Thursday, November 18, 2021

"Đại Dịch COVID-19 Chưa Thể Chấm Dứt Sớm" - VOA Tiếng Việt

Một điểm xét nghiệm COVID ở tiểu bang Illinois

Mặc dù đã có vaccine và sắp sửa có thuốc điều trị COVID-19 nhưng hy vọng chấm dứt đại dịch khó xảy ra khi mà thế giới và riêng nước Mỹ khó lòng đạt được mục tiêu tiêm chủng đa số dân, một bác sỹ người Mỹ gốc Việt tham gia chữa trị COVID nói với VOA.

Đã gần hai năm kể từ dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, đến giờ đã có những thuốc đặc trị đang xin cấp phép lưu hành. Đó là thuốc kháng virus giúp bảo vệ bệnh nhân không tiến triển bệnh nặng dẫn đến tử vong.

Hôm 5/11, hãng dược Pfizer của Mỹ tuyên bố thuốc của họ giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong lên đến 89%. Trong khi đó, hãng dược Merck cũng của Mỹ cho biết tỷ lệ này ở thuốc của họ giảm một nửa.

Nếu được phê chuẩn, thuốc viên dạng uống kháng virus sẽ được kê đơn cho các bệnh nhân COVID-19 và đang được kỳ vọng sẽ là nhân tố thay đổi cục diện đại dịch (game-changer).

Trong lúc này, thế giới vẫn đang tăng tốc tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng nhưng gặp nhiều trở ngại. Ở nhiều nước việc tiêm chủng diễn ra chậm chạp vì thiếu nguồn cung vaccine còn ở các Mỹ và Tây Âu, thái độ chống đối vaccine khiến việc tiêm chủng không đạt tỷ lệ mong muốn.

Hôm 9/11, Pfizer đã yêu cầu Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cho tất cả mọi người dân Mỹ trưởng thành chích mũi vaccine thứ ba, thay vì chỉ hai mũi như khuyến cáo trước đây.

‘Chích ngừa là chìa khóa’

“Tôi không cho các loại thuốc này là ‘game-changer’ mà là chích ngừa,” ông Ngô Bá Định, bác sỹ chuyên Nội khoa tại Orange Coast Medical Center, Quận Cam, bang California, nói với VOA.

“Để đại dịch chấm dứt trên thế giới thì phải có 90% dân số được chích ngừa. Điều đó còn lâu lắm, không biết chừng nào mới xảy ra,” ông Định, vốn là người trực tiếp chữa trị các bệnh nhân Covid-19 và bản thân ông cũng từng bị nhiễm virus corona, nói thêm. (28:50)

Theo ông giải thích thì việc chích ngừa giúp làm giảm lây nhiễm, mà một khi virus không còn lưu hành rộng rãi thì nó ít có khả năng tạo ra thêm biến thể mới trong quá trình nhân đôi.

Do đó, vị bác sỹ này lên án thái độ chống đối chích ngừa cũng như lan truyền thông tin sai lệch về vaccine ở Mỹ. Ông cho rằng điều này làm cho đại dịch khó lòng kết thúc sớm ở Mỹ và lưu ý hiện giờ dịch ở Mỹ tuy đã giảm nhiều so với lúc đỉnh nhưng mỗi ngày vẫn còn trên 70.000 ca nhiễm và hơn 1.000 người chết.

Ông cũng nói không thể viện cớ sắp có thuốc điều trị để né tránh chích ngừa. “Nguyên tắc bao nhiêu đời nay vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh,” ông nói.

Do hai loại thuốc đều không công hiệu 100% nên vẫn có khả năng đã dùng thuốc nhưng vẫn bị bệnh nặng và tử vong. “Đừng đánh cược với tỷ lệ 11% (thuốc của Pfizer) hay 45% (thuốc của Merck) vẫn phải nhập viện và chết,” ông cảnh báo.

Ngoài ra, tỷ lệ hiệu nghiệm của thuốc điều trị có thể suy giảm theo thời gian, cũng theo lời vị bác sĩ này, chưa kể nguy cơ xuất hiện biến chủng mới mà thuốc không công hiệu.

“Trước khi anh uống thuốc để khỏi vô nhà thương, lên máy thở thì anh đã lây cho những người chung quanh rồi – đó là những người thân, những người làm việc với anh,” bác sỹ Định phân tích. (12:55)

Ông thừa nhận chích ngừa không thể ngăn lây nhiễm hoàn toàn và vẫn có người tiêm phòng đầy đủ bị nhiễm không triệu chứng và lây cho người khác. Tuy nhiên, với việc Pfizer yêu cầu phải chích ba mũi mới được xem là chích ngừa đầy đủ, tỷ lệ lây nhiễm sẽ rất thấp.

“Những ai đã chích đủ ba mũi thì số lượng virus ở trong người ít và tồn tại trong thời gian ngắn hơn. Do đó khả năng lây bệnh cho những người xung quanh ít hơn nhiều,” ông nói.

‘Sống chung với dịch’

Khi được hỏi về sự bùng phát dịch hiện nay ở các nước châu Âu như Nga, thậm chí ở những nước có tỷ lệ chích ngừa cao như Đức và Anh, ông Định nói: “Chích ngừa không phải là cách hành xử duy nhất để ngăn ngừa lây nhiễm.”

“Anh đã chích ngừa rồi mà đi lung tung lang tang đến những nơi đông người còn không đeo khẩu trang nữa thì chỉ cần một vài người có COVID là lây cho biết bao nhiêu người,” ông nói.

Do đó, ông cho rằng cho dù đại đa số đã chích ngừa thì trong giai đoạn bình thường mới, mọi người vẫn cần tuân theo khuyến cáo của cơ quan y tế công cộng là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách ở những không gian kín có tập trung đông người.

Trong thời gian tới, vị bác sỹ này dự đoán đại dịch sẽ không chấm dứt mà nhân loại ‘phải chấp nhận sống chung với nó như với bệnh lao phổi, sốt rét, viêm gan hay cúm mùa’. “Sẽ không bai giờ quét sạch virus corona được,” ông thừa nhận.

Khi sống chung với COVID thì sẽ có một bộ phận dân số, chủ yếu là những người cao tuổi, có bệnh nền hay hệ miễn dịch yếu sẽ không qua khỏi, ông cho biết và chỉ ra ngay như những bệnh thông thường như bệnh cúm mỗi năm ở Mỹ vẫn có từ 20 đến 60 ngàn người chết.

“Phải kiểm soát nó bằng tăng cường chích ngừa và cô lập hẹp những ổ dịch,” ông nói thêm.

Bên cạnh đó, để đề phòng các biến chủng mới thì các nhà khoa học trên thế giới đang ‘theo dõi chặt chẽ bất cứ các biến thể nào được báo cáo. “Tất cả các nước nếu thấy có biến thể nguy hiểm nào mới thì họ sẽ báo động cho thế giới biết liền,” ông nói và cho biết điều này giúp các nhà khoa học luôn chủ động trong việc cải tiến thuốc chủng ngừa để vaccine luôn hiệu nghiệm.

Theo lời ông thì hiện giờ thì ‘Delta vẫn là biến chủng số 1 ở Mỹ, chịu trách nhiệm cho 99% số ca nhiễm’. Ngoài ra, chưa có biến thể nào khác đáng quan ngại.

‘Coi chừng thời điểm cuối năm’

Ông bày tỏ quan ngại về tình hình chích ngừa ở Mỹ với tỷ lệ tiêm mũi 1 gần 80%, mũi 2 gần 60%. Tuy nhiên, nếu xem chích ba mũi mới là chích ngừa đầy đủ thì tỷ lệ này ở Mỹ chỉ mới có trên 30%, ông cho biết.

“Điều quan trọng nhất vẫn là tăng cường nhận thức của người dân về vaccine,” ông nói và chỉ ra khuyến cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng làn sóng dịch thứ 4 ở châu Âu ‘có thể lặp lại ở Mỹ vì sắp đến mùa lễ hội cuối năm’.

Ông nhắc lại dịch bùng phát mạnh mẽ nhất ở Mỹ là vào giai đoạn cuối năm 2020 đầu năm 2021 khi người dân vừa trải qua các kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn, Giáng sinh và Năm Mới với từ 200 đến 300 ngàn ca nhiễm và hơn 4 ngàn người chết mỗi ngày.

Sau gần hai năm hoành hành, virus corona đã lây nhiễm cho hơn 252 triệu người và cướp đi mạng sống của trên 5 triệu người trên thế giới, theo số liệu của Worldometer – trang theo dõi số liệu theo thời gian thực. Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 47,5 triệu ca nhiễm và trên 778.500 ca tử vong.


11/11/2021

VOA Tiếng Việt


No comments:

Post a Comment