Sunday, August 6, 2017

Đời Người Có 7 Ngưỡng, Biết Bạn Đang Ở Ngưỡng Nào Để Được Sống Bình An


Đời người bất quá chỉ được vài chục năm, nhân sinh như một giấc mộng ảo. Lời ấy của người xưa nói rất hay. Cứ 10 năm được tính là một ngưỡng, ở mỗi ngưỡng, người ta lại có những cảm nhận và nhận thức sâu sắc hơn về sinh mệnh. Có bao giờ bạn tự hỏi mình đang ở ngưỡng nào trong kiếp nhân sinh?

Dẫu là núi vàng núi bạc thì sau khi chết đi cũng chẳng thể mang theo. Vậy nên sống tốt ngay trong thời khắc hiện tại vẫn là lựa chọn đúng đắn nhất. Trân quý từng giây phút của sinh mệnh, người ta sẽ cảm thấy được dư vị tươi đẹp của cuộc sống này dẫu là đang ở ngưỡng nào đi nữa, lúc tráng niên hay tuổi xế chiều.

10 tuổi, chập chững vào đời
Vào giai đoạn này, đa số người ta sẽ không còn đắn đo về việc được cho bao nhiêu tiền tiêu vặt, không so sánh với những đứa trẻ nhà khác về bộ cánh hàng hiệu hay món đồ chơi đắt tiền. Trẻ nhỏ thường thích so sánh, đặc biệt là trẻ ở thành phố. Nhưng về lý thì đó cũng là chuyện thường tình, có thể thông cảm. Đến độ 10 tuổi, con trẻ đã biết nhận thức, sẽ hiểu chuyện hơn, bắt đầu chập chững vào đời.

20 tuổi, bắt đầu thanh xuân
Vào giai đoạn này, người ta sẽ không còn so sánh về gia đình, xuất thân hay nghề nghiệp của cha mẹ mình, cũng không còn cho rằng gia đình không đối tốt với mình nữa. Khi mười mấy tuổi, nhiều trẻ thường hay so sánh gia đình, xuất thân của mình với những đứa trẻ khác, so sánh xem cha mẹ làm quan chức to hay nhỏ, chỉ ước rằng mình được sinh vào gia đình đế vương, tể tướng. Vốn dĩ đây cũng là chuyện thường tình của con người.

Nhưng nếu một người đến tuổi trao “mũ mềm” (1) (tuổi 20) mà vẫn yếu đuối, không thể ra gió, vẫn không thể tự mình lập chí thì lại là có vấn đề. Có những người tự ti vì xuất thân trong gia đình nghèo khó, luôn cảm thấy mình không sao ngẩng mặt lên được. Cũng có người xuất thân trong gia đình phú quý, lại luôn luôn dựa dẫm cha mẹ, sống sung túc nhàn hạ dưới sự chở che của gia đình. Cả hai kiểu người ấy rồi sẽ chẳng làm nên được gì.

30 tuổi, xây dựng sự nghiệp
Ở tuổi này, người ta đã lập gia đình và xây dựng sự nghiệp, đã trở thành cha mẹ, thậm chí có người còn có rất nhiều kinh nghiệm về cuộc sống gia đình.

Là chồng, lúc này không nên so đo về dung mạo của vợ. Một người vợ hiền thục, hiểu biết quan trọng hơn người chỉ có ngoại hình đẹp. Người vợ biết sống, biết cư xử chính là người mà gia đình có thể trông chờ được. Bởi họ có thể xử lý mọi chuyện một cách trí huệ và hài hòa, chứ không phải dựa vào một dung mạo đẹp.

Là vợ, lúc này không nên so đo về chiều cao, ngoại hình của chồng, hiểu được năng lực của chồng còn quan trọng hơn chiều cao của anh ấy. Người chồng không có khả năng kiếm sống thì dẫu có bảnh bao, thân dài vai rộng cũng không có giá trị bằng Võ Đại Lang bán bánh nướng.

40 tuổi, không còn nghi hoặc 
Vào độ tuổi này, người ta không nên tiếp tục so đo về những lời bàn luận của người khác. Hãy để ngoài tai những lời bàn tán của người khác. Họ muốn nói gì, bàn luận gì đều không ảnh hưởng tới lựa chọn cách sống của bản thân. Dù có buông ra bao lời bóng gió, rốt cuộc người khác cũng không thể thay thế sống hộ cuộc đời của chúng ta. Hãy học cách tự có chủ kiến của riêng mình và làm chủ cuộc sống.

Nhưng xã hội quá thăng trầm, danh lợi luôn ràng buộc. Nhiều người nổi tiếng chỉ cần vài hôm không nghe thấy người khác khen mình một câu là đứng ngồi chẳng yên, tưởng rằng xã hội đã quên mất mình. Đối với một người thường mà nói, dù không có khát vọng nổi tiếng mạnh mẽ như các minh tinh, nhưng cũng hết sức mệt mỏi vì theo đuổi danh tiếng.

Cho nên, ở tuổi 40, người ta nhất định phải có chính kiến, không được dễ dàng bị những lời dị nghị của người đời thao túng. Cổ nhân có câu: “Tứ thập nhi bất hoặc” (40 tuổi thì không còn bị mê hoặc). Đạo lý chính là như vậy, đừng để bản thân bị lay động chỉ vì chút lời nói gió bay.

50 tuổi, hiểu mệnh trời
Người ở lứa tuổi này không còn so đo, để tâm vào những chuyện bất bình, không còn so sánh bản thân mình với thành công của người khác, không ngưỡng mộ danh lợi của họ. Bởi những điều này thực tế đều là vật ngoài thân. Dù bạn có ngưỡng mộ họ đến đâu thì vẫn phải có cuộc đời cần phải sống của mình.

Nửa cái trăm năm đời người, con người từng trải qua bao cảnh bãi bể nương dâu, đã từng gặp gỡ vô số người, đã quá quen với gió xuân và trăng thu, không còn cảm thấy điều gì kỳ lạ, đã nếm trải hết thảy những chuyện thành bại thị phi, không còn căm phẫn bất bình, đã có thể thảnh thơi ngắm hoa nở hoa tàn trước sân.

Lúc này dẫu có nhìn thấy người khác khoe khoang gia sản kếch sù, bạn cũng không hề động tâm. Dù nhìn thấy cuộc sống xa hoa, lãng phí bạn vẫn có thể điềm nhiên, trầm ổn, giữ vững tâm tính. Lúc này đối với bạn gia đình là điều quan trọng nhất, cảnh gia đình sum họp, đoàn tụ mới là niềm hạnh phúc lớn nhất.

60 tuổi, coi nhẹ chuyện đời 
Đời người đến lúc này đã là bước vào cảnh giới có thể coi nhẹ mọi thứ, mở lòng với tất cả. Là người làm quan thì không nên tiếp tục so đo quan chức lớn nhỏ. Tới khi về hưu chức quan dù lớn dù nhỏ cũng như nhau, đều chỉ là dân thường mà thôi.

Những người làm kinh doanh không nên tiếp tục so đo lời lãi ít nhiều. Tiền có kiếm được nhiều hơn nữa thì cũng làm được gì một khi hai mắt khép lại. Tiền của nhiều đến đâu, để lại cho con cháu chắc gì đã là chuyện tốt, có khi còn hại cả con cháu mình. Chỉ có đối đãi với sức khỏe tâm thân của mình bằng một tâm thái bình hòa mới là phương thuốc kỳ diệu nhất cho tuổi già.

Những người có danh tiếng thì nên coi nhẹ danh tiếng. Giống như đạo diễn Dương Khiết trong bộ phim “Tây Du Ký” phiên bản năm 86, dành cả đời dựng nên một bộ phim có tầm ảnh hướng tới vô số người Á Đông nhưng bản thân lại sống một cuộc đời bình dị, âm thầm lặng lẽ.

70 tuổi, nhân sinh xưa nay hiếm 
Khi con người tới tuổi “cổ lai hy” cũng là lúc nửa đôi chân đã đặt vào quan tài. Những phiền muộn âu lo trên thế gian đã không còn liên quan tới bản thân mình nữa. Ngay cả với những chuyện náo nhiệt, muôn màu trong đời cũng chỉ là mỉm cười cho qua trước mắt, còn màng chi thế sự, chuyện đời.

Đời người ngắn ngủi chỉ có mấy chục năm, tranh giành rốt cuộc để làm chi? Những thứ từng tranh đoạt một sống hai chết khi còn trẻ tới khi có được rồi lại coi như đôi giày cũ, giành giật qua lại cũng chẳng ích gì. Tuổi trẻ cảm thấy đủ mọi áp lực dồn nén trong tâm, phải dốc hết tâm huyết mà cò kè, giành giật đến giờ nhìn lại thấy mọi thứ cũng chỉ là “phó mặc nói cười suông”.

Người già ở tuổi này có được 3 điều tích cực này thì không lo tuổi già buồn chán, đó là: thân thể khỏe mạnh, gia đình hài hòa, một danh tiếng tốt, là người già cũng phải ra dáng của một người già.

Con người sống trên đời vốn đã là một quá trình không ngừng đắc được và từ bỏ. Điều ta có được hôm nay đến ngày mai biết đâu không thể bền vững. Nhưng rất nhiều người hoàn toàn không hiểu đạo lý này, thường muốn kiếm được nhiều tiền nhất, trục được nhiều lợi nhất trong những năm còn sống. Họ không dám, cũng không thích buông bỏ.

Danh lợi, địa vị, quyền lực, nữ sắc… thứ nào cũng không thể buông ra thì mãi chỉ như con trâu kéo cày, sống quá ư mệt mỏi. Ngược lại, đối với tiền tài, danh lợi, thứ gì cũng không kì kèo, qua loa đại khái thì cũng khó tránh khỏi có lỗi với bản thân, sống một đời không mấy ý nghĩa, thả mặc theo dòng đời.

Người thông minh, am hiểu lẽ đời có việc phải làm, có việc không làm, chỉ so bì, theo đuổi những thứ quan trọng nhất đối với mình và biết được vào độ tuổi nào nên so đo thứ gì, không nên so đo thứ gì, có được có mất, có nhận có bỏ một cách thản nhiên. Người như vậy mới là người có trí huệ, cuộc sống như vậy mới tràn đầy màu sắc.

Chú thích:
(1) Trao “mũ mềm”: Vào thời xưa tại Trung Quốc con trai đến tuổi 20 sẽ được làm lễ trao “mũ mềm”, chứng tỏ cậu đã được công nhận là người đã trưởng thành.

Hiểu Liên biên dịch 

No comments:

Post a Comment