Friday, December 3, 2021

Đoạn Cuối Một Chuyện Tình - Nguyễn Thành Sơn


Chuông điện thoại reo vang, theo thói quen Dũng liếc nhìn đồng hồ, lằng nhằng vài tiếng:

- Mới giờ nầy lại điện thoại của ai đây không biết

Tuy vậy Dũng vẫn lịch sự trả lời:

- Dạ … Dũng tôi nghe

-  Anh Dũng người Vĩnh long phải không?

-   Dạ phải, xin cô cho biết quí danh

- Em là Lan ở cầu Thiềng Đức gần nhà anh, bạn của Hương học Long Hồ, anh nhớ chưa?

- À  Lan… Lan cướp lời . Anh khoan nói để em nói trước, hiện giờ Hương hấp hối cần gặp anh. Lan đọc địa chỉ nhà thương và điện thoại của nàng, trả lời vắn tắt những câu Dũng hỏi rồi cúp máy vì bận săn sóc cho Hương.

 Dũng tần ngần như mất hồn, chàng cố công tìm Hương từ khi qua Mỹ, vẫn bặt vô âm tín, nay lại trớ trêu khi biết nàng sắp lìa trần. Chàng ngồi bất động suốt hai phút, chưa quyết định, cũng may  Hoa vợ chàng xuất hiện.

-  Em thấy anh nên sửa soạn đi, may ra còn gặp mặt chị Hương

      Thâm tâm Dũng đã quyết định, chàng còn đang tính phải dùng phương tiện nào, phi cơ đường gần không có, lái xe thì không được vì mắt chàng quá yếu, chỉ còn cách đi taxi.

Hoa tưởng Dũng vẫn còn giận Hương, nên phân trần:

-  Anh nhớ lại năm 1977, ai thăm nuôi anh.  Dù người quen, không phải người tình đi nữa trước lời trối trăn của người sắp lìa đời anh từ chối được sao?!

      Dũng  ôm  Hoa hôn,  tỏ ý cám ơn nàng đã thấu hiểu lòng chàng. Chàng  vội vã thay đồ rồi gọi taxi đến Fresno theo địa chỉ Lan đã cho. Ngồi trên taxi Dũng miên man nhớ về  chuyện cũ.

      Hồi ấy dạo còn hoc tiểu học ở làng quê, Hương Dũng cùng lớp và thân nhau lắm, đi đâu cũng có đôi. Bạn bè "cáp đôi” ban đầu Dũng phân bua, nhưng đám bạn "lì lợm “ vẫn phá phách mãi. Dũng cười trừ, tuổi học trò chọc phá là thường, vì có lúc Dũng cũng hành động giống như các bạn hiện tại. Cuối năm thi Tiểu học cả hai đều đỗ.. Dũng lên Tiếp Liên, Hương thi rớt nên vào Tư thục Long Hồ. Họ cùng ra tỉnh học, nhưng không gặp nhau thường xuyên.

 Hai năm sau Hương đã trổ mã con gái, cái đẹp dáng dấp quê mùa nhưng hấp dẫn, bao nhiêu anh chàng theo tán tỉnh, nàng đều làm lơ. Một hôm nàng tìm đến  đón Dũng trước cửa trường .Dũng nhìn Hương ngây ngất, nàng thẹn thùng lên tiếng

- Bộ Hương lạ lắm sao mà nhìn dữ vậy?

Dũng tiến sát bên nàng nói vừa đủ cho Hương nghe

- Mấy tháng nay không gặp, hôm nay trông Hương đẹp lạ lùng

Nàng mỉn cười vừa ý, nhưng cũng giả bộ ngạc nhiên

-  Dũng chỉ giỏi nịnh thôi

      Cô cậu sánh vai  về nhà trọ của Hương. Hương khuyên Dũng dọn về gần nàng vì kế nhà nàng trọ có một căn nhỏ cho mướn giá rẻ. Dũng đồng ý ngay vì Dũng đang bực bội với bà chủ nhà trọ, luôn hạch sách đủ điều mặc dầu tiền nhà chàng vẫn trả đủ.

    Việc dọn nhà với Dũng không có gì khó, một chiếc ghế bố để ngủ, một thùng carton nhỏ đựng sách vở, nồi niêu nấu nướng giản dị, hai chuyến xe đạp coi như xong. Ở nhà mới tiện lợi đủ chuyện, trưa ăn cơm căng tin ở trường, chiều có khi nhờ Hương nấu giúp. Hương ở trọ với hai em trai và một cháu gái  kêu bằng dì, tất cả đều hiền hòa dễ mến. Hai em của Hương phục Dũng lắm, chàng dẫn dắt cho hai cậu học hành. Riêng cô bé Khánh mới học lớp nhứt lại có nhiều cử chỉ kỳ lạ, Hương nhiều lần khuyên cô gọi Dũng bằng cậu, Khánh thẳng thừng từ chối, viện lẽ Dũng không là bà con dòng  họ, cô gọi thế nào cũng được, cô bé luôn chăm sóc lo lắng cho Dũng. Ở nhà đem đồ ăn, trái cây ngon bao giờ cô cũng dành phần cho Dũng. Từ buổi cơm chiều đó, lợi dụng lúc vắng Khánh, Dũng nói riêng với Hương là chàng sẽ không đến ăn cơm chiều nữa. Có lẽ Hương cũng chú ý đến thái độ của Khánh nên nàng mỉn cười nói:

-  Bon trẻ bây giờ khác xa với tụi mình.


Một hôm Dũng đến chở Hương đi học, Hương tặng chàng chiếc khăn tay mới thêu, Dũng suýt xoa:

-  Cám ơn Hương, khăn đẹp quá,

      Chàng đưa khăn lên mũi hôn, như gián tiếp hôn  người đã bỏ công thêu nó, Hương cúi mặt  mỉm cười sung sướng. Trên đường đến trường Dũng luôn huýt sáo, niềm vui tràn ngập lòng chàng, mấy năm nay hai đứa thân nhau nhưng chưa bao giờ nhận được tặng vật gì từ Hương. Chàng lên tiếng, giọng run run:

-  Anh cám ơn em nhé Hương.

Hương cười, giọng giễu cợt

- Eo ơi em tưởng đâu, trời gầm anh mới mở miệng gọi tiếng “Em“ chớ, em sung sướng  quá Dũng ơi!

      Ngừng xe trước cổng trường Dũng lưu luyến không muốn rời Hương. Hôm nay lòng Dũng như mở hội. Chàng vào lớp học luôn cười vui vẻ với các bạn. Tính khí bất thường của Dũng, khiến một số bạn  thắc mắc: bộ. mầy trúng số hả Dũng? Dũng lặng thinh, không lẽ chàng đem chuyện mới nhận quà của Hương.  Bị hỏi riết chàng đáp bừa.

- Tao dư định thi nhảy trung học năm tới, nên vui vẻ vậy thôi. Tội nghiệp đám bạn tin thật vì Dũng học giỏi, xuất sắc văn chương, khá toán thì cũng có thể thi đậu lăm chứ

    Chiều  thứ bảy, Dũng đến nhà Hương lúc các em và cháu nàng về quê, Hương đang nấu cơm và “gạo” bài , Dũng  đến thình lình, Hương đon đả.

- Em định đợi cơm chín sẽ sang gọi anh,  không dè anh đến, thôi phụ lặt rau giùm em đi.

Dũng tay lặt rau, mắt chàng đắm đuối nhìn Hương, nàng ngước lên và ngương nghịu hỏi.

-   Em có gì mà anh nhìn dữ vậy.

-  Em đẹp quá Hương ơi.

      Rồi bất thần Dũng kéo Hương vào lòng và hôn nàng. Nụ hôn đầu đời của cặp tình nhân vừa ngất ngây, đầy trìu mến pha lẫn hương vị ngọt ngào như cuốn hút hai người..

      Bấy lâu nay, họ “tình trong như đã nhưng mặt ngoài còn e”, nay thì như:"chim liền cánh như cây liền cành” . Dù bận rộn với chương trình thi, cả Hương Dũng cũng cố gắng sắp xếp một ngày hoặc một buổi bên nhau vào cuối tuần.  Có khi họ đi lễ  Phật ở chùa. Hương thành tâm cầu xin đức Phật cho họ sống bên nhau mãi mãi. Từ lúc này họ luôn đủ đôi khi họ đèo nhau vào tận vùng quê như Phước Hậu, mua mận Hồng Đào. Đến mùa dưa gang, thì lên cầu Tân Hữu ăn dưa., cũng  có khi qua cù lao An Thành thưởng thức trái cây.  Nói chung nơi nào phong cảnh hữu tình hay nơi sản xuất trái cây ngon  thế nào Hương Dũng cũng có mặt. Ở cầu Thiềng Đức không bao lâu chị em Hương dọn về Xóm Bún  vì chủ nhà cũ sửa chữa lại và tăng giá mướn cao hơn, Dũng ở một mình cũng buồn nên đến ở chung với hai bạn cùng lớp, bên dốc Cầu Lộ, nghịch đường nên Dũng không còn dịp đón đưa Hương đi học mỗi ngày.  Họ chỉ gặp nhau vào dịp cuối tuần thôi.

    Năm đó vào ngày Giáng Sinh, các em của Hương về quê nghỉ lễ, Hương mời Dũng xem phim Trà Hoa Nữ ở rạp Lê Thanh, lúc vãn hát Dũng về nhà Hương vì nàng ở nhà một mình. Hai người thì thầm hết bàn chuyện học hành tới chuyện tương lai  Cảnh nhà vắng vẻ, sóng vỗ rì rào, có lúc Dũng không dằn được ham muốn “toan bẻ khóa động đào”  nhưng nhìn ánh mắt như van  xin của Hương, Dũng bỏ ngay ý định.

   Sáng hôm sau, hai đứa về quê thăm ba má Dũng, đây là dịp để giới thiệu Hương với gia đình. Ba Dũng gặp Hương đôi lần ở nhà trọ của Dũng, mẹ Dũng biết Hương dạo nàng còn học bậc Tiểu học ở trường làng. Nay Hương đã là cô thiếu nữ đẹp, tính tình vẫn dễ thương, dễ mến như dạo nào, bà ân cần săn sóc Hương, hỏi hết chuyện này sang chuyện khác, rồi bà cùng Hương lo buổi ăn trưa cho gia đình.

    Trong bữa cơm thân mật, má của Dũng luôn ép Hương hết món nầy sang món khác, đặc biệt món gỏi cuốn do Hương trổ tài cả nhà ai cũng khen ngon. Má Dũng có lúc tưởng Hương thật sự là dâu mình, bà nói với Hương:

-  Thằng Dũng tánh hay lang bang, con coi chừng nó cho kỹ, nếu có gì lập tức cho bác hay để bác trị nó.

Hương vui vẻ;

-   Bác khỏi lo, con  canh chừng ảnh kỹ lắm

      Dũng cười tươi, lòng tràn ngập niềm vui. Đến chiều về nhà trọ, cả hai cảm thấy như họ đã là vợ chồng. Dũng đi sát bên Hương giọng đùa cợt:

- Về nhà chồng, em đã có điểm tốt rồi; sang nhà vợ không biết ba má vợ có đồng ý nhận anh là rể đông sàng không?

- Ba má em không đến nổi khó lắm, miễn sao người ta thương yêu con gái ông bà là được. Dũng reo vui

- Vậy thì anh chắc ăn rồi, ít có ai yêu vợ hơn anh

- Hương đánh mạnh vào vai Dũng:

- Chưa gì đã xem người ta là vợ, biết em có đồng ý không?

      Ngày vui nào cũng qua mau, Dũng đưa Hương về nhà trước, chàng hỏi Hương có môn học nào cần anh giúp đỡ không.

      Dũng hôn Hương trước khi về. Hai người quấn quít như không muốn rời nhau. Mới đó lại sắp đến ngày thi.  Hương Dũng sang Cần Thơ dự thí, Hương tạm trú nhà bà con, Dũng theo các bạn ở nhà trọ. Đến chiều, hai người đi dò phòng thi để sáng ngày hôm sau khỏi  bối rối  Ngày đầu của kỳ thi trôi qua, Hương Dũng chứa chan hy vọng, ngày thứ hai Dũng thêm tin tưởng, trái lại Hương chỉ trúng hơn bài toán ,vật lý cũng không hoàn hảo. Kỳ thi viết chấm dứt, Hương buồn bã vì không hy vọng. Đúng một tuần sau hai đứa đến xem bảng, kết quả Dũng đậu viết , Hương hỏng, nàng buồn lắm nhưng cũng gượng vui với kết quả của Dũng. Nàng thố lộ với Dũng

- Đi thi thì đậu, rớt là thường, nhưng như anh biết em đi học do chị Hai đóng tiền

Thi rớt kỳ nầy biết có được gần anh nữa không?

Dũng ngậm ngùi:

-  Bấy lâu anh vẫn tưởng gia đình em khá giả, không ngờ…

-   Hương khổ lắm Dũng ơi, Bé Khánh thuật lại chuyện của chúng mình với chị Hai. Dù không rầy la nhưng chị Hai có những câu nói “bóng gió” khiến em càng lo âu,

Dũng an ủi

 - Em cố gắng học để thi kỳ hai, nếu đậu thì không có gì đáng nói, nếu chẳng may thì anh xin phép ba má cưới em là xong, chừng đó một mình anh đi làm  cũng đủ sống, lo gì.

      Hương tựa đầu vào ngực Dũng như tìm sự che chở và an ủi nhưng vẫn tủi thân nên nước mắt vẫn tuôn rơi lả chả như có gì ẩn ức dồn nén lâu ngày.

   Buồn vẫn không nguôi  nhưng Hương cố kềm chế lòng mình để ôn tập cho kỳ thi tới. Nhưng dường như vận rủi đeo đẳng, Hương lại hỏng nữa, trong khi Dũng lại đỗ vào Sư Phạm dễ dàng. Ngày gần Tết, Dũng về Trà ôn dự lễ cưới chị Tư của Hương, hai đứa đáp xe đò đến Trà Ôn và mất hơn tiếng ngôi đò máy mới đến nhà nàng. Ba má Hương sống trong ngôi nhà ngói, xung quanh là vườn cây ăn trái gồm: cam, quit, lôm chôm  v..v.

   Tuy gia đình không giàu  nhưng ba má nàng có cuộc sống an nhàn, ông bà chỉ có một cậu con trai Út, vì thế ông bà nuôi thêm một cậu trai nữa và cũng cho học hành đàng hoàng như con ruột, hai chị lớn đều đã lập gia đình, chị thứ Tư lâu nay làm thơ ký cho một hãng tư, chị tên Huệ và anh Nhân, phó giám đốc phải lòng nhau, anh là người Bắc di cư nên gia đình Hương ban đầu không chấp thuận, chị Huệ cố thuyết phục ba má  mới đồng ý. Lần nầy Dũng đến Trà Ôn để dự đám cưới chị Huệ theo lời mời của Hương lẫn của chị, ngày nhóm họ, Dũng hòa mình với các thanh niên trong xóm lo việc dọn ăn, trà nước, bánh trái cho khách. Tối đến, sau khi làm lễ xuất giá cho chị Huệ, trong khi Dũng đang chuyện trò với các thanh niên trong xóm, thình lình Hương xuất hiện cho biết ba nàng mời Dũng vào nhà có chuyện. Ông bà mời chàng ngồi  và nhờ Dũng điều khiển chương trình lễ đưa dâu ngày mai. Theo lời ông bà, toàn xóm thanh niên hoặc người lớn đều học ít, nói năng có vẻ không thích hợp vì bên đàng trai là dân trí thức, cháu sắp sửa trở thành thầy giáo, bác nghĩ chỉ có cháu có thể đại diện cho nhà gái là thích hợp hơn cả. Dũng còn đang lúng túng , chị Huệ thêm vào:

- Chi nghe Hương nói, em rất giỏi văn chương, hoạt bát, em không giúp gia đình chị thì đâu còn ai giúp?!

            Dũng xiêu lòng, nhưng đây là công việc quá mới mẻ nên chàng ngại ngùng trình bày:

-   Về việc này cháu sẽ cố gắng hết sức mình, xin hai bác cho cháu biết nghi thức lễ đưa dâu diễn tiến ra sao cháu sẽ viết ra giấy để bác xem trước.

      Ba má Hương  rất đồng ý với thái độ rất lễ phép của Dũng. Chàng xin phép tìm chỗ yên tịnh suy nghĩ và thảo ra những điều cần cho ngày mai. Hương đưa chàng sang nhà người em bạn dì tên Viễn ngụ sát nhà nàng. Độ hơn một giờ Dũng viết thành hai bản trình cho ông Sáu (ba của Hương), ông đọc xong rồi chuyền cho bà con thân tộc hiện diện hôm nay, mọi người đều tấm tắc ngợi khen:

-  Anh Sáu , cách nói như thế này, chẳng những lịch sự mà còn cho bên đàng trai biết  “ở nơi khỉ ho cò gáy” này vẫn có người rành rẽ về  nghi lễ cưới xin.

Ông Sáu dường như rất vui vẻ, ông cười rồi tự tay rót một tách trà mời Dũng,

 - Nhờ cháu Dũng tất cả, chứ tôi thủa giờ rất vụng về về ăn nói.

      Hôm sau gần một giờ trưa, đàng trai đến, từ cách  đón khách lên nhà, trà nước đến nghi thức làm lễ nhứt nhứt đều đúng như chương trình Dũng đã soạn sẵn. Về phần đáp từ đại khái  ông Sáu chúc cho con gái và rể sống thuận hòa, hạnh phúc. Chương trình soạn thảo đêm trước chỉ có vậy thôi, không ngờ bên đàng trai, chú bác  của chú rể  nhân cơ hội  chúc cô dâu chú rể lại” búa xua” về truyền thống đạo đức Khổng Mạnh, chú Chín của Hương thấy họ dường như mục thị vô nhân, nên ông khều Dũng nói nhỏ;
Cháu đại diện bên gái trả lễ họ.

      Dũng đưa mắt nhìn Ông Sáu để hỏi ý, ông gật đầu. Đợi bên đàng trai dứt lời chàng tự giới thiệu là cháu bên đàng gái xin phát biểu. Trong bài phát biểu chàng vừa dí dỏm cho biết  dù họ hàng không học hành bao nhiêu nhưng ai cũng giữ lễ nghĩa của ông bà truyền lại, không đọc được chữ Nho nhưng chúng tôi vẫn giữ cái tinh túy của khổng Mạnh, trọng lễ nghĩa qua thưc hành  hay trong việc dạy dỗ con cháu từ tấm bé và ông bà chúng tôi cũng cương quyết loại bỏ những điều rõm mà người Tàu xưa đã lừa mị dân tộc ta để dễ cai trị…Chấm dứt bài phát biểu là những tiếng vỗ tay nhiệt thành của cả hai bên. Hai giờ chiều đàng trai ra về. Ông bà Sáu, ông Chín, bà con bên gái, các thanh niên trong xóm ai cũng hân hoan, nhứt là ông Chín vui vẻ hơn cả, ông nói:

 - Nhờ cháu nên họ nể phục gia đình mình. Sau đó là bữa cơm thân mật trong nhà, các anh thanh niên ai cũng nâng ly cùng Dũng, họ thật sự rất hãnh diện vì Dũng nói lên được niềm tự hào của họ.

      Cơm nước xong Hương đã chuẩn bị để về tỉnh vì ngày mai nàng và Dũng phải đi học. Chú Chín là người nhiệt tình nhứt, ông gọi cô con út.

 - Út ơi ,về nhà bẻ một mớ trái cây gởi anh Dũng về ăn lấy thảo.

      Độ mười phút sau cô Út mang qua một giỏ mây đầy trái cây, ông tiếp lấy và trao cho Dũng với lời dặn dò thân tình.

-  Kỳ sau xuống chơi phải ở lại ba bốn bữa để chú cháu mình nhậu cho đã

      Dũng Hương xuống đò ra về trong cảnh luyến lưu của ông bà Sáu, chú Chín và gia đình cũng như các bạn thanh niên trong xóm. Họ đứng vẫy tay đến khi con đò khuất xa dần.

      Ngồi trong chiếc ghe  gắn máy do Viễn tình nguyện đưa Hương và Dũng đến quận Trà Ôn, vì vào giờ nầy không còn đò máy nữa. Viễn chăm chú lái, con đò rẻ sóng lướt nhanh, Hương Dũng nhìn nhau mỉn cười sung sướng. Dũng chọc Hương:

-   Liệu ba má vợ có nhận anh làm rể không nhỉ !

Hương cười

- Sao anh không hỏi thẳng ba má, lại hỏi em?

      Cuối niên khóa Dũng ra trường và bị đổi về làng quê hẻo lánh, chàng phải ở trọ gần trường, đến thứ bảy mới về tỉnh và gặp Hương. Vào những dịp lễ lớn (nghỉ nhiều ngày) Dũng Hương hoặc về quê Dũng thăm ba má chàng hay xuống Trà Ôn thăm ba má Hương. Hương Dũng được hai gia đình xem là dâu, rể tương lai. Hương quyết chí thi lại Trung học, và phải đỗ xong Tú Tài nàng mới lập gia đình. Phần Dũng ở một mình nơi nhà trọ, ban ngày lo dạy dỗ, đêm chàng ra sức học hành,chàng mua sách và tự học, nếu có gì không hiểu, cuối tuần chàng tìm bè bạn hoặc giáo sư cũ nhờ giúp đỡ. Cuối năm đầu dạy học chàng đỗ Tú Tài, một năm sau lại đỗ toàn phần. Đến nửa năm thứ ba từ lúc ra trường Dũng được cải ngạch và đổi đến  dạy ở trường Trung học thuộc một quận cách tỉnh lỵ gần hai mươi cây số. Dạy Trung học có cái thoải mái là chỉ dạy hết số giờ bắt buộc, ngoài ra hoặc lãnh dạy phụ trội, hoặc không tùy mình. Biết Hương chờ mình nên Dũng không nhận giờ phụ. Thời gian này Hương gặp khó khăn về tiền bạc, để khỏi lệ thuộc vào chị Hai,nàng xin vào làm giáo viên phụ khuyết

      Hương còn đang bùi ngùi tiếc rẻ đời sống học trò, chị Huệ về thăm nhà và ghé thăm nàng, khi biết tự sự chị khuyên Hương lên Sài gòn chị sẽ nuôi Hương đi học đến lúc đỗ Tú Tài thì hãy đi làm. Như người chết đuối vớ được chiếc phao, nàng mừng rỡ lắm, nhưng thú thật với chị Huệ là nàng cần có sự đồng ý của Dũng. Chị Huệ nhìn Hương cười vui vẻ

-Coi bộ cô cậu khắn khít quá rồi, nhưng chị tin là Dũng cũng đồng ý với chị.

      Quả thật như chị Huệ đoán, Dũng mặc dù lưu luyến nhưng không muốn mang tiếng hẹp hòi, chàng tin tưởng vào mối tình của Hương, vã lại chàng cũng muốn hoàn thành chương trình Đại học như có lần chàng tâm sự với Hương.

     Bịn rịn rồi cũng chia tay, sau khi tìm trường học, Hương liên tục gởi thư về cho Dũng, những lá thư tình bày tỏ nỗi nhớ nhung ngày càng nhiều. Thú vui của Dũng bây giờ là đọc và viết thơ cho Hương. Mỗi hai tuần Dũng  lên Sài gòn đi chơi với  Hương và vào Đại Học Văn Khoa nhận bài vở mà chàng đã nhờ một anh bạn Sinh Viên lấy giúp

      Văn chương là môn Dũng thích và có khả năng hơn các môn khác, chàng có thể ngồi đọc sách nhiều giờ liên tiếp mà không bao giờ chán, vì vậy học Văn Khoa coi như chàng đã chọn đúng hướng, Chàng đỗ Dự Bị và hai chứng chỉ nữa dễ dàng, trong khi Hương vẫn còn hụt hẫng với bằng Tú Tài Toàn Phần. Chàng cho Hương biết ba má thúc hối chàng làm đám cưới. Hương vui vẻ;

 - Ráng  chờ em một năm nữa thôi, đậu rớt gì chúng mình cũng cữ hành hôn lễ.

Hương chứa chan hy vọng sẽ sống cuộc đời chồng vợ với Dũng một ngày không xa.

Người tài xế thấy Dũng mãi đăm chiêu suy nghĩ, ông không muốn quấy rầy chàng, nhưng nhìn bảng chỉ dẫn thấy đã vào thành phố  nên ông lên tiếng.

-  Xin ông cho biết địa chỉ để chúng ta đến đó

      Năm phút sau xe đến bịnh viện Fresno, chàng trả tiền và vôi vã tìm phòng của Hương.  Phòng nàng trên lầu hai, cửa phòng chỉ khép hờ, chàng đưa tay gõ nhẹ .. Một người nữ dáng dấp Việt Nam hiện ra, bất chợt cô reo lên

- Anh Dũng…

 -  Lan

Lan sụt sùi, đưa tay chỉ người bịnh

-   Anh Dũng đến rồi Hương ơi !!.

Dũng sà xuống cạnh Hương cầm tay nàng, nói trong nghẹn ngào:

-  Chính Hương đây rồi, anh cố sức tìm em từ bấy lâu, giờ mới gặp.

      Môt tay chàng cầm bàn tay trái của Hương nâng niu. Chính chiếc sẹo nầy do chị Huệ róc mía vô tình gây ra suýt đứt cả bàn tay của Hương, tay kia chàng vuốt nhè nhẹ lên khuôn mặt hốc hác của Hương như tìm những nét trìu mến của năm nào. Hương cố nhướng mắt lên và  gọi một cách mệt nhọc

- Anh  Dũng .. em còn gặp anh sao?…

Dũng cuối xuông hôn vào mặt Hương thổn thức

- Anh đây, chính anh là Dũng đây...

      Chàng ôm Hương trên tay vừa vuốt lại những sợi tóc lòa xòa trên trán nàng. Hương như đang mỉm cười.sung sướng cố gượng nói thành lời dù giọng đứt quãng.

-  Em mãn nguyện  ..Dũng…

      Nói xong, nàng  thở hắt ra trong khi tay nàng vẫn bấu lấy Dũng không muốn rời, nàng lịm dần, trên môi như ẩn hiện nụ cười.

Tiếng Lan nhắc  nhở;

-  Hương đã ra đi rồi, đừng để Hương vướng bận bất cứ điều gì nữa.

 Dũng kêu lên khe khẻ:

-  Hương ơi, đoạn cuối của tình yêu là thế nầy sao em?! !

Ngay khi Hương vừa”ra đi”, một người có gương mặt giống Hương bước vào, Lan lên tiếng

 - Hạnh, mẹ con  vừa “đi” ..con niệm Phật cầu siêu cho mẹ.

      Hạnh quyết định hỏa tang mẹ nàng. Đám tang Hương diễn ra trong buồn tẻ, ngoài Hạnh, con gái Hương còn  có Lan và Dũng. Xong xuôi Lan mời cả Hạnh và Dũng về nhà nàng . Lan trao cho Dũng cuốn Nhật Ký Hương ân cần nhờ Lan đưa tận tay Dũng, một thơ dài gởi cho Hạnh. Hạnh đọc thư không cầm nước mắt, hướng về Dũng nàng nức nở:
     Thật tội nghiệp cho mẹ cháu và bác, Ba cháu dùng thủ đoạn không quang minh chiếm đoạt trinh trăng của mẹ con. Con nhiều lần hỏi mẹ thật ra con là con của ai, mẹ chỉ nói

- Sau nầy con sẽ rõ.

-  Bây giờ sự thật đã phơi bày. Con xin tạ lỗi với Bác. Chắc giờ nầy mẹ con đã thật bình yên trong giấc  ngàn thu.

Lan Dũng tiễn Hạnh ra về, với hũ tro cốt của Hương.

      Lan giục Dũng, anh đọc nhựt ký của Hương đi. Dũng mất gần tiếng đọc những trang nhựt ký ngả  màu vàng nhạt, nhòe nướt mắt của Hương. Năm đó Hương đậu Tú Tài toàn phần, lòng mừng khấp khởi, hy vọng sẽ làm đám cưới với Dũng như đã hứa. Cùng thi đậu kỳ nầy còn có Nghĩa em chú Bác với anh Nhân, Nhân Nghĩa ở chung nhà. Lúc Hương đến Sài gòn theo lời mời gọi của chị Huệ. Hương, Nghĩa chung nhà vô ra gặp mặt không có gì đáng nói. Nghĩa nhờ Hương giúp giùm buổi tiệc để Nghĩa đãi vài người bạn thân quen. Anh chị Huệ về Vĩnh long. Tiệc ăn mừng thi đỗ vui vẻ. Nghĩa ép Hương uống chút rượu Champagne. Hương chỉ nhớ có thế . Nửa đêm Hương thây mình đang động phòng hoa chúc với Dũng, giật mình thưc giấc, nàng thấy mình nằm cạnh Nghĩa và thân thể trắng trong nàng gìn giữ bấy lâu nay bị hoen ố. Tức giận nàng thẳng tay tát Nghĩa và ôm mặt khóc. Mặc Nghĩa hết lời năn nỉ, dỗ dành, nàng chạy về phòng nàng, đóng sầm cửa lại, trong lúc quẩn trí nàng uống nguyên túp Optalidon để quyên sinh, vì nàng không còn mặt mũi nào gặp lại Dũng nữa.

Nàng được Nghĩa chở cấp cứu kịp thời, nàng sống dật dờ trong nhà chị nàng, chán nản, tuyệt vọng. Oan nghiệt thay trong lần bị cưỡng hiếp đó nàng lại mang bầu. Mẹ Nghĩa dàn xếp cưới nàng để khỏi mang tai tiếng, ảnh hưởng đến công việc làm ăn của bà. Ba má Hương giận vợ chồng Huệ nên không dự cưới. Nàng sống bên người chồng mà nàng khinh bỉ, không chút yêu đương. Hạnh ra đời trong sự nghi kỵ của ba, trong  nỗi hững hờ gần như vô cảm của  mẹ. Sau năm 1975, Nghĩa cũng như bao sĩ quan khác phải vào trại cải tạo và bị đưa ra Bắc


      Năm 1977, nàng về Trà Ôn thăm ông bà Sáu, một đứa em họ xa cho biết có gặp anh Dũng ở Trại B. X  dưới quyền cai quản của Viễn, hiện là Trung tá trưởng trại giam các Sĩ quan. Biết thế Hương âm thầm đến gặp Viễn gởi ít món quà cho Dũng rồi nàng ra về mà không dám gặp Dũng.

      Năm 1984 Nghĩa được thả, vợ chồng Hương Nghĩa tạm hòa hoãn, năm sau nàng sang Mỹ định cư. Trong một lần về quê thăm mẹ ở Việt Nam, Nghĩa  phải lòng người khác trẻ đẹp hơn Hương. Nghĩa Hương ly dị, giao nhà cho vợ chồng Hạnh, nàng sang Fresno làm việc, mắc bịnh ung thư và lìa đời.

      Lan, đó là những điều tôi tóm tắt từ trong Nhựt ký của Hương. Ôi nếu các cuộc tình của thế nhân đều có kết cuộc đẹp: yêu nhau, lấy nhau, sanh con cái, sống hạnh phúc thì đâu có câu : Tình là dây oan. Đối với Hương, tôi bây giờ có thể mượn câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến mà diễn tả tâm trạng của mình:

  Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương.

      Tuổi đời ngày chồng chất, giữ được hình ảnh của nhau ngày nào hay ngày đó. Trưa cùng ngày Dũng từ giã Lan hẹn mỗi năm cứ tới ngày giỗ Hương chàng lại đến Fresno thăm Lan


Nguyễn Thành Sơn

No comments:

Post a Comment