Monday, December 5, 2022

Lạm Bàn Về Việc Mách Thuốc Trên Mạng - BS. Đinh Đại Kha

Hình minh họa

Từ xưa tới nay, câu chuyện mách thuốc đã rất phổ thông ở khắp mọi nơi trên trái đất này. Bên nước ta, người mách thuốc có khi giới thiệu những thang thuốc đầy đủ các vị thuốc Bắc chính cống, rồi có người nói tới các loại thuốc Nam, thậm chí tới các cây cỏ linh tinh cũng được người ta cho là những món thuốc thần diệu. Người giới thiệu phô trương hiệu quả “có một không hai” của môn thuốc, dựa vào kinh nghiệm bản thân, hoặc kinh nghiệm của thân nhân, lại có khi là: “Tôi nghe chính thằng X kể lại rõ ràng, nó uống thuốc này chỉ có 3 ngày là hết bệnh. ”

          Xưa kia, việc mách thuốc chỉ lan truyền hạn chế qua nhóm người hiện diện khi nghe chuyện. Nay thì đã có mạng thông tin, chuyện gì cũng có thể có rất nhiều người đọc được và thử áp dụng. Vì thế, bên tiếng Anh mách nhau nhiều loại thần dược như sinh tố E, sụn cá mập, thuốc bào chế bằng lá bạch quả (ginkgo biloba)… Tin mách thuốc tiếng Việt trên mạng cũng không chịu kém, nào là đông trùng hạ thảo, nấm linh chi rồi tới canh dưỡng sinh, lá đu đủ chữa ung thư… Phong trào này không khi nào ngừng, khi một món thuốc hết ăn khách thì lại có món khác xuất hiện để thay thế. Điều nguy hiểm là có những bệnh nhân ung thư vì muốn thử thần dược mà bỏ ngang việc trị liệu chính thức, khiến tử vong sớm hơn. Ấy là chưa kể các phản ứng phụ nguy hiểm của các môn thuốc mệnh danh là dược thảo, thí dụ như thuốc bào chế bằng lá bạch quả gây xuất huyết bộ tiêu hóa. Thuốc này được tiếng là giúp trí nhớ, đặc biệt tốt cho người già. Các cụ uống vào rồi có một số bị tử vong mà không rõ nguyên nhân. Tới khi mổ khám nghiệm tử thi mới biết do xuất huyết bộ tiêu hóa. Sự việc này đã xảy ra trong một số nhà dưỡng lão (nursing home) bên Mỹ.

          Tưởng cũng không nên can thiệp vào việc mách thuốc đó. Nó có và sẽ tiếp tục có, không ai cản được. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn yêu cầu các bạn Y Nha Dược chúng ta đừng gián tiếp làm chuyện này. Khi quý vị chuyển lại lời mách thuốc kèm theo chức vị của mình e rằng người đọc nghĩ là chúng ta khẳng định giá trị của món thuốc đó. Đôi khi chúng ta lầm tưởng tin tức trên mạng có giá trị khoa học vì do một nhóm thuộc một trường đại học y khoa phổ biến. Về điều này, xin phép nhắc lại mấy nguyên tắc căn bản về y khoa chứng cứ (evidence based medicine) mà chúng ta ít nhiều đều đã am hiểu:

  1. Số người tình nguyện tham dự thử nghiệm lâm sàng phải là số nhiều để bảo đảm sác xuất (probability) cao. Con số này tối thiểu cũng phải là nhiều ngàn.
  2. Cần 2 nhóm có tuổi tác, giới tính và tình trạng sức khỏe tương đương, cho dùng thuốc giống nhau rồi so sánh kết quả thử nghiệm đôi bên.
  3. Hình thức thử nghiệm dùng phương thức ẩn danh kép (double-blind study) để đạt kết quả hoàn toàn khách quan.
  4. Thời gian theo dõi thường là khoảng 5 năm để biết chắc là thuốc có hiệu lực lâu dài và cũng để cho kết quả thử nghiệm khỏi bị ảnh hưởng của hiệu ứng thuốc giả (placebo effect) là điều xảy ra trong lối 6 tháng đầu tiên.
  5. Tỷ số kết quả tốt sẽ tính theo quy luật thống kê để quyết định thử nghiệm này có áp dụng được cho tập thể hay không.

          Vì vậy cho nên khi một nhóm y học đưa ra một thống kê về bệnh lý, chúng ta cần tìm hiểu chi tiết về các số liệu đề xuất. Nói thí dụ họ cho biết là số người ăn, uống những món này sẽ sống lâu hơn nhóm không ăn hay không uống những thứ đó. Nếu thống kê của họ dựa vào việc lượm lặt trong sổ sách hộ tịch (đọc giấy khai tử), thử hỏi hai nhóm ăn uống khác nhau có tình trạng sức khỏe tương đương không? Ấy là chưa kể họ còn có những thói quen sinh hoạt khác nhau không, thí dụ người này vận động thân thể nhiều hơn người kia, người này ưa dùng thuốc ngủ, người kia thì không…

          Thông thường khi các trường đại học y khoa phổ biến tin tức loại này mà nếu không áp dụng y khoa chứng cứ (thí dụ như làm thống kê theo hộ tịch), họ đều ghi thêm đây là khơi mào một giả thuyết để nghiên cứu. Nếu họ thử nghiệm theo đúng qui luật y khoa chứng cứ, cũng phải ghi chú chờ các nhóm khác thử nghiệm kiểm chứng. Các nhóm truyền thông dựa theo đó đổi thành tin tức giật gân để câu khách. Chúng ta nên tránh truyền lại loại tin tức có thiên kiến (biased news) này mà coi là nói có sách mách có chứng.

          Hơn nữa, đối với chúng ta trong giới Y Nha Dược thì tốt hơn hết là nên tìm kiếm các tin tức y học cập nhật trong các trang web chuyên môn như Medscape, Medline, Merk Manuel… là những nguồn thông tin y khoa có kiểm chứng đứng đắn. Hà cớ gì ham của lạ mà lên mạng tìm đọc những tin tức giật gân không đâu.

          Tôi xin cáo lỗi đã viết dài dòng về một vấn đề y học thường thức mà quý bạn Y Nha Dược chắc chắn đã hiểu biết từ lâu rồi. Mục đích là để giúp bạn đọc ngoài nghề thêm kiến thức. Và cũng mong rằng những dòng này góp ý để các diễn đàn Y Nha Dược thông tin hoàn toàn theo khoa học. Mong vậy thay!


Đ Đ K (2022)

No comments:

Post a Comment