Saturday, September 2, 2023

Đi Chơi Chùa Hương - Nguyễn Giụ Hùng

CHƯƠNG IV

ĐƯỜNG VỀ NHÀ

Đường về nhà

      Sáng dậy, mọi người thu xếp mọi thứ để lên đường về Hà Nội sớm. Trước khi rời khỏi nhà, Thi cầm hai chiếc vòng đá mầu xám nâu mua hôm qua đưa cho tôi. Tôi nhờ Thi đeo cho Mơ một chiếc đeo cho Uyên một chiếc.

      Uyên và Mơ cám ơn Thi rối rít vì món quà bất ngờ vào giờ chót. Thi cười rồi chỉ vào tôi:

      - Hai chị cám ơn người này này! Ý kiến của anh ấy đấy, tiền cũng của anh ấy nữa. Em chỉ giúp chọn mua dùm thôi.

      Hai cô cùng cảm động. Mơ nắm bàn tay tôi siết chặt.

      Chúng tôi cùng ra bến xe. Mơ đi theo. Xe khách chưa tới, chúng tôi cùng nhau ghé vào quán hàng ăn sáng cho khỏi bị đói trên đường về Hà Nội. Chỉ cách Hà Nội có 60 cây số thôi mà chúng tôi phải mất tới hơn hai giờ đường.

      Xe khách tới, tôi trả tiền cho bà bán hàng rồi cùng đứng dậy ra xe. Xe chưa có khách lên nên tôi hy vọng sẽ chọn cho Uyên và Thi chỗ ghế ngồi tốt, không bị nắng hắt soi vào mặt khi xe chạy. Trước khi bước lên xe, tôi dúi vội vào túi áo Mơ một số tiền mà tôi biết chắc, nếu tôi đưa trước cho Mơ, cô sẽ không nhận thù lao với số tiền nhiều như thế. Cũng may, từ khi học lên bậc tú tài rồi đại học, tôi tìm được những công việc đi dậy kèm cho “con em” nhà giầu, hay mở lớp luyện thi cho những nhóm nhỏ để kiếm tiền thêm nên sự chi tiêu cũng được có đôi phần rủng rỉnh hơn xưa.

      Mơ cứ đứng dưới đất nói chuyện hồi lâu với Uyên qua khung cửa sổ xe. Khi khách đã lác đác lên xe Mơ mới vẫy tay chào chúng tôi rồi tất tưởi trở về nhà hoặc trở lại bến đò Yến đón khách. Uyên và Thi cứ nhìn theo Mơ cho đến khi bóng dáng cô khuất sau dãy hàng quà.

      Tôi ngồi bên Thi. Nàng nghiêm trang không nói. Uyên nhìn sinh hoạt ở bến xe một cách lơ đãng. Tiếng hành khách lên xe đã ồn ào, nói chuyện lao xao.

      Xe đã đầy khách. Xe bắt đầu chuyển bánh, anh “lơ xe” đập tay thùng thùng vào sườn xe để mọi người dưới bến biết mà tránh ra xa. Vì là chuyến xe sớm, ít người qua lại gần đó nhưng anh vẫn vỗ, có lẽ anh ta vỗ vì thói quen, cứ xe chạy là phải làm cái “nghi thức” ấy. Chẳng khác gì anh “lơ xe”, bác “tài xế”, thỉnh thoảng cũng bấm vài tiếng còi inh ỏi. Tôi chẳng hiểu tại sao bác bấm nữa. Có lẽ bác bấm còi theo cái thói quen thường lệ, bấm còi mà không biết mình bấm, hay bấm chơi cho vui, hoặc cũng có thể bác cứ bấm còi cho chắc ăn. Chỉ có điều thật buồn cười, bác tài làm mấy con gà kiếm ăn bên kia hàng rào bên đường giật mình bay tán loạn bởi tiếng còi xe. Cái thói quen không cải sửa nên dễ trở thành cái tật. Thành “tật’ rồi thì quả thật hết thuốc chữa. 

      Nhìn qua cửa sổ xe, mọi thứ như đang kéo nhau chạy lùi lại phía sau. Uyên ngồi bên cửa sổ, tới Thi rồi mới tới tôi trên cùng hàng ghế. Tôi nắm tay Thi để trên đầu gối tôi. Tôi cảm như thấy hơi ấm áp và sự mềm mại của bàn tay ấy đang truyền sang bàn tay tôi. Thỉnh thoảng tôi bóp nhẹ, nàng chỉ mỉm cười không nói.

      Để giết thì giờ nhàm chán trên xe, tôi nói với Thi, cũng là để nói với Uyên về chuyến đi chơi chùa Hương hai ngày vừa rồi:

      - Chúng ta đi chơi kỳ này thật vui và học hỏi được nhiều thứ lắm. Đặc biệt ta lại quen biết cô Mơ nữa, một người tiêu biểu cho người dân quê nước ta. Tuy họ có cuộc sống lam lũ nhưng bản chất lại là người thật thà, chất phác và hiếu khách nữa. Sức mạnh của dân tộc ta nằm ở chỗ những người ấy. Họ biết chịu đựng trong cuộc sống khó khăn, nhưng họ lại chính là những người biết hy sinh cho đại cuộc trước tiên khi đất nước cần đến. Thật đáng quý thay!

      Thi chợt hỏi tôi:

      - Em cứ nghe nói Phật Bà rồi Bà Chúa Ba về đây tu đắc đạo. Anh kể cho em nghe được không?

      Tôi trả lời Thi:

      - Theo cuốn Nam hải Quán Thế Âm kể lại, vào khoảng thế kỷ đầu Công nguyên, Hương Tích là nơi tu hành của Công chúa Diệu Thiện, con thứ ba của vua Diệu Trang, thuộc Vương quốc Hưng Lâm bên Tây Trúc (Ấn Độ). Theo dân gian, người ta quen gọi công chúa Diệu Thiện là Bà Chúa Ba. Bà tu hành chín năm ở động Hương Tích, đắc đạo trở thành Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, sau trở về quê nhà diệt trừ cái ác, đáp hiếu cha mẹ, phổ độ chúng sinh.

       Theo Phật thoại truyền miệng thì theo các cụ bô lão làng Yến Vĩ kể rằng vì bà quyết chí tu hành, không tuân theo lời cha, nên bị vua cha sai lính giết. Ngọc Hoàng sai thần linh hóa hổ cứu công chúa Diệu Thiện. Mãnh hổ cõng bà vào núi Hương Sơn. Chỗ bà xuống đầu tiên là hang Thánh Mẫu, còn gọi là am Phật Tích. Tương truyền trong hang còn dấu in một bàn chân của bà trên đá và am Phật Tích có tên từ đó. Bà sang tắm gội ở một vũng nước suối trong hang bên cạnh để rửa nỗi oan ức bụi trần. Chỗ đó sau thành chùa Giải Oan vì có giếng Giải Oan. Giếng này còn gọi là Thiên Nhiên Thanh Trì. Trước cửa hang có suối gọi là suối Giải Oan.

        Cũng theo Phật thoại truyền miệng, các cụ bô lão làng Phú Yên, làng của tuyến Tuyết Sơn, kể có hơi khác rằng khi mãnh hổ cõng Bà Chúa Ba đến núi Hương Sơn, ban đầu bà tu hành ở chùa Hỏa Quang, nay là nền đình làng Phú Yên, rồi bà lên núi tĩnh tâm, tu hành ở động Tuyết Sơn. Sau đó bà về tu ở động Hương Tích và bà thành đạo ở nơi đó.

        Động Hương Tích còn có một lịch sử được ghi rõ ràng trong cuốn thơ cổ “Quán Thế Âm Diệu Thiện”, Ngài Quán Thế Âm Diệu Thiện đắc đạo tại Hương Tích.

      Hội chùa Hương được diễn ra gần như suốt mùa Xuân, từ mùng 6 tháng Giêng cho hết tháng Ba, tức hết quý đầu của vòng luân hồi Xuân, Hạ, Thu, Đông của một năm. Ngày mở hội Phật Bà rơi vào ngày 19 tháng Giêng hàng năm, tức ngày đản sinh của Bà Chúa Ba.

      Các chùa ở Hương Sơn đều có tượng thờ Bà Chúa Ba. Ở đây, có 14 chùa thường được biết đến thì có 8 chùa nằm ngoài động, 6 chùa nằm trong động. Trong số chùa nằm trong động thì có 3 chùa chính là chùa Hương Tích, chùa Hinh Bồng và chùa Tuyết Sơn.

      Tôi cũng cho Uyên và Thi biết:

      Chùa Hương tức Hương Sơn, quả là một danh lam thắng cảnh, được coi như “sơn kỳ thủy tú”, “bồng lai tiên cảnh” trên đất nước ta. Chẳng thế, bao thi nhân của thời xưa cũng như thời nay đã để lại cho chúng ta biết bao nhiêu tuyệt tác về Hương Sơn. Những vị “thánh thơ” đóng góp vào đó phải kể đến là Tĩnh vương Trịnh Sâm, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, cùng với những bậc thi nhân xưa như  Nguyễn Khuyến, Bùi Dị, Nguyễn Cao, Vũ Phạm Hàm, Chu Mạnh Trinh, Dương Lâm, Nguyễn Thấu, Trần Huy Luyện, Tản Đà, Đoàn Như Khuê, và những thi nhân gần gũi quen thuộc với chúng ta sau này như Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Anh Thơ, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Nguyện Nhược Pháp, Hằng Phương ... và tất nhiên còn rất nhiều nhà thơ khác nữa trong tương lai.

      Như để tóm tắt vài ý nghĩ của tôi cho chuyến đi:

      - Tới với chùa Hương như để ngắm nhìn cho thỏa thích một bức tranh thiên nhiên hoàn hảo của sự hài hoà giữa cái chập chùng, hùng vĩ của núi non với cái mềm mại của những dòng suối chảy quanh co, và hòa trong cái êm dịu của mầu xanh cây rừng, đồng lúa, hay những thung mơ.

      Tới với chùa Hương là ta về với đất Phật nói chung hay với Phật bà Quán Thế Âm tức Bà Chúa Ba nói riêng. Ta đi hành hương chùa Hương là ta thực hiện được sự tiếp xúc giữa con người với thiên nhiên, con người trong tín ngưỡng; là ta tìm sự lắng đọng tâm hồn, tự gột rửa bản thân để hội nhập với cái chân, thiện, mỹ của vạn vật.

      [Tới với chùa Hương cũng thể hiện những khát vọng của đời thường. Chùa Hương mở rộng cửa cho mọi tầng lớp xã hội, không kể sang hèn, giầu nghèo. Trong tâm thức của đồng bào Phật tử, họ tin đây là đất Phật linh thiêng có thể giúp họ thực hiện được những ước mơ hay giải trừ cho họ được những kiếp nạn. Ở đây nổi bật lên văn hóa phồn thực, nghĩa là cầu xin cho sinh sôi nẩy nở, như nhà nông cầu xin nhiều gạo cao như “đụn gạo”, cầu xin chuồng lợn đầy lợn, ao cá đầy cá. Kẻ buôn bán thì cầu xin tài lộc được như “cây vàng”, “cây bạc”. Kẻ có bệnh thì tin rằng “bầu sữa mẹ” có thể cho họ những giọt thuốc tiên để chữa lành bệnh. Kẻ hiếm muộn thì muốn “cô”, “cậu” theo về làm con. Kẻ có nhiều oan trái mong uống nước hay tắm gội với dòng suối “Giải Oan”. Do đó hội chùa Hương còn gọi là “hội cầu may] (1)

      Dù nhìn dưới góc độ nào, người đến chùa Hương với nhiều mục đích khác nhau, nhưng những yếu tố kể trên đã kết hợp lại thành văn hoá chùa Hương.

      Tôi đang thao thao nói thì tôi thấy đầu Thi dần dần dựa hẳn vào vai tôi. Nhìn ra, tôi đã thấy Thi ngủ. Tôi ngồi im lặng ngắm nhìn Thi, hai má nàng mịn hồng, những sợi gân xanh hiện mờ nhạt ẩn dưới làn da mỏng. Hơi thở nàng đều đều. Tôi nhẹ vén sang bên vành tai vài sợi tóc mai còn đang nhẹ bay bay phất phơ trên mặt nàng. Khuôn mặt thật hồn nhiên như trẻ thơ.

      Tôi sẽ cúi xuống, lần tay xuống ba-lô lục lấy ra chiếc vòng đá xanh màu cẩm thạch tôi mua hôm qua, nhẹ đeo vào cổ tay Thi. Tôi nhìn Thi mỉm cười vì tôi nghĩ khi Thi tỉnh dậy sẽ rất sung sướng nhận ra trên cổ tay mình có chiếc vòng đá này.

      Tôi chợt thấy Thi nói:

      - Cám ơn anh!

      Tôi vẫn thấy nàng nhắm mắt yên bình. Liền sau đó, Thi chợt cựa mình, sửa lại thế ngồi cho thoải mái hơn, tất nhiên là đôi mắt vẫn nhắm và thở đều đều. Bây giờ thì Thi ngồi xích gần lại tôi, đầu vẫn tựa vai, hai tay nàng đang ôm lấy cánh tay tôi. Tôi nhìn Uyên nói nhỏ:

      - Chắc Thi ngủ say rồi!

      Uyên nhìn tôi rồi lại nhìn cô em, khẽ phì cười rồi lại quay đầu lơ đãng nhìn ra ngoài cửa xe. Uyên có cái đẹp của một người con gái đã trưởng thành, hiền dịu, đằm thắm và thật nhiều tình cảm. Tất nhiên là Uyên rất thương yêu và bảo vệ cô em gái của mình. Những sợi tóc dài của Uyên đang bay về phía sau gáy.

      Xe vẫn chạy, Thi vẫn ngủ, thời gian cứ trôi đi. Tay tôi đã bắt đầu thấy mỏi. Tôi nhẹ rút tay tôi ra khỏi hai tay Thi đang ôm cứng. Tuy rất nhẹ nhưng cũng đủ làm Thi tỉnh dậy. Thi hỏi tôi:

      - Sắp tới bến chưa anh?

      Uyên trả lời thay tôi:

      - Sắp tới nơi rồi. Ngủ gì mà say thế!

      Thi ngước mắt lên nhìn tôi hỏi:

      - Em ngủ say lắm hả? Có lâu không?

      Tôi trả lời:

      - Tất nhiên là ngủ say và lâu rồi! Tôi đùa chỉ lên mép thi:

      - Lau nước dãi (nước miếng) đi em! Ở hai bên mép kìa.

      Thi vội đưa tay lên chùi mép. Thấy không ướt, biết mình bị lừa nên cứ hai tay nàng đấm vào tôi và khẽ kêu lên:

      - Ghét anh lắm! Ghét anh lắm! Anh lừa em! ... Anh lừa em!

      Tôi nghiêng mình sang bên cho Thi đánh rồi cười. Uyên cũng cười theo:

      - Cô em này cũng dữ quá chứ hả! Đâu có vừa gì đâu!

      Thi quay sang chị nói nhỏ như phân bua:

      - Tại anh ấy chứ đâu phải tại em!

      Tôi và Uyên lại cười. Tôi nhắc cho Thi nhớ:

      - Có lần em cũng lừa anh như thế ở vườn sau nhà. Nhớ không?

      - Em nhớ! Sao anh thù dai thế! Thi phụng phịu nói.

      Thi tiện tay véo” (nhéo) lên cánh tay tôi một cái nhẹ rồi mới chịu ngồi yên. Tôi nói đùa Thi:

       - Anh phải đặt tên em là “Thi véo” mới phải.

      Thi cười rồi véo tôi thêm cái nữa. Thi bỗng nhìn tôi với cặp mắt rất đáng “yêu”, vừa đưa chiếc vòng tay lên vừa nói:

       - Cám ơn anh đã tặng em chiếc vòng này! Em sẽ giữ nó mãi mãi!

      Tôi lại đùa:

      - Giữ mãi là phải rồi! Ai lại nỡ vứt đi chiếc vòng đẹp như thế này, trừ khi nó vỡ.

      Tất nhiên là Thi lại “tặng” cho tôi thêm một cái véo nữa trước khi nói:

      - Em thấy lúc anh mua chiếc vòng này với cái nhẫn. Anh nhìn trước nhìn sau rồi bỏ ngay vào ba-lô, mặt tỉnh bơ. Em buồn cười quá nhưng phải nín. Lúc đó em thấy cảm động lắm. Anh vờ cũng hay thật đấy!

      Xe từ từ vào bến. Đợi mọi người xuống vãn, chúng tôi mới kiểm soát lại hành lý rồi cùng theo họ xuống bến xe. Chúng tôi thuê xe tay trở về nhà trọ.

      Về tới nhà, mọi người đều thấy thật thoải mái với nơi ấm cúng của mình. Tôi về phòng riêng. Hai cô vội thay quần áo rồi chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Chúng tôi trở lại bàn ăn. Cả hai cùng rạng rỡ, tươi mát trong bộ quần áo cánh mặc ở nhà.

      Chúng tôi có cả gần một ngày để nghỉ ngơi.

* * *

      Sau bữa cơm tối. Chúng tôi ra sân, cùng ngồi chơi dưới giàn hoa và dưới ánh đèn điện ngoài đường hắt vào mờ ảo như ánh sáng trăng. Chúng tôi lại nhắc tới cô Mơ. Tôi cho biết là tháng tới tôi sẽ trở lại Hương Sơn để đem Hội về giới thiệu cho Mơ. Hy vọng là hai người sẽ trở thành đôi bạn tốt của nhau.

      Thi hỏi ngay:

      - Thế họ không thành vợ chồng à?

      Uyên phì cười, thay tôi trả lời:

      - Cô này trẻ con thật. Cứ quen nhau là phải thành vợ chồng à! Mình đã nói là chỉ giới thiệu chứ mình có “làm mai” đâu nào.

      - Ừ nhỉ, em quên! Thi tiu nghỉu trả lời.

      Uyên quay lại nói với tôi:

      - Khi nào anh đi, em sẽ mua quà và nhờ anh mang tặng chị ấy hộ em ít vải may quần áo nhé.

      Thi cũng chen vào:

      - Em sẽ tặng chị ấy đôi “guốc son” (guốc sơn đỏ), một chai nước hoa nhỏ với thỏi son.

      Tôi và Uyên cùng cười rộ. Uyên nói:

      - Em tặng quà cứ như cho người ở Hà Nội ấy. Mà thôi, như thế cũng được!

      Những câu chuyện về chùa Hương được đem ra. Hai cô hỏi tôi những câu hỏi tưởng chừng như ngớ ngẩn và tôi có cảm tưởng hai cô đã coi tôi như chính là người đã xây dựng nên chùa Hương không bằng. Tuy nhiên tôi cũng rất hài lòng khi thấy hai cô đã tin tưởng nơi tôi với lòng ngưỡng mộ. Tôi tự mỉm cười với ý nghĩ “vơ vào” ấy.

      Sau vài câu chuyện về dự định cho chuyến đi chơi trong những ngày nghỉ lễ tới. Uyên muốn đi ngủ sớm nên xin phép đứng lên vào nhà. Tôi và Thi còn ngồi lại ở ngoài sân. Tôi đang nghĩ lan man về một ngày nào đó Thi sẽ là vợ mình, sẽ có nhiều con, toàn những đứa con cầu tự thông minh, đẹp đẽ mà Thi đã vô tình “cầu xin” đầy một bụng ở chùa Hương đem về. Ôi, một gia đình hạnh phúc như đang lởn vởn trong trí óc tôi. Tôi ngây người như đang được hưởng hạnh phúc ấy.

      Không biết tôi đang mơ mộng được bao lâu về những ngày hạnh phúc bên Thi. Chợt nghe tiếng nàng:

      - Anh! ... Anh làm gì mà ngồi ngây người ra vậy! Anh buồn ngủ lắm rồi hả?

      Tôi nghe thấy tiếng Thi gọi. Tôi bàng hoàng, giật mình như người tỉnh mộng. Thi ngồi bên cạnh nhìn tôi, cười hỏi:

      - Anh đang suy nghĩ gì vậy?

      Tôi sượng sùng trả lời trống không:

      - Không! ...  Thôi, ta đi ngủ đi!

      Tôi và Thi cùng đứng dậy. Tôi đứng nhìn Thi bước tới cửa phòng nàng, tôi mới lững thững lên gác về phòng mình. Trước khi ngủ tôi vẫn thấy như còn văng vẳng bên tai những lời Thi nói, tiếng Thi cười, và vẫn lâng lâng về những ước mộng hạnh phúc bên Thi với đàn con ngoan. Tôi tự mỉm cười một mình trong bóng đêm.

          Mà vẫn bàng hoàng như giữa mộng,

          Mơ hay là thực, hỡi hoa mơ?

          (Xuân Diệu)

      Tôi thò tay vào túi quần lấy ra hai chiếc nhẫn, một cho tôi và một cho Thi, cất vào ngăn kéo trước khi trùm chăn kín đầu đi tìm giấc ngủ. “Thực” hay “mơ” đây?! Thực với mơ, sao tôi cứ tưởng chúng lồng làm một. Thực mơ, mơ thực, âu chẳng qua cũng chỉ là ảo ảnh của cuộc đời chăng?  Tôi phì cười với cái ý nghĩ lẩm cẩm và có vẻ “triết lý vụn” của mình. Tôi ra lệnh cho tôi: Ngủ! Tôi ngủ thật. Tới sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi mới biết mình đã làm một giấc ngủ thật say trong yên bình, và chẳng thấy Thi đâu.

Ghi chú:

(1)    [ ] Dựa theo ý của tác giả Trần Lê Văn qua cuốn “Thắng Cảnh Hương Sơn”

 

Tài liệu tham khảo cho toàn truyện:

- “Thắng Cảnh Hương Sơn” của Trần Lê Văn - Công ty phát hành sách tỉnh Hà Tây (Tài liệu chính yếu được sử dụng). Xin lỗi tác giả TLV về những trích dịch mà không xin phép trước do điều kiện địa dư.

- “Du Lịch Chùa Hương” của sở Du lịch Hà Nội - Nhà xuất bản Thông Tấn, Hà Nội (2009)

- “Chùa Hương”, tập thơ của Trần Lê Văn - Nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Tây

- Tài liệu từ nhiều nguồn trên Internet, từ các công ty du lịch trong và ngoài Việt Nam.

- Từ chuyến đi hành hương tại chùa Hương của tác giả (NGH).

 

Hình ảnh được lấy từ:

- “Du Lịch Chùa Hương” của sở Du lịch Hà Nội (Được đánh dấu hoa thị *)

- Trên mạng Internet và các công ty du lịch quảng bá trong và ngoài nước.

PHỤ LỤC 

BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM DIỆU THIỆN

hay PHẬT BÀ CHÚA BA (2)

 

      Hương Tích là chỗ đức Quán Thế Âm Diệu Thiện tu hành.

      Động Hương Tích có một lịch sử còn được ghi rõ ràng trong cuốn thơ cổ “Quán Thế Âm Diệu Thiện.” Ngài Quán Thế Âm Diệu Thiện là người đắc đạo tại Hương Tích.

Lược kể rằng:

      Ở Tây Trúc, một vị vua có ba người con gái, không có con trai cho nên nhà vua muốn chọn phò mã. Bà công chúa thứ nhất và thứ hai thuận chọn phò mã. Nhưng công chúa thứ ba, gọi là bà chúa Ba lớn lên thì không muốn lập gia đình, không chịu kén phò mã. Nhà vua tức giận rầy la nhưng bà khẳng định nhất định không lấy chồng mà đòi đi tu. Bao nhiêu lần nhà vua khuyên răn nhưng bà không nghe. Cuối cùng nhà vua tức giận liền đem gửi bà đến ngôi chùa và dặn vị Hòa thượng trụ trì chùa này phải đầy đọa khắt khe để bà nản lòng. Hòa thượng là người tu hành nhưng phải tuân lệnh nhà vua không dám cãi. Nhà chùa đã bắt bà làm những việc nặng nhọc mà bà chưa từng làm. Tưởng rằng đầy đọa bà một thời gian sẽ làm bà nản. Nhưng không, dầu khổ bà vẫn một lòng tu. Hoàng hậu nhiều lần tới thăm bà, thấy bà khổ sở, gầy ốm nên khuyên bà về nhưng bà vẫn cương quyết từ chối.

      Sau ba năm, bà vẫn không sờn lòng, nhà vua tức giận ra lệnh phóng hỏa đốt chùa. Bỗng có một con hổ xuất hiện cõng bà chúa Ba sang tới tận Việt Nam. Tới động Hương Tích cọp để bà ở đó. Bà tu ở đây cho tới khi bà đắc đạo.

      Vua cha già bệnh trầm trọng, khổ sở vô kể, không thuốc nào trị nổi vì nghiệp đốt chùa. Vì quá đau đớn, lở lói và lòng ân hận nên nhà vua truyền lệnh cho triều thần tìm ai chữa được bệnh cho nhà vua thì vua sẽ truyền ngôi cho. Tin ấy được đồn sang tới Việt Nam. Bà chúa Ba nay đã tu thành đạo, ngài có thần thông nên khi được tin đó ngài liền vận thần thông trở về Thiên Trúc. Về tới quê nhà thấy vua cha đương tìm người trị bệnh, bà xin vào chữa bệnh cho vua. Không ai biết bà là ai. Sau khi trị bệnh cho vua, bệnh của vua dần dần thuyên giảm rồi hết. Khi vua cha hết bệnh rồi, bà mới nói thật bà là công chúa Ba tu ở Việt Nam nay đã thành chánh quả và bà về đây để độ cho cha mẹ. Bà dậy cho cha mẹ Quy y Tam bảo, giữ gìn 5 giới và làm lễ sám hối để tiêu trừ nghiệp chướng. Độ xong bà lại quay trở về Việt Nam tu tiếp. Tu thời gian sau bà hóa ở động Hương Tích.

      Đó là sự tích của Bồ tát Quán Thế Âm tức bà chúa Ba được ghi rõ ràng trong tập thơ cổ Quán Âm Diệu Thiện. Động Hương Tích là nơi hóa thân của ngài nên hàng năm luôn có ngày trảy hội chùa Hương để lễ ngài.

      Dựa vào câu chuyện trên, Bồ tát Quán Thế Âm luôn được sùng kính ở Việt Nam vì hợp với tính chất đạo lý của người Việt, dù bị cha mẹ hắt hủi, hành hạ thế nào người con cũng vẫn một lòng hiếu thảo.

      Ngoài chuyện Bồ tát Quán Thế Âm Diệu Thiện, ta còn có chuyện Bồ tát Quán Âm Thị Kính cũng với tính chất đạo lý một lòng thương người, thương chúng sinh và đức nhẫn nhục.

     Cái hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm là ĐẠI TỪ, ĐẠI BI là đem lòng thương yêu, giúp đỡ, giải cứu mọi ách nạn đến cho mọi loài chúng sinh không phân biệt là ai trong xã hội hay trong hoàn cảnh nào.

      Bồ tát Quán Thế Âm, không là nam, không là nữ. Tuy nhiên, có khi ngài hóa thân thành nam, có khi ngài hóa thân thành nữ hay hóa thân dưới nhiều dạng hình tướng khác nhau cho phù hợp với hoàn cảnh để cứu độ chúng sinh.

      Với tinh thần Phật Giáo Việt Nam, Bồ tát Quán Thế Âm thường được thờ dưới hình thức tượng mang thân nữ và thờ ngoài trời.

      - Dưới hình thức người NỮ: Người MẸ trong gia đình luôn thể hiện đức tính thương yêu của người mẹ hết lòng che chở, an ủi, vỗ về, hy sinh kể cả thân xác cho những đứa con của mình, nó phù hợp với hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm. Do đó biểu tượng Bồ tát Quán Thế Âm, đối với người Việt Nam luôn là hình tượng của người nữ như một “từ mẫu” trong gia đình.

      - Bồ tát Quán Thế Âm thường được thờ đứng ngoài trời với tay trái cầm bình “thanh tịnh” đựng nước “cam lồ” và tay phải cầm “cành dương liễu”.

* Bình “thanh tịnh” tượng trưng cho thân xác này. Sau khi quy y Tam giới, giữ được “ngũ giới” (không sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối và không uống rượu) thì được gọi là người thanh tịnh. Bình có thanh tịnh thì mới chứa được nước cam lồ.

* Nước “cam lồ” tượng trưng cho lòng từ bi. “Cam lồ” đúng nghĩa là “cam lộ” tức là nước sương hứng ngoài giữa trời, trong mát, ngọt ngào.

* “Cành dương” mềm nhưng không gãy khi gặp gió mạnh hay phong ba bão táp. Nó tượng trưng cho đức nhẫn nhục. Có nhẫn nhục mới trải lòng từ bi cho mọi người.

Cầu lạy Bồ tát Quán Thế Âm là cầu lạy gì?


Lậy ngài là ta nguyện theo cái hạnh TỪ BI, cái đức NHẪN NHỤC và cố gắng GIỮ GÌN NĂM GIỚI THANH TỊNH. Giữ giới thanh tịnh là bước khởi đầu để phát tâm từ bi, thực hành hạnh nhẫn nhục. Nếu ta chỉ biết lạy đề cầu xin thì thờ ngài cũng chỉ như thần và thờ ma quỷ vậy thôi. 

Ghi chú:

(2)  Nguồn: Bài thuyết giảng của Hòa Thượng THÍCH THANH TỪ 

Mời đọc lại 

Đi Chơi Chùa Hương

(Toàn truyện) 

*/ Chương Giới Thiệu

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/04/i-choi-chua-huong-nguyen-giu-hung.html

 */ Chương I: Đi Chơi Chùa Hương - Tuyến Chùa Hương Tích 

Tuyến Chùa Hương Tích - Phần 1

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/05/i-choi-chua-huong-nguyen-giu-hung.html

Tuyến Động Hương Tích - Phần 2

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/05/i-choi-chua-huong-phan-2-nguyen-giu-hung.html

Tuyến Động Hương Tích - Phần 3

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/06/i-choi-chua-huong-phan-3-nguyen-giu-hung.html 

*/ Chương II: Đi Chơi Chùa Hương - Tuyến Chùa Hinh Bồng

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/08/i-choi-chua-huong-nguyen-giu-hung.html

*/ Chương III: Đi Chơi Chùa Hương - Tuyến Chùa Tuyết Sơn

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/08/i-choi-chua-huong-nguyen-giu-hung_17.html

*/ Chương IV: Đi Chơi Chùa Hương – Đường Về Nhà – Phụ Lục

(bài đương đăng)

 

Truyện “Đi Chơi Chùa Hương” chỉ phổ biến TRONG GIỚI HẠN THÂN HỮU.

Không có mục đích THƯƠNG MẠI.

No comments:

Post a Comment