Wednesday, December 1, 2021

Đạo Tình Yêu Qua Thúy Kiều & Kim Trọng - Nguyễn Văn Nhớ (Họa sĩ)


Năm 1965, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thi hào Nguyễn Du (1765-1965). Ông đã được Hội Đồng Hòa Bình Thế Giới vinh danh là một Danh nhân Văn hóa Thế giới. Truyện Kiều đã được dịch ra rất nhiều ngoại ngữ: Đức, Pháp, Thụy điển, Anh, Tiệp khắc, Ba lan, Trung hoa và Nhật bản …Trong số đó có ba bản dịch sang Pháp văn và Anh văn đã được Cơ quan Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc tài trợ xuất bản với tính cách là tác phẩm tiêu biểu của Việt Nam.

Truyện Kiều là nguồn cảm hứng vô tận đối với những người làm công việc văn học nghệ thuật. Trong mấy trăm năm qua, nhiều học giả đã viết về nhiều khía cạnh khác nhau của Truyện Kiều. 

Cuộc sống biến đổi khôn lường. Nhưng tâm thức của con người mỗi ngày mỗi nhận ra đạo là nguồn sống là hạnh phúc đích thực. 

Nhân loại đang mong muốn trở về với những nguồn đạo lớn. Trong tất cả hành động hằng ngày nếu thể hiện bằng hành động thiếu đạo lý sẽ dẫn đến khổ đau cho mình và người khác. Người Việt có truyền thống theo Đạo Ông Bà, đây là nét đặc sắc nhất của dân tộc Việt. Đạo Ông Bà thờ ông bà tổ tiên, tôi nghĩ đặc điểm này không bao giờ đối nghịch với các tôn giáo khác. Cuộc sống thường nhật của con người có tình nghĩa vợ chồng đã dẫn đến đạo vợ chồng. Vợ chồng bắt nguồn từ tình yêu đôi lứa. Tình yêu đôi lứa đánh thức khả năng tiềm ẩn của con người. Tình yêu nam nữ hòa hợp, kết chặt trái tim cùng sức mạnh lý trí để thăng hoa ngọn lửa tình yêu nồng ấm. Ngọn lửa tình yêu có nguồn đạo lý riêng, trong đó tiềm ẩn những phép tắc nhiệm mầu và những điều cấm kỵ. Những điều bí mật đó là những gì thiêng liêng của Đạo tình yêu. Tín đồ đạo tình yêu, biết đâu là con số cao nhất của nhân loại và trong thực tế đã đang vượt lên, đang vươn tới tính bình đẳng, hòa hợp và nhân bản nhất. Nguồn đạo tình yêu không phân biệt tính quốc gia, dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và tuổi tác v.v… và v.v... Có phải Ông Adam và Bà Eva là thủy tổ của Đạo Tình Yêu không? Nếu đúng, thì những người thật lòng yêu nhau, thật lòng hy sinh vì nhau sẽ nhận được những lời chúc phúc từ đấng Thủy tổ. Xin hãy yêu nhau thật lòng.

Từ suy nghĩ lan man bất chợt trên đây và cảm xúc sâu xa bởi tình yêu giữa Thúy Kiều và Kim Trọng trong Đoạn Trường Tân Thanh của Thi hào Nguyễn Du. Người viết ngẫm nghĩ về vấn đề này, nên mạnh dạn thử phác họa Đạo Tình Yêu qua cuộc đời dâu bể của Thúy Kiều và Kim Trọng. Đây không phải là bài viết thuộc loại nghiên cứu, mà chỉ là đôi điều tản mạn, những ý nghĩ mới bắt đầu, không làm sao tránh khỏi những bất cập. Rất mong các bậc cao minh, thức giả và những người yêu mến truyện Kiều góp ý, thông cảm, chia sẻ. Người viết vô vàn đa tạ.

1.     Thi hào Nguyễn Du đã để lại Truyện Kiều. Một cuộc tình đôi lứa, người quốc sắc, kẻ thiên tài. Tình tiết đẹp đã cảm động tạo ấn tượng khó phai mờ trong lòng người thưởng ngoạn. Mối tình thủy chung đầy nước mắt của Thúy Kiều và Kim Trọng được Nguyễn Du viết thành thiên tình ca, thành những tiếng kêu đứt ruột là Đoạn Trường Tân Thanh. Nguyễn Du đã cho cặp trai tài gái sắc tất cả tự do, táo bạo, lòng yêu thương, tính phóng khoáng để tạo nên một thiên diễm tình bất tuyệt.

Sự tồn tại của nhân loại khởi đi từ đời sống vợ chồng. Đạo vợ chồng là tình yêu hiến dâng cả tâm hồn lẫn thể xác giữa người nam và nữ. Kim và Kiều là đôi tình nhân chưa phải vợ chồng. Và cũng không bao giờ trở thành chồng vợ. Hai người yêu nhau, hạnh phúc và say đắm trong tình yêu, đã thề nguyền: “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.” Nhưng dù mười lăm năm nhớ thương đứt ruột khi gặp lại nhau, chàng và nàng vẫn đồng lòng vượt qua dục vọng, từ bỏ gối chăn. 

Chúng ta cảm thương mối tình đầu nhẹ nhàng thanh thoát của Kiều khởi đi từ Tiết Thanh Minh khi nàng đi tảo mộ cùng người em gái là Thúy Vân và em trai là Vương Quan. Giữa thiên nhiên mà cảnh sắc như tranh thủy họa: “Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.” Kiều như hoa lê trắng nổi bật lên giữa trời xanh bát ngát bao la. Kiều mang tâm hồn trong trắng, đa sầu đa cảm và hay thương xót nỗi đau của người khác. Cho nên khi gặp mộ Đạm Tiên, Kiều đã: “Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài.” Và giữa khung cảnh êm đềm, “cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”, Kim và Kiều gặp nhau. Khi “hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”; người như hoa e lệ, xao xuyến. Cái phút ban đầu lưu luyến ấy nặng trĩu cảm xúc, mang cảm giác ngất ngây tình tự. Hình ảnh đó tạo nên tiếng sét ái tình. Kiều là giai nhân quý phái; Kim Trọng là kẻ tài tử hào hoa nên hai người dễ nẩy mầm lưu luyến. Mới gặp nhau mà “tình trong như đã, mặt ngoài còn e.” Trong máu huyết của Kim Trọng đã có chất men tình ái. Chàng là giống nòi tình. Tình yêu dễ làm cho chàng choáng váng “Chập chờn nửa tỉnh nửa mê.” Giữa không gian yên vắng, ngậm ngùi chàng kêu lên tiếc nuối xót xa: “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không.” Giữa không gian yên lặng đầy tình tự của đất trời: “Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.” Giữa sự tịch lặng đó Kiều dễ dâng tâm hồn cho Kim Trọng: “Bóng tà như giục cơn buồn/ Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo.” Và từ đó, ngọn lửa mối tình đầu bùng lên bằng khát khao, nhung nhớ, sầu não đợi chờ. Tất cả hứa hẹn cho một mối tình mãnh liệt.

Duyên cớ đầu tiên của mối tình là chiếc kim thoa của Kiều bỏ quên trên cành đào. “Trên đào nhác thấy một cành kim thoa”. Đó là đầu mối của duyên tiền định. Kim Trọng đã đem kim thoa về nhà để ôm ấp. Một thi sĩ nào đó đã nói, khi yêu một sợi tóc cũng làm nên mê hoặc, huống chi đây là kim thoa, vật đã thường gắn lên mái tóc người mà mình mơ tưởng. Qua báu vật đó, chàng thương nhớ Kiều, tương tư đến hao mòn ngất lịm.

Kim Trọng si tình, tương tư Kiều, quên hết thú vui hằng ngày. “Hương gây mùi nhớ/ Trà khan giọng tình”. Hoa ái tình đã nở, nỗi nhớ nhung điên cuồng thúc đẩy chàng tìm cách thuê nhà cho gần Kiều. “Lấy điều du học hỏi thuê/ Túi đàn, cặp sách đề huề dọn sang”. Thư phòng của chàng như sẵn sàng là nơi tình tự.

 Có cây có đá sẵn sàng

 Có hiên Lãm Thúy nét vàng chưa phai

 Mừng thầm chốn ấy chữ bài

 Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây 

Chàng tương tư nàng, nhìn đâu cũng chỉ thấy nàng. Nhìn chiếc kim thoa tưởng như ẩn hiện khuôn mặt Kiều, như tạo mối tơ mành, như nhện giăng quấn lấy tâm hồn Kim Trọng; chàng không làm sao gỡ ra được. Kim Trọng đứng ngồi không yên, có ý tìm tòi, nên ra ngẩn vào ngơ, cuối cùng chàng vội bước ra nơi vườn cũ để tìm Kiều. Khi thấy Kiều ngơ ngẩn đi tìm chiếc kim thoa. Chàng lên tiếng từ xa để ướm lòng: “Thoa này bắt được hư không/ Biết đâu hợp phố mà mang châu về”. Để rồi tiếng oanh vàng của Kiều lại trao duyên: “Chiếc thoa nào có mấy mươi/ Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao”. Kim Trọng đã: “Thầm trông trộm nhớ, bấy lâu đã chồn.” Chàng nói hết nỗi lòng với Kiều để nàng hiểu cho mình. Chàng phải nói, cần nói để cho hả dạ, để giải thoát cho tâm hồn mình đã bị đè nén bao lâu nay: “Tiện đây xin một hai điều/ Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?” Nhưng Kiều:

 Ngần ngừ nàng mới thưa rằng:

 Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong

 Dù khi lá thắm chỉ hồng

 Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha. 

 Nặng lòng xót liễu, vì hoa. 

 Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa”

Dù khi lá thắm chỉ hồng. Chỉ hồng là sợi giây xích thằng vô hình ràng buộc chân hai người nam nữ với nhau. Nhưng với Kiều, cái duyên bởi sợi dây kết hợp đó chưa đủ mà nên chăng cũng phải ở lòng cha mẹ. Đây là nét đạo lý trong tình yêu của Kiều. Trái tim Kiều rộn ràng trước Kim Trọng, nên Kiều đã: “Vội về thêm lấy của nhà/ Xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông” Và hai người đã trao kỷ vật cho nhau.

 “Rằng trăm năm cũng từ đây, 

 Của tin gọi một chút này làm ghi. 

 Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ, 

 Với cành thoa ấy, tức thì đổi trao.” 

Sau đó: “Chàng về viện sách, nàng rời lầu trang.” Sau lần gặp gỡ để trao kỷ vật, chàng và nàng sống trong tâm cảnh: “Sông Tương một giải nông sờ/ Bên trông bờ nọ, bên chờ cuối kia”. Chàng và nàng tương tư nhau, qua ngày gió đêm trăng không sao gặp được. Nhân một hôm Kiều một mình ở nhà: “Nhà lan thanh vắng một mình/ Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay”. Nàng nghĩ cơ hội đã đến, nên gót sen nàng thoăn thoắt dạo mé tường để tìm Kim Trọng. Rồi dưới hoa, nàng đã thấy chàng đứng trông:

 “Trách lòng hờ hững với lòng, 

 Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu. 

Những là đắp nhớ nỗi sầu,

 Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm.”

 Với Kiều thì:

 “Nàng rằng gió bắt mưa cầm, 

 Đã cam tệ với tri âm bấy chầy. 

 Vắng nhà được buổi hôm nay, 

 Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng.” 

Bởi hương kỳ ảo của tình yêu thúc giục Kiều. Và đôi khi sự táo bạo đúng lúc là điều cần thiết để mở cửa tình yêu, Kiều đã: “Xắn tay mở khóa động đào/ Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai.” Kiều đã chủ động đến với Kim Trọng. Lần đầu tiên chàng và nàng gặp nhau trong chốn thư hiên.“Góp lời phong nguyệt, nặng nguyền non sông”. Giữa chốn thư phòng Kim và Kiều tình tự. Mới gặp nhau hai người đã tâm giao đắc ý. Kiều vẽ tranh Đạm Thanh. Chàng Kim thảo thơ, đó là ngôn ngữ của thần linh. Kim thổi thần linh vào trong tranh của Kiều. Hai người chuốc rượu mời nhau. Thơ, họa đã tạo nên cảm hứng tình yêu giữa chàng và nàng. Ở điểm này mới thấy Nguyễn Du yêu thương con người đến mức nào! Nhất là với phụ nữ. Nguyễn Du đã giải phóng phụ nữ, thời điểm của mấy trăm năm trước, khi lễ giáo nho phong còn nặng nề, nam nữ thụ thụ bất thân. Nguyễn Du đã tạo cho Kim Kiều phóng khoáng tự do, đầy nhân bản. Làm sao chúng ta không thương quá Nguyễn Du. Kim khen tài Kiều là nhả ngọc phun châu. Kiều tâm sự, khi còn nhỏ có người coi tướng Kiều: “Anh hoa phát tiết ra ngoài/ Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”. Nhưng Kim Trọng lại khoát đi, nói Kiều đừng tin: “Sinh rằng: -Giải cấu là duyên/ Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Uống rượu, mê đắm, tâm tình với nhau. “Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng”. Chén rượu tình đã ngà ngà say. Kiều giật mình vì “trông ra ác đã ngậm gương non đoài”. Bóng chiều đã xuống dần, mặt trời một nửa đã lấp vào ngọn núi phía tây. Kiều trở về nhà thấy “hai thân còn dỡ tiệc hoa chưa về”; Nàng lại vội vàng quay trở lại với Kim Trọng. Trong lúc đó chàng thất thần dựa án thiu thiu: “Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê”; chàng đang tương tư hình bóng Kiều; còn nàng cũng thật táo bạo, thân gái đêm hôm: “Xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình”, để trở lại nhà trai. Thật tự do, táo bạo, và liều lĩnh: “Nàng rằng quảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.” Nguyễn Du cho hai người tự do phóng khoáng, rượu ân tình lóng lánh tận đáy lòng: 

 Tóc tơ căn vặn tấc lòng, 

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.

 Chén hà sánh giọng quỳnh tương. 

 Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng.

Hương thơm lộn vào dải lụa áo của Kiều. Bóng người lồng vào gương của bình phong. Mùi trầm hương bay tỏa. Đôi lứa nâng ly thề nguyền. Trong khung cảnh quá yên lặng của thư phòng, để phá đi những ước vọng thấp hèn có thể xảy ra, Nguyễn Du đã cho âm nhạc làm thăng hoa tâm hồn Kiều và Kim Trọng. Tiếng đàn của Kiều vút lên: 

“Trong như tiếng hạt bay qua, 

 Đục như tiếng suối mới sa nửa vời. 

 Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, 

 Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.”

Âm thanh giao cảm và hòa hợp giữa hai tâm hồn. Khi Kim Trọng âu yếm tỏ tình yêu đương, lả lơi suồng sã. “Sóng tình dường đã xiêu xiêu/ Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”. Và nhiều lần Kim Trọng muốn vượt, nhưng Kiều đã thuyết phục được Kim Trọng: 

 Vội chi ép liễu hoa nài

 Còn thân ắt lại đền bù có khi

 Thấy lời đoan chánh dễ nghe

 Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân 

Kiều khuyên Kim Trọng không nên lả lơi mà cần có trách nhiệm và giữ gìn cho nhau. Trong mê đắm Kiều vẫn sáng suốt và cảnh tỉnh. Kiều nói: “Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.” Kim Trọng ép Kiều làm điều dâm dục nhưng nàng phân trần lời lẽ đoan trang. Nàng rằng: “Đừng điều nguyệt nọ hoa kia/ Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai”. Kinh nghiệm này của Kiều là kinh nghiệm ngàn đời của ông cha truyền lại. Giữ tiết trinh là điều rất quan trọng. Nàng muốn chia sẻ tâm tình với cha mẹ. Kiều không muốn dấu cha mẹ về mối tình của mình, và sự đồng ý của cha mẹ là quyết định: “Nên chăng thì phải tại lòng mẹ cha”. Nàng ý thức tình yêu trong sáng và có trách nhiệm. 

Cuộc đời là vô thường, mọi chuyện biến đổi không ngờ. Trong lúc hai người đang thề non hẹn biển, thì người giúp việc báo tin ông chú của Kim Trọng chết. Kim Trọng phải về hộ tang cho chú. Tâm trạng Kim như tơ vò khi nghĩ đến xa Kiều: “Trăng thề còn đó trơ trơ/ Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng”. Chàng dặn dò Kiều: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”. Nàng cảm xúc quá mãnh liệt, nên lại giải bày: “Ông tơ ghét bỏ chi nhau/ Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi!” Nàng sẽ liều thân mình để giữ trọn lời thề, tạc đá ghi vàng không lấy ai khác nữa. Và rồi cũng phải chia xa, phút chia tay đầy nước mắt: “Ngại ngùng một bước một xa/ Một lời trân trọng châu sa mấy hàng.” Cảnh chia tay đứt ruột: “Não người cữ gió, tuần mưa/ Một ngày nặng gánh tương tư một ngày”. Phút chia tay, Kim Trọng về thọ tang cho chú. Còn Kiều đâu có biết đời mình sẽ bước vào vòng ô nhục, nghiệt oan và bạc mệnh, bởi Kiều phải bán mình chuộc cha để cứu vớt hạnh phúc của gia đình, cha mẹ và hai em. Cứu vớt gia đình, thì đổ vỡ tình yêu, trong lúc nàng còn mang nặng lời thề với Kim Trọng: “Hồn còn mang nặng lời thề/ Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai.” Kiều muốn người yêu mình hạnh phúc, nên đã van xin Thúy Vân kết duyên cùng chàng:

 Ngày xuân em hãy còn dài

 Xót tình máu mủ, thay lời nước non.

 Chị dù thịt nát xương mòn

 Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây

Chiếc thoa với bức tờ mây

 Duyên này thì giữ vật này của chung.

 Dù em nên vợ nên chồng

 Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên

Trao những kỷ vật của mình với người yêu cho em gái, Kiều nói Thúy Vân hãy xót thương người phận bạc, vì không biết cuộc đời chị sẽ về đâu, nhưng:

 Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy, so tơ phiếm này

 Trông ra ngọn cỏ lá cây

 Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.

Với người yêu, “bây giờ trâm gẫy gương tan” Kiều xót xa than khóc nức nở với chàng:

 Trăm nghìn gửi lạy tình quân

 Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!

 Phận sao phận bạc như vôi

 Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng  

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

 Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

Trong giây phút quyết định bán mình chuộc cha. Kiều tan nát tâm can đối với người yêu, Kiều chỉ mong người yêu hạnh phúc và riêng mình giữ được lời thề nguyền với Kim Trọng và thực tế trong mười lăm năm lưu lạc giang hồ, không có phút giây nào Kiều không nhớ đến người yêu. 

3. Đời Kiều: “Hết nạn nọ đến nạn kia/ Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”; nhưng tấm lòng vẫn trinh, chữ tâm vẫn trinh nguyên đối với Kim Trọng. Trong đêm hợp cẩn cùng chén rượu sau tiệc đoàn viên. Nàng nói với chàng:

  Chữ trinh còn một chút này,

  Không cầm cho vững, lại giày cho tan.

Đây là điểm khúc mắc, nhiều bàn cãi, dằn co, tranh luận, nhiều ý kiến nhất của giới nghiên cứu truyện Kiều. Mười lăm năm lưu lạc, sau tiệc đoàn viên, trong phòng tân hôn Kim và Kiều: 

  Động phòng dìu dặt chén mồi,

  Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa. 

Hai người tâm sự suốt đêm.“Gà đà gáy sáng, trời vừa rạng đông”. Mặc dầu mười lăm năm: “Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa” đối với Kiều. Nhưng giữa đêm tân hôn Kim Trọng vẫn mê mệt, rung động trước nhan sắc rạng rỡ của nàng. Kiều căng tròn, tràn đầy nhựa sống của tuổi ba mươi. Nàng đẹp hơn bao giờ hết, vẫn còn xuân phơi phới, má hồng đỏ hây hây: 

 Canh khuya bức gấm rủ thao,

 Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân. 

Kim Trọng là nòi đa tình. Sau mười lăm năm nhớ nhung, khát khao đến điên cuồng, giờ đây chàng muốn tận hưởng. 

 Thương nhau sinh tử đã liều, 

 Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình.

 Chừng xuân tơ liễu còn xanh,

 Nghĩ sao cho thoát khỏi vành ái ân.

Kim Trọng muốn ái ân trong đêm đoàn viên cho thỏa lòng, sau tháng năm dài mong nhớ. Chàng đã: “Thoắt thôi tay lại cầm tay/ Càng yêu vì nết càng say vì tình”. Càng âu yếm tình càng thắm thiết, bởi: “Mười lăm năm ấy bây giờ là đây”. Và trong phút này hai người say sưa mê mẩn, vuốt ve âu yếm ở vành ngoài: “Những như âu yếm vành ngoài”; nhưng khi Kim Trọng muốn vào … vành trong, thì Kiều một mực từ chối, không đồng ý chuyện ái ân. Đời nàng đã qua biết bao thương đau, đoạn trường. Kiều muốn giữ tình yêu cao đẹp, tấm lòng trinh nguyên, cái tâm trong sáng đối với chàng: 

 Những như âu yếm vành ngoài, 

 Còn toan mở mặt với người cho qua.

 Lại như những thói người ta,

 Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa.

 Khéo là giở nhuốc bày trò,

 Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi.

 Người yêu ta xấu với người,

 Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau.

Hương vị kỳ ảo của tình yêu tồn tại ở trong mâu thuẩn. Không sống nổi trong mâu thuẩn thì rất khó tìm được hạnh phúc. Nguyễn Du cho Kiều nói “không” vì: Nếu nhơ nhuốc bày trò, hậu quả của nó chẳng đẹp đẽ gì; sau phút đó cảm giác sẽ chán nản xấu xa. Thỏa mãn dục vọng sẽ làm mất sự kính trọng giữa hai người. Và “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”. Có được cái quyết định này là nhờ kinh nghiệm sống; bởi cuộc đời Kiều đã quá nhiều nỗi thống khổ và bất hạnh, ngẫm nghĩ lại một kiếp đoạn trường, hết nạn nọ đến nạn kia: “Thiếp từ ngộ biến đến giờ/ Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa”. Kinh nghiệm đau thương, bất hạnh từ bản thân. Kiều đã qua kiếp hồng nhan bạc mệnh, khởi đi từ chuyện vu oan giáng họa cho gia đình Kiều, nàng phải lưu lạc. Kiều phải bán mình chuộc cha, bị mất trinh khi bị lừa vào tay Mã Giám Sinh, phải rút dao tự vẫn để tự kết liễu đời mình nhưng không thể chết được. Sau đó, bị sở khanh lường gạt, đành phải dấn thân vào chốn lầu xanh lần thứ nhất. Tiếp tục bị Hoạn Thư đày đọa. Hoạn Thư vợ cả của Thúc Sinh, cho nàng ra Quan Âm Các, giữ chùa chép kinh, để bày mưu bắt cóc Kiều. Tận cùng, nàng phải ăn cắp đồ kim ngân, giắt bên mình để hộ thân và bỏ trốn khỏi gia đình họ Hoạn. Nàng tạm lánh ở chùa của Sư Giác Duyên. Đến ở với Bạc Hạnh lại tiếp tục bị lừa và phải vào lầu xanh lần thứ hai. Gặp được Từ Hải, đường đường một đấng anh hào đã đưa Kiều lên bậc phu nhân; giúp Kiều giải quyết ân oán cuộc đời. Hoạn nạn lại tiếp tục đến, khi Từ Hải nghe Kiều ra hàng để phải chết đứng giữa trận tiền bởi sự tráo trở của Hồ Tôn Hiến. Quá đau khổ, Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử, “ngư ông kéo lưới vớt người”. Nàng không chết, gặp Sư Giác Duyên và đưa nàng về thảo lư. Kiều tiếp tục trong chiếc áo nâu sồng nương nhờ cõi Phật. Kiều đã qua một kiếp đoạn trường. Những thảm trạng của cuộc đời bi thương, những nỗi thống khổ đứt ruột; tất cả đã làm Kiều mở mắt, mở lòng, mở tâm thức của nàng. Kiều đã ngộ, cho nên trong giờ phút đoàn viên với gia đình và gặp lại người yêu là Kim Trọng, nàng từ bỏ ái ân bởi Kiều thấy không xứng đáng với Kim Trọng. Chính nhìn ra cái điều không xứng đáng này là đúng với lẽ đạo của tình yêu, đã đưa tư cách của Kiều cao hơn. Nếu chấp nhận gần gũi giao hoan với Kim Trọng; tấm lòng nàng, cái tâm nàng sẽ bị ô nhục, dơ bẩn. Kiều mong muốn giữ mãi cái tâm trong sạch, trinh nguyên đối với Kim Trọng. Kiều giữ sự trong trắng, như nữ tiết liệt ngày xưa. Trí tuệ của nàng đã vượt thắng nỗi đam mê của dục vọng, vươn cao hơn để đạt tới vẻ đẹp phẩm chất của tâm hồn nên không đồng ý tiến đến vợ chồng mà chỉ giữ trong tình bạn:

 Hai tình vẹn vẽ hòa hai,

 Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ.

 Khi chén rượu, khi cuộc cờ,

 Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên.

 Ba sinh đã phỉ lời nguyền,

 Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.

Chính ở tâm hồn đẹp, tình yêu khởi nguồn từ trái tim biết hy sinh, quyết liệt giữ lòng trinh nguyên đối với Kim Trọng. Điều này đã làm cho chàng càng yêu mến và kính trọng Thúy Kiều thêm lên:

 Gương trong chẳng chút bụi trần,

 Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm.

Sự giải quyết trong đêm hợp cẩn này, Thúy Vân vẫn là người vợ của Kim Trọng và Thúy Kiều mãi mãi là người yêu tuyệt vời bởi nàng chưa bao giờ một lần chăn gối với người yêu. Đối với Thúy Vân, nàng vô tâm hay sao? Chị giao người yêu để Vân lấy làm chồng, Vân cũng ừ. Và mười lăm năm sống với chồng là Kim Trọng, người chồng của mình luôn luôn thương nhớ người yêu là chị ruột của mình. Rồi trong tiệc đoàn viên sau những năm dài gặp lại, giữa chị mình và chồng mình là Kim Trọng; hai người lại tiếp tục yêu nhau trong đêm hợp cẩn tái ngộ. Thúy Vân sống với chồng mà không có tình yêu. Thúy Vân quá thương chị, vì chị đã thương cha mẹ, thương gia đình mà bán mình chuộc cha. Thúy Vân thương chị nên chấp nhận đời sống vợ chồng mà không có tình yêu. Khi đọc Kiều chúng ta cần hóa thân vào nhân vật. Sự chấp nhận của Vân nói lên đức hy sinh, lòng nhân ái, tình yêu thương bao la trước cuộc đời. Chính ở điểm giải quyết trong đêm đoàn viên này, mà mấy trăm năm qua nhiều ý kiến trái ngược. Nhiều vị học giả, nghiên cứu đã cảm nhận khác nhau ở đoạn Kim Kiều tái hợp. Và chính ở điểm phê bình và cảm nhận khác nhau này đã làm phong phú Truyện Kiều. Riêng ý chí tự do, đức hy sinh và tính trách nhiệm thể hiện tình yêu trong truyện Kiều, đặc biệt chữ trinh của Kiều đối với Kim Trọng; tất cả đã làm người viết rung động và ngẫm nghĩ để trình bày về đạo tình yêu đôi lứa.

Nguyễn Du với cái tâm rộng mở, thương yêu kiếp hồng nhan bạc mệnh của Kiều. Sau mười lăm năm lưu lạc Nguyễn Du không muốn Kiều ở lại tu trong thảo am với vãi Giác Duyên. Nguyễn Du mang Kiều về lại giữa cuộc đời. Kim Trọng lấy Thúy Vân, nhưng không quên được tình nhân là Kiều. Kiều và Kim Trọng tái hợp là để thực hiện lời hứa năm xưa đã nói lên lòng thủy chung trong tình yêu, giữ lời thề, không bội ước. Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng là thực hiện lời nguyện ước cho Kiều. Việc thành hôn mà không chăn gối là để giữ tấm lòng trong sạch của Kiều đối với Kim Trọng. Không chăn gối để xóa cái vết tích nhơ nhuốc của Kiều. Thi hào Nguyễn Du đã giải thoát cho Kiều, vừa tình và lý, Kim Trọng đã bênh vực chữ trinh cho Thúy Kiều. Nếu nàng giữ chữ trinh không chịu bán mình để chuộc cha thì cha nàng sẽ bị khổ hình, tù tội. Hiếu là bổn phận thiêng liêng hơn chữ trinh:

“Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường.

 Có khi biến, có khi thường, 

 Có quyền, nào phải một đường chấp kinh

 Như nàng lấy hiếu làm trinh

 Bụi nào cho đục được mình ấy vay?”

Trong phút đoàn viên, chữ trinh của Kiều đối với Kim Trọng, là tấm lòng trinh nguyên, là cái tâm mới mẻ, trong sáng như đã luôn luôn giữ lời thề nguyền với chàng trong những năm giang hồ lưu lạc, ngập tràn oan nghiệt, và đắng cay. Với Kiều: “Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm”. Tình yêu đó mãi mãi vẹn toàn trong cõi thiên thu. Kiều và Kim Trọng là một khối tình: “Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”. Đó là tình yêu đích thực. Khởi nguồn tình yêu của hai người là thiện căn của Kiều đối với Kim Trọng. Kiều trước đây đầy vọng động. Bây giờ, Kiều đã vượt lên dục tính. Ngọn lửa dục đốt tâm can của Kim và Kiều đã được chuyển hóa trở nên tươi mát. Tất cả những ức chế, những dồn ép của dục vọng trở thành những hoạt động tinh thần, thăng hoa trong đời sống của bằng hữu tri âm cao thượng, đạt đến trạng thái an lạc, nhiệm mầu. 

Trí bát nhả của thi hào Nguyễn Du đã cho Kiều viễn ly điên đảo, khổ ách; để đạt đến cứu cánh thanh tịnh của Niết bàn.

·       

PPortland, không ngày tháng

Nguyễn Văn Nhớ

Chú thích:  Những dấu “…” là trích thơ trong Truyện Kiều

No comments:

Post a Comment