Hình minh họa
Tuần
rồi tôi có dịp đi thăm hai người, một người bạn đang nằm trong quan tài tại nhà
quàn, và một bà cô đang nằm trong nhà dưỡng lão.
Người bạn không biết tôi là ai đã đành, vì người ấy đã chết, nhưng bà cô còn sống
cũng không biết tôi là ai vì bà đã mất trí nhớ!
Người bạn này ngày hôm trước còn vui vẻ chuyện trò với bạn bè, nhưng sáng hôm
sau, người nhà không thấy thức dậy, vào phòng thì thấy ông đã chết.
Bà cô, một đời giàu có lẫy lừng, giờ cũng trắng tay, vào chỗ nghỉ cuối cùng
cũng đã hơn năm.
Cả hai người không ai thấy khổ, một người đã qua bên kia thế giới, chỉ còn lại
xác thân rồi cũng tan rữa trong lòng đất hay thành tro bụi rải xuống lòng biển,
người còn lại phần trí nhớ đã là một khoảng không gian mờ mịt, chỉ sống theo bản
năng, hít thở hay biết đói, đau, đâu còn nhìn ra mặt người quen nữa.
Trong khoảng thời gian gần đây, tôi thấy bạn bè, hay người quen biết bỏ thế giới
nay ra đi khá nhiều, và nhiều lúc ra đi quá đột ngột.
Những điều chúng ta thường nghĩ là không ngờ, nhưng lại xảy ra, nhiều lúc có
cái cảm giác là chuyện phi lý, nhưng thật ra là chuyện rất thường vẫn xảy ra
trong cuộc đời thường.
Mấy tuần trước, trong bữa ăn sáng với một người bạn cùng đơn vị cũ, bỗng dưng
tôi chợt nhớ đến một anh bạn làm chung phòng, hơn mười lăm năm nay, sau khi bị
stroke, chỉ quanh quẩn trong nhà.
Tôi đề nghị với bạn, ăn sáng xong sẽ ghé qua thăm, kẻo lâu ngày quá không gặp bạn
cũ. Bạn tôi chần chừ: – “Hay để bữa khác đi anh. Hôm nay tôi phải chạy về nhà
có chút việc.”
Tuần sau, điện thoại reo, tôi mở máy, bạn tôi cho biết: – “Sơn chết rồi anh!”
Tôi la lên: -“Ðã nói mà, phải chi hôm nọ đi thăm thì đâu phải hối hận như bây
giờ!”
Bạn tôi còn vớt vát: -“Hôm đó đi thăm thì Sơn cũng đã vào bệnh viện rồi! Bây giờ
thì đã quá trễ, tang lễ mới cử hành cách đây ba hôm. Theo sở nguyện của người
chết, gia đình không đăng cáo phó!”
Bạn tôi biết tin vì vừa đọc được tên Sơn trên trang phân ưu.
Tôi bắt đầu nổi cáu: “Thì ít ra vào bệnh viện, cũng gặp nó một lần trước khi nó
chết!”
Tôi đăng một mẩu chia buồn ngắn ngủi trên một tờ nhật báo, mở đầu bằng câu:“Quá
đỗi vô tình, được tin trễ….” Nhưng người chết đâu có xem được trang báo và biết
cho nỗi hối tiếc của chúng tôi.
Nói ra thì buồn trong khi nhiều người đang vui!
Mới nghe tin trễ, vợ một người bạn qua đời đã hai tháng nay, bà trối trăng, ngoài
gia đình, đừng tin cho ai biết.
Gọi một số bạn đi thăm thì lại nghe tin một người bạn tháng trước mới đưa vợ
vào phòng cấp cứu, và nay đang ở trong nursing home.
Thật cũng quá vô tình, trách cuộc sống bận rộn, hay trách mình ít khi nghĩ đến
người khác, số phận thiệt thòi, bất hạnh hơn mình. Nghĩ đến việc gì, nên làm
ngay, thời gian không đợi mình, và người bạn tôi cũng không còn thời gian để nằm
chờ.
Ðã có thời gian nằm bệnh viện, rồi nơi phục hồi, tôi biết nỗi cô đơn của người
bệnh là to lớn như thế nào.
Tôi được xem một cuốn phim Mỹ, trong đó một vị linh mục khuyên một người trai
trẻ, nếu có cơ hội nên đi viếng thăm tang lễ của người quá cố, người bệnh trong
nhà thương, người kém may mắn trong nhà tù. Ðó là những việc lành.
Và với tôi, xin thêm, những người già, kẻo không còn kịp nữa!
Hôm qua tôi vừa được điện thoại của một người bạn đã về hưu, nghĩa là cũng đã đến
tuổi già, ở miền Ðông nước Mỹ.
Anh cho biết anh đang có một chương trình đi vòng quanh nước Mỹ và cả Canada để
thăm những người bạn thân, bệnh tật và già yếu.
Anh cho biết thêm, chỉ trong vòng nửa tháng, anh đã mất đi ba người bạn, lớn
cũng như nhỏ tuổi, bệnh tật hay không, nên bây giờ có thời giờ nên thăm viếng,
gặp gỡ nhau, kẻo“một mai bóng xế trăng lu, con ve kêu mùa hạ, biết mấy thu mới
gặp chàng!”
Tôi biết ở Mỹ này, nhiều người vì sinh kế phải đi làm ở tiểu bang xa, không có
thời gian trở về thăm cha mẹ.
Vào những dịp Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và Tết Nguyên Ðán, cha mẹ vẫn ngóng đợi con
về.
Con thì có bao nhiêu công việc bận rộn ở sở; cuối tuần phải cắt cỏ, dọn dẹp nhà
xe, đưa con đi học đàn, học võ; mùa hè phải đi “vacation;” vắng nhà không có ai
săn sóc con chó, con mèo hay bầy cá Koi trong hồ, ai cho ăn.
Ðến khi nghe cha mẹ mất mới hối hả, mua vé máy bay về phục tang và khóc lóc. Ðể
làm chi nữa!
Chuyện kể, một cụ già, goá vợ, sống cô đơn, buồn rầu sau khi nghe điện thoại của
con gái và các cháu nói rằng sẽ không trở về thăm cha vào dịp Giáng sinh năm
nay.
Người con khác cũng hứa hẹn sẽ cố gắng để về thăm cha vào năm tới, thế
nhưng đã ba mùa Giáng Sinh trôi qua, người cha vẫn cô đơn mòn mỏi ngóng đợi những
đứa con về.
Những người con sau đó đột ngột được thân nhân báo tin cha qua đời, lúc này, họ
mới bàng hoàng nhận ra mình có một người cha trên đời này, và hôm nay cha đã
không còn nữa.
Lòng tràn đầy hối hận và đau đớn, mắt rướm lệ, những đứa con vội vàng trở về
nhà để tham dự tang lễ.
Bước vào nhà, họ ngạc nhiên khi thấy một bàn tiệc đã sắp sẵn. Người cha già bất
ngờ bước ra, và câu nói đầu tiên của ông là:
“Xin thứ lỗi cho Cha. Cha chẳng còn cách nào khác để gọi các con trở về thăm
Cha.”
Bày ra bông hồng trắng, bông hồng đỏ mà chi? Nhiều lúc chúng ta quên chúng ta
còn cha mẹ ở ngay trong nhà, trong thành phố, trong một tiểu bang xa, hay cả
trong một nhà dưỡng lão.
Xin hãy thăm viếng, trang trải tấm lòng, lo lắng, đừng để một mai kia rình rang
nghi lễ “làm văn tế ruồi!”
Huy Phương
No comments:
Post a Comment