Thursday, January 28, 2016

Tết Của Đồng Bào Thái Trắng


Chốn tha hương xuân về chạnh nhớ
Tết quê nhà liệu có như xưa?
Xa quê cha đất tổ lâu năm, tôi cũng quen dần với không khí ảm đạm buốt giá trong những ngày gọi là “tết”.  Ở đây, trên Đất Mỹ xa lạ cũng có ngày tết, nhưng thiếu vắng không khí tết, vì ai cũng lo quay cuồng tất bật với việc kiếm tiền mưu sinh, vả lại tết ta thường rơi vào ngày làm không được nghỉ, cho nên tới tết thì bà con mình cũng chỉ sắm sửa qua loa, trái cây, bánh mứt, bó hoa, nhang đèn cho có, chứ không chộn rộn sửa sang, quét dọn chi cả!. Còn nhớ năm nào trên đất phương nam, tết đến từ thành thị cho tới xóm làng, nơi nơi rộn rã nói cười, xởi lởi ăn nhậu, bánh trái lu bù, mai vàng khoe màu rực rỡ trên khắp mọi ngõ ngách.  Ấy là xuân phương nam thuở thái bình thịnh trị, chưa nghe tiếng súng thù.  Còn trên quê cha đất tổ, chốn núi non tây bắc xa xôi ngày xưa đón tết ra sao, tôi còn nhớ được nghe mẹ kể như vầy:
Đón Tết Mừng Xuân là truyền thống văn hoá lâu đời của đồng bào sắc tộc thái. dù giàu hay nghèo, cứ tết đến, mọi người đều tạm gác tất cả nỗi lo âu ưu phiền để hoà mình vào niềm vui của trời đất và nhân loại
Từ ngày 25 tháng chạp, mọi người đều tạm dừng các công việc để nghỉ ngơi, dọn dẹp trang trí nhà cửa và sắp xếp lại đồ đạc chuẩn bị đón tết, rủ nhau đi chợ phiên cuối năm, tìm mua những cây mía để về buộc ở hai bên bàn thờ. Cây mía được chọn phải là những cây cao to, đẹp mắt, để cả ngọn có lá dài.  Theo quan niệm của người Thái, hai cây mía tượng trưng cho chiếc thang để tổ tiên về ăn Tết cùng với con cháu. Việc thờ cúng tổ tiên của người Thái vào ngày Tết vừa có ý nghĩa thiêng liêng, đồng thời thể hiện lòng kính hiếu của con cháu đối với ông bà tổ tiên, lại còn biểu lộ sự sung túc, ấm no. 
Tết của đồng bào Thái, không thể thiếu rượu để tiếp khách ngày xuân , và bánh trái để cúng ông bà. Rượu thì phải ủ từ cuối tháng chạp, bánh thì sáng ba mươi giúp nhau gói và làm.  Những nồi rượu nếp ủ từ lá men rừng cũng được bà con chưng cất suốt cả ngày đêm cuối tháng Chạp.
Đặc biệt, ngày Tết của đồng bào Thái trắng Tây Bắc không thể thiếu các loại bánh truyền thống như: Bánh chưng, được gói từ gạo nếp, nhân đỗ, thịt lợn.  Bánh chưng của đồng bào không giống bánh tét Miền Nam hay bánh chưng vuông Miền Bắc mà gù như trái núi.  Bánh bỏng, được làm từ xôi nếp, phơi khô rán.  Còn bánh “khảu tắt”, một loại bánh đặc trưng được chế biến từ gạo nếp ngâm, ăn ngon được nhiều người ưa chuộng chỉ có ở Người  Thái.

Làm bánh ngày Tết không chỉ đơn thuần là món ăn truyền thống mà còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, chu đáo của phụ nữ dân tộc Thái.  Muốn cho bánh ngon trước hết ta phải chọn gạo nếp dẻo, hạt đều, không lẫn hạt tẻ rồi ngâm từ tối hôm trước và sáng hôm sau đồ rồi trải qua các công đoạn: giã, lăn, cắt, phơi, dán và tẩm đường.

Sáng 30 tết, khi gà mới gáy canh hai, canh ba thì khắp các gian bếp của những ngôi nhà sàn đã bập bùng ánh lửa. Họ thức dậy từ rất sớm. Con gái thì đồ xôi, gói thành từng gói trong các tấm lá dong xanh mướt để đến khi trời sáng có xôi để đặt lên bàn thờ. Còn con trai cũng dậy sớm để mổ lợn, bốn chân và đầu đuôi để cúng tổ tiên, phần nạc làm thịt sấy, ba chỉ ướp muối, còn phần vừa mỡ vừa nạc làm lạp sườn, làm nem thính... Tất cả các món ăn truyền thống không chỉ ăn ngay trong mấy ngày Tết, mà còn treo gác bếp để ra giêng. Khi lá vả, lá sung lên non, lấy ăn ghém mới là món ngon, đúng mùa. Nhà nào có nhiều thịt, để được lâu được coi là Tết to. Các món ăn truyền thống được các mẹ, các chị khéo tay chế biến với mắc khén (Tiêu rừng), ớt bột, thảo quả, hương thơm quyến rũ.

Với đồng bào Thái trắng, mâm cỗ cúng tổ tiên được đồng bào rất coi trọng. Ngoài mâm cỗ thủ và bốn chân lợn, bánh trái ngày Tết, dân tộc Thái còn có “bók piếng”, tức là một loài hoa bông nhỏ màu trắng không héo để thờ cúng trên bàn thờ quanh năm và hai cây mía(cả lá) dựng hai bên bàn thờ.  Nhà nào cũng sắm đầy đủ lễ theo truyền thống: các loại bánh trái hoa quả, có thủ lợn, xôi, rượu… Khi thu mâm cỗ hoá vàng thì mời anh em bản mường về chung vui bữa cơm đầu xuân, năm mới.
Trong bữa cơm ngày tết người lớn thường nhắc nhở, dạy dỗ con cháu những điều hay, lẽ phải. Cùng trò chuyện về những điều đã qua trong năm cũ và bàn bạc, dự tính những việc của gia đình mình sẽ làm trong năm mới.

  


Trong đêm giao thừa, người cao niên ngồi quây quần bên bếp lửa ấm cúng để chào đón những giây phút quan trọng vào lúc năm cũ bàn giao cho năm mới. Các chàng trai, cô gái vui chơi trong tiếng trống chiêng, tiếng hát giao duyên để chờ đồng hồ báo 12 giờ đêm thì sẽ đi lấy nước cầu may. Người Thái đã có tục lấy nước cầu may (au nặm cớn luông- giành nước trước khi con rồng xuống uống nước thế gian) từ lâu đời, họ trân trọng bảo lưu và truyền lại cho thế hệ trẻ. Việc lấy nước phải được thực hiện trước khi gà gáy canh một. Người ta thường lấy nước suối, nhưng nếu lấy được nước đầu nguồn thì càng may mắn hơn. Người Thái quan niệm, lấy nước suối ở đầu nguồn trong những giây phút đầu tiên của năm mới thì sẽ được thanh khiết như nguồn nước suối và cả năm đó họ cùng gia đình sẽ luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn.
Càng về gần sáng người ta càng cảm nhận rõ hơn cái lạnh giá nơi miền sơn cước. Những ngôi nhà sàn nằm chênh vênh trên các sườn núi, ẩn hiện trong mây mù, những hạt sương rơi lớt phớt như hạt mưa phùn mang theo hơi thở của núi rừng, mang đến sự bình yên no ấm của cuộc sống con người nơi đây trong những ngày đầu xuân.

Ôi, ao ước biết bao! một lần về Mường So ănTết,  để thấy xuân về trên non cao, khắp bản trên mường dưới, bà con quây quần bên nhau nghe tiếng tính tẩu hoà với điệu khắp dân ca da diết, mời nhau món ngon truyền thống, và  nâng những chén rượu nồng, chúc nhau khỏe mạnh, bình an, may mắn như lộc biếc đầu xuân trong thôn xóm thái hoà ! 

Sơn Nhân sưu tầm

No comments:

Post a Comment