Wednesday, December 15, 2021

Giáng Sinh Huyền Nhiệm - Đỗ Thu Hồng


Tuyết ngoài trời đang rơi. Từng bông rồi từng bông lất phất làm tôi nhớ mùa đông hai năm trước. Hôm đó tuyết cũng rơi nhè nhẹ và kéo dài như hôm nay. Là ngày trước lễ Giáng Sinh. Như mọi năm, tôi lại đến nhà dưỡng lão, đón ba tôi về cùng sum họp gia đình.

******
Từ ngày mẹ tôi mất, ba tôi sống một mình buồn ủ rũ trong căn nhà rộng lớn ở làng quê. Ông là một thầy giáo trường Tiểu Học, về nghỉ hưu nơi ngôi nhà xưa cổ của dòng họ. Nhìn ba tôi héo hắt, lủi thủi trong cô đơn; cầm tay ba, tôi nghẹn ngào thủ thỉ:

- Ba à, hay là ba về sống với chúng con! Con biết cuộc sống ở thành phố đối với ba sẽ bực bội lắm! Nhưng ít ra mỗi ngày sau khi tan sở, con có thể thấy ba, rồi cùng ăn chiều với ba. Còn nữa, các cháu của ba cũng không đòi con đưa chúng đi thăm ông ngoại, mỗi cuối tuần.
 
Ba nhìn tôi âu yếm nói:
 
- Con ơi, ba rất hiểu tấm lòng hiếu thảo của con! Ba chỉ có con là đứa con duy nhất. Ba thương yêu con và các cháu của ba. Ba cũng muốn gần gũi và trông thấy các con hàng ngày. Nhưng ba đã quen sống tự do trong ngôi nhà của mình và cũng thích không khí trong lành ở nhà quê. Ba sẽ thấy ngột ngạt lắm khi sống trong bốn bức tường và không làm gì ở thành phố ồn ào!
 
Rồi ba hôn tôi và còn an ủi ngược lại tôi:
 
- Ba còn sức khoẻ, ba có thể tự lo cho mình. Con hãy an tâm!
 
Tuy ba nói vậy, tôi cũng không thấy yên lòng nên tiếp tục nài nỉ:
 
- Nhưng nhìn cảnh ba sống một mình, cô đơn, không ai bầu bạn với ba, con thấy buồn lây đó ba à! Hay là ba đến sống ở nhà dưỡng lão, khu nhà vừa mới xây ở ngoại ô. Hôm mùa xuân con đi ngang qua, con thấy chỗ này cũng được lắm! Biết đâu, ở đó ba sẽ mau có bạn!
 
Ba tôi trầm ngâm giây lát:
 
- Con hãy để ba suy nghĩ lại lời đề nghị này của con, con gái của ba!
 
Thật không ngờ, chỉ một thời gian ngắn sau, ba đã đồng ý dọn đến sống ở nhà dưỡng lão đó. Nghĩ đến chuyện này tôi mới thấy không ai tránh khỏi bàn tay sắp đặt của Thượng Đế!

******
Con đường nhỏ dẫn đến khu nhà dưỡng lão phủ một lớp tuyết trắng mỏng mịn màng. Tuyết mới tinh. Mới đến độ tôi thấy từng hoa tuyết phủ lên nhau nhẹ nhàng, xôm xốp. Ánh sáng vàng hắt ra từ những ô cửa sổ khiến tuyết trắng chuyển màu ngà ngà, lung linh khi hoàng hôn buông xuống. Tôi nghe trong gió nhẹ tiếng cười nói rộn ràng của ai đó như đang vui đùa mừng tuyết mới đầu mùa. Họ khiến tôi nhớ đến mình hồi ở tuổi đôi mươi. Tôi thầm nghĩ: “Nơi nhà dưỡng lão yên tĩnh này cũng có bọn trẻ đến chơi!”.
 
Rồi tôi vội vàng đi nhanh qua sân vườn vắng vẻ, đẩy cửa bước vào bên trong, nơi có lò sưởi ấm áp và ba tôi đang nóng lòng chờ đợi. Tôi vừa thất vọng, vừa ngạc nhiên vì không thấy bóng dáng ba trong phòng khách, nơi mà ba tôi thường đợi, mỗi khi tôi đến đón người.
 
Thấy tôi tìm ba quanh quất, cô nhân viên trực nói:
 
- Tôi thấy ba của chị đã đi ra ngoài vườn, cách đây không lâu. Tôi có nói với ông ấy hãy mặc ấm hơn vì ngoài trời tuyết đang rơi.
 
Theo lời cô ấy, tôi trở ra ngoài để tìm ba. Âm thanh cười đùa trẻ trung mà tôi nghe loáng thoáng khi nãy lại vang lên sau hàng cây phủ đầy tuyết trắng. Lần này tôi nhận ra giọng nói nhẹ nhàng của một cô gái. Nàng ấy nũng nịu nói (chắc là với bạn trai của mình):
 
- Anh à, em ngồi như vậy có đẹp không anh?
 
- Em yêu, em làm dáng thật xinh xắn! Em hãy ngồi yên như vậy để anh chụp hình cho em!
 
Tôi cười thầm trong bụng: “Họ thật vô tư như mình hồi còn trẻ! Chắc là vui vẻ và yêu thương nhau lắm đây!”.
 
Nhưng tôi bỗng thấy hơi ngỡ ngàng vì giọng nói của chàng trai có vẻ quen thuộc. Tôi ngạc nhiên suy đoán: “Sao giọng nói này giống tiếng của ba, nhưng có vẻ trẻ trung và hơi là lạ? Không lẽ đây là ba mình? Có lẽ nào, người này là ba của mình?”.
 
Trong ánh sáng nhập nhoè của buổi hoàng hôn ngập tuyết, tôi bất ngờ thấy ba đang hí hửng chụp hình cho một... bà cụ, độ tuổi của ba tôi. Họ vui vẻ, thoải mái cười đùa tíu tít bên nhau như thể cả thế giới này không còn ai khác. Hai người trao nhau ánh mắt âu yếm, cử chỉ yêu thương y như những đôi nhân tình trẻ. Tôi nghe lòng mình nôn nao khi nhìn thấy nét mặt của đôi bạn già sáng ngời hạnh phúc, dù là bóng tối đã lan toả xung quanh. Tôi bồi hồi khi chứng kiến cảnh ba tôi trìu mến phủi những bông tuyết trắng bám trên mái tóc bạc của cụ bà, mà tưởng chừng như mình đang xem một đoạn phim tình cảm thật lãng mạn! Bỗng nhiên trái tim tôi đập rộn ràng cứ như là mùa xuân yêu đương đang đến với tôi, chớ không phải là ba và người ấy đang yêu nhau say đắm. Vừa xúc động, vừa tò mò, tôi len lén quan sát hai người cho đến họ dìu nhau vào trong nhà. Rồi tôi cố tình làm ra vẻ như mình vừa mới đến để ba tôi và cụ bà ấy tự nhiên trò chuyện bên nhau.
 
Thấy tôi bước vào, ba mừng rỡ nói:
 
- Con gái, hãy đến đây để ba giới thiệu bạn của ba với con!
 
Nhìn ba tôi hân hoan nắm tay người yêu của mình, thấy nàng rạng rỡ khi được tình nhân trân trọng, tôi nghe mình cũng vui lây vì biết rằng đôi bạn già này đang thực sự hạnh phúc. Từ nay ba tôi không còn cô đơn, buồn bã như trước nữa.
 
Rồi cũng đến lúc ba tôi từ giã nàng để về nhà đoàn viên cùng con cháu trong dịp lễ Giáng Sinh. Nhìn cảnh hai người bịn rịn như không muốn xa nhau, tôi thấy không đành lòng chia cắt họ. Nhưng tôi cũng buộc mình phải đón ba tôi về nhà, vì đối với chúng tôi, sự hiện diện của người trong đêm Giáng Sinh thật là quan trọng. Mẹ tôi đã ra đi từ mấy năm nay. Đó là một mất mát lớn, nên tôi không muốn thiếu ba trong dịp sum họp gia đình này. Vậy mà tối hôm đó, là lần đầu tiên tôi thấy nao nao buồn khi đón ba tôi về! Có lẽ tôi bị xúc động vì cảnh chia tay lưu luyến của đôi bạn già. Tôi cũng thấy đây là lần đầu tiên ba tôi về nhà đón Giáng Sinh trong dáng dấp u sầu, không nỡ ra đi.

******

Đêm Giáng Sinh năm đó chắc sẽ diễn ra như mọi năm, nếu như ba tôi không bất ngờ biến mất vào chiều tối, trước khi tôi đi làm về, để cùng nhau trang trí bàn ăn và sửa soạn bữa Réveillon* lúc nửa đêm. Ba tôi vội vã bỏ đi, chỉ để lại một lá thư ngắn ngủi nhưng đầy ắp bao nhiêu là tình:
 
“Con gái cưng của ba,
 
Ba xin lỗi con vì bỏ ra đi đột ngột mà không nói trước với con. Ba đã làm con thất vọng vì trong đêm Giáng Sinh năm nay phải vắng ba! Nhưng ba không thể để nàng cô đơn, không người thân thiết, trong đêm thánh lễ diệu kỳ. Ba trở về nhà dưỡng lão để cùng nàng mừng Chúa Hài Đồng ra đời và xin Đức Chúa ban ơn cho chúng ta.
 
Ba chúc con cùng các cháu đêm Giáng Sinh an lành và nhiều hồng ân Thiên Chúa.
 
Ba của con”.
 
Tôi nghẹn ngào, vội vàng đọc thư của ba; rồi hấp tấp chạy ra xe, lái đi trong đêm tối mịt mùng. Tôi chỉ muốn đến nhà dưỡng lão thật nhanh để đón đôi nhân tình già, trở về cùng chúng tôi sưởi ấm bên nhau. Tôi không biết ba tôi làm cách nào để lặn lội quay lại nhà dưỡng lão trong chiều đầy tuyết lạnh! Tôi hoang mang, lo lắng khi nghĩ đến ba đang lê lết đâu đó trong cơn gió buốt để quay về sưởi ấm cho nàng. Nghĩ đến đây tôi mới thấy tình yêu sao mà mạnh mẽ! Thì ra khi yêu người ta bất chấp để được sống bên cạnh người yêu! Điều đó khiến tôi sực nhớ đến một người bạn đã từng nói với tôi rằng: “Khi yêu, trái tim già và trái tim trẻ cũng đập như nhau!”. Anh ta còn khẳng định: “Trái tim già không hề yếu ớt!”.
 
Đến lúc này tôi mới chắc rằng nếu ai bảo tôi hãy phân biệt: “Đâu là trái tim già- tuổi tám mươi khi yêu và đâu là trái tim trẻ- tuổi đôi mươi đang yêu?”, lúc đó tôi sẽ không do dự mà trả lời: “Làm sao mà tôi biết được vì cả hai trái tim đều rung động như nhau!”.
 
Quả thật như vậy, khi đến nhà dưỡng lão, nhìn qua ô cửa sổ, tôi thấy đôi tình nhân “tuổi hai mươi... lần hai mươi” này đang dìu nhau khiêu vũ trong điệu Tango nồng cháy. Tình yêu đã khiến đôi bạn già trở nên trẻ trung, rạng rỡ; ngọn lửa bập bùng của lò sưởi làm ánh mắt họ thêm long lanh, nụ cười lại càng thêm tươi thắm.
 
Tôi lặng người vì xúc động và bất chợt nghiệm ra rằng Giáng Sinh huyền nhiệm đã đưa đôi tình nhân ở tuổi xế chiều đến với nhau trong vòng tay tuổi trẻ.
 
Tôi mãi đứng bên ngoài nhìn họ hạnh phúc mà không cảm thấy cái lạnh của mùa đông đang ôm cả đất trời.

Bình Dương, mùa Giáng Sinh 2018

Đỗ Thu Hồng
******
*«Réveillon» (Đêm Giáng Sinh) là buổi tối ngày 24 tháng 12 qua rạng sáng ngày 25 tháng 12. Bữa tiệc đoàn tụ gia đình «Réveillon» thường diễn ra sau khi đi lễ nhà thờ. Phong tục này được phổ biến ở các quốc gia Cơ Đốc Giáo.

No comments:

Post a Comment