Người đàn bà ngồi tựa vào tường trên lối mòn của một con hẻm. Mệt mỏi
và thiếp đi cạnh quang gánh của mình. Hai đầu gánh là đủ thứ quà vặt như bánh
tráng, kẹo, đến chanh, ớt… rồi có cả đồ chơi trẻ con chằng cột. Chị như muốn
kéo cả thế giới chung quanh đi theo mình trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn không có
ngày tháng cuối.
Hình ảnh đó đẹp đến mức tôi dừng lại, muốn chụp tấm ảnh làm kỷ
niệm thì chị choàng tỉnh. Chị sợ hãi hỏi tôi chụp ảnh để làm gì. Có lẽ những cuộc
rượt đuổi hàng rong trên hè phố là cơn ác mộng triền miên khiến chị không bao
giờ có được chút thanh thản. Trò chuyện ít lâu, mới biết chị đi từ Quảng Ngãi
vào bán hàng rong để gửi tiền về giúp cho gia đình. Tháng nhiều thì được
700-800 ngàn. Tháng ít thì 300-400 ngàn.
Người phụ nữ ấy chỉ là một trong hàng trăm ngàn con người đang lưu
lạc mưu sinh trên đất nước này. Ẩn trong nụ cười hay lời rao hàng đơn giản đó,
là những câu chuyện đời trôi dạt theo miếng ăn, trắc trở hơn những câu chuyện
dài truyền hình giả tạo, nhưng buồn thay, chẳng có mấy người xem.
Khi chị ngồi giở mẩu giấy ghi lại tiền nong đã buôn bán trong
ngày. Những ngón tay lần mò trên con số ngắn và nhỏ hơn biết bao lần những biên
lai tính tiền thường nhật trong thành phố. Những ngón tay của chị nhiều ngày
tháng không có được hơi ấm của chồng. Bao nhiêu người phụ nữ trên đất nước này
đã bước lên chuyến xe đời khốn khó và không biết ngày nào có lại được hơi ấm từ
người đàn ông của mình? Một trong những người phụ nữ như vậy mà tôi gặp nói
rằng bà đã rời khỏi nhà gần 15 năm, sống một mình, làm lụng gửi tiền về quê
nhưng chưa bao giờ có ý định chọn một tấm chồng khác.
Khi tôi xin được chụp hình chung với gánh hàng rong của người phụ
nữ từ Quảng Ngãi, chị hốt hoảng nói không được. Hỏi mãi, thì chị mới nói thật
là sợ chụp hình chung, nếu lỡ chồng đang đi làm ở quê thấy được, tưởng chị “mèo
mỡ” sẽ buồn giận, tội nghiệp lắm.
Tôi cứ ước mình viết được một bài hát về người phụ nữ này, hay
những người phụ nữ tương tự như vậy. Những nốt nhạc không bật ra được, cứ nghẹn
lại trong hốc sâu nào đó. Những người đàn bà được mô tả đẹp như cổ tích trong
văn chương, hội hoạ… thường thấy, chưa bao giờ có đủ hình ảnh quê mùa và ngọt
ngào đến vậy. Không cần cầm súng hay bước ra bục tuyên hô, những người đàn bà
vô danh này chống chọi cho một linh hồn đất Việt mong manh, giữa thời phụ nữ
đang phải là một cái gì đó rất khác lạ.
Nhưng tôi vẫn còn nợ một bài hát khác, về những người phụ nữ Việt
vô danh khác.
Trên một chuyến đi, may mắn được ngồi cùng vài cô gái Việt Nam lấy
chồng Đài Loan về thăm quê, tôi bèn xin hỏi chuyện đời sống của họ. Nói về
chuyện báo chí Việt Nam vẫn mô tả cuộc sống đi lấy chồng Đài Loan như địa ngục
hay nô lệ, các cô nhìn nhau, rồi nhìn tôi cười.
“Cũng có những người không may, nhưng không phải ai cũng vậy, anh
à”, một cô gái đồng hương Cần Thơ giải thích. Những cô gái rất trẻ nói về cuộc
sống mới của mình. Họ nói rằng đã chọn hài lòng với cô đơn, hài lòng với những
khó khăn mà họ phải trãi qua, ít nhất để cho mình, cho cha mẹ mình thoát nghèo
khó. Ở miền Tây, có rất nhiều nơi được đặt tên là làng Đài Loan, làng Hàn Quốc…
chỉ vì những đứa con gái lấy chồng xa xứ tằn tiện chi tiêu chỉ để dựng lại nhà
cho gia đình mình.
Khi được hỏi về nạn bạo hành gia đình của các cô lấy chồng ngoại quốc.
Một người lại nhìn tôi cười, hỏi rằng “bộ anh không không biết là lấy chồng
dưới quê xứ mình cũng bị đánh tới chết cũng không ai cứu à?”.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này mở ra cho tôi một góc nhìn khác về những
người phụ nữ Việt tìm duyên tha hương. Chắc chắn họ không hoàn toàn những kẻ
điên cuồng hay mất nhân cách như báo chí vẫn gièm xiểm. Thật buồn khi có một
thời đại mà những người phụ nữ Việt phải chọn cuộc sống khác hơn ở quê hương
mình. Rất nhiều người đã phỉ báng họ. Nhưng giữa chọn lựa rất thực tế, có thể
tự xoay sở cho đời mình, họ đủ thành thật để không màng một tiếng thơm hảo. Nỗi
buồn xin gửi lại cho quốc gia và thời cuộc, họ chỉ là nạn nhân.
Có thể rồi những người phụ nữ này bình an, nhưng họ khó mà có được
hạnh phúc. Điều mà mọi tôn giáo dạy con người đi tìm, cả thế gian mơ đến thì họ
chấp nhận lìa bỏ trong kiếp sống tạm, để có thể làm được gì đó cho gia đình,
hoặc không là gánh nặng ở quê nhà. Cũng như người đàn bà mưu sinh đến từ Quảng
Ngãi, bao giờ thì những người phụ nữ lấy chồng xa này sẽ có, hay cảm nhận được
hơi ấm của hạnh phúc đời mình?
Trong những ngày xưng tụng phụ nữ được ghi vào lịch, hình bóng
“xấu xí” của những người phụ nữ này chắc không thể có trong diễn văn hay những
bông hoa đẹp, dù là phô diễn. Cũng không có những bài ca nào chia sẻ, hát về họ
giữa một hiện trạng đất nước thiếu những trái tim biết yêu thật thà. Những bài
ca chỉ vang lên lời xảo biện.
Một đất nước thật đáng buồn, nếu chỉ còn biết có hot girl hay xưng
tụng một giai cấp khoe khoang mua sắm tiền tỉ, thèm khát những vẻ đẹp bề ngoài.
Khi trò vui che lấp các số phận, đến một ngày nào đó, tất cả chỉ là mồi thiêu
như các loại hàng mã trong niên đại cô hồn. Thật ghê sợ những đêm hoa đăng
tranh đua vùi chôn sự thật mà lẽ ra chúng ta cần phải đối diện.
Tôi ước mình viết được bài ca để hát về câu chuyện của những người
đàn bà vô danh ấy, một ngày nào đó. Những số phận ấy tầm thường mà khác thường.
Nhưng những nốt nhạc hiện thực vẫn chưa thể vang lên, vì vừa chớm thì đã chết
lặng trong những cuộc vui hoa đăng bất tận trên đất nước này. Những tượng đài
tốn kém mọc lên, những bông hoa đủ màu ngập ngụa đất nước, rực rỡ như phấn son,
che lấp giọt mồ hôi hay nước mắt con người.
No comments:
Post a Comment