1.
Huê làng nhàng trở mình. Ngoài trời nắng hừng đông
hé rạng ở đâu tận phía đầu cù lao nhưng ánh sáng đương trên bờ ngự trị không
gian trước sân, tràn lấn vô trong nhà qua cánh cửa mở he hé. Mọi vật còn lờ mờ
nhưng cũng đủ cho mắt nhân dạng bằng những đường viền của vật dụng mà Huê bắt
đầu quen quen trong thời gian ngắn ngủi hôm qua tới giờ. Con bé Thương Thương
đã ra khỏi mùng từ lúc nào đương lục đục ở trong buồng tắm phía sau nhà. Nghe
tiếng xối nước của con, Huê thấy vui vui và hãnh diện khi cảm nhận về những
bước đầu trưởng thành đúng đắn của con mình. Con bé có thể tự làm những công
việc mà Huê nhớ lại ngày xưa ở tuổi nó mình được cha mẹ nuông chìu và được sự
binh bổ của bà ngoại nên còn phải đợi nhắc tới nhắc lui nhiều lần. Nói gì
chuyện tự tắm rửa, riêng một bữa ăn thì cũng từ khi chuối trồng tới chuối trổ
cũng chưa rồi, cần phải biết bao nhiêu lời năn nỉ…
Cựa mình nằm thẳng lại, ngước mặt trên nóc mùng để
nghe thêm lần nữa cảm giác mê mẩn mất hồn đêm qua. Cái khoái cảm hình như nằm
trên toàn thân thể, vẫn còn ở trong trạng thái tỉnh thức, sẵn sàng ứng chiến,
không chịu đi vào giấc đông miên. Vậy là những ước ao ngày trước không bao giờ
dám nghĩ mình sẽ có, đã trở thành hiện thực. Anh ta cũng háo hức, cũng dồn dập
chớ đâu phải cây đá gì dầu được phủ ngoài bằng bộ dạng cục mịch thờ ơ… Huê cười
lên thành tiếng che giấu sự mắc cỡ thầm. Mầy ngựa quá Huê ơi! Dính thì chết
toi, rắc rối lắm. Thằng chả đâu chắc đủ bao dung! Có chuyện gì rồi thì mọi
chuyện lỡ làng trớt quớt hết!
Con bé đã xúc bình từ đời thuở nào, đương châm nước
sôi sau khi thay trà mới. Nó hơi ngạc nhiên về tiếng cười khan của mẹ nhưng chỉ
liếc mắt về phía đó một giây rồi bình thản tiếp tục công việc. Hình như xúc
bình, châm trà là nhiệm vụ của nó mỗi sáng nên cử chỉ chăm chú, tỏ ra thành
thạo chắc chắn ai thấy cũng khen.
Thương Thương lên tiếng như người lớn:
‘Mời mẹ dậy rửa mặt, dùng trà buổi sáng.’
Chà! Lại còn mời mọc bằng ngôn ngữ điệu hạnh kiểu
con nhà giàu quí phái. Dùng với lại chả dùng! Cái ngữ nầy lớn lên thì phải
biết!
Tuy nghĩ vậy nhưng Huê vẫn ngồi dậy, vuốt tóc tai,
liếc mau những nếp áo quần, nói với con như với bạn:
‘Cám ơn con. Để đó cho mẹ! Đêm qua con ngủ được
không? Mẹ ngại nằm chật con không quen nên chẳng dám nhúc nhích nhiều. Mà tía
con đâu rồi kà?’
Con bé quay lại mẹ, đôi mắt tròn lớn, đen tuyền, mi
thiệt cong:
‘Lâu rồi con thường ước ao có bà tiên nào đó hóa
phép cho mẹ về đây ngủ với con vài đêm cho con đã thèm. Bây giờ bà tiên đã giúp
con toại nguyện rồi. Hồi tối qua con ngủ thẳng giấc thiệt ngon. Nằm chiêm bao
thấy nhiều chuyện vui quá xá, lúc nãy mới ngủ dậy còn nhớ mang máng bây giờ
quên hết trơn rồi.’
Sực nhớ tới chuyện hồi hôm cần phải giấu, Huê giựt
mình, ngó thẳng con để đoán ý nó. May quá, con bé vẫn lộ nét ngây thơ như lúc
nào sau câu vừa nói.
Tâm hồn Huê dào dạt trước cảm tưởng dài dòng nhưng
khá tội nghiệp của con. Cô kéo con vô lòng mình, vuốt tóc nó. Con bé nhắm mắt
lại như thưởng thức đến tận cùng tình cảm thân thương biền biệt lâu nay mới vừa
được nhận lại:
‘Tía sáng nào cũng đi bộ chừng vài chục vòng quanh
nhà, nhiều khi đủ rồi lại còn ra ngoài bờ sông ngồi ngóng trời ngóng đất. Tía
nói buổi sáng khí trời trong lành, sương đêm đã rửa sạch những bụi trần của
ngày hôm trước, là lúc tốt nhứt cho sức khỏe của con người.’
Nghe nhắc tới chuyện ngồi bờ sông ngóng trời ngóng
đất Huê nhớ tới thói quen của mình mười năm trước khi còn là thiếu nữ nhiều mơ
mộng thường ngồi dõi mắt trông theo đám lục bình lững lờ trôi nghĩ đến chuyện
đi xa. Đi thiệt xa để thoát khỏi cảnh nghèo. Chắc Nhơn cũng mang tâm sự gì đó
nên thích ngồi ngắm sông buổi sáng, Huê nghĩ như vậy và triền miên trong suy tư
như quên sự có mặt của con...
Thương Thương ngừng nói, nắm bàn tay mẹ, vuốt vuốt
những cái móng sơn màu đỏ lợt của mẹ, Huê tiếp lời con:
‘Buổi sáng là lúc con người gần gũi với thiên
nhiên, nghĩ ra được nhiều điều chí lý, xóa bỏ được những bợn nhơ trong tư
tưởng…’
Người mẹ nựng má đứa con:
‘Mà con tôi nói chuyện như người lớn. Giỏi quá. Nói
mà có hiểu hết không đó? Nhưng thôi, bỏ ba cái chuyện khó khăn nhức đầu nầy đi,
mẹ hỏi con chớ lâu nay con tắm rửa một mình hay còn phải bắt tía tắm cho con
như lúc còn nhỏ?’
Thương Thương nói bằng bộ mặt tự hào với cái mỏ chu
chu vảnh vảnh thấy bắt ghét:
‘Hết bốn tuổi, bước qua năm tuổi là tía bắt con tắm
rửa một mình, tự lo hết mọi chuyện. Từ quần áo, tới cơm nước, học hành. Tía chỉ
kiểm soát và hướng dẫn thôi, không làm giùm, cần lắm thì phụ giúp sơ sơ thôi.
Tía nói con gái mỗi ngày mỗi lớn, phải thêm trách nhiệm. Ban đầu là trách nhiệm
với thân thể và công việc của mình, sau là trách nhiệm với người thân thuộc…’
Con bé dựa lưng vô đầu gối mẹ, tay mân mê tà áo
trước bụng, nói mà không ngó lên mẹ. Huê nhẹ nhàng gạt tay con ra khỏi tà áo nó
đương cầm. Thương Thương dựa hẳn vô Huê hơn nữa, ngước mặt lên nói:
‘Mới đây tía thu xếp cho con đi học với hai bạn ở gần
nhà. Đi bộ, tía không đưa rước nữa, đi bộ cho quen chưn quen cẳng, cho biết giờ
biết giấc. Một hai sáng Chúa Nhật tía mới chở con qua chợ mua tờ báo, gói xôi
hay trái bắp mà thôi. Tía nói như vậy nữa lớn lên mới biết làm công chuyện nầy
kia, không tùy thuộc ai hết, giỏi dang như mẹ vậy.’
Huê lại cười mãn nguyện. Anh chàng khéo nói quá.
Lại nịnh nọt xa gần. Còn biết dạy con theo lối mới, không cho nó ỷ lại. Con bé
nói chuyện khôn ngoan, rành rọt. Cám ơn đời đã cho tôi người tình hờ tuyệt vời.
Người tình kỳ nhơn, chịu nuôi con nhơn tình từ khi con còn trứng nước. Anh ta
dạy con tôi đúng ý tôi, dạy nó tự lập, cẩn thận, trách nhiệm và những ý thức có
tính nhân văn…
Bé Thương Thương đi tới bàn, rót nước ra hai cái
ly, đậy nắp ly cẩn thận, nói rằng rót trước cho nguội không thôi nước nóng mẹ
với tía khó uống. Con tôi học tánh lo xa và săn sóc người khác từ đâu vậy cà?
Cái tánh nghĩ giùm người khác đáng quí nhưng lớn lên trong cái xã hội xô bồ đầy
rẫy những chuyện trái lòng phải chăng là một điều tốt? Nghĩ như vậy nhưng tôi
chủ trương dạy cho bé sống vì người vẫn hơn là làm gương cho bé tinh thần ích
kỷ, giành giật của người khác vốn đã trở thành căn bịnh ung thư của xã hội hiện
nay. Có lo ngại cho tương lai bé nếu bé sống bằng tâm hồn nhân thiện trong xã
hội nầy thiệt tình nhưng còn hơn để nó vô cảm, suy nghĩ trên những lợi lộc cực
gần trước mắt, nhỏ mọn đến bần tiện vốn là điều tôi cho rằng kéo giá trị con
người xuống thấp hèn dầu cho giàu có, quyền thế tới bực nào.
Nhơn bước vô nhà, gắn cái kết lên móc trên vách sau
cánh cửa, đề nghị cả ba đi ra quán ăn sáng bún mắm, món đặc biệt ở đây, nói
rằng mỗi tuần chị chủ chỉ bán buổi sáng Chúa Nhựt thôi. Không muốn thiên hạ xầm
xì về chuyện đã ngủ lại đêm ở nhà Kỳ Nhơn, tôi hỏi khó, cũng là tìm lý do để từ
chối:
‘Hôm nay là rằm tháng Giêng sao lại có bán bún
mắm?’
Nhơn kiên nhẫn giải thích rằng thì là mỗi tuần chỉ
có một ngày Chúa Nhật, người ta đợi chờ để kiếm thêm chút tiền chợ, nếu tránh
luôn những ngày lục trai, thập trai gì đó… thì con cái họ đói.
Tôi thích thái độ nầy của Nhơn, bao dung, kiên nhẫn
trước những câu hỏi thiệt trẻ con hay lừng khừng của tôi. Tôi ngó anh bằng con
mắt sắc lẻm, nói chận đầu mà làm bộ như là đã biết tổng tồng tông mọi chuyện:
‘Không sợ ‘người ta’ ghen hay sao mà đòi đi ăn quán
với em. Em đâu có chân dài đâu mà anh phải hi sinh. Nát nước rồi người tình
ơi!’ Tôi chu mỏ làm nũng như Thương Thương vừa mới đây.
Nhơn lườm yêu tôi, không trả lời. Tôi nói thầm: Cái
mặt điển trai nầy ở xóm cụt cùng cửa sông cửa biển với đời sống đơn giản của
dân chúng chung quanh quen với ruộng đồng rẫy bái, chém chết cũng cả đống cô
gắm ghé. Không có công chúa con của chức sắc lớn ủy nầy ủy kia hay ái nữ của
đại gia chủ của năm bảy tòa lầu đài do anh chị em kết nghĩa xây tặng cũng thiếu
gì con gái rượu của các chủ vườn bát ngát, chủ vuông tôm bự xộn…
Khi Nhơn khóa cửa, đút chìa khóa vô túi thì tôi
nghiêm chỉnh móc trong túi xách ra cái ống khóa đồng bự xộn đã mua sẵn từ trước
ở thành phố, móc vô chỗ còn chút rộng của cái khoen, bấm lại rồi dang tay quăng
thiệt mạnh chìa xuống sông Cồn Cộc. Anh chàng ngó tôi ngạc nhiên. Chắc là người
chưa biết trò chơi cột chặt tình tình yêu của du khách đến Paris mới bày đặt ra
mấy chục năm gần đây.
Tôi nói như là tay chơi sành sõi:
‘Khóa chặt tình yêu của mình. Nhốt tình của anh với
em không cho thoát ra. Lâu ngày khóa có thể cũ sét nhưng vẫn còn đó. Sau nầy
nếu anh hết yêu em thì ít ra thấy cái khóa nầy, cũng biết rằng đã có thời sống
trong tình yêu, tình yêu nồng nàng và chơn thật.’
Nhơn bộc lộ sự cảm động, anh run giọng nói, dầu che
giấu bằng cách ngó ra sông phía chỗ cái chìa khóa rơi xuống mấy phút trước,
nhận xét:
‘Có hơi cải lương đó, nhưng tình yêu là chơn thật.’
‘Nên nhìn ở mặt ý nghĩa và ước vọng.’ Tôi chỉnh.
Tôi biết chắc mình đã lấy trọn hồn anh dầu rằng
trước mắt không biết bao giờ hai đứa mới được đường hoàng sống chung như những
cặp vợ chồng bình thường.
Con người là sinh vật thiệt kỳ lạ thiệt. Đã đưa hết
hai tay ra chộp bắt tình yêu rồi, nhưng khi thấy tương lai tươi sáng trước mắt
lại ham hố nhoài mình tới, không biết có còn tay nào để với chụp không hay là
lại ngã lộn xuống sông nước vô tình. Nghĩ tới đây tôi thấy mắt mình cay cay,
chắc là đỏ đỏ, lưng tròng. Trời chưa sáng rõ lắm nhưng người tình tôi đã thấy,
anh liếc mau qua mặt tôi lần nữa để kiểm chứng rồi lầm lì đẩy xe ra, đợi tôi
ngồi lên sau yên…
2.
Đường ra bến phà dài hai mươi mấy cây số không đủ
cho tôi trao truyền bao nhiêu thương nhớ lâu nay. Hai tay tôi choàng vòng qua
bụng anh. Anh nói gì cũng không cần nghe, chỉ lo cảm nhận hơi ấm chuyển qua
ngực mình. Gió tạt càng lạnh tôi càng ép sát mặt mình vô lưng anh, tay càng
xiết chặt.
Nhơn năn nỉ:
‘Em cho anh thở với, ôm chặt quá hết thở ai nuôi bé
Thương Thương?’
Tôi nũng nịu:
‘Cho chết luôn!... Ngon không?’
Làm thinh một hồi lâu anh chàng mới lên tiếng:
‘Bún mắm bữa nay không nghe mùi thơm mằn mặn của
mắm, chắc là bà Ba hết mắm, nước lèo cạn nàng chắc bèn thế bằng nước muối.’
Tôi thích tiếng nàng anh vừa mới dùng. Có chút bỡn
cợt nhưng nhẹ nhàng, không mấy ác tâm. Tôi véo chỗ rún của Nhơn một cái đau
điếng:
‘Đừng giả bộ ngây thơ, em hỏi ngon không. Nói trật
là chết với em.’
‘Thì đã nói rồi, bún mắm mà không đủ lượng mắm…
Ui… Ui… Ngon!’
‘Gì ngon. Không hỏi bún mắm
đâu à nha!’
‘Đừng bắt nói mà. Biết rõ
quá rồi còn hỏi. Biết được chấm điểm ngon là quí rồi.’
‘Thì nói đi! Tôi vừa ra
lịnh vừa ngắt rún anh mạnh hơn. Không biết sao tôi thích ngông cuồng quậy tưng
quỉ-cái kiểu gái mới đời nay. Để bù lại mấy năm trước chỉ đứng xa xa thèm
thuồng ngó trộm anh nồng nàn hôn chị Cảnh chăng? Vậy mà anh chàng cũng bướng
bỉnh không trả lời. Thấy rằng bắt bí địch thủ quá thì trò chơi mất vui, lại sợ
tay mình quá trớn lang thang lạc hướng, tôi giả bộ bao dung, sẵn dịp chọc anh
luôn:
‘Thôi, không biết thì tha
cho đó. Để sau nầy sẽ khảo bài lại, bây giờ anh ghé vô chùa Quan Âm cho em lạy
Phật ngày rằm tháng Giêng. Cũng cầu cho mọi chuyện suông sẻ. Được đi sớm. Sau
nầy rước được anh qua bển không có gì trục trặc…’
Nhơn nạt tôi như bao lần
trước:
‘Đã biểu đừng tính cái kiểu
trời thần đó mà. Tôi không đồng ý đâu. Bất nhơn sát đức!’
Anh chàng chắc đã bực bội
lắm nên mới đổi cách xưng hô. Tôi nhỏ nhẹ:
‘Thì thôi! Để sau nầy hẵn
tính. Bây giờ cho em vô dưng hương cái đã. Có gì đâu mà làm dữ vậy ông thần!’
Chùa đông nghẹt người bán
buôn xin xỏ trước tam quan. Ngoài cửa có hai Phật tử áo lam nghiêm chỉnh đứng
gác, chỉ cho khách thập phương vô cúng vái, chặn lại những người ăn xin, những
con buôn với các lồng chứa kềnh càng chim muông, rùa cá bán cho người làm phước
phóng sanh ngày rằm. Tiếng chửi rủa, trách móc nằn nì om ỉ. Chúng tôi tôi cũng
khó nhọc lắm mới lách được đoàn người chắn lối để vô, vậy mà cũng có một hai
đứa nhỏ bán nhang đèn giấy tiền vàng bạc lừa dịp xô đẩy khách rồi chạy tuốt vô
sân chùa.
Tôi kéo Nhơn lên chánh điện
bắt anh lạy Phật, vái cho hai đứa sau nầy xum họp xong rồi muốn làm gì làm. Anh
chàng căn đi dặn lại đừng mua đốt giấy tiền vàng bạc, nói rằng vô ích, chỉ tổ
làm giàu cho tụi Tàu khựa dối đời, Diêm vương nào cho phép chúng phát hành ngân
hàng âm phủ bằng những tờ giấy vụn in đô la giả. Không biết tại sao tôi thấy
yêu quá thái độ lừng khừng của Nhơn, chỉ đứng xá Phật mấy xá bằng cái lưng ngay
đơ rồi lẻn ra ngoài trong khi tôi đương quì khấn vái xin xâm.
Tôi hào phóng đặt tiền hơi
nhiều trong dĩa công đức khi vị sư già bàn xâm vừa mới cầm lá xâm trên tay đã
buột miệng khen xâm Thượng Thượng của cô tốt quá, chắc là năm nay cô có nhiều
tin lành, làm ăn thành công lớn. Đi xa được mọi sự như ý…
Tôi hỏi thầy chớ đi xa có
phải là được chồng rước qua Mỹ hay không, thầy lật sách đọc một đoạn dài lời
bàn nào là Quan Vũ quá ngũ quan, nào là Hàn Tín thụ phong
ấn tướng rồi nói rằng chuyện định cư chỉ là bước đầu, rồi còn có những
thành công lớn hơn thập bội. Thành công gì thì thầy không biết, thiên cơ không
lậu cho người phàm, xâm chỉ nói mí mí, mé mé thôi. Tôi nói đùa với thầy chắc là
con qua đó gặp thời, làm chủ cả chục cái tiệm nail hay mở một lúc năm bảy tiệm
phở, chỉ ngồi rung đùi tính cách làm sao hốt bạc cho nhiều, chứa đầy những túi
bảy gang mang về Việt Nam xây nhà cao cửa rộng cho cha mẹ, anh em.
Tội nghiệp sư ông, người
gật đầu lia lịa, không biết rằng miệng tôi tuy leo lẻo nhưng lòng chẳng chút
nào tin. Cuộc sống của tôi khiến cái màn bi quan đen ngòm luôn luôn phủ xuống
trước mặt. Tôi thú nhận là chuyện ánh sáng huy hoàng ở cuối đường hầm tôi nghe
thì nghe vậy nhưng tin tưởng chẳng có bao nhiêu. Vị sư già kiên nhẫn khuyên
rằng con người nên sống bằng niềm tin tương lai và lòng tin ở những thế lực
siêu nhiên luôn phù trợ những người làm lành. Sư nhấn mạnh lần nữa ở tương lai
tốt đẹp của tôi nếu tôi có đủ sức mạnh tâm hồn để phấn đấu. Tôi chúa ghét từ
phấn đấu vốn được nghe tới nhàm chán lâu nay nên làm thinh luôn. Chung quanh
tôi những người chờ đợi tới phiên mình nghe bàn xâm dầu đương lo ngại vì những
lá xâm xấu Hạ Hạ của họ cũng hướng ánh mắt vui mừng, ngưỡng mộ tương lai huy
hoàng được vị sư vẽ ra trước mắt tôi.
Tôi ra sân kiếm Nhơn. Anh
chàng đương đứng nói chuyện với một vị sư trung niên nơi chỗ bờ một cái hồ xây
nối liền với con lạch cùng cạn được làm chỗ phóng sanh cá, rùa. Một vài Phật tử
đứng lóng nhóng gần đó hóng chuyện. Có hai ba cô coi bộ cũng mướt lắm đương
đứng trong nhóm. Hình như Nhơn có quen với họ. Tôi thấy mình nóng mặt ngang
xương.
3.
Ngó mấy người thả cá, thả
rùa xuống hồ, Nhơn quay qua chỉ cho vị sư những người dân đứng lố nhố ở phần
lạch bên ngoài tường rào của chùa:
‘Thầy coi đó. Người bên nầy
phóng sanh thì người bên kia tìm cách bắt lại. Tội nghiệp những con cá con rùa,
vui tự do chưa được mấy mươi giây thì liền khổ lại vì lao lý. Người phóng sanh
như vậy có tội hơn là có phước. Những con vật nhỏ bé kia tội tình gì mà phải
làm con cờ trong trò chơi bắt thả của người đời!’
‘Vậy mà còn đỡ’. Vị sư thở
dài. ‘Mới hồi rằm tháng bảy hai ba người vác bình điện ra giựt điện. Bao nhiêu
cá lớn cá bé, bao nhiêu rùa mẹ rùa con vừa mới được phóng sanh mấy giây trước
thì bị điện giựt chết liền, nổi lên lật ngửa đưa bụng trắng hếu. Cái hại là có
một bé gái lẫm đẫm sao mà đưa chưn xuống nước, bị điện giựt phải chở đi nhà
thương. May mà không chết…’
Nhơn chồm mình tới dòm
xuống hồ. Nghẹt lềnh. Chắc là đàn cá nầy từ lâu không tìm cách chun qua lưới.
Chúng biết được bên nầy là tự do, bên kia là tù ngục rạc ràng, là đớn đau chết
chóc chăng?
Như biết ý nghĩ của Nhơn,
vị sư thở dài:
‘Duyên nghiệp của từng sinh
vật thôi. Nghiệp nhẹ thì thoát. Chun được vô lùm bụi, hoặc lặn sâu trốn kỹ,
hoặc ở lại trong hồ không chịu bơi ra lạch. Nghiệp nặng thì…’
Nói tới đây vị sư ngừng
lại, nín lặng, ngó vô vách tường chùa có vẽ những hình bàn chông, chậu máu, cưa
hai nấu dầu hay lặn hụp trong Nê hà xú uế. Ngôn ngữ nặng nề mang tính cách
trừng phạt răn đe ghê rợn không quen với người tu hành nên ông ngừng lại, có lẽ
là để lựa ý chọn lời.
Nhơn đưa ý kiến:
‘Thầy có nghĩ rằng chuyện
phóng sanh kiểu bắt thả nầy tạo thêm lòng tham, phát triển hơn lên tánh tranh
đoạt chiếm giựt chăng?’
Vị sư vẫn giọng nhè nhẹ,
ông nói mà mắt theo dõi những con rùa trăng trắng, nhỏ bằng bàn tay trẻ em,
đương lặn lội trong làn nước trong:
‘Cũng có đó! Nhưng phần lớn
những người nầy vì nghèo khó nên tìm cách kiếm thêm thu nhập, còn tánh tham có
nổi lên hay không cũng còn tùy, nhưng chắc chắn là người phóng sanh tạo được
tánh lành khi thương và thông cảm với nỗi khổ của những con vật bị bắt.’
Nhơn không biện luận thêm.
Anh biết bàn cãi những chuyện như thế nầy luôn luôn không đi đến chỗ đồng
thuận, thường sanh ra mích lòng. Người phóng sanh thực hiện sự phóng sanh vì
lòng yêu thương thú vật thì còn khả dĩ, phóng sanh vì muốn mua một chút phước
đức để làm hành trang cuối đời thì khó chấp nhận. Thâm tâm Nhơn vẫn cho
rằng đừng có chuyện phóng sanh vẫn tốt hơn vì sẽ không có nhóm
người tìm đủ mọi cách giăng bắt, sẽ không có cảnh người mua đi bán lại thú vật
ngay trong cảnh chùa chiền. Sự trang nghiêm biến mất đã dành mà có chút gì giả
dối trong sự thể hiện tình thương.
Huê bước ra khỏi chánh
điện, ngó quanh quất, khi thấy bóng Nhơn liền đi xâm xâm đến nhập bọn ở phía
sau.
Vị sư gật đầu chào khách
mới rồi chậm rãi nói thêm:
‘Ta hãy coi thế giới nầy
như một khu vườn bao la vô cùng tận mà mỗi con người, mỗi con vật, mỗi gốc cây,
hòn đá, thậm chí một cụm mây trời hay một cơn gió thổi đều là một đóa Hoa Nhân
Sinh có ý thức. Tất cả đều sản xuất hoa trái cho đời cách nầy hay cách khác.
Với thuận duyên thì hoa cho quả tốt, tạo nên con người lương thiện hoặc thú vật
hiền từ. Nghịch duyên thì cho quả sâu, úng thúi, thiên tai gió bão hay sanh ra
con người tật nguyền, ác độc, vô cảm, nghĩa là một cái trái, cái quả có hại cho
hoa trái chung quanh, cho đời nói chung.’
Một cô trong nhóm lên
tiếng:
‘Thưa thầy, nghịch duyên
nặng có thể không có dịp được thụ phấn mặc dầu Hoa Nhân Sinh đẹp cách mấy cho
nên sẽ không kết được quả, nói gì được có trái tốt.’
Hình như cô nầy nói mà ngó
Nhơn một cách lém lỉnh. Tôi không thích cách nói quá cụ thể của cô ta. Hình như
cô mượn dịp phát biểu giữa đám đông để nói lên một ẩn ý gì đó chỉ người trong
cuộc mới hiểu được rõ ràng.
Vị sư vẫn vô tình:
‘Mô Phật! Vậy đó, mọi sự
tùy nhân duyên.’
Tôi muốn lên tiếng để nói
gì đó nhưng chưa tìm được ý hay vì đương bận tâm. Tay mặt vẫn còn xuýt xoa về
hai ngón cái và trỏ bị chút phỏng rát do đốt giấy tiền vàng bạc khi nãy. Có đau
thì nuốt vô lòng, làm thinh, nói ra càng bị rầy thêm rằng không nghe lời, làm
chuyện ruồi bu bắt chước cái dở của thiên hạ mà không xét suy.
Bỗng có tiếng kêu cứu của
một đứa trẻ bị hụt chưn ở giữa lạch ngoài tường chùa. Nhiều giọng hốt hoảng kêu
cứu om xòm nhưng không ai nhảy xuống cứu. Nhơn và những người đương nói chuyện
nãy giờ cũng cũng chạy ra nhưng bị bức tường trước mặt cản lại khiến họ chỉ
đứng ngó trong thất vọng. Rồi như có một cơn gió thổi mạnh, một đứa trẻ chừng
mười mấy tuổi, chưn có tật khập khễnh nhưng chạy như bay về phía lạch, phóng
mau lên đầu tường rồi nhảy ùm xuống phần lạch bên ngoài, sải ba bốn sải về phía
nạn nhân.
Vị sư chấp tay:
‘Mô Phật! Em bé đó là quả
của một Hoa Nhân Sinh thiện duyên to lớn. Em từng làm nhiều điều tốt khó ngờ.
Tật nguyền nhưng đã phụng dưỡng bà nội mình với tất cả lòng chí hiếu. Sư trụ
trì cho phép em và bà cụ được vô trong khuôn viên chùa hưởng nhờ sự từ bi của Phật
tử mỗi khi chùa có lễ lạc…’
Tôi buột miệng:
‘Hoa Nhân Sinh thiện
duyên!’
Tôi học được ý nầy và nghĩ
tới Thương Thương. Con bé là quả của duyên giống xấu nhưng chắc chắn rằng nhờ
đất, phân tốt nó sẽ thành một quả có ích cho người chung quanh. Tôi đưa tay vịn
ngang hông Nhơn để tỏ ý cám ơn anh nhưng liền đó bắt gặp một ánh mắt sắc lẽm
vừa ngạc nhiên vừa không thân thiện quét ngang mặt. Cảm thấy bực mình nhưng rồi
nhìn lên vẻ mặt thanh thoát, nhẹ nhàng của tượng mẹ Quan Âm lòng tôi hối hận,
tôi hít một hơi thiệt dài rồi thở ra để tạo sự thanh thản trong lòng khi buông
tay rời khỏi hông Nhơn.
Người con gái kia chào Nhơn
để ra về với bạn. Giọng chào thân mật và tiếng anh ngọt ngào
của cô ta dùng để gọi Nhơn không còn làm tôi bực mình nữa. Tôi muốn mình là quả
của một Hoa Nhân Sinh thiện duyên, không ghen tức vì ý muốn chiếm hữu, nhứt là
chiếm thêm, giành phần, kiểu cá ngon con ăn con rọng chờ ngày đánh vảy.
4.
Con đường độc đạo về bên
thành phố Sóc Trăng bình thường dài hun hút bữa nay trở thành ngắn ngủn nhưng
tràn đầy hoa thơm cỏ lạ kết bằng kim cương, mã não. Gió mát thổi vô mặt tôi đem
lại cảm giác nhẹ nhàng phơi phới thần tiên.
Tôi lên tiếng, giọng thiệt
nhẹ nhàng:
‘Cái chị hồi nãy tên gì
vậy?’
‘Cô Hai cô Ba gì đó bán
bánh ngoài chợ. Quen mặt như người mua kẻ bán.’
Rõ ràng là câu trả lời cố
khỏa lấp một điều giấu diếm. Tôi lại muốn véo rún anh nhưng thấy đương thanh
thiên bạch nhựt nên kềm chế.
Bỗng con đường trở nên trần
tục đến tội nghiệp khi trước mặt chúng tôi không xa lắm là một đám đông đương
lình xình vì chuyện đánh người của nhóm người đồng phục áo xanh, áo vàng với sự
lẩn quẩn của mấy người mập mạp, trắng trẻo, áo trắng dài tay hay áo thun đắt
tiền, ai nấy nếu không gầm gừ, hình sự thì cũng đương khẩn thiết nói chuyện
bằng điện thoại cầm tay đời mới mắt tiền. Một người dân coi bộ cùn mằn, cùi
đày, mặt đen đúa quì duới đất chấp hai tay, ngửa mặt lên van xin thảm thiết
nhưng vẫn bị bọn quần chúng tự phát áo trắng, áo thun đánh đấm tơi bời. Tôi
nhắm mắt thiệt kỹ, Nhơn lách xe ra xa, chạy bừa giẫm lên cỏ phía lề bên trái để
tránh, anh triết lý khi đã chạy được một khoảng xa xa:
‘Xấu hổ quá khi mình phải
giả đui đi qua, coi như không thấy không nghe điều bất bình. Rồi phải cố gắng
dùng đời sống bình thường để xóa tan hình ảnh và cảm giác vừa ghi nhận. Đó là
công việc không phải dễ dàng gì. Cảnh tượng làm mình nhói tim quá nên tạo thành
dấu ấn đậm, không dễ tan biến mà không để lại chút tì vết tâm linh.’
Tôi phẫn nộ ngang, cũng
chẳng biết mình phẫn nộ với ai:
‘Sao người kia có thể ươn
hèn quá vậy chớ!’
‘Phải vậy thôi, nếu không
muốn mang tù cả chục năm để rồi tan nhà nát đời về tội chống người thi hành
công vụ.’ Nhơn nói trong tiếng thở dài.
Hai đứa tôi nín thinh hơi
lâu. Con đường lúc nầy trở nên đen tối, ảm đạm đến kỳ cục. Tôi đoán ý Nhơn. Hẳn
anh đương đau đớn về tệ trạng người tàn nhẫn đánh người vừa chứng kiến. Tâm lý
đó cũng thường thôi, ai chẳng vậy khi còn có chút nhân tính. Còn tôi hợp ý với
bài học mới vừa thủ đắc nên mang thêm một nỗi xót xa nặng nề khi nghĩ tới Hoa
Nhân Sinh của xã hội hiện nay tạo được chẳng bao nhiêu hoa thơm quả đẹp nhưng
hoa thúi, quả sâu được mùa nở rộ khiến cho miền địa đàng của ông cha tạo dựng
bao năm nay đương trên đường sa đà, tuột dốc. Và mình thì cằn cỗi cái tâm do
phản ứng vô cảm để được yên thân làm hóa mộc rồi hóa thạch từng ngày từng ngày
một cái tâm trong sáng một thời của mình.’
Lên tiếng bằng một chút hài
hước tôi mong kéo cả hai ra khỏi màn bi lụy:
‘Anh lo tưới phân tốt để
Hoa Nhân Sinh nầy tạo thêm quả đẹp đi. Còn hơn xách thùng siêu phân tưới lang
thang bất câu chỗ đúng chỗ sai.’
Nhơn lầm bầm:
‘Cái tánh nói xàm lớn sầm
sầm cái đầu cũng không chịu bỏ!’
Nghe trong cách nói chứa
đựng một sự thương yêu tràn ngập. Tôi hãnh diện xiết chặt vòng tay mình hơn
chút nữa. Để khỏi mắc cỡ với chính mình tôi hát lên nho nhỏ bài dù kê thường
được hát trong tiệc cưới của đồng bào Khmer ở trong xóm:
Nỗi ám ảnh về đám đông lộn
xộn chúng tôi vừa lướt qua mấy phút trước không rời tâm trí. Nó xào trộn với kỷ
niệm về lần cãi cọ 6, 7 năm về trước với người tía không bao giờ được nhìn nhận
của Thương Thương. Và tôi muốn mửa thốc mửa tháo, phải áp mũi vô lưng Nhơn quẹt
qua quẹt lại thiệt mạnh để thay đổi thứ không khí ô nhiễm tâm hồn mình đương
hít vô buồng phổi. Tôi phân tích lòng, thấy mình không thù hận, không cay đắng
với người đã tạo ra nghiệt cảnh cho tôi mà chỉ chua xót cho đất nước và thương
hại cho những người như anh ta, những người đã bị vô minh hướng dẫn, đến chết
vẫn không biết mình lặn hụp trong địa ngục mê lầm.
Vậy mà nghĩ tới đây tôi lại
thắc mắc về mình và cảm thấy lạ lùng là tại sao chưa tới ba mươi tuổi đầu tôi
lại mắc hội chứng tâm tư, tâm tư về mấy cái chuyện bâng quơ
chẳng giúp mình khá gì hơn trong cái xứ không thuộc về những kẻ thấp cơ thua
vóc như chúng tôi.
Thiệt kỳ lạ, tình cảm lợm
giọng chán chường và cảm giác tự hào, yêu đời cùng một lúc hiện diện trong tôi,
mỗi thứ đều rõ nét. Chúng tương phản như một tờ giấy, mặt trắng mặt đen…
Và thay vì thở dài, tôi đã
mỉm cười khi nghĩ rằng trong oan trái, mình là đóa Hoa Nhân Sinh khổ nạn nhưng
đã tạo được một trái tốt cho đời nhờ sự vun trồng khéo léo của Nhơn. Tôi nhéo
nhẹ rún anh, nói nho nhỏ: Mẹ thương con quá Thương Thương ơi, đóa Hoa Nhân Sinh
thiện duyên bé bỏng của mẹ. Cám ơn kỳ nhơn xóm Cồn Cộc, người làm vườn quá
tuyệt vời của tôi!
Một chiếc xe gắn máy trong
hẻm khuất đâm xẹt mạnh ra đường cái không cần biết trời đất gì. Nhơn thắng xe
thiệt mau đồng thời lách lạng tuyệt vời để tránh tai nạn trong đường tơ kẽ tóc.
Tôi va đầu vô lưng Nhơn một cái đau điếng thiếu điều gãy mũi vừa mới được nâng
cao mấy tháng nay.
Khi xe đã lấy lại tốc độ
bình thuờng, không hẹn mà chúng tôi cùng nói một lượt:
‘Hoa Nhân Sinh nghịch
duyên!’
Và cả hai cười lớn trong gió lộng ù ù bên ta
Mồng 1 Tết Ất Mùi (19-2-2015)
Nguyễn Văn Sâm
(San Antonio, TX, 1981. Hơn một năm sau ngày tới Mỹ
No comments:
Post a Comment