Theo
dự định sau khi làm hết mọi việc ở khu chính giữa thành phố tôi vào 1 Trung tâm
cho những người già để ăn trưa cùng các bạn lão niên. Thành phố này có nhiều tổ
chức ưu ái với người già. Không biết theo thống kê thì có bao nhiêu người lớn
tuổi trong thành phố gần 2 triệu dân này, thế mà họ có 1 bà phó thị trưởng đặc
trách văn phòng thu nhập những ý kiến, nguyện vọng của người già. Khu nào lớn
trong thành phố cũng có 1 ủy ban đặc trách người già và 1 trung tâm cho các cụ
gồm quán ăn, quán cà phê, thư viện, các phòng giải trí và những phòng đặc biệt
để nhiều nhóm có những sở thích khác nhau có thể thường xuyên gặp gỡ. Riêng tại
khu phố cổ lại có trung tâm chính với trụ sở lớn cho các cụ gặp nhau có cả quán
ăn do chính các cụ tự tổ chức, điều khiển với nhiều người tình nguyện. Thật
đáng phục việc điều hành hoàn toàn do tinh thần tự nguyện mà mọi việc đều trôi
chảy dễ dàng không kém gì 1 tổ chức thương mại tư nhân hay một công sở.
Có lẽ tôi là một người hay lui tới Trung tâm nên quen mặt nhiều người và cũng từng được nhiều người giúp đỡ trong các việc riêng cần thiết. Khi Laptop có vấn đề gọi điện đến là có 1 cụ kỹ sư điện toán đã về hưu thường giúp, hay khi máy móc gì hỏng cũng có thể “cầu cứu” được. Đặc biệt là quần áo nếu cần khâu vá sửa đổi thì đã có nhiều cụ bà. Mắt người nào khiếm thị cũng có thể đến đây nhập vào nhóm. Đọc cho nhau nghe rồi cùng luận bàn về thời sự. Để đáp lại tôi tham gia nhóm thăm viếng người bệnh, đi gặp ai cần người cùng đi dạo, dẫn đến bác sĩ hay muốn khuây khỏa giãi bày tâm sự với ai đồng trang lứa…..
Khi tôi bước vào thì
khu nhà hàng ăn của Trung tâm còn vắng vẻ. Tôi ngồi vào một bàn đã có 1 cụ ông,
hai bên đều có cái nhìn trao đổi, chào đón. Ông cụ mặc một bộ đồ lớn sang trọng
nhưng có vẻ bớt hợp thời trang. Chiếc sơ mi là thẳng tắp, không có cà vạt. Tôi “liếc trộm” xuống chân cụ thì đúng như dự đoán, cụ đi đôi
giày da bóng loáng với đôi tất thích hợp, khác hẳn với nhiều người lớn tuổi về
hưu hiện nay thường đi giày vải thể thao cho tiện.
Thực khách đông dần,
trong bếp xôn xao tiếng người tình nguyện nhịp nhàng chia nhau công việc.
Khoảng 15 phút sau bắt đầu giờ ăn. Hoạt động như thoi đưa giữa nhà bếp và phòng
khách. Bên ngoài mấy con chim bồ câu bay vào tận phòng ăn, bạo dạn không sợ ai,
coi đây cũng là nhà hàng của chúng! Tuy ở giữa thành phố, một tấc đất là một
tấc vàng, nhưng trụ sở của những người cao tuổi này rất rộng , có nhiều cây cối
như 1 công viên nhỏ. Hôm nay trời đã gần giữa trưa nhưng chưa có cái gay gắt
của nắng hè. Mặt trời dìu dịu chiếu xuống vòm cây khiến những cành lá rung rinh
in hình xuống đường đi thành những hoa nắng rỡ ràng. Ngoài vườn cũng có một số
bàn để thực khách có thể ra vườn ngồi ăn, nhưng hôm nay chưa thấy ai ra.
Trong nhà khách đã
đông hơn. Một tình nguyện viên nữ tóc bạc phơ đến vỗ nhẹ lên vai ông cụ cùng
bàn tôi, có vẻ rất quen biết, thân tình. Bà đặt đĩa đồ ăn cho ông cụ và chúc ăn
ngon. Ông cụ nhìn tôi và cũng chúc như thế. Tôi mỉm cười chúc cả các bạn láng
giềng bằng một ngôn ngữ xuề xòa hơn. Ông cụ cùng bàn ăn uống có vẻ khó khăn,
tay run run, mặt cúi gần sát đĩa. Cụ thoáng liếc nhìn tôi. Mỗi lần cắt chiếc
đùi gà nhiều khi dao đưa không trúng cụ lại liếc nhìn tôi nữa. Ông cụ này chắc
ngày xưa phong lưu đài các lắm, hẳn cũng có một địa vị cao ở sở làm, tôi nghĩ
thế. Tôi bỗng thương cụ và để “giải phóng” khỏi cảnh này chắc phải làm “cách mạng” . Hôm nay thực khách được thưởng thức món gà quay
theo “kiểu đặc biệt của các bà nội tướng”, gồm cả nửa con gà màu nâu bóng rất
mỡ màng, hấp dẫn. Tôi nghĩ thầm, thản nhiên bẻ chiếc đùi khỏi lườn và cánh gà,
cầm chiếc đùi gà “hiên ngang” đưa lên miệng. Và ngoạm một miếng rất ngon lành,
thú vị! Ông cụ nhìn tôi một thoáng rồi cũng cầm chiếc đùi gà lên ăn. Tôi bật
cười, cụ cũng cười theo. Khi nhìn sang bàn bên cạnh bỗng thấy các cụ ông cụ bà
ai cũng bẻ chiếc đùi gà ngoạm rất hả hê, không dùng dao nĩa nữa. Ai nấy đều ăn
một cách thoải mái ngon lành. Tiếng cười vui tự nhiên nổi lên ở góc chúng tôi
ngồi khiến cả phòng quay lại nhìn, ra hiệu cho nhau và trưa hôm đó có một cuộc
ăn bốc tự nhiên như bên Ấn Độ.
Tất cả mọi người đang
vui vẻ thì một bà cụ từ trong bếp đi ra. Mái tóc bạch kim của cụ óng ánh thêm
do nắng hè qua cửa kính chiếu vào. Ai nấy nhân ra đó là “Bà Mẹ Cưng” của Trung
tâm. Tiếng cười nói ồn ào bớt đi trước vẻ mặt nghiêm trang đe “dọa” của Mẹ
Cưng. Bà cầm dao nĩa của 1 cụ gần đó giơ lên:
– Lần sau có món
gà chiên sẽ không dọn dao nĩa , đỡ tốn sức lao động, đỡ tốn điện cho máy rửa
chén dĩa. Rồi Mẹ Cưng cười tươi rói:
– Ừ, để lần sau
chúng tôi sẽ dọn cho mỗi người thêm 2 cái khăn giấy để lau tay cho sạch.
Mọi người tiếp tục
cười nói hả hê. Mẹ Cưng tiến về phía tôi:
– Anh ăn nhẵn
muỗng nĩa của Trung tâm sao mãi hôm nay mới có sáng kiến vậy? Cho sử sách sau
này ghi công anh, phải gọi cuộc cách mạng của anh là gì?
Một cụ thạo chính trị
nói:
– Có cách mạng vô
sản rồi, có cách mạng mùa xuân Ả rập rồi... đặt tên gì hấp dẫn môt chút!
Mẹ cưng quay sang tôi:
– Anh được quyền
đặt tên. Nói tên cách mạng của anh để tôi sẽ kê khai món ăn vào thực đơn.
Tôi vốn nghĩ chậm chưa
kịp trả lời thì mấy cụ xung quanh đã nhao nhao:
– Thì cách mạng
đùi gà chứ còn gì nữa.
Mẹ Cưng:
– Ừ thế thì hôm
nào có món như hôm nay Thực đơn sẽ chính thức ghi Món cách mạng đùi gà và chúng
tôi không dọn dao nĩa nhưng sẽ cho các anh chị nhiều khăn giấy lau tay hơn!
Thế là lịch sử của
Trung tâm già thành phố đã có một cuộc cách mạng không bạo lực, chắc giải
Nobel hòa bình sẽ đến như chơi!
Từ bếp các cụ bà bắt
đầu mang khay Pudding tráng miệng ra phân phát cho chúng tôi. Đúng là cây nhà
lá vườn: bột của đồ tráng miệng mịn và có một mùi thơm khó tả, chắc không
restaurant nào có được.
Bữa ăn qua đi nhưng đồ
ăn còn lại nhiều. Đĩa của cụ cùng bàn tôi còn 1 chiếc cánh gà và một phần lớn
ức gà. Cụ lẳng lặng lấy trong túi mang theo 1 hộp nhỏ ra và cúi thật sát vào
đĩa đồ ăn gạt những thứ còn lại vào hộp. Cụ lại liếc nhanh về phía tôi, có vẻ
ngượng, nhưng tôi lờ đi và đưa đẩy vài câu với cụ, khen Pudding nội trợ ngon
quá. Còn nói thêm tiếc rằng đã không có hộp mang theo, nếu không tôi cũng mang
đồ còn lại về.
– Tội gì chiều
nay phải lỉnh kỉnh nồi niêu cho thêm mệt thân già.
Thế là chúng tôi cùng
cười nhẹ, ý hợp tâm đầu với cụ. Tôi nghĩ rằng nếu có thời gian chắc cụ có thể
cũng muốn chúng tôi thành bạn hữu.
Tôi phải đi và cụ cũng
phải về. Chúng tôi đứng dậy cùng đi về phía cửa. Bấy giờ mới nhận ra cụ đi rất
chậm với chiếc gậy và bước những bước ngắn, chắc động lực
từ đôi chân không còn nhiều. Chúng tôi từ biệt nhau và tôi nhận ra, thêm trong
dáng điệu của cụ vẫn còn vương vấn một chút gì thanh cao lịch thiệp. Có lẽ hồi
xưa trong 1 nhà hàng sang trọng khi từ biệt đối tác cụ đã để lại trong lòng
người kia một cảm giác khó quên về 1 bữa ăn thịnh soạn và những câu đối thoại
linh động mà lịch lãm của một Top Manager. Cụ nói “Tam biệt anh” chứ không “tạm biệt cụ” hay “ông”, rút ngắn khoảng cách xã giao dù mới gặp nhau chỉ một lần.
Tôi cũng nhẹ nhàng cười thân thiết, đáp lại:
– Hy vọng sớm có
dịp gặp lại anh.
Rồi giơ tay vẫy. Cụ
cũng giơ tay vẫy theo. Nhưng cái vẫy tay của cụ mang một chút gì khó khăn, mệt
nhọc. Chúng tôi đi hai ngả đường, còn quay lại vẫy tay chào nhau đôi lần nữa.
Trung tâm thành phố cổ
tràn ngập du khách ngoại quốc và cả người địa phương. Ở 1 thành phố gần 2 triệu
người, giao thông tuy được bình chọn là hoàn hảo bậc nhất, gặp nhau đâu có khó
gì, nhưng với sức khỏe và tuổi tác của cụ bạn vừa quen, mà tôi cũng không
còn trẻ trung, thì câu hẹn gặp lại nhau chắc gì thành hiện thực? Đời này đã gặp
nhau một lần, có còn gặp nhau nữa không, hay đã chỉ là một lần độc nhất?Nắng hè
đẹp quá. Ngước nhìn trời, lơ lửng trên đầu một đám mây lớn bềnh bồng đang tan,
chầm chậm tỏa thành những vần trắng trên không gian bát ngát.
- Ừ nhỉ, sao lòng mình
hình như cũng mênh mang?…
Munichen, 11/11/22
NGUYỄN
- KHẮC TIẾN - TÙNG
No comments:
Post a Comment