Saturday, May 24, 2025

5 Màn Xiệc Nguy Hiểm Đến... Đứng Tim.... MOST DANGEROUS ACTS | Britain's Got Talent 2018

Thật ra các màn xiệc 3, 4 và 5 mới thật nguy hiểm, chỉ sơ xảy một tích tắc là không chết cũng bị thương nặng, nhất là màn 4 của hai anh em người Việt Nam, chỉ cần mất thăng bằng một giây là có người không bể nát đầu cũng gẫy cổ chết ngay... Còn hai màn 1 và 2 đều có thể được cứu sống dễ dàng...

Tại Sao Ông Trump Muốn Làm Tổng Thống? - Vũ Linh


Ông Trump Là Con Người Như Thế Nào?

Qua một nhiệm kỳ 4 năm dở dang và 3 tháng nhiệm kỳ thứ nhì, tuy ngắn ngủi, nhưng đã quá đủ để lịch sử nhận định ít nhiều về con người Tổng thống Trump.

Qua các trang mạng cộng đồng, hệ thống Emails của cộng đồng tị nạn cũng như cả cộng đồng Mỹ và thế giới, thiên hạ đã có dịp đọc hàng vạn, hàng triệu, hàng tỷ phê phán, ca ngợi hay công kích ông Trump. Con người ông Trump có điểm đặc biệt là kích động lên những cảm giác mạnh nhất, hoặc ủng hộ tuyệt đối, hoặc chống đối cũng tuyệt đối, không bao giờ có người nào có thể lửng lơ, hững hờ khi nghe tên ông, trừ phi không bao giờ để ý tới chính trị. Lạ lùng hơn nữa, Trump cũng là người có thể biến đổi một người từ cuồng chống trở thành cuồng mê Trump, hay ngược lại, đang cuồng mê bất thình lình trở thành cuồng chống.

Ông Trump hoàn toàn không giống một chính trị gia tiêu biểu, trước khi nói phải uốn lưỡi cả chục lần, làm gì cũng cân nhắc hậu thuẫn chính trị. Trái lại, ông là người tự cho mình một trách nhiệm nếu thấy việc cần phải làm là làm, nói là làm, chẳng nể nang ai, chẳng biết ‘tế nhị’ nghĩa là gì, không bao giờ cân nhắc hậu thuẫn chính trị. Nhiều người ghét cho ông Trump là ngạo mạn, coi thường thiên hạ, không khéo léo, ăn nói du côn,… Nhiều người khác -trong đó có kẻ này- thích ông vì tính cương trực có sao nói vậy, chịu hay không chịu, ông không cần biết.
Ông Trump có cái tài có một không hai, cái tài đặc biệt mà tất cả các chính trị gia đều ước mơ: đó là khả năng thu hút sự chú ý của thiên hạ, đặc biệt là của giới truyền thông. Năm 2016, theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhờ cái tài đó mà giới truyền thông đã quảng cáo miễn phí cho ông, đáng giá cả trăm triệu đô.

Trong tang lễ Đức Giáo Hoàng, ông mặc bộ đồ màu xanh dương đậm thay vì mầu đen -cả Biden, Thái Tử Anh Williams và cả trăm quan khách khác cũng vậy-, báo chí loan tin này nhiều gần bằng tin về tang lễ. Các cụ vẹt mừng hơn trúng số, mắc bẫy ngay vì đầu óc nông cạn mà lại quá nhiều ái ố, mau mắn gửi email cho cả thế giới, nhục mạ Trump về màu áo (có chuyện chửi Trump, bỏ qua sao được?) trong khi im re về Biden. Ngay cả việc nói chuyện với Zelensky, cách ông Trump làm, kéo ghế 2 người ngồi giữa một căn phòng rộng lớn, không có ai khác chung quanh, không phụ tá, không thông dịch viên, không chính thức thu âm, ghi chép gì,… cũng đã là đề tài nổi bật của tang lễ, vì thế giới chưa từng thấy một cuộc gặp mặt giữa hai Tổng thống lạ lùng như vậy.


Riêng cộng đồng tị nạn Việt thì nhờ gia tài hơn bốn ngàn năm văn hóa, con rồng cháu tiên, ta đã có dịp nghe/đọc những sỉ vả tệ hại nhất, vô lý nhất, ấu trĩ nhất, thậm chí thô tục nhất, bẩn thỉu nhất,… về cá nhân ông Trump. Điều thật đáng buồn là tất cả những nhục mạ đó tuyệt đối chẳng có một giá trị chính trị hay lịch sử nào, chẳng ảnh hưởng một ly ông cụ nào đến thanh danh, tên tuổi, đường lối cũng như vị trí trong lịch sử nước Mỹ cũng như lịch sử nhân loại của cá nhân ông Trump, mà chỉ phản ảnh tư cách và trình độ của đám vẹt suốt ngày ngồi rủa nhảm.

Thẳng thừng mà nói, những chửi rủa Trump như “thằng lưu manh, thằng mất dạy, thằng già 3 tuổi,…” có giá trị như thế nào trong con mắt một sử gia muốn nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh dấu ấn của TT Trump trong lịch sử Mỹ hay lịch sử nhân loại? Chỉ là rác rưởi đọc bẩn mắt, tuy khiến đám vẹt tác giả hả dạ, hể hả với văn phong thiên phú thần sầu quỷ rống của chúng. Những tố giác Trump gian dâm, trốn thuế, lừa đảo, nói láo, hèn hạ, bất nhất, ngu xuẩn,… tất cả đều ấu trĩ, trẻ con, chỉ phản ảnh đầu óc nhỏ nhen không thể nhìn thấy cả vườn hoa mà chỉ tưởng tượng thấy mấy con giun đang bò dưới vài cọng cỏ dại. Những bôi bác Trump là tay sai Putin, nịnh Tập, sợ Ủn,… nghe thô thiển, chỉ chứng minh đám vẹt mù tịt về những quan hệ chính trị quốc tế. Chưa đủ! Lại còn thêm những tin xuyên tạc, tin dựng đứng cứ như thật như “Trump cắt 880 tỷ Medicaid” cho dù chưa ai bị Trump cắt một xu nào, hay “Trump mở cửa giúp cho Putin… chiếm Ukraine” cho dù Putin đánh và chiếm đất Ukraine hai lần, lần đầu dưới thời Obama, lần thứ nhì dưới thời Biden, trong khi khoanh tay ngồi im dưới thời Trump. Khi công kích hoàn toàn dựa trên phếc niu thì những công kích đó đã tự hạ giá trị rồi, không còn gì để tranh luận nữa.

Đám vẹt muốn ghét, muốn sỉ vả, nhục mạ Trump tới đâu cũng được, ông ta vẫn còn ngồi đó 3 năm và 9 tháng nữa. Thượng nghị sĩ lãnh đạo khối đa số trong thượng viên, ông John Thune, đã nói hụych tẹt ra “Đám DC có thể gào thét, tự đốt tóc của mình,… cũng chẳng thay đổi được gì”. Sorry nhé! Nếu có thể có một lời nhắn nhủ đám vẹt già, kẻ này phải khuyên… “Hãy trưởng thành đi! Hãy cư xử cho đám con cháu biết người lớn là người có tư cách như thế nào”. Trump không phải là siêu nhân hoàn hảo, đã, đang và sẽ làm cả lô chuyện sai, thiếu gì chuyện đáng chỉ trích, nhưng hãy chỉ trích nghiêm chỉnh, một cách thuyết phục. Chửi sảng, chửi nhảm cũng chẳng khác gì … tự chửi chính mình!

Đánh giá gia tài một Tổng thống để lại cho xã hội trên thực tế phải chờ không phải đúng 100 ngày -thay vì mới 95 ngày đã hấp tấp nhận định để rồi bị chửi ngay là … chưa tới 100 ngày đã lo bàn sảng-, hay 4 năm đủ một nhiệm kỳ, hay ngay cả 8 năm đủ hai nhiệm kỳ. Thậm chí có thể cũng cần đi xa hơn người kế vị nếu người đó là ‘đệ tử chân truyền’.
Các sử gia chỉ có thể đánh giá gia tài của một Tổng thống sau cả vài chục năm sau khi ông Tổng thống đó đã rời nhiệm sở. Dĩ nhiên, cũng phải có những trường hợp đặc miễn khi ta thấy một Tổng thống quá tệ hại, tệ hại đến độ chính các đồng chí cùng đảng của mình phải sợ lưu xú muôn thuở cho cả đảng, để chính họ phải xúm lại lôi cho bằng được ra khỏi cái ghế mà ông Tổng thống đó đang ngồi, như trường hợp cực kỳ hy hữu có một không hai trong lịch sử chính trị Mỹ của cụ Biden.
Do đó việc đánh giá gia tài của TT Trump có lẽ phải chờ ít ra năm bẩy năm nữa mới có giá trị chính xác. Kẻ này khi đó sẽ cố gắng thử lửa -nếu còn sống với DĐTC!!!-.

Nhưng ngay bây giờ, việc ta có thể làm là có vài nhận định về con người ông Trump, xem thử tại sao ông Trump muốn ra làm tổng thống, viễn kiến và ý muốn của ông là gì, cách hành xử của ông như thế nào, chưa dám bàn đến việc ông sẽ thành công hay thất bại. Ông Trump không phải là một siêu thánh nhân, làm gì cũng thành công. Thất bại là chuyện có thể xẩy ra với ông Trump, như với bất cứ ai khác, với bất cứ tổng thống nào khác.

Tại sao ông Trump muốn làm tổng thống?

Ở đây phải nói ngay yếu tố hiển nhiên nhất: cả đời, ông Trump chưa khi nào để ý hay thích thú với chính trị. Với tư thế, tiếng tăm, quen biết và quan hệ trong giới tai to mặt lớn, và tiền bạc rủng rỉnh cả đời, ông Trump đã có thể nhẩy vào chính trị từ cả mấy chục năm trước, làm Dân biểu hay Thị trưởng New York hay thống đốc New York, hay gì gì đó, rất dễ dàng. Chính ông đã chi tiền ra cho không biết bao nhiêu chính trị gia giúp họ đắc cử nhiều chức vụ lớn nhỏ, nghĩa là ông Trump đã dư thừa khả năng ‘mua’ bất cứ chức vụ địa phương hay tiểu bang hay liên bang nào. Nhưng ông đã không làm. Chứng tỏ ông không màng chức vụ gì trong chính trị.

Nhưng cuối cùng thì ông đã nhẩy vào chính trị. Nhưng không phải để dành giựt ba cái chức vị mà ông coi là ruồi bu ở cấp địa phương, tiểu bang, hay ngay cả liên bang. Qua 8 năm Obama, rồi qua viễn tượng một bà Hillary sẽ tiếp nối gia tài của Obama thêm một hai nhiệm kỳ với 4 hay 8 năm nữa, ông Trump đã cho rằng như vậy sẽ quá hại cho nước Mỹ, không thể ngồi ngó lơ nhìn nước Mỹ lao xuống hố xã nghĩa được. Và năm 2016, ông đã ra tranh cử tổng thống. Sau đó, chuyện gì đã xẩy ra, mọi người đều đã rõ.
Ông Trump lần đầu tiên trong đời, nhẩy vào chính trị, mà nhẩy vào thẳng một vị trí cao nhất mà ông nghĩ để có thể làm được cái gì để thay đổi nước Mỹ, thay đổi xã hội Mỹ, thay đổi hướng đi tương lai cho nước Mỹ, theo một viễn kiến mà ông nhìn thấy và muốn theo đuổi.

Ông săn tay áo để bắt tay vào việc đổi đời. Nhưng thời gian đầu, hay chính xác hơn, nguyên nhiệm kỳ đầu, ông đã thất bại, thẳng thừng mà nói. Vài năm đầu là những năm học nghề, tìm hiểu guồng máy chính quyền vận hành như thế nào, đi tìm người cộng tác,… Dù trong thời kỳ mò mẫm, cũng đã làm được một việc mà mấy chục năm qua, không tổng thống nào làm được hay muốn làm: cắt giảm thuế cho cả nước. Nghĩa là mang tiền từ guồng máy công quyền đang được các quan chức vung qua cửa sổ, mang lại cho người dân để chính họ tự định đoạt xài như thế nào, xài vào đâu, hay để dành cho con cháu. Đối ngoại, ông Trump đã là tổng thống đầu tiên từ cả trước Thế Chiến thứ nhất đã không để Mỹ tham chiến vào một cuộc chiến mới nào. Chưa đâu vào đâu, bất ngờ bị mấy Chú Ba tung qua cả tỷ tỷ vi khuẩn COVID vào đảo lộn mọi chuyện, thậm chí đóng cửa cả nước, cả thế giới. Dân Mỹ với lá gan to hơn gan muỗi, hoảng hốt đi tìm bác sĩ mới, vồ đại cụ lẩm cẩm nhưng hứa cuội giỏi đang trốn dưới hầm làm bác sĩ chặn đại dịch. Công tác của ông Trump bị dở dang. Thất bại. Đại bại đúng hơn.

Nhưng với ông Trump, thất bại là chuyện không thể nào chấp nhận được. Ông có cái tự tin lớn hơn người, không thể tin là mình có thể thất bại được nên đã cố… đổ thừa tứ tung để giải thích việc ông thất cử. Tuy không sai lắm khi những chính quyền vài tiểu bang then chốt như Pennsylvania, Michigan, Georgia, Arizona mánh mung hay gian lận phiếu công khai để giúp Biden đắc cử hay chặn không cho Trump tái đắc cử. Nhưng ông Trump không chỉ ăn vạ, đổ thừa, rồi ngồi than khóc, mà ông quyết tâm, phải thắng trở lại.
Và kinh thiên động địa thay, ông thắng lại thật. Khiến đám cấp tiến, truyền thông loa phường và đứa con ghẻ truyền thông vẹt tị nạn, dẫy tê tê hơn đỉa phải vôi. Đảng DC đi vào rối loạn, rắn mất đầu, không có lãnh đạo cũng chẳng còn đường hướng, chính sách gì nữa. Đảng DC đi lạc vào sa mạc!

Viễn Kiến

Bằng mọi giá, mọi cách, ông Trump kiên trì muốn nắm lấy cơ hội để thực hiện viễn kiến vĩ đại của ông. Đó là cái viễn kiến của một nước Mỹ vĩ đại trở lại, cường quốc trở lại, lãnh đạo cả thế giới lại nếu muốn, nếu cần và nếu được, còn không thì… xin lỗi, bất cần thế giới, có sống cô lập một mình cũng chẳng sao, chẳng cần ai. Nhưng ít ra thì bác Sam cũng không còn ẻo lả như một anh lại cái; không nhu nhược để cả thế giới -nhất là những xứ mạo danh là đồng minh- khai thác rồi coi thường; không là nồi cháo heo của dân tứ chiến giang hồ từ băng đảng ma tuý Mexico tới băng đảng cướp vặt Tren de Aragua, tới du đãng MS-13 đổ vào quậy tung trời; không còn là xứ cao bồi của thời lập quốc, nơi mà dân trộm cướp tung hoành như chỗ không người trong khi đòi hủy bỏ hệ thống cảnh sát giữ an ninh trật tự cho dân; không còn là máy rửa tiền tham nhũng của Tầu Cộng, Việt Cộng, … và nhất là không còn lao đầu xuống hố xã nghĩa hay giếng ‘thức tỉnh’ khùng điên.
Ngoài nước, Mỹ sẽ cần giữ vững địa vị đại cường hàng đầu, không thể chấp nhận một trật tự thế giới mới trong đó mấy chú Ba thống trị cả thế giới kể cả Mỹ trong khi con bò Mỹ hấp hối sau khi bị cả thế giới -nhất là các đồng minh mạo danh- vắt sữa tới gần chết khô luôn.

Cái viễn kiến này là giấc mơ không thực hiện không được của ông Trump, nhưng đó cũng là giấc mơ chung của đại đa số dân Mỹ, đã quá chán ngán với cái yếu hèn vô lý của những tay lãnh đạo DC tiền nhiệm. Những cái cúi gập nửa người của Obama trước thế giới, cuộc tháo chạy mất dép khỏi Afghanistan, đóng cửa hàng loạt tòa đại sứ khi thấy thoáng qua hơi gió lộn xộn, những chính sách thức tỉnh biến người thành ngợm quả đã biến thái xứ Mỹ này thành một cái quái thai dị hợm không ai có thể chấp nhận được, ngoại trừ những người phe đảng mù quáng nhất.

Nhìn vào bức tranh tổng thể trên, thì có ngay câu trả lời tại sao ông Trump đã hạ sát ván phe DC, bất kể Biden hay Kamala, trong cuộc bầu cử vừa qua, mà chẳng cần phải là một thiên tài như Einstein hay một thầy bói như Trạng Trình. Giữa cái nước Mỹ ươn hèn của Biden và cái nước Mỹ huy hoàng của Trump, không ai có gì phải thắc mắc lựa chọn bên nào, ngoại trừ những người hoàn toàn mù quáng vì tính phe đảng vô lý nhất.


@**@Vũ Linh

Đến Thượng Đế Cũng Bó Tay



Thượng đế ban cho phụ nữ lông mày:
Họ cạo, xăm đi để vẽ lại theo ý thích...
Thượng đế ban cho phụ nữ lông mi:
Họ nhổ đi để cắm lại theo ý thích...
Thượng đế ban cho phụ nữ lông:
Họ wax đi để trần trụi lại theo ý thích...
Thượng đế ban cho họ đôi môi:
Họ săm, bôi lên theo sở thích của riêng họ...
Thượng đế ban cho họ cái cằm:
Họ cũng tự gọt đi cho thành V-line.
Thượng đế ban cho họ bộ ng;ực:
Họ bơm, sửa vào cho nó thay hình đổi dạng.
... v.v ....
Đấy, đến cả Thượng đế tạo ra họ, còn không khiến phụ nữ hài lòng, thì những kẻ đàn ông người trần mắt thịt các anh đừng hoang tưởng, đừng mơ mộng khiến họ hài lòng nha!

 
Sưu tầm

Người Khách Bí Ẩn - TRE Magazine

Một triệu won do ông A để lại và một lá thư viết tay do ông viết. Nguồn Nhà sách Kyobo

Câu chuyện có thật tại Nhà sách Kyobo nổi tiếng ở quận Gangnam, thành phố Seoul (Hàn Quốc). Hồi tháng 11 năm ngoái, một người đàn ông chừng 30 tuổi để lại chiếc phong bì kẹp trong cuốn sách rồi lẳng lặng bỏ đi. Nhân viên hiệu sách giữ chiếc phong bì như một món đồ khách bỏ quên, tới tháng 3-2024, họ đã công bố mở phong bì này ra, bởi vị khách kia vẫn chưa quay lại. Cả cửa hiệu vô cùng kinh ngạc khi thấy bên trong phong bì là một lá thư viết tay cùng với 20 tờ tiền Hàn Quốc mệnh giá 50,000 won (tổng là 1 triệu won – tương đương hơn 18 triệu VNĐ).

Khách hàng bí ẩn viết trong thư: “Hôm nay mùi hương của cuốn sách khiến tim tôi đập thình thịch. Tôi đã mắc rất nhiều lỗi lầm trong đời. Tôi không thể sửa chữa hết mọi lỗi lầm của mình, nhưng nếu có thể, tôi muốn nhìn thẳng vào sự thật và thừa nhận lỗi lầm. Hơn 15 năm trước đó, tôi là thiếu niên ham chơi. Tôi đã ghé qua Nhà sách Kyobo để đọc sách, sau đó đã ăn trộm sách và đồ dùng học tập nhiều lần. Cuối cùng, tôi đã bị một nhân viên bắt quả tang và mọi chuyện kết thúc khi bố tôi đến xin lỗi và trả tiền mua cuốn sách. Thời gian trôi qua, tôi trưởng thành và lập gia đình rồi có 2 đứa con. Khi nhìn lại, tôi thấy mình mắc một món nợ không thể trả nổi – Những cuốn sách và đồ dùng học tập tôi đã lấy trộm trước khi bị bắt quả tang, tôi nhớ rất rõ. Tôi muốn kể cho các con nghe về cuộc đời mình mà không giấu giếm, nhưng tôi nghĩ mình sẽ vô cùng xấu hổ nếu ai đó hỏi tôi đã làm gì để sửa chữa sai lầm. Đã quá muộn rồi, nhưng tôi sẽ rất cảm kích nếu hiệu sách có thể chấp nhận khoản tiền mua sách này của tôi với tấm lòng rộng lượng. Tôi mang ơn Nhà sách Kyobo bao nhiêu thì tôi sẽ giúp đỡ, cho đi và tha thứ bấy nhiêu.”

Ahn Byung-hyun và Kim Sang-hoon, đồng giám đốc điều hành của Nhà sách Kyobo, cùng gửi lời cảm kích tới vị khách bí ẩn: “Nhìn lại quá khứ không phải là điều dễ dàng, nó càng khó khăn đối với một người đàn ông ở độ tuổi 30. Chúng tôi luôn nhớ lại lời dạy của người sáng lập nhà sách – Cố Chủ tịch Shin Yong-ho rằng không được chửi bới làm nhục thiếu niên ấy ngay cả khi cậu bé lấy trộm cuốn sách, phải dùng những lời lẽ tốt đẹp dạy dỗ cho đứa trẻ ở một nơi mà người khác không nhìn thấy. Nhà sách Kyobo sẽ tặng thêm 1 triệu won cùng với số tiền của vị khách hàng bí ẩn và chuyển tổng cộng 2 triệu won cho tổ chức từ thiện trẻ em Save the Children.”


Thanh Loan chuyển

Bạc Tóc Tuổi Hai Mươi - Phạm Thị Mai Hương

Tác giả cùng các em học trò. (Hình: Tác giả cung cấp)

Từ giã mái trường thân yêu (ngày 15 Tháng 3, 1975)

Đà Lạt, Tháng 3, 1975, thành phố tôi ở vốn bình yên, an lành trong các tỉnh thành miền Nam ngay cả những ngày chiến tranh khốc liệt nhất, bỗng trở nên xáo trộn. Người ta bàn tán, thì thầm to nhỏ về cuộc chiến, tính chuyện tản cư. Dù không hiểu hết điều gì sẽ xảy ra nhưng ai cũng cảm nhận không khí chiến tranh đang tới gần, tới rất gần. Để trấn an nỗi sợ hãi, người dân đổ tiền ra mua đồ dự trữ: gạo cơm, thuốc men, xăng dầu, nhất là mì ăn liền, phòng khi cuộc chiến xảy ra. Bề ngoài thành phố bình yên đến lặng lẽ, người ta giấu nỗi sợ hãi vào lòng. Dọc các con phố chính, các cửa hiệu lần lượt đóng cửa, báo hiệu chủ nhân đã đi tản cư. Người ta ra đi, không ồn ào sôi động.

Sáng nay, tôi và các bạn đồng nghiệp vẫn đến trường trên chiếc xe lam đưa rước hàng tháng. Ngôi trường tiểu học Đa Phước nằm tận Trại Mát, cách trung tâm thành phố 10 km, dưới chân ngọn đồi cao làm Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Dã Chiến. Đường đi rất thơ mộng, len qua những rặng thông xanh thẳm, vòng quanh những ngọn núi chập chùng. Mấy hôm nay, chúng tôi không cảm thấy vẻ đẹp của giọt sương mai ướt đẫm lá cây hay tia nắng sáng rọi qua tán lá. Dẫu không nói ra, nhưng mọi người đều e ngại nhìn hai bên sợ bóng những người mặc áo bà ba đen xuất hiện, lo lắng nhìn trên lòng mặt đường xem có cây cối chắn ngang đắp ụ.

Chiếc xe lam bỏ chúng tôi trước cổng trường rồi vội vàng quay về lại thành phố. Sân trường không bóng dáng học sinh. Chúng tôi hoang mang nhìn nhau, vội vàng vào văn phòng. Ông hiệu trưởng già dường như chờ chúng tôi từ lâu. Ông nhỏ giọng:

– Tôi muốn liên lạc với các cô mà không được. Tình hình an ninh không xuôi lắm. Cha mẹ học sinh không cho con đến trường, họ sợ có chuyện gì, con họ còn nhỏ về nhà không kịp.

Giọng ông nhỏ hơn, lo âu:

– Với lại ở dưới này xa quá, tôi có nghe trong Tây Hồ, Trạm Hành, buổi tối V.C. đã về. Thôi các cô mau quay lại, khi nào tình hình sáng sủa hãy xuống. Giờ không còn xe lam, các cô qua đón xe đò nghe.

Chúng tôi nặng trĩu lòng, đứa nào cũng mới ra trường nên đối với ông như một người cha. Chúng tôi chào ông và băng qua bên kia đường. Chờ chúng tôi ra khỏi cổng, ông lấy chiếc xích lớn khóa cổng rồi đi về hướng chợ. Dáng ông nhỏ lại, hai vai trĩu xuống, như vác một gánh nặng trên lưng. Đứng chờ xe, tôi chưa hoàn hồn, tiếc nuối vì chưa một lời từ biệt học sinh, những em học sinh đầu tiên của tôi. Hình ảnh 28 em hiện rõ từng nét mặt, dáng người.

Võ Quang Nam nhỏ con nhưng chững chạc, ngồi ngay bàn đầu, em giỏi và ngoan nhất lớp, chẳng khi nào nói chuyện khi tôi giảng bài. Hôm Nam bị ốm, tôi rủ cả lớp đi thăm, cả lớp thưa:

– Cô ơi! Vào nhà trò ấy sợ lắm, ba trò chết rồi, mẹ trò hay nổi cơn điên cầm dao chém người. Mọi chuyện ở nhà, trò đều tự làm lấy.

Thảo nào khuôn mặt em mang vẻ cam phận, nhẫn nhục mỗi khi bạn bè tị nạnh bảo tôi thiên vị.

Nguyễn Mẹo thông minh, giỏi toán, chăm học nhưng viết chữ xấu, không chú ý nên bài làm ít được điểm cao. Mẹo tốt với bạn bè, lễ phép với tất cả thầy cô. Đôi khi em làm tôi bối rối vì những câu hỏi thông minh bất ngờ. Tôi thực sự thương em hơn, khi biết nửa năm ngoái, em phải nghỉ học đi làm thuê, vậy mà khi đi học lại vẫn không chịu kém ai.

Nguyễn Văn Mỹ mồ côi cha mẹ, ở với cậu mợ. Khi người chị ruột duy nhất của em chết vì bệnh thì khuôn mặt em tắt tiếng cười, học hành sút hẳn, người như ở trong mê.

Trần Phương có khuôn mặt luôn cười. Mấy ngày đầu vào nhận lớp, tôi cho bài tập, em không làm. Bực mình, tôi hỏi:

– Ba em làm gì?

– Thưa cô! Ba em đi lính ở xa.

– Má em làm gì?

– Thưa cô! Má em đi làm thuê.

– Em có anh chị không?

– Thưa cô, không. Em là anh đầu.

– Ba em đi lính biết sống chết ra sao, má em đi làm thuê cực khổ mà em không chịu học để buồn lòng ba má. Em là anh đầu sao không làm gương cho các em.

Tôi bất ngờ khi thấy em khóc, từ đó em học ngoan hơn. Danh sách 28 em học sinh nam được tôi viết trên những miếng bìa cứng treo sau lưng với bảng đen; trong đó ghi địa chỉ học sinh, tên học sinh được khen thưởng. 28 em đầy đủ cá tính. Có em ngoan hiền như Ngô Đình Vân, Nguyễn Tấn Đạo; nghịch ngợm như Kiều Phương, Bùi Đức Danh… Ở ngôi trường tiểu học nằm ven đô thành phố này, học sinh đều nghèo, rời cuốn vở là về phụ với cha mẹ làm vườn. 28 em tuổi mới lên 10 mà số mồ côi cha không ít. Một số ghi cha mất nhưng mẹ ở nhà vẫn sinh thêm em, có phải trong đêm tối cha đã về đâu đó.

Nhìn cổng trường bị khóa chặt, tôi xót xa, biết rằng không bao giờ còn được dạy hay nhìn lại đầy đủ các em. Buổi chia tay cuối cùng không học trò, không chiếc bánh liên hoan, cũng không có lễ phát thưởng. Giờ mới giữa Tháng 3, còn hơn tháng nữa đến Tháng 5 nghỉ Hè. Tôi đi dạy chưa trọn năm, lương tháng vừa nhận hôm qua, biết còn tháng lương nào để được nhận nữa không? Tôi không thể hình dung mình sống ra sao khi không còn được đi dạy. 14 năm ăn học để có một nghề sinh sống, giờ không biết mình còn cơ hội nào đứng trên bục giảng nữa. Bỗng dưng tôi thấy mình thật nghèo nàn đáng thương. Buồn cười thật! Cuộc chiến sắp tới, ngày mai biết sống chết ra sao mà còn nghĩ chuyện dạy dỗ. Giờ mới giữa Tháng 3, tôi chưa tròn tuổi 20. Tháng sau mới đến sinh nhật.

Để lại thành phố phía sau (ngày 20 Tháng 3, 1975)

Sự hoảng sợ của mọi người lên đỉnh điểm khi Đài BBC loan tin Buôn Mê Thuột thất thủ. Tin dữ lan nhanh như ngọn lửa giữa mùa Hè nóng bỏng. Buôn Mê Thuột cách Đà Lạt khoảng 200 cây số, tính theo đường chim bay còn ngắn hơn. Không khí cuộc chiến đã lởn vởn thành phố có lẽ yên bình nhất nước này. Chính quyền không thông báo về tình hình chiến sự. Người dân mù mờ tự tìm hiểu nên càng rối rắm, hoang mang.

Chị ruột tôi dạy học và lấy chồng, một sĩ quan bộ binh đóng quân trên Quảng Đức. Chị mới về ăn Tết với gia đình mà không có anh rể vì anh phải cấm trại. Chị vừa trở về trường nay phải quay lại Đà Lạt một mình. Anh rể hứa nếu tình hình khó khăn sẽ đón chị về Sài Gòn. Chị tôi vô tư lên trường Bùi Thị Xuân vào ngày 17 Tháng 3, 1975, dự buổi cắm trại mừng kết thúc đệ nhị cá nguyệt và họp mặt cựu học sinh. Buổi lễ đang vui, nhà trường được lệnh cho bế mạc khi nghe tin V.C. về đến ngoại ô thành phố.

Người dân Đà Lạt sống trong nỗi sợ hãi. Ban ngày họ hạn chế ra khỏi nhà; đêm về thành phố im như chết. Viện Đại Học đóng cửa để sinh viên ở xa về với gia đình. Tất cả học sinh tiểu và trung học được lịnh nghỉ học vô thời hạn. Sĩ quan và khóa sinh các trường Võ Bị Quốc Gia, Chiến Tranh Chính Trị, Cảnh Sát Dã Chiến cấm trại 100%. Dân chúng đi tản cư khá nhiều, nhất là gia đình có thân nhân ở Sài Gòn, Nha Trang…

Buổi chiều, ba tôi từ công sở về. Khuôn mặt ba đăm chiêu, bồn chồn khi bạn bè đi tản cư gần hết. Ba lo lắng vì con cái đông đúc, tiền bạc không nhiều, nếu về Sài Gòn không biết tá túc ở đâu. Mọi người đồn đoán: có thể vĩ tuyến 17 sẽ dời đến Đà Nẵng. Vì vậy, ba quyết định cho gia đình về lánh nạn ở Nha Trang với cậu T., em ruột mạ tôi. Tuy trời đã tối, mạ tôi cũng thuê được một chiếc xe G.M.C. mui trần, dắt các con nhỏ ra đi. Ba và người anh trai đầu sẽ đi sau. Tác phong, nề nếp công chức ăn sâu vào nếp sống, suy nghĩ nên ba không thể bỏ nhiệm sở khi chưa có lệnh.

Mạ xếp một loạt bao gạo dự phòng trên sàn xe, cột chặt nệm, mùng mền. Chúng tôi xếp quần áo, sách vở vào trong túi sắc, ba lô, bao tải; đứa em ngây thơ xì xẹp trái banh da nhét giữa quần áo. Mỗi người một tay nải. Cơ nghiệp của ba mạ gầy dựng 25 năm trời chất được một góc xe. Ba vào bàn thờ, thắp nhang khấn vái tổ tiên, rồi lấy tấm di ảnh của ông bà nội cùng cuốn băng magnétophone lưu giọng ông nội tụng kinh khi còn sống, để vào chiếc cặp da trao cho đứa em tôi giữ. Chị gái của tôi gói ghém vài bộ quần áo đi cùng các em. Cả nhà như đang trải qua cơn mê.

Phút chốc gia đình tôi chia đàn xẻ nghé: bố mẹ, anh chị em chia tay nhau mà không chắc có ngày gặp mặt, đoàn tụ; còn anh trai thứ đóng quân ở Qui Nhơn không biết giờ này phiêu bạt nơi đâu. Chúng tôi chất xong đồ đạc lên xe khi trời còn mù sương. Các em chạy quanh xóm từ giã bạn bè. Tôi đi vòng quanh sân. Căn nhà nơi lưu dấu tiếng khóc chào đời của anh em chúng tôi trống trơn đến lạnh người. Mạ gởi nhà cho hàng xóm trông giùm vì nghĩ có ngày trở lại. Dân Lò Gạch thuộc xóm lao động nên nhiều người không có điều kiện ra đi phải ở lại. Ông Tư Mạnh, bác Lợi, o Liên… ra tiễn, nhìn theo gia đình chúng tôi nửa ao ước có cơ hội được đi, nửa thương xót vì đích đến thật mông lung. Tình cảm xóm giềng thật sâu đậm. Đêm qua tôi viết thư từ giã 3 đứa bạn thân nhưng sáng ra lại xé bỏ. Kẻ đào tẩu biện minh đâu có giá trị. Tôi không biết mình còn được gặp lại các bạn, những người bạn chí cốt từ thuở bé, san sẻ với nhau biết bao buồn vui tuổi học trò.

Xe nổ máy, từ từ lăn bánh. Bóng người ở lại khuất dần trong khói xe. Xe chạy lên đường Duy Tân. Phố xá hai bên đường vắng vẻ cùng khu Hòa Bình bình yên trên con dốc cao của thành phố; rồi xuôi theo đường Lê Đại Hành. Hồ Xuân Hương lặng im in bóng nhà Thủy Tạ. Bên kia hồ, cỏ và thông đồi Cù xanh ngắt. Cảnh vật chung quanh không thay đổi, chỉ có lòng người là bất an.

Sáng nay, chúng tôi vội vã ra đi. Bỏ lại thành phố, nhà cửa, bạn bè, xóm giềng và muôn vàn kỷ niệm dấu yêu phía sau lưng.

Nha Trang, ngày hoảng loạn (ngày 1 Tháng Tư, 1975)

Chịu nửa ngày dưới cái nắng cháy người của miền Trung, chúng tôi đến Nha Trang với khuôn mặt đỏ bừng như tôm luộc. Nhà ông cậu không lớn, chúng tôi chỉ ăn uống tại đó, tối đi ngủ nhờ chỗ khác. Qua cơn mệt mỏi, các em tôi theo đám em họ háo hức xuống biển, tưởng như để lại mọi nguy hiểm trên Đà Lạt.

Sau khi Quảng Đức bỏ ngỏ, anh rể tôi đi đường bộ về Đà Lạt. Ba tôi bảo anh nghỉ ngơi vài hôm để ba đi đón chị lên, tiện thể thăm vợ con. Ba tôi xuống được một hôm, Nha Trang trở nên hỗn loạn hơn vì lính các nơi đổ dồn về. Dân Nha Trang cũng bắt đầu tản cư. Gia đình cậu tôi và người bạn cho gia đình tôi tá túc những ngày qua quyết định về Sài Gòn. Cậu rớm nước mắt khi ra đi vì chính bản thân cậu cũng khó có thể cưu mang nổi gia đình cậu, nói chi đem theo gia đình tôi. Sau khi tiễn cậu, ba mạ tôi đưa cả nhà quay lại Đà Lạt, bởi gia đình tôi thực sự không biết đi đâu khi mà đứa lớn nhất mới tròn 20, đứa bé nhất chỉ lên 10. Giữa cái chết đói, chết vì súng đạn, dường như chọn cái chết trong nhà mình thì vẫn dễ hơn.

Mạ tôi cùng chị và các em lên trước với ít quần áo trong người. Ba và tôi thu dọn đồ đạc thuê xe lên sau. Mạ và các em đi rồi, tôi gói quần áo của mạ lại, chỉ lỏm loi vài bộ. Tôi nhớ bà ao ước có một chiếc áo dài nhung màu hạt say, và tôi tự hứa khi nào có tiền sẽ may cho mạ một chiếc áo dài nhung đủ màu. Dọn xong đồ đạc, trong lúc chờ ba thuê xe quay lại, như có linh tính, tôi lấy chiếc cặp da đen mà ba đựng tấm hình của ông bà nội, gói ghém thêm vài bộ quần áo. Tôi thay chiếc quần tây đen, áo chemise trắng, chân mang đôi giày Bata trắng; dưới lòng bàn chân, trong chiếc bít tất, tôi lót ba mươi ngàn đồng tiền lương vừa lãnh.

Đúng lúc ba tôi vừa về, bảo tìm xe không có. Hai cha con hốt hoảng chạy ra đường. Như một luồng bão thổi qua, thành phố vắng hoe, thay đổi đến không ngờ, không khí lặng ngắt, ngột thở. Ba và tôi chạy đến bến xe đi Cam Ranh. Chỉ thấy người chen nhau mà không có một chiếc xe. Hai cha con lại chạy về bến xe đi Đà Lạt nhưng ở đó cảnh tượng không khác. Đường phố thấp thoáng tù vượt ngục đầu trọc, cỡi trần, tay mang súng, bắn chỉ thiên, nổ vang trời. Ba và tôi hoảng sợ núp vào một chiếc xe đậu dọc đường. Ngớt tiếng súng, hai cha con chạy xuống bãi biển. Bất ngờ ba đón được chiếc xe Minh Tâm của một người thuê đón gia đình về lại Đà Lạt. Hai cha con mừng rỡ leo lên. Tiếng súng nổ khắp nơi. Thành phố giờ thêm những người lính đeo ba lô, súng ống đầy đủ nhưng khuôn mặt hoang mang.Ra khỏi Nha Trang vài chục cây số, xe không thể chạy tiếp vì phía trước ngổn ngang xe cộ. Tôi luôn miệng hỏi ông tài xế:

– Đà Lạt có gì không bác?

– Lúc 7 giờ tôi đi xuống đây thì Đà Lạt vẫn bình thường.

Xe chạy ngang qua Trung Tâm 2. Con đường tràn ngập tân binh xả trại. Ai cũng tìm đường về nhà. Trong số đó có hai người quen của tài xế, họ mừng rỡ trèo lên xe. Những chiếc xe nhích từng mét một, xe nào tắt máy bị kéo bỏ sang hai bên đường. Chiếc xe chúng tôi đi cũng hết xăng. Ba tôi nóng lòng muốn xuống đi bộ, nhưng hành lý còn ở trên xe không thể mang theo. Chung quanh hỗn quân hỗn quan, khuôn mặt đằng đằng sát khí; tôi lại là con gái nên cuối cùng hai cha con đành ở lại trên xe.

Tôi thấp thỏm nguyện cầu cho mạ, chị và các em về Đà Lạt bình an. Nhìn cảnh loạn lạc, súng nổ rền trời, khó biết được chuyện gì xảy ra nếu mạ và các em còn ở đây. Một chị trên xe nấu được miếng cơm chia cho hai cha con. Bấy giờ tôi mới cảm thấy cái đói, nhớ hôm qua đến giờ không cái gì bỏ bụng. 

10 giờ đêm, ba tôi sốt ruột không chịu nổi, hai cha con bỏ lại hành lý lần mò đi bộ hướng về Đà Lạt.

Đường về nhà (ngày 2 Tháng Tư, 1975)

Hai cha con đi suốt đêm. Tôi ôm chiếc cặp như một đứa trẻ lạc nhà. Hết đêm qua sáng, Mặt trời xứ biển lên mau và nắng gay gắt nhưng hai cha con không cảm thấy khát. Chân tôi mỏi nhừ, tưởng chừng như bị bỏng thì ba vẫy được chiếc xe hồng thập tự quân đội. Hai cha con được quá giang, đứng trên hai chiếc bánh xe sơ cua. Tới một ngã ba, xe rẽ hướng khác, hai cha con đi bộ thêm vài cây số đến Cam Ranh. Thành phố đầy người đi hôi của, dân địa phương tản cư, lính lạc đơn vị, tù phá ngục phá kho... Họ vác gạo, sữa, đồ hộp quân tiếp vụ... Hỗn loạn kinh hoàng. Hai cha con tôi ngơ ngác nhìn, quên bẵng mình đang rất đói.

Hai cha con đón được chiếc G.M.C. chở người tản cư ở Qui Nhơn đến. Xe chạy đoạn đường khá xa, đến một chiếc cầu dài bị gãy mấy nhịp, có lẽ sau khi rút quân, quân đội bỏ bom cho sập cầu. Đoàn xe dân sự dừng lại. Người đứng, kẻ ngồi theo từng nhóm dọc hai bên cầu. Đồ đạc, quần áo, máy móc, gạo cơm, sách vở, thậm chí những tập album hình vương vãi khắp nơi; người ta vội vã bỏ đi trước khi kịp cúi xuống nhặt nhạnh. Hai cha con đứng lặng bên cầu, nhìn dòng nước chảy, cuối cùng xắn quần lội qua sông.

Qua bên kia cầu, chúng tôi đón được xe về Phan Rang. Trên xe, người ta bàn tán về tình hình chiến sự. Một người cho biết đoàn quân của các trường Võ Bị Quốc Gia, Chiến Tranh Chính Trị, Cảnh Sát Dã Chiến di tản xong. Đà Lạt là thành phố chết, không chính quyền lẫn quân đội. Không ai biết điều gì đang xảy ra trong thành phố tôi ở; và sự tan rã lan dần đến Phan Rang. Tôi cố an ủi ba:

– Mới có một ngày thì không thể mất Đà Lạt mau như vậy được. Vả lại đâu thấy đánh nhau, mà không thể nào không có đánh nhau.

Trung tâm thành phố Phan Rang tràn ngập người tản cư. Họ ngồi hai bên lề đường, trong chùa, trong trường học. Niềm vui tràn ngập khi tôi gặp được bác Hai Dĩ, một người hàng xóm. Bác cho biết:

– Mạ và các em con đã về đến Đà Lạt tối hôm trước, nhưng không biết sáng nay có di tản theo đoàn quân hay không. Chị con đã gặp được anh rể. Như vậy anh chị con và anh đầu chắc theo đoàn quân về Sài Gòn rồi.

Hoang mang, tôi để ba ngồi dựa vào gốc cây, còn mình chạy vào trường học, vào chùa để kiếm mạ và các em; tôi không trông mong thấy được anh chị, vì đoàn quân đã đi qua. Và tôi biết mình đang tự lừa dối vì mạ tôi không dám đưa đàn con còn nhỏ ra đi lần nữa; mạ sẽ chờ cha con tôi trở về. Một người đàn ông tốt bụng thấy tôi chạy loăng quăng, lên tiếng khuyên:

– Cháu tìm ai, giờ này sao không về nhà, còn cắp cặp đi đâu nữa. Về nhà đi cháu ơi! Coi chừng lạc bố mẹ đó.

Tôi không thể giải thích với ông lý do mình đi tìm mẹ. Ba tôi ngồi bên hiên chùa trông thảm hại. Ba như một cây cổ thụ bị đốn ngã. Trước đây ba luôn tự hào mình là người thành đạt: từ một cậu học trò nghèo ham học vươn dần lên thành người đứng đầu một cơ quan trong tỉnh. Ba muốn tìm lại mạ và các em nhưng đoán trước hậu quả khi bước chân về nhà. Ba chùn chân, suy nghĩ với trăm bề khổ đau. Trước cổng chùa, có người dỗ dành một em bé ngồi khóc nức nở:

– Mẹ bảo cháu ngồi đây để mẹ đi tìm cha mà giờ này không thấy mẹ quay lại.

Chẳng biết người mẹ đó cuống cuồng chạy ngược xuôi tìm con hay nằm lại một góc đường nào đó. Không tìm thấy mẹ và các em, tôi tuyệt vọng. Hai cha con khóc ròng ở ngã ba Phan Rang. Bỗng một đoàn lính đi ngang chào ba tôi. Vài người đóng quân gần trường tôi dạy nhận ra tôi. Thành phố Đà Lạt quá nhỏ, mọi người hầu như biết nhau. Đó là những anh lính Địa Phương Quân được lệnh về đóng ở Ninh Thuận, hỗ trợ cho trường Võ Bị Quốc Gia, Chiến Tranh Chính Trị rút quân. Khi đoàn quân di tản đi qua, các anh không biết đơn vị mình đi đâu nên trở về Đà Lạt vì gia đình còn trên đó.

May mắn chợt đến, ba và tôi vững niềm tin. Chúng tôi hòa vào đoàn người. Một người lính bắt một chiếc xe tải dừng lại, may mà ông tài xế có ý định lên Đà Lạt. Mọi người trèo qua thành chiếc xe tải phủ kín mui. Người nào đó chìa chiếc bánh lương khô cho ba và tôi. Tôi cảm động biết ơn. Những người lính lạc đơn vị từ khắp nơi đổ về, không người chỉ huy. Ai có súng là có sức mạnh. Thành phố kinh hoàng bởi tiếng súng nổ rền trời, không có chính quyền, tù hình sự phá ngục thoát ra phá phách và hôi của.

Một toán lính khác lên cò súng bắn chỉ thiên, bắt chiếc xe tôi đang chạy dừng lại. Hai toán lính đối đầu nhau, cuối cùng toán lính đứng dưới bỏ đi, sau khi lột chiếc đồng hồ của ông tài xế. Sợ hãi không dám đi tiếp, ông tài xế bỏ xe lẫn vào dân. Mọi người xuống xe lại tiếp tục đi bộ đến gần tối thì đón được một chiếc xe chở thuốc tây cho pharmacie Đà Lạt ngay trung tâm thành phố. Ông tài xế rộng rãi cho tất cả mọi người lên xe.

Xe chạy ra khỏi Phan Rang, không khí yên tĩnh, người đi đường thưa thớt, không có đoàn người chạy ngược xuôi. Đêm buông dần xuống, xe dừng giữa đèo Song Pha trong không khí lặng đến ghê người. Một chiếc xe lambretta bỗng xuất hiện trong đêm tối mịt mùng. Khuôn mặt một người đàn ông vẫn còn nét hoang mang, ông nhận ra ngay ba tôi:

– Anh ơi! Quân đội rút đi hết rồi. Không còn chính quyền trên đó, nghe nói V.C về rồi. Họ đã đặt đại diện. Anh không nên lên, không nên…

Báo tin xong, ông hối hả chạy tiếp. Mọi người trên xe nửa tin nửa ngờ, còn đang bàn tán thì trong rừng, bóng hai người đàn ông khác xuất hiện. Họ là hai cha con, tay đeo nãi, khoác ruột tượng đựng gạo trên vai. Dáng người cha to lớn in trong rừng cây tối đen. Ba tôi nhận ra bác Ngãi, một công chức đồng sự với ông. Chỉ vài câu nói, bác xác nhận tin trên là đúng sự thật. Bác khuyên ba tôi không nên trở lại Đà Lạt. Ba tôi sụp xuống, giãy giụa. Bác Ngãi quay qua tôi nói nhỏ:

– Bác nói cho cháu nghe, cháu phải cản không để ba cháu lên Đà Lạt nữa, nguy hiểm lắm.

Tôi òa khóc, người như mê đi. Trong tiếng mọi người bàn tán, tôi nghe bác Ngãi an ủi, vỗ về.

Con đường phía trước không còn lối thoát. Đà Lạt không còn là đất cho ba tôi dung thân, không có cơ may sống sót hay thoát cảnh tù tội. Tôi không nghĩ có thể thoát chết trong cuộc chiến này nhưng không muốn tự mình đưa ba đến chỗ khốn khó. Ba tôi không biết quyết định ra sao. Ông khóc than, tự trách không lên chuyến xe cùng vợ con; nay gia đình ly tán, ông không cùng vợ chia sẻ nỗi nhọc nhằn, thậm chí không biết họ vất vưởng ở đâu. Tôi cũng khóc hết nước mắt giữa đèo Sông Pha vì không biết mình còn gặp lại mẹ và các em được không.

Tôi nhớ từng khuôn mặt mỗi đứa em. Hoành nhỏ nhất mới lên 10, ít nói có đôi mắt to buồn. Phương nhí nhảnh, lên xe về Đà Lạt mặc bộ đồ mới tôi vừa mới may trông thật dễ thương. Sâm chính là đứa em đặt trái banh giữa bộ quần áo để tôi không thấy bắt bỏ lại; em còn có tên Sâm Banh. Cẩn đi xe đạp đến trường xa hơn 5 cây số mà không than thở. Ngày xưa còn bé, tôi bồng Chi suốt trên tay; mỗi khi em đòi tôi bế, giọng ngọng nghịu: Gương ơi! Gương! Lạc, Lâm tuy lớn nhưng ngoan. Gần nhà có một điểm bán bạch phiến mà các em không hề ghé mắt nhìn qua. Quyền chăm lo học hành, lúc nào sách vở cũng trên tay.

Một đêm hãi hùng giữa đèo Sông Pha! Bỗng nhiên tôi trở thành người tứ cố vô thân không một mái nhà, hay có một mái nhà mà không dám về; có người thân chờ đợi mà không dám ghé. Tôi không dám nghĩ ba tôi sẽ sống như thế nào nếu cha con thoát thân về đến Sài Gòn. Tôi cố tự nhủ: nếu lạc mạ và các em thì cố đưa ba tìm gặp các anh và chị, vì tôi tin họ đã về đến Sài Gòn. Tôi nghiến răng thầm bảo hãy để nước mắt ở lại giữa đèo. Với một con bé suốt tháng quanh năm chỉ biết ăn học, ra đời chưa được bao lăm, nay phải tự mình quyết định một việc như thế, tôi biết tóc mình đã bạc dẫu chưa qua tuổi 20.

Con đường tìm sự sống (ngày 3 Tháng Tư, 1975)

Sáng sớm, ông tài xế e dè hỏi cha con tôi có muốn lên Đà Lạt nữa không. Mọi người đã xuống xe. Ba muốn trèo lên nhưng tôi níu lại. Xe chạy, hai cha con chạy theo một đoạn rồi đứng nhìn chiếc xe mất hút, đem theo niềm hy vọng trở về nhà. Toán người đi xuống đèo. Ngoài cha con tôi, hai cha con bác Ngãi, còn có 3 người lính địa phương đóng trong trường tôi dạy; hai người tên Phụng và Tân, còn người kia thì tôi không biết. 

3 người lính muốn về Sài Gòn để trình diện tại Bộ Tổng Tham Mưu.

Trên đoạn đường đi, mỗi người một suy nghĩ. Cha con bác Ngãi hăng hái nhất, bởi gia đình bác đã về Sài Gòn mấy hôm, bác đi sau vì không dám bỏ nhiệm sở. 3 người lính tuy từng trải trong chiến trường nhưng không hình dung nỗi việc mình đang làm; không biết mình muốn và đang muốn cái gì.

Ba đi như người mộng du. Tôi nhìn mặt đường, lòng chỉ cầu nguyện: anh chị tôi thuyết phục mạ chạy theo đoàn quân và cũng về được Sài Gòn. Trong thâm tâm, tôi tự biết điều đó là không thể. Nước mắt đã cạn ở giữa đèo. Trong tôi có một sức cứng rắn đến tàn nhẫn; tôi kéo mũ sụp che khuất khuôn mặt, tay cầm cặp, tay dìu ba, đi nhanh cố theo kịp những người nam đồng hành để không bị bỏ lại phía sau. Cuối đèo có một tượng Quán Thế Âm Bồ Tát nhỏ cạnh đường, mọi người đứng lặng, ba tôi chắp tay cầu xin Phật phò hộ. Tôi không biết mình ao ước điều gì vì mỗi bước chân là cách xa mạ và các em.

Đoàn người đón được chiếc xe đò từ Đơn Dương xuống. Đến ngã ba xe rẽ đường khác, chúng tôi lếch thếch đi bộ. Khác với hôm qua, con đường đi vào Phan Rang đầy nghịt người. Nhóm đi tới đụng đoàn đi lui: người muốn trở về nhà, kẻ ao ước đến Sài Gòn. Phan Rang thực sự là một thành phố kinh hoàng. Hôm qua chỉ là hôi của, giờ là sự thống trị của cướp bóc. Đoàn người chúng tôi không có hành lý. Tôi giấu tháng lương mới lãnh dưới bít tất, tay cầm chiếc cặp da nhỏ. Ba có 10 ngàn đồng. Hai cha con bác Ngãi đeo tay nãi lương thực. 3 anh lính với chiếc ba lô. Chúng tôi đi giữa sự hỗn loạn và nắng nóng. Tưởng chừng không chịu nổi, chúng tôi đón được xe vào thành phố.

Lính tráng có mặt khắp nơi, đủ các binh chủng. Họ đi thành từng nhóm, mặt mày căng thẳng. Một toán lính đứng trên thành cầu, nhóm khác lố nhố hai bên vệ đường. Một người ra giữa đường chĩa súng lên trời bắn chỉ thiên buộc xe chúng tôi dừng lại; chiếc xe ngang ngạnh không chịu dừng, một tràng súng bắn ngang. Cuối cùng xe dừng, vì có người trúng đạn. Xác chết bị kéo xuống đặt dưới đường, không tiếng khóc, có lẽ là một người đi lẻ loi. Tội nghiệp!

Toán lính dưới đất trèo lên. Xe tiếp tục chạy. Ngồi giữa những người lính đầy súng ống, tôi sợ điếng vì đối mặt với bộ mặt tàn nhẫn của chiến tranh. Những người lính lạc đoàn quân từ miền Trung chạy vào. Họ không biết cấp chỉ huy ai còn ai mất và nay ở đâu. Cuộc phục kích khi lui quân khiến đơn vị tan tác. Những người lính bình tâm lại, hỏi thăm những người trên xe, tỏ ra thương hại cha con tôi. Tôi chẳng dám nhìn ai, không nói một lời. Mọi người chắc nghĩ tôi là một con bé trung học lạc nhà. Xe ngừng lại ở Phan Rí. Đoàn người đi từ đèo Song Pha giờ như gia đình nhỏ, tá túc dưới một mái hiên. Mấy anh lính Địa Phương Quân cho ba tôi mượn chiếc poncho, đưa tôi nắm cơm. Tôi bẻ nắm cơm với bàn tay mấy ngày không rửa nước, ăn đến hạt cuối cùng.

Đoạn đường kinh hoàng (ngày 4 Tháng Tư, 1975)

Sáng hôm sau, xe chạy ngang Phan Thiết. Xe chở đầy lính tráng không bị chặn lại nhưng đi rất chậm vì trên đường đủ các loại phương tiện: xe ba gác, xe đạp, xe gắn máy, xe tải, xe quân đội, người đi bộ gồng gánh… lấn ra cả lòng đường… Đến ngã ba vào Bình Tuy, đoàn người phải xuống đi bộ. Đoạn đường dài, nắng nóng, không nhà cửa, cây cối. Ba và tôi nhắm mắt cố uống nước đục ngầu ở những vũng lầy cho qua cơn khát.

Con đường đầy xác chết. Mới nhìn tưởng người ngoại quốc vì thân xác to lớn, nhưng nhìn lại đó là người lính, dân thường xấu số chết trương phình, đám ruồi xanh bay vo ve. Tôi cúi mặt sát đường hơn, nhìn kỹ từng bước chân, tránh đạp nhầm súng ống ngổn ngang. Ba cũng chẳng hơn, bởi vốn là công chức dân sự, thêm sự mơ mộng, nên ba sống không thực tế, tất cả mọi việc trong gia đình đều một tay mạ tôi lo toan. Thiếu mạ bên cạnh, ba hụt hẫng không quyết được việc gì. Hai cha con dìu nhau đi trên đoạn đường địa ngục. Sự sợ hãi quá sức khiến mọi xúc cảm không còn, tôi lẩn thẩn tự hỏi: chắc gì mình may mắn hơn những người nằm xuống.

Buổi tối bên hiên nhà trên con đường vào Bình Tuy, trời mưa, tôi nằm dưới đất, gối đầu trên chiếc cặp, mình mẩy lấm lem đất cát. Đoàn người chạy loạn nay chịu ướt càng thêm khốn khổ. Trên bầu trời, hỏa châu soi sáng, tiếng súng ầm ì. Tôi mong một trái đạn pháo rớt trúng. Nếu chết, hồn tôi linh thiêng, tôi sẽ phù hộ cho ba mạ và các em.

Miền đất hứa (ngày 5 Tháng Tư, 1975)

Tôi thức giấc khi bầu trời còn tinh tú và không ngờ mình vẫn còn sống. Tôi dẫn ba lầm lũi đi sau cha con bác Ngãi. Mấy lần ba thối chí muốn dừng lại bên lề đường nhưng tôi không cho. Tôi níu tay không cho ba dừng hỏi chuyện với ai, bởi một lần gặp, ông lại khóc. Có lúc ba bảo tôi ông mới thấy người nào đó mặc chiếc áo len của anh rể do chính tôi đan tặng. Tôi không cho ba hỏi thăm, bởi nếu đúng thì chỉ báo điềm không may mà thôi. Giờ ba lại xem tôi là người có tội khi hai cha con lâm vào tình thế khó khăn này. Ba trách móc, kết tội tôi không cho ông lên đèo. Ba hỏi tại sao tôi lại là con gái mà không phải con trai! 

Người tản cư khắp miền Trung và Tây Nguyên dồn về đây. Ai nấy yên tâm, cảm giác mọi chuyện trở nên bình yên nếu về được Sài Gòn, thánh địa cuối cùng. Đường đi về bãi biển nóng, khá nguy hiểm vì đồ đạc lẫn súng ống ngổn ngang, còn lựu đạn nằm lăn lóc đến đáng sợ. Người ta chen lấn thuê ghe máy vào Long Hải.

Trời về chiều, 3 người lính có lẽ tìm bạn bè cùng đơn vị đi mất. Cha con bác Ngãi ái ngại hoàn cảnh ba và tôi nên dọc đường có ý chăm sóc, thuê giùm ghe máy đến Long Hải. Chiếc ghe máy chật người, nước mấp máy vào mạn ghe. Miền đất hứa hiện ra trước mắt! Lòng tôi khô cứng lại, tôi biết không thể nào mình gặp mẹ và các em nữa. Ba tôi như một người điên. Ba ôm, đánh, cấu véo như thể tôi là nguyên nhân gây cho ông nỗi khổ này, rồi ba lại khóc ôm tôi, quay quắt gọi tên từng đứa con.

Ghe cập bến. Mọi người nhìn nhau cười. Chúng tôi xuống ghe với tâm hồn nặng trĩu. Bờ biển Long Hải đầy người. Không muốn nhìn niềm hạnh phúc của cha con bác Ngãi và ba tôi lại phát rồ nổi cơn khủng hoảng khi thấy bác sắp gặp lại gia đình, tôi kéo ba lẫn vào đám đông mà không cám ơn cha con bác.

Trời sập tối, tôi ra bể nước giặt cho ba tôi chiếc áo chemise của người chạy loạn cho. Hai cha con mua một dĩa cơm. Dĩa cơm đúng nghĩa sau mấy ngày chạy loạn khiến tôi ngạc nhiên về sự ngon miệng. Đêm đó, cha con tôi thuê ghế bố ngủ trên bãi biển. Chung quanh tôi rất đông người. Giờ nơi này là nơi hội tụ của trăm ngàn người tản cư khắp nơi. Tình cảnh thê lương như cha con tôi không là gì so với người chung quanh. Những người giàu có may mắn đi bằng máy bay; người đi bộ thất lạc, chết chóc dọc đường. Một ông đứng tuổi nằm gần bên ba tôi khóc nức nở: vợ con chết ngay trước mắt, ông thấy xe cán lên mà không thể dừng lại để chôn cất. Tiếng khóc, tiếng than, tiếng kể lể vang khắp nơi. Con xa cha mẹ, vợ lạc chồng. Tiếng người bàn luận về cuộc chiến, không biết vĩ tuyến 17 sẽ đặt lại ở đâu.

Tôi nhìn trên trời cao, tìm ngôi sao bản mệnh của mình. Ngày mai, hai cha con tôi sẽ thuê xe về Sài Gòn, tôi có gặp được các anh chị trong đoàn quân di tản? Anh trai tôi trong đoàn quân tan tác miền Trung có về kịp hay bị bắt, chết ở đâu? Hai cha con về Sài Gòn để làm gì khi anh chị không ai về được? Cuộc chiến sắp kết thúc hay chỉ bắt đầu? Sự trầm luân của hai cha con tôi mới khởi sự và bao giờ kết thúc? Tiếng khóc, tiếng cười ồn ào xung quanh mà không ai trả lời câu hỏi đó… Tôi ngậm ngùi nghĩ tháng ngày này thật khủng khiếp, khi tôi chỉ mới ở tuổi 20…

Nhật ký Tháng Tư, 1975

Những trang nhật ký này nằm trong tủ rất lâu vì tôi không muốn khơi gợi những kỷ niệm đau lòng và tránh làm ba tôi tổn thương. Khi ba mất năm 2008, tôi mở ra xem lại, và dẫu thời gian trôi qua rất lâu, tôi vẫn cảm nhận những ngày của Tháng Tư, 1975 ấy thật đáng sợ, đủ để bạc cả mái tóc…


Phạm thị Mai Hương

Bạc tóc tuổi hai mươi — Bài MớiÔNG PHÓ CỦA BÀ PHÓ — Bức Tranh Vân Cẩu

Sống Cho Thật Tốt, Vì Hạnh Phúc Vốn Dĩ Rất Đơn Giản - Youtube Phan Ngọc Thuận

Friday, May 23, 2025

Giá Trị Của Sự Vô Danh


Thế gian này không chỉ được tạo nên bởi những con người thành danh rực rỡ. Phía sau mỗi thành tựu lớn lao, phía sau mỗi ánh hào quang, luôn có những con người vô danh âm thầm góp phần dựng xây.

Họ là những người lặng lẽ đi qua năm tháng, không bảng vàng vinh danh, không ai khắc tên trên bia đá, nhưng chính họ đã nâng đỡ thế giới này bằng đôi tay bền bỉ và một tấm lòng tận tụy.

Họ là những người mẹ, người cha, suốt một đời quên mình vì con cái. Chẳng ai biết đến họ, chẳng ai gọi tên họ giữa thế gian rộng lớn này, nhưng trong lòng họ, các con đối với họ là cả bầu trời.

Họ là những người lao công thức khuya dậy sớm, lặng lẽ quét sạch những con đường khi thành phố còn chìm trong giấc ngủ. 

Họ là những công nhân đứng trong xưởng máy, những thầy cô mòn mỏi bên trang giáo án, những người lính biên cương giữ gìn bình yên, những bác sĩ tận tụy cứu người, những người thiện lương luôn dang rộng vòng tay giúp đỡ mà chẳng mong báo đáp.

Không ai nhớ đến họ, nhưng nhờ họ mà cuộc đời này có thêm một phần ấm áp. Không ai ghi công họ, nhưng từng viên gạch của cuộc sống này đều mang dấu vết bàn tay họ dựng xây.


Vô danh nhưng không vô nghĩa

Có ngọn đèn không tỏa sáng chói lọi mà vẫn âm thầm soi rọi đêm đen. Có những bông hoa nở trên triền núi hoang vu, chẳng ai thưởng ngoạn, nhưng vẫn trọn vẹn một kiếp hoa. Và có những con người đi qua cuộc đời này trong lặng lẽ, nhưng nhờ họ mà thế gian này vững vàng hơn, tử tế hơn.

Chúng ta vẫn thường bị cuốn vào giấc mộng danh vọng, muốn được ghi nhớ, được ngợi ca, nhưng có bao giờ ta tự hỏi: rốt cuộc, điều gì mới làm cho đời sống này có ý nghĩa? Một cái tên khắc trên bia đá ư? Hay những điều tốt đẹp ta đã lặng lẽ gieo vào cuộc đời?

Những con người vô danh không cần ai tung hô, cũng chẳng mong nhận lại điều gì. Họ không làm vì mong được đền đáp, mà chỉ đơn giản vì đó là điều nên làm. Sự tận tụy của họ không phải là một cuộc đổi chác, mà là một lựa chọn tự nhiên của lương tâm.

Vô danh nhưng mãi trường tồn

Có những người, dù không ai biết tên, nhưng thế gian này đã khác đi vì họ từng ở đây. Và có lẽ, đó mới là sự hiện hữu đẹp nhất.

Sự vô danh không phải là lãng quên, mà là một cách tồn tại sâu bền nhất. 

Không cần một tượng đài để được khắc ghi, không cần một cuốn sách để được nhắc nhớ, bởi những giá trị mà họ tạo ra sẽ luôn âm thầm chảy trong dòng chảy của cuộc đời.

Một dòng sông không tên, lặng lẽ chảy qua vùng đất khô cằn, chẳng ai để ý, nhưng chính nó đã làm nên sự sống. Giống như một cơn gió vô hình, chẳng ai nhìn thấy, nhưng nhờ nó mà lá cây khẽ đung đưa, mà bầu trời trở nên trong trẻo hơn.

Người vô danh không cần phải nổi bật, vì họ đã chọn cách hiện diện theo một cách riêng âm thầm nhưng bất diệt. Họ không cần ai biết đến họ, vì chính cuộc đời này đã được tô điểm bởi sự có mặt của họ. Và đôi khi, chính sự vô danh ấy lại là một vẻ đẹp thanh cao nhất.


Nguyên Tác An Hậu 

Giá trị của sự Vô Danh

Ru Khúc Tụng Ca - Đỗ Công Luận

Một Lần Đi - BK Bùi Đức Tính 323


Nén hương kính dâng lên anh linh của đồng bào đã tử nạn trên đường tìm Tự Do, cùng tưởng nhớ Ba, Mẹ, anh Hai, em Sáu của nhà tôi.

*************

Có tiếng xuồng ghe chạm bên hong tàu, tôi ngưng tay cuốn vòng dây neo, xoay lại thì thấy Hải vừa cặp xuồng vào, nó ngước nhìn tôi cười thật tươi:

- Chạy chưa anh Vinh?

Vinh là tên của em tôi. Tôi dùng tên này lúc ẩn trốn trên tàu. Tôi làm thằng Vinh, dân lao động, phụ việc trên tàu chở hàng với Vũ. Chúng tôi hầu như chân không, áo quần bê bết dầu máy. Mấy lúc được rảnh rỗi, thấy thèm nhớ sách báo lắm, nhưng không dám chứa trên tàu và tẩn mẩn ngồi đọc.

Hải liếng thoắng mai mối:

- Dạ, có hai dì này xin có giang tàu...

Dì Năm hướng về người đàn bà đang ngồi vịn chặt thành xuồng, dáng như chưa quen sóng nước lắm, tiếp lời:

- Tui với thím Bảy đây có giang ra ngoài xóm trạm nghen mấy chú.

Cho bà con có giang tàu là việc bình thường, tôi mời khách:

- Lên, lên tàu đi hai dì, tàu phải chạy đi lấy nước đá bây giờ…

Đang kiểm máy móc, nghe lời qua tiếng lại, Vũ đứng lên trên nấp hầm máy, nhóng người qua khung cửa trổ lên mui để xem. Thấy Hải, Vũ hỏi thăm:

- Ê Hải, mấy đứa bây sáng nay nay đâu hết rồi, có đứa nào muốn vác nước đá hong vậy?

- Tụi nó chèo lợi đẳng trước hết rồi anh Vũ ơi, tui thì mắc chở hai dì này lại đây nè!

Hải đã quen nghề rồi, miệng nói tay lần chiếc xuồng ra sau đuôi tàu cho thấp, và giúp khách lên tàu. Dân đi buôn có giang tàu xuống xóm trạm, tức là cái xóm nhỏ có chợ quán ở quanh đồn công an biên phòng, để mua lỉnh kỉnh các thứ tôm khô, cá khô... về bán lại kiếm chút lời. Chạy không cũng phí, miễn là tàu còn chỗ trống, ai cần chúng tôi cho lên tàu hết. Dì Năm đi buôn thuờng, tôi biết bà dì này, nhưng người bạn của dì thì tôi chưa từng gặp. Nhìn Vũ và dì Năm cùng giúp cho người đàn bà này lên tàu thì khó mà tin bà là bạn đi buôn, là dân chuyên nghiệp hay theo ghe tàu. Bộ dạng thanh nhả và nhút nhát sóng nước như thế này, thì chắc bà là dân chỉ quanh quẩn nơi thành thị mà thôi, tôi ngẫm nghĩ.

Khách rời xuồng xong, không cần hỏi han hay ai kêu bảo, Hải đã xếp xuôi đôi chèo lên xuồng, leo gọn lên tàu. Nó vòng dây quấn vào móc sau đuôi tàu để giòng chiếc xuồng của nó theo, khỏi mất công chèo đến hãng nước đá. Thấy mọi người đã yên chỗ, tôi cuốn lẹ tay cho xong dây neo, rồi nới lỏng sợi dây cột mũi tàu. Tôi ngó Vũ đang đứng chờ trên hầm máy:

- Cho máy chạy đi anh Tư!

Trong gia đình thì Vũ thứ Tư. Vũ là một trong 8 đứa ăn cơm chung một mâm với nhau, suốt những năm còn trọ học ở Ký Túc Xá. Năm 72, tôi gặp lại Phát (U.N.P.), cùng chung Đại Đội 32 Khoá Sinh, không ăn chung "bốn người một mâm", nhưng chung... Nhà Bàn. Rồi Vũ cũng vào quân đội, bảo trì trực thăng. Khi tôi đi tù về, gặp lại nhau thì Phát và Vũ đều có vợ và bồng con; tôi tôn lên làm đàn anh hết, gọi Vũ là anh Tư.

Cái máy dầu cặn gầm lên khởi động, rồi bắt trớn ngoan ngoãn chạy ngay. Tiếng máy nổ ấm, nhịp nhàng thật dễ thương. Động cơ tàu được lấy ra từ chiếc máy cày hiệu John Deer cũ, ráp vào tàu được gần 2 năm nay rồi. 

8 máy đẩy chiếc tàu trọng tải 15 tấn cũng không quá tệ. Hồi tháng trước đây thì cái head gasket bị cháy, neo tàu cả tuần để chờ xoay kiếm đồ phụ tùng. Theo bạn ghe đồn chỉ, Vũ mò sang Vĩnh Long và tìm được người biết làm gasket. Dựa theo tấm giấy mà chúng tôi đồ theo hình dạng có đủ vị trí lỗ ốc rãnh trong máy, kèm với miếng gasket đã bị cháy, người thợ già chế biến cái mới cho chúng tôi. Khó tính đến đâu, thấy miếng gasket sáng bóng, gồm nhiều lớp nhôm mỏng đã cuốn ép thật tỉ mỉ, cũng phải thán phục tài khéo tay của ông. Trong tình trạng khan hiếm phụ tùng lúc này, quả thật, ông chính là vị cứu tinh, là đại ân nhân; còn việc có bền được bao lâu thì đành chịu phó thác cho thời vận. Vũ đặt làm luôn 3 miếng, để phòng hờ trên tàu. Cầu mong sao, ngày ra đi, cái máy nó vẫn thương giúp chúng tôi, chạy thật ngoan như hôm nay.

Điều khiển tàu còn chút lượm thượm, trông quê mùa, nhưng che được âm mưu vượt biên, ít bị lưu ý. Cho nên, khi rời và cặp bến, cần có người đứng gần máy sử dụng clutch để đổi số, vô số giống như lái... máy cày vậy! Vũ giỏi về máy, đứng bên dưới lo phần chạy máy, sang số. Người giữ tay lái trên mui, thì chỉ có cái cần gia giảm tốc độ mà thôi.

Lúc lái tàu rời bến nhà là có định trốn đi, nhưng toán đưa đón người bị thất lạc nhau, chậm trể, âm mưu vượt biên bất thành. Đem tàu quay trở về bến nhà thì bị bắt, chỉ còn cách là ẩn náu quanh quẩn nơi đây. Chúng tôi di chuyển tàu từ bờ này sang bến khác, và ráo riết làm quen ghe tàu xung quanh tìm mối chở hàng ngày, để tránh tai mắt của tụi công an địa phương và kiếm cơm cháo sinh sống chờ cơ hội khác may mắn hơn.

Chở hàng nào cũng có cái sướng và cái khó riêng của nó. Chở cá khô cho hợp tác xã thì nhẹ nhàng, khuân vác khoẻ re! Đến chừng giao hàng xong, dọn rửa ghe thì mới trắng mắt ra! Y hệt như là cái giống cộng phỉ; giòi ăn bám, đụt khoét, rút trốn trong khô rồi thừa cơ hội yên tĩnh chúng nó theo nhau ló đầu ra, lễnh nghễnh trắng lòng tàu và chui len lỏi cùng khắp kẻ kẹt dưới khoan. Dọn rửa tàu, thở hụt hơi, ngán ngẩm cái giống giòi bọ bẩn thỉu!

Từ đó, chán ngán đến nổi cứ thấy mặt lũ cộng nô và cái đám đón gió trở cờ súc sinh, là lại thấy đám giòi bò lúc nhúc. Tôi thà uống rượu khan, nhất định không cắn răng vào miếng khô của hợp tác xã.

Chở cây rừng, bốc vác nặng và trầy dập người chỉ là việc nhỏ, còn thua xa cái thời bị tù đày, đói mệt bơ phờ hốc hác mà mỗi chiều tối còn phải vác cây rừng, lội về trại. Cái khó là chở ít thì trông không giống ai, không giống ghe tàu cùng chạy trong đoàn, bị trạm biên phòng nghi là tàu đi dọ đường để vượt biên. Để bị xét hỏi tới người trên tàu, thì chắc chắn là tôi bị bắt và anh em chung tàu bị liên lụy, nên đành phải chở cho giống như... dân làm ăn! Tàu chở khẳm nặng và người lái thì toàn là dân "a-ma-tơ" mới kinh nghiệm sông biển. Canh sóng gió, canh con nước trở, canh neo... sơ suất là chìm tàu ngay. Lo sợ mất ăn mất ngủ!

Xong chuyến cây, mừng vô cùng. Vũ sắp ngay hương hoa cúng tạ ơn thủy thần đất trời, nhớ danh xưng nào van vái tạ ơn hết và chẳng dám đi làm chuyến thứ hai.

May sao, chúng tôi chạy lo được cái mối chở hàng cho công ty xuất cảng. Công ty yêu cầu phải làm thêm mui lá để che tôm cá và nước đá trên khoan. Thêm được một cái may, có lý do để che khoang tàu, sau này sẽ giúp rất nhiều cho việc che giấu người lúc trốn đi.

Tàu có 3 người. Anh Ba, anh của Vũ, về quê nhà thăm gia đình, nên mấy hôm nay tàu chỉ còn hai đứa. Vũ đứng máy và sang số, tôi lái và chịu mũi.

Chờ cho máy chạy đều tốt một lát, Vũ đứng ló người lên trên mui, vịn cần sang số và gọi vọng ra ngoài mũi tàu:

- Chạy, bác tài!

Nghe gọi, tôi tháo hẳn dây, lấy sào chống xoay mũi hướng ra ngoài sông, rồi chạy lẹ trên miếng be của thành tàu xuống đuôi, để leo lên mui giữ cần lái. Chuyến đi, tàu đến hãng nước đá, lấy nước đá chở ra trạm ở ngoài biển. Chuyến về, xuống tôm cá đã ướp nước đá xây, chạy về giao cho công ty ở tỉnh. Cần từ 4 đến 6 giờ chạy từ sông ra biển, để ra đến trạm. Khi hải sản từ trạm về tới công ty, giai đoạn kiểm hàng và lên hàng, có nhanh cũng phải hơn 2 tiếng. Hàng lên xong, dù là 2 hay 3 giờ sáng cũng phải lo rửa tàu cho sạch, không thì nước tôm nước cá chảy ra đã nằm ứ trong khoang cả ngày rồi, sẽ sình thối lên. Không thể làm biếng!

Mỗi chuyến, 3 anh em chúng tôi xuống khoảng 150 cây nước đá. Cây nước đá có phần nhẹ hơn bao xi-măng, nhưng hơi phiền khi đi trên cái miếng ván gác dài từ trên bờ đến mũi tàu. Miếng ván bị nhồi lên sụp xuống bất chừng theo nhịp đi của nhiều người, và sóng thì cứ lắc lư con tàu. Cây nước đá vừa trơn lạnh, vừa cứng, sút tay rớt cấn lên bàn chân trần trụi không giày dép thì cũng ngán lắm. Thấy vậy, vác nước đá riết rồi quen, hết ngán. Mấy đứa chèo xuồng như Hãi vác nước đá rất nghề.

Nước đá, khi giao cho trạm thì nhân viên chỉ đếm kiểm đầu cây. Cây đá dài ngắn, họ dư biết, nhưng có ăn nhậu giao thiệp với nhau, thì họ dễ dãi bỏ qua hết, miễn đừng làm gì quá đáng. Có cớ vác tiếp nước đá, thì Hải và bè bạn vào trong tàu chặt nước đá, đem bán kiếm thêm tiền nuôi gia đình.

Hải ngồi thòng chân đong đưa với những cuộn sóng vòng lên sau đuôi tàu, trông chừng chiếc xuồng con của nó, than vãn:

- Mấy anh biết hông, chuyến rồi, tụi tui chia nhau hỏng tới đâu hết, kỳ này...

- 3 đứa tụi bây, chặt hết bốn năm khúc nước đá mà mày dám than là hỏng tới đâu. Cho tao nửa khúc của tụi bây thôi, 3 anh em tao có hủ tiếu, có cà phê sữa đá và còn chơi cả thuốc ba số 5, tụi mày xạo tổ mẹ. Tới... thấy bà, chớ mà hỏng tới, mậy!

Bị Vũ ngắt lời, Hải cười hề hề, rồi lại kèo nài thêm:

- Hôm nào lên tôm, anh cho tui vô hốt một mớ, cho bà nội tui bồi dưỡng nghen anh.

- Ừ, mày lên kêu Ba Tơ xuống đây hốt tao với thằng Vinh luôn cho gọn. Giỡn mặt hoài mậy! Bộ mày hỏng thấy mấy đứa áp tải, nó đứng thò lõ cặp mắt kiểm hàng à!

Ba Tơ coi bộ phận chuyên chở, ký giấy phép cho ra biển, ký sổ hàng của tàu chở hàng, dĩ nhiên là phải theo nguyên tắc phổ thông ''đầu tiên'', tức là tiền đâu. Cơ quan nào cũng thế, quan nào cũng vậy, biết điều có phong bì, quà biếu thì có chuyến đi; không thì neo tàu, húp cháo, nằm ngó sóng nước. Công việc thì chỉ có vậy, nhưng Ba Tơ thích đeo cây K54, xuống bến tàu, la hét thị oai xua đuổi đám xuồng đưa khách, như Hải, không cho lảng vảng gần tàu chở hàng cho công ty, trông rất uy quyền từ cái văn phòng trên công ty xuống tới dưới bến cảng. Hắn rất hăng say, làm cả những công việc không phải của hắn như chiều chiều xách súng đi theo tàu công an tìm bắt tàu vượt biên. Cơ hội để vừa lập công, thêm thành tích, mà lại thêm tiền vàng ăn cướp từ những nạn nhân vượt biên bị bắt.

- Ê Hải, bây giờ tao không có tôm tươi, tao có nồi mực kho nè, chịu thì vô đây làm miếng cơm với tao cho vui.

Nghe Vũ gọi, Hải lẹ làng lau khô chân, chui tọt vào trong mui, quên mất phải trông chừng chiếc xuồng của nó, miệng ngọt xớt:

- Để đó em, để em dọn cơm cho anh Vũ!

Hải sống với bà nội ở bên kia sông, chúng tôi chưa nghe mà cũng không ai hỏi thêm về cha mẹ của Hải. Cùng trang lứa 14, 15 tuổi, Hải và bè bạn đã nhiều năm mưa nắng chèo xuồng đưa khách sang sông, lúc ế khách thì la cà trên bến, xin khuân vác phụ việc. Mấy đứa nó khôn lanh, lẹ làng, chịu khó, nhưng lắm lúc vẫn còn vướng vất nét thẻ thơ rất tội nghiệp. Tôi giảm tốc độ cho bớt sóng và ngó cầm chừng chiếc xuồng hộ Hải.

Đã gần 9 giờ sáng rồi mà trời vẫn còn u ám, có lẽ trời sắp mưa. Sáng sớm, tiết trời cuối năm se lạnh, lại mưa, lại phải vác nước đá! Ngó chân trời, tôi mong cho đám mây đen chậm kéo tới, chờ xuống nước đá xong hãy mưa. May là sáng nay, hãng chỉ có 100 cây nước đá, nên khi xuống xong thì mưa mới bắt đầu lâm râm. Vũ và tôi đứng nghỉ tay hút thuốc, rồi phụ nhau che khối cây nước đá trên tàu.

- Ra biển mà mưa, tao chán quá.

Vũ lầu bầu, để tấm ny-long lên đống nước đá:

- Còn một tấm, mày đậy luôn giùm tao cho rồi. Giờ này không thấy mấy đứa trên công ty, chắc là không có đứa nào đi theo rồi. Kệ, tao phóng lẹ lên quán lấy một lít phòng hờ.

- Xách vài ba lít đi! Lát nữa tới trạm biên phòng, tụi nó đi theo tàu, mầy có mà đổ cho tụi nó đi kiếm chỗ ngủ, tao đở phải nghe lải nhải ba cái đồ "hồ hởi" "phấn khởi", xốn lỗ tai lắm.

- Ráng nhịn, mày!

Vũ vỗ vai tôi:

- Tụi mình còn bà con đang trông cậy. Đừng để hư bột, hư đường, mậy... Tao đi mua rượu rồi mình dông.

Vũ thay cho người chú, trông coi tàu để chờ cơ hội mang gia đình đi. Thân với nhau từ lớp 8. Nhờ Vũ thương bè bạn và dám che chở cho thằng bạn tù trốn quản chế, tôi mới có được chỗ ẩn náo trên tàu để chờ dịp trốn đi. Xuống đây, nhằm tháng ba, "bà già đi biển", vậy mà chiếc tàu chưa ló mũi được tới cửa biển. Đã biết bao lần ra vào cửa biển như hôm nay, vẫn chưa biết bao giờ sẽ là lần vượt trốn. Lo lắng, mong chờ, nhưng phải tùy thuộc vào gia đình chú của Vũ. Sống gần cửa biển, tất nhiên có nghe thấy thảm cảnh của đồng bào vượt biên. Biết mà không giúp được cho đồng bào bị thảm hại, cái uất ức cứ vương vấn hành hạ lương tâm mình. Đêm nghe tiếng súng ngoài biển, thảng thốt ngồi bật dậy nhìn đêm đen, tôi nghe có tiếng trách hờn, xót đau lắm.

Trời cuối năm thường không mưa nặng hạt và dai dẳng, nhưng tàu hướng ra biển, chỉ thấy trời âm u thôi, đúng như Vũ nói, cũng chán thiệt !

Nước sông đang đổ ra biển, mực nước ròng thấp xuống khá nhiều. Khi nước lớn đầy sông, những cây cọc đáy bị gãy đứng ngầm bên dưới mặt nước đón lườn tàu, bây giờ chúng đâm đầu lên nhấp nhô trên mặt sóng. Tôi giữ tay lái xem chừng để tránh và ôn nhớ vị trí tất cả cọc đáy dọc theo sông. Đây là một trong 3 tuyến đường tôi cần ghi nhớ, để đêm trốn đi, tàu sẽ phải chạy ra cửa biển mà không được dùng đèn rọi để tìm tránh cọc đáy, ngán nhất là các cọc đáy ngầm.

Phía trước có chiếc xuồng đang hướng ra chợ. Cô gái nghe tiếng máy tàu phía sau, từ xa đã ngưng tay chèo, nép xuồng sát vào bờ. Thấy vậy, tôi cũng hạ thấp tốc độ máy, cho bớt dậy sóng, khi tàu chạy ngang qua. Cánh áo đã bạc màu, sắc tím lan đây đó phơn phớt, mộc mạc như đóa hoa lục bình ven sông. Cho tàu chạy thật chậm, nhẹ lướt qua chiếc xuồng. Ngó sang, thấy xuồng chở đầy dưa hấu, tôi lên tiếng chào hỏi:

- Cô ơi, dưa đã có mối chưa cô?

Trong màn mưa lất phất, có đôi mắt ngước nhìn lên e dè:

- Dạ, có rồi... biếu... chú một trái ăn Tết cũng được.

- Chúng tôi xin mua một cặp được không cô?

Cô gái kéo nón che đôi mắt, ấp úng:

- Dạ... má... rầy!

Tôi nhìn vói theo xuồng đang xa dần ra phía sau:

- Cám ơn cô! Cô cho tôi kính lời thăm má, sang năm mới mua may, bán đắt nhé!

Bên dưới vành nón lá, nụ cười bẽn lẽn còn mọng ướt hạt nước mưa.

- Ê, Làm một điếu cho ấm đi.

Nghe gọi, tôi xoay lại, thấy Vũ đưa cho điếu thuốc đã mồi sẵn.

Tôi cám ơn Vũ, cầm xoay điếu thuốc vấn vào trong che mưa, để đóm lửa con con sưởi ấm lòng bàn tay. Điếu thuốc rê, hơi khói nặng đặc quánh. Thà vấn thuốc rê mà hút, tôi ghét căm cái nhãn hiệu thuốc hút có cái tên rất là dị hợm: Sài Gòn giải phóng. Chẳng cần biết thuốc hút ngon hay dở ra sao, tôi ghét chữ "giải phóng" của chúng nó, đâm ra ghét lây gói thuốc thế thôi. Thà nhịn thèm, tôi ghét hút cái thứ có chữ "giải phóng" quỉ quái đó. Hồi trước, nhằm lúc mới lãnh lương, dừng quân có chợ quán là tôi tìm mua một gói Pall Mall. Tôi mê nhớ điếu thuốc có dáng thon dài,thơm nồng nàn, thật tuyệt! Bây giờ, tôi ước gì có được điếu thuốc Bastos Quân Tiếp Vụ!

Trên mui, trống thoáng, gió đùa khói thuốc tạt qua thật nhanh, tôi nói với Vũ:

- Sắp tết rồi!

Bao nhiêu cái Tết, tôi không về với gia đình? Tết trong rừng bụi, Tết trong tù và thêm 1 năm nữa, một cái Tết lưu lạc lẩn trốn trên chiếc tàu này. Rồi khi tôi rời quê hương, bao giờ thì hết loài quỷ đỏ, để được cùng đồng bào tôi đón Tết, mừng xuân quê hương! Tiếng Vũ trầm buồn:

- Ừ, mau quá!

Tôi nhìn Dì Năm và bà bạn đang ngồi trước mũi tàu, áy náy:

- Hai bà này ngồi dầm mưa trông kiếm cái gì đó bên kia sông?

- Tao mời vào trong này cho đỡ gió mưa, rồi cũng trở ra ngồi miết ngoài ấy. Mày xem, mình để ý hỏi thì mấy bà có bao giờ dám nói cho người lạ như tụi mình nghe đâu, nhiều khi còn làm cho mấy bà lo ngại. Mà, cũng gần tới xóm trạm biên phòng rồi, hai bà cũng lên trên bến đó. Thôi, tao xuống chuẩn bị giấy tờ để đi trình ra biển.

- Ừ, chỉ qua cái vàm lục bình đàng trước!

Tôi chợt nhớ ra, ngó theo hướng nhìn của hai người khách, cho tàu chạy chậm lại và áp sát bờ hơn. Phía vàm lục bình, đất bồi nên cạn lài ra, tàu chở nặng, không thể chạy quá gần. Dọc theo bờ sông, dãy lục bình đang lao xao đón làn sóng gợn đưa vào. Trên thảm lá xanh mướt sau cơn mưa, sắc hoa tím điểm nhụy vàng trông càng tươi thắm. Những mầm sống này trôi dạt lững lờ từng mảng theo giòng nước; như có hẹn nhau, chúng gom tụ vào đoạn sông gần cửa biển này, rồi nấn níu nhau, không chịu rời đi nơi nào khác. 

Không rõ từ hôm nào, bên dãy lục bình dày đặc, mấy ngày nay lại thấy nổi phập phìu một phần lưng áo sơ-mi ngắn tay có sọc vuông màu nước biển. Cái quần nâu sậm gần cuối lưng, không rõ là do vướng đất phù sa hay là vết máu. Mặt nạn nhân nằm úp xuống nước, nên khó định được dạng tuổi. Sau những lần nghe tụi biên phòng rượt bắn tàu vượt biên, thì thỉnh thoảng lại thấy có xác người nổi lên, trôi dạt và thường vướng vào đoạn sông này. Lũ man rợ muốn như thế, cứ để thi thể trôi nổi hay bị cuốn ra biển khơi mặc tình; để đe dọa những người đang mưu toan vượt trốn, và rình chờ thân nhân đến nhận xác để ăn tiền, ăn trên xác chết của nạn nhân.

Hôm nay, đã sắp qua khỏi vàm lục bình rồi, mà sao tôi vẫn không thấy màu áo sọc xanh nữa. Để tàu chậm chậm chạy theo giòng nước, tôi thẫn thờ nhìn theo những vệt sóng phía sau vẫn còn đang nối nhau chạy vào bờ rì rào tìm kiếm. Ngoài mũi tàu, Dì Năm kín đáo vỗ về người bạn đang gục đầu cố nén giấu tiếng khóc trong đôi bàn tay. Dáng thân gầy guộc của người đàn bà bất hạnh giờ chùn rũ xuống, run rẫy, chơi vơi; trông thật tội tình với những mất mát đớn đau, mà thời gian sẽ không bao giờ mang lại được an lành.

Không biết thi thể của người đàn ông vương ven bờ, bây giờ đang trôi chìm nơi đâu? Mùa xuân hy vọng mà ông đi tìm, đã vĩnh viễn theo ông chìm vào hư vô. Rồi đây, mùa xuân có còn trở về trong nước mắt của những người thân thương còn sót lại? Hay mỗi năm xuân đến, ngày Rước Ông Bà về vui xuân, chỉ còn là mâm cơm chiều để nhớ ngày giỗ kỵ và ánh nến trắng tang thương vẫn đốt cháy thiệp xuân hồng. Tôi thấy mắt mình cay xót, nghẹn đắng lời và giòng nước đổ ra biển đang cuộn dậy, sôi sục sóng uất hờn.


Đêm thật dài, giấc ngủ chập chờn chóng vánh theo thân tàu đang nương theo sóng. Tôi khẽ trở mình trên hai miếng ván ghép lại làm băng ghế ngồi lái tàu, và cũng là chỗ ngủ của tôi. Trên băng ghế có mái che nhỏ, đủ che nắng và sương. Hôm nào không mưa to, tôi ngủ trên mui. Tuy phải chui vào nóp để tránh muỗi, nhưng nằm trên này trống khoáng, nghe thấy được tình hình lùng xét của công an từ xa, nhanh lẹ hơn là nằm trong mui kín bít bùng. Rờ lớp đệm làm nóp đã thấm hơi sương lạnh ướt, tôi đoán chừng chắc cũng gần sáng rồi.

Hồi tối, Vũ rót hết phần rượu trong chai vào chén đẩy sang tôi:

- Hết mẹ nó rồi! thôi, tao với mày... chia hai nghen mậy, mai mà không mắc sửa máy, tao... tao đi kéo thêm chai nữa mới đã phải hong mậy!

Như phần rượu còn sót lại, bạn bè chia nhau uống lần này, biết đâu cũng là lần sau cùng. Hôm nay không phải là ngày sửa máy. Vũ cố ý mượn rượu giả say nói lớn tiếng cho các ghe tàu đậu kế cận nghe để họ không lưu ý dòm ngó khi chúng tôi bỏ chuyến, nằm bến cả 2 ngày.

Theo dự tính, sáng hôm nay từ chuyến xe đò rời bến sớm nhất, gia đình và thân hữu sẽ tuần tự đi đến các điểm hẹn, rồi sẽ xuống tàu theo từng nhóm nhỏ và phương cách khác nhau. Trưa hôm qua, anh Ba, anh rể của Vũ đóng vai chủ tàu và là tài công chính, đi báo với phòng vận chuyển là máy tàu bị hư, không nhận đi chở hàng. Với cớ máy hư, anh Ba nói là phải về thành phố tìm mua đồ phụ tùng, để về thu xếp đem vợ và hai con đi theo. Dưới tàu, phần Vũ và tôi tháo nấp máy, bày biện dụng cụ và đồ phụ tùng, tạo cảnh máy hư. Thỉnh thoảng, chúng tôi tay lem luốc dầu máy, thay nhau đi tìm mượn dụng cụ ở các ghe đậu quanh, như đang lo sửa máy. Thực ra, chúng tôi chỉ kiểm điểm lần chót tất cả hệ thống bơm nước và vận chuyển từ máy ra ngoài chân vịt, để sẵn sàng cho chuyến vượt đại đương.

Sau những tháng ngày dài ngấm ngấm tìm tạo điều kiện, tìm cơ hội để vượt thoát, chú của Vũ đã quyết định ngày đi. Tối nay, chiếc tàu 3392 này sẽ làm 1 chuyến vận chuyển mà không bao giờ trở lại quê hương yêu dấu.

Tôi trăn trở, đi là trốn lánh, xa rời quê hương, bỏ lại đồng đội chiến hữu. Rời bỏ quê hương là bỏ mất những gì cao quý nhất. Một lần đi, có lần trở lại? 

Nhưng ở lại thì tiếp tục bị tròng cổ, trói tay, cùm chân trong cái lao tù mới, chúng nó gọi là quản chế. Ngày lại ngày, đường tương lai bí cùn, đen thẩm và là chuỗi ngày dài gánh nặng âu lo của gia đình.

Nỗi thương nhớ ba mẹ và các em ray rứt trong lòng, gia đình đã hy sinh cho tôi rất nhiều để có được cơ hội vượt thoát như hôm nay. Từ khi ra đơn vị, chỉ một lần về phép. Ngày đi đường, chưa trọn ngày còn lại với gia đình. Thăm mừng chưa xong đã đến lúc từ biệt. Trở lại đơn vị, Chuẩn Úy Tuyết thay tôi dẫn đơn vị đi đổ toán, đạp mìn cụt chân trái. Chỉ 4 ngày trước khi Tuyết đi phép kết hôn! Thiếu người, tôi phải theo toán đi ngay, không kịp đi thăm Tuyết, trước khi bệnh viện chuyển Tuyết đi. Lần đi phép duy nhất, gia đình thấy mặt, rồi tôi lại biệt tăm. Ba mẹ trông mong tin tức, không biết tôi còn sống sót hay bỏ xác nơi đâu. Khi tụi cai tù "quản giáo" cho gởi thư thì gia đình mới biết là tôi đã bị bắt từ trưa ngày 30 tháng Tư và đang bị tù đày.

Tháng Tư Đen là địa ngục trần gian!

Là tang tóc đổ lên đầu dân Việt!

Hôm nay, nhìn lại đã gần 2 năm ẩn náo trên tàu. Nhớ hôm đạp xe vào ruộng, từ giã ba mẹ để xuống tàu ẩn náo và tìm cách vượt biên với Vũ, ba ân cần đưa cho tôi non chục trứng gà:

- Con mang xuống tàu cho mấy anh em lai rai.

Từ khi ba tôi bất cộng tác, không chịu giảng dạy học trò theo giáo điều của bọn cộng phỉ, bỏ trường lớp về nông thôn làm ruộng, ba mẹ tôi sống chật vật lắm. Đi tù về, thân phận tôi, tôi lo còn chưa xong, nói gì đến việc đáp đền ơn sinh thành dưởng dục Thái Sơn.

Trứng gà còn hơi ấm, ba mới lấy ra từ ổ trứng đang ấp, tài sản rất lớn của ba mẹ tôi trong lúc này. Tôi cố cầm giữ xúc động:

- Con cám ơn Ba và Vú. Ba cho phép con đưọc để trứng lại, để gà mẹ ấp tiếp tục, tội nghiệp công của gà mẹ lâu nay. Hoàn cảnh nhà mình sa sút, anh em đều biết. Ba và Vú tha lỗi cho con đã không phụ giúp mẹ cha trong ngày cao tuổi và lúc gặp khó khăn.

Mẹ tôi quay đi, bước vội vào nhà bếp. Mẹ đi tránh giấu nước mắt khi nghe tin phân ly; dù mẹ đã từng hối thúc tôi tìm đường vượt biển và biết trước sẽ có lúc tôi phải đi. Tình mẫu tử suối nguồn dạt dào. Mới những năm vừa qua, mẹ đã bao lần lội ruộng, băng rừng, ngủ vất vưởng qua đêm chờ sáng vào thăm con. Bây giờ, con lại ra đi, lần này từ biệt hay là lần vĩnh biệt. Ba quen trầm tỉnh nhận giữ mất mát:

- Con chỉ cần lo sao cho các em sớm đoàn tụ là Ba và Vú mãn nguyện lắm rồi. Anh em dưới tàu cũng thừa biết, có thời gian nên tính toán cho thận trọng, làm một lần cho thành công. Ba hay nói đi nói lại câu nói của anh hùng Nguyễn Thái Học, con ghi nhớ: "Không Thành Công, cũng Thành Nhân".

Ba đưa tay cho tôi bắt. Tôi ngạc nhiên, cầm lấy bàn tay của Ba và nhìn ánh mắt nghiêm nghị của Ba:

- Con xin hứa! Cám ơn Ba rất nhiều. Xin Ba và Vú giữ sức khoẻ chờ con. Con thoát được thì gia đình mình sẽ đoàn tụ.

Nghe tiếng tôi bước vào gọi tìm, Mẹ gạt nhanh nước mắt, nhìn tôi cười cho tôi yên tâm:

- Củi còn ướt, khói quá, làm cay mắt Vú... Thấy cũng chiều rồi, Vú tính làm miếng cơm, cho cha con ăn. Ba khuyên nên để con đi sớm, không nên nấn ná trong xóm này lâu. Thôi, con đi với anh em mạnh giỏi!

Đến lúc này, tôi nghẹn lời, nhìn mẹ tôi giữ nụ cười qua màn nước mắt.

Tiếng dân chúng chở hàng ra chợ buôn bán nghe nhộn nhịp hơn, tôi hé nóp nhìn những ngọn đèn dầu trên ghe xuồng, lung linh nhấp nhô theo nhịp bơi chèo ngoài sông. Không ngủ thêm được, nằm cũng không yên, tôi chui ra khỏi nóp, quấn mền ngồi đốt thuốc hút.

Sáng sớm, bến tàu thật yên tỉnh. Hàng đèn vẫn còn đó, ánh sáng vàng buồn quen thuộc trong đêm đen; thân gầy guộc đứng gục đầu nhìn sóng nước, tiếc sao mình không được làm một con tàu, như những chiếc đang cột chen chút nhau quanh bến, biết đâu sẽ có một ngày nào đó, được cùng thuyền nhân vượt thoát đến bến bờ Tự Do. Hôm nay trời không mưa, gió lặng, sóng nước thật yên bình. Tôi nhìn ra hướng cửa biển, bâng khuâng lo lắng, thầm cầu nguyện ơn trên cho yên bình đến tất cả thuyền nhân, với chuyến ra khơi của chúng tôi.

Có tiếng động bên dưới mui tàu, chắc Vũ cũng không ngủ được, đã thức dậy sớm. Tôi ngồi nán lại, hút cho hết điếu thuốc. Muỗi ở đây trông như như đã quen hay cũng ghiền khói thuốc. Mới ngồi dậy đốt xong điếu thuốc thì chúng nó ào ào kéo nhau bâu bám khắp nơi có da thịt. Lấy tay đuổi chỗ này, chúng đáp vào nơi khác. Tôi bất cần, bỏ mặc chúng châm chích, cứ ngồi thưởng thức điếu thuốc đầu ngày, nghe chúng vi vo bên tai:

- Như thế này là nhất rồi, hồi bị tống vào trong connex làm gì có nóp, có mùng mền.Nhìn cái bụng con muỗi phình to tròn mà vẫn cấm chúi đầu đâm hút trên tay tôi:

- Lũ ruồi muỗi chuột bọ chúng mày y hệt như loài súc sinh cộng phỉ, hở ra là bâu vào cắn hút máu mủ để sống! 

Vũ hé nấp mui tàu, gọi tôi trở về với thực tại:

- Ê! Vinh! Cà phê, mậy!Lấy mền quạt mạnh xua đám muỗi bay cho xa, tôi thả người tuột lẹ xuống mui rồi đậy nấp mui lại.

Ghe tàu đậu kế cạnh còn yên ngủ. Như phòng chung vách ván, chúng tôi dùng bút viết để bàn tính thêm những việc cần thiết cho chuyến đi hôm nay. Chưa được 2 năm, nhưng mong đợi làm ngày tháng thấy dài đăng đẳng, rồi đến ngày ra khơi thì lắm việc phải làm cho kịp với thời gian.

Cảnh tượng đồng bào vượt biên đã phải trả cái giá cho ước vọng tự do bằng oằn người chịu đựng trận đòn thù tra tấn, bằng sinh mạng của mình, tất cả uất hận nằm trong ký ức, giờ trỗi dậy, nghe xót đau chừng như mới vừa hôm qua.....

Đã qua gần nửa thế kỷ, hình ảnh "thuyền nhân" Vinh vượt tuyến tìm Tự Do trong phim "Chúng Tôi Muốn Sống", từ giữa thập niên 1950, cùng tất cả các chứng tích và tội ác man rợ của chế độ cộng sản hãy còn đó, âm vang oán hờn. "Chúng Tôi Muốn Sống" vẫn là hiện thực, vẫn tiếp nối nhau tái diễn từ Bắc vào Nam. Hàng triệu "thuyền nhân" Vinh từ sau tháng tư năm 1975, may mắn thoát khỏi bọn cướp "cạn" cộng phỉ man rợ, còn phải đối đầu với bọn cướp biển dã man. Không ai có thể đếm được bao nhiêu triệu "thuyền nhân" Vinh đã đi mà không đến được bến bờ Tự Do như mong ước!

Tôi nhìn đồng hồ, ngày đã khởi đầu và vụt qua mất 6 giờ. Một ngày trọng đại khởi đầu cho chuổi ngày định mệnh. Định mệnh của con tàu 3392 này và sinh mạng nó sẽ mang theo. Đến lúc này, lo lắng trách nhiệm đã lấn át mọi sợ hãi.

Một lần đi, là mãi mãi thương đau! Đã biết rằng, ra đi là chấp nhận cái chết, thuyền nhân của chiếc 3392 chỉ còn con đường duy nhất: phải vượt thoát!

 

BK Bùi Đức Tính 323