Trông người, đau xót cho ta!
Ngày 18 Tháng Chín vừa qua, Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in lần đầu
tiên đến thủ đô Bình Nhưỡng, Bắc Hàn trong một cuộc viếng thăm lịch sử.
Hình ảnh hai vị lãnh đạo Nam Bắc Triều Tiên duyệt hàng quân danh dự và
đứng trên xe mui trần đi qua các con đường phố với hàng nghìn dân chúng
tụ tập hai bên đường, ăn mặc như ngày hội vẫy cờ chào đón – dù là được
Bắc Hàn vận động – đã làm cho cả dân tộc Triều Tiên vui mừng trước cơ
hội thống nhất Nam Bắc sau 65 năm hai miền bị chia cắt, ly tán.
Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến xảy ra và kéo dài ba năm từ 1950
đến 1953 trên bán đảo Triều Tiên, đã bị chia cắt mỗi bên vì sự chiếm
đóng tạm thời của Liên Xô và Hoa Kỳ. Lực lượng hai bên tham chiến lên
đến hơn một triệu quân, Bắc Hàn có Trung Cộng và Liên Xô yểm trợ, Nam
Hàn có Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc tham chiến. Sau ba năm giao tranh, nhiều
thành phố thành bình địa, quân lực mỗi bên lên đến 800,000 người chết,
mất tích và bị thương, số dân chúng tử vong của cả hai miền lên đến con
số 2.5 triệu người. Nhiều gia đình hai miền bị ly cách.
65 năm nay, hai miền ngưng chiến nhưng không có hiệp ước hoà bình,
hai bên vẫn xem nhau như thù nghịch, tiến hành chiến tranh tình báo và
tìm cách tuyên truyền lôi kéo hay đánh phá nhau.
Qua những cuộc thương thuyết dài ngày và cam go, cũng như gây ra
nhiều sự dị nghị, nghi ngờ, cho đến hôm nay, vào thời điểm trung tuần
Tháng Chín, 2018, Bắc Hàn cam kết ngừng các hoạt động nghiên cứu hạt
nhân, tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, bằng một
quy trình “có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, và một thỏa thuận
hòa bình Nam-Bắc Hàn, chấm dứt tình trạng chiến tranh dai dẳng giữa hai
miền.
Theo AFP, Kim Jong-un đã tuyên bố tại cuộc họp báo chung sau hội nghị
thượng đỉnh với Tổng Thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Bình Nhưỡng là :”Tổng
Thống Moon Jae-in và tôi thống nhất đưa bán đảo Triều Tiên trở thành
một khu vực không có vũ khí hạt nhân cũng như các mối đe dọa hạt nhân –
Tuyên bố chung Tháng Chín cũng sẽ nâng quan hệ Triều Tiên-Hàn Quốc lên
tầm cao hơn, mang lại kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng!”
Lãnh đạo Bắc Hàn cũng đã nhận lời mời thăm Seoul của tổng thống Nam Hàn.
Kim Jong-un từ lâu nay được thế giới xem như một Chí Phèo của làng Vũ
Đại, sở hữu vũ khí nguyên tử và hăm dọa cả vùng Đông Nam Á. Ngày nay
nếu Kim Jong-un chịu thương thuyết với Hoa Kỳ và chịu ngồi lại với lãnh
tụ Nam Hàn để mang lại hoà bình, thịnh vượng cho một đất nước chung,
tách xa con đường thù hận, hiếu chiến của ông Kim Il-sung, và cha Kim
Jong-il, thì lãnh tụ Bắc Hàn hôm nay đươc xem như một người thức thời và
là cứu tinh của dân tộc Bắc Hàn. Chuyện thống nhất của hai miền tuy hãy
còn xa, nhưng rồi đây hai miền sẽ thông thương, người dân đói nghèo,
đơn điệu của Bắc Hàn rồi đây sẽ được hưởng một đời sống thịnh vượng,
sung túc như Nam Hàn. Sẽ không còn đảng mà chỉ còn dân tộc!
Nhìn về Đông Âu: Ngày 9 Tháng Mười Một, 1989, bức tường Berlin sụp đổ.
Một dòng người lũ lượt từ Đông Bá Linh, đang tràn sang phía Tây thành
phố Berlin tưng bừng như một này hội. Người ta khiêu vũ, uống rượu,
phất cờ, ca hát, hò reo: “Wir sind ein Volk,” “Wir sind ein Volk” (Chúng
ta là một dân tộc).
Đây là cơ hội một thuở để lìa bỏ chế độ Cộng Sản, và xóa sổ Cộng Hòa
Dân Chủ Đức. Ngày 3 Tháng Mười, 1990, nước Đức chính thức thống nhất.
Hai năm sau, Honecker, cựu tổng bí thư đảng Cộng Sản Ðức lâu năm kiêm
chủ tịch nước Cộng Hòa Dân Chủ Ðức (DDR) và đồng bọn ra toà án nước
Đức, sau đó xin tị nạn ở Liên Xô. Năm 1991, khối cộng sản Liên Xô kể như
tan rã, nước Nga không muốn chứa chấp vợ chồng Honecker, họ phải trốn
vào tòa đại sứ Chile xin tị nạn.
Năm 1991, chính phủ Đức ban hành “thuế phụ thu đoàn kết”
(“Solidaritätszuschlag”) cho chương trình xây dựng Đông Đức, tính đến
nay, chính phủ Đức đã chi hàng ngàn tỷ Euro cho chương trình xây dựng
Đông Đức và vẫn còn tiếp tục. Người Đông Đức đã giàu lên hơn gấp 10 lần.
Nước Đức đã thống nhất nhưng không có kẻ thắng người thua, không có
vơ vét tài sản của người khác làm chiến lợi phẩm cho mình, không có trả
thù, không có trại tù (học tập cải tạo), không chiến dịch đánh tư sản
mại bản, không có vùng kinh tế mới, không có hàng triệu người bỏ nước ra
đi.
Nhìn cảnh tay trong tay của hai lãnh tụ Nam Bắc và viễn ảnh thống
nhất nay mai của Đại Hàn, mà người Việt không khỏi mắt ứa lệ nghĩ đến
thân phận của đất nước mình, cũng là hoàn cảnh chia cắt, cũng là phân
đôi Quốc Cộng, mà hồi kết cục thì bi thảm.
Mục đích của đảng Cộng Sản Đông Dương – tiền thân của Đảng CSVN – do
Hồ Chí Minh, ủy viên Ban Chấp Hành Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản lãnh đạo,
ngay từ ngày thành lập, mục tiêu vẫn là hoàn thành cuộc cách mạng nhân
danh “vô sản” trên toàn cõi Đông Dương.
Việt Minh hô hào chống Pháp giải phóng đất nước, nhưng chủ trương
tiêu diệt các đảng phái chính trị yêu nước, thừa cơ cướp chính quyền
ngày 19 Tháng Tám, 1945, và ngày 2 Tháng Chín, 1945, Hồ Chí Minh tuyên
bố Việt Nam độc lập. Hai biến cố này đã đưa tới sự thay thế chính quyền
của Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim bằng chính quyền Việt
Minh do Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản lãnh đạo, từ đó tới cuộc chiến 30
năm đầy đau thương, chết chóc, chia rẽ và hủy diệt, kéo dài từ năm 1946
đến năm 1975. Hai biến cố này thực ra là đều không cần thiết vì ít nhất
hai lý do vì sau ngày 9 Tháng Ba, 1945, Người Pháp đã bị nguời Nhật loại
trừ ra khỏi chính quyền Đông Dương từ ngày Nhật đảo chính Pháp và sau
khi Nhật đầu hàng, Việt Nam đương nhiên độc lập với chính quyền Bảo
Đại–Trần Trọng Kim là chính quyền đương nhiệm và hợp pháp.
Đối với Hà Nội, Hiệp định Paris 1973 chỉ là một thủ đoạn để đuổi quân
đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, khiến cho chế độ Sài Gòn suy yếu. Với sự
giúp đỡ của Liên Xô, Trung Cộng, Bắc Việt tổ chức cuộc tổng tấn công,
để đưa cả nước vào quỹ đạo Cộng Sản. Lấy được miền Nam, Hà Nội sẽ “thừa
thắng xông lên” chiếm luôn Lào và Cambodia, biến hai nước láng giềng này
thành những nước cộng sản dưới sự chi phối trực tiếp của đảng CSVN. Rõ
ràng là ngày nay Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Cộng, và một
ngày không xa có thể sát nhập với nước Tàu như thân phận Mông Cổ, Tây
Tạng…
Cuộc chiến xâm lược 72 năm của Việt Bắc đã gây ra cái chết của từ 2
đến 4 triệu người Việt ở hai miền. Việt Nam thống nhất nhưng hàng nghìn
trại tập trung được dựng lên cho chính sách trả thù tàn độc. Ba triệu
người cả hai miền Nam Bắc Việt Nam đã bỏ nước ra đi, hằng trăm nghìn
người đã chết ngoài biển khơi. Khoa bảng trí thức miền Nam bị vùi dập
trong trại tù hay đã chết sông, chết biển hay bỏ thây nơi rừng rậm. Với
con người thì nhân tâm ly tán, đạo đức suy đồi, với lãnh đạo thì nợ công
chồng chất. Đất nước “vô địch” về tham nhũng, ma tuý, phá thai, ung
thư, rượu bia, buôn người, xuất cảng lao động…
Chế độ Cộng Sản không yêu thương gì người Việt Nam, không nghĩ gì đến
quần chúng, nên không thể dõng dạc nói như người Đức và có thể là Nam
Bắc Hàn sau này: “Chúng ta là một dân tộc!” mà chính quyền Cộng Sản Việt
Nam chỉ biết hô to: “Còn đảng còn mình!” hay “Thà mất nước hơn là mất
Đảng!” Việc hoà giải chỉ là chiến thuật nhất thời hay chiêu bài cho
người nhẹ dạ để cướp chính quyền. “Chính quyền về tay nhân dân” nhưng
nhân dân Việt Nam ngày nay là thù địch, cỏ rác dưới mắt đảng!
Bắc Việt không xem miền Nam là ruột thịt và không thể nói với miền
Nam: “Chúng ta là một dân tộc!” Việt Cộng xem dân Tàu Cộng là anh em,
xem nước Tàu là quê hương cả chúng:
“Bên này biên giới là nhà
Bên kia biên giới cũng là quê hương!”
Khi Mao Trạch Đông nước Tàu cần Hồ Chí Minh dùng xương máu của người
Việt để bành trướng chủ nghĩa, lãnh đạo miền Bắc không từ nan, vì:
“Bác Mao không ở đâu xa
Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao” (Chế Lan Viên)
Trông người, đau xót cho ta! Dân tộc Việt Nam quả là một dân tộc bất hạnh.
Chúng ta đã chịu thiệt thòi làm người Việt Nam và cảm thấy xót xa, hổ
thẹn trước gương Nam-Bắc Hàn, và chuyện thống nhất của nước Đức!
Huy Phương
No comments:
Post a Comment