Monday, November 22, 2021

Tháng Mười Một Lại Về… - Phan


Khi những chiếc lá vàng khẽ khàng rơi trước sân nhà, nắng nhạt và tiết trời trở lạnh. Với người di dân hầu như đều ngỡ ngàng vui với hồi tưởng lại tháng mười một đầu tiên có mặt ở đây vì được thấy tuyết và biết đến lễ Tạ ơn ở đất nước này. Nhưng theo thời gian mọi thứ trở nên quen, quen đến nỗi ngán tiệc tùng vào dịp lễ cuối năm, sợ đông người bởi cuộc sống nơi đây không ồn ào như ở Sài gòn; nhà nhà im ỉm đóng, người người đi về ngôi nhà của mình như cái bóng. Sáng khép cửa đi làm, chiều mở hé cửa lẻn vào nhà cho hơi nóng mùa hè, hơi lạnh mùa đông bớt tràn vào nhà. Thời gian lặng lẽ trôi, cuộc sống âm thầm thấm đến một lúc nhà tụ tập đông người, tiệc tùng rôm rả có cái vui đoàn tụ nhưng thói quen sống yên lặng đã nhiều năm lại có vấn đề với sự đông người trong nhà, tiếng ồn không quen, giờ giấc trái khuấy vì nghỉ lễ thì ai chả thức khuya để vui chơi và hôm sau ngủ muộn cho lại sức, nhưng người đi làm lâu năm đã quen giờ giấc với cái đồng hồ sinh học trong người cũng biết nhập gia tùy tục, thuận theo hoàn cảnh để sinh tồn. Thế rồi lòng biết ơn sự bao dung của đất nước này dâng trào trong lòng mấy mươi năm trước khi mới đến, mới biết đến lễ Tạ ơn thì nay nó đã đi đâu, về đâu?

Cuộc sống nơi này khác nhiều với cuộc sống ở quê nhà đã làm chúng ta thay đổi theo thời gian, nhưng mấy ai thay đổi theo chiều hướng bao dung hơn như người bản xứ, những ai ngày càng ích kỷ hơn, lòng biết ơn phai mờ như bụi thời gian. Với một người bình thường như tôi, ngày xưa tôi chỉ nghĩ đến mấy món quà cho con cái nhân dịp lễ Tạ ơn, lễ Giáng sinh tiếp nối vào mùa lễ cuối năm. Nói rằng không có điều kiện để nghĩ đến tha nhân thì không đúng vì của cho không bằng cách cho, không có vật chất cụ thể để cho thì cũng cho đi được tinh thần mùa lễ qua hình thức tham gia vào những bữa ăn từ thiện cho người không nhà do cộng đồng người Việt ở địa phương tổ chức; Hội thanh niên trong nhà thờ cũng cần đến người giúp bưng bê, chuyên chở thức ăn đến những nơi phát không cho người nghèo; nhóm con lai ít ỏi mươi người cũng cần anh nhà báo tiếp tay vận động thương gia nghiệp chủ hỗ trợ cho nhóm thiện nguyện nên tôi thường làm cái phóng sự địa phương phát chẩn cho người vô gia cư rồi đưa lên báo đài địa phương để những người ủng hộ cho nhóm thiện nguyện thực hiện được tấm lòng mang ơn nước Mỹ, những thương gia nghiệp chủ ở địa phương cũng vui lòng đã góp sức trả ơn nướn Mỹ và người bản xứ đã giang tay với chúng ta khi chân ướt chân ráo đến đây…

Nói ra chỉ có mình lười nên nằm nhà chứ không phải không có việc để giúp đỡ tha nhân một buổi, một ngày cuối tuần. Với một người không nhà, nhận được bữa ăn trưa vào một ngày cuối năm cũng ấm lòng họ lắm, nhận được cái áo lạnh cũ nhưng đêm đông cũng bớt lạnh nhiều…

Đến mùa lễ Tạ ơn tôi đều nhớ lần đó mới qua Mỹ, tôi rất ấn tượng về người Mỹ, nước Mỹ nên sau đó mới tham gia vào những bữa ăn cho người không nhà. Năm đó tôi đi chơi dịp lễ Tạ ơn tận bên thành phố Albuquerque thuộc tiểu bang New Mexico. Tôi vào nhà thờ vào một buổi trưa vắng người, thấy người homeless cũng âm thầm, lặng lẽ vào nhà thờ như tôi. Tôi không nghi ngờ ông trộm cắp gì của nhà thờ vì ông đĩnh đạc vào, không có lấm lét như một kẻ trộm nên tôi chỉ quan sát ông với lòng ngưỡng mộ một người đang trong hoàn cảnh khó nhưng vẫn giữ vững niềm tin. Ông vào lễ đường, chỉ có những hàng ghế chào đón ông nhưng ông không ngồi. Ông quỳ gối xuống, làm dấu thánh giá xong thì lặng lẽ đi qua gian phòng có khung cửa nhưng không có cánh cửa. Tôi tản bộ sang phòng đó xem thử, thì ra có những cái kệ để giày cũ, những cái giá máng áo lạnh cũ. Ông nhẩn nha lựa cho mình một cái áo lạnh ưng ý nhất, một đôi giày mà ông ưng ý nhất. Nhưng lòng tò mò của tôi đã hết chịu nổi khi ông không vứt đi cái áo lạnh cũ rách của ông, đôi giày vạt gót của ông mà treo lên giá áo, để lên kệ giày tử tế. 

Tôi chào ông, chúc ông sức khoẻ, mùa lễ vui vẻ, không dám chúc ông ấm áp bên người thân, gia đình vì tôi đang nghĩ đến bữa tiệc tối nay ở nhà anh tôi rất phong phú thức ăn, nhiều người thân quây quần. Còn ông? Nên tôi tặng ông tờ mười đồng như mời ông ăn với tôi một bữa trưa nhân dịp lễ Tạ ơn. Tôi trò chuyện với ông một lát mới biết về ngôi nhà thờ này, vị linh mục chủ quản nhà thờ đã nói với giáo dân hãy đem áo lạnh không mặc nữa, giày dép không dùng nữa đến gian phòng này cho những người cần đến. Và ông homeless này cũng không vứt bỏ áo lạnh, đôi giày mình vừa cởi ra vì biết đâu có người cần đến sau ông. Ông nói với tôi, “khi trời lạnh nhiều. Ông đến đây tự nhận một áo lạnh, không lấy hai cái; một đôi giày, không lấy hai đôi, và để lại áo với giày của ông cho người cần đến.”

Đã ba mươi mùa lễ Tạ ơn trôi qua đời tôi ở đất nước tạm dung này nhưng tôi vẫn nhớ chuyện gặp người homeless ở nhà thờ Albuquerque như tôi đã tận mắt thấy chân dung nước Mỹ và người Mỹ; người cho không cần biết người nhận và người nhận không có lòng tham nên lễ Tạ ơn nào họ cũng có quà vì tôi hình dung ra nếu căn phòng để áo lạnh và giày cũ này nằm trong một ngôi nhà thờ ở Sài gòn thì chỉ người đầu tiên phát hiện ra sẽ không còn cái nào. Nên ở Sài gòn không có căn phòng không cánh cửa trong nhà, căn phòng “ai là anh em ta” trong tâm thức người mộ đạo như bên Mỹ. Không biết mình có nghĩ quá tệ về người mình, nước mình? Nhưng từ bỏ những ý nghĩ thực tế cũng không phải dễ. Nên từ đó tôi không vứt bỏ áo lạnh, giày cũ không dùng nữa mà thường đem theo những bữa tham gia cùng anh chị em đi phát thức ăn miễn phí cho người homeless dưới Dallas downtown vào mùa lễ cuối năm để trao cho họ chút tinh thần anh em như trong Kinh thánh.

Nhưng cũng lâu lâu rồi, không đi với anh em nữa, không tham gia nhiệt tình như xưa và cũng không biết những anh chị em xưa có còn năng nổ như khi chúng tôi còn trẻ, chỉ mong cầu cho những người bạn trẻ tiếp nối chúng tôi không quên những người không nhà khi mùa lạnh về, mùa lễ đến. Họ xứng đáng có quà mỗi năm vì họ không tham nên Chúa an bài. Hầu hết người không nhà đều tử tế với bản thân là không quá yêu cầu nên họ vui vẻ thật lòng, cảm ơn thật lòng với bất cứ thứ gì họ nhận được. Ngược lại chúng ta có quá nhiều ân sủng từ cái nhà để ở, cái xe để đi làm, đi chơi, có việc làm ổn định, có gia đình, con cái biết nghe lời, chịu học…nhưng chúng ta cứ hay nghĩ cái cần không có và cái có không cần nên cả cái cần và cái có đều từ từ ngại đến, từ từ rời xa kẻ quá tham lam. Khi nào bạn ngồi một mình trong căn phòng khách nhà bạn, không mở đèn, không có tiếng động dù nhỏ nhất nào, chân dung bạn sẽ hiện rõ trong bóng tối; bạn có thể ngửi được mùi không khí lễ hội qua khe cửa, nhưng tuyệt nhiên không có tiếng chân ai đến tặng quà…

Tháng mười một lại về, Giáng sinh đến, Năm mới đến… thêm một lần cơ hội vì ít nhất chúng ta cũng đã sống sót qua đại dịch vừa rồi. Nên cũng nên tự hỏi lòng mình sao trong số những người không qua khỏi lại không có mình? Câu trả lời là ân sủng, là ơn trên giữ gìn bạn. Vậy mục đích là gì? Có lẽ ơn trên cho cơ hội lần nữa để bỏ tánh biếng nhác, sao nhãng chứ căn cơ chúng ta không tệ. Mùa lễ thì đâu cũng có những hội từ thiện, những tổ chức, hội đoàn nhận quyên góp để giúp người nghèo, trẻ em mồ côi, những người bệnh hiểm nghèo, người cơ nhỡ… Chúng ta ăn thêm một cái bánh thơm ngon thì cơ thể lãnh nhận thêm một lượng đường không cần thiết vì người đủ ăn thường đã dư đường trong cơ thể; xin buông tay cho người đói bụng, lượng đường nhỏ trong cái bánh nhỏ có thể giúp họ qua được phần nào cơn đói bụng giữa mùa lạnh đầy, cái bánh nhỏ không làm họ no bụng được qua đêm đông nhưng hương vị của nó giúp được họ bớt lẻ loi trong tinh thần ai là anh em ta…

Cũng xin nhân tiện chia sẻ với bằng hữu muôn phương về một trường hợp hồi năm ngoái ở Texas, một em nhỏ mồ côi đã ăn phải thức ăn đóng hộp quá hạn sử dụng nên cháu bé may mà không chết do được viện mồ côi cấp cứu kịp thời. Người ta truy ra lon đồ hộp quá hạn sử dụng có xuất xứ từ từ thiện trong dịp lễ cuối năm. Nên chúng ta nên bỏ qua việc gom hết thức ăn đóng hộp ở nhà đem cho từ thiện mà quên coi hạn sử dụng trước khi cho. Ai làm hãng đều thấy người tây thường mua đồ hộp đem vào hãng để cho những Hội từ thiện vào dịp lễ cuối năm, họ mua cả lố còn nguyên bao bì mới toanh, thậm chí trong cái bọc ny-lon mang tên chợ Kroger hay Walmart có luôn cả tờ hoá đơn họ mới mua chiều qua trên đường đi làm về. Nhưng người ta có tính tận dụng nên về gom hết đồ cũ ở nhà như dọn dẹp cuối năm rồi đem cho từ thiện theo bản tính tiết kiệm của người ta cũng không sao, nhưng nên coi lại hạn sử dụng trước khi cho vì không ai muốn giúp người lại hoá ra hại người.

Tháng mười một lại về, cây ngoài hiên vàng lá, không gian màu phôi pha dễ làm người ta hoài niệm với những cung bậc cảm xúc; nhớ về những ngày tháng cũ ở quê nhà, những ngày bỡ ngỡ nơi đất khách đã khắc hoạ trong lòng chúng ta hình ảnh người bản xứ đã bao dung với chúng ta thế nào thì nay xin đáp lại như một cách để duy trì tinh hoa văn hoá của nước sở tại mà chúng ta may mắn được định cư, được khai trí, khai tâm là hạnh phúc đáng Tạ ơn nhất.


Phan

No comments:

Post a Comment