Qua những lo toan tất
bật, cuối cùng rồi gia đình chúng tôi vẫn đến Mỹ được bình an vào tháng 7 năm
1991. Hôm đi làm dịch vụ tại đường Nguyễn Trãi Sài Gòn, vì sơ ý tôi đã bị kẻ
gian rọc cái xách tay đựng hồ sơ và tiền bạc, cũng may chỉ bị mất hết tiền ở
dưới đáy, còn lại giấy tờ kẹt ở phần trên. Tôi tự an ủi lấy mình, biết đâu
trong cái rủi lại có cái may, vật chất tiền bạc chỉ là cái tạm thời mất rồi sẽ
có lại, còn chuyện làm sao đến được xứ người mới là điều quan trọng.
Chúng tôi muốn xa lánh
một chế độ mà con người, những viên chức, dân sự, quân đội cũ bị gạt ra ngoài
xã hội, không đất sống, chúng muốn bắt giam, muốn thả, muốn hành hạ đánh đập
lúc nào tùy ý, chẳng một luật lệ nào cả. Con em chúng tôi bị kỳ thị, phân chia
thành phần lý lịch ở học đường, tài sản bị cướp một cách công khai bằng chánh
sách đổi tiền gian trá để rồi người tư bản đã biến thành kẻ “mại sản” sống lây
lất qua ngày. Ðó là những điều thật quái dị chỉ xảy ra duy nhất ở nước Việt Nam
Cộng Sản.
Thấm thoát mà đã hơn
14 năm rồi, 10 năm lính, 12 năm tù tội thế là gần hết một đời người, thời gian
trôi qua quá nhanh, cuộc sống vẫn đều đặn tiến về phía trước mỗi ngày. Tuổi trẻ
luôn hướng về tương lai còn người già thì thường hoài niệm quá khứ.
Rời phi trường Tân Sơn
Nhất vào một buổi sáng hè đẹp trời, lần đầu tiên sau nhiều năm dài gian khổ,
tôi được sống lại cái cảm giác lâng lâng của những ngày xuôi ngược hành quân
giữa khoảng trời cao trong xanh, nhìn dòng sông uốn khúc quanh những cánh đồng
mênh mông đầy nước; vẫn những làng mạc ẩn hiện đó đây, đàn trâu gặm cỏ ngoài
đồng cùng đoàn người lam lũ xuôi ngược trên sông. Tôi cảm thấy lòng mình se
lại, nước mắt lưng tròng vì rồi đây tôi sẽ đánh mất tất cả! Lần đầu tiên và
cũng lần cuối cùng tôi xin “từ biệt quê hương.”
Người Cộng Sản đã
chiến thắng trong một cuộc chiến tương tàn, còn chúng tôi những chiến sĩ của
thế giới tự do là kẻ bại trận. Bằng những vũ khí tối tân được trang bị, viện
trợ từ nước ngoài “chúng ta chém giết chúng ta.” Ðồng Minh đã bỏ Miền Nam Việt
Nam cho tập đoàn Cộng Sản quốc tế, bằng chuyến đi mật nghị của Tổng Thống
Richard Nixon 1972 tại Trung Quốc, để rồi sau đó quân và dân Việt Nam Cộng Hòa
bị bức tử một cách oan uổng trong cuộc chiến tự vệ không còn cân sức.
Người CS vinh danh kẻ
chiến thắng bắt đầu làm một cuộc cách mạng triệt để sau cùng hầu đưa dân tộc
đến “thế giới đại đồng,” nơi đó không còn cảnh người bóc lột người vì tất cả
đều là vô sản, không còn có gì để mất. Họ đập phá hết, vơ vét hết cái gọi là
“tàn dư chế độ cũ” để làm lại từ đầu, kể cả con người. Và việc để những người
tù “cải tạo” ra đi theo diện HO cũng không ngoài quốc sách đó.
Xin cám ơn đời! Cám ơn
người đã cho tôi cuộc sống hôm nay. Gia đình tôi gần 4 người đến thị trấn nhỏ
bé Pineville miền cực Bắc của tiểu bang Louisiana vào một buổi tối mùa hè trời
nóng nực. Ra đón tại phi trường có văn phòng tị nạn USCC, người em bảo trợ cùng
5-7 gia đình đồng hương đã định cư ở đây từ trước. Hội thiện nguyện USCC do bà
Mỹ trắng Linda và cô Thìn người Việt Nam đã giúp đỡ tận tình hoàn tất mọi thủ
tục cho chúng tôi và nhanh chóng ổn định đời sống. Chương trình trợ cấp xã hội cho
người mới tới từ 12 tháng nay chỉ còn 8 tháng mà thôi. Với tiền và chi phiếu
thực phẩm hằng tháng cũng thừa đủ để gia đình sinh sống tạm thời nếu không muốn
nói là thừa dư chút đỉnh, nếu biết dè sẻn theo kiểu Việt Nam.
Người dân địa phương ở
đây rất lịch sự và tử tế sẵn sàng giúp đỡ người mới đến như chúng tôi. Ðiều này
có thể dễ hiểu, đa số dân chúng rất ngoan đạo vì ở trong vùng này có rất nhiều
nhà thờ. Chưa đến đây ai cũng nghĩ rằng Pineville là một thành phố có nhiều
người Pháp bên cạnh những cái tên rất Tây như: Alexandria, La Fayette, Baton
Rouge, New Orleans… nhưng sự thật không phải vậy, họ đa số là những người già
Mỹ đã đến tuổi về hưu, không thích ồn ào náo nhiệt, muốn sống trong sự yên tĩnh
hiền hòa.
Alexandria thì ngược
lại, nơi cách Pineville 4 dặm về hướng Bắc, chỉ cần qua một chiếc cầu bắc ngang
dòng sông nhỏ bé xinh xinh. Những người Mỹ da đen thường hay tụ tập ở đây, đa
số không có việc làm, sống nhờ tiền trợ cấp của chánh phủ. Người ta đồn rằng
đây là ổ của các tổ chức mua bán cần sa ma túy. Vào những buổi chiều tà, tôi
thường đạp xe một mình đi về giữa hai thành phố này qua những ánh đèn khi màn
đêm bắt đầu buông xuống, dòng sông bỗng trở nên tuyệt đẹp vô cùng với nhiều đàn
dơi lượn lờ tìm mồi trên sóng nước.
Chúng tôi được đưa đi
khám sức khỏe, trị bịnh và học Anh văn mỗi tuần 2 ngày vào Thứ Ba và Thứ Sáu.
Bà giáo Spencer là một người cao lớn, Mỹ đen vạm vỡ và tốt bụng vô cùng. Nhà
chúng tôi mướn ở là một căn hộ phân nửa Duplex cũ kỹ giá hằng tháng phải trả là
$175 đồng, người chủ “take care” đủ mọi thứ, từ cắt cỏ đến mọi chuyện lặt vặt
linh tinh khác. Có vô số gián và rất nhiều chuột chạy quanh quẩn trong nhà. Có
tiếng còi xe lửa inh ỏi vào buổi sáng cùng một vài tiếng gáy của các chú gà
rừng văng vẳng xa xa. Bà chị tôi từ Florida đến thăm và nhất quyết bảo chúng
tôi phải dọn về với chị, ở đấy có job sẵn đang chờ. Tôi đành theo kế hoãn binh
là hãy đợi cho hết thời hạn trợ cấp đã rồi tính sau vì “ở xa mỏi mắt, ở gần mỏi
miệng,” không gì bằng tự lực cánh sinh.
Những ngày đầu tiên
đến Mỹ, nhiều đêm nằm mơ thấy mình vẫn còn ở đâu đó tại Việt Nam, tôi đã bị bắt
và vào tù trở lại, hình ảnh gánh củi trĩu nặng trên vai và hàng chục anh em tù
bụng cồn cào đói lả cố gắng khiêng khúc gỗ nặng nhọc uể oải hàng chục km mỗi
ngày, những lúc chăn trâu dưới cơn mưa tầm tã trong cái lạnh vô cùng khắc
nghiệt của mùa Ðông đất Bắc. Giật mình tỉnh giấc sau những tiếng ú ớ kinh
hoàng, mồ hôi chảy ra như tắm, nhìn ra ánh đèn đường sáng choang, đứng dậy sờ
soạng mọi vật chung quanh tôi mới yên tâm là mình và gia đình đang sống an toàn
nơi xứ Mỹ. Thì ra tất cả những nỗi kinh hoàng ấy đều thuộc về quá khứ.
Mỗi sáng hằng ngày sau
khi đã chuẩn bị cơm nước sẵn sàng, bọn tôi thường hay tụ tập tại nhà một anh
bạn trên đường Lakeview để chờ đợi một vài người Mỹ nào đó đến từ các nông trại
xa xôi bốc đi và trả về lúc chạng vạng tối. Thù lao mỗi ngày như vậy là 30 đô.
Công việc làm thì đủ thứ như hái bắp, trồng cây, bón phân, làm cỏ sạch sẽ nông
trại, chẳng có gì vất vả lắm so với những ngày tháng lao động tù đày. Sau một
thời gian nhờ dành dụm và tiền cho mượn của bà chị bước đầu tạo được một chiếc
xe, và rồi có thể tự túc đi làm. Hôm thi lấy bằng lái xe tôi chẳng gặp một trở
ngại nào, nhờ bài “học tủ” của những người đi trước. Chỉ một vòng quanh đường
phố vào Parking là xong, không có de tới de lui vất vả như ở Texas này. Nhờ có
một ít Anh Văn từ những ngày du học, tôi lái xe để đi xin việc khắp nơi ở các
Nursery (vườn ương cây) rất dễ dàng, họ cần nhân công và chúng tôi sẵn sàng lao
động. Có nơi trả lương giờ theo giá tối thiểu (minimum wage) có nơi giao khoán.
Dọc theo đường 10 từ
Dake Young, Lakewood, Lakeview, Garden Creek, đến Battle Creek chẳng nơi nào
chúng tôi từ chối. Tôi được coi như là trưởng nhóm làm khỏe, chẳng ngại khó
khăn và giao dịch rõ ràng. Mỗi chiều Thứ Sáu hằng tuần là ngày vui nhất, nhận
check ở nhà bank, chia tiền, lai rai một vài lon bia, hầu có những giây phút
gọi là “đủ để yêu đời.” Bà vợ tôi dù không quen mưa nắng cũng cố gắng theo tôi,
và các con thỉnh thoảng cuối tuần ngoài giờ học cũng gia nhập. Trong vòng 6
tháng tôi đã trả dứt nợ chiếc xe và còn dư chút đỉnh để gửi về Việt Nam cứu đói
ở quê nhà.
Nursery Battle Creek
nằm giữa khoảng rừng cây trên xa lộ. Nghe đâu đây là bãi chiến trường nơi xảy
ra nhiều trận đánh đẫm máu của thời chiến tranh Nam-Bắc Mỹ. Bà chủ Ann khoảng
trên dưới 34-35 tuổi, người mập cao lớn vạm vỡ như một lực sĩ cử tạ, đầu chỉ lơ
thơ một ít tóc, thường được che bằng khăn choàng mỏng màu vàng. Tiếng nói rổn
rảng khàn khàn như một vị chỉ huy đầy uy quyền trước đám người làm công nhỏ bé
vào mỗi sáng khi giao việc.
Mụ nói thao thao bất
tuyệt với giọng Texas rất khó nghe bên cạnh anh chồng hờ Jessy đẹp trai, nhưng
bị vợ bỏ, mà mụ đã mang về từ đâu đó trong chuyến đi biển vừa rồi. Jessy hay
đùa giỡn với tôi và thường kể cho tôi nghe đủ mọi thứ trên đời về mụ, mụ đã qua
7 người đàn ông nhưng không có ai sống được với mụ hơn 6 tháng. Mụ ao ước một
đứa con, nhưng chẳng anh nào có tài làm được việc đó. Tình thương của mụ dồn cả
vào đàn chó, khoảng trên dưới 20 con đủ loại, to có nhỏ có. Chúng thường hay
quấn quít tung tăng dưới chân mụ. Mỗi khi mụ đi đâu về mụ ôm đàn chó, vuốt ve mơn
trớn một cách thật âu yếm, ai cũng nghĩ mụ là người đàn bà đầy từ tâm bác ái.
Nhưng sự thật không phải vậy, mụ trả tiền cho bọn tôi rất keo kiệt và thường
hay ăn gian cắt bớt giờ! Nhiều lúc trời gầm chuyển mưa nhưng mây đã tan hết, mụ
ra lệnh cho chúng tôi phải đi về mặc dầu chỉ mới bắt đầu công việc một hai
tiếng đồng hồ, mụ không cần biết là chúng tôi phải lái xe vất vả lắm mới đến
đây từ sáng sớm.
Phụ trách công việc là
một chàng trung niên Mỹ đen tên Duke, hắn được coi như Supervisor rất tốt, ít
nói và thường hay lắc đầu, bất mãn tỏ thái độ khó chịu với mụ trước mặt bọn
tôi. Hắn rất khỏe như một lực sĩ khoảng 40 tuổi; vợ hắn là Jane cũng Mỹ đen
khoảng 28. Thỉnh thoảng hắn vắng mặt, tôi thường bắt gặp Jessy hay theo tán
tỉnh, một vài lần bọn tôi thấy hai người từ trong rừng rậm chui ra. Có ông Trời
mà biết họ đã làm gì? Duke rất ghen, hầu như chẳng bao giờ nói chuyện với Jessy
dù chỉ nụ cười xã giao nửa miệng. Với con mắt tinh ranh của mụ dư sức biết được
những gì đã xảy ra tại trang trại này, nhất là chuyện léng phéng của gã si tình
Jessy. Duke vốn là người sinh ra và lớn lên từ các nông trại, vì vậy anh rất
thông thạo đủ thứ. Với sức mạnh sẵn có, anh là người mẫu lý tưởng mà các chủ
trang trại cần đến. Không biết anh đã làm công cho mụ bao lâu rồi nhưng trông
nét mặt và thái độ của anh hằng ngày, ai cũng đoán anh là một người bất mãn.
Một lần sau cơn cãi vã với mụ anh đã từ giã ra đi, sau này chúng tôi mới biết
là anh sang làm ở Dake-Young, một nursery khác bên cạnh bề thế hơn.
Chuyện Duke ra đi tôi
cũng đoán biết từ lâu, vì lý do mụ chủ Ann là một người nóng nảy, thiếu tế nhị,
vô cùng keo kiệt, và chính đáng hơn là hắn không muốn mất cô vợ trẻ đa tình
Jane. Không có hắn, tôi là người duy nhất được mụ chủ để ý thay thế. Việc đầu
tiên là mụ giao cho tôi một chiếc motocycle để chạy kiểm soát vòng quanh trong
trại, một xe ủi đất để mang đất đi đổ từ nơi này sang nơi khác cùng vô số các
công việc khác như thay thế các ống nước tưới bị bể, lắp ráp và sửa chữa các
nơi rò chảy, giao công việc cho công nhân, những việc làm hoàn toàn mới lạ đối
với tôi. Tự biết mình chẳng có khả năng gì, nhưng cứ nhắm mắt nhận đại tới đâu
hay tới đó, lỗi chẳng phải tại nơi mình. Khoản tiền mụ trả cho tôi cũng được đề
cập tới là hơn mỗi công nhân ngày 10 đô la. Chừng nào thạo việc mụ sẽ tăng
lương.
Thỉnh thoảng thì tôi
cũng có tháp tùng cùng Jessy chở cây đi bán theo đơn đặt hàng, khi thì về
Texas, có lúc đến Tennessee. Những lúc bán được khấm khá thì mụ vô cùng niềm
nở, miệng cười toe toét. Còn khi ế ẩm thì mặt mụ hầm hầm như bị ai cướp của,
tiền bạc chẳng muốn trả cho công nhân. Nhiều lúc rảnh việc mụ thường gọi tôi
vào Văn phòng riêng để tâm sự, mụ kể cho tôi nghe chuyện mụ đã bị cú sét ái
tình với Jessy như thế nào, chuyện Jessy tán tỉnh nàng Jane, chuyện của những
người tình cũ đã bị mụ cho đi chỗ khác chơi. Mụ dặn tôi rất kỹ, hãy cảnh giác
Jessy vì hắn đang để ý đến con gái của tôi.
Mụ hỏi tôi về chiến
tranh Việt Nam, về những người lính Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến đó, về cha
mụ đã chết không toàn thây ở Khe Sanh khi mụ còn rất bé chưa biết gì… Mỗi lần
như vậy tôi thấy nét mặt mụ buồn, nước mắt rưng rưng chảy. Mụ bảo rằng, có một
ngày thuận tiện thế nào mụ cũng sẽ đến Việt Nam. Mẹ mụ thường hay chào tôi với
một thái độ thật thiện cảm, bà ta thường bảo tôi là một người siêng năng thật
thà rất đáng tin cậy. Uy tín tôi càng lúc càng lên và vì vậy khi nào mụ cần bao
nhiêu nhân công là nhờ tôi tìm giùm. Việc làm ở đây, chỉ nhiều vào mùa hè, còn mùa
đông các cây kiểng đều phải dời vào nhà kiếng (Green house) nên bị ế ẩm phải
chờ vào mùa xuân tới.
Vào một buổi sáng đẹp
trời, sau khi giao công việc cho mọi người xong thì mụ chủ Ann kêu tôi vào nhà,
chỉ vào đàn chó Berger mới đẻ của mụ. Mụ bảo vì tôi là người thân, biết thương
yêu súc vật nên mụ có nhã ý tặng cho tôi một con chó đực, giống Berger của
Pháp. Mụ bảo đây là giống chó khôn ngoan quý hiếm rất mắc tiền. Vì đã lỡ nhiều
lần để làm vừa ý mụ trong các câu chuyện làm quà, tôi cũng thường bảo là ở Việt
Nam chúng tôi cũng rất hay quý mến thú vật. Chúng tôi cũng có nhiều sở thú và
giống chó là giống rất khôn ngoan luôn trung thành với chủ nên không thể không
nhận lời. Tin này làm cho vợ tôi buồn năm phút, còn bạn bè thì bảo tôi đang rước
“của nợ” về nhà.
Bấy giờ vào khoảng
cuối tháng 12 trời rất lạnh, tôi cột con Berger ở sau nhà hằng ngày, bao nhiêu
cơm thừa canh cặn tôi đều đổ dồn cho nó theo kiểu Việt Nam. Nhờ vậy mà nó lớn
trông thấy. Chỉ sau một tháng trời người bạn láng giềng của tôi là một bà già
Mỹ trắng, bà thường phàn nàn là không nên đối xử với súc vật như vậy, phải mua
thực phẩm đàng hoàng, phải có chuồng cho nó ở thật ấm, phải mang nó đi chích
ngừa, phải làm thẻ bài cho nó đeo cùng bao nhiêu thứ phiền toái khác. Tôi bèn
đi màn năn nỉ với bà ta, vì tôi mới đến cuộc sống khó khăn phải đi làm vất vả hằng
ngày nên chẳng có điều kiện săn sóc nó, tôi xin biếu tặng bà nhờ nuôi hộ. Bà ta
nói là bà cũng gặp khó khăn vì sức khỏe già yếu với ông chồng hay bệnh tật liên
miên, thôi thì hãy để bả giúp đỡ trông coi giùm mỗi ngày trong lúc tôi đi làm
và trả lại tôi lúc chiều tối theo kiểu “babysit,” với điều kiện là tôi phải mua
thực phẩm cho đàng hoàng ở Petmart giao cho bà.
Chẳng có chọn lựa nào
khác hơn, tôi đành nghe theo lời bả, nhưng trong lòng tôi rối như tơ vò vì bị
bà vợ cằn nhằn suốt ngày đêm, thân mình còn không xong có đâu lo tới chó. Một
vài người còn hù dọa thêm, nếu nó cắn ai thì kể như tôi bị sạt nghiệp, chẳng có
tiền đâu mà lo thang thuốc cho họ. Ở Mỹ chớ chẳng phải Việt Nam, léng phéng coi
như ở tù như chơi về tội ngược đãi súc vật. Chẳng lẽ đem trả lại cho mụ ta thì
mặt mũi nào còn gì, thôi thì đành ráng chịu trận vậy. Khi Berger của tôi khoảng
2 tháng rưỡi thì nó trông vềnh vàng và coi bộ dữ tợn lắm, tôi đi chợ Walmart
tìm mua được sợi dây xích thật chắc và một vòng cổ bằng da trên dưới 20 đô la
thay cho chiếc dây thừng cũ kỹ sẽ bị đứt không biết lúc nào.
Ăn Tết xong thời tiết
bắt đầu ấm áp, chúng tôi lại tiếp tục công việc làm; mỗi lần nói chuyện mụ chủ
thường hay hỏi thăm sức khỏe về chú Berger của tôi. Tôi bảo rằng hiện nó rất
ngoan và mau lớn, lông nó màu vàng óng ánh, mắt nó to, tai nó vảnh trông rất
oai hùng. Mụ bảo thế nào mụ cũng ghé thăm vào những dịp cuối tuần. Mụ còn khen
tôi là người có tay nuôi chó. Mỗi lần như vậy tôi cảm thấy bủn rủn tay chân.
Vì lao động quá sức,
liên miên ngay cả khi thời tiết rất lạnh nên sức khỏe suy sụp dần dần, và uống
nước bừa bãi ở các vòi tưới cây được rút lên từ các hồ dơ bẩn, tôi đã bị chứng
tiêu chảy kinh niên… cần phải nghỉ ở nhà để đi khám bệnh.
Hôm khám ở bệnh viện
Hueylong Hospital, vị bác sĩ nói rằng nghi ngờ tôi bị ung thư ruột, cần phải có
thời gian xét nghiệm lâu dài. Tôi được đi soi ruột, chụp hình hằng chục tấm đủ
mọi thế ngang dọc, cuối cùng họ bảo tôi chẳng có bệnh gì cả, nhưng phải ráng
gìn giữ sức khỏe đừng làm những việc nặng nề. Bà vợ tôi thì cứ nằng nặc không
chịu để cho tôi tiếp tục làm ở nursery nữa, bà muốn đi sang tiểu bang khác, nơi
này âm u không có tương lai cho con cái. Vả lại mang tiếng đi Mỹ lại còn cực
khổ hơn ở Việt Nam thì đi Mỹ làm gì? Tay bà xã tôi cũng bị nổi đầy mụt phồng
lên và dị ứng vì phân bón hóa học. Người bạn tôi cùng quê đến Mỹ theo diện HO
đã gọi tôi hằng đêm và hứa sẽ giúp đỡ nếu tôi sang Arlington, Texas.
Dạo ấy ở đây nghề may
rất thịnh hành, cứ chịu khó lãnh đồ về nhà mà đạp thì bao nhiêu tiền cũng có,
không cần tiếng Mỹ gì cả vì đa số các chủ shop may là người Việt Nam. Rất hấp
dẫn nên tôi đã làm một chuyến thăm dò trước từ Pineville theo con lộ 49 về
hướng 20 West Fort Worth không đầy 6 tiếng đồng hồ.
Hôm chuẩn bị đi cũng
là lúc bà chủ Ann gọi điện thoại và hứa cuối tuần sẽ đến thăm tôi, luôn tiện mụ
ta sẽ chiếu cố đến con Berger xem nó to lớn cỡ nào. Bấy giờ là ngày Thứ Ba và
gia đình tôi sẽ lên đường vào ngày Thứ Bảy, mọi đồ đạc đã sẵn sàng trên chiếc
Pontiac 87 bốn máy, nhưng tôi rất lúng túng không biết giải quyết về con Berger
như thế nào, mang nó đi sao tiện khi mà thân mình còn chưa biết ra sao… khi đến
chỗ ở mới. Cuối cùng rồi mọi việc cũng xong, tôi năn nỉ gởi nhờ nhà một ông bạn
và hứa sẽ trở về nhận lại khi ổn định nơi ăn chốn ở. Nhưng chỉ 2 tuần sau đó
khi gọi điện thoại, ông bạn tôi nói khỏi cần lo nghỉ về con chó nữa vì anh ta
đã mang thả ngay giữa chợ chỗ đông người rồi. “Mình không có khả năng nuôi thì
để người khác nuôi, nó không chết đâu.” Luôn tiện anh ta cũng cho tôi biết là
Jessy cũng đã bị mụ chủ tống cổ đi rồi.
Ðó là những mẩu chuyện
về chú “Tuất” nơi xứ người để đón mừng năm Bính Tuất sắp tới, tôi xin được phép
gởi đến tất cả quý vị về “nàng Tuất” của tôi trong những ngày tháng tù đày. Một
kỷ niệm mà tôi không thể nào quên được, mỗi lần nhắc đến là một lần xúc động
thật sự, bởi tôi thấy mình đã không làm tròn bổn phận đối với một con vật đầy
tình nghĩa, rất trung thành và hết mình với chủ. Tôi đã thấy hối hận khi tôi
phải bỏ nó lại cho một người quen, vì không thể mang theo trên chuyến tàu thống
nhất xuôi Nam năm 1987 bằng hành trang của một người tù. Dù sao thì tôi cũng
xin được phép bắt đầu.
Cuối năm 1985 đa số tù
nhân chính trị được thả về gần hết, phân trại 4 Bình Ðiền chỉ còn vỏn vẹn
khoảng 30 người để phụ trách phần nông nghiệp, công việc chính là sản xuất lúa
gạo cho toàn vùng trên khoảng 20 hecta ruộng khô vừa mới được khai hoang. Ðể
điền vào chỗ khiếm khuyết lao động đó, tổng trại tù Bình Ðiền đã bổ sung thêm
một đội hình sự 6 người thuộc đủ thành phần xã hội như vượt biên, bán bãi, cướp
giật, nhảy tàu, tham ô, hiếp dâm, xì ke ma túy… Họ đa số còn rất trẻ, có sức
khỏe, ngang tàng bướng bỉnh không chấp hành nội quy nghiêm chỉnh như các anh em
tù chính trị bọn tôi. Lúc cao hứng thì họ làm việc hết mình, cày bừa đốn cây
đốn củi… tất cả đều được việc năng suất, còn khi bất mãn thì khai bệnh, phá phách
bướng bỉnh, nhà kỷ luật không ăn thua gì đối với họ. Nhờ vậy mà anh em tù chính
trị bọn tôi ít bị chiếu cố hơn, biết mình lớn tuổi có trình độ văn hóa, lại là
cán bộ sĩ quan của một chế độ bị xóa tên và đang bị trả thù, nên phải sống đàng
hoàng. Tôi được chỉ định phụ trách chăn nuôi cho cơ quan ở một cái chòi tranh
nằm ở phía bên ngoài trại, thay thế Ðại Úy Cảnh Sát Nguyễn Hoa vừa mới được thả
về sau hơn 10 năm tù. Công việc hằng ngày là trông coi bầy gà trên dưới 60 và
đàn thỏ khoảng 30 con. Ðây là thời gian may mắn nhất trong cuộc đời tù tội của tôi,
tôi không còn sợ đói khát nữa vì có số lúa lép của đàn gà. Mỗi đêm chịu khó ngủ
trễ hay thức sớm vài tiếng đồng hồ là tôi có thể kiếm 2 lon gạo bằng cách bỏ
vào cối dùng chày giả nát số lúa lép này.
Rau cỏ được “cải
thiện” dễ dàng hơn vì tôi được tự do đi vào rẫy để tìm kiếm thức ăn về nuôi
thỏ. Tôi cũng tự mình tạo ra được 5-7 cần câu cắm… để rải rác khắp các suối,
thường thì ngày nào cũng được một vài con cá phụ thêm vào phần thức ăn thiếu
thốn của mình. Tôi có thể tự do quyết định về số trứng gà do hơn 20 con gà mái
đẻ cứ giành ổ liên tục. Nói chung cuộc đời tù tội của tôi gặp vận hên nên được
bay lên như diều gặp gió. Các tên cán bộ vệ binh tỏ ra thân thiện với tôi hơn
vì thỉnh thoảng họ cũng cần vài trứng gà luộc để bồi dưỡng.
Một buổi chiều cuối
năm, sau khi nhận được phần ăn đặc biệt của trại dành cho 3 ngày Tết, trong cái
lạnh lẽo giá buốt của mùa Ðông, tôi đang ngồi nhen bếp lửa để chuẩn bị bữa cơm
chiều thì tên vệ binh “Thọ” mang đến cho tôi một con chó. Hắn bảo đây là giống
chó rất khôn, quí hiếm mà hắn vừa xin được ngoài xóm dân, nhờ tôi nuôi hộ. Nó
có đôi mắt tinh ranh và 12 đeo, nơi hai bàn chân trước, thuộc loại chó săn nòi,
có thể giúp cho tôi bảo vệ đàn gà, hầu tránh lũ chồn cáo thường hay rình rập
chờ mồi ở các bụi rậm quanh các chuồng gà. Việc đầu tiên là tôi từ chối vì một mình
còn đói lên đói xuống thì làm sao săn sóc nó cho được. Nêu lý do là nhà tôi quá
xa, bà vợ thì đang gặp khó khăn về kinh tế, nhiều khi cả năm mà chẳng có thăm
nuôi một lần nào, chỉ thỉnh thoảng nhận ít quà nhờ qua trung gian thân nhân của
bạn tù cùng trại. Ngày xưa ở nhà tôi cũng rất thích và thương chó lắm nhưng
trong hoàn cảnh này đành chịu. Hắn cứ nài nỉ bảo rằng cứ nuôi tạm cho hắn một
vài tháng chờ khi nào có phép hắn sẽ mang về nhà. Thức ăn cứ để cho hắn lo, cứ
yên tâm!
Ðang mùa thu hoạch,
lúa đem về phơi khô đầy kho, hắn đã dành riêng phần lúa “chắc” cho tôi trong số
lúa “lép,” tôi cứ thế mà gánh về. Nếu sự việc bị đổ bể ra không phải lỗi tại
tôi, hắn là người chịu trách nhiệm. Vả lại cũng chẳng có gì nhiều, tôi kiếm vừa
đủ phần gạo hằng ngày mà không cần gia đình phải tiếp tế.
Trong tuần lễ đầu để
làm quen, con Misa được buộc chặt ngay chân giường dưới chân tôi ngủ. Nó ăn
sạch các thức ăn cặn bã của tôi từ vỏ khoai lang, củ sắn đến các xương xẩu được
tiếp tế từ cơ quan do tên Thọ mang đến. Chẳng mấy chốc trông nó lớn nhanh và
rất khôn ngoan sau vài ba tháng. Vì ở giữa đồng không mông quạnh nên việc vệ
sinh cá nhân của tôi rất thoải mái “nhất quận công, nhì ị đồng”; mỗi lần giải
quyết vấn đề tôi cứ đào lên một nhát cuốc rồi thẩy vào đó lấp lại là xong. Cho
đến một ngày kia, tôi phát giác ra rằng các hố phân tôi lấp đều bị cào xới lên
và… biến đâu mất hết. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính Misa là thủ phạm chứ
chẳng ai. Ngay ngày hôm sau vào buổi sáng sớm tôi cũng lập lại việc vệ sinh như
mỗi lần trước và ngồi chờ xem Misa xuất hiện, nó đến nơi hố xí và xơi một cách
ngon lành sạch sẽ. Thủ sẵn roi mây cầm ở tay, tôi kêu lại đè đầu nó xuống thật
sát, quất mạnh và bảo rằng “Mầy không được ăn cứt nghe chưa!” Misa bị té đái
kêu lên ăng ẳng, vừa chạy vừa cụp đuôi trông có vẻ sợ sệt dễ thương lắm. Ấy vậy
mà chỉ một lần duy nhất này, từ đó về sau, nó không còn dám nữa dù tôi kêu và
dụ nó, nó cũng chẳng dám làm.
Ngày qua ngày tình cảm
của tôi và nó càng khắng khít hơn, tôi cảm thấy thiếu vắng nếu có đêm nào nó đi
chơi đâu đó về trễ sau tiếng kẻng báo ngủ. Cứ mỗi lần tôi xách đòn gánh lên vai
thì hầu như Misa đã có mặt sẵn sàng theo tôi đi bất cứ đâu. Một lần tôi đang
chui vào bụi rậm để cắt dây bìm bìm về cho thỏ, thì nghe tiếng kêu oẳng oẳng
của nó từ bờ đê kế bên, tôi biết là có “vấn đề” nên cầm rựa chạy tới, thì quả
thật một con “trăn” to tổ bố hơn cườm tay đang khoanh trên một cành cây. Mừng
quá mất bình tĩnh, sẵn cái “rựa” trên tay tôi chặt một phát, rồi 2 phát nhưng chẳng
thấm vào đâu, con trăn chuyển mình từ từ bò đi nơi khác mất dạng trước sự bất
lực của tôi.
Con Misa nhất định
chẳng chịu thua, cứ chạy khè lỗ mũi ra ngửi, kêu xịt xịt, nó chạy vòng quanh
đánh hơi và sau 15 phút nó tìm lại được chỗ mới của con trăn nằm. Sẵn một tên
vệ binh có súng đi gần ngoài đường, tôi nhờ anh ta bắn cho một phát, con trăn
oằn oại trên vũng máu tươi. Buồn ngủ gặp chiếu manh, tên vệ binh này mang về
nhà bếp cơ quan trại để rồi cuối cùng tôi và Misa cũng được chia một phần ăn
ngon lành.
Vào một buổi trưa hè
trời rất nóng vì những cơn gió từ miền Hạ Lào thổi vào, tôi đang thiu thiu ngủ,
bỗng có tiếng đàn gà cục tác thật to. Giật mình tỉnh dậy tôi phát hiện một con
rắn hổ mang to bằng cán cuốc, thật dài, bò vào ổ gà đang ấp trứng. Phản ứng cấp
thời, tôi chụp lấy chiếc đòn gánh kế bên đập thật mạnh vào nó nhưng chẳng thấm
vào đâu. Bất lực, tôi gọi to “Misa, Misa,” nó từ đồi sau phóng về vồ lấy con
rắn bằng 2 chân trước, dùng miệng vừa cắn vừa sủa dữ dội. Trong vòng ít phút là
con rắn chết tươi.
Cuối năm 1986, trùng
hợp với tin đồn từ nhiều thân nhân đến thăm tù, trại bắt đầu gọi từng anh em
chúng tôi để trích ngang lý lịch lại. Các thầy tướng số đoán mò rằng thế nào
anh em chúng tôi cũng sẽ được người Mỹ đến rước, đêm nào trước khi ngủ mọi
người đều ở thế sẵn sàng. Một sáng đẹp trời nào đó những đoàn trực thăng sẽ lù
lù xuất hiện từ biển Ðông bốc chúng tôi như đã từng bốc trong các cuộc hành
quân. Ngày nào càng gian khổ, càng khó khăn chúng tôi càng hy vọng. Bọn tôi chỉ
lao động cầm chừng, năng suất cũng không mà sản lượng cũng chẳng có. Tên cán bộ
“Phố” từ đoàn đến xỉ vả anh em chúng tôi không hết lời “Mỹ mà rước các anh à! Ðừng
tưởng bở. Các anh còn cái “xác phàm” không thì nó rước các anh làm gì? Ðể phơi
khô làm mắm à! Hãy an tâm cải tạo để sớm được cách mạng khoan hồng, không ai
cứu các anh bằng chính các anh.” Chúng tôi đang bay bổng như chiếc diều gặp
gió, chẳng bao giờ tin những gì hắn nói “đừng tin những gì CS nói mà hãy trông
vào những gì CS làm.” Người bạn tù tên Giảng của chúng tôi mà anh em thường gọi
là “Thầy,” nhờ biết chút ít bói toán tử vi mà các tên vệ binh cũng như cán bộ
trại thường có những ưu đãi đặc biệt. Thầy bảo rằng cứ vững tin ngày mai trời
lại sáng.
Tôi càng thấy sung
sướng và tin tưởng thêm khi tên cán bộ Thọ đến mang Misa đi gửi nuôi một chỗ khác.
Việc vắng mặt Misa đã làm tôi thấy mình như thiếu một cái gì, nhất là hằng đêm
sau tiếng kẻng báo ngủ không còn nghe tiếng lí nhí của nó khi chui xuống gầm
giường.
Khoảng một tháng sau
cũng trong sự chờ đợi hy vọng hằng ngày, vào một buổi sáng rất đẹp trời, trong
lúc tôi đang hì hục cuốc đất trồng khoai, từ bên kia bờ suối Misa hối hả tức
tốc trở về với chiếc xích còn nguyên trên cổ, mình ướt sũng, mừng rỡ la hét
chạy tới nhảy chồm vào tôi nhiều lần như đứa trẻ thơ vừa gặp lại mẹ sau nhiều
năm trời xa cách. Quá xúc động, tôi thấy nước mắt mình ứa ra tự lúc nào và
nghẹn ngào ôm nó vào lòng, an ủi vỗ về: “Thôi nhé, Misa từ đây hãy ở đây, đừng
đi đâu hết nhé, tôi cũng nhớ Misa lắm mà.” Tên trưởng trại hay tin nó về cũng
có đến thăm và ông ra lệnh cho tên cán bộ Thọ hãy để Misa cho tôi giữ. Từ đó về
sau Misa chẳng rời tôi nửa bước, thỉnh thoảng cũng có đi chơi đâu đó, nhưng lúc
nào cũng về vào đúng giờ kẻng ngủ. Cho đến một ngày kia tên trại trưởng đến báo
cho tôi biết là Misa phá lắm, nó cắn chết những con dê con vừa mới đẻ tại
chuồng, ông bảo tôi là phải “xích nó” lại, nếu không sẽ làm thịt nó. Tôi hơi
ngạc nhiên về vấn đề này, vì từ lâu nay, gà thỏ con chung quanh chuồng trại
chẳng khi nào dám ăn một con mà ngược lại Misa còn canh giữ bảo vệ mỗi khi nghe
đàn gà cục tác đâu đó.
Sau thời gian bị kỷ
luật, Misa lại được thả ra và vẫn đi về đúng giờ. Trời mùa Ðông rất lạnh, tôi
thường ngồi nhen bếp lửa trong nhà mỗi đêm vừa tránh muỗi vừa sưởi ấm trước khi
chui vào mùng tìm cho mình giấc ngủ. Misa lại xuất hiện với cái miệng đầy máu
tươi cùng một miếng thịt tha về thả ngay bếp lửa. Lần này thì tôi thật sự nghi
ngờ chính Misa là thủ phạm giết chết các chú dê con. Tôi giữ lại miếng thịt,
mặc dầu rất thèm cho vào bếp lửa để nướng. Sáng hôm sau tôi dẫn Misa lại hiện trường,
xác chú dê con còn nằm lăn lóc trong góc chuồng. Cũng như lần trước tôi đè đầu
nó xuống, đánh cho một trận khủng khiếp đến nỗi nó phải té đái, tiếp tục bị
giam kỷ luật.
Thời gian cứ mãi trôi
qua, tôi và Misa vẫn là đôi bạn hằng ngày, Misa đã cho tôi niềm an ủi trong
kiếp sống đày đọa thiếu vắng lạnh lùng. Một tên vệ binh trại, sau 7 năm vắng
mặt nay trở về, hắn đã phải thốt lên lời ai oán “Tại sao lại giam các anh lâu
thế nhỉ? Tôi tưởng các anh đã về hết rồi chứ!” Dù sao đây cũng
là lời nói thật của một con người còn chút ít lương tâm, mọi vấn đề khác ngoài
tầm tay và khả năng của hắn.
Từ lâu tôi chẳng có
tin tức gì của gia đình. Lần cuối, năm 1986, bà xã tôi có ra thăm nhưng nửa
đường phải quay về vì bị mất hết tiền bạc giấy tờ do cướp giật trên tàu. Trong
một lá thư viết cho tôi, vợ tôi cho biết là đang ốm rất nặng và rất tuyệt vọng
trong sự mỏi mòn chờ đợi ngày tôi về. Còn tôi thì chẳng làm gì khác hơn, ngoài
chuyện viết thư an ủi hứa hẹn một ngày mai, mà tự tôi cũng chẳng biết đến bao
giờ. Tôi tự an ủi lấy mình, trong tất cả sự đau khổ tôi là kẻ may mắn nhất, nhờ
vào đức tin và sự cầu nguyện mỗi ngày. Tôi vẫn tiếp tục sống, ăn và vẫn thở bên
cạnh Misa, người bạn tù chung thủy của tôi.
Cuối cùng rồi việc gì
tới cũng phải tới, tôi được báo tin là đã có giấy ra trại vào những ngày cuối
cùng của năm 1987. Ðó là một buổi chiều đầy kỷ niệm khi nắng hoàng hôn vừa tắt
lịm dưới chân đồi, tên quản giáo cùng vệ binh Thọ đến ra lệnh cho tôi sắp xếp
hành trang, mọi việc hãy bàn giao người khác, sang Bộ Chỉ Huy Ðoàn để làm thủ
tục xuất trại. Thay thế tôi là anh Lang, trung úy cảnh sát, đang giữ đàn bò cho
trại, anh nhỏ người nhưng đầu anh thì quá to, chẳng bao giờ chịu khuất phục
dưới bất cứ hoàn cảnh nào. Việc anh không được thả về cùng bọn tôi trong đợt
này cũng không ngoài lý do đó, mặc dù cấp bậc và chức vụ thấp hơn tôi.
Tên Thọ ra lệnh cho
tôi gọi Misa về vì hắn sợ tôi sẽ dẫn Misa theo. Nghe tiếng tôi, Misa từ đâu đó
hớt hãi phóng về mừng rỡ quấn quít dưới chân. Ôm lấy nó mà giao lại cho tên
Thọ, tôi chẳng đành lòng nhưng trong hoàn cảnh này đành phải chịu, không biết
Misa có hiểu giùm tôi trong thân phận của một người tù!
Lần ra trại này cũng
được khoảng trên chục người, toàn là tù chính trị, họ bảo rằng chúng tôi được
ân xá vào dịp Tết sắp tới. Nhận lại số tiền đã được ký gửi từ nhiều năm trước,
thời ấy tương đương với 2 chỉ vàng mà bây giờ sau bao lần đổi tiền chỉ còn
tương đương vài lon gạo. Ðây là cuộc cách mạng vĩ đại nhất mà chế độ Cộng Sản
đã đem đến cho toàn dân miền Nam! “Xin cám ơn bác Hồ, xin cám ơn cách mạng.”
Cầm tờ giấy ra trại
trong tay, tôi cứ ngỡ mình đang sống trong một giấc mơ. Bao nhiêu năm đợi chờ
mỏi mòn, bao nhiêu năm bị đày đọa khổ ải, bao nhiêu nhung nhớ phân ly giờ là
lúc tôi đang lần mò tìm về hạnh phúc, một thứ hạnh phúc vô cùng quý giá mà biết
bao bạn tù tôi đã từng mơ ước, nhưng không may họ đã ngã quỵ dọc đường, họ đã
không bao giờ có được dù một tí hy vọng mong manh trước khi nhắm mắt lìa đời.
Lúc đi ngang qua con đường dẫn về trại để đến xóm dân tá túc qua đêm, tôi không
sao cầm được những giọt nước mắt xót thương cho những người bạn đồng tù đang
nằm yên bên phần mộ: của Kế, của Giỏ, của Nhơn, của Cát…. của những chiến hữu
anh hùng đã sống và chết thật hiên ngang bất khuất. Tự nhủ lòng mình, một ngày
nào đó nếu may mắn sống còn, chúng tôi có bổn phận phải vinh danh tưởng nhớ các
anh.
Ðã hơn 12 giờ đêm, tôi
vẫn không sao ngủ được nơi nhà một chiến hữu BÐQ đang định cư tại vùng kinh tế
mới. Tôi trở lại trại để lấy lại một số thư gia đình mà lúc chiều vội vã tôi đã
quên đi. Lang, người thay thế tôi vẫn còn thức và có lẽ chính anh cũng không
thể nào chợp mắt được trước sự ra về của anh em chúng tôi. Tôi lại dặn dò anh
một số công việc và nhất là phần lúa “chắc” tôi đã để riêng có thể giúp anh làm
ra một số gạo đủ tạm sống qua ngày. Lúc ra khỏi chòi trại, vì nhớ quá tôi khẽ gọi
“Misa, Misa”! Trong bóng đêm sâu thẳm, Misa nhảy tới chồm vào người tôi, có lẽ
nó cũng cảm nhận rằng có một điều gì đó thật lớn đang thay đổi cuộc sống chúng
tôi. Misa theo sát lấy tôi, chẳng rời nửa bước, nó ngủ ngay dưới chân giường
nơi tôi nằm suốt đêm ấy.
Chuyến xe khách Bình
Ðiền, Huế vào sáng ngày hôm sau có một người tù lặng lẽ trở về, bên tay còn dẫn
theo một con chó. Mọi cố gắng để mang nó vào Nam cùng tôi đành bất lực, vì
chẳng có phương tiện nào khác hơn ngoài chuyến tàu thống nhất Bắc Nam đông
nghẹt cả người. Misa được gửi nhờ ở nhà một người quen, và tôi tự nhủ lòng mình
sẽ trở ra để rước nó về. Buổi sáng lúc từ giã để ra bến tàu, tôi vẫn còn thấy
Misa lẩn quẩn gặm xương nơi quán ăn trước cửa nhà trông thật tội nghiệp.
Hai tháng sau trong
một thư nhận được từ Huế báo tin rằng Misa mải miết tìm tôi và cuối cùng thì
mất dạng không thấy nó về. Ðiều này đã làm tôi thật buồn và ân hận là nếu tôi
không mang nó về thành phố, thì nó vẫn sống bình an ở vùng núi đồi yên tĩnh đầy
kỷ niệm, nơi nó được nuôi nấng và lớn lên. Nó có thể buồn đôi chút vì vắng bóng
tôi, nhưng vì mọi việc sẽ phôi pha như trong cuộc sống bình thường một ngày như
mọi ngày. Còn tôi, niềm đau này vẫn mãi ám ảnh trong suốt đời mình cho dù tôi ở
bất cứ đâu và hoàn cảnh nào. Tôi đã không bảo vệ được một con vật biết sống hết
nghĩa tình với chủ. Hình ảnh Misa sẽ giữ mãi trong tận đáy lòng tôi như là một
vết thương nhức nhối. Ðời sống con người như những dòng sông rồi sẽ chảy ra
biển cả, những lỗi lầm mắc phải sẽ là những rong rêu mãi còn đọng lại dưới chân
cầu.
Bài viết này như một
lời “tạ tội” với Misa.
Phạm Văn Tiền
No comments:
Post a Comment