Quê hương thì ai cũng nhớ cũng thương, dù chùm khế ngọt có héo đi, dù
cây đa cũ bên đò xưa có thay đổi, dù con sông bờ ruộng có bị lấp
đi...quê hương ấy vẫn cứ sống mãi trong ký ức và tiềm thức của tôi. Nhà
văn Sơn Nam đã có lý để viết:
“phong sương mấy độ qua đường phố,
hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.
Sau 30 năm xa cách, tôi cũng trở về Việt nam với tâm trạng ấy và ra đi cũng với tâm trạng ấy.
Tôi
không thể nào không thương nhớ quê hương. Nhưng tôi không sợ bị kết án
là vong bản để nói rằng tôi không thể nào hòa nhập trở lại vào cuộc sống
ở quê hương. Sau đúng một tháng đi “xâm nhập thực tế” từ Nam chí Bắc,
bằng mọi phương tiện di chuyển thượng vàng hạ cám, từ máy bay đến taxi,
xe đò, xe buýt, xe ôm, xe xích lô, thuyền bè, tiếp xúc với hầu hết mọi
giai cấp xã hội, tôi vẫn chưa thấy mình “tốt nghiệp” từ trường học làm
người Việt nam XHCN. Tôi vẫn cảm thấy lạc lõng ngay trên chính quê hương
của mình.
Suốt một tháng sống ở quê hương, theo lời ông bà dạy,
tôi đã bắt đầu lại bài học vỡ lòng là “học ăn”. Trong trường XHCN hiện
nay, đây là môn khó nuốt nhứt đối với tôi. Về Việt nam để ăn cho thỏa
thích là chuyện có thể hiểu được đối với nhiều người Việt hải ngoại. Ai
mà chẳng thèm các món đặc sản ở quê hương. Nhưng tôi hoàn toàn thất vọng
về khoản này. Hàng ăn ở Việt nam không thiếu. Thật không ngoa để nói
rằng cả nước Việt Nam hiện nay là một “hàng ăn”. Trên vỉa hè và ngay cả
trên đường phố, dọc theo những con lộ ở thôn quê, chỗ nào cũng có tiệm
cà phê và quán ăn. Đó là chưa kể những gánh hàng rong. Đồ ăn, món nhậu
và thức uống được dọn ngay trước mặt mình vào bất cứ lúc nào trong ngày.
Đầu
thập niên 80, mới đến Pháp, tôi thực sự thất vọng và cảm thấy bơ vơ
trong xã hội mới: đi tìm một hàng quán là chuyện trần ai. Giá cả thì lại
làm cho những người tỵ nạn chân ướt chân ráo phải dội ngửa. Đó là chưa
kể ngày chúa nhựt: phố xá đóng cửa im thin thít. Có đói thì cũng đành
phải bóp bụng mà kéo lê từng bước mỏi mệt đến hằng bao cây số may ra mới
tìm được một tiệm ăn bình dân.
Đến Ý tôi lại càng bực mình hơn:
cứ từ hai giờ trưa đến bốn giờ chiều, mọi quán sá đều đóng cửa. Mặc cho
du khách có réo gọi, người ta vẫn cứ tỉnh bơ ngủ trưa đã.
Ở Việt
nam XHCN hiện nay thì trái lại, muốn ăn cái gì cũng có, muốn ăn giờ nào
cũng được, muốn ngồi ăn ở đâu cũng chẳng ai cười. Có lần trên một chuyến
taxi, tôi nêu thắc mắc với người tài xế: tại sao ở VN người ta “ăn
nhậu” liên tục như thế? Anh trả lời rằng đa số người Việt nam hiện nay
sống rất hiện sinh. Anh giải thích rằng người Việt nam ăn nhậu xả láng
là vì không muốn nghĩ đến ngày mai và cũng chẳng bao giờ có ngày mai mà
nghĩ. Kiếm được đồng nào xài đồng đó. Đó là chủ trương sống của rất
nhiều người Việt nam hiện nay. Không chỉ có những cán bộ phì nộn, ăn mặc
bảnh bao hay các đại gia và giai cấp nhà giàu mới ăn nhậu, xem ăn nhậu
như thủ tục đầu tiên, người dân lao động, những kẻ ăn không ngồi rồi
cũng ăn nhậu và ăn nhậu suốt ngày, suốt đêm.
Sau một tháng về
thăm Việt nam, đứng lên bàn cân, tôi sụt ký thấy rõ vì không muốn và
không dám ăn một cách “thỏa thích” như mọi người. Tôi thực sự cảm thấy
ái ngại mỗi khi bước vào một nhà hàng sang trọng. Giá cả không quá cao
nếu so với Úc và các nước văn minh. Nhưng trong một đất nước mà thu nhập
bình quân của một người lao động phổ thông vẫn còn ở mức dưới 5 Mỹ kim
một ngày thì một bữa ăn trong một nhà hàng giá đến vài chục Mỹ kim, chưa
kể tiền bia rượu, thì đây hẳn là một cách tiêu xài xa xỉ chỉ dành riêng
cho giới nhà giàu mới trong xã hội "ai chết' mặc bây, tiền thầy đầy túi
".
Tôi không thấy thoải mái để bước vào các nhà hàng sang trọng .
Cơm đường cháo chợ thì ê hề. Nhưng ngặt một nỗi, vì đã lỡ học cái thói
vệ sinh của các nước văn minh, cho nên có thèm nhỏ dãi tôi cũng đành ăn
hàm thụ. Trong những ngày đầu, bị "tào tháo" rượt một lần, tôi tởn tới
già. Cùng lắm, muốn ăn món tủ, nhà tôi đành phải mua rau cỏ về nhà rửa
sạch với thuốc rửa rau mà chúng tôi mang theo từ Úc, rồi đem ra nhà hàng
ăn, thay vì ăn rau của họ trước con mắt khó chịu của người xung quanh.
Ngoài ra, xuất xứ của các thứ thịt cá được dọn ra trong các hàng quán
cũng khiến tôi nghi ngại. Những con thú chết vì bệnh... thay vì đem chôn
thi` được xẻ thịt ra bán trong chợ là chuyện có thật được chính báo chí
Việt nam phanh phui. Thịt quay treo lủng lẳng trên đường phố đầy bụi
bậm và ngày này sang ngày khác là chuyện mà tôi thấy trước mắt mỗi khi
xuống đường. Ngay chợ Đồng Xuân, Hanoi, nhà tôi đã vô tình chứng kiến
cảnh người ta xẻ thịt bò ngay trên nền chợ lầy lội nước.
Tựu
trung, các hàng ăn ở Việt nam kinh doanh bằng mọi giá, bất kể các tiêu
chuẩn vệ sinh và chuẩn mực đạo đức. Xét cho cùng, nếu ăn uống là thể
hiện của văn hóa một đất nước, thì điều được gọi là “văn hóa ẩm thực”
của Việt nam hiện nay cũng nói lên sự dối trá và lừa gạt vốn tràn lan
trong xã hội. Muốn có chỗ ăn ngon, sạch, đúng giá, thì chỉ có nước nhờ
người quen mách bảo.
Tôi thấy mình chưa thuần thục trong bài “học
ăn” ở Việt nam. Sang đến chuyện “học nói” thì tôi lại càng thấy mình
“ngọng” hơn. Cả nước Việt nam không chỉ là một “hàng ăn” mà còn là một
khu triển lãm các khẩu hiệu. Từ thành thị đến thôn quê, từ các đường phố
sang trọng đến các con hẻm tồi tệ bẩn thỉu, ở bất cứ ngõ ngách nào, du
khách cũng có thể đọc được những khẩu hiệu. Từ việc ca tụng đảng cộng
sản Việt Nam quang vinh đến nếp sống văn minh, xem ra người Việt Nam xã
hội chủ nghĩa sống bằng khẩu hiệu hơn với thực tế. Quả thực, đi đâu tôi
cũng thấy “mưa sa trên mầu cờ đỏ” và bơ vơ trong rừng khẩu hiệu. Lạc
lõng hơn nữa khi mở các đài truyền hình chính của Việt nam. Cái giọng
Bắc hoàn toàn khác với giọng Bắc “năm mươi tư” không thể không làm cho
tôi nghe nhức đau lỗ tai. Phải nói thật sự có một “Nước Bắc” xâm chiếm
Miền Nam Việt Nam và áp đặt không chỉ ý thức hệ mà còn cả văn hóa, ngôn
ngữ và giọng nói. Trước 1975, trong miền Nam làm gì có chiếc xe “ô tô”, “
điện ô tô” hay “xe con” hay làm gì có chuyện “đảm bảo”. Tôi thấy rõ
chuyện “thực dân mới” ấy trên chuyến bay từ Hà nội về Sài Gòn. Thông
thường các cô chiêu đãi viên của các hãng không dân dụng Á châu đều có
một sắc đẹp đủ để đại diện cho đất nước của mình. Nhưng trong chuyến bay
của hãng Jetstar từ Hà nội vào Sài Gòn hôm đó, tôi hoàn toàn thất vọng
về cô chiêu đãi viên trưởng Với “nhan sắc của một người đàn ông không
đẹp trai”, nếu cô được chọn làm chiêu đãi viên trưởng của chuyến bay
thì chắc chắn cô chỉ có thể là “Con Ông Cháu Cha” mà thôi. Tôi lại càng
nghĩ rằng tôi không đoán sai điều đó, bởi vì khi cô mở miệng nói với
hành khách bằng tiếng “Bắc Kỳ Quốc” thì tôi chẳng hiểu gì “sốt”. Đến khi
cô “dịch” sang Anh ngữ thì tôi lại càng “điếc” và không biết cô nói
tiếng nước lào !
Nói như thế không có nghĩa là tôi giỏi và nói
tiếng Anh rành đến độ quên tiếng mẹ đẻ. Thật ra, vấn đề tiếng Việt của
tôi ở Việt nam không phải là “nói” cho bằng là “hiểu” cái lối nói “xa
lạ” hiện nay của nhiều người Việt nam. Không kể đến chuyện người ta cho
vào bảo tàng viện hai tiếng “xin lỗi” và “cám ơn”, cái cách ăn nói cộc
lốc, thiếu lịch sự, thiếu lễ độ, thiếu cả văn minh... của người Việt nam
XHCN vừa làm cho tôi đau lỗ tai vừa làm cho tôi đau lòng. Đau lòng thực
sự bởi vì cái lễ giáo và nét đẹp của cách nói năng được nhào nặn từ bao
thế hệ đã hầu như hoàn toàn bị xóa bỏ. Tôi rất sợ vào chợ để mua hàng.
Tôi sợ khi phải sờ đến một món hàng và hỏi một câu, mặc dù đã cố gắng để
tỏ ra lịch sự hết sức có thể. Tôi sợ là bởi vì lúc nào mình cũng có thể
được đáp trả bằng một tràng câu nói như chửi tát vào mặt.
Quả
thật, một tháng có lẽ chưa đủ để tôi “học nói” lại trong Việt nam XHCN
hiện nay. Sau chuyện “HỌC ĂN, HỌC NÓI”, tôi lướt qua chuyện “HỌC GÓI
HỌC MỞ” để đi thẳng vào một chuyện tối quan trọng trong những ngày sống ở
Việt nam: đó là chuyện “HỌC ĐI”.
Tôi còn nhớ: cách đây vài năm,
nhân một cuộc họp APEC được tổ chức tại Hà nội, một nữ phóng viên Phi
Luật Tân tháp tùng phái đoàn chính phủ Phi, đã ghi lại hai nhận xét mà
cô cho là tâm đắc nhứt trong chuyến thăm Việt nam:
1. Con trai Việt nam không đẹp,
2. Ai muốn tự tử cứ “đi bộ” băng qua các đường phố ở Việt Nam.
Cả hai điều, tôi đều thấy đúng cả.
Tuần
cuối cùng ở Sài Gòn, không biết làm gì, tôi di xe buýt đến Thủ Đức,
Biên Hòa. Tại đây tôi được dịp nhìn thấy Làng Đại Học của Miền Nam Việt
nam. Có cả một trường đại học quốc tế (International University) mà tôi
không biết của nước nào. Nhưng phải nói là nhận xét của cô phóng viên
người Phi thực là chính xác: trong đám nam sinh viên, rường cột và tương
lai của đất nước, chen chúc trên xe buýt hay đi bộ đến trường, tôi chỉ
nhìn thấy những tấm thân ốm o, còm cõi, nhỏ bé và những gương mặt thiếu
sức sống và sự tỏa sáng. ( Ôi! Thật là nhục nhã cho các đấng Sinh viên
Việt Nam !!! )
Nhưng trở lại với bài “học đi” mà tôi đã cố gắng
học trong những ngày lê bước ở Việt nam. Phải nói ngay rằng người Việt
nam XHCN hiện nay rất ít đi bộ. Không cần phải nhìn cách tôi ăn mặc hay
nghe tôi nói chuyện mà chỉ cần thấy tôi đi bộ hay băng qua đường là biết
rõ tôi không phải là người Việt nam XHCN. Ở Việt nam, cứ bước ra khỏi
nhà thì hầu như ai cũng cỡi xe gắn máy hay ít nhứt trèo lên xe ôm. Tôi
không biết mình có quá chủ quan không khi nói rằng có lẽ không nơi nào
trên thế giới có nhiều xe gắn máy cho bằng Việt nam, không có nơi nào
trên thế giới bị ô nhiễm cho bằng các đường phố ở Việt nam và dĩ nhiên
cũng không có nơi nào trên thế giới “nguy hiểm” cho khách bộ hành cho
bằng VN. Quả thật, nếu muốn tự tử một cách dễ dàng, chẳng cần phải nhảy
cầu, trầm mình xuống sông, rơi từ cao ốc, uống thuốc ngủ hay thắt cổ:
chỉ cần hiên ngang băng qua đường ở VN cũng đủ để đi thẳng vào thế giới
khác ngay.
Ở Việt nam luật đi đường nào cũng có, nhưng chẳng ai
tuân giữ và khách bộ hành là hạng người rẻ nhứt trong xã hội. Ở Việt
nam, công an giao thông đứng đầy đường, nhưng không phải để hướng dẫn về
giao thông mà chỉ để được người lái xe “hối lộ” hay “mãi lộ” theo đúng
nghĩa. Hôm giỗ cụ Nguyễn Trung Trực, bị kẹt trong một rừng người hỗn
loạn thiếu điều đạp lên nhau tại Rạch giá, tôi không sao tìm thấy bóng
một cái “áo vàng”.
Tôi vẫn nhớ mãi chuyến đi từ Vũng Tầu ra Nha
Trang. Tài xế của chuyến xe, như anh tự giới thiệu, một người Thanh Hóa
đã từng là công an. Nói chung, những tài xế người “Nước Bắc” có lối lái
xe phải nói là “mất dạy” và lối nói năng cũng “mất dạy” hơn tài xế Miền
Nam. Suốt chuyến đi, vì ngồi sau lưng anh, lỗ nhĩ tôi bị tra tấn vì
những câu văng tục liên hồi của anh. Nhưng được bộ nhớ của tôi ghi nhận
kỹ nhứt là lúc anh trả lời cho một hành khách muốn xuống trước đồn công
an gần một cổng trường tiểu học. Anh nói: “Làm gì có đồn công an gần một
trường học. Chẳng có thằng ngu nào lại đi xây một trường học bên cạnh
một đồn công an, bởi vì làm như thế thì trẻ con sẽ phải làm chó trước
khi kịp “học làm người”.
Tôi đã học được rất nhiều bài học trong
một tháng đi “thực tế” ở Việt nam. Nhưng bài “học đi bộ” thì tôi đành bỏ
cuộc. Mỗi lần băng qua đường mà còn lành lặn, tôi xem như một phép lạ.
Theo tôi, lối giao thông ở Việt nam thể hiện đúng cách sống của người
Việt nam XHCN hiện nay: ở đâu người ta cũng có thể luồn lách và tránh né
miễn là được việc và dĩ nhiên được việc cho bản thân mình trước đã.
Người khác có sống chết ra sao cũng mặc kệ !
Về thăm lại quê
hương tôi thấy buồn nhiều hơn vui. Phải nhìn nhận, sau 30 năm “dầy công
xây dựng” xã hội chủ nghĩa, có một số dấu hiệu của phát triển: nhiều cao
ốc hơn, nhiều đường sá hơn, cuộc sống vật chất và tiện nghi có khá hơn.
Nhưng thật đáng buồn cho một đất nước khi sự phát triển hỗn loạn đã bóp
nghẹt và chà đạp những giá trị tinh thần và luân lý. Nói như ai đó,
phần “con” trong "con-người" Việt nam XHCN đã phát triển hơn, nhưng phần
“người” thì lại ngày càng nhỏ teo lại.
Nghĩ như thế mà buồn tủi cho quê hương !
Chu Thập - một người Việt Nam sống lưu vong ở Úc 30 năm.
Source: Người Việt Ly Hương
No comments:
Post a Comment