Thursday, August 3, 2017

Cạn Kiệt - Mạnh Kim


Cạn kiệt là “từ khóa” của mọi từ khóa miêu tả ngắn gọn hiện tình đất nước Việt Nam. Mọi thứ đang cạn kiệt. Công bố Ngân hàng Thế giới trung tuần tháng 7-2017 cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ công tăng nhanh nhất thế giới. Nợ công Việt Nam hiện lên đến 2,68 triệu tỷ đồng, tăng từ 36,5% GDP năm 2001 lên 62,2% GDP năm 2015. Tính đến giữa tháng 7-2017, nợ công Việt Nam tương đương khoảng 94,8 tỷ USD.

Điều này cho thấy không chỉ tình trạng khủng hoảng ngân sách mà còn khủng hoảng chính sách và khủng hoảng điều hành. Nói chính xác hơn là “khủng hoảng năng lực điều hành”. Cái gọi là “Luật quản lý nợ công”, áp dụng từ ngày 1-1-2010, đã không thể tạo ra hàng rào luật hiệu quả. Nó không kiểm soát được những “thành tích” bòn rút ngân sách, và tệ hơn, nó gián tiếp hình thành nên các cách thức lách luật với sự bùng nổ các nhóm lợi ích. Di sản ăn chụp vô độ và phá phách vô tội vạ của Nguyễn Tấn Dũng cộng với “nội các” kế nhiệm tập trung nhiều kẻ bất tài nhất lịch sử chính trị cộng sản Việt Nam càng đẩy nhanh tốc độ suy sụp.

Ngày 10-5-2017, khi bế mạc Hội nghị trung ương 5, Nguyễn Phú Trọng vẫn kiên trì rằng kinh tế thị trường định hướng XHCN là “một vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản”, “một sáng tạo mới của Đảng ta”… Những điều ấy là gì? Rất khó có thể biết Trọng có thật sự hiểu những gì ông ta nói hay không. Nó quá mơ hồ so với những con số thống kê dễ thấy chẳng hạn số nợ công cụ thể mà mỗi người Việt Nam, bất luận tuổi tác, phải gánh chịu là hơn 1.000 USD.

Có một “thực tiễn” mà hệ thống lãnh đạo cần “sáng tạo” để nhận biết họ đang ở đâu: Chưa bao giờ hệ thống chính trị lãnh đạo cạn kiệt nhân lực có tài bằng lúc này. Không có yếu tố “cá nhân” nào nổi trội trong hệ thống cầm quyền đương nhiệm. Không gương mặt nào xứng đáng đại diện cho “trí tuệ Việt”. Họ tăm tối. Họ đần độn. Họ chậm chạp và hoàn toàn đi bên lề sự phát triển của thế giới bên ngoài. Họ phát biểu giống nhau, nói dối giống nhau, hành xử quê mùa giống nhau. Họ xem thường dân hệt như nhau.

“Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả…” – Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu cách đây một năm. Khó có thể đánh giá nhân dân đã làm được gì cho đất nước bằng nhãn quan rất hẹp như thế nhưng dễ thấy rằng nhân dân không có vai trò gì trong các dự án ngàn tỷ đắp chiếu trùm mềm. Nhân dân không có trách nhiệm trong việc làm lũng đoạn ngân sách công, nơi về nguyên tắc thuộc quyền giám sát của một tập thể “dân chủ tập trung” mà Kim Ngân làm “chủ tịch”.

Cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Cạn kiệt cả “nguồn tài nguyên” con người. Việt Nam chưa bao giờ thiếu người tài, ở bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Nhân tài Việt ngày càng hiếm hoi, bởi nền giáo dục tồi tệ, lại tiếp tục khan hiếm khi nhiều người lần lượt cuốn gói ra đi. Cách thức đối xử người tài là nguyên nhân lớn nhất chứ không chỉ bởi nghèo và thiếu phương tiện. Cách thức sử dụng nhân tài và chính sách giáo dục là những bế tắc dai dẳng nhất của đất nước. Nó sẽ không bao giờ tháo gỡ được nếu chính sách giáo dục đang được thực thi là một chính sách “ngu để trị”.

Một bài báo của Tạp Chí Cộng Sản đề ngày 9-1-2012 cho biết, “Ngày 8-1, tại Hà Nội, Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực-nhân tài Việt Nam đã tổ chức Đại hội toàn quốc nhiệm kỳ II… Trong 5 năm qua, từ chỗ không có một đơn vị thành viên nào với hơn 300 hội viên ban đầu, đến nay, Trung ương hội có 725 hội viên, 4 thành hội, tỉnh hội, 14 chi hội và 30 đơn vị trực thuộc Trung ương hội…”. Thật khó có thể tưởng tượng đó là một tổng kết về nguồn nhân tài. Có những sự thật không được nêu ra trong “kết quả 5 năm”. Đó là những đêm không ngủ của vô số phụ huynh trằn trọc xoay sở đưa con em đi tỵ nạn giáo dục. Đó là hiện tượng có những người Việt ở nước ngoài làm rạng danh dân tộc nhưng không bao giờ muốn trở về phục vụ một đất nước đang giãy giụa trên mớ “nghị quyết trung ương đảng về đổi mới giáo dục”. Chảy máu chất xám thật ra không tệ hại bằng sự bất lực kêu gọi đóng góp chất xám. Đảng thật ra không thể và không bao giờ biết cách “làm giáo dục”. Mới đổi mới giáo dục, trước hết cần đổi mới chính hệ thống đảng.

Đất nước này có nhiều “mũi nhọn”: mũi nhọn kinh tế, mũi nhọn du lịch, mũi nhọn giáo dục, mũi nhọn văn hóa… Nó thiếu một mũi nhọn quan trọng: “mũi nhọn nhận thức”, để giới lãnh đạo có thể tự đâm vào đầu đủ đau để nhắc rằng họ đang làm đất nước tụt hậu và đổ nát như thế nào. Chưa bao giờ vấn đề bạo lực xã hội khủng hoảng như hiện nay. Nếu cách đây 10 năm, một vụ nữ sinh đánh nhau có thể làm rúng động xã hội, bây giờ, xã hội chứng kiến nhiều chuyện khủng khiếp hơn vậy vạn lần. Đời sống không chỉ bất an bởi nguồn thực phẩm mà còn là sự bùng nổ những cuộc thanh toán chém giết. Và cả những cuộc trả thù rùng rợn mà quan chức chế độ cũng trở thành nạn nhân.

Chưa bao giờ bất công, bất tín và bất nhân trong một xã hội “thượng tôn pháp luật” phát triển tràn lan như lúc này. Hãy thử đặt câu hỏi tại sao một côn đồ như Phan Sơn Hùng liên can vụ đánh đập phụ nữ lại vẫn nhơn nhả ung dung? Hắn có phải là một thứ công cụ nối dài của bộ máy công an? Có những câu hỏi không bao giờ có thể trả lời. Có những cái chết trong đồn công an không bao giờ được làm sáng tỏ. Đất nước đang cạn kiệt mọi thứ. Cạn kiệt ánh sáng lương tâm và ánh sáng công lý.

Tấm ảnh Nguyễn Xuân Phúc trong buổi lễ tôn vinh Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 22-7-2017 cho thấy một điều khác. Hàng triệu triệu người Việt đã bị xô đẩy vào một cuộc chiến “giải phóng” mà hàng chục năm sau vết thương chia cắt dân tộc vẫn chưa lành. “Xương trắng Trường Sơn”, như được thuật trong hồi ký của cán bộ tập kết Xuân Vũ in tại Sài Gòn năm 1974, vẫn là một màu trắng vô hồn cho những mất mát của bất kỳ bà mẹ Việt Nam nào đội giải khăn tang chiến tranh. Việt Nam không chỉ có những bà mẹ đau buồn của một phía. Phía bên này, cũng còn có vô số bà mẹ đau khổ. Làm sao có thể hàn gắn lòng người chia cắt khi mà kẻ thủ thắng vẫn vét cạn lương tâm hành xử hậu chiến để lấp đầy vào đó những thói thường hả hê?

Điều mỉa mai là quân đội của “Hanoi’s war”, như miêu tả trong tác phẩm của sử gia Lien-Hang T. Nguyen, ngày nay dường như không đủ khả năng bảo vệ đất nước. Quân đội đang như một đế chế bất khả xâm phạm, với những bất công giữa “giai cấp lính” với “giai cấp sĩ quan”, hệt như những bất công trong xã hội, giữa nhung nhúc người nghèo khổ với đám tư bản đỏ bỏ ra 3 tỷ USD mua nhà ở nước ngoài. Quân đội ấy, từng tự hào đánh tan những kẻ thù khổng lồ, có thể hiệu triệu được lòng dân để chống lại tên khổng lồ Trung Quốc? Liệu niềm tin người dân cho quân đội cũng đang bị cạn kiệt?

Một đất nước suy yếu không phải vì nó là một đất nước nghèo. Một quốc gia suy yếu là một quốc gia chỉ còn “hèn khí” thay cho “hùng khí”. Một quốc gia thật sự đi đến thời khắc của tối tăm là khi mà lòng yêu nước bị ném vào chốn lao tù. Một quốc gia thật sự suy vong là một quốc gia mà lòng yêu nước của người dân bị làm cho ngày một cạn kiệt, bởi những bản án chính trị phi lý dành cho những tấm lòng ái quốc mà chính bản thân nhà cầm quyền còn chưa bao giờ đủ dũng khí để thể hiện cho ra khí phách thể thống một quốc gia.

Mạnh Kim

No comments:

Post a Comment