Sunday, April 28, 2024

Áo Bà Ba Tím - Phùng Annie Kim

 

Bà Hai nghe mơ màng, tiếng ai như tiếng ông Hai. Bàn tay ai đang vỗ nhẹ trên vai bà :

- Dậy, dậy bà ơi. Khuya rồi, vô phòng ngủ tiếp. Bà xem Tivi mà con mắt bà nhắm miết. Cái Tivi đang nhìn bà kìa. Thấy bà ngủ mà tui phát ham. Già mà ngủ dễ như con nít ! Bà ngủ được hai tiếng rồi đó. Gần mười một giờ con Hạnh vẫn chưa về ? Bữa nay sao nó về trễ quá hả bà !

Giọng bà còn nhừa nhựa, bà vừa ngủ một giấc thật ngon trên chiếc ghế Massage hồi nào bà không hay :
- Tui ngủ say quá hả ông ? Thôi, ông buồn ngủ thì vô ngủ trước. Quá giấc rồi, tui ngồi xem tivi chút xíu chờ con Hạnh.

Bà đang chăm chú vào cái tivi trước mặt, nghe tiếng mở cửa lách cách. Hạnh nhảy bổ vào nhà, sà vào chiếc ghế ngồi cạnh bà. Cái mặt nó thật nghiêm nghị. Nó nhìn săm soi vào mặt bà thật lâu. Lát sau, nó lên giọng trịnh trọng như bắt được một cái gì mới lạ:
- Chuyện gì ? Sao con nhìn má kỳ cục vậy Hạnh ?
- Con muốn nhìn má, tưởng tượng xem hồi còn trẻ má như thế nào? Má à, con mới đi xem phim Last Days in Vietnam. Phim Mỹ chiếu những ngày cuối cùng ở Việt Nam trước khi Cộng sản vô Sài gòn. Má ơi, sao lạ quá. Trong phim có quay hình người đàn bà mặc áo bà ba tím giống má y hệt hồi còn trẻ. Con thấy có đứa nhỏ khoảng chín mười tuổi giống chị Hảo ngồi cạnh má. Con thấy một đám nhóc giống y chang chị Hương ngồi gần Út Hải. Con ngồi gần thằng Hiệp. Không hiểu sao có sự trùng hợp, một gia đình ba đứa con gái và hai đứa con trai giống như gia đình mình trong phim đang ngồi trên máy bay. Con thắc mắc sao không thấy ba. Lúc đó ba ở đâu má ?

Ông Hai đứng từ nãy giờ ở cửa phòng. Ông nghe hết câu chuyện. Ông bước ra phòng khách, đến ngồi cạnh bà, nhìn Hạnh lắc đầu:
- Hàng ngàn gia đình lúc đó ai cũng buồn lo, hốt hoảng tìm đường ra đi. Thì giờ và hơi sức đâu mà họ quay phim gia đình mình hả con ? Người giống người có gì lạ. Vả lại bốn mươi năm rồi, con người có nhiều thay đổi lắm, má con làm sao nhận ra mình ? Con cũng vậy. Chắc gì mấy đứa con nít đó là chị em tụi con ?

Hạnh kiên nhẫn giải thích và thuyết phục ông Hai :
- Ba ơi, phim này là phim tài liệu lịch sử do người Mỹ quay. Họ muốn ghi lại một cách trung thực những hình ảnh di tản của người Mỹ và người Việt trước ngày ba mươi tháng tư bằng kinh nghiệm của những nhân chứng còn sống qua các câu chuyện kể. Có nhiều hình ảnh họ quay bất ngờ hồi nào mình đâu có biết. Cho dù có thay đổi nhưng con so sánh với mấy tấm hình chụp hồi còn nhỏ ở Việt Nam má mang qua đây với hình quay tụi con trong cuốn phim giống y chang làm con ngạc nhiên luôn. Nhất là cái bà mặc áo tím, đích thực là má. Con nhìn thoang thoáng cũng giống dì Vân. Giống nhất là chị Hảo. Họ quay rất lâu, sát cái mặt chị Hảo.

Ông Hai trầm ngâm :
- Kể cũng lạ. Con nói trong phim có bà mặc áo màu tím giống má con ? Năm đứa con nít, ba gái một trai giống chị em con. Trong phim không có quay hình Ba. Để ba nhớ coi lúc đó ba đang ở đâu. Lên được trên máy bay, nhiều người không có chỗ, ba phải ngồi co ro ở dưới khoang phía sau đuôi gần cầu tiêu. Đàn ông ngồi xếp lớp như cá mòi, không có chỗ duỗi chân. Các hàng ghế dành ưu tiên cho đàn bà và trẻ con. Hảo lúc đó mười tuổi. Hạnh lúc đó bảy tuổi.

Con nhỏ đứng lên, ngáp một hơi dài :
- Được rồi. Con có cách. Con tính ngày mai phone cho các anh chị, mời cả nhà mình cuối tuần đi xem phim này. Má phải đi xem phim để nhận ra bà mặc áo tím có phải là Má không chớ ? Cái mặt thằng Hiệp ngố chắc chắn là nó. Còn con, con nhận ra cái mặt con hồi nhỏ liền. Họ quay cảnh Má và chị Hảo nhìn ra ngoài cửa máy bay rõ lắm ba à. Thôi, để mai tính. Con đi ngủ đây.

Bà Hai dựa đầu trên ghế Sofa, đôi mắt bà khép lại. Bà đang hồi tưởng về quá khứ xa xôi của bốn mươi năm về trước. "Má mặc chiếc áo bà ba tím". Phải rồi. Chiếc áo bà ba màu tím hoa cà, màu áo hai chị em bà đều thích, Vân, em gái bà may đã lâu nhưng cả hai chưa có dịp nào mặc. Hôm bà ra đi, bà nhớ rõ bà mặc chiếc áo tím còn mới này.

Bốn mươi năm trôi qua mà bà cứ ngỡ như mới ngày nào. Hình ảnh bà và Vân, con mắt đỏ hoe, ngồi trên nền nhà cạnh chiếc ghế gụ trong phòng khách, ôm chân hai ông bà cụ tuổi đã ngoài bảy mươi. Giọng bà nghẹn ngào :
- Ba má cho con xin ba lạy. Một lạy này là lạy công lao ba má đã nuôi dưỡng con khôn lớn nên người. Lạy này là lạy xin ba má tha thứ cho con không ở gần để phụng dưỡng ba má trong lúc bệnh hoạn vào cuối đời. Còn lạy này là lạy con không gặp mặt ba má khi ba má trăm tuổi già. Con đành mang tội bất hiếu với ba má.

Bà quay sang ôm cô em gái sinh đôi giống bà như hai giọt nước. Bà chùi nước mắt :
- Vân ơi, nếu anh chị phải ra đi, tài sản còn lại, em bán đi, thay chị chăm sóc cho ba má. Chị ra đi không mong ngày trở về. Em thay chị lo cho ba má. Em hy sinh cho gia đình anh chị quá nhiều. Cả một gánh nặng trên vai em. Tội nghiệp Cường, giờ này không biết chú ở đâu. Chị còn có anh Hùng bên cạnh, em ở lại một thân một mình với ba má, lại thêm nỗi lo cho Cường. Chị đi không đành lòng. Mình ráng chờ thêm ít ngày nữa biết đâu chú về kịp. Vân ơi, em hiểu cho chị.

Tiếng khóc thút thít của ông bà ngoại, bà Hai và Vân cùng với năm đứa nhỏ quấn quít bên ông bà ngoại từ mấy ngày nay làm cho ông Hùng xót xa tuy trong lòng ông xốn xang và nóng nảy như lửa đốt.

Bà Hai cứ nấn ná mong Cường, cậu em rể là đại úy ngành pháo binh đang còn kẹt ở Nha Trang. Nếu Cường về kịp, gia đình bà sẽ di tản trong cùng chuyến máy bay chứ đâu có cảnh kẻ ở người đi như thế này.

Vân ít nói. Cả ngày hai chị em lủi thủi, âm thầm dọn dẹp thu xếp đồ đạc trong nhà. Vân quyết định ở lại chờ Cường. Ông bà cụ cũng quyết định ở lại chờ con rể. Tình hình chiến sự càng ngày càng ác liệt. Người Mỹ đã có lệnh di tản từ lâu. Những người Việt Nam làm việc cho chính phủ Mỹ trong các ngành đặc biệt và chức vụ quan trọng như ông Hai, họ đã cùng với gia đình rời Việt Nam từ trước.

Chuyện di tản, ông bà Hai không nói rõ cho tụi nhỏ biết nhưng thỉnh thoảng nhìn mẹ và ông bà khóc, chúng cũng rơm rớm nước mắt. Chúng thấy dì Vân và mẹ chúng hay ngồi rù rì tâm sự thật lâu. Chúng thấy đồ đạc trong nhà trống dần. Bà nhớ tối hôm đó ông Hùng về, thúc hối bà sắp xếp đồ đạc mang theo thật gọn nhẹ. Đêm khuya cả nhà ngủ hết, bà đi một vòng quanh căn nhà. Bà nhìn cái tủ thờ và bộ bàn ghế cẩn xà cừ bằng gỗ gụ nâu đen, cái đi-văng bóng láng trơn mướt, những bức tranh sơn mài hình mai, lan, cúc, trúc treo trên tường, các bình, lọ, tô, chén, tượng, hoành phi, câu đối... đồ cổ của ông Hai sưu tập từ nhiều năm nay và nhiều đồ vật quý giá khác trưng bày trong phòng khách, chúng gần gũi với bà bao nhiêu năm, bây giờ bà phải bỏ lại hết. Bà nhìn hành lý mang đi chỉ là ít bộ quần áo, thuốc men, vật dụng cá nhân và vài xấp hình kỷ niệm. Các giấy tờ quan trọng, vài trăm đô la còn kịp đổi được trong những giờ phút cuối đã cất kỹ trong chiếc cặp da của ông Hùng. Ông Hùng không cho mang theo một thứ gì nặng và cồng kềnh. Sắp tới, ông bà Hai và năm đứa nhỏ, đứa lớn nhất mười tuổi, đứa bé nhất năm tuổi sẽ bồng bế, níu kéo nhau đến một đất nước xa lạ mà bà không dám nghĩ tới.

Ông Hùng hối thúc bà hàng ngày. Có những lúc bà đi lên đi xuống cầu thang, đi ra đi vào từ nhà trước vào nhà sau nhiều lần như người mộng du không biết mình đang làm gì. Bà ghé vào chiếc sập gụ, vén màn nhìn vào thấy ông bố nằm nghiêng, hơi thở mệt nhọc, tiếng khò khè nhỏ hơn, cơn suyễn giảm dần. Bà vừa cho ông uống thuốc. Bà vào phòng, thấy Vân còn thức, đang ngồi xoa dầu bóp chân cho mẹ. Bà mẹ vừa mổ ruột thừa. Bảy mươi tuổi còn sống sót qua cơn mổ làm bà cụ yếu sức chưa đi lại bình thường. Hai mắt Vân hõm sâu, thâm quầng, khuôn mặt hốc hác, mệt mỏi. Người Vân gầy rạc hẳn đi. Nhìn sức khỏe bố mẹ như thế, nhìn đứa em gái yếu đuối, đứa em rể còn mịt mù tông tích, nỡ lòng nào bà dứt tình ra đi cho đành.

Bà nhớ lại tối hôm đó, ông Hùng sợ bà đổi ý, đứng sau lưng, bóp nhẹ đôi vai gầy của bà, giọng ông lúc nào cũng nài nỉ, nhỏ nhẹ :

- Tội nghiệp dì Vân. Chú Cường giờ này không biết ra sao. Thôi, em đừng khóc nữa. Anh hiểu nỗi khổ tâm của em. Em thương con, thương anh, nghĩ đến tương lai đàn con. Ở lại, sẽ chỉ có tù đầy tan nát chờ gia đình mình.

Ông Hai cầm tờ công văn của cơ quan MACV cho phép gia đình bà gồm cha mẹ bà, Vân và Cường cùng gia đình bà tổng cộng mười một người rời Việt Nam đưa cho bà xem :

- Phải đi em ạ. giờ chót rồi.

Ngày mười lăm tháng Tư, tin Việt Cộng sắp tiến vào Sài Gòn, ông Hai Hùng hớt hải về nhà, gọi bà lên phòng. Lần này, ông cầm khẩu súng đặt trên bàn, giận dữ và quyết liệt :

- Nếu em còn chần chờ nữa thà em bắn cho anh chết tại đây, em ở lại một mình nuôi con. Liệu bọn Công sản có tha cho anh, người cộng tác với Mỹ mà họ cho là kẻ tử thù của bọn chúng. Nếu chúng giết anh hoặc bỏ tù anh, liệu chúng có để yên cho em nuôi mấy đứa nhỏ không. Quan trọng là tương lai các con. Nếu không vì anh thì em phải nghĩ đến tương lai năm đứa nhỏ chớ. Em cứ tình cảm nấn ná kiểu này, cả nhà sẽ chết chùm hết.

Bà nghẹn ngào :

- Anh ơi, làm sao em có thể bỏ ba má bệnh hoạn, già yếu với dì Vân trong lúc này. Chờ thêm vài ngày nữa biết đâu chú Cường về kịp.

Ông Hùng dứt khoát :

- Nếu vậy thì em ở lại với ba má và dì Vân chờ Cường. Sáng mai, anh sẽ dắt tụi nhỏ ra phi trường. Không còn thời gian nữa.

Ông đổi cách xưng hô :

- Cha con tôi sẽ đi để cô ở lại. Cô đừng bao giờ hối hận về sự chọn lựa này.

Sáng hôm ấy, bà và ông Hai với bốn cái túi xách, dắt díu đàn con đến phi trường Tân sơn Nhất. Mắt bà nhòa lệ. Bà nhìn lại căn nhà lần chót. Bóng dáng Vân thấp thoáng sau khung cửa. Vân cũng mặc chiếc áo bà ba màu tím giống bà. Chị em sinh đôi có nhiều điều lạ là rất thương nhau. Vì cùng nằm trong bụng mẹ, gần nhau từ tấm bé cho nên khi lớn lên, họ có những suy nghĩ, tình cảm, sở thích, cách cư xử và hành động giống nhau. Họ nhìn hình ảnh mình qua hình ảnh người kia. Họ tuy hai mà như một. Chiếc áo bà ba tím bà mặc và hình ảnh cuối cùng của Vân cũng trong chiếc áo bà ba màu tím ngày hôm ấy, làm sao bà có thể quên ?
***
Nghe Hạnh kể về cuốn phim Mỹ có người đàn bà nào đó mặc chiếc áo tím giống bà Hai hồi còn trẻ với năm đứa con nít trong chuyến bay di tản thôi thúc ông bà Hai và mấy đứa con phải đi xem cuốn phim "The last days of Vietnam". Phim chiếu đầu tiên tại thành phố Irvine, cả nhà chọn xuất buổi tối, sáu giờ rưỡi vào thứ bảy cuối tuần. Vợ chồng con gái lớn Hảo- Phúc từ Irvine đi thẳng đến rạp Edward gần đó.Vợ chồng Hương và cậu con rể người Mỹ Jimmy ở Laguna Hills lái xe xuống Irvine cũng không xa. Vợ chồng Hiệp - Thu sẽ đến đón ông bà và Hạnh. Hải, đứa con trai út sẽ đến thẳng rạp. Vé Hạnh đã mua sẵn trên mạng. Cả nhà hẹn nhau đến sớm và chờ nhau trước cửa rạp.

Đến nơi, đã thấy Hảo và Hương trên tay mỗi cô cầm một lon bắp rang to tướng đang nhâm nhi. Mọi người ai cũng nôn nóng muốn xem phim và hy vọng người đàn bà mặc chiếc áo tím trong phim là "Má tui đó", hình ảnh năm đứa con nít là.... "Tui đó". "Tui đó".

Họ là những bà mẹ, ông bố đang chờ đợi giây phút được ngồi trước màn ảnh trong một rạp xi-nê ở xứ Mỹ, tìm lại hình ảnh trẻ thơ của mình bốn mươi năm về trước trong chuyến bay di tản lịch sử trước ngày ba mươi tháng Tư.

Tựa đề cuốn phim, tiếng Việt dịch là "Những ngày cuối cùng ở Việt Nam" ám ảnh bà suốt con đường từ nhà đến rạp. Trước khi đi xem phim này, ông Hai và Hiệp đã lên mạng tìm đọc phần giới thiệu về cuốn phim. Còn Hạnh đã xem trước rồi. Ngồi trong xe, ông Hùng kể lại chuyện di tản. Bà Hai yên lặng. Đầu óc bà lúc này đang nhớ lại những ngày chờ đợi ở phi trường Tân sơn Nhất. Bà nhớ cảnh những nhóm người kéo đến phi trường càng ngày càng đông, nét mặt người nào cũng nhớn nhác đầy vẻ lo âu, sợ hãi. Họ chen lấn, xô đẩy, la ó, gây gỗ nhau. Cảnh tượng thật hỗn loạn. Cầm tờ công văn có danh sách, chữ ký và con dấu của vị Đại tá chỉ huy Mỹ, gia đình bà lọt vào được trong phi trường cũng vừa lúc bà mệt quá, ngất đi làm ông Hùng một phen hoảng sợ và mấy đứa nhỏ khóc bù lu bù loa.

Suốt hai ngày chờ đợi, nửa đêm ngày17 tháng Tư máy bay cất cánh. Bà ngồi cạnh Hảo đứa con gái lớn. Bốn đứa nhỏ ngồi sát nhau trên hai ghế băng trước. Ông Hùng và một số đàn ông phải ngồi phía sau máy bay và chỗ lối đi. Máy bay chở quá tải, đầy nghẹt người.

Chuyến bay dừng lại ở đảo Guam để khám sức khỏe và làm thủ tục giấy tờ trước khi đến Mỹ. Ngày 10 tháng 5 năm 1975, gia đình ông bà Hai đặt chân đến nước Mỹ. Trại tị nạn Camp Pendleton ở San Diego là nơi tiếp nhận đón những người di tản. Bà nhớ mãi cái lạnh vào ban đêm của thời tiết Cali, ban ngày nắng và nóng, buổi chiều mát, ban đêm trời trở lạnh bất ngờ. Thời tiết thay đổi làm bà và mấy đứa nhỏ hắt hơi, sổ mũi, ai cũng lừ đừ như muốn bệnh.

Cuộc sống mới ở xứ Mỹ của gia đình bà bắt đầu bằng những ngày trong bệnh viện dã chiến của trại tị nạn. Cả gia đình bà bị cúm trừ ông Hùng. Tụi nhỏ lây nhau, hết đứa này đến đứa kia ra vào bệnh viện liên tiếp cả tháng trời mới khỏe lại. Gặp lại người chị gái du học ở Mỹ trước bảy lăm xuống thăm, hai chị em bàn tính chuyện tương lai, cuối cùng ông Hùng quyết định dọn xuống khu có người Việt sinh sống, share hai trong căn nhà lớn năm phòng của bà chị ở Garden Grove để tiết kiệm tiền nhà.

Nhờ vốn sinh ngữ, ông xin việc trong một nhà hàng Mỹ, lương ba đồng một giờ nhưng tiền tip còn nhiều hơn tiền lương. Bà nhận đồ hãng về may tại nhà. Các con bắt đầu đi học trừ thằng út Hải. Bà phải học lái xe để đưa đón tụi nhỏ. Vừa may kiếm tiền, vừa đi chợ nấu nướng cho hai gia đình mười người, vừa chăm sóc con cái, vừa phụ bà chị dâu dọn dẹp nhà cửa, làm vườn, bà Hai suốt ngày đầu tắt mặt tối. Ông Hai vừa đi học vừa đi làm. Ông làm ban ngày, làm thêm giờ phụ trội. Tối về, mấy cha con nằm bò trên thảm làm homework rồi ông lăn bò ra sàn ngủ như chết. Gia đình bà Hai quen dần với đời sống tất bật ở xứ Mỹ.

Thời gian trôi qua thật nhanh, thấm thoát các con bà trưởng thành, đứa nào cũng học xong đại học. Ông Hai tìm được job dạy học. Hảo, Hương lấy chồng, Hiệp lấy vợ. Út Hải đang có cô bồ sắp làm đám cưới. Chỉ có Hạnh vẫn còn quấn quít với ông bà trong căn nhà ông bà mua lại sau này của bà chị nhờ vào tiền dành dụm và chi tiêu dè sẻn từ nhiều năm nay. Sáu đứa cháu nội và ngoại, các con bà đứa nào cũng ngoan và hiếu thảo là niềm hạnh phúc của ông bà trong tuổi già.

Đã sắp đến giờ chiếu phim, gia đình bà Hai đi sớm nên chiếm một dãy ghế dài và chỗ ngồi khá tốt trong rạp. Bà Hai ngồi cạnh Hạnh. Con nhỏ Hạnh nói ngồi gần Má để có gì làm thông ngôn cho Má. Nói thì nói vậy chứ xem phim ở rạp Mỹ, bà Hai thấy người Mỹ rất lịch sự. Họ không hút thuốc, nói năng nhỏ nhẹ hoặc yên lặng, không gây tiếng ồn, không nghe tiếng phone reo. Số người đi xem phim chiếm khoảng nửa rạp mặc dù là cuối tuần. Hạnh nói phim này là phim tài liệu ghi lại những ngày di tản ở Việt nam, đề tài là chiến tranh nên khô khan, không hấp dẫn nên số người xem không nhiều, đa số là người Việt. Người Mỹ hầu hết là các cặp Mỹ già. Biết đâu họ là những người cựu chiến binh, bốn mươi năm về trước đã từng tham chiến ở Việt nam. Cuốn phim ghi lại những ngày cuối cùng ở Việt nam thúc đẩy họ tò mò đến xem.

Phần quảng cáo khá lâu làm bà Hai sốt ruột. Bà chỉ biết bắt đầu vào phim chính khi thấy hình ảnh thành phố Sài Gòn và những người dân đang nhốn nháo tìm đường di tản. Bà không biết những nhân vật người Mỹ và người Việt đó là ai? Bà chỉ suy đoán họ là những "ông lớn", ông Tổng thống, ông ngoại trưởng, ông đại sứ, ông tướng, tá nào đó... Họ là các vị chỉ huy cao cấp người Mỹ và người Việt, những nhân vật có quyền quyết định vận mạng của đất nước bà trong thời chiến tranh. Họ là những nhân chứng của lịch sử kể lại những kinh nghiệm đau thương của họ vào những ngày di tản cuối cùng này.

Hình ảnh họ đứng trên bục và trên diễn đàn trong bàn hội nghị, họ đang nói gì trước dân chúng Mỹ ? Họ đang nói gì với nhân dân Việt nam và trên thế giới ? Bà không hiểu tiếng Mỹ. Nét mặt đăm chiêu, ánh mắt ưu tư, thái độ nghiêm trang của họ hoặc có người Mỹ rơm rớm nước mắt khi kể chuyện, bà chỉ suy đoán bằng cảm tính của mình. Họ đang buồn rầu ? Thất vọng ? Ân hận hay tiếc nuối gì trong cuộc chiến tranh và trong những ngày di tản ?

Bà chỉ hiểu nội dung cuốn phim qua những âm thanh. Tiếng bom đạn ầm ầm, tiếng súng nổ đì đùng, tiếng pháo kích rền trời, tiếng động cơ của máy bay cất cánh, tiếng nổ bùm bùm của chiếc trực thăng cháy trên trời, tiếng con nít khóc thảm thiết, tiếng kêu gào, la ó của những gia đình vợ chồng con cái lạc nhau...

Bà chỉ hiểu nội dung cuốn phim bằng những hình ảnh và cảm xúc của bà bị cuốn theo những hình ảnh ấy. Bà sợ hãi khi thấy cảnh Việt cộng bắt người bịt mặt dẫn đi, những chiếc poncho đen bọc xác chết, những mồ chôn tập thể khi Việt cộng tấn công và chiếm thành phố Huế. Bà thương xót khi thấy nét mặt phờ phạc, hốt hoảng, ngơ ngác của những đoàn người kéo những chiếc xe bằng gỗ chất đầy đồ đạc lê lết trên đường di tản. Bà đau lòng khi nhìn cảnh những người lính Việt nam buồn rầu cởi bỏ các bộ quân phục, ba lô, giày, nón vất bừa bãi. Có người chỉ mặc chiếc quần xà-lỏn đi lang thang thất thểu trên hè phố Sài gòn.

Bà xót xa khi nhìn những người Việt chen lấn, tìm cách leo qua dãy hàng rào kẽm gai trước cổng tòa đại sứ Mỹ. Xa xa là một dòng người nối đuôi nhau, họ chờ biết bao giờ mới leo lên chiếc trực thăng đậu trên sân thượng. Hồ bơi màu xanh trong tòa đại sứ đầy rẫy những người nằm, ngồi la liệt chung quanh. Họ hy vọng chờ được bốc đi nhưng rồi thất vọng, họ thiểu não xách đồ đạc trở về khi biết rằng những chiếc máy bay cuối cùng đã cất cánh.

Bà ứa nước mắt khi thấy những đoàn người di tản bằng đường biển. Có người leo lên được, ngồi xếp lớp như cá mòi trên khoang tàu. Có người sẩy tay rớt xuống biển trong khi mọi người ai cũng lo bám vào thành tàu và tìm cách leo cho bằng được lên boong tàu. Giờ phút này, có ai để ý đến ai. Có ai nghĩ đến cứu vớt người khác ngoài lo cái mạng sống của mình. Bà hồi hộp khi nhìn những chiếc trực thăng chở gia đình người di tản bay là đà gần chiếc hạm đội Mỹ đậu ở ngoài khơi. Họ xin cứu hộ. Người phi công là người cuối cùng nhảy xuống biển trước khi chiếc máy bay nổ tung trên bầu trời. Gia đình và người phi công được cứu sống. Bà vui mừng khi thấy những chiếc máy bay trực thăng đáp xuống chiếc hàng không mẫu hạm. Đoàn người di tản đã được tàu Mỹ vớt. Những người Mỹ và Việt hè nhau đẩy chiếc máy bay xuống biển lấy chỗ cho những người tị nạn ngồi la liệt trên khoang tàu. Và còn nhiều hình ảnh làm bà không cầm được nước mắt khi ai đó hạ chiếc cờ vàng ba sọc đỏ từ trên cao xuống thay bằng chiếc cờ Mỹ và bài hát quen thuộc "Này công dân ơi" cất lên trên chiếc tàu Mỹ.

Trong một vài giây ngắn ngủi, trên màn ảnh là một người đàn bà mặc áo tím, tóc búi ngắn, nhìn nghiêng có khuôn mặt xương xương, đôi mắt đăm đăm nhìn ra ngoài khung cửa sổ máy bay, nét mặt trầm tư. Bà Hai nhận ra đúng là mình. Trong khoảnh khắc liên tưởng, trong đầu bà bật lên một khuôn mặt khác : Vân. Người đàn bà mặc áo tím ấy cũng rất giống Vân. Nước mắt bà rơi nhòe cặp kính trắng.

Không còn gì nghi ngờ đây chính là bé Hảo mặc chiếc áo đầm trắng. Hảo đứng cạnh bà. Hình ảnh rất rõ của hai mẹ con có đôi mắt nhìn xa xôi lọt vào ống kính của người phóng viên. Bà nhận ra bốn đứa nhỏ. Đúng là cái mặt ngô ngố của thằng Hiệp ngồi trong cùng. Hiệp quay đầu nhìn vào máy quay phim đang chĩa vào mặt nó. Cạnh Hiệp là Hạnh ngồi sát vào lưng ghế. Út Hải ngồi cạnh Hạnh, đầu nép vào chị Hương. Hương ngồi ngoài cùng.

Hạnh ngồi gần bà Hai, áp sát vào tai bà :

- Đúng má phải không ? Má nhận ra tụi con không ?

Bà gật đầu. Vừa lúc ông Hai quay về phía bà ;
- Đúng là bà và mấy đứa nhỏ rồi.

Hiệp ngồi cạnh ông Hai cũng choàng người qua :

- Má chứ còn ai nữa. Cái mặt con hồi nhỏ ngố quá há má.

Hảo và Hương ngồi xa, nghiêng người nhìn bà, gật gật đầu.

- Đúng là cái mặt chị Hảo.
- Con nhận ra Má liền.

Gia đình bà đang xì xào về một cảnh trong phim tuy chỉ có vài giây đồng hồ ngắn ngủi nhưng là một mắt xích trong một giai đoạn lịch sử đau thương của miền Nam.

Trên đường về nhà, mấy cha con ông Hai bàn tán rôm rả về cuốn phim. Bà Hai nhìn ra ngoài trời tối đen. Một dãy đèn vàng chạy dài trên dòng freeway ngược chiều làm bà lóa mắt. Bà tựa đầu trên ghế, quay mặt về phía cửa kính, nhắm mắt lại. Hạnh nói Má mệt, thôi để Má ngủ. Bà không muốn cho các con thấy hai hàng nước mắt trào ra ướt đôi kính trắng đọng trên đôi má. Bà nhớ đến chiếc áo bà ba tím, chiếc áo màu tím của Vân.

Ngày đó, thư từ và tin tức từ Việt nam qua Mỹ của Vân và gia đình bà đều qua trung gian cô em gái ông Hai ở Pháp. Bà biết tin sau khi gia đình bà đi Mỹ, nhà bà bị xếp vào loại "theo chân đế quốc", và "Ngụy quân". Hai ông bà già tuổi gần đất xa trời thay vì đi kinh tế mới, "cách mạng khoan hồng" đẩy Vân và ông bà cụ lên tầng trên, nhường căn nhà mặt tiền cho một gia đình cán bộ tập kết vào ở. Ông cụ mất năm sau đó và hai năm sau bà cụ mất, Vân bị đuổi ra khỏi nhà. Căn nhà thuộc sở hữu của tên cán bộ. Cường bị kẹt sau ngày ba mươi tháng tư và bị bắt đi học tập cải tạo tại Nha Trang. Vân liên lạc được với Cường và hàng tháng Vân đi thăm nuôi Cường.

Lá thư Vân viết vào cuối tháng mười hai kể về chuyện Cường trốn trại gửi qua Pháp làm bà suy sụp tinh thần cả tháng trời. Trốn trại lần thứ nhất Cường và một người bạn bị bắt và bị biệt giam. Thời gian sau được thả ra, Cường trốn trại lần thứ hai và bị bắn chết trong rừng. Vân đem xác chồng về hỏa thiêu rồi thả tro xuống biển.

Bà nhận được lá thư cuối cùng của Vân gửi qua Pháp đề ngày tám tháng ba năm một chín bảy tám, trong thư Vân cho biết sẽ đi thăm "Út Hải". Tính đến nay đã ba mươi bảy năm rồi, bà không nhận tin tức gì về chuyến vượt biên củaVân, người em gái bất hạnh của bà.
***
Sáng Chủ nhật, hai mẹ con bà Hai vào tiệm vải trên đường Bolsa để tìm may áo dài cho dịp đám cưới Út Hải sắp tới.

Chọn xong chiếc áo nhung, bà Hai ngắm nghía mãi hai xấp vải lụa màu tím sim và màu tím hoa cà. Hạnh nhớ ra mẹ mình thích màu tím. Cô chọn và may cho mẹ chiếc áo bà ba màu tím sim vì màu này hợp với tuổi bà. Từ khi xem cuốn phim "The last days of Vietnam", hình ảnh mẹ cô mặc chiếc áo tím cùng với năm chị em ngồi trên máy bay trong ngày di tản, cái chết của chú Cường bị bắn trong rừng, dì Vân vượt biên mất tích và những hình ảnh về cuộc di tản và vượt biên của người Việt nam trong phim làm cho cô gái người Mỹ gốc Việt này băn khoăn, thao thức muốn tìm hiểu câu chuyện về những thuyền nhân Việt nam.

Cô đọc đâu đó có một người ký giả Tây phương đã dí dỏm khi ví von nếu cái cột đèn biết đi, nó cũng ra đi tìm tự do và để tránh chính sách khắc nghiệt của Cộng sản. Nhờ xem phim này, cô phân biệt được hai giai đoạn lịch sử, hai từ ngữ "di tản" và "vượt biên" một cách rõ ràng mà trước đây cô chỉ suy nghĩ một cách chung chung và mơ hồ. Gia đình cô là một trong hàng trăm ngàn người may mắn di tản an toàn bằng máy bay trước ngày ba mươi tháng tư. Nỗi gian khổ của gia đình cô trong những ngày đầu tiên lập nghiệp ở xứ Mỹ có thấm thía gì với những người vượt biên bằng đường biển và đường bộ. Không có thống kê, không có con số chính xác nhưng ước chừng có gần một triệu người, trong số đó cứ ba người bỏ nước ra đi, một người đến an toàn, một người bị bắt ở tù và một người chết.

Có lúc cô nhìn lên ảnh dì Vân trên bàn thờ và nghĩ đến cái chết của dì Vân. Dì chết trong trường hợp nào, ở đâu ? Vì đói, khát hay vì bệnh hoạn ? Dì chết chìm, bị bắn chết hoặc bị hải tặc hãm hiếp ? Dì chết trên bờ, ngoài bãi, trong rừng hay ngoài biển khơi ? Dì Vân của Hạnh chỉ là con số một nhỏ nhoi trong hàng trăm ngàn người mất tích này. Hàng trăm ngàn người may mắn đến bến bờ tự do được Cao ủy Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước như Phi, Mã Lai, Thái Lan, Sigapore, Hồng Kong, Úc, Tân Tây Lan... đón nhận họ. Các hòn đảo nơi đó có những trại tị nạn một thời trở thành những địa danh thấm máu và nước mắt, ghi sâu trong ký ức những người vượt biên như Sikew, Songkhla (Thái Lan), Galang (Nam Dương), Pulan Bidong (Mã Lai), Bataan, Palawan (Phi).

Hạnh nhớ có đọc đâu đó có người đặt cho các làn sóng vượt biên vĩ đại ở biển Đông kéo dài gần hai mươi năm của người Việt nam cái tên "Exodus". Exodus trong kinh Cựu Ước kể về cuộc ra đi kéo dài 40 năm của người Do Thái muốn thoát khỏi kiếp sống nô lệ ở Ai Cập. Exodus là tên chiếc tàu chở những người sống sót trong cuộc tàn sát người Do Thái đến hải cảng Haifa nhưng bị người Anh trục xuất. Những chuyến tàu vượt biên của người Việt nam sau này cũng như thế. Tàu của họ bị xua đuổi ra hải phận quốc tế trong tình trạng tan nát, thiếu nước, thiếu lương thực, thuốc men. Những người vượt biên đa số là phụ nữ và trẻ em nằm ngoắc ngoải chờ chết mặc dù họ đến được bến bờ tự do.

Vào thời điểm đó, Cao ủy Liên hiệp Quốc đã mệt mỏi vì chương trình tị nạn kéo dài, một phần vì sự ra đi liên tục, ồ ạt của những thuyền nhân càng ngày càng nhiều và các trại tị nạn trở thành gánh nặng cho các nước láng giềng, họ đề ra chính sách thanh lọc các thành phần ra đi theo diện chính trị hoặc kinh tế để làm nản lòng và hạn chế số người vượt biên. Nhiều thuyền nhân bị từ chối định cư ở nước thứ ba vì không hội đủ quy chế tị nạn. Trại tị nạn cấm Whitehead ở Hongkong đã xảy ra các vụ biểu tình, treo cổ tự tử, tự thiêu để phản đối, gây tiếng vang và sự phẫn nộ trong dư luận quốc tế. Họ thoát khỏi sự nguy hiểm của sóng to gió lớn ngoài biển khơi nhưng một lần nữa họ chết trong sự lênh đênh, tuyệt vọng trên bến bờ tự do.

Thỉnh thoảng Hạnh vẫn nghe ông bà Hai nhắc đến các từ "học tập cải tạo". Bốn mươi năm về trước, ông Hai đã quyết định dứt khoát phải ra đi trong tiếng khóc sụt sùi của bà Hai. Ông biết rõ nếu ở lại Việt nam, ông sẽ là một trong hàng triệu người bị Cộng sản đầy ải. Nếu không chết trong các trại tù tập trung này, ông cũng chết trong rừng như Cường hay ngoài biển như Vân.

Hạnh muốn cám ơn những người làm phim giúp cho Hạnh và những người trẻ lớn lên ở xứ Mỹ hiểu và chia sẻ lịch sử bi thảm của đất nước, dân tộc Việt nam trong cuộc di tản trước ngày ba mươi tháng tư và cuộc vượt biên kéo dài gần hai mươi năm. Những người làm phim đã nêu lên tình cảm tốt đẹp của những người lính Mỹ, những nhân viên tòa đại sứ khi họ không tuân lệnh cấp trên tìm cách giúp những người Việt nam như gia đình ông Hai di tản.

Hạnh nghĩ có một hôm nào đó Hạnh sẽ đến ngồi gần Ba nói lời cám ơn Ba ngày đó Ba đã sáng suốt, dứt khoát ra đi để chị em Hạnh có được một tương lai tốt đẹp ở một đất nước tự do như xứ Mỹ. Hạnh muốn cám ơn đất nước Mỹ đã cưu mang gia đình Hạnh trong những ngày đầu tiên bơ vơ nơi xứ người. Ba má Hạnh, dì Vân, chú Cường, thế hệ thứ nhất đã hy sinh quá nhiều cho thế hệ các chị em Hạnh. Giờ đây, thế hệ này đã cắm những gốc rễ vững chãi tại quê hương thứ hai này để cho thế hệ thứ ba nở những hoa thơm trái ngọt.

Thỉnh thoảng Hạnh thấy mẹ mặc chiếc áo tím đứng thắp nhang trước bàn thờ có di ảnh của dì Vân. Trước đây, tấm ảnh để thờ là tấm ảnh đen trắng dì Vân chụp hồi còn trẻ được phóng lớn đặt bên cạnh ảnh chú Cường và ông bà ngoại. Chiều nay, Hạnh mang về tấm ảnh màu. Người thợ hình đã tô vẽ và làm mới lại. Có một chút màu sắc, ảnh dì Vân trông đẹp hẳn lên. Hạnh ngắm nghía mãi tấm ảnh. Hai chị em giống nhau như khuôn đúc. Có lúc Hạnh bàng hoàng cứ ngỡ đó là bà Hai hồi còn trẻ.

Điểm đặc biệt của tấm hình này là chiếc áo màu tím hoa cà. Theo lời yêu cầu của Hạnh, người thợ hình đã tô vẽ màu tím hoa cà trên chiếc áo bà ba trắng của Vân. Tấm ảnh đã có màu sắc mới, màu tím của chiếc áo ngày xưa, màu tím mà bà Hai và Vân đều thích khi còn trẻ. Chiếc áo bà ba màu tím ấy chỉ xuất hiện một lần trong cuốn phim "Những ngày cuối cùng ở Việt nam" nhưng trong tâm tư bà Hai và đứa con gái út hiểu người Mẹ nhất trong nhà, chiếc áo bà ba tím mãi mãi là một kỷ niệm buồn về một người thân không bao giờ gặp lại ./.


Phùng Annie Kim

Áo Bà Ba Tím - Viết Về Nước Mỹ - Việt Báo Viết Về Nước Mỹ (vietbao.com)

No comments:

Post a Comment