Preserving a river or a creek can bring a lot of revenue. (Jim
Fowler)
1.
Nhỏ Trinh đi thẳng vô sàn nước sau khi để cặp sách lên bàn. Vô nhà tắm,
nó cẩn thận thay bộ quần áo đương bận ra bỏ vô thau giặt đồ, vò nương nương,
nhẹ tay như là nâng niu từng sợi vải. Nó kỳ những chỗ dơ, những chấm lốm đốm do
nước bắn văng chớ không dám xài bàn chải. Xả nước, nó vắt nhè nhẹ như là bộ đồ
được may bằng gấm nhiễu, mạnh là sợi sẽ tưa.
Xong xuôi nó móc lên sợi dây kẽm giăng trong đó, kéo vạt và hai tay áo
cho thẳng để khô khỏi nhăn nheo rồi mới tắm gội, thay bộ đồ bộ vải bông ở nhà.
Gần như mười bữa như một Ngoại ngồi coi truyền hình trên bộ ván ngựa đằng trước
đều nói vọng vô:
“Trinh à! Con ỷ mình là con của nước nên thích giỡn với
nước cả buổi chiều hay sao chớ?” Tiếng chớ của bà lên giọng
hỏi nhưng là giọng ngọt ngào thân thiết nên nhỏ Trinh không có gì phải cập rập.
Nó trả lời vọng ra:
“Ngoại à! Mai mà bộ đồ đi học chưa khô, là cháu của Ngoại không đi học
được đó. Có một bộ đồ vía nầy thôi, rách hay dơ thì sáng
mai khó lòng lắm.”
Nó không muốn nói rõ với Ngoại là mình sẽ trốn học vì
không có quần áo khô, nên thay thế bằng hai chữ khó lòng.
Vậy mà nhiều lần trong tháng ai đó trong nhà nghễnh ngãng tắm giặt đã
làm ướt bộ quần áo nó móc phơi trong nhà tắm. Sáng ra nó bậm môi thay vô mình
bộ đồ hơi ướt ướt, nhiều chỗ còn ỉ ỉ rồi cắp sách đi lang thang ở ngoài đường
ngắm xe hơi đi qua, ngó xe máy xẹt lợi. Nhiều lần như vậy cuối cùng thì nó bị
đuổi học.
Bữa thấy không cần thiết phải giấu người nhà nữa sau một tháng sáng nào
cũng sửa soạn đi học nhưng khi ra khỏi nhà thì chỉ ôm cặp đi rong rong ngoài
đường, chớ không đến lớp, nó thú nhận với mẹ:
“Má, con bị đuổi học rồi. Má cho con nghỉ ở nhà phụ với má chuyện nầy
chuyện kia nha! Bán buôn gì cũng được. Con không được phép tới lớp học nữa
rồi.”
Má nó như trời trồng, đứng sững:
“Sao? Con học giỏi lắm mà, sao lại bị đuổi đi?” Hai tiếng sao bà
nhấn mạnh như hỏi gằn nhưng thiệt ra là để tự hỏi mình.
“Con học giỏi mà... bị… nghỉ học nhiều quá. Bận quần áo ướt vô lớp hoài
bạn bè trêu chọc chịu không nổi nên con lang thang ngoài đường… Nghỉ nhiều nên
trường bôi sổ. Con ham học lắm mà không được! Thêm nữa, tiền đâu mà đóng học kỳ
nầy. Cộng hết tiền nầy tiền kia, tiêu hành tỏi ớt thì hơn hai triệu chứ bộ ít
ỏi gì sao?” Nó vừa nói vừa chui đầu vô ngực mẹ.
Trinh tưởng mẹ sẽ rầy la ghê gớm lắm. Có thể đánh chưởi không chừng.
Nhưng không người mẹ chỉ hỏi một câu nhẹ nhàng như vậy rồi thôi. Bà ngồi thở
dài, ôm đầu con gái, vừa vuốt vuốt vừa nấc khóc nho nhỏ, cuối cùng bà nuốt
nghẹn nói như cố tình làm cho con vui.
“Mắc cỡ chưa. Sầm sầm cái đầu mà còn nhỏng nhẻo với má.”
Nhỏ Trinh cảm động quá và mắc cỡ thiệt tình. Nó chưa biết làm gì hay nói
sao trong hoàn cảnh nầy. Mẹ nó an ủi:
“Bà Ngoại già nên chắc là bà tắm văng nước làm ướt quần áo con phơi.
Thôi số mình nghèo không đi học được thì chịu! Mẹ con mình sẽ buôn bán kiếm
sống. Không kiếm chữ được thì kiếm cơm. Con đã lớn
rồi, mười sáu tuổi đầu rồi chứ nhỏ nhít gì nữa đâu.” Không kiếm chữ ở trường
học được thì thu góp khôn ngoan ở trường đời. Con cứ học bằng sách vở, cứ học
bằng bà con lối xóm, bằng mạng internet, học ở chính con do sự suy nghĩ và
quyết chí…”
Nó ngước mặt lên, ngó chăm bẳm vô mắt mẹ, mong bà nói rõ hơn. Người mẹ
mà lâu nay nó nghĩ cũng bình thường như bao người chơn quê khác, bây giờ nó mới
nghe một câu cao xa. Lâu lắm bà mới nói, vẫn chăm chăm ngó vô đường rẽ ngôi
trên mái tóc con:
“Má dốt và nghèo nhưng má biết cái gì là quan trọng cho đời người. Từ
nay con phải lo tạo lập đời mình cho đúng: Nhớ kỹ cái đầu con, cái bộ não trong
đó quan trọng hơn tiền bạc con có, càng quan trọng hơn sắc diện con gái của con.”
Trinh lờ mờ hiểu rằng mẹ mình muốn dạy mình thành một người đặc biệt hơn
là thành một phụ nữ tầm thường chung quanh. Nó hít một hơi đầy buồng phổi và
cảm thấy hãnh diện vì lời dạy của mẹ mình…
Nó ngó ra ngoài hiên, nắng liếm lên thềm, rọi sáng nền xi măng mới tráng
gần đây, rọi lên những thùng giấy má nó đựng ba cái củ sắn, củ hành cùng là rau
quả nầy kia bà bày ra trước nhà bán buôn với lối xóm. Trinh thấy như là cuộc
đời nó mới bắt đầu, chông chênh nhưng được mẹ để mắt yểm trợ… Nó hãnh diện và
tự tin thêm.
2.
Chuyện đó tôi không còn nhớ nhiều. Lờ mờ nhân ảnh. Một phần vì xảy ra đã
quá lâu, một phần vì ngày bi thảm nầy tôi mới 5, 6 tuổi nên hình ảnh thâu vô
trí không có bao nhiêu, đến nay đã thành mờ nhạt, đứt nối không thể liên kết
được. Chỉ nhớ là ông tôi lúc bị họ bắt ra mổ bụng ông nói mình chỉ là Phường
Trưởng, một chức vụ hành chánh nhỏ nhít trong quận, chẳng có súng ống gì mà
cũng chẳng có quyền bắt bớ ai. Máu me chảy ướt hết cái quần kaki của ông xuống
tới dôi dép Nhựt làm chèm nhẹp đất, máu kết dính mấy ngón chưn ông và đọng vũng
ở chỗ ông bị trói vô gốc cây vú sữa trước sân. Còn nhớ họ nói với nhau trước đó
gì mà phải xử tội, gì mà ác ôn, gì mà phải
bắt cho được…
Ông tôi hai hôm trước trốn trên nóc nhà, họ lục hết nhà dưới nầy không
thấy. Mỗi lần tôi ngó lên nóc nhà là Ngoại tôi kéo tôi đi chỗ khác. Tôi biết là
không được ngó lên đó nhưng mà không thể cưỡng nổi đôi mắt liếc lên, có cái gì
đó trong lòng tôi bắt ngó chừng lên đó hoài hoài như là muốn chắc chắn ông còn
ở trên đó. Hai bữa sau, ông đói quá nên ngọ ngoạy tính xuống kiếm gì ăn thì bị
phát hiện. Tội nghiệp ông, tôi biết ông chẳng làm gì hại ai, chỉ giúp người
trong phường những chuyện giấy tờ lặt vặt cần thiết mà thôi.
Họ để ông chết đứng như vậy, cái đầu nghẻo xuống, cái bụng trống hóc đã
thâm xì, ruồi bu không biết cơ man nào mà kể. Nghe tiếng ruồi vo ve không thôi
tôi cũng bắt nhức đầu. Trời đất u ám hòa với cảnh tượng buồn thảm trước mặt làm
cho tôi buồn ngủ thiệt tình, đứng đâu thì mắt nhắm híp ngủ đứng ở đó.
Lúc cái xác ông đã lên mùi, họ cắt dây trói kéo đem liệng xuống kinh thì
tôi chạy vụt theo, giằng trì chưn ông lại và khóc la lớn tiếng. Không có ai dám
làm như vậy trừ tôi vì tôi thương ông quá xá. Khi thấy tôi kéo níu lẩn quẩn làm
vướng víu thì một người trợn mắt trừng tôi rồi đá một cái quá mạng, tôi văng
tuốt xuống bờ sông. May mà ở đó có đám lát cao, tôi níu chặt, sợ quá thêm đau
cái hông vô cùng, tôi nhắm mắt và ngủ luôn không biết trời đất gì hết.
Con Lulu thấy có người ăn hiếp cô chủ nhỏ của nó thì vụt chồm nhảy tới,
với một tốc độ kinh hoàng và ngoạm tay anh chàng nầy, cắn nghiến không buông.
Hai bên giằng co nhau, cuối cùng con Lulu bị bắn chết. Má tôi sau nầy nói với
tôi chuyện đó. Mắt người còn ươn ướt nước, không biết là thương con Lulu hay là
nhắc về chuyện xưa bà nhớ tới ông ngoại tôi. Tôi thì tôi thương ông ngoại nhưng
mà khóc vì tội nghiệp con LuLu.
Kể chuyện nầy lần nào cũng vậy, má trầm ngâm ngó ra bờ kinh trước nhà.
Nước tràn đầy, mấp mé bờ, màu trong xanh, hiền hòa lững lờ chảy. Bên kia bờ là
xóm ngã ba Rạch Cát, gần bờ luôn luôn tấp nập mấy chiếc ghe chài xúc cát và chở
cát khẳm sát mí be.
Má tôi nin thinh hồi lâu mới buông ra mấy tiếng gọn lỏn:
“Giận hết biết!”
Bà luôn luôn như vậy, có lời phát biều như giận như than, nhưng không
nói rõ giận ai và than với ai.
Tôi miên man trong suy nghĩ. Như vậy thì ít ra ông chết không cô đơn, có
cả gia đình mình trước mặt, có cháu ngoại giành giựt phản đối kẻ ác, có con
LuLu chết theo chưn. Thời đó biết bao nhiêu người chết đơn độc. Nghiệp họ chắc
là nặng hơn nhiều hoặc giả họ đưa vai mình ra gánh nặng cái nghiệp của dân tộc
chăng?
Cuối cùng con nhỏ rụt rè hỏi má:
“Con nằm ở dưới chỗ bờ nước hoài sao má? Lạnh chết!”
Má vuốt đầu con, giọng xa xăm:
“Có một thanh niên của họ sau đó ẵm con lên bờ. Anh ta bị cấp trên rầy
la om tỏi, nhưng chuyện chẳng có gì trầm trọng lắm. Cuối cùng thì lính mình
tiến lên. Đạn nã qua lại chừng một buổi thì họ rút đi đâu hết về bên kia sông
phía sau nhà, ở xóm Bình An, để lại mấy xác trong đó có thằng cha đá
con xuống sông, cánh tay bị con LuLu cắn vẫn chưa lành miệng.”
Tôi ngó lên mặt mẹ để tìm cảm xúc của bà. Tôi biết mẹ mình thất vọng lắm
mới xài hai tiếng thằng cha, thường thì ngôn ngữ của bà được kiểm
duyệt trước khi phát ra thành lời để không có những tiếng thằng cha,
con mẹ.
Rồi má tôi chép miệng:
“Cũng cầu là người thanh niên kia không hề gì. Anh ta coi bộ hiền từ…
Giặc giã kỳ cục thiệt. Kẻ hiền, kẻ dữ sống chung chạ với nhau trong một nghiệp
ác, con người sống đó chết đó trong nháy mắt…”
Tôi ngó ra bờ nước. Mấy bụi lau sậy mười năm rồi vẫn vậy. Phất phơ theo
gió. Tôi tưởng tượng lại cảnh đứa nhỏ là tôi nằm nép mình sợ hãi trong đó. Tôi
nhìn đăm đăm ra bờ sông, chớp mắt vài cái vì nước sông xanh lợt hình như đương
đổi màu sang đỏ sáng trưng của lửa phừng phừng, cái đỏ của một hồ nước hoa
mưng nở đầy, hoa nầy chồm lên hoa kia che kín cả khúc kinh rộng. Tôi
không muốn thấy màu đỏ bi thảm đó nên nhíu mắt lại, cố thoát thần đôi ba phút
để quên hoạt cảnh chung quanh…
3.
Nước đồng minh mông san dã, mút mắt không biết đâu là bến bờ. Thỉnh
thoảng rời rạc lơ thơ mấy ngọn dừa trồi lên mặt nước vài ba tàu trên đó đeo, đu
năm sáu người ướt như chuột lột, té lên té xuống. Mặt nước chung quanh không
động đậy mấy, hiền hòa nhưng bạt ngàn quá khiến cho con người cảm thấy nhỏ
nhoi, yếu đuối. Chữ sắp chết chìm như dán lên mặt, thâu vô ánh
mắt mệt mỏi và thất vọng của mọi người, ngay cả những thanh niên mới lớn, ỷ tài
ỷ tận vừa mấy ngày trước còn tuyên bố tùm lum tà la…
Sáu Dậu hai chưn quơ dưới nước cố kiếm một chỗ để chưn trên bẹ dừa. Anh
ta đạp nhằm chưn vợ. Người vợ mở mắt nhìn chồng.
“Ba con Trinh thấy thế nào? Mỏi cẳng không, cứ để cẳng trên cẳng tôi đỡ
chút nào hay chút nấy, lấy sức mà giữ cái thùng con Trinh không thôi lỡ nước
cuốn đi mất…”
Sáu Dậu không nói gì. Ba ngày nay ngâm mình trong nước lạnh, ngủ đứng
mỗi lần vài ba phút anh đã quá mệt mỏi, chẳng buồn mở miệng.
Ngủ lần nầy một giấc hơi lâu anh mới mở mắt ra than với vợ:
“Má con Trinh à! Thôi thì tôi chịu thua. Tôi đi cho xong. Nước tràn đồng
kiểu nầy không biết bao giờ mới rút. Hồi đó ở sâu trong Tháp Mười tới mùa nước
nổi, người ta len trâu đi ngày nầy qua ngày nọ cả tuần lễ trong nước ngập tràn
nhưng nước chỉ cao tới ngực là cùng. Còn kiếm được cái gì bỏ vô miệng. Bây
giờ…”
Sáu Dậu buông lửng câu nói. Chị vợ ngó chồng thương hại:
“Ba nó rán thêm chừng một, hai bữa nữa đi. Chớ cái thùng con Trinh rủi
đứt dây tui biết làm sao. Tui đâu biết lội nhiều như ba nó đâu nà!”
Sáu Dậu ngó vô cái thùng thiếc lình bình theo nước nhấp nhô, nhờ có sợi
dây lạt dừa cột lại nên không trôi đi. Con nhỏ nằm im trong đó, chung quanh
mình chèn mấy bộ quần áo lành lặn của má nó, bú ngón tay coi thấy ghét ghê! Ba
má nó trong cảnh đó cũng gượng cười. Hai ba người đồng cảnh cũng cười theo,
chia vui với người mẹ trẻ.
Bỗng từ xa có tiếng máy nổ của một chiếc tắc ráng. Mọi người đều lớn
tiếng kêu cầu cứu. Tiếng kêu ai nấy đều cố gắng nhưng chỉ để thoát ra được
những âm thanh khàn khàn yếu ớt.
Tiếng máy của tắc ráng lớn lần lần, hình ảnh những người ngồi trên đó
cũng rõ ràng in trên nền trời trong. Mọi người lục đục trong tư thế sẵn sàng
tranh đấu để lấn chen lên phương tiện cứu sống đương tiến tới gần.
Sáu Dậu vừa ứa nước mắt vừa nói với một hai người mới kết thân mấy bữa
rày:
“Mấy anh à, tôi không giành chỗ để lên tắc ráng đâu, nhường chỗ cho mấy
anh, nhưng mấy anh làm phước cho vợ tôi lên và cho cái thùng chứa con tôi… Tội
nghiệp họ, đàn bà con nít!”
Tắc ráng tới, phương tiện của chánh quyền tỉnh, có một người lính Bảo An
cầm súng, hai ba người kia cầm gậy gộc, họ cho tắc ráng chạy quanh quanh cây
dừa để quan sát tình hình, cuối cùng họ giơ 2 ngón tay trong khi ở đây đương có
6 mạng. Không ai nhường ai, tất cả nhao nhao và chưởi bới, giành chỗ ra gần mé
nước nhứt. Sóng đánh từng chập liên tục. Tất cả trồi lên hụp xuống nhưng không
ai để ý gì tới chuyện đó.
Cuối cùng người cầm súng dọa sẽ bắn bỏ ai giành lấn hay là sẽ bỏ đi cứu
người ở chỗ khác. Anh ta nhấn mạnh đàn bà con nít lên trước, đàn ông sẽ được
chọn trong số những người già yếu…
Trong cảnh chết sống do con nước giận dỗi đó Sáu Dậu
mỉm cười khuyến khích vợ yên tâm, anh có thể chịu đựng thêm một hai ngày nữa
chờ chuyến tắc ráng khác.
4
“Ba con ở lại sau rồi mất tích luôn?”, cô thiếu nữ lên giọng ở cuối câu
thay cho tiếng hỏi.
Người đàn bà không trả lời, chỉ gật đầu và đưa khăn lên quẹt nước mắt.
Cô con gái ngó ra xa ngoài kinh. Nước vẫn tràn đầy như độ nào. Cô nghĩ
tới người đàn ông trẻ là ba mình đã hi sinh cho mẹ con cô được lên chiếc tắc
ráng đầy người bị lụt lúc đó. Cô hình dung ra sự chen lấn giành giựt một chút
chỗ ngồi như giành giựt sự sống mà cô nghe kể lại về những bước đường vượt
thoát của đồng bào hai ba năm về trước.
Cô buột miệng:
“Giữa cái sống và cái chết mà lằn ranh thiệt nhỏ nhoi và mơ hồ, tâm con
người phải hay lắm mới bình tĩnh và nhường nhịn. Con biết lúc đó má phải trầy
vi tróc vảy lắm mới lên được chiếc tắc ráng.”
“Thì vậy!”
Chị Sáu Dậu nói tới đó thì ngừng ngang, sụt sịt :
“Ý là có họng súng bảo vệ, có ba con đẩy lên mà má đem con lên được rồi
thì bải hoải, chỉ muốn buông tay chết cho khỏe. Ba con ôm eo ếch má, rồi ôm hai
cẳng đẩy lên vậy mà có hai ba người nào đó cứ kéo trì xuống hoài. Cuối cùng ba
con hét lên coi chừng chìm xuồng thì người lính Bảo An mới bắn một loạt và mấy
người cầm cây đập họ má mới trèo lên được. Thiệt tình thì tắc ráng cũng chật
quá rồi. Có một người bị đập quá mạng, máu me đầy mặt nhưng cũng nhoài lên được
sau khi lấn một ông già lọt trở lại. Ngó bộ mặt máu me của anh ta và đôi mắt
thất thần hoang dại ai nấy cũng thấy tội nghiệp mà quên ông già bị té xuống
nước khi nãy nên năn nỉ những người trên tắc ráng tha cho anh ta.”
“Ba con ở lại hy vọng đi chuyến sau. Từ đó má con mình không gặp ba con
nữa. Rồi lên Sài-gòn ở nhà Ngoại. Rồi ông ngoại chết thảm. Rồi con bị đá xuống
kinh. Từ đó bà ngoại nói con là con của nước.”
Con Trinh an ủi má nó:
“Chuyện buồn quá, thôi từ rày má đừng nhắc lại nữa. Nước cứu con hai lần
rồi. Con là con của nước chắc chắn từ rày nước sẽ lo. Con sẽ nương theo nước mà
sống, không bao giờ quên ơn nước và hứa sẽ chẳng làm gì cho nước giận hờn phải
nổi sóng, nổi lụt.”
5.
Chị Trinh bước ra cửa khi thấy thấy thoáng một người đàn bà cặp cái rổ
cảu hình như là đựng cá đi xăm xăm vô ngõ. Người đàn bà mời đon đả:
“Cô Trinh mua giùm mớ cá hủng hỉnh nầy. Hai vợ chồng tụi tôi đi bắt hồi
đầu hôm tới giờ. Được có bấy nhiêu. Bán lấy tiền mua gạo nấu cháo cho sấp nhỏ.
Nhà hết gạo rồi!”
Trinh giở tấm lá chuối lên coi. Đâu chỉ có hai ba con cá to bằng nắm tay
đứa con nít chưa tới tuổi đi học, còn lại là cá nhỏ, đủ thứ, trọng trọng bằng
mút đũa là lớn, phần nhiều thì nhỏ híu…
“Trời ơi, chị bắt chi mấy con cá nhỏ tí tẹo, cả chục con không đầy một
lủm, để cho nó lớn bắt lại phải tốt hơn không?”
“Chê nhỏ mình không bắt họ cũng bắt hết cô ơi! Ai thấy cá mà bỏ đi cho
đành.” Chị cười cầu tài: “Nhiều con nhỏ thì cũng thành một con lớn vậy.”
Trinh thở dài, để tay lên vai người đàn bà:
“Nói nầy nghe nè! Nếu mình bắt hết cá nhỏ thì làm sao sau nầy còn cá lớn
mà ăn. Chẳng thà bỏ cho ai bắt thì bắt, chứ bắt cá nhỏ là tự mình làm hư môi
trường sống của cá, và làm hại nguồn sinh thái của người sống ở vùng nầy.”
“Cô Trinh nói gì tôi không hiểu. Nghe lùng bùng lỗ tai.”
Trinh cười cười, nghĩ ngợi một lúc rồi chậm rãi nói, khi nhìn thấy hai
ba đứa nhỏ thập thò ngoài trước, ý chừng muốn coi người ta buôn bán thứ gì.
“Giả sử như có một ông khổng lồ nào đó ở đây bắt hết nít nhỏ ăn thịt thì
chị thử tưởng tượng coi 2, 3 chục năm sau chỗ mình ở còn ai? Chỉ mấy người già
thôi. Rồi người già chết thì xóm nầy thành xóm hoang. Cá cũng vậy! Mình bắt hết
cá nhỏ thì sau nầy không còn con cá lớn nào. Mấy người chài lưới giăng câu xóm
mình than sao không có cá lớn là vậy. Họ nói lúc họ còn nhỏ thì cá tôm ê hề,
cha chú họ muốn ăn chỉ cần xách lưới, xách nom ra một chập là mang về cả nửa
thùng thiếc tha hồ mà nướng trui, nấu cháo hay làm một nồi canh chua đầy cá
bằng bắp chuối. Bây giờ đi soi cả đêm mới được một nhúm không bằng số bỏ hồi đó.
Càng khó mờ kiếm được tôm càng hay lẩu cá kèo, nồi canh chua cá tra, cá bông
lau hay nồi cá chạch kho gừng. Muốn ăn thì phải bỏ tiền, không thể nào ra đồng
ra sông mà có. Tại sao chị biết hôn? Tại vì ta con nào cũng bắt, nhỏ lớn gì
cũng liệng tuốt vô giỏ, hỏng tha con nào hết. Người ta còn bắt bằng cách chích
điện nữa. Bắt một giết chết mười. Hỏi làm sao mà còn cá tôm cho được.”
Người đàn bà sốt ruột:
“Mà cô ơi, cô mua rổ nầy đi, tui với ảnh không bắt người khác cũng bắt.
Biết như cô nói là đúng nhưng mà cái khó nó bó cái khôn cô ơi, nghèo làm cho
mình hèn đi, tham lam từ chút một.”
Trinh thấy tội nghiệp chị đàn bà kia. Cái nhìn của chị không thể xa hơn
miếng ăn của gia đình mình.
“Nói thì nói vậy chớ không sao, tôi mua cho chị rổ cá nầy.” Ngó thấy chỉ
có một mớ nhỏ mấy chục con còn nhảy xoi xói bên cạnh mấy con thiếu nước đã bắt
đầu hả miệng ngáp ngáp Trinh móc túi đưa tiền: “Mua mà tôi không ăn đâu, chỉ
xin chị bước xéo qua cái lạch nước cạn sau nhà ông Tổ Trưởng, băng qua hết cái
bàu Lung, tới cái xẻo kế đó rồi thả tất cả xuống xẻo. Tội nghiệp, xóm Việt Kiều
Cam-pu-chia ở đó họ khổ lắm, tụi nhỏ thường ăn cơm chan nước lạnh, rắc vô một
ít muối thôi, chẳng có thức ăn gì hết. Tội lắm! Bầy cá nầy sanh sôi nẩy nở hi
vọng sau nầy họ có thêm cái ăn phần nào.”
“Sao cô phải làm vậy?”
Trinh kéo người đàn bà ngồi xuống.
“Chị có nghe người ta nói về cuộc di cư của cá hồì ở nước Canada, hay ở
Alaska nước Mỹ không?”
“????”
“Loài cá hồi thịt đỏ là loại cá ngon lắm. Nhiều nước họ ăn sống nữa bởi
vì thịt nó đã không tanh mà còn thơm thơm. Cá nầy sanh sản ở nước sông đầu
nguồn. Nhưng cá con sau một năm, khi lớn bằng bắp tay thì đều rủ nhau lội ra
biển để sống. Cuộc hành trình cả mấy trăm cây số, bằng đây ra tới ngoài Huế
lận. Ở biển chúng lớn lên thành đàn, Cả chục triệu con. Khi về già, sắp sanh
con, chúng rủ nhau lội trở về sông cũ, đẻ trứng ở đây rồi chết ở đây, trứng nở
ra con nhỏ. Con cá nhỏ lớn lên có thể lội xa được thì vượt đường sông trở ra
biển. Cứ như vậy… Nếu người dân ở vùng sông cá lội qua mà cứ bắt hết cá nhỏ thì
năm tới làm sao có cả chục triệu con cá lớn trở về. Mà nữa, làm chừng một hai
lần cá sẽ đi chỗ khác mà sanh đẻ hay là tuyệt chủng thì dân chúng ở xa không có
cá ăn đã đành mà dân ở hai bên bờ sông cũng chẳng có cá ăn nữa!”
Người đàn bà để rổ cá xuống, đưa tay bốc lên mấy con cá, xăm soi, ý chị
ta là sao cá của mình quá nhỏ, và quá ít, chị thắc mắc:
“Con đường sông quá xa sao cá biết đường lội tới nơi được cô? Tôi đi từ
đây tới cầu ông Thìn, ra chợ Xóm Củi còn lạc, cá lội mấy trăm cây số thiệt là
tài.”
Trinh giải thích:
“Người ta nói cá đi về nguồn bằng mùi sông quê hương lúc trẻ.
Chúng nhớ cái mùi được hưởng từ phút đầu đời đó và cứ việc lội về nơi có mùi
thân thuộc ngày cũ để được truyền giống và chết trên quê hương… Dễ thương ghê!”
Hai người đàn bà lại ngồi trầm ngâm ngó mông ra cửa.
Trinh nói tiếp:
“Chị biết không, trong mấy nước kia, dân ở chỗ đàn cá hồi về sanh sản
được dạy rằng chỉ bắt cá có chừng mực mà thôi, mỗi người lớn một ngày không quá
ba con, mà phải mua giấy phép câu cá chứ không được bắt tận giết tuyệt như
người mình mần củi trên rừng mần cá dưới sông. Cá hồi trở về lội
chật cả sông, biến thành dòng nước đỏ người ta đi coi như lễ hội mà không ai
bắt cá trái phép. Tại sao vậy? Vì người ta có ý thức bảo vệ chúng để cộng đồng
được cái lợi lớn về sau… giết cá còn nhỏ là chặt đứt tương lai của mình, như tự
mình chặt tay mình để bị chết đói…”
Chị bán cá trầm ngâm:
“Phải mình ở gần đó đi coi cho biết ha. Cha! Cá đầy sông, đỏ au nước
sông thì đẹp hết biết! Rủ bà con đi coi cá lội vui chết luôn!”
“Mình không có cá hồi thì cũng có những cái đẹp khác như Đầm Dơi, dơi về
đầy đầm, Đầm Cò, cò rủ nhau tới đầy đồng trắng dã một vùng. Đẹp biết là bao
nhiêu! Tiếc là gần đây người ta đồn bậy nầy nọ về cường dương bổ thận nên dơi
và cò bị giết quá nhiều, mấy chỗ đó bây giờ chỉ còn thưa thớt vài ba chục con,
không còn là chỗ đáng coi nữa.”
Người đàn bà chỉ muốn đi sớm, dợm cẳng:
“Thôi, tôi đi nghe cô Trinh! Có nghe nói về xóm Việt Kiều Cam-pu-chia
tội nghiệp lắm, người ta che chòi lụp xụp để tránh mưa tránh nắng, con nít
không đi học được vì không có hộ khẩu, tối ngày lang thang ở nhà không ai coi
chừng coi đổi gì hết. Nghe như vậy nhưng chưa bao giờ qua tới xóm đó. Sẵn cô
nhờ tôi ghé coi họ luôn. Nghe nói họ còn nghèo hơn tụi tui nữa…”
“Chị biết tại sao không? Họ trước đây ở Biển Hồ. Cá tôm tràn đầy, ăn đâu
hết. Phải làm khô làm mắm. Một phần dân Miên ở Biển Hồ chài bắt quá sức, một
phần bốn quốc gia trên thượng nguồn tranh nhau làm đập ngăn nước cho nên cá bị
mất dòng sống, không sanh sản nhiều như xưa nữa, Biển Hồ trở nên biển không cá.
Dân mình không còn có thể sinh sống bằng nghề chài lưới nên phải lộn trở về
đây…”
“Mình cho họ rổ cá nầy nhe?”
Trinh buột miệng cười lớn:
“Chị cũng chưa hiểu hết ý của em, nhưng mà thôi, mình nói lại chuyện đó
sau. Bây giờ chị đem đến bàu Lung mà thả giùm cũng được, đi xa quá sợ rằng cá
chết hết, vô ích.”
Trinh móc mấy chục ngàn ra trả cho người đàn bà chịu nghe kia rồi mỉm
cười khi thấy chị ra tới cửa ngõ còn quay đầu lại gởi lời chào thầy giáo rồi
vui vẻ nói về dự định của mình:
“Cô Trinh à, chắc tui chuyển nghề… đi bán bánh ít bánh tét, bánh cam
bánh vòng, bánh đúc hay bánh bột chiên chớ nghề bắt cá con nầy coi bộ
mang tội sát sanh mà chẳng được cóc khô gì.”
Ngó bộ mặt hí hửng tươi cười và dáng chị ta quày quả, Trinh nghĩ mình đã
thành công phần nào. Nói cho người nào đó bỏ thói quen không phải dễ dàng gì.
Càng khó hơn khi khuyên họ bỏ một suy nghĩ đã hằn nếp bao nhiêu chục năm. Chỉ
trông mong cho mưa dầm thấm đất họ từ từ thấy đâu là lẽ
phải... Rồi cô mỉm cười với mình: Và Mẹ nước bớt bị vắt sức tới nỗi cạn kiệt
không cung cấp được cho đàn con sống trên vòng tay nước của mình…
6.
Thầy giáo Hiếu lập lại với vợ về tiếng đồn của dân chúng trong vùng từ
khi chị Trinh về làm dâu xứ nầy:
“Cô Trinh vợ thầy giáo Hiếu từ về xóm nầy tới giờ mang đến cho xóm những
ý kiến mới, những đề nghị đổi thay. Một số ít đồng ý nhưng một số đông người có
những bực bội. Chị nói về mẹ nước, về nguồn sống từ nước và bổn phận của con
người là bảo vệ nước để tài nguyên trong đó khỏi cạn kiệt… chị nói mà không để
ý đến hoàn cảnh thực tế về đời sống của dân chúng…”
Cuối câu giáo Hiếu cười cười hỏi vợ:
“Em thấy họ nói đúng không, có oan em chút nào không?”
“Đúng thì có đúng nhưng oan.”
“Oan sao đâu nói nghe coi.”
“Họ không thấy lòng tốt của em nghĩ tới người dân mà chỉ để ý đến lời
khuyên trái với lòng họ nghĩ theo cách cũ xưa nay nên bực bội oan cho em. Gặp
ai thì em cũng giảng là đừng làm dơ nguồn nước, đừng làm
cạn kiệt nguồn cá tôm trong dòng mẹ nước. Chủ cơ xưởng ghét vì thải thẳng
chất phế thải công nghiệp ra sông ra rạch thì họ đỡ phải chi phí làm sạch nước
phế thải. Chánh quyền không ưa em vì họ có lợi khi bao che cho chủ xí nghiệp.
Khó khăn với xí nghiệp thì họ được lợi gì đâu. Mà theo lý thì phải khó khăn.”
“Mình là người dân thôi thì nhắm mắt cho qua. Nói càng thêm vạ vô thân.”
“Họa ai lại không sợ, nhưng biết mà không nói thì mình sẽ tự khinh
mình…”
Thầy giáo Hiếu làm thinh, bỏ ra ngoài hút thuốc. Thấy không khí khó thở
chị Trinh bước ra theo chồng, giả lả:
“Anh coi, mấy cô gái bán giấy số xổ liền kìa. Đẹp ác!
Má đỏ đỏ môi hồng hồng móng nhọn nhọn, tóc dợn dợn, guốc cao cao. Bán giấy số
mà trang phục kiểu đó không phải xổ liền chẳng lẽ vừa đi bán vừa đi ăn đám
cưới.”
Giáo Hiếu cuời, cười:
“Giấy số xổ liền là gì vậy bà xã?”
“Thôi đi ông thần ơi, đừng giả mù sa mưa. Giấy số xổ liền là bán
hoa trá hình đó. Đồng ý đi mát mẻ thì khi mua giấy số ra hiệu gì đó,
cô ta sẽ đưa cho số điện thoại di động. Khách sẽ gọi lại hẹn bãi đáp, giờ
đáp...”
Giáo Hiếu chép miệng:
“Anh thấy tội nghiệp, đáng thương hơn là đáng trách. Họ không biết cách
làm ăn nào khác nên phải nhắm mắt đưa chưn. Em thấy không hai ba cô đi lên bè
cá. Thế nào sau đó cũng có chuyện.”
“Em ác cảm với những người nuôi cá bè! Họ làm giàu mau nhưng cũng mau
làm ô nhiễm nước sông. Cả trăm cái bè cá kéo dài từ đây tới Cần Giuộc thì dân
chúng còn đâu nước sạch mà dùng… Nước sông sạch làm cho con người tráng kiện,
nước sông ô nhiễm làm cho dân chúng ở gần dòng sông ốm o gầy mòn, chết sớm… Bây
giờ chủ bè có tiền thì họ lại làm ô nhiễm đời… những giới chức thẩm
quyền thì ngó lơ vì ăn xôi chùa ngậm miệng.”
Giáo Hiếu xối một thùng nước lạnh vô mặt vợ:
“Ai khôn thì nhờ, ai nghèo khó, thấp cổ bé miệng thì chịu thiệt thòi. Em
phát biểu linh tinh có ngày vô tù sớm…”
Chị Trinh bỗng cảm thấy xa cách với người chồng đầu gối tay ấp mấy năm
nay. Trong câu nói của Hiếu chị thấy nổi bật sự sợ sệt ẩn chứa trong lời thối
thác. Sự thối thác lâu ngày sẽ tạo hình cho tính vô cảm mà Trinh rất ghét.
7.
Nửa đêm hôm đó xóm gần cầu Nhị Thiên Đường có tiếng la phát ra từ chỗ
xóm bè cá:
‘Cứu tôi! Cứu tôi! Ụp! Ụp!… Tôi không biết lội. Họ đi bay rồi BÙNG còn
xô tôi xuống sông! Ụp! Ụp!… Cứu tôi! Cứu tôi!’ Ụp!
Chị Trinh lay chồng:
“Anh nghe kìa! Tội nghiệp thì thôi! Tiếng kêu cứu của cô gái bán giấy số
xổ liền. Hi vọng có ai đó kịp cứu cô ta. Mình tới nơi thì chắc cũng đã quá
trễ.”
Nghĩ đến cô gái sắp chết chìm bỗng nhiên chị Trinh tỉnh ngộ: Mình là con
của nước. Nước đây là nước sông nước rạch. Đồng thời là cái Nước nhỏ bé khốn
khổ bao nhiêu ngàn năm nay. Con của Nước. Con của Nước. Vậy tôi phải làm gì cho
xứng đáng.
Chị Trinh ngồi dậy lắng tay nghe coi có tiếng lao xao tiếp theo chuyện
kêu cứu vừa rồi hay không.
Tư bề yên lặng. Thầy giáo Hiếu đã trở mình ngủ lại. Vô tư…
Gió bỗng thổi mạnh, rồi mưa trút xuống sụt sùi, như nước trên trời khóc
buồn cho muôn ngàn sinh linh đương lặn hụp trong số kiếp bi thương. Và sự cô
đơn của Trinh nữa!
(01-25 Aug. 2013)
[Sau khi đọc tin về những
anh thư nước Việt.]
Nguyễn Văn Sâm
No comments:
Post a Comment