Sunday, November 21, 2021

Người Tỉnh Trong Cơn Say - Vũ Thế Thành

Một khảo cứu của Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy, sinh viên của trường hôm nào uống nước tăng lực, thì chiều đó, lượng rượu uống tăng tới 11%.

Uống cà phê không ai dám càm ràm, nhưng rượu lại là thứ chẳng ai ưa, nhất là mấy bà. Nếu lấy cà phê pha với rượu thì sao? Có thể mấy bà sẽ “cứu xét” lại, không chừng nhấp thử. Thấy ngọt ngọt, dịu dịu, lâng lâng, lại cũng không chừng thử thêm vài ba ly nữa. Rất tiếc “cứu xét” này bị khoa học cảnh báo, không nên uống lộn tùng phèo kiểu đó.

Vũ Thế Thành ( trích ” Ăn để sướng hay ăn để sợ?”, tập II)

Chuột say, chuột tỉnh

Các nhà khoa học, bác sĩ, kể cả các nhà tâm lý học đều cho rằng, chất caffeine có trong cà phê làm người ta tỉnh táo hơn, tưởng rằng mình chưa xỉn, và cứ thế uống tới. Nồng độ cồn trong máu cao khiến “người tỉnh trong cơn say” không kiểm soát được hành động của mình nữa.

Tiến sĩ Thomas Gould của đại học Temple (Philadelphia, Mỹ) đã làm thí nghiệm trên chuột, “đãi” chúng một chầu nhậu bằng cách… tiêm rượu, tiêm caffeine, tiêm rượu pha caffeine, và tiêm nước muối sinh lý 9‰ (để đối chứng), với nhiều mức nồng độ khác nhau. Chuột đang say xỉn được thả vào chuồng có những đường ngoằn ngoèo, rào cản,…Sau đó người ta “dọa” chuột bằng những tiếng ồn, và chiếu ánh sáng mạnh vào chuồng để xem chuột phản ứng thế nào. Kết quả thế này:

  • Những con chuột “uống” rượu tỏ ra không sợ sệt lắm, chạy nhảy loanh quanh nhiều, nhưng tránh né những kích thích từ ánh sáng và tiếng ồn kém hơn chuột “uống”nước muối. Chuột “uống” rượu càng nhiều, càng chạy bạo, và không biết sợ.
  • Chuột chỉ “uống” caffeine, có vẻ thận trọng, bồn chồn, nhận biết được nguy hiểm, và tránh né tốt hơn.
  • Còn những con chuột “uống” rượu pha caffeine xem ra tỉnh táo, không sợ sệt lắm, nhưng không có khả năng tránh né những kích thích khó chịu này.

Sinh viên vui vẻ nhậu thay chuột

Đó là rượu và caffeine ảnh hưởng trên chuột. Còn ở người thì sao? Khoa học không dám làm thí nghiệm trên người sợ mang tiếng, đành đi theo mấy tay bợm để ghi chép. Và không gì sướng bằng cách đi theo đám sinh viên ham vui đến quán bar để làm khảo sát.

Bà Rebecca Mcketin của trường Đại học Quốc gia Úc (ANU) đã “đãi” 75 sinh viên ăn nhậu, với một nửa uống vodka pha soda, còn nửa kia uống vodka pha với Red Bull. Red Bull là nhãn hiệu nước tăng lực (energy drink) có chứa caffeine. Sau cuộc vui, số sinh viên uống vodka pha Reb Bull muốn uống thêm (rượu) nhiều gấp đôi số sinh viên pha soda.  Bà giáo “nhát tay” này chỉ dừng khảo sát tại đây, “muốn” hay “không muốn” là đủ rồi.

Chưa thử tới cùng, chưa thể nói hậu quả “muốn” uống thêm rượu là do Red Bull được. Một nhà dược học, Joris Verster của đại học Ultritch (Hà Lan) đã khai thác ngay sơ hở trong khảo sát của bà Mcketin. Verster làm một khảo cứu với 2.000 sinh viên tham dự, số liệu tích lũy dần. Verster nhận thấy, trong cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, những người uống nước tăng lực có cồn lại uống ít hơn những người chỉ uống rượu. Đây là nghiên cứu duy nhất có kết quả ngược lại với những nghiên cứu độc lập khác cùng đề tài. Khảo cứu hùng hậu của Verster được tài trợ của hãng nước tăng lực Red Bull.

Tăng lực, tăng rượu và tăng hai

Caffeine không chỉ có trong cà phê, mà còn có trong nhiều thức uống khác. Một tách cà phê espresso có khoảng 60 mg caffeine, ly trà xanh 35 mg, lon coca 30 mg, lon nước tăng lực Red Bull (nhỏ) có 80 mg,…

Một số người thích pha Coca hay Pepsi vào rượu mạnh cho dễ uống. Coca không phải là điều đáng ngại lắm, vì chứa lượng caffeine không nhiều. Nhưng xu hướng pha nước tăng lực vào rượu ngày càng tăng ở Âu Mỹ, nhất là giới trẻ, 25% sinh viên ở Mỹ và Ý thích chơi kiểu này.

Nhưng đáng ngại nhất là nước tăng lực có cồn (alcoholic energy drink), với độ cồn khoảng 13%, nhưng lượng caffeine có thể lên tới 300 mg. Có hãng còn cho thêm sâm vào để thêm phần dai sức. Cơ quan FDA của Mỹ năm 2010 đã cấm bán loại nước tăng lực có cồn này, vì rủi ro say xỉn gây tai nạn cao.

Caffeine là chất kích thích, làm tăng huyết áp, nhịp tim. Rượu là chất gây “phê” làm hoạt động của não chậm lại, đi đứng, nói và suy nghĩ đều ít nhiều lạng quạng. Mặc dù cho đến nay, khoa học vẫn chưa hiểu hết những biến đổi về mặt sinh lý khi dùng cả hai thứ này cùng lúc, nhưng những khảo sát thực tế cho thấy, chúng không loại trừ khuyết điểm của nhau, nghĩa là dùng caffeine để “trị” say xỉn do rượu là điều không đúng.

Uống rượu tới cỡ nào đó, người ta cảm thấy mệt, thấy đủ đô và dừng lại, nhưng caffeine làm người ta tỉnh táo, tưởng mình uống chưa tới đô, và uống tiếp. Nồng độ rượu trong cơ thể vẫn “tăng trưởng” như thường, và đến lúc nào đó, không còn kiểm soát được hành động.

Thế nếu buổi chiều uống caffeine, buổi tối uống rượu thì sao? Một khảo cứu của Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy, sinh viên của trường hôm nào uống nước tăng lực, thì chiều đó, lượng rượu uống tăng tới 11%. Chất caffeine có thể tác động kéo dài trên 6 tiếng.

Thế tăng một uống rượu, tăng hai uống cà phê thì sao? Dân nhậu Việt Nam thường chơi kiểu này, và kiểu này chẳng có gì đáng ngại. Cà phê làm tỉnh táo, nhưng đến tăng hai, chỉ uống cà phê, làm gì còn rượu đâu mà uống nữa.

Chỉ ngại tăng một là rượu, tăng hai là bia…, đôi khi nổi hứng sanh tật, hậu quả “long trời lở đất” không lường hết được.

Vũ Thế Thành ( trích ” Ăn để sướg hay ăn để sợ?”, tập II)

No comments:

Post a Comment