Friday, December 31, 2021

Thư Gửi Bạn: Về Hưu - Nguyễn Giụ Hùng



    ... Ngồi trong sở, đợi “đi về” ngày mai, tôi đọc thư anh thấy chạnh lòng nửa buồn nửa vui. Buồn vì tiếng “hưu”, vui vì được anh cổ võ. Vẫn bực nhất là cái tiếng “hưu”. Hưu thì hưu chứ sợ chi ai, có chăng là sợ cô hàng xóm nhà tôi chê già. Cái “Cô Láng Giềng” của ông nhạc sĩ Hoàng Quý ấy mà.

Còn “được” về hưu hay không chắc còn tùy vào thằng boss anh ạ. Muốn cũng chẳng được mà không muốn cũng chẳng xong. Thôi thì ta cứ “nhắm mắt lại, tới đâu hay đó “, hay nói theo kiểu cụ Nguyễn Văn Vĩnh là “Nhăn răng HÌ một tiếng   cho ... bớt vẻ trang nghiêm (Tôi sửa lại đấy).

...Về hưu đôi khi cũng là cái hay. Nhưng có điều này cần phải nói với anh trước nhé. Tôi “đi” sau nhưng lại “về” trước anh, nghĩa là tôi đi làm sau anh mà lại “về vườn” trước anh.

Anh có nghe câu hát hồi chúng mình còn nhỏ không? "Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ ..." Chăn trâu thì sướng thật đấy vì có thời giờ để mà nằm trên mình trâu và miệng hát nghêu ngao. Về hưu thì không phải thế đâu đấy nhé. Lắm việc lắm!

Về hưu mới thương vợ anh ạ. Tôi đề nghị các bà nên cầu nguyện cho các đức ông chồng ít nhất trong đời phải được “về hưu” một lần, càng sớm càng tốt để cho các đức lang quân biết được giá trị của các bà. Sao nó lắm việc thế hả anh. Cứ gọi là tối mắt đấy, hay là tại tôi “được chiều” quen rồi.

Khi nghỉ việc tôi hăng lắm. Tôi tuyên bố với nhà tôi: Em đi làm, anh nội trợ. Ngon chưa, vung vít chưa? Mới có mấy ngày thử việc, tôi “đừ quá anh ạ. Tôi làm đủ chuyện, toàn những công việc ngày xưa nhà tôi làm cả. Vai trò nay được hoán chuyển là nhà tôi đi làm về thì bật TV lên coi, còn tôi làm bếp. Chuyện bếp núc tôi tưởng là dễ hóa ra nó còn khó hơn cả việc mình làm ở sở. Cứ nguyên cái lọ muối với chai nước mắm không thôi, cả hai nó cùng làm cho thức ăn mặn cả mà lúc nào dùng muối lúc nào dùng nước mắm mới chết chứ. Hỏi vợ thì quê, đường đường một đấng nam nhi mà ai lại đi hỏi cái chuyện cỏn con ấy. Ai biết được luộc rau chín rồi, đậy nắp để đó không vớt ra ngay thì nó “nhũn nhùn nhùn ra. Luộc trứng muối, lúc bóc vỏ sao nó cứ ra từng tảng, bóc xong chỉ còn toàn lòng đỏ, lòng trắng theo vỏ mất rồi ... Ôi thì cứ trăm thứ phải học.

Đến bữa cơm, vợ con tôi có ai diet đâu mà sao thức ăn còn nhiều thế. Mẹ con cứ “nhìn nhau mà chẳng nói ...” (bài hát). Lát sau, thấy đứa con lẳng lặng mang về một “mẹt pizza”, mắt ai nấy đều sáng rỡ. Tôi ngẩn cả người. Thế này là thế nào?

Đến lúc thu dọn chiến trường, đem bát đĩa đi rửa. Tôi nhớ tới lời một vị thiền sư dậy đệ tử: Khi một người đạt đến độ cao nhất của hiểu biết, của tình thương và của tỉnh thức thì người ấy đạt tới quả vị Phật. Ông dậy tiếp, tỉnh thức là mình đang làm cái gì thì mình biết mình đang làm cái ấy, đang rửa bát thì biết mình đang rửa bát.  Học thiền cũng dễ thôi, thành Phật cũng dễ thôi! Chả phải tỉnh thức cũng phải tỉnh thức, xà bông nó trơn nhầy nhẫy ấy, nếu không tỉnh thức, tuột tay một cái là “choang” ngay, vợ nằm cười khúc khích thì ngượng đến chín người. Nếu “choang” nhiều lần, vợ sốt ruột nhìn mình bằng con mắt băng giá như Tình em như tuyết giăng đầu núi, và chẳng bao giờ tìm thấy trong ánh mắt nàng Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời nữa cả.

 Kỳ tới anh gặp tôi, nếu anh thấy có đệ tử theo tôi là anh biết tôi “thành đạo” đấy nhé. Thôi thì hôm nay tôi tạm ngưng ở đây, tôi sẽ báo cáo những chuyện “về hưu” khác sau này. Tôi phải đi cọ cái buồng tắm cái đã, đống quần áo giặt đang đợi tôi đây. Lại phải học, không biết phải sử dụng cái máy giặt ra sao?

Chúc anh sớm về hưu để chị ấy được nhờ. Vạn tuế các ông chồng về hưu, vạn tuế, vạn vạn tuế!!!

 

NGUYỄN GIỤ HÙNG

No comments:

Post a Comment