Cô cún Sacha thân yêu của chúng tôi
Một buổi chiều chớm Thu vùng sa mạc Arizona, khi nắng vàng nhạt dần trong
không gian, cái nóng dịu đi dưới những áng mây vừa kéo về đan vào nhau như những
tảng bông gòn trắng xám giăng trên bầu trời xanh. Vợ chồng tôi cùng với con chó
nhỏ thân yêu Sacha cùng nhau đi bộ dưới những tàng cây Palo Verde tuyệt đẹp, dẵm
lên những cánh hoa vàng rực rỡ trải đầy trên lối đi. Vài cơn gió nhẹ thổi những
bông hoa rụng dạt qua hai bên đường, tạo thành con đường vàng hoa uốn lượn
quanh co qua lối đi, song song với con lộ chính. Hàng cây xanh rực rỡ sắc hoa
vàng nghiêng mình bên đường đi, tỏa bóng mát trên con đường nhỏ men theo những
dãy nhà xinh xắn ẩn mình trong khu xóm hiền hòa chúng tôi đang sống.
Mùa Thu ở sa mạc rất thật là Thu khi những
cơn gió nhè nhẹ, lao xao thổi qua mang theo hương thơm dịu dàng của các loài
hoa xương rồng gai góc nhưng sắc hoa thì đẹp đến nao lòng. Gió men theo những bụi
hoa dại thấp, lướt trên các chòm cây Mesquite cao phủ đầy hoa vàng, rồi nhẹ
nâng gót các cánh hoa rơi nhẹ xuống hai bên đường. Cảnh sắc mùa Thu Arizona, một
bức tranh hòa quyện màu sắc tuyệt đẹp đan xen vào nhau khiến khách nhàn du ngơ
ngẩn trên đường chiều và lòng tôi cũng chới với mơ theo những áng mây bàng bạc
phía chân trời.
Đi hết con đường hoa, chúng tôi bước vào
khu rừng thưa và thấp trước mặt, bắt đầu cho buổi dã ngoại chiều nay. Khu rừng
đầy các loại cây xương rồng, nhiều loại thực vật và các loại thú hoang thích hợp
sống trong vùng sa mạc cao là nơi chúng tôi và các dân cư vùng này vui thích đến
đi hiking, những cuộc đi bộ ngắn không cần phải chuẩn bị nhiều thứ linh tinh.
Chỉ cần vài chai nước là đủ vì chúng tôi chỉ đi khoảng 3, 4 giờ là quay về. Tiểu
bang Arizona là một trong những tiểu bang của nước Mỹ có nhiều hoạt động ngoài
trời cả năm nhưng nhiều nhất là vào mùa Xuân và mùa Thu cho những người yêu
thiên nhiên khoáng đãng và yêu chim chóc. Hằng năm nhiều hội yêu chim về đây
đem theo ống dòm và máy chụp hình đặc biệt để thu vào ống kính những loại chim
hiếm có.
Theo thói quen, tôi thường đi trước mở đường
với một cây gậy điện bên hông và một cây gậy dã ngoại bảo vệ cho vợ tôi và cô cún nhỏ đi theo sau. Để
an toàn, tôi luôn mang theo cây gậy điện vì chúng tôi đã một lần bị hú vía, suýt
chút nữa bị 3 con chó to lớn lao vào tấn công khi đang đi dã ngoại trong rừng.
May mà chủ của 3 con chó nghe tôi hét lớn và vung gậy xua đuổi đàn chó, ông ta
vội chạy đến, vừa la mắng vừa xua chúng lên chiếc xe đậu gần bên, vì thế chuyện
đáng tiếc đã không xảy ra. Nhiều người không ý thức, dẫn chó đi ra ngoài mà
không đem theo dây buộc cổ, để chúng tấn công những người khác, đôi khi gây ra
chết người.
Trong rừng, khi về chiều, thỉnh thoảng có một
vài con chó sói, coyote, hoặc vài con mèo rừng, bob-cat, ra kiếm ăn sớm, chúng sẽ
tấn công khi thấy những con chó nhỏ hơn chạy tung tăng phía trước; vì thế, tôi
lúc nào cũng mang theo “đồ chơi” để tự bảo vệ mình và bảo vệ cô cún nhỏ của
chúng tôi. Cây gậy điện, vừa là đèn pin, dài 19 inches, bằng hợp kim nhôm hình
dáng như chiếc đèn pin bình thường, vừa là vũ khí, với phần đầu lởm chởm răng
cưa dùng để đập vào đầu kẻ tấn công. Nó được trang bị với giòng điện 9 triệu
Volt, khi đánh trả, sẽ lưu lại một dấu vết khó phai nhòa cho kẻ tấn công. Khi bấm
nút, nó có công dụng làm chùn bước bất kỳ sinh vật hung dữ nào, với mấy tiếng
điện nẹt thật to tóe lửa khiến đối phương mất tinh thần. Không giống như súng
Taser của cảnh sát có thể bắn xa khoảng 10-15 ft., gậy điện chỉ đánh được trong
khoảng cách gần để tự vệ mà thôi.
Hôm nay, không hiểu sao, vợ tôi cứ xăm xăm
đi trước, tay cầm gậy, tay dẫn Sacha qua mặt tôi lúc nào không hay. Tôi cứ lững
thững theo sau và giữ một khoảng cách gần và vừa đủ để có gì xảy ra, vẫn kịp thời
can thiệp. Rảo bước giữa thiên nhiên hoang sơ, dưới bóng cây rợp mát, tôi nhìn về
phía trước, hình dáng vợ tôi bước thấp bước cao, cố gắng theo kịp Sacha, những
bước chân của nàng khiến tôi hồi tưởng lại bóng dáng ngày xưa và của chính mình
trong một cuộc đi chơi trong vườn hoa Azalea gần 30 năm trước, ở tiểu bang
Oklahoma.
Ngày ấy, mới bước chân đến vùng đất mới, cả
hai chúng tôi đều còn trẻ ở tuổi trên 30, chúng tôi hăm hở lao vào phía trước với
một sức sống mãnh liệt, niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Chúng tôi không nề
hà bất cứ một việc gì miễn là có tiền tự nuôi sống mình trên quê hương mới. Hôm
nay, nhìn dáng đi hơi nặng nề của vợ tôi khi cố gắng chạy theo con chó nhỏ, và cảm
giác những đau nhức khớp xương đầu gối tôi mới vừa trải qua. Tôi thấy rõ thời
gian đã lưu lại dấu vết của nó trên cuộc đời sống con người và cảm nhận được mùa
Thu đời người đang đến gần với chúng tôi hơn. Sacha vẫn thích thú chạy nhảy
tung tăng, nó kéo sợi dây buộc cổ làm vợ tôi phải chạy theo mệt vã mồ hôi. Tôi
tiến lên nắm sợi dây và dẫn cô chó đến một rẻo đất thoai thoải, chúng tôi ngồi
xuống nghỉ chân dưới một gốc cây cao.
Ngồi lặng im dưới bóng mát tàng cây, tôi để
hồn tôi lãng đãng trở về những năm tháng xa xưa đầu thập niên 90, ở một tiểu
bang vùng Trung Tây nước Mỹ. Lúc đó, cả hai chúng tôi đều còn rất ngỡ ngàng trước
cuộc sống mới trên vùng đất lạ. Cô mới vừa từ trại tỵ nạn Mã Lai qua và còn
đang sống chung với gia đình người chị ruột. Tôi khố rách áo ôm, một thân một
mình, không thân nhân, bạn bè, tôi cũng vừa đặt chân lên vùng đất hứa này.
Tính tự lập, tôi cắm đầu vừa đi học ESL vừa
đi làm để sống vì không biết chỗ để xin trợ cấp chính phủ dành cho người tỵ nạn;
vả lại tiếng Mỹ không rành, nếu biết nói chắc cũng chẳng biết trình bày ra sao.
Cô cũng thế, ở nhà chị, tuy không bận tâm nhiều về chỗ ăn ở, nhưng cũng vẫn lo kiếm
việc làm cho tương lai riêng mình chứ đâu thể ở nhờ mãi trong gia đình chị
mình.
Chuyện chúng tôi quen nhau phải được gọi là
chuyện tình “Hamburger” hay văn hoa một chút là Hamburger love story. Cô làm phụ
bếp cho một tiệm bán đồ ăn nhanh ban ngày và làm cho hãng lựa thư quảng cáo vào
ban đêm, nơi tôi cũng đang làm ca đêm và đi học ban ngày. Trong hãng cũng có một
số người Việt Nam làm ở đó. Vào giờ ăn, trong lúc mọi người lấy đồ ăn đem theo
ra hâm lại, vừa ăn vừa nói chuyện, tôi ra canteen của hãng, ngày nào cũng mua độc
nhất một món “biscuit and gravy”, món bánh bột nướng, ăn kèm với nước sốt trộn
nấm, không có thịt, chỉ tốn .99 xu, đem đến ngồi cuối bàn vừa ăn vừa nghe phe
ta rôm rả nói chuyện.
Có lẽ cô thấy tôi cứ ăn một món suốt ngày
này qua ngày khác, thân hình gầy gò, ốm yếu, ho hen, nên thương tình bước đến gần
và cho tôi một cái hamburger, cho có một “chút thịt thà” với người ta để còn đủ
sức làm việc. Cũng có thể vì thấy tôi “vợ con chưa có, mèo chó cũng không” nên cô
thương cảm tình cảnh gã độc thân, không nhà không cửa, “chẳng ma nào nhìn” vào
thời đó. Tôi cảm động thật tình vì tôi
không có nhiều tiền để mua những món ăn có thịt và cũng chẳng có thời giờ tự nấu
ăn. Cứ đụng đâu, ăn đó. Nói vui, lúc đó tôi mạnh trùi trụi, khỏe như trâu, chỉ
có một căn bệnh duy nhất là “rối loạn tiền xài” vì làm đồng nào là xào đồng nấy,
chứ không phải “rối loạn tiền đình” như người trong nước ngày nay hay nói về chứng
bệnh xây xẩm chóng mặt, mà khi nghe, tôi cứ tưởng họ đang kể chuyện kiếm hiệp của
Kim Dung tiên sinh.
Thời đó, chương trình định cự diện HO đang
qua ào ạt và đương nhiên gia đình nào, ít nhiều, đều có con gái. Các nàng tuổi
cập kê đến Mỹ thật đúng lúc làm cho các chàng độc thân đang trong thời gian hạn
hán như gặp được cơn mưa phùn. Mỗi buổi sáng, một chuỗi dài những chiếc xe mới
tinh, bóng loáng nối đuôi nhau đậu trước những căn chung cư để mong được đưa
đón những lá ngọc cành vàng và cả nhà của nàng đi làm giấy tờ cần thiết; khỏi cần
nói, các tài xế ăn mặc bảnh bao, quần áo cũng láng cóng thơm phức nước hoa,
đang kiên nhẫn ngồi nặn mụn, soi gương trong xe, nhưng đôi mắt lúc nào cũng
nhìn về phía cửa nhà các nàng.
Ở nhà thờ Việt Nam, sau thánh lễ Chủ Nhật hằng
tuần, cha xứ có thói quen giới thiệu những gia đình HO mới qua khi họ gia nhập
xứ đạo cho mọi người biết mặt biết tên, và hân hoan chào đón họ đến với cộng đồng
giáo xứ. Dạo này nhà thờ hình như đông hơn trước vì các thanh niên độc thân có
đạo cũng như không có đạo bỗng trở thành những con chiên ngoan đạo đến lạ kỳ.
Các chàng ngoan ngoãn, siêng năng đến tham dự thánh lễ và ở lại cho đến phút cuối
cùng, chứ thường khi cha xứ vừa cho rước lễ xong là các chàng lẻn về mất tiêu,
đến không ai biết, về không ai hay như điệp viên 007. Nay các chàng nấn ná ở lại,
ra vẻ cầu nguyện sốt sắng nhưng mắt thì đảo một lượt khắp nơi trong nhà thờ, cho
đến khi cha xứ giới thiệu các gia đình mới qua, mà nhất là các gia đình có nhiều
con gái thì tiếng vỗ tay càng to. Tôi cũng đi nhà thờ này, nhưng cha xứ hình
như quên, không thấy hay không biết tôi là ai. Tôi chưa hề được chính thức giới
thiệu gia nhập xứ đạo bao giờ dù tôi cũng từ đảo mới qua gần như cùng một thời
gian với họ.
Nhưng trong cái thiệt thòi vẫn có cái may,
cuối đường hầm vẫn còn le lói chút ánh sáng. Giữa đám đông xa lạ ấy, tôi vẫn may
mắn rinh được một “nàng” tuổi độ trăng tròn, xinh như mộng, đẹp như thơ như hoa
mà tôi đang tìm kiếm và mê như điếu đổ. Tên nàng là Impala, họ Chevrolet, sinh
năm 1975. Số là một anh trong ban hành giáo, một người tốt bụng, thật thà, và
đôn hậu. Anh nghe nói có một chú trẻ tuổi mới ở đảo qua, tướng mạo giống anh
như hai anh em ruột. Anh đến tìm tôi sau buổi lễ. Tôi sững sờ nhìn anh. Anh
cũng nhìn tôi, miệng há hốc, rớt cả quai hàm. Anh thấy được hình ảnh của chính
anh 20 năm trước và tôi cũng thấy tôi, 20 năm sau, trong vóc dáng một người đàn
ông 55 tuổi, cao, gầy nhom, và khắc khổ. Có một điểm rất giống nhau là cả hai
chúng tôi đều… xấu trai y như nhau.
Anh mời tôi về nhà ăn cơm, rồi tặng tôi chiếc
xe Chevrolet Impala đời 1975, mới được 16 năm tuổi. Tôi mừng như bắt được vàng
vì tôi đi làm, đi học đều bằng xe bus. Tôi rơm rớm nước mắt vì lòng tốt của
anh. Hai mươi năm sau, tuy ở xa, tôi vẫn tìm kiếm thông tin về anh và gởi anh một
món quà đặc biệt kèm theo lời cám ơn chân thành nhất của tôi. Tuy món quà chẳng
đáng là bao so với thời gian anh làm ơn cho tôi đúng lúc tôi cần nhất. Một miếng
khi đói bằng một gói khi no. Tôi nhớ ơn anh mãi cho đến bây giờ.
Vì đã có cô Impala nên tôi không màng đến
các nàng nào khác nữa. Biết thân phận “đũa mốc mà chòi mâm son”, tôi theo chiến
thuật biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng; tôi luôn chung tình bầu bạn với
nàng Impala của tôi, tôi săn sóc cho nàng mỗi ngày, tôi tắm rửa, lau chùi, tôi
trân quý nàng như một bảo vật. Trong đôi mắt tôi, cô là tất cả. Tôi đi làm, đi
học với nàng, không nhìn ngang nhìn dọc, chẳng lo lắng phải đưa đón ai. Xe của
tôi, nếu đậu trước cửa nhà các nàng mới qua, chắc chắn chẳng ai thèm nhìn. Từ
đó, số phận của tôi và nàng Impala gắn bó với nhau một thời gian dài.
Nói dài dòng một chút để bạn thấy rằng một
người không ai thèm biết đến như tôi bỗng nhiên được một cô gái để ý và đến cho
bánh hamburger, hỏi sao không xúc động. Bấy giờ tôi mới nhớ ai đó có nói tình
yêu đến qua bao tử nhanh hơn đến từ trái tim là rất đúng trong trường hợp của
tôi.
Tôi chăm chỉ học hành, lấy cần cù để bù
thông minh, sau hai năm, tốt nghiệp cái bằng về ngành hàng không để có thể tự
nuôi thân mình trước rồi mọi chuyện khác tính sau. Ra trường, tôi cùng nàng
Impala của tôi chạy mất gần 2 ngày đường xuống tới Phoenix, Arizona vì được một
việc làm trong phi trường Sky Harbor; sau đó, tôi trở lại chốn cũ cưới nàng
hamburger của tôi. Chúng tôi tạo dựng cuộc sống mới trên vùng sa mạc khô cằn,
nóng đến độ sỏi đá cũng biết thở dài.
Tôi vẫn còn hình dung ra vợ tôi, những năm
tháng xa xưa ấy, ngày mới lấy nhau, còn là một cô gái trẻ làm việc trong một
hãng điện tử, chân mang giày bốt và áo bảo hộ lao động, dáng dấp hơi chậm chạp
nhưng vững vàng, bước đi qua lại như con thoi không ngừng nghỉ. Đôi tay bận rộn,
lúc hàn những con chíp, con điện trở, lúc dùng kềm để gắn cái tụ điện một cách
tinh tế, kế bên là một chồng những board điện tử khác đang nằm chờ đôi tay khéo
léo của nàng. Tan ca, chiều về, lạng lách trên các nẻo đường, rồi lái xe như
bay trên những xa lộ để mau về đến nhà; cô lại lao đầu vào bếp lo bữa cơm cho
chồng, cho con. Biết bao nhiêu công việc mà sao cô vẫn không hề biết mệt là gì.
Những năm sau này, phong trào làm nail đang
nở rộ vào cuối thập niên 90, tôi mua cho vợ tôi một tiệm nail để cô làm chủ, khỏi
phải làm công cho người khác và cũng mong làm giàu nhanh hơn. Nhưng ngặt một nỗi,
tính cô thật thà, không lanh lẹ, nên bị thợ ăn hiếp. Cô lại không có đầu óc tổ
chức, thay vì làm cho cô giàu, tôi lại làm cô khổ hơn lúc đi làm hãng. Cô làm
ngày hơn 10 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần, bận rộn tiệm, bận rộn con cái, cơm
nước trong khi tôi đi học tiếp lấy bằng 4 năm, ngày đi làm, chiều đến lớp nên
chẳng giúp gì được nhiều.
Kéo dài như thế cả mấy năm dài, khi tôi học
xong, tiệm nail không có lời, thua đi làm thợ, mà quá cực khổ. Hai đứa “chợt nhìn
nhau xem dung nhan ấy bây giờ ra sao”? Cả hai chúng tôi mặt mày hốc hác, người
ngợm gầy rạc, tàn tạ, thần sắc nhợt nhạt mất hết sinh khí. Con cái thì bỏ bê.
Có ngày chúng tôi phải đem con lên tiệm để chúng chơi hoặc làm bài vở ở đằng
sau. Tôi quyết định bán tiệm huề vốn để thoát ra giấc mộng làm nghèo, thay vì người
ta là giấc mộng làm giàu. Chúng tôi nhận ra giàu nghèo đều có số. Đôi khi chúng
ta tận lực nhưng sẽ không có cậy trông, nếu tính toán sai. Tôi không biết làm
ăn, tôi làm khổ vợ tôi.
Giờ đây nhìn lại, cũng cô gái đó, tóc chớm
bạc và thưa dần, thân hình có hơi đẫy đà hơn trước, đang cố gắng vừa đi vừa kéo
ghì dây buộc cổ cô cún Sacha, nhưng cẩn thận, chậm rãi đặt những bước chân trên
con dốc đầy sỏi đá, lòng tôi bỗng nhiên chùng lại. Tôi đã đọc ở đâu đó hay nghe
ai đó nói khi mình già, đôi chân sẽ già trước. Quả thật, tôi cảm thấy đôi chân
mình bắt đầu mỏi mệt, thỉnh thoảng đầu gối đau khi chạy nhanh thì vợ tôi chắc
cũng không ngoại lệ. Khuôn mặt nàng lấm tấm mồ hôi nhưng hồng lên vì mải đuổi
theo con chó nhỏ.
Tôi kêu vợ tôi cùng ngồi xuống nghỉ ngơi dưới
một gốc cây Mesquite, lá nhỏ như lá me nhưng tàng cây rậm rạp, tỏa bóng mát giữa
buổi chiều Thu nhạt nắng; tia sáng mặt trời chênh chếch rọi xuyên qua kẽ lá tạo
nên những hình ảnh ngộ nghĩnh nhảy múa tung tăng mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi
qua. Thấy cảnh đẹp, vợ tôi lấy phone ra chụp hình Sacha, cô lục túi kiếm đôi
kính đeo lên mũi, không thấy, phải nheo mắt một hồi mới thấy đường mở cái app
chụp hình. Tôi nhận ra mắt vợ tôi bắt đầu kém. Tôi đã mang kính cận từ lâu
nhưng vợ tôi thì chưa. Khi mình già, cặp mắt đương nhiên mờ đi nhưng bù lại, ta
có thể nhìn cuộc đời rõ hơn trước qua lăng kính trái tim dù nhịp đập đã ít nhiều
chậm đi.
Không những mắt mờ mà tai cũng lãng. Có lẽ
do ngày trước, chỗ làm việc, chung quanh cô chỉ toàn tiếng động đều đều của những
cỗ máy đang chạy rì rầm đơn điệu cả ngày. Ra khỏi hãng là những âm thanh tất bật
của cuộc sống thường ngày, tiếng cười nói chung quanh mình về chuyện chợ búa,
chuyện nhà, chuyện trường lớp, con cái, và cả những chuyện ngoài ngõ. Rồi tiếng
xe lăn bánh lạo xạo de ra khỏi bãi đậu, tiếng bánh cao su rít lên trên đường về
nhà. Tôi nhớ lại những ngày hai vợ chồng tôi gặp nhau tại bãi đậu xe của hãng, cô
vội vã trao lại đứa con gái bé bỏng của chúng tôi đang say ngủ trong nôi, trước
khi tất bật vơ vội túi ăn trưa, theo chân các bạn đồng nghiệp vào bấm thẻ cho kịp
giờ. Ngày ấy, chúng tôi không có cha mẹ hay anh chị em ở gần để gởi con nên phải
làm như vậy mong tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.
Chúng tôi phải nỗ lực làm việc cho tương
lai. Chúng tôi phải làm việc nhiều hơn bình thường để lo trả nợ mấy năm đi học
của tôi. Cô không từ nan bất cứ công việc gì, dù nặng nhọc hay không, giúp tôi
trả cho xong món nợ sách vở, nợ cơm áo và lo cho cái gia đình nhỏ bé của chúng
tôi. Cô không bao giờ se xua trong ăn mặc, ít khi đi shopping trong Malls. Cô
chỉ mua những quần áo khi giảm giá, on sale. Tủ áo của cô toàn quần áo rẻ tiền
mua ở Walmart, hay sang hơn một chút ở Target.
Tôi thấy thương vợ tôi hơn vì từ nhỏ, cô đã
không phải làm bất cứ việc gì trong nhà, kể cả nấu cơm. Cô dân Sài Gòn, nên dù
nghèo, vẫn không phải làm việc tay chân cực nhọc. Vậy mà từ khi lấy tôi, cô phải
học làm mọi thứ dù cô làm rất chậm không nhanh nhẹn như người ta. Đôi khi tôi
phải gắt lên vì kiểu làm việc quá chậm của cô. Chỉ có duy nhất một việc cô làm
rất nhanh khó ai qua mặt đó là lái xe. Thật vậy, mỗi lần cô chạy trên đường, chiếc
xe như phượng hoàng được chấp thêm đôi cánh, chân ga lúc nào cũng sát sàn xe,
cô bị phạt liên miên đến nỗi bảo hiểm xe không muốn bán. Họ nói cô phải chạy chậm
lại nếu không, chẳng hãng nào dám bán bảo hiểm cho cô. Tôi nổi nóng la mắng vì sợ
cô bị tai nạn, cô chẳng buồn giận, luôn nhẫn nhục, không bao giờ cãi một lời.
Bây giờ, ngồi đây, âm thanh duy nhất chỉ có
tiếng gió rì rào như tiếng ru mẹ hiền, có âm thanh êm êm của giai điệu hạnh
phúc đang vang vọng trong tôi, và có tiếng chim ríu rít trên ngọn cây đang chơi
trò đuổi bắt, chuyền từ cành này qua cành khác nghe xôn xao cả một buổi chiều
yên tĩnh và thanh bình. Một con sóc nhỏ xuất hiện, cái đuôi dựng đứng và xòe ra
thật dễ thương, đôi mắt nâu lanh lẹ nhìn chúng tôi thật nhanh, rồi biến mất sau
gốc cây. Nhắm mắt lại, chúng tôi chỉ còn nghe tiếng hơi thở của lồng ngực mình,
tiếng lá xào xạc đâu đây, tiếng xột xoạt của nai mẹ và nai con nai đang nhởn
nhơ gặm những chồi non của lá. Cảnh vật thật thanh bình và đầy chất thiền lặng.
Chợt tiếng vỗ cánh thật lớn của một con
chim ưng làm đàn chim nhỏ bay tán loạn và cô cún Sacha của chúng tôi vùng dậy sủa
vang, phá vỡ giấc mơ dĩ vãng của tôi. Tôi chợt nhận ra bao lâu nay sao tôi vẫn
vô tình không hay biết và không để ý săn sóc người đi bên cạnh cuộc đời tôi,
người đã chia ngọt sẻ bùi với tôi hơn 25 năm trường. Đời sống vội vã khiến tôi không
còn thời gian để nhận ra người mình yêu thương mỗi ngày, không nhận biết một tình
yêu thương tràn ngập trong cuộc sống nàng vẫn âu yếm trao ban. Tôi biết tôi nợ cô
một lời yêu thương, một cử chỉ trìu mến đáp trả và chợt thấy thương vợ tôi thật
nhiều. Nhìn cô nhắm mắt, lưng tựa vào thân cây, tôi vẫn còn thấy phảng phất đọng
lại hình ảnh của của một quá khứ tươi đẹp vừa qua, bây giờ khó mà tìm bắt lại.
Cô cũng vì tôi mà phải lâm vào cảnh má hồng
truân chuyên, làm người chinh phụ ngày đêm trông ngóng tin chồng. Những năm tháng
dài tôi bôn ba tận những nơi xa xôi bên kia nửa vòng trái đất, ở vùng Trung
Đông chiến tranh, chết chóc, loạn lạc xảy ra như cơm bữa. Tuy không là lính chiến,
tôi vẫn phải đi vào vùng lửa khói, sát cánh với người lính để bảo vệ cho hậu
phương nơi quê nhà. Tôi đi vì chí tang bồng hồ thỉ và vì yêu công việc, nỗi nhớ
nhà chắc không day dứt như người ở lại. Tôi đi vì tôi biết tôi sẽ an toàn khi
có những người lính chiến đấu bên cạnh bảo vệ tôi. Khi bạn đọc những giòng chữ
này, tôi đang ở Kurdistan, một vùng tự trị của sắc tộc người Kurd ở Iraq, và tôi
đang nhớ về vợ tôi.
Cô ở nhà, không còn cảnh người thiếu phụ tựa
bên song cửa nhìn về phương trời xa xôi, gởi niềm nhớ nhung đến bóng chim tăm cá
mịt mùng như trong trường ca Chinh Phụ Ngâm, người chinh phụ nhớ chồng đến “sầu
lên ngọn ải, oán ra cửa phòng” (1). Cô thay tôi lo lắng việc nhà, vẫn đi làm, về
nhà nấu ăn cho con cái, giữ cho mình bận rộn để khỏi phải lo lắng nhớ thương chồng
nơi phương xa. Nhưng khi đêm về, cô vẫn nhớ chồng đến quay quắt, khi chiếc gối
bên cạnh không có hơi ấm của người chồng yêu thương.
Tưởng sống ở một đất nước văn minh và hùng mạnh
nhất trên trái đất này, sẽ không còn cảnh ly biệt vợ chồng, không còn cảnh “đường
rong ruỗi lưng đeo cung tiễn, buổi tiễn đưa lòng vướng thê noa” như ngày xưa;
nhưng vẫn còn đó hình ảnh buổi chia tay, những cái hôn tạm biệt, những vòng tay
ôm ghì lấy nhau trước lúc ra đi. Cô đã vì lý tưởng của tôi mà chấp nhận để chồng
mình đi vào chỗ hiểm nguy, không biết trước số phận sẽ ra sao khi hòn tên mũi đạn
vốn vô tình. Chỉ những người một thời đã là lính chiến xa nhà và những người vợ
lính như trong cuộc chiến Việt Nam, mới thấu hiểu nỗi lòng của người đi kẻ ở. Ôi,
người chinh phụ thời nào cũng buồn như nhau!
Có một lần, cách đây khoảng 5 năm, một tối
trên đường lái xe về nhà, dưới cơn mưa tầm tã, nôn nóng sao về cho kịp để còn
lo cơm nước cho chồng con, cô đã không chịu dừng lại trước một dòng nước lũ đang
cắt ngang chỗ trũng trên con đường lộ, trong khi tất cả các xe khác đều kiên nhẫn
dừng lại bên đường chờ cho nước rút bớt. Cô đạp mạnh chân ga, hy vọng xe sẽ lướt
qua dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Chiếc xe chồm lên, nhưng dòng nước mạnh hơn,
cuốn phăng chiếc xe theo làn nước. Động cơ xe bị ngập nước, bị “hydro-locked”,
ngưng hoạt động, đèn xe tắt ngấm. Cô hoảng loạn la hét bên trong, cửa xe bị
khóa vì hệ thống điện cũng hư, không ai dám liều mạng lao xuống nước cứu. Càng
sợ hãi, trí óc cô càng mụ mẫm đi vì kinh hoàng, không biết phải làm gì, đành
phó mặc cho dòng nước cuốn đi.
Chiếc xe xoay tròn từ từ và chậm rãi. Nước
đã tràn vào xe, ngập đến qua mắt cá chân, cô run lập cập vì lạnh và vì sợ hãi
nhiều hơn. Cô nhắm mắt lại chờ chết. Chợt một tiếng động khá lớn vang lên, chiếc
xe chạm phải một thân cây và dừng lại, không trôi nữa. Khi nước dâng lên cao gần
đến đầu gối, cô thoáng thấy ánh đèn xe cứu hỏa nhấp nháy từ xa. Thời gian như đứng
lại. Cô vẫn run rẩy, vẫn nhắm mắt cho tới khi cảm giác chiếc xe như bị kéo đi
và tiếng người lính cứu hỏa hét to bên ngoài:
-
“Are you ok?”.
Cô gào lên tưởng như tiếng hét của mình khản
đặc lại trong cổ họng:
-
“Yes, yes, yes, I’m ok”.
Khi tôi đến nơi xảy ra tai nạn, cô đang được
trùm một tấm chăn và vẫn đang run bần bật, tôi ôm cô thật chặt để truyền thêm
hơi ấm cho cô bớt run. Cô thổn thức trong nước mắt:
-
“Em tưởng không còn được gặp
anh và các con nữa rồi”.
-
“Đừng sợ, anh và các con vẫn và
sẽ còn gặp em mỗi ngày mà”. Tôi an ủi và nhìn vào đôi mắt vẫn còn đầy vẻ kinh
hoàng của vợ mình.
Đêm đó, trong giấc ngủ, cô choàng dậy la hoảng
vì dư chấn nỗi sợ hãi vẫn còn trong tâm trí. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy tôi vẫn
còn may mắn vì tôi vẫn còn có nàng kế bên và các con tôi vẫn còn có mẹ.
Giữa chốn thiên nhiên đẹp xinh này, nhìn cô
nhắm mắt như đang ngủ và hơi thở nhẹ nhàng, tôi chợt ý thức, trong lúc dịch bệnh
Covid vẫn còn đang hoành hành khắp nơi, mỗi một hơi thở thật là cái thước đo của
sự sống. Tôi cảm nhận được chúng tôi may mắn vẫn còn có nhau, chúng tôi vẫn tự
do hít thở bầu không khí trong lành trong khi biết bao người khác phải xài máy
trợ thở trong các phòng cấp cứu. Tôi thì thầm:
- “Chỉ cần có em bên anh thì mọi tai nạn, mọi
gian nan trong cuộc sống cũng không có gì đáng ngại”.
Cô ngẩng đầu lên hỏi tôi vừa nói cái gì.
Tôi chỉ mỉm cười nói không có chi, chúng mình chuẩn bị về vì trời sắp sửa về
chiều, rồi kéo cô đứng dậy. Mặt trời đang chiếu những tia nắng muộn màng lấp
lánh trên những chòm cây, ánh nắng chênh chếch rọi vào mắt khiến tôi hơi nhíu
mày.
Mặt trời lên rồi lặn, nhưng trái đất vẫn tồn
tại. Trời dù mưa lớn đến đâu, rồi trời cũng vẫn sẽ nắng. Đời người sinh ra, mất
đi, nhưng trái đất vẫn quay. Mọi giòng sông đều chảy ra biển rộng, nhưng biển vẫn
không bao giờ đầy. Cuộc sống vợ chồng mỗi ngày nối tiếp nhau như một vòng quay,
lập đi lập lại đến nhàm chán, nhưng nếu biết trân quý nhau, tình yêu lúc nào
cũng đơm hoa kết trái. Tình yêu là sống và dám hy sinh cho người mình yêu, mối
tình ấy sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian.
Tôi nghiệm ra cái quý nhất cuộc đời con người
là sự bình yên. Hạnh phúc cũng không phải là điều quá xa vời nếu chúng ta biết
trân trọng nó dù nhiều người đã không nhận ra cho đến khi đi gần hết con đường
đời. Nhìn lại cánh cửa của quá khứ, có lúc tôi tưởng tôi đã mất nàng, nhưng hôm
nay tôi vẫn còn được thấy nàng mỗi ngày trong cuộc sống. Tôi biết tôi hạnh
phúc.
Tôi biết tôi phải nói với vợ tôi ba chữ “Tạ
Ơn Em” ngay bây giờ hoặc sẽ không bao giờ. Tôi biết ba chữ đơn sơ này vẫn không
đủ nói lên những hy sinh nàng đã đi bên cạnh tôi suốt bao nhiêu năm trường gian
khổ có nhau như trong câu thề hứa của đôi tân hôn trước bàn thờ Chúa (2): “Sẽ
trung thành và thương yêu nhau từ bây giờ và cho đến mãi mãi, trong thịnh vượng
cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn
trọng nhau suốt đời, và chỉ cái chết mới có thể chia lìa đôi ta”.
Ngày nay, ở mọi nước trên thế giới, người
ta bày ra ngày Valentine để có dịp chúc tụng hay tặng quà cho người mình yêu. Đối
với tôi, tôi không chờ ngày đó mỗi năm, nhưng tôi trân trọng mỗi một ngày sống
bên vợ tôi, để tôi vẫn còn nói được ba chữ Tạ Ơn Em với nàng, bây giờ và suốt
đoạn đường còn lại của cuộc đời. Xin mượn hai câu thơ rất đỗi chân chất, mộc mạc,
và gần gũi của nhà thơ Bùi Giáng để được tạ ơn Em, tạ ơn Mình và tạ ơn Nhà Tôi:
Mình ơi tôi gọi là Nhà
Nhà ơi tôi gọi Mình là Nhà Tôi.
Nguyễn Văn Tới. 03/2021.
REFERENCES:
1 . Chinh Phụ Ngâm. Tác giả Đặng Trần Côn và dịch Nôm Đoàn Thị Điểm. Lament of the soldier’s wife.
https://en.wikipedia.org/wiki/Chinh_phụ_ngâm.
Mời nghe đọc truyện Tạ Ơn Em qua giọng đọc truyền cảm của nhà văn Như Ý
Bài viết chí tình cho thấy tác giả yêu thương vợ nhà rất mực. Thật là một món quà vô giá cho người vợ hiền chung thủy khi biết mình luôn được chồng trân quý tri ân từng phút từng giây đồng cam cộng khổ song hành bên nhau.
ReplyDeleteChúc mừng hai em đã th̀nh công trong cuộc sống hôn nhân, ít ra cho tới bây giờ và cầu xin cho hai em mãi mãi hạnh phúc bên nhau cho tới ngày sau cuối.
Văn phong tuyệt vời, lôi cuốn từ đầu đến cuối. Cám ơn Brandon.
NPN
Cám ơn chị rất nhiều. Em may mắn có được người vợ hiền, chung thủy, đi cùng em bất cứ nơi đâu.
ReplyDeleteChúc chị và độc giả một ngày vui với bạn đời mình và Covid-free.
Cám ơn chị NPN giới thiệu bài viết rất xúc động đầy chân tình của tác giả anh Nguyễn Văn Tới.
ReplyDeleteKính chúc anh chị NgườiPhươngNam và anh chị Nguyễn Văn Tới luôn hạnh phúc, an vui và nhiều sức khỏe ạ.
Hồng Thúy