Friday, November 3, 2023

Tiểu Bang PENNSYLVANIA - Chương IV - Nguyễn Giụ Hùng

CHƯƠNG IV

CHIẾN TRƯỜNG GETTYSBURG 

 Chiến trường Gettysburg

      Đây là chiến trường đẫm máu và nổi tiếng nhất trong cuộc Chiến Tranh Nội Chiến (Civil War), hay Chiến Tranh Nam-Bắc của người Hoa Kỳ. Chiến tranh diễn ra giữa người Miền Nam và người Miền Bắc, kéo dài trong suốt bốn năm từ 1861 tới 1865.

      Trận Gettysburg xảy ra vào tháng 7 năm 1863. Tướng Robert E. Lee, Tư lệnh lực lượng quân đội Miền Nam, chuyển quân từ Virginia tới phía nam của Pennsylvania với hy vọng là tiếp tục tiến thêm lên phía bắc rồi chuyển hướng về phía nam để bất chợt tấn công thủ đô Washington D.C. Như đã đoán được mưu tính của Tướng Lee, quân đội Miền Bắc, dưới sự chỉ huy của Tướng George Meade đã chuyển quân tới chận đứng sự tấn công của quân Miền Nam. Quân đội hai bên gặp nhau ở Gettysburg. Một trận thư hùng đẫm máu đã xảy ra và kéo dài ba ngày liên tiếp. Kết quả là quân đội Miền Nam đã thiệt hại 20.000 người, chiếm 1/3 tổng số lực lượng của toàn quân đội Miền Nam. Quân đội Miền Bắc cũng thiệt hại với con số tương tự. Quân đội Miền Nam đã từ từ rút lui trở lại Virginia. Tinh thần chiến đấu của quân đội Miền Nam sa sút một cách thảm hại.

      Ngày nay, nếu ai đến thăm thành phố Gettysburg thì đó chỉ là một thành phố nhỏ, im lìm, không khác mấy với thành phố của những năm 1863. Chung quanh thành phố vẫn còn là những nông trại. Chúng tôi ghé vào “Information Center” trong thành phố này để xin một số tài liệu cần thiết.

      Để có thể quan sát toàn bộ chiến trường Gettysburg năm xưa, chúng ta sẽ phải lái xe một quãng đường vòng dài 22 dặm Anh (miles) bao quanh chiến trường ấy và sẽ đi qua 2.388 di tích gồm những tượng đài, kỷ vật như súng “cà-nông” đủ loại lớn nhỏ . . . được xây dựng và thiết trí dọc hai bên đường.

      Những tượng đài của những tiểu bang tham chiến được xây dựng trong phạm vi khoanh vùng theo quy hoạch, định sẵn cho mỗi tiểu bang, để vinh danh kể cả phe thắng lẫn phe thua trận. Điểm này làm tôi nhớ tới nghĩa trang Quân đội Biên Hoà tiêu điều hiện nay ở quê nhà. Phải chăng sự suy nghĩ và hành xử của một nước tân tiến có chỗ khác nhau ấy? Nhưng nghĩ cho cùng, ông cha ta thuở xưa, sau khi vua Quang Trung chiến thắng quân Thanh, giải phóng Thăng Long, dân ta đã dựng miếu “cô hồn” ở Đống Đa để thờ cúng cả những vong linh liệt sĩ của ta lẫn của quân thù tử trận. Khi chết họ đã được đối xử như nhau. Tinh thần nhân bản trên đất nước ta có sự khác biệt giữa xưa và nay chăng?

      Đứng trên mỏm đồi cao, nơi mà một danh tướng Miền Bắc đã đứng tại đây chỉ huy mặt trận năm xưa, tôi nhìn xuống một cánh đồng rộng mênh mông và bằng phẳng có những con đường nhỏ chạy băng qua lại. Và tôi mường tượng ra trận đánh oai hùng và oanh liệt của cả hai bên. Gió thổi vù vù bên tai, tôi đứng lặng và cảm thấy bùi ngùi, thương cảm cho những người nằm xuống.

      Chúng tôi lái xe vòng quanh chiến trường. Tại mỗi tượng đài của mỗi tiểu bang chúng tôi đều dừng lại chụp vài tấm ảnh.

      Nói về trận chiến Gettysburg, chúng ta không thể không nhắc tới một câu chuyện thật lý thú. Đó là bài diễn văn nổi tiếng của Tổng hống Lincoln.

      Diễn văn của Tổng Thống Lincoln

Abraham Lincoln

       Một điều thích thú là có một sự kiện lịch sử đã diễn ra ở nơi đây, đó là bài diễn văn lịch sử được đọc vào ngày 19 tháng 11 năm 1863 của Tổng Thống Abraham Lincoln tại Nghĩa trang Gettysburg.

      Qua bài diễn văn này, những nhà sử học có thể tìm hiểu được cá tính cũng như tác phong trước công chúng của Tổng Thống Lincoln.

      Để vinh danh những chiến sĩ Miền Bắc đã hy sinh trong chiến trận Gettysburg, chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ đã cho xây dựng một nghĩa trang cho họ. Trong lễ khánh thành nghĩa trang, nhà hùng biện và là nhà diễn thuyết tài ba lừng danh của Hoa Kỳ thời đó là ông Edward Everett được mời là nhân vật chính đọc bài diễn văn tưởng niệm trước tiên. Tổng Thống Abraham Lincoln cũng được mời đọc một bài diễn văn phụ kế tiếp sau đó.

      Ông Edward Everett đã từng là Thống Đốc của Tiểu bang Massachusetts, Đại Sứ tại Anh Quốc, Hiệu Trưởng trường Đại Học Harvard và là tác giả của 4 cuốn sách đã in về những bài diễn thuyết của ông.

      Còn ông Abraham Lincoln được coi là một nhà chính trị tài ba nhưng không phải là một nhà hùng biện. Vả lại người trưởng ban tổ chức, ngay từ đầu, đã không có ý định mời Tổng Thống tham dự buổi lễ tưởng niệm này. Nhưng trước ngày khai mạc hai tuần, ông Lincoln nhận được một lá thư mời từ Ban tổ chức với nội dung xin nói vài lời sau bài diễn văn của ông Everett.

      Vào gần 11 giờ sáng ngày làm lễ, Tổng Thống Lincoln cưỡi ngựa cùng đoàn tháp tùng từ Thành phố Gettysburg đến nghĩa trang. Người ta thấy Tổng Thống ngồi cong người trên lưng ngựa với dáng điệu vô cùng mệt mỏi. Sự mệt mỏi đến từ những vấn đề khó khăn của quốc gia, của hậu chiến tranh “Nội Chiến” cần phải được giải quyết. Nó đòi hỏi nhiều đến sự suy nghĩ và tính toán của ông.

      Ông Lincoln đến khán đài vào 11 giờ 15 phút đúng. Ngồi trên khán đài cùng Tổng Thống gồm các sĩ quan cao cấp, những nhân vật lập pháp trong Quốc Hội, những nhà ngoại giao đoàn. Số người tham dự buổi lễ tưởng niệm gồm khoảng 15.000 người.

      Giờ khai mạc được Ban tổ chức ấn định là 11 giờ 15, nhưng vẫn chưa thấy sự xuất hiện của ông Everett. Ban nhạc chơi liên tục để trám vào thời gian chờ đợi sự có mặt của ông.

      Ông đã đến vào lúc 12 giờ đúng. Sau khi mở lời chào Tổng Thống và quan khách, ông Everett đã đọc bài diễn văn tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong chiến trận. Bài diễn văn là một bài hết sức tiêu biểu của thời đó với những lời hoa mỹ. Ông nhắc đến ba ngày đẫm máu trong trận chiến, ông nhắc cả tới những lịch sử Châu Âu, lịch sử Hy Lạp và “Quyền Tiểu Bang” (State’s Right) ... Bài diễn văn kéo dài 1 giờ 57 phút. Khi bài diễn văn vừa chấm dứt, những tràng pháo tay hoan hô và tán thưởng vang lên và dài tưởng chừng như vô tận.

      Đến lượt Tổng Thống Lincoln lên diễn đàn. Thật là một hình ảnh trái ngược. Ông Everett là một người cao lớn, đẹp trai, ăn mặc thật lịch sự. Ông Lincoln thì ăn mặc quá đơn giản với khuôn mặt đầy mệt mỏi. Ông đứng với dáng gù gù trong chiếc áo măng-tô dầy cộm. Chậm rãi, ông đeo cặp kính trắng lên rồi rút tờ giấy viết sẵn trong túi áo ra đọc. Ông đọc một cách từ tốn, rõ ràng nhưng bài diễn văn chỉ chứa đựng có 9 câu và kéo dài được khoảng 5 phút. Bài diễn văn được kết thúc bằng một câu nói lịch sử và để đời không những cho dân tộc Hoa Kỳ mà còn cho những quốc gia yêu chuộng tự do dân chủ trên thế giới: “Government of the people, by the people, and for the people” (Chính quyền của dân, do dân và vì dân). Và để vinh danh cho những chiến binh nằm xuống trong trận chiến Gettysburg, ông nói: “The world will little note, nor long remember, what we say here, but it can never forget what they did here” (Thế giới sẽ ít lưu ý, cũng không nhớ lâu, những gì chúng ta đang nói ở đây, nhưng sẽ không bao giờ có thể quên những việc họ đã làm ở nơi này).

      Bài diễn văn của ông thật thân ái phát xuất từ trái tim ông và cũng là kim chỉ nam, đặt một nền móng dân chủ cho xứ sở Hoa Kỳ trong tương lai.

      Khi bài diễn văn của ông vừa chấm dứt, sự yên lặng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn. Sự yên lặng ấy không phải để dành cho sự kính phục hay ngưỡng mộ mà là một sự thất vọng vì mọi người trông đợi một bài diễn văn dài hơn như họ nghĩ. Khi ông trở về chỗ ngồi, những tiếng vỗ tay rời rạc dành cho ông chỉ đủ để tỏ sự lịch sự cần thiết.

      Buổi lễ tưởng niệm chấm dứt. Mọi người vội vã trở về nhà. Không một ai tỏ ra hứng thú hay bàn bạc về bài diễn văn của Tổng Thống Lincoln. Đêm hôm đó, trên chuyến xe lửa trở về Tòa Bạch Ốc, ông tâm sự cùng đoàn tháp tùng: “Bài diễn văn của tôi thật nhàm chán và đã làm mọi người thất vọng”. Đa số giới truyền thông, báo chí cũng cho là như vậy. Có nhà báo còn đi xa hơn nữa, cho bài diễn văn của ông là một điều làm mọi người cảm thấy xấu hổ cho một vị Tổng Thống Hoa Kỳ.

      Nhưng sau này, một số người đã đánh giá khác đi và đã đưa bài diễn văn này vào kho tàng văn học (literature) vì tính giản dị, đi trực diện vào trung tâm vấn đề với những ngôn từ thật chính xác.

      Về phần ông Everett, ngay ngày hôm sau, ông đã gửi thư cho Tổng Thống Lincoln để bầy tỏ ý kiến của mình: “Tôi đã tự cảm thấy mình được sung sướng vì đã đi gần đến được ý chính mà tôi muốn nói, nhưng tôi đã phải mất tới hai giờ đồng hồ, mà với ông, chỉ cần hai phút là ông đã có thể đi thẳng vào được trung tâm vấn đề một cách rõ ràng”.

      Ông Lincoln viết trả lời: “Cám ơn ông, ông đã cho tôi cái cảm giác là bài diễn văn của mình không hoàn toàn nhàm chán”.

      Để nói thêm một phần về cá tính của Tổng Thống Lincoln tôi xin kể một giai thoại nữa về ông, được đóng trong ngoặc { } dưới đây, trích từ cuốn “How to win friends and influence people” của Dale Carnegie do ông Nguyễn Hiến Lê dịch dưới tựa đề cuốn sách là Đắc Nhân Tâm. Câu chuyện đưới đây tôi tin là đã xảy ra ở mặt trận Gettysburg này.

{Trong thời Nam Bắc chiến tranh, có một lần bại quân phương Nam, ban đêm chạy tới một dòng sông, vì mưa bão mà nước dâng lên cao không thể qua nổi. Ông Lincoln đánh “dây thép”, rồi muốn cho chắc chắn hơn, lại sai người mang hiệu lệnh cho Tướng Meade cầm đầu quân phương Bắc phải lập tức tấn công quân phương Nam do Tướng Lee cầm đầu. Nhưng Meade vì ngần ngừ, trễ nãi đã làm ngược hẳn lệnh của ông và để quân phương Nam thừa lúc mực nước xuống, qua sông mà thoát được, lỡ một cơ hội độc nhất vì chỉ cần thắng một trận đó là có thể chấm dứt cuộc Nam Bắc tương tàn ngay tức khắc.

Ông Lincoln giận lắm, la lên: “Trời cao đất dầy, như vậy là nghĩa lý gì?”. Đoạn ông hậm hực viết lá thư này:

Đại tướng thân mến,

Tôi không tin rằng ông nhận chân được sự đại tướng Lee trốn thoát tai hại là dường nào! Quân đội y ở trong tay ta, và y đã bại trận nhiều phen, nên đánh ngay lúc đó thì chỉ một trận là chiến tranh đã kết liễu. Nay thì nó sẽ kéo dài ra không biết đến bao giờ. Thứ hai trước, ông đã không thắng nổi Lee, bây giờ y đã qua sông, mà lực lượng của ông chỉ có thể bằng hai phần ba hôm đó thì làm sao thắng nổi y được nữa?

. . . Dịp may nghìn năm một thuở của ông đã qua rồi và không ai thấu nổi nỗi buồn khổ của tôi! ...

Nhưng bức thư đó, bức thư trách nhẹ nhàng có vậy, ông viết rồi mà không gởi đi. Sau khi ông chết người ta mới tìm thấy nó trong đống giấy tờ của ông.

Ông Theodore Roosevelt kể lại rằng hồi ông còn làm Tổng Thống Hoa Kỳ, mỗi lần gặp điều gì khó xử, thường ngả lưng vào ghế, nhìn lên tấm hình của Lincoln treo trên tường và tự hỏi: Lincoln ở địa vị mình, sẽ xử trí ra sao?”}

      Theo tôi thì Tổng Thống Roosevelt đã học được ở ông Lincoln nhiều hơn nữa, nhất là đức tính ôn tồn mà ông Roosevelt đã áp dụng để lôi kéo những người trong chính trường ở New York đã từng chống đối ông để trở thành những người ủng hộ ông khi ông còn làm Thống Đốc của tiểu bang này.

      Khi nói đến trận chiến Gettysburg chúng ta cũng không thể không nhắc tới một nhân vật nổi tiếng của quân đội miền Nam và cũng từ đấy ta có thể tìm hiểu thêm được bối cảnh của chiến trận này. Đó là Tướng Robert E. Lee

      Robert E. Lee

                         Robert E. Lee                                            Chiến trường Gettysburg

Ngay từ đầu thế kỷ thứ 17, những trại chủ thuộc Miền Nam Hoa Kỳ đã dùng người nô lệ da đen đưa từ Phi Châu sang để làm công việc đồng áng nặng nhọc hay giúp việc trong nhà. Những công việc này không đòi hỏi một sự hiểu biết chuyên môn nào mà chỉ thuần túy là lao động chân tay. Dần dần, sự phát triển nông nghiệp của Miền Nam phải phụ thuộc rất nhiều vào thành phần nô lệ ấy.

     Ngược lại, những tiểu bang Miền Bắc Hoa Kỳ lại không cần tới nô lệ. Ngoài ra họ còn dựa vào đức tin tôn giáo mà chống lại sự hiện hữu của chế độ nô lệ nữa. Để phản bác sự chỉ trích của người Miền Bắc về vấn đề nô lệ, người Miền Nam đã trả lời lại là những người nô lệ Miền Nam được đối xử tốt hơn những công nhân Miền Bắc làm việc trong các xí nghiệp.

       Bên cạnh đó, có những vấn đề có tính cách chính trị khác làm sứt mẻ và chia rẽ giữa những tiểu bang trong một Liên bang lỏng lẻo của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

      Vào thời gian đó, một người thường tự nhận mình là “người Pennsylvania” (Pennsylvanian) hay là “người Virginia” (Virginian) chứ không phải cùng nhận là người Hoa Kỳ (American) như ngày nay. Những tiểu bang Miền Nam đều tự cho mình có cái quyền tự do hoạch định đường lối riêng để phát triển cho tiểu bang của mình được gọi là “Quyền Tiểu Bang” (State’s Rights) và họ có quyền rút chân ra khỏi Liên Bang nếu họ muốn. Những tiểu bang Miền Bắc thì lại cho rằng cần có một chính quyền trung ương mạnh của Liên bang.

      Người phải chịu đựng nhiều nhất trong những vấn đề nan giải của quốc gia Hoa Kỳ lúc đó là ông Robert E. Lee. Ông được sinh trưởng trong một gia đình giầu có và quyền uy nổi tiếng tại Virginia. Cha ông nổi tiếng trong Chiến Tranh Cách Mạng của Hoa Kỳ và là bạn thân của cựu Tổng Thống Washington. Mẹ ông là bà Ann Carter, một gia đình vọng tộc nổi tiếng của tiều bang này.

      Vợ ông là bà Maria Custis. Bà Maria Custis lại là con gái của một gia đình tiếng tăm của Virginia là gia đình Grorge Washington Park Custis, con nuôi của Tổng Thống George Washington.

      Ông còn có cái hãnh diện nữa vì ông là người Virginia, một tiểu bang có tới 7 trong số 13 vị Tổng Thống Liên Bang tính tới thời gian đó, mà trong đó có những người nổi tiếng như George Washington, Patrick Henry, Thomas Jefferson, James Madison.

      Bản thân ông là một người cao lớn, đẹp trai, con nhà quyền quý và tốt nghiệp tại trường Đại Học Quân Sự West Point (Military Academy at West Point) năm 1829. Hiện tại lúc đó ông là Đại Tá trong quân đội Liên Bang.

      Sau khi tốt nghiệp West Point, ông phục vụ trong quân ngũ suốt 15 năm với chức vụ sĩ quan cấp thấp. Ông đã chứng tỏ là một sĩ quan sáng chói trong trận chiến tranh với người Mễ Tây Cơ (Mexican War) và có công lớn đem chiến thắng về cho Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh này. Ông được thuyên chuyển về làm Chỉ huy trưởng của Trường Quân Sự West Point. Ông ở chức vụ này vài năm, sau đó được chuyển về Texas để đánh nhau với người Da Đỏ và bảo vệ vùng biên giới với Mễ Tây Cơ.

      Khi ông ở Texas thì South Carolina tuyên bố tách rời ra khỏi Liên Bang vào tháng 12 năm 1860. Tới tháng Hai năm sau, Mississippi, Florida, Alabama, Louisiana, GeorgiaTexas cùng tuyên bố tách ra khỏi Liên Bang để cùng với South Carolina lập nên một Liên minh được gọi là “Confederacy” (Liên Bang Miền Nam) của những tiểu bang miền Nam vừa kể. Ông được gọi về Washington   D.C và người chỉ huy cũ của ông trong trận chiến tranh với người Mễ Tây Cơ là Tướng Winfield Scott đề nghị giao cho ông chức vụ Tư lệnh quân đội của phe “Union” là tên gọi phe Liên minh của những tiểu bang Miền Bắc. Ông trả lời là ông chưa sẵn sàng để nhận nhiệm vụ này.

      Thật sự ra là ông đang chờ đợi tình hình biến chuyển của tiểu bang Virginia. Lúc này Virginia chưa tuyên bố tách ra khỏi Liên Bang. Ông vẫn còn hy vọng là trong những tháng sắp tới tình hình sẽ được giải quyết và tránh được chiến tranh.

      Khoảng hai tháng sau, vào ngày 24 tháng Tư năm 1863, ông lại được đề nghị giữ chức vụ như lần trước, đây là lần thứ hai ông được đề cử. Nhưng cùng ngày hôm ấy, Virginia tuyên bố tách ra khỏi Liên Bang và cùng đứng chung trong Liên minh “Confederacy” Miền Nam.

      Giờ quyết định khó khăn của ông đã đến. Và ông đã có sự lựa chọn không thể nào khác hơn. Ông đã từ chối sự đề nghị của Washington D.C với sự giải thích là ông không thể nào tấn công những người trong cùng tiểu bang ông, nơi ông đã sinh trưởng. Và sau đó, ông chấp nhận làm Tổng Tư Lệnh quân đội Miền Nam.

      Robert E. Lee cũng biết được cán cân lực lượng của Miền Bắc hơn hẳn Miền Nam. Quân đội Miền Bắc có nhiều lợi điểm hơn Miền Nam như:

      - Phía “Confederacy” Miền Nam chỉ gồm 11 tiểu bang với dân số là 9 triệu người, trong số đó có 4 triệu người là nô lệ.

      - Phía “Union” Miền Bắc gồm 21 tiểu bang với 23 triệu người.

      - Những tiểu bang Miền Nam chuyên về canh nông, chỉ có vài con đường xe lửa. Lại nữa, họ không có nổi một cơ xưởng nào chế tạo giầy hay có thể dệt vải để cung cấp quần áo cho dân chúng và quân đội. Mặt khác, những tiểu bang Miền Bắc thì chuyên về kỹ nghệ, có nguồn cung cấp vô tận về sản xuất, chuyên chở và tài chính dồi dào.

      Sự chọn lựa của Lee dựa trên cảm tính hơn là sự phán đoán về lý trí. Ông nặng về tình gia đình, truyền thống và niềm kiêu hãnh về tiểu bang quê hương sinh trưởng của mình. Ta có thể gặt hái được một kinh nghiệm ở đây, đứng về phương diện quốc gia, một sự chọn lựa sai lầm có thể đưa cả dân tộc vào thảm họa.

      Chúng tôi rời khu chiến trường Gettysburg vào buổi chiều để trở lại thành phố Lancaster. Tôi đoán giờ này hai bạn Chấn Oanh đang bận rộn chuẩn bị cho một bữa ăn tối thật thịnh soạn cho tối nay khi chúng tôi trở về đấy ngủ lại thêm một đêm nữa để ngày mai tiếp tục cuộc hành trình.

      Quả không ngoài dự đoán, khi chúng tôi trở về tới nhà thì Chấn Oanh đã gần như hoàn tất bữa cơm thịnh soạn ấy.

* * *

      Sáng sớm hôm sau chúng tôi chia tay gia đình người bạn trong bịn rịn và không quên hẹn ngày tái ngộ. Tôi đã cảm động đến rớt nước mắt khi Chấn tặng riêng tôi một bài thơ dài Chấn làm. Tôi chép lại ở đây:

Bạn Tôi,

. . . (cắt đoạn) . . .

Những lần về thành phố,

Ghé nhà đèn Chợ quán (*)

Trong căn phòng ồn ào tiếng máy

Cười và nắm chặt cổ tay anh 

. . . (cắt đoạn) . . .

Giờ đây, đến tuổi “cổ lai hy”

Mừng anh có thời giờ hơn cho chị,

Quây quần bên con cháu

Du lịch đó đây,

. . . (cắt đoạn) . . .

Anh ở miền Tây, tôi ở Đông,

Thỉnh thoảng gặp nhau,

Mừng rỡ chuyện trò,

Câu chuyện mãi nối tiếp không ngưng.

Tri kỷ,

Một đời,

Được mấy ai.

Đặng Minh Chấn                                    

(Lancaster)

 

(*) Nhà Đèn: Nhà máy Nhiệt Điện Chợ Quán ở Trung tâm Sài Gòn

 

      Chúng tôi lại tiếp tục lên đường để đến thăm vườn hoa Longwood Gardens.

        

Mời đọc tiếp Chương V

(Vườn hoa Longwood Garden)

 

Mời đọc lại:

Chương III: T/p Alantic - Làng Amish - Căn cứ Valley Forge (Đương đăng)

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/10/tieu-bang-pennsylvania-chuong-iii.html

No comments:

Post a Comment