Friday, December 9, 2022

"Thư Tình Mùa Xuân" - Quý Thể


Buổi trưa, trong tiếng nện búa chát chúa của lão Tòng thợ thiếc bên kia hàng rào dâm bụt, và trong mùi phân lợn nồng nặc, mùi phèn chua lòm nhà mụ Mười Dư gió thổi sang, tôi bắt đầu viết: "Trong tâm hồn em như có ai kéo sợi dây treo những chiếc chuông đồng tí hon, reo lên khúc nhạc giáng sinh thánh khiết, và trong tim em những bông hoa ái tình hàm tiếu lặng lẽ toả ngát hương...". Tôi đọc đi đọc lại ngâm nga và lấy làm thú vị. Tôi không làm công việc văn chương, tôi không phải nhà văn, tôi viết thư tình, khổ nỗi, không viết cho tôi, viết cho người, nói theo từ ngữ thời thượng bây giờ là "gia công" thư tình. Tôi mới viết được mấy hàng, con gái lớn nhà tôi bồng em tới hối: -Viết xong chưa, chị Lan đội lưng thúng gạo tới đổi thư. 

Ôi cái nghề không giống ai này mà cũng có lúc đắt giá thế. Mỗi khi cần nơi yên tĩnh để làm việc "đầu óc" tôi thường lấy chiếc võng dù ra treo một đầu vào góc chuồng heo, một đầu vào gốc cây mít ướt. Nhà tôi chật quá, nghèo quá, trong nhà chẳng có bàn ghế nào ra hồn để làm cái buya-rô, ngồi chễm chệ viết lách. Sau tôi thấy ra vườn nằm võng viết tốt hơn. Tôi viết thư tình, ít nữa những áng văn chương tình tứ cũng phải chào đời trong khung cảnh phong lưu thi vị một chút. Sau này nằm võng viết đã thành thói quen. Chỉ với một tấm bìa lịch, thêm cái kẹp quần áo giữ tờ giấy, thêm một cây bút bi nữa là đủ "văn phong tứ bửu". Nằm võng viết bút bi, không phải dễ, phải chúc bút xuống mực mới ra. Cây bút lúc nào cũng dựng đứng như thầy đồ viết chữ Nho. 

Trong thời buổi mới bắt đầu đi vào nền kinh tế thị trường kiếm nghề tương đối dễ. Song vì cái lý lịch của tôi, có mấy năm bị bắt lính, lý lịch màu xám tro, chính quyền địa phương phê tệ quá nên xin việc nơi đâu cũng bị từ chối, không lẽ tôi chịu khoanh tay chết đói, tôi lấy cái vốn cha mẹ cho kiếm sống. Ba má tôi cũng biết người như tôi mà để lại vàng bạc châu báu bao nhiêu tôi cũng bán ăn cả, chỉ còn nước để thứ vốn gì mà ăn mãi không mòn, bán không hết, thời nào cũng kiếm được miếng cơm manh áo lương thiện. Đó chính là cái chữ. Nhờ cha mẹ tốt tính con và có tầm nhìn chiến lược mới cứu tôi sống nổi. Thời lính Mỹ chưa qua nhiều, cái thời ít người biết tiếng Anh là cái gì, học để làm chi? Thế mà mẹ tôi, một người đàn bà nhà quê già cả, chạy tiền cho tôi đi học tiếng Anh. Lúc đầu tôi rất chán, chỉ tìm cách trốn học. Chỉ mấy năm sau, thì việc học tiếng Anh đã thành phong trào, người người mới rủ nhau đi học xin làm sở Mỹ. Lúc đó trình độ tôi đã kha khá. Tôi từ anh học trò xoàng được mời dạy tiếng Anh cho ba đứa con gái đi làm sở Mỹ. Đời tôi lúc này lên hương, không lên như diều nhưng cũng mát mặt với đời. Thế rồi nước nhà thống nhất, Mỹ cút ngụy nhào. Nghề thầy giáo tiếng Anh không còn đắt giá nữa và tôi cũng theo thời thế đi làm hợp tác xã ăn công điểm. Tôi còn kinh hãi cái thời buổi nghe tiếng kẻng vác cuốc ra đồng, cuối mùa lúa gặt về chất như núi đầy kho, song tới phiên mình, sau khi trừ đủ thứ phí, xã viên được đâu lưng thúng lúa đội về nhà độn thêm khoai sắn ăn mới no. Giờ đây ngồi viết thư tình, một thứ lao động nhẹ, viết chừng một buổi được chục ký gạo, ăn được mấy ngày, tốt quá. 

Số là trong cái xã Cận Sơn này mọc lên một nhà máy may áo quần và giày dép xuất khẩu, gọi là liên doanh giữa Hàn Quốc và ta. Cũng nhờ cái xã Cận Sơn nằm cạnh thành phố, đất rộng, không gây ô nhiễm cho phố phường, cạnh đường tiện giao thông, nên nơi đây được những nhà kinh tế chọn làm nơi sản xuất. Bên đối tác họ lo mọi thứ, bên ta chỉ có miếng đất hoang. Miếng đất này không liên doanh cũng chẳng làm được việc gì. Cuộc liên doanh làm ăn này đem lại vô số cái lợi cho địa phương. Tôi không biết mỗi năm nó đóng góp cho ngân sách quốc gia bao nhiêu, chỉ thấy cái lợi trước mắt là lâu nay mọi thứ phí tổn chính quyền bắt dân gánh, nay có liên doanh với bọn nhà giàu nên chúng nó gánh cả. Còn một mối lợi to lớn lâu dài, xưởng thu nhận trai gái trong xã làm công nhân. Mấy anh chàng Hàn Quốc mắt ti hí, ăn kim chi, xa nhà cần bạn gái, cần bạn tình. Mấy cô gái nhà quê, nay cũng đã biết tập tành ăn diện son phấn rất cần chồng, cần đô-la, cần xuất ngoại... Hai bên có nhu cầu giao tiếp song bị con sông ngôn ngữ cách biệt. Tôi chính là cây cầu nối hai bờ. Tiếng ta, tiếng Hàn ai biết đâu nên họ khoán trắng cho tôi đóng hai vai. Tôi viết cho trai rồi tôi viết cho gái. Tôi tha hồ viết, tha hồ tung hứng. Tôi tự tiện cho họ thân mật, khăng khít, hờn giận, xa rời. Tội nghiệp, cả hai bên trai gái đều tin tôi. Họ giao phó cho tôi tất cả, và tôi thường hoàn thành xuất sắc vai trò cây cầu cho đôi lứa. Cũng đã có một vài đám cưới.

Sau tôi giật mình. Những cặp tôi viết thư giùm họ lấy nhau rồi họ đâu cần tôi nữa. Đã là vợ chồng với nhau trai Hàn gái Việt giao tiếp với nhau bằng tay chân, cũng hiểu và cũng sống được. Bây giờ thì tôi bắt chước kiểu mấy ông thầy thuốc áp dụng cái phương pháp gọi là "nuôi bệnh", chữa cho bệnh nhân kha khá, rồi chữa lai rai để con bệnh còn cần đến mình còn chịu trút hầu bao. Với cây bút tôi cho bọn trai gái gần nhau, xa nhau, giận hờn rồi lại làm lành, lại giận dỗi... Tôi nghiệm ra rằng con người ta chỉ tốt khi mới vào nghề, khi tay nghề đã cao rồi người ta luôn luôn quan trọng hoá cái nghề của mình, làm khó, hành hạ người khác để trục lợi. Bây giờ không như buổi ban đầu lấy gạo, lấy mắm. Tôi lấy tiền, tiền Việt, có khi đòi đô-la. Cuộc sống tôi lên dần dần.

Nhưng rồi tôi lại đâm hoảng. Tháng ngày vùn vụt thoi đưa, tuổi già sắp đến. Bốn mươi rồi năm mươi, mặc dù tôi đã có một đời vợ hai đứa con gái. Vợ chết tôi ở vậy nuôi con. Mới làm gà trống nuôi con được mấy năm tôi thấy mình đã rất cần gà mái. Tôi nghĩ mình còn trẻ quá, không lẽ cứ sống độc thân buồn bã với cái nghề chẳng giống ai này?


Lâu nay tôi sống trong khung cảnh toàn màu hồng của những bức thư tình do tôi sản sinh ra. Sống mãi, tính toán mãi với chuyện tình kẻ khác lần hồi ảnh hưởng đến mình, cũng thèm chuyện yêu đương. Nó ngấm từ từ lúc nào đến nỗi tôi cũng không hay. Khi hay ra thì tôi đã yêu. Tôi yêu một cô giáo ngày ngày vẫn qua lại. Tôi yêu đôi má hồng ngọt ngào như trái cây chín tới. 

Tôi đã bị nhiễm cái chất độc tình yêu do tôi làm ra từ lúc nào tôi không hay, đến khi phát hiện được thì cái "chất độc da cam" đã thấm đến xương tuỷ, không còn cách gì giải được. 

Bây giờ đây tôi viết thư tình cho tôi. Một bức thư tình vô cùng quan trọng trong cuộc đời xế chiếu của tôi. Tôi đặt mọi hy vọng vào lá thư đầu tiên và cuối cùng này. Nếu thất bại tôi tự nguyện không làm nghề gia công thư tình nữa. Mình chữa bệnh cho mình chưa xong đi làm thầy cho người khác sao được. Song xưa nay tôi vốn là người tự tin. Tay nghề viết thư tình của tôi đã được rèn luyện đến mức thượng thừa. Lá thư của tôi thừa sức đốt cháy mọi quả tim băng giá, thừa sức phá tan mọi thành luỹ e dè... Chỉ cần một đoạn ngắn thôi cũng đã có thể làm cho nàng mềm lòng. Và thế là tôi thắp đèn lên viết. Thế nhưng không dễ, bác sĩ có tài giỏi cách mấy cũng chỉ chữa bệnh cho người còn bệnh của mình khó lắm thay. Tôi đã thức gần suốt đêm, hút hết một gói thuốc, uống ba cốc cà phê, xé bỏ không biết bao nhiêu bản nháp. Tôi nắn nót viết, tôi chọn lọc được bao nhiêu tinh hoa đông tây kim cổ kể cả sao chép nguyên văn hay phóng tác từ tác phẩm "Những bức thư tình lừng danh trên thế giới", một loại bí kíp võ công, một loại kinh điển trong lĩnh vực thư tình. Hoá ra mấy bậc vĩ nhân cũng đều là những thiên tài trong lĩnh vực thư tình, kể cả thiên tài quân sự Napoleon. Tôi viết lần thứ nhất, đọc lại thấy chưa ưng ý, tôi viết lần thứ hai, rồi thứ ba. Cuối cùng gần sáng, sau khi đã vò xé hàng trăm bức thư rất dày, mới được một bức thư tôi rất hài lòng. Đó là một lá thư tràng giang đại hải, một áng văn chương tuyệt tác không chê vào đâu được và tôi mạnh dạn gởi cho em. Gửi thư đi rồi tôi chờ đợi mỏi mòn. Tôi mới thấy thông cảm và thương những cặp tình nhân mà lâu nay tôi đã hành hạ và dựa vào nỗi khắc khoải đó để kiếm sống. Trời ơi, yêu khổ đến thế này ư? Xưa nay tôi không hề chú ý tới chuyện qua lại phát thư của lão Lộc. Lão này có chiếc xe đạp phượng hoàng với cái chuông reo, tới nhà ai lão bóp chuông ra nhận thư. Bây giờ tôi mới chú ý tới từng chuyến đi của lão và mong mỏi tiếng chuông xe đạp của lão Lộc biết bao. Và rồi gần một tháng sau tôi mới nhận được thư trả lời. Tôi run rẩy nhận cái phong bì màu xanh có dán con tem hình hoa bướm, tôi mừng rỡ đến nỗi muốn lao tới ôm hôn bộ mặt sần sùi lúc nào cũng đỏ như gà chọi và hôi mùi thuốc rê rượu trắng của lão phát thư. Tôi vội vàng vào nhà lấy kéo xắp một đường thật mỏng, đưa lên mũi hít một hơi dài. Hình như chẳng thơm tho gì cả. Nàng không biết cái thuật lấy nước hoa ướp giấy viết thư, thôi thì cũng thông cảm cho nàng, nhân vô thập toàn mà. Tôi mở mắt ra. Ủa, không phải thư nàng, mà là lá thư của tôi đã gửi nàng trước đây. Thoáng thấy nhiều nét mực đỏ gạch nát bức thư tôi. Những nét bút tàn nhẫn sỗ sàng, gạch xoá một cách không thương tiếc. Đúng là kiểu chữ của mấy cô giáo chấm bài học trò dốt. Tôi sực nhớ ra người tôi yêu là một cô giáo dạy văn. Cô không trả lời mà xem bức thư của tôi như bài làm của học trò sau khi gạch xoá nhiều nơi, cô phê: Chữ xấu, khó đọc, sai chính tả, không nắm vững ngữ pháp, ý tứ diễn đạt lộn xộn... Lần sau trực tiếp gặp nhau, có gì nói miệng... sướng hơn!!!


Quý Thể

No comments:

Post a Comment