Monday, December 4, 2023

Tiểu Bang PENNSYLVANIA - Chương V - Nguyễn Giụ Hùng


CHƯƠNG V

VƯỜN HOA LONGWOOD

(Longwood Gardens)

 

      Chúng tôi lại tiếp tục lên đường để đến thăm vườn hoa Longwood Gardens.

      Longwood Gardens

      Longwood Gardens là một “vườn hoa” không những nổi tiếng của tiểu bang Pennsylvania mà còn là một trong vài vườn hoa nổi tiếng nhất của cả nước Mỹ.

      Vườn hoa được xây dựng trên một thửa đất rộng 1.077 mẫu Tây, với trên 11.000 loại hoa và thảo mộc khác nhau được trồng ở đây. Thật là một cảnh trí với bao “kỳ hoa dị thảo” được đem từ nhiều nơi trên đất Mỹ cũng như trên thế giới về đây. Bên cạnh đó là những vòi phun nước, những thảm cỏ xanh, hồ nước. Người thưởng ngoạn còn được xem trình chiếu về phim, nhạc với số lượng khoảng 400 lần một năm gồm cả những buổi đốt pháo bông. Riêng mỗi ngày có chương trình “water dance” (múa nước) theo những điệu nhạc cổ điển Tây phương hay nhạc hiện đại đương thời.

      Đứng về mặt lịch sử của vườn hoa. Khởi đầu vào năm 1700 khi một gia đình Quaker tên Peirce mua thửa đất này từ chủ nhân là William Penn. Dòng họ Peirce đã xây dựng thành một trang trại trồng cây vào năm 1798. Đến năm 1850 trại trồng cây được coi như một trại cây sưu tầm được nhiều loại cây quý giá nhất của quốc gia. Nó cũng đã mau chóng trở thành một “công viên” công cộng có giá trị cả về phương diện mỹ thuật lẫn giá trị về nghiên cứu thực vật. Sau đó trại cây được bán cho gia đình Pierre du Pont (gốc Pháp) vào năm 1906, lúc đó Pierre 36 tuổi.

      Kể từ năm 1907 tới năm 1930 ông Du Pont đã xây dựng nên một vườn hoa đẹp đẽ với kiến trúc và sự bố trí quang cảnh thành nhiều khu vườn hoa gần giống như những gì ta thấy ngày nay. Vì đi nhiều nơi trên thế giới nên ông đã có cơ hội tìm hiểu, học hỏi về một số công trình nổi tiếng từ những vườn hoa, lâu đài, hoàng cung sang trọng vùng Âu Châu, Á Châu, Trung Đông, hay từ các vùng tuyết lạnh tới vùng nhiệt đới, sa mạc. Ông đã mang về đây không biết bao nhiêu kiến thức và cây thảo mộc quý hiếm từ những vùng ông đã đi qua để xây dựng riêng cho mình một cảnh quang hỗn hợp, hài hòa riêng biệt cho vườn hoa.

      Tới năm 1946, vườn hoa được hoạt động như một “foundation” dưới tên Dupont. Ông Dupont qua đời vào năm 1954. Sau khi ông Dupont chết, người ta phải mướn một một “giám đốc” để thay thế ông trông nom. Và cũng từ đó trở đi, vườn hoa đã trở nên một nơi tuyệt đẹp để mọi người đến thưởng lãm và học hỏi.

      Chúng tôi vừa tới cổng khu vườn hoa Longwood Gardens đã thấy ngay một khu đất phía trước và bên hông cổng vào, được trồng nhiều loại hoa màu sắc thật rực rỡ làm du khách cảm thấy thích thú ngay từ giây phút ban đầu.

      Vừa mua vé xong, chúng tôi được hướng dẫn vào phòng chiếu phim kế bên để xem một đoạn phim dài chừng mười phút. Đoạn phim này, trước tiên giới thiệu lịch sử vườn hoa Longwood từ ngày mới thành lập tới nay. Sau đó là phần giới thiệu quang cảnh vườn hoa thay đổi theo bốn muà. Mỗi mùa có những loại hoa, cảnh trí, màu sắc và sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật theo từng mùa ấy. Và cuối cùng của đoạn phim là phần hướng dẫn du khách đi thăm ngôi “nhà kính” to lớn và kỳ thú, rồi nào nhạc viện, những con đường thơ mộng uốn lượn theo những bờ hồ, rồi nào hồ xây gạch có vòi phun nước “water dance” tân kỳ với điệu múa nước nhún nhẩy theo điệu nhạc, lung linh dưới sự thay đổi của ánh đèn màu chiếu vào.

      Cũng kế ngay phòng chiếu phim là phòng tiếp khách (lobby) và ngay đằng sau quầy bán vé là một phòng lớn cung cấp những chi tiết hay tin tức (information) mà du khách muốn biết. Tại đây cũng bán hàng lưu niệm và sách có liên quan đến vườn hoa Longwood Gardens.

Khi vừa qua khu vực bán vé chúng tôi bước vào trong sân khu vườn. Vườn hoa được mở rộng ra. Trong vườn, nhiều con đường gạch đỏ hay tráng xi măng chạy theo một lộ trình đầy nghệ thuật. Bên dọc các con đường ấy là những vườn hoa nhỏ đủ loại, đủ màu sắc được sắp xếp sao cho những “mảng” màu sắc ấy thật hài hòa với nhau. Để thưởng thức cho hết cảnh đẹp ấy và để chụp hình chúng ta cũng phải mất cả giờ đồng hồ.

      Càng đi về phía sâu của vườn, chúng ta càng thấy mình đi gần với cảnh trí thiên nhiên: nào với những cây lớn mọc rải rác trên đồi xanh; nào với những cây liễu rủ bên hồ. Trong hồ vài con ngỗng trắng hay thiên nga bơi lội thảnh thơi trong đó. Rải rác đây đó vài khu có nhiều cây cao hợp lại như một cánh rừng nho nhỏ. Vào mùa thu như lúc này, những cây lá đỏ, lá vàng làm rực rỡ cả khu rừng ấy. Ngồi trên ghế đá, dưới tàn cây lớn, nhìn sóng nước lăn tăn trong hồ, nhìn những con thiên nga bơi lờ lững và nghe chim hót thì quả thực đó là thởi gian mà ta có thể tận hưởng được sự thanh bình đến lắng đọng.

     Chúng tôi cứ thảnh thơi đi thong dong trong khu vườn rộng. Sau đó ghé vào ngôi “nhà kính” lớn có kiến trúc rất đẹp, đồ sộ, mái thật cao và được trang trí thật nguy nga. Trong ngôi “nhà kính” này cũng có hồ xây, có suối nhỏ luồn lách và nước chảy róc rách qua những thác nhân tạo.

      Ngôi nhà kính được chia ra làm nhiều khu vực. Có khu trồng những loại hoa lan, có loại ta thường gặp, có loại hiếm quý; khu trồng những cây miền hàn đới; khu trồng những cây thuộc vùng Địa Trung Hải và vùng sa mạc nơi ta được thấy nhiều cây “xương rồng” có hình dáng kỳ lạ mà ta có thể chưa từng gặp bao giờ; khu trồng những cây vùng nhiệt đới rất quen thuộc với tôi, có lúc tôi đứng lặng trước vài khóm cây mà tôi thường gặp ở quê nhà; khu triển lãm hàng vài chục cây “bonsai” lâu đời hàng trăm năm. Có khu khi ta bước chân vào cứ tưởng như ta đang bước vào vườn “thượng uyển” của một cung điện bên Âu Châu. Nhiều thứ để xem lắm. Nếu chúng ta đi cho hết ngôi “nhà kính” này thì cũng phải mất đến cả giờ.

      Chúng tôi ra khỏi “nhà kính”, ngồi nghỉ chân trên một “terrace” ngay phía trước nhà kính. Trên “terrace” có nhiều hàng ghế dài được xếp ngay ngắn và có hàng lối. Từ đây ta có thể nhìn xuống một khu vườn cây cảnh rộng lớn ngay phía dưới. Những cây cảnh này gồm những cây xanh được cắt tỉa theo những hình khối kỷ hà, vuông, chữ nhật, tròn, hình côn hay xoắn ốc đầy nghệ thuật, trông rất đẹp và lạ mắt.

Chúng tôi xuống khu vườn cây phía dưới chụp vài tấm ảnh rồi lững thững ra về trong nuối tiếc và tự hứa sẽ có ngày trở lại để thăm tiếp vườn hoa Longwood Gardens này.

      Cũng thật tình cở một cách thích thú là khi đi ngang qua “nhạc viện”, chúng tôi được xem một màn múa nước “water dance” thật ngoạn mục vừa bắt đầu khởi diễn. Nước được phun lên từ hồ phun nước (fountain) bằng một hệ thống “thuỷ động lực” (hydraulic) qua 750 vòi phun với áp suất cao. Nước có thể phun cao lên tới 130 feet. Hồ phun nước này là hồ phun chính của vườn hoa. Được xem những “show” nước nhẩy múa này làm tôi liên tưởng tới hồ nước phun tương tự như ở Las Vegas trước khách sạn Bellagio, nhưng tất nhiên là hồ nước phun ở vườn hoa này thì nhỏ hơn. Ngồi nhìn nước múa theo nhạc điệu của những bản nhạc cổ điển Tây phương êm dịu cũng đủ mang đến cho du khách nhiều thích thú. Màn biểu diễn múa nước vừa rồi như gửi đến chúng tôi một lời tạm biệt trước khi chúng tôi rời nơi đây.

      Chúng tôi lái xe tới thành phố lớn để thuê khách sạn nghỉ lại đêm nay và cũng để chuẩn bị cho cuộc hành trình ngày mai, tiếp tục tiến về phía Bắc của miền Đông Bắc Hoa Kỳ.

      Trên đường lái xe về chúng tôi không quên ghé vào một thị trấn nhỏ mang tên Hershey để thăm một cơ xưởng sản xuất kẹo “chocolate” mang hiệu Hershey trên đường Chocolate Avenue.

      Hãng chocolate này do ông Milton Hershey Snavely thành lập vào năm 1903.

Khi vừa bước vào văn phòng tiếp khách, chúng tôi thấy ngay một bức ảnh 3 chiều (3D) in hẳn lên một bức tường lớn. Bức ảnh chụp ông Hershey với vài thanh thiếu niên. Bức ảnh nhìn thật sống động và nổi bật lên như thật. Tôi “quê mùa” định ghé ngồi nghỉ chân vào thềm đá thì mới giật mình biết là đó chỉ là tấm ảnh phẳng.

      Chúng tôi được dẫn đi xem những thiết bị, máy móc được triển lãm trong phòng trưng bày “lịch sử” của hãng kẹo chocolate Hershey. Trong phòng trưng bày, ta có thể hình dung và gợi nhớ lại một số hình ảnh của những thỏi kẹo được sản xuất từ những năm rất xa xưa với giá tiền chỉ tính bằng xu (cent). Chúng tôi được xem phim ảnh chiếu giới thiệu tiến trình sản xuất của vài loại kẹo thường gặp.

       Bên cạnh phim ảnh với nội dung về sản xuất kẹo chocolate, chúng tôi còn được xem một đoạn phim rất thích thú với những hình ảnh mà hãng kẹo Hershey đã chăm lo cho công nhân làm việc của họ ra sao. Ngay từ ban đầu, khi vừa lập hãng xưởng sản xuất, ông Hershey đã tạo nhiều phúc lợi, điều kiện tiện nghi và xây dựng một cộng đồng tốt đẹp cho công nhân làm việc ở đây. Ông đã phục vụ công nhân bằng cách xây cất những khu nhà khang trang bán trả góp với giá trả hàng tháng thấp hơn đi thuê, trường học cho con em, câu lạc bộ thể thao, nhà nuôi trẻ mồ côi, “nhà hát lớn” rộng tới 6 mẫu tây với rạp chiếu phim và cả phòng khiêu vũ sang trọng sân vận động có thể dùng làm nơi hòa nhạc ngoài trời ... Cộng đồng công nhân ấy vẫn tiếp tục phát triển cho tới ngày nay.

      Chúng tôi cũng được thực tập, mỗi người làm một cái kẹo chocolate hình “bán cầu” to bằng nắm tay, có thành rất mỏng như nửa quả bóng cao su nhỏ.

 

Kết luận cho toàn chuyến đi chơi tiểu bang Pennsylvania

      Sau vài ngày lang thang trên tiểu bang Pennsylvania chúng tôi gặt hái được nhiều điều thích thú, được xem nhiều cảnh đẹp, được chiêm ngưỡng nhiều di tích lịch sử, biết được những khó khăn của thời lập quốc cùng với bao sự hy sinh của những lớp người đi trước. Cách đây cả hơn 200 năm, có những khối óc tuyệt vời đã xây dựng cho đất nước này một nền tảng căn bản cho hệ thống điều hành quốc gia “tự do dân chủ” trong tinh thần của một chính quyền mạnh của dân, do dân và vì dân với một hiến pháp dựa trên tam quyền phân lập một cách phân minh mà nhiều quốc gia trên thế giới ngày nay đang noi theo như một kim chỉ nam trên con đường tạo dựng nền tự do dân chủ cho xứ sở mình. Chúng tôi được đến thăm những địa danh lịch sử nổi tiếng mà ở nơi đó đã từng diễn ra những trận chiến khốc liệt nhưng cũng đầy oanh liệt của thời kỳ Chiến Tranh Cách Mạng và của thời Nội Chiến Hoa Kỳ.

      Chúng tôi cũng được tìm hiểu về nền văn hóa và cách sống hết sức đặc biệt của người Amish; được đi thăm vườn hoa Longwood Garden nổi tiếng về đẹp và lâu đời; một cơ sở sản xuất công nghiệp có một tổ chức “an sinh phúc lợi” tuyệt hảo cho công nhân từ những ngày trước cuộc Cách mạng Liên Xô xảy ra năm 1917.

      Tôi nghĩ cho vui, phải chi ông Lenine đến đây thăm cộng đồng công nhân Hershey này trước khi ông hô hào đạp đổ hệ thống Tư Bản để thiết lập một xã hội Cộng Sản. Tuy nhiên, ngày nay, người Cộng Sản nói “đổi mới” có nghĩa là họ quay trở lại với những gì mà họ đã từng hô hào ra sức đạp đổ trước đó, và quay trở về với cộng đồng nhân loại văn minh.

      Và vượt lên trên tất cả, trong chuyến đi thăm tiểu bang Pennsylvania là chúng tôi thật vui sướng khi được gặp lại gia đình người bạn Chấn Oanh mà chúng tôi đã từng quen biết và đã trở thành những người bạn tri kỷ của nhau trong suốt hơn 50 năm qua. Cám ơn bạn Chấn đã tặng tôi một bài thơ nói về tình bạn, một bài thơ mà tôi sẽ không bao giờ có thể quên được. Thật quý thay cho một tình bạn vĩnh cửu!

 

NGUYỄN GIỤ HÙNG

Vài hình ảnh trong vườn hoa Longwood Gardens.


Tài liệu tham khảo:

- Những dữ kiện lịch sử trong bài này được người viết sưu tầm, chọn lọc và dịch hoặc phỏng dịch từ những nguồn sử liệu Hoa Kỳ.

- Hình ảnh lấy từ Internet.

 

Mời đọc lại:

Chương I: Tổng quát

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/06/tieu-bang-pennsylvania-chuong-1-nguyen.html

Chương II / Phần 1: Philadelphia / Ngôi nhà tuyên bố Độc lập

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/07/tieu-bang-pennsylvania-chuong-ii-nguyen.html

Chương II / Phần 2: Chuông Tự do

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/07/tieu-bang-pennsylvania-chuong-ii-nguyen_6.html

Chương III: T/p Alantic - Làng Amish - Căn cứ Valley Forge (Đương đăng)

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/10/tieu-bang-pennsylvania-chuong-iii.html

Chương IV: Chiến trường Gettysburg

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/11/tieu-bang-pennsylvania-chuong-iv-nguyen.html

Chương V: Vườn hoa Longwood

 


HẾT

No comments:

Post a Comment