Saturday, November 13, 2021

Những Thiếu Phụ Nam Xương - Cỏ Biển


 – Ông Đại Úy mới được tha về rồi đó con.

Ba nói khi tôi mới vừa bước vô hàng hiên nhà. Tôi hỏi ba: 

– Ổng về hồi nào vậy ba?

– Mới chiều hôm qua nè, thiệt tội nghiệp ổng hết sức người ta năm bảy năm là về, còn ổng hơn mười ba năm, mà ổng chỉ là Đại Úy chứ cao cấp chi đâu!

– Vậy là ổng về cùng đợt cuối cùng với mấy ông tướng lãnh nổi tiếng của mình. Hôm nọ con đọc báo Saigon giải phóng họ có đăng quảng cáo “chính sách khoan hồng” của nhà nước ta với các người có nợ máu với nhân dân. 

Tôi thắc mắc hỏi tiếp:

– Ông ấy về rồi đang ở đâu vậy ba? Nhà ổng đã bán rồi còn đâu.

– Ông phải về trình diện Phường và đang tạm ở nhà đứa cháu vợ bên cạnh nhà cũ của ổng. 

Ông hơn chồng tôi một cấp bậc nhưng lại ở lâu hơn cách biệt đến những tám năm. Nhiều buổi tối áp tai vào cái radio Philips vặn nhỏ rí nghe đài VOA hay BBC chúng tôi được biết ông tướng John Verssey gì đó là đặc phái viên của Tổng thống nước Mỹ phái sang Việt Nam thảo luận về việc những tù nhân chính trị tại Việt Nam. Nhưng tin hành lang từ bàn tròn trong các quán cà phê người ta rỉ tai nghe hào hứng và hấp dẫn hơn nhiều. Đại khái là Mỹ đã thỏa thuận “mua” mấy ông sĩ quan viên chức bị đi “cải tạo” để đổi lấy cái gì đó, thả họ hết ra rồi sắp xếp cho đi Mỹ. Tin này giống như tiếp dưỡng khí cho người sắp tắt thở, mặc dù radio chỉ đọc sơ qua tin tức chứ không có bình luận hay mở rộng bất cứ điều gì hơn nhưng khi nghe người ta ngầm xác nhận tin đồn chắc chắn là sẽ có thật. Đến bây giờ mới thấy những người cùng hoàn cảnh có nụ cười hân hoan tạm bợ với nhau.

Tự nhiên trong đợt trình diện cuối cùng cứ ba tháng một lần tại trụ sở công an Quận xin xác nhận được cho tạm trú, viên công an sau khi rút điếu thuốc thơm trong gói ba số 555 chồng tôi hối lộ kèm theo đơn, ông này nói:

– Về phường nộp đơn xin thường trú đem lên đây.

Suýt kêu lên thành tiếng “trời ơi” vì quá bất ngờ.

Chồng tôi té ngửa tưởng mình nghe lầm trong khi hơn mười ba năm trình diện, tờ giấy cho phép tạm trú dằng dặc những ô đóng mọc đỏ dài hơn hai ba mét. Sao nhà nước lại thay đổi thái độ tử tế quá, mấy chữ ghi trên tờ đơn mỗi khi người công an ký ghi riết thành thuộc lòng. “Thành phần cư trú lỳ chờ đi kinh tế mới” giờ đây sẽ xóa bỏ hẳn không lặp lại nữa.

Ghé thăm nhà ba tôi, nơi trải qua thời thiếu nữ trước khi lấy chồng và sau này khi “trời sập” hai mẹ con bồng bế nhau trở về tá túc. Thăm ba tôi mấy tiếng đồng hồ rồi đạp xe về nhà lo cơm nước. Đi ngang nhà con nhỏ Liên là cháu vợ ông, tôi liếc nhìn vào thấy ông Đại Úy nằm chèo queo trên chiếc đi văn đầu quay ra cửa sổ, gác hai tay lên trán giống như đang ôm khuôn mặt tôi chắc là áo não lắm. Không có cảnh vui mừng đoàn tụ của hầu hết các gia đình có người thân từ các trại “cải tạo” trở về.

Muốn hỏi thăm ông vài câu nhưng ông thuộc thế hệ gần với ba tôi, khi nhà tôi dọn về khu này ông đã là Đại Úy còn tôi là con nhỏ mới học lớp mười một, dãy nhà đầu đằng kia có một ông Thiếu úy già người Bắc di cư sống với bà vợ và bầy con lúc nhúc. Khoảng giữa là nhà ba tôi một viên chức Tổng nha Cảnh sát và gần cuối dãy là gia đình ông Đại Úy. Hồi ấy sau giờ đi học về tôi giúp má dọn dẹp nhà và chăm nom bầy em không để ý chuyện chung quanh. Một lần nghe ba tôi nói cả dãy phố đề cử ông Đại Úy làm Liên gia trưởng và tôi chỉ biết thế thôi mặc dù vẫn gặp ông thường xuyên mỗi sáng đi học.

oOo

Gia đình tôi dọn nhà về đây sau gần hai năm lăn lóc trong các trại tạm cư dành cho dân bị cháy nhà năm Mậu Thân. Ba tôi là công chức nên nhà nước cho phép bắt thăm mua một căn, bởi vì chúng tôi không phải cư dân bị cháy nhà ở địa phương. Riêng người ở đây lại được chính phủ cấp nhà không phải mua xem như được đền bù.

Căn nhà trước kia của tôi ở vùng ngoại ô, chính phủ đã phát  tiền, tole, ciment để dân tự xây lại nhà. Ba tôi buồn quá không muốn trở về vùng đất cũ, may mắn thay khi Bộ Xã Hội VNCH xây lại khu nhà cháy rất nhiều căn được xây dư thêm, nhân đó cho quân nhân công chức chưa có nhà được ghi tên mua trả góp.

Nơi đây tôi trải qua thời con gái mới lớn sống vui vẻ hồn nhiên cho đến khi biết yêu và lên xe hoa, không ngờ chỉ sau một năm dâu bể tang thương ập đến. Tôi lủi thủi một mình ôm đứa con mới sanh trở về nương nhờ cha mẹ với tương lai mịt mờ.

Sống trong đợi chờ vô vọng đã kết hợp những người cùng hoàn cảnh chỉ để nhìn nhau cùng xót thương nhau. Tôi là người trẻ và nhẹ gánh nhất bởi mới lập gia đình và có một đứa con. Chị vợ ông Đại Úy mới hơn ba mươi mấy đã một nách năm đứa con, nhỏ con gái lớn nhất chưa đầy mười bốn tuổi. Đầu dãy đàng kia ông Thiếu úy già bắt đầu đi lính thời còn người Pháp, gia đình di cư vào miền Nam 1954. Hình như có sáu, bảy, tám đứa con tôi đếm không xuể. Đứa con trai lớn nhất mười bảy tuổi, sau khi cha đi tập trung cải tạo thấy nguy cơ gia đình có mòi bị đuổi đi kinh tế mới bèn dắt con em gái kế cận đi thanh niên xung phong để gia đình đỡ hai miệng ăn, vậy là nhà còn lại năm đứa sàn sàn cách nhau hai tuổi. Riêng đứa “Út rán” mới sinh tháng 4/75 bằng con tôi.

Xã hội thập niên sáu mươi các gia đình miền Nam thường có nhiều con cái, chỉ cần một mình người đàn ông đi làm, người vợ ở nhà chăm sóc nhà cửa, cơm nước cho chồng con. Tôi thuộc thế hệ trẻ mới lớn nên đi làm trước khi lấy chồng và rồi mất việc theo nước mất. Cũng may tôi có gia đình chị, em ruột giúp đỡ trông con giùm để tiếp tục xin làm nhân viên hợp đồng tạm tuyển của ngành tiểu thủ công lương một tháng hai mươi bốn đồng chỉ đủ mua hai hộp sữa bột cho con.

Chúng tôi mất trụ cột là người chồng như nhà không có nóc. Thôi thì quơ quào đồ đạc trong nhà, tư trang dành dụm trước kia bán cầm hơi nuôi con chờ ba năm các ông trở về theo “chủ trương chính sách” nhà nước công bố. Nhưng hy vọng tắt lịm khi tôi và chị Bắc di cư (tạm gọi tên chị như thế) nhận cái giấy đi thăm nuôi sau ba năm sáu tháng, mỏi mòn.

Lá thư chồng gửi kèm chỉ rõ địa danh cho tôi tìm đến, nó lạ lùng và hình như không có tên trên bản đồ dân sự. Bên phía nhà binh VNCH chỉ ghi đó là mật khu Dương Minh Châu của Việt Cộng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh nằm sát biên giới Việt Miên. Hỏi người địa phương ai cũng lè lưỡi bởi nơi đó thuộc vùng rừng thiêng nước độc, đọc kỹ lá thư anh dặn dò tôi phải uống thuốc sốt rét trước khi đi và tuyệt đối không được uống nước vùng đó để tránh chói nước. Cũng giống như bao người thiếu phụ có chồng bị tập trung, tôi cũng “nai nịt” gọn gàng mang vác thực phẩm, thuốc men, làm chuyến đi đầu tiên của một trong ba người đàn bà cùng cảnh ngộ trong dãy phố.

Hành trình tìm đến các trại tập trung trên khắp đất nước Việt Nam ở đâu cũng đều giống nhau, trèo đèo, lội suối ít hay nhiều ngày tùy theo ở xa hay gần. Chị vợ ông Đại Úy lại không nhận được giấy cho đi thăm mà chỉ nhận được bức thư ông gửi về cho biết đang ở tận miền Bắc xa xôi vùng đèo heo hút gió đầy lam sơn chướng khí.

Thăm chồng tôi được vài giờ, trong câu chuyện anh kể tôi mới biết anh ở cùng trại với ông Bắc di cư nên bảo tôi về nói với chị mang thật nhiều thuốc men cho chồng vì anh ấy đang bệnh nặng. Nghe tôi thuật lại chị vợ nói với tôi:

– Tôi biết lắm, ông ấy có bệnh cũ xa nhà lâu không thuốc men thế nào bệnh cũng tái phát.

Hôm chị đi thăm nuôi về tôi qua nhà hỏi thăm, chị kể:

– Ông ấy đang nằm bệnh xá là cái nhà tranh vách đất lèo tèo vài cái giường. Dẫn tôi đến giường tên cán bộ giục “Anh chị hai người cứ trao đổi đi, trao đổi đi.”

Chị tiếp tục câu chuyện:

– Khỉ thật bảo người ta nói chuyện thì nói “mẹ” ra. “Trao đổi” là cái quái gì tôi không hiểu, đã vậy cứ đứng lù lù một “đống” cạnh bên, tôi còn “trao đổi” hỏi han được gì về bệnh tình anh ấy! May khi ra về gặp một anh cải tạo đang vác củi vào bếp, tôi lén hỏi anh này cho biết chồng tôi ho ra máu nhiều, sốt nữa. Anh nằm đây không bị bắt buộc đi lao động hàng ngày, cơm cháo thì người bệnh nhẹ hơn giúp người bệnh nặng. Cần nhất là gia đình phải mang nhiều thuốc Tây mua bên ngoài lên vì ở đây chỉ có vài viên xuyên tâm liên đã là may mắn.

Vậy mà chưa đầy hai tháng cái giấy báo tử, từ trại gởi về nhà thông báo anh Bắc di cư chết sau một tháng chị lên thăm. Chị gào khóc nói với tôi:

– Ngày xưa khi Pháp rút khỏi miền Bắc, họ mang xe nhà binh chở chúng tôi đi, trên đường Cộng Sản bắn theo, lính bảo chúng tôi nằm xuống sàn xe và họ bắn trả lại bảo vệ mọi người. Xuống tàu đi vào Nam họ bế từng đứa con nít, cõng các cụ già lên tàu. Mấy ngày lênh đênh họ cung cấp thức ăn thừa thãi. Buổi sáng có các nữ tu đến từng gia đình hỏi mọi người có khỏe không? Đêm qua ngủ được không? Cách hai chục năm người Pháp như thế, còn khi Mỹ rút đi bỏ lại chúng tôi chết sống như thế này đây.

Nói rồi chị “hờ” lên thảm thiết.

– Ông ơi là ông ơi, ông dắt mẹ con tôi vào rồi bỏ tôi một mình với bầy con như thế này đây.

Công nhận chị lớn tuổi nhưng thích ứng hoàn cảnh rất nhanh, mấy ngày sau chị đặt một tấm bia mộ dắt theo hai thằng con trai mười mấy tuổi khiêng ngay lên trại tìm chỗ chôn chồng. Chị nói:

– Phải đi ngay vì có thể gặp được các anh ở chung chỉ giùm nơi nhà tôi nằm, chứ để lâu mọi người tứ tán chả ai biết và nhớ, lúc ấy thì mồ xiêu mả lạc biết đâu tìm.

Quả thật chưa đầy năm mọi người trong trại được chuyển đi xa hơn tận tỉnh Phước Long, vùng núi Bà Rá.

Từ nay về sau còn lại một mình, với kinh nghiệm người di cư rời bỏ làng quê đã giúp chị an bày cuộc sống cho các con nhỏ. Chị xin lò bánh hàng xóm cho mấy đứa con chị vào giúp việc, có đủ cơm ăn, một năm được hai bộ quần áo lây lất sống qua ngày. Một bữa tôi ghé qua lò mua gói bánh thấy mấy đứa con chị đang làm việc. Đứa con trai khoảng mười hai tuổi đang ra sức ép bánh, thằng kế ngồi lò nướng bánh mồ hôi nhễ nhại, nhỏ con gái sắp bánh vô khuôn cho anh đưa vào lò, đứa nhỏ nữa thì cho bánh nướng đã nguội vào từng bịch ny lon cột lại.

Chị Bắc có thằng con trai út sinh cùng năm với con gái tôi giờ mới gần bốn tuổi. Chị kể thỉnh thoảng gặp các nữ tu dù phải lén lút để các bà cho chị sữa và thực phẩm khi chị đi lễ nhà thờ. Mối dây liên lạc chị giữ bao nhiêu năm nay khi mới di cư vào Nam, cũng là nơi an ủi giúp đỡ gia đình chị trong những ngày khốn khó cùng cực.

Trong khi đó thì chị vợ ông Đại Úy người miền Nam bản tính thụ động, sống sung sướng từ thời mới lấy chồng nên không lanh lợi, trải đời như chị Bắc

Chủ nhật nghĩ làm đôi khi theo con chạy lăng xăng đút cơm chiều cho nó tôi có dịp ghé qua nhà chị. Bây giờ gian nhà giờ trống trơn bởi chị đã bán lần hồi đồ đạc nuôi bầy con năm đứa. Nhỏ con gái lớn nhất mười bốn tuổi, ăn no ngày tối tụ tập theo các anh chị phụ trách trên Phường sinh hoạt lập tổ đội thiếu nhi. Chị kể:

– Hồi trước ba nó ở nhà khó lắm, đi học về cơm nước xong là ảnh bắt vô ngồi để ảnh kèm cặp bài vở, nó học tới lớp tám còn thằng em lớp sáu. Hai đứa nữa học tiểu học. Còn lại con Linh bốn tuổi là chưa ngồi học mỗi đêm thôi. Từ khi lấy chồng tui đâu có lo lắng gì, nấu cơm xong tui chỉ biết ngồi đọc báo phụ nữ diễn đàn thôi. Chuyện dạy dỗ con cái là ổng lo hết. Bởi vậy bây giờ tui nói gì tụi nó đâu nghe đâu. Đứa nào cũng đi long nhong, chỉ có thằng Nhân em kế con Ngân buổi sáng biết quảy giỏ đi đếm bánh mì bán dạo thôi. Còn tui đi buôn hàng chuyến một lần chục kí đường vàng chia nhỏ ra, vài ký đậu đen, đậu phộng mà giấu muốn chết nếu bị trạm kiểm soát lập ra để ngăn sông cấm chợ nó bắt được là cụt vốn. Tui bắt con Ngân theo tui buôn chuyến luôn mà nó chưa chịu đi. Tui nói đứa nào kiếm tiền thì tự xài, ăn uống, tui đâu có bắt tụi nó đưa tiền cho tui.

Bởi chị đi buôn chuyến sáng sớm theo xe về tỉnh mua hàng gói ghém, giấu nhét vào dưới các băng ghế trên xe, may mắn về được thành phố phải mang bỏ mối cho bạn hàng chợ tối mịt mới về nhà. Thế nên các con chị ở nhà tứ tán làm gì chị không hề biết. Thằng kế út còn được đặt cho biệt danh “Năm giang hồ” là đủ hiểu. Hơn năm năm mới nhận được giấy thăm nuôi. Chị nghe nói đường đi ra Bắc xa xôi diệu vợi tốn kém rất nhiều, đành gom góp hết, mượn thêm bà con chị em thân thuộc mỗi người một ít để đi ra Bắc thăm chồng.

Sau chuyến đi tôi chưa có dịp nào hàn huyên với chị lại nghe tin chị bán nhà về quê. Chị nói mấy đứa con bắt đầu lớn nên chị về quê xin địa phương cho hồi hương, hy vọng theo chủ trương chính sách chồng chị được thả về. Chị kể được cấp cho miếng đất gần chân núi Bà đen, cất một căn nhà bằng tre, mái tranh, vách nứa. Hai năm trước đi thăm nuôi chồng tôi đã từng ở trong căn nhà như vậy do các anh cải tạo dựng lên, giống với câu “Một mái nhà tranh hai quả tim vàng” nghe thật thơ mộng, nhưng giờ lại đau nhói lòng.

Dạo trước tôi cũng có nghe tin đồn gia đình vợ sĩ quan cải tạo đi kinh tế mới chồng sẽ được cứu xét cho về tôi cũng định đi dù biết rằng sẽ khổ cực, miễn sao vợ chồng đoàn tụ là vui.

Ba má tôi thảng thốt ngăn cản:

– Con ơi, mày chỉ có một mẹ một con. Con mày còn nhỏ xíu mày bồng con lên đó làm được gì? Từ nhỏ đến lớn ở thành phố chưa hề biết cầm cày cầm cuốc, hai mẹ con mày bỏ xác ở đó thôi. Gia đình người ta có thanh niên trai tráng, đông người còn chưa biết sống ra sao! Giờ nghe lời nhà nước cấp gạo muối sáu tháng chờ gặt hái hoa màu, rủi không có thì cạp đất ăn à. Đừng nghe câu... “với sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Lúc đó thành bộ xương khô nằm dưới đất ăn sỏi đá thay cơm!

May mắn sao, đầy năm năm chồng tôi được tha về. Nói làm sao hết nỗi vui mừng, thôi thì từ đây hai vợ chồng có nhau dù tương lai đã được nhà nước định sẵn ghi trên tờ giấy ra trại: “thành phần đi kinh tế mới không được cư trú trong thành phố”, để dành cho cán bộ ngoài Bắc về ở (câu này là tôi giải thích thêm cho rõ nghĩa).

Những năm trung học tôi chắc ai cũng biết bài thơ Đề miếu Nàng Trương của vua Lê Thánh Tôn cảm khái nói về sự tích nỗi oan nàng Trương thị, sau bao năm chồng đi chinh chiến nàng ở nhà làm chinh phụ:

“Ngọt bùi thiếp đã hiếu mang.

Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân” 

Nào ngờ khi về nghe lời con trẻ đêm đêm cha mới về thăm con nên đã nghi ngờ tiết hạnh vợ mình đến nỗi nàng phải trầm mình tự vẫn.

“Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.

Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ

Làn nước chi cho lụy đến nàng.

Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt

Giải oan chi mượn đến đàn tràng.

Qua đây mới biết nguồn cơn ấy

Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.” 

Nhưng thiếu phụ Nam Xương thời nay rất can đảm không còn lụy với lời đàm tiếu. Từ những ngày sáu tháng thăm nuôi được 24 tiếng gặp chồng, chưa kể nhiều người gan dạ trốn ở lại trong rừng chờ chồng trong các liều tranh chồng tự dựng trong các hốc cây để gặp vợ thêm vài giây phút ngắn ngủi khi đi lao động. Kết quả những đứa trẻ ra đời trong khi người chồng đi cải tạo chưa về, mặc cho ai hiểu sao cũng được miễn là chúng kết tinh từ tình yêu trong gian khổ của hai vợ chồng là đủ.

Ngày chồng tôi trở về anh than thở:

 – Sao con không chịu nhìn anh là cha, bộ em không cho con biết anh là ba của nó sao?

– Anh có nhớ là hai lần lúc nó bốn và năm tuổi em đã dắt con đi thăm anh cho nó quen mặt, nhưng lúc ấy nó đã không chịu nhận anh là ba, ngay cả nắm tay cũng không cho. Em có hỏi sao con không nhìn ba, đây là người trong mấy tấm hình má chỉ cho con thấy mỗi ngày mà. Nó nói “ba trong hình đẹp hơn, ba này xấu quắc đen thui hổng giống.” Thôi đành hy vọng từ từ nó sẽ quen anh. 

Chồng tôi nói giọng giống như trách hờn:

– Một tuần lễ rồi mà nó vẫn không cho anh sờ vô nó kìa.

– Em có nói với nó đây là ba con đó. Nó hờn mát: “Ba giống ông ăn mày, quần áo đen thui xách cái bị đi vô nhà nói là ba, không thèm ba như vậy.”

Cũng may thời nay có đèn điện không dùng đèn dầu nên tôi không cần phải đêm đêm đốt đèn chỉ vào bóng mình in trên vách dỗ dành con. Chưa bao giờ con phải trong hoàn cảnh giống như thế, vậy mà bây giờ vẫn từ chối người cha thật bằng xương bằng thịt.

Lúc anh mới về tôi trông thấy anh nên mừng quá nắm tay ngồi cạnh anh nghe kể chuyện. Con tôi đứng nép bên gốc cột nhìn cả hai chúng tôi với đôi mắt thù hận tôi cảm nhận rõ ràng. May mắn chồng tôi là ba ruột mà nó còn không chấp nhận huống gì...!

Chồng tôi hiểu vì từ khi mới sinh cho đến khi nhận thức chung quanh nó chỉ có mình tôi là mẹ, bây giờ có thêm người khác tự xưng là ba sống chung nhất thời con tôi không thể chấp nhận ngay.

Phải đến gần một tháng con mới cho anh bồng nó, tôi đi làm cả ngày anh ở nhà chăm sóc cho nó ăn uống, mọi thứ chỉ tiến triển đến mức đó mà thôi. Chiều nào nó cũng chờ tôi về tôi về tắm cho nó. Chúng tôi phải thử tìm đủ cách đễ dỗ con. Cuối cùng kiên nhẫn của anh cũng được đáp lại, được anh bồng chơi trò xích đu nó cười như nắc nẻ còn anh thì gần như rươm rướm nước mắt vì mừng.

Vợ chồng tôi trở về bên nhà chồng, cuối tuần thỉnh thoảng tôi ghé về thăm nhà. Lúc này tôi nghe được chị vợ ông Đại Úy đã bỏ quê trở về thành phố. Mấy mẹ con trải tấm bạt nằm ngoài góc hiên nhà, Ba tôi đi ngang cám cảnh xót thương cứ chắc lưỡi than cho hoàn cảnh, thỉnh thoảng cho chị vào nhà tắm rửa. Người ta dè bĩu khiến chị cũng ngại ngần, ba tôi chỉ vì lòng nhân ông nói với tôi:

– Đường đường là vợ một Đại úy bây giờ nằm ngủ ngoài đường ba thấy bất nhẫn và tội nghiệp làm sao.

Đôi tay yếu ớt ngay cả bản thân chị còn ra nông nỗi làm sao có thể bảo bọc nổi bầy con đang lớn, sau bảy lăm đều bỏ học vất vưởng, đói kém. Đứa con gái lớn theo chị buôn chuyến phải đẩy đưa với cánh tài xế để giúp nó giấu hàng, một ngày nọ bị vợ tên này đánh ghen một cách vô nhân, rạch mặt con nhỏ một đường dài năm sáu phân. Thằng kế tên Nhân đã mấy năm thôi đi bán bánh mì, xin vô lò nhôm làm công mặt mày đen nhẻm vì bụi nhôm ăn ở bên cạnh những chồng thau chậu nhôm cao ngất nghểu. Thằng thứ tư giờ cũng gần hai mươi xin làm chân lơ xe cũng cả năm ăn cơm chủ. Còn thằng Năm giang hồ thì tôi không thấy nhắc đến không biết đang ở đâu. Đau lòng nhất khi tôi nghe đứa em thì thào:

– Chị ơi! em chị Ngân con nhỏ Út Linh mới mười tám nghe nói bị Phường bắt về tội làm gái.

Ông Đại Úy trở về đau lòng thấy hoàn cảnh gia đình thấm thía câu “nước mất nhà tan” bởi ông vắng nhà quá lâu. Tính ông nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con, đặt hy vọng vào chúng nay bỗng tan hoang. Bình thường ông đã ít nói giờ đây thấy mình không còn quyền lực gì cứu vãn gia đình. Âm thầm ông mướn một góc bên chái nhà hàng xóm, ở đây ông đặt một chiếc giường và cái bàn làm nơi tạm trú. Mỗi ngày ông đi dạy tiếng Anh cho những người quen cũ ngày xưa sắp xuất cảnh. Dĩ nhiên họ biết quá khứ nên vẫn trân trọng ông bởi nhiều lần ông được đi tu nghiệp nước ngoài.

Ông chỉ có thể cứu tương lai con bé Út bởi nó mới mười tám tuổi, năm ông đi tập trung nó chỉ là đứa bé năm tuổi, nũng nịu đòi ông ẵm bồng trên tay mỗi chiều đi làm về. Buổi tối ông bắt các con ngồi quanh bàn cho ông kèm học. Con nhỏ lúc nào cũng leo vào lòng ông ngồi, là đứa ông thương vì bé nhất. Khi làm đơn xin xuất cảnh diện HO ông ghi độc nhất tên con bé đi theo ông, mang nó xa lánh nơi đây lập lại cuộc đời mới tươi sáng bởi có ông dạy dỗ, bảo bọc.

Một hôm ghé chợ nhóm gần khu phố tôi gặp chị vợ ông Đại Úy, chị nói với tôi bằng giọng buồn áo não:

– Ổng đòi ly dị với tôi!

Tai tôi nghe mà không thể tin: 

– Không lẽ ổng làm vậy? Từ khi ông trở về có rầy rà hờn trách việc gì không? Thí dụ chuyện mấy đứa con tứ tán, chuyện con Út, chuyện bán nhà những năm ông chưa về, chị có kể lể những khó khăn đã gặp trong mười ba năm ông vắng nhà cho ông hiểu!

– Ổng về đến giờ hai vợ chồng tôi đâu có ở chung hay ngồi lại nói điều gì đâu. Tính ổng ít nói và nghiêm nghị từ xưa rồi, lúc đó hễ ông đi làm tui lo cơm nước, tối nào ổng cũng làm việc dịch sách báo đến khuya. Bây giờ tui vẫn ở chung với con gái lớn và thằng chồng của nó. Ổng thì mướn cái chái nhà đi dạy ban ngày, tối về ở đó thôi. 

Tôi thở dài:

– Vậy chị tính sao?

– Tui không bằng lòng đâu, tui không có trả lời mà ổng cũng chỉ nói một câu thôi không giải thích lý do vì sao như vậy. 

Tôi an ủi:

– Chắc ổng đi dạy học nghe ai đó họ gạ ổng ghi tên cho họ làm vợ để đi theo vì ổng đi chỉ có một mình với con Út. Họ sẽ trả vài cây vàng, chuyện này họ làm rất nhiều. Có lẽ ổng sẽ đưa số vàng đó cho chị ở lại mua nhà, chứ qua bên ấy chưa biết đời sống ra sao, có thích nghi được hay không. Tui nghĩ chắc vì vậy ổng không nói ra với chị.

Tôi nói thêm:

– Chị đừng lo, chuyện không chắc đã thành vì chuyện ly dị phải mất thời gian. Ly dị xong rồi làm giấy kết hôn cả hai chuyện nếu đút nhét hối lộ thì làm nhanh, nhưng cái quan trọng là giấy kết hôn mới chưa ráo mực, coi chừng lúc phỏng vấn họ nghi ngờ càng chết nữa. Chuyện ghép đôi đi theo là có thật nhưng đối với những ông nào còn trẻ chưa vợ lần nào thì dễ, chứ già thì hơi khó. Mà tui không biết bà nhà giàu nào đến nỗi chưa chồng, muốn đi Mỹ quá xúi dại người ta bỏ vợ, thật là ác.

Đầu năm 1990 diện HO xuất cảnh hồ sơ theo thứ tự số 1 bắt đầu bay chuyến đầu tiên, tôi nghe nói những người ở lâu năm như các tướng lãnh và ông Đại Úy được ưu tiên đi trước, như để đền bù với câu nói “Trời không đóng cửa ai mãi bao giờ.” Sau này người ta sáng tạo thêm câu: “Một cánh cửa đóng lại trước mắt, sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra”

Khi công an các quận, huyện bắt đầu nhận hồ sơ xin đi xuất cảnh của các Sĩ quan bị đi cải tạo trên 3 năm. Chị Bắc di cư chạy đến hỏi tôi:

– Bà có nghe chuyện nhận hồ sơ xin đi Mỹ của những Sĩ quan chết trong trại tập trung cải tạo có giấy báo tử không?

Tôi ngơ ngác lắc đầu:

– Tôi chưa nghe chuyện này, lúc tôi đi nộp đơn ở quận tụi công an quát tháo chửi bới ghê lắm, có đứa còn ném hồ sơ người ta bay tứ tung khi thấy chưa đính kèm đủ. Ai cũng cúi đầu im thin thít khi chúng luôn miệng chửi “bọn phản động giờ này vẫn ngoan cố ôm chân đế quốc.”

Về sau tôi mới nghe tin người trong hoàn cảnh chị Bắc di cư cũng có nộp đơn dù trong chính sách đề ra họ không ghi rõ. Tôi tin rằng chị Bắc sẽ làm được vì chị tuy lớn tuổi nhất nhưng lại giỏi giang nhất.

oOo

 Lâu rồi trong tâm tưởng tôi vẫn canh cánh không biết gia đình hai người chung xóm ra sao vì tôi đi nước ngoài trước tiên. Hôm kia ngồi nói chuyện với nhỏ em Út lấy chồng qua sau tôi mười mấy năm. Ngồi ôn lại chuyện cũ trong dãy phố, tôi hỏi:

– Út này, em còn nhớ mấy gia đình ở chung dãy nhà mình không? thí dụ như nhà chị Bắc di cư có ông chồng bị chết trong trại cải tạo, bây giờ ra sao?

Con nhỏ nói gọn hơ:

– Gia đình này đi Mỹ lâu lắm rồi, hình như sau chị hai ba năm gì đó, một lượt với chị Hai nhà mình.

Tôi mừng rỡ hỏi dồn dập:

– Còn gia đình ông Đại Úy có nhỏ con gái lớn hồi đó hay cùng với chị Dung lên phường sinh hoạt với các anh chị phụ trách thiếu nhi. Con nhỏ em tên Út Linh hình như bằng tuổi em đó.

– Họ cũng đi Mỹ luôn hết rồi.

– Ủa, chị nghe lúc ông Đại Úy đi Mỹ chỉ dẫn theo con nhỏ Út Linh thôi mà.

– Ổng qua bển gởi hồ sơ bảo lãnh về mà. Cả đám đi hết trơn, vợ của ổng, hai vợ chồng con gái lớn, thằng giữa làm lơ xe có vợ cũng đi luôn, thằng Năm giang hồ cũng có tên. Chỉ tội nghiệp thằng Nhân chết rồi, nghe nói bị nhiễm độc chì.

– Tội nghiệp nó quá, hồi đó chị về thăm ba, đi ngang lò nhôm thấy nó mặt mày mình mẩy bụi nhôm đen thui, nó nhe hàm răng trắng cười giống Tây đen hết sức.

Gần ba mươi năm qua rồi những năm giông bão, đói kém; những gia đình của các thiếu phụ Nam Xương cuối thế kỷ hai mươi, giờ này chắc đã có cuộc sống ổn định. Cám ơn nước Mỹ, quê hương thứ hai nhưng giờ lại là nơi chốn nương thân hạnh phúc bình yên nhất.


Cỏ Biển
Mùa Thu 2021     

No comments:

Post a Comment