Friday, November 12, 2021

Tro Bụi Về Cùng - SÀI GÒN CÔ NƯƠNG

 

Từ ngày đầu tháng 10, khi nhà nước VN nới lỏng lệnh giãn cách xã hội, làn sóng hồi hương cuồn cuộn dâng lên. Từ Sài gòn, và các tỉnh lân cận: Bình Dương, Đồng Nai… Số người hồi hương đã lên đến con số khoảng 1,3 triệu người, tương đương số người di tản sau năm 75, nhiều hơn số người di cư vào Nam năm 54.

Lần “biến động di dân” này vì lý do tránh đại dịch, tránh nguy cơ túng đói và lây nhiễm khủng khiếp nơi vùng tâm dịch.

Ở các tỉnh, nền kinh tế không phát triển bằng Sài gòn. Vì thế người ta đổ xô về thành phố nơi chẳng những người lớn tìm được việc làm ngay, mà cả trẻ con cũng dễ dàng kiếm tiền bằng những công việc vừa sức như bán vé số, bán kẹo cao su, bán hoa, phụ quán…

Bao nhiêu người bỏ xứ ra đi, bây giờ lại lũ lượt kéo về. Hành trang chỉ là chiếc ba lô khoác gọn trên vai. Gia đình đông đúc thì ràng sau xe máy quạt điện, phích nước… là của cải sót lại sau thời gian tha hương.

Mới đây, clip trên mạng cho thấy một thanh niên trong khu nhà trọ được hàng xóm giúp ràng buộc hành lý để về An Giang. Bé con ba tuổi ngồi yên trên xe máy. Trong giỏ xe đằng trước, thứ đặc biệt gói ghém kỹ lưỡng là hũ cốt người vợ. Đi ba người với đầy ước vọng tương lai, nay về đau lòng còn hai, một mạng Covid-19 cướp đi rồi.

Thoạt tiên khi virus Corona xuất hiện, bắt đầu từ Vũ Hán, người ta ngỡ đó là chuyện của thế giới. Cảnh tượng kinh hoàng ở TQ với các thi hài chất đầy trên đường phố dường như là “Chuyện lạ đó đây” nằm trong chương trình truyền hình nào đó.

Quả nhiên khi dịch ập xuống, TPHCM trở tay không kịp. Người mắc Covid trở bệnh nặng rất nhanh và mất trong chớp mắt.

Bệnh nhân chết còn do nhiều nguyên nhân dẫn đến không chữa trị kịp thời

Mặc dù mọi nỗ lực của ngành y đều dành cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên người mắc bệnh mãn tính hay nhiễm dịch đều rất khó khăn khi không làm cách nào để được điều trị nhanh chóng. Từ kiếm được chiếc xe để đi đến bệnh viện, từ kiếm được tổng đài tư vấn, cho đến nơi chịu tiếp nhận đã chiếm rất nhiều thời gian chưa kể là không kiếm được xe, bệnh viện không nhận…

Thời gian đầu các bệnh viện còn bối rối trước nạn dịch bỗng nhiên gia tăng, khi bệnh nhân bắt đầu bị triệu chứng sốt và khó thở, thân nhân kêu điện thoại mãi không ai xuống xét nghiệm và đưa đi bệnh viện. Thế là mất tại nhà.

Lệnh giãn cách xã hội được ban hành, taxi, ngay cả xe ôm cũng không hoạt động. Các phương tiện giao thông công cộng bị cấm tiệt, chỉ còn trông chờ vào xe cứu thương cua bệnh viện và một phần xe cấp cứu của các đội từ thiện tư nhân. Khó khăn kiếm được chiếc xe chở đi thì một số bệnh viện không nhận.

Được nơi nào đồng ý nhận thì thật là may phước. Nhưng nhiều khi bệnh quá nặng, không kịp… Như câu chuyện người đàn ông ở Bình Dương bị nôn ói, không kêu được xe cấp cứu, gia đình phải nhờ người quen lấy xe tải chở ông đi qua năm cơ sở y tế gồm  bệnh viện,  trung tâm y tế,  phòng khám. Sau mấy tiếng đồng hồ đi lòng vòng vì không nơi nào nhận, ông đành phải trở về nhà trọ và qua đời  tiếng đồng hồ sau đó. Các cơ sở y tế phân trần nơi đã quá đông đúc, nơi thì “đóng cửa”, phòng khám tư nhân làm sao có máy móc, có bác sĩ đúng chuyên môn giỏi cứu bệnh nhân sắp chết…

Không nơi nào chịu nhận bệnh nhân mới. Tổng đài trực quá tải. Không còn giường nằm, không đủ các phương tiện, máy móc y tế tiếp cứu… Bệnh viện chữa bệnh hàng ngày đã bị thu hẹp lại nhường chỗ cho bệnh nhân Covid hoặc bác sĩ cũng bị điều đi các bệnh viện dã chiến mới được xây dựng liên tục để tiếp nhận bệnh nhân Covid-١٩.

Trong giai đoạn cao điểm, số tử vong gia tăng từng ngày. Không kịp đưa đi bệnh viện, chết ở nhà. Nhưng nếu vào nằm được một giường trong bệnh viện thì cũng không có thuốc, không đủ oxy, máy móc để thở…. và lại ra đi.

Nhiều người tiếc nuối cho rằng thành phố có nhiều ca tử vong tưc tưởi do chưa ngừa được số lây nhiễm từ các khu dân cư chật hẹp, tập trung tất cả người F0, F1 dẫn đến lây nhiễm ngay chính trong khu cách ly, không kịp trang bị giường bệnh, máy móc, không đủ nhân lực ngành y…

Chết nhanh quá, nhà nào nhà nấy đóng chặt cửa không một khe hở, thi hài được cấp tốc chuyển đi chung quanh không hề hay biết. Nạn dịch đang cao điểm, không lễ nghi cúng kiếng, không phát tang phúng viếng,

Nếu chết vì bệnh mãn tính, quan tài chỉ được để ở nhà 24 tiếng đồng hồ. Nếu chết vì Covid-19 thì đội y tế phường sẽ xuống khử khuẩn, test nhanh cả gia đình rồi cấp tốc báo nhà đòn mang đi ngay. Gia đình không kịp lập bàn thờ.

Trong con hẻm bị phong tỏa. Ông già gần 80 tuổi bị tai biến nằm một chỗ mấy năm nay. Ông mất lúc 1giờ sáng. Bà vợ gọi điện thoại cho phường. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, ông được đưa ra khỏi nhà. Sáng hôm sau sát vách mới hay và hàng tuần sau, hàng xóm mới biết.

Người chết quá nhiều. Xe tang đợi tới lượt, xếp hàng dài ngoài đường hàng  tiếng trước cửa lò hỏa táng đang quá tải. Bởi vậy mới có chuyến xe tải lén chở hai lần 36 thi hài về Bến Tre hỏa táng.

Trong một hẻm ngoắt ngoéo ở quận Tư, nhóm nhà đòn mặc quần áo bảo hộ y tế khiêng ghế bố vào chuyển thi hài quấn vải trắng. Ngoài đường sẵn xe tang. Âm công đặt thẳng vào chiếc hòm nhỏ bằng gỗ tạp ghép mỏng. Chẳng cần rải trà vụn hay mạt cưa, trấu… xuống lót, kiếm đâu ra những thứ đó. Và cũng chẳng lâu la gì, chạy thẳng đến nơi hỏa táng luôn. Gia đình để vội bát hương xuống đất, quỳ lạy từ xa, nước mắt hòa cùng nước mưa dào dạt. Chưa bao giờ mùa mưa Sài gòn ướt đẫm nước mắt đến thế. Sau ٥ phút, xe rồ máy chạy, trên xe còn chiếc quan tài rỗng vì còn ghé một nơi nữa…

Rất nhiều những cảnh như thế. Hai người đỡ đầu, đỡ chân một thi hài từ gác xép của nhà trọ xuống dưới tầng trệt. Chỗ khác nghiêng người khó khăn dọ từng bước qua con hẻm hẹp đủ sát một người đi.

Chiếc xe tựa như xe đông lạnh loại nhỏ đậu ở cổng nhà xác bệnh viện. Từng xác quấn kín mang ra xếp chồng lên nhau như xe chở đá cây.

Cỗ quan sản xuất không kịp, thiêu cũng không kịp nên thi hài thường phải bó trong bao nylon dày, để trong các container đông lạnh đợi sau khi thiêu xong mới giao về gia đình.

Các nhóm mai táng thiện nguyện làm việc miệt mài bất kể ngày đêm. Một nhóm cho biết mỗi ngày nhận từ tám đến mười trường hợp. Nhóm đã từng phải trang bị mấy container đông lạnh, mỗi công chất 60 xác chờ hỏa táng.

Dân nghèo không có tiền để sống. Tiền đâu mà đi khám bệnh khi chớm mắc dịch, rồi chết thì đào đâu cho chi phí ma chay.

Giám đốc công ty Môi trường đô thị cho biết giá một ca hỏa táng 4,2 triệu đồng. Nhưng đâu chỉ là hỏa táng. Còn chi phí quan tài, tẩn liệm, xe cộ, tiền test, tiền thuê đạo tỳ rất đắt vì khó kiếm ra người.

Nhà nước giúp tiền đám tang người chết vì dịch nhưng khi nhà có người mất, người thân báo nhiều khi không thấy trả lời, đành thuê đội mai táng mất hai mươi mấy triệu đồng. Sau đó mang giấy bao tử lên phường được lãnh mười mấy triệu.

Nhiều thảm cảnh diễn ra. Nhà ba người chết hai. Hũ cốt giao về nhà không ai nhận vì tất cả đều trong khu cách ly phải nhờ hàng xóm nhận dùm. Có nhà chết 3, 4 người. Có nhà chết sạch cả gia đình. Đau lòng là những bà bầu mắc Covid. Cứu được mẹ nhưng mất con hoặc ngược lại… Khổ nhất là trẻ mồ côi. Mất cha hoặc mẹ hoặc mất cả cha mẹ, mất luôn ông bà. Thật quá sức chịu đựng.

Một anh là người thiểu số ở Phú Yên cùng vợ và 3 con làm công nhân Bình Dương. Anh phải cách ly ở một nơi, vợ anh đi cách ly nơi khác. Ba con nhỏ ở nhà trọ nhờ hàng xóm coi dùm. Rồi anh mất mà vợ con không hay. Bệnh viện truy tìm gốc gác tận miền núi. Em trai phải mang 12,5 triệu đến mới được nhận hũ cốt. May nhờ có cộng đồng mạng quyên góp thuê chuyến xe đưa cả nhà anh và hũ cốt về quê.

Gia đình một phụ nữ ở quận 10 chuyển dạ ở BV Từ Dũ, cháu bé mới sinh đã chết… Hai vợ chồng và cháu lớn 5 tuổi đều dương tính cách ly hai nơi, Cháu bé 2 tuổi ở với bà ngoại mấy hôm bà chết vì Covid. Cháu bé lại chuyển sang ở với bà nội cũng sau mấy hôm bà nội mất vì Covid. Ông nội trông nom. Cùng lúc họ hàng nhiều người đều mắc dương tính và ở trong khu cách ly…

Theo thông báo chính thức của nhà nước, số tử vong riêng thành phố tới giờ là ١٦ ٠٠٠ người.

Hoàn cảnh đau thương vì Covid không kể xiết. Người lao động nhập cư thất nghiệp, không chốn nương thân, dịch bệnh bủa vây trong các khu nhà trọ… Hiện nay, từng đoàn người cả gia đình lớn bé, già trẻ, vẫn đi xe máy, xe đạp, xe ba gác, đi bộ…, bất chấp mọi hiểm nguy trên đường lũ lượt kéo nhau hồi hương. Ở một ngã tư, một xe ba gác được nhìn thấy với ba hũ cốt lầm lũi…

Thế nhưng không phải chỉ mất vì Covid mà khi tưởng đã thoát cơn dịch bệnh nguy hiểm này, đã ròng rã trên con đường thiên lý hồi hương, Hai mẹ con Thanh Hóa gặp tai nạn giao thông tử vong. Chuyến về quê đau đớn thay vì người lại là hai hũ tro cốt. Và đó không phải là trường hợp duy nhất.

Trong những nguyên nhân hồi hương cực nhọc gian khổ, ngoài lý do kinh tế khó khăn, còn có những người muốn mang hũ tro cốt người thân về quê, dù mai mốt yên dịch, nếu buộc lại lang bạt thì nắm tro không phải bơ vơ nằm nơi xứ lạ quê người.


SÀI GÒN CÔ NƯƠNG

No comments:

Post a Comment