Trong thời thế chiến thứ 2, đất nước mình
rất xáo trộn, nhất là lúc quận Nhựt vào chiếm đóng , thành phố Saigon, Đồng
Minh dội bom liên tục, gia đình tôi phải tản cư về quê Đức Hòa, kịp đến
cuối năm 1945 Nhựt Bổn đầu hàng, quân Pháp trở lại tấn chiếm Việt Nam. Lệnh Uỷ
Ban Việt Minh ra lệnh tiêu thổ kháng chiến, gia đình tôi phải rời quận chạy
trốn vào vùng sâu, chiến khu Việt Minh và kẹt ở nơi đó. Đến năm 1949 nhân cuộc
hành quân lớn của Pháp, gia đình tôi thoát về thành.Từ đó tôi đựơc đi học lại,
một năm tôi học tại trường trong xóm, cũng nhờ ông cậu Mười tôi hướng dẫn, tôi
tiến bộ rất nhiều! Đến năm 1950 cậu tôi cho tôi học lớp nhứt (lớp năm) trường
Việt Nam Học Đường. Ngôi trường thật khang trang lớn đẹp, Thầy Nghi, thầy giáo
đầu tiên, thầy dạy rất hay dễ hiểu, cuối năm đó tôi đậu tiểu học ,là một sự bất
ngờ đối với mẹ và cậu tôi, nhưng ai cũng mừng và tôi rất phấn khởi. Trong lớp
Nhất nầy tôi học chung với các chị Lê, Nhung , Minh Trí và Văn. Những người nầy
học chung với tôi đến lớp đệ tứ (lớp 9), nay ai tóc cũng ngã màu sương tuyết!
Nhưng có một nữ sinh Việt Nam Học Đường học sau tôi một lớp (lớp đệ Ngũ), lại là người hàng xóm của tôi để lại dấu vết cái thuở ban đầu cho tôi đến nay chưa phai mờ!
Gia đình tôi về ở nhà ông ngoại tôi khu Phú Nhuận năm 1949, thì gia đình Hiền dọn
đến ở căn phố cuối xóm. Gia đình nay chỉ có ba người, người mẹ chừng bốn mươi
tuổi và hai cô con gái người chị khoảng 20 tuổi, cô em chừng 13tuổi. Gia đình sống
lặng lẽ mẹ và chị trên hai bàn máy chăm chỉ may quần áo hàng xóm để độ nhựt.
Cô em là Hiền rất nhu mì, lúc đó mới học lớp Nhì ( lớp 4).
Chẳng bao lâu mẹ tôi và chị tôi thân với mẹ và chị của Hiền. Gia đình tôi là
khách hàng may của mẹ Hiền. Nhờ đó mà tôi và Hiền là hai láng giềng tuy chưa
thân mà không xa lạ! Hằng ngày Hiền, em gái tôi và tôi thường đi bộ theo đường
Võ di Nguy lên cầu Kiệu đến trường. Thường Hiền và em gái tôi đi trước và tôi lững
thửng đi sau trong nắng ấm buổi bình minh. Sau đó một thời gian em gái tôi đậu
vào trường Gia Long. Tôi và Hiền cởi xe đạp đến trường, sáng nào hai đứa cũng
chờ nhau cùng đi một lượt. Đó là niềm vui nhỏ thời tuổi dại, dường như có cái
gì mơ hồ lưu luyến trong lòng !
Đến cuối năm Đệ ngũ của tôi và đệ lục của Hiền, hai đứa được lãnh thưởng,
đều có thêm phần thưởng về toán của thầy Kinh. Có nỗi mừng vui chung nên tình cảm
gần nhau lúc nào không biết . Vào thời tôi học lớp đệ tứ và Hiền học lớc đệ
ngũ, chiến tranh dữ dội, rồi hòa bình, rồi Saigon xáo trộn, người từ Bắc di cư
vào Nam, có người trong Nam âm thầm tập kết ra Bắc…Cuối năm học đó (1955) tôi
thi đâu Trung Học, lúc tôi thi vấn đáp Hiền cũng đi theo xem…Có mấy bạn theo hỏi: -Em
gái của Tâm đó hả? Tôi thấy Hiền thẹn cúi mặt thật tội nghiệp!.
Sau đó chúng tôi có những ngày Hè thật vui…Hiền thường cỡi xe vào chợ Lớn để
mua chỉ cho mẹ thì tôi cũng cỡi xe đi theo. Một lần hai đứa cỡi xe lên tận Lái
Thiêu, đi dạo trong vườn măng, lúc trở về ghé quán uống nước, tôi
chợt thấy gương mặt nàng buồn , nhìn tôi Hiền nói: -Nếu ngày nào mình phải xa
nhau chắc buồn lắm phải không anh?
Tôi với tay nắm tay nàng nói : -tức là buồn lắm! nhưng sao có ngày đó được Hiền!
Nàng nhìn tôi, chớp mắt, cúi xuống như tránh đôi mắt tôi, nhưng lúc ra lấy xe
tôi nhìn Hiền thấy mắt nàng ứa lệ!
Niềm vui thật qua mau, tôi về Đức Hòa một tuần dự đám tang của Bác tôi khi trở
xuống, Chị Hai tôi cho tôi biết: - Hiền nó đi xa rồi, có người đến rước nó xuống
Cao Lãng tập kết với Ba ra Bắc; dường như Ba Hiền làm lớn trong Việt
Minh, Hiền có gửi thư lại cho em, chị của Hiền đưa chị nhờ trao lại cho
em.
Tôi mở thư ra chỉ có câu : Anh ơi em phải theo Ba, Anh ở lại bình an, lúc
nào em cũng nhớ anh!- Hiền
Lúc đó hồn tôi như dại như khờ, đúng là: Người đi một nửa hồn tôi mất, Một nữa hồn
tôi bỗng dại khờ.
Thời gian như dòng nước cứ lặng lờ trôi. Còn tôi cứ bước đi theo dòng đời nghiệt
ngả…Cái thuở ban đầu ấy thành dấu vết trong hồn tôi mãi mãi!
Hàn Thiên Lương
Thật là oái ăm! Tụi tôi theo gia đình từ miền Bắc vào trong Nam để tránh cộng sản và cùng với người miền Nam yêu chuộng hòa bình chống lại cộng sản, thì ngượic lại có một số người lại từ trong Nam ra ngoài miền Bắc chống lại miền Nam, để sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 cho đến bây giờ nước Việt Nam không bằng một góc của Nam Hàn, còn thua cả Cao Miên nữa. Chán mớ đời !
ReplyDeleteĐúng thật là chán mớ đời !
ReplyDelete