thời bao vây và truy kích tiêu diệt đám địch quân. Chính bị thương khá nặng. Được trực thăng của Mỹ tản thương về Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch Phan Thiết nhưng vì vết thương quá nặng ở vùng bụng và ngực, nên Dzũng Chinh qua đời (tối ngày 01.3.1969)
(Núi Chà Bang – nơi Dzũng Chinh nằm xuống)
Cái chết oan uổng của Dzũng Chinh đã được bạn bè cùng đơn vị bàn tán khá nhiều với vài sự kiện mà mọi người cho là những điềm gỡ báo trước:
Ngày xưa lương lính thường không đủ xài, nhất là những khi được về thành phố, nên trước cuộc hành quân, Dzũng Chinh đến Ban Tài Chánh Trung Đoàn xin mượn lương trước. Vị sĩ quan tài chánh ngần ngừ, bảo sao mượn lương sớm thế, mới đầu tháng đã mượn, hơi khó xử cho ông. Dzũng Chinh gãi đầu năn nỉ:
– Thì cứ xem như đại úy ứng trước tiền tử tuất cho tôi thôi mà.
Vị đại úy Tài Chánh cho mượn, nhưng rầy anh:
– Cậu chớ nói điều gỡ, không nên!
Sau đó, anh rủ hai người lính về thành phố Phan Thiết chơi. Không hiểu nhóm anh đụng chạm thế nào với một nhóm lính thuộc đơn vị khác. Trước ngày đi hành quân, anh nhận giấy báo của Quân Cảnh Tư Pháp Phan Thiết, gọi trình diện. Anh kể cho đám bạn bè trong một buổi nhậu rồi nói:
– Kỳ này tao đi luôn, xem thử lấy ai mà trình diện!
Không ngờ anh đã đi luôn thật.
Dưới chân núi Chà Bang, nơi Dzũng Chinh ngã xuống là một vùng đầy hoa sim. Tác giả nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim” cuối cùng cũng đã nằm xuống trên ngọn đồi bạt ngàn hoa sim tím. Anh đựợc an táng tại Nghĩa Trang Mả Thánh (Phương Sài, Nha Trang), sau này bị chính quyền Cộng Sản giải tỏa, không biết đã được di dời về đâu. (***)
Mộ Nhạc sĩ DZŨNG CHINH (**)
Cái chết của Chuẩn Úy Nguyễn Bá Chính, một trung đội trưởng Bộ Binh, cũng lặng lẽ như hàng vạn chiến sĩ vô danh khác đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ quê hương, nhưng tên tuổi Dzũng Chinh được nhiều người tiếc thương, nhắc nhở, bởi vì anh là một nhạc sĩ trẻ tuổi, đã tạo nên một tác phẩm đi vào lòng người, và mãi ở lại với thiên thu.
Phạm Tín An Ninh
(*)-Ảnh NS Dzũng Chinh do Bà Chị của Ông ( hiện sống tại Hoa Kỳ) cung cấp..
(**)-Ảnh mộ NS Dzũng Chinh do anh Nguyễn Phúc, bạn thân của DC cung cấp
(***) Gia đình NS Dzũng Chinh cho biết: hiện tro cốt của NS đang thờ tại Chùa Tỉnh Hội Phật Giáo Khánh Hòa (bên cạnh Chùa Hải Đức- Nha Trang.)
No comments:
Post a Comment