CHẾT RỒI CẦN GÌ TỰ TỬ
Có thật là sau vụ tự tử của em nữ sinh lớp 10 thì các bậc cha mẹ chúng ta mới nhận ra rằng con chúng ta cần sống không? Không! Chúng ta chưa bao giờ để con mình sống cả. Chúng ta giết lần giết mòn con từng ngày. Cái khối thịt hằng ngày di động trước mắt chúng ta chỉ chứng minh một điều hình hài mà chúng ta tạo ra chỉ còn duy trì sự sống sinh vật. Và điều này giúp chúng ta an tâm rằng con mình còn sống.
Ngày nào tôi cũng gào, cũng thét. Tôi van xin, năn nỉ đừng có cho con học thêm nữa. Ai nghe? Phụ huynh đưa con đến xin học thêm mà tôi biết được thời gian biểu của các em quá hạn hẹp là tôi toàn... xúi nghỉ. Họ quay qua chửi tôi điên khùng. Rồi họ cũng đưa con đi học chỗ khác chứ có cho con nghỉ đâu.
Cha mẹ có xót không
nhưng nhìn các em vai còn đeo khăn quàng hớt hải chạy vào lớp tối của tôi là
tôi xót lắm. Cha mẹ có đau không nhưng nhìn các em lớp 7, lớp 8 rồi mà vẫn
không biết mở hộp cơm tấm ra ăn cô đau lòng lắm. Nhìn các con ngày nào đến lớp
cũng phải cha đưa, mẹ đón mà không biết tự đi xe đạp cô cũng ái ngại cho tương
lai của các con lắm. Đang giảng bài mà thấy các con lén lút lấy bài tập các môn
trên trường ra làm vội làm vàng cô chỉ muốn cho các con về nhà ngay, tắm rửa
rồi lên giường ngủ một giấc thật say, thật dài, không lo toan, mộng mị. Tuổi
của các con cần được như vậy mà.
Nhưng ai đã cướp của
chúng con những ngày tháng hoa niên đó? Chính là lũ thợ dạy vô lương tâm đó.
Cha mẹ chúng con đã không bảo vệ được các con mà còn góp phần bóp chết tuổi thơ
của các con nữa. Các con 8 điểm là sẽ bị ăn chửi, ăn đòn, học hành sao mà có 8
điểm. Sẽ bị mang ra so sánh con X, thằng Y nó 10 tại sao mày có 8. Cha mẹ các
con muốn các con thành thần đồng, thần tiên chứ không phải trẻ em, người phàm.
Các con phải chơi đàn hay, vẽ đẹp, múa giỏi, đá banh như những cầu thủ thực
thụ, karate phải đai đen, đai đỏ để họ còn nở mặt với thiên hạ các con ạ.
Thượng đế gửi các con đến với các cặp vợ chồng dưới sứ mệnh những đứa trẻ nhưng
họ đã biến các con thành những con búp bê bằng thịt, chỉ cần biết ăn và biết
nghe lời. Cha mẹ các con đong đếm sự phát triển của các con bằng số cân nặng
qua mỗi thời kì, bằng những con điểm được mua bằng tiền và bằng tấm bằng đại
học để chúng minh cho sự “nuôi dạy con nên người” của họ. Cha mẹ các con đã
quên đi mất các con cần biết lễ nghĩa, đạo đức, cần biết phân biệt phải trái.
Họ không cần trang bị cho các con kĩ năng sinh tồn. Họ nghĩ các con không cần
kĩ năng sống. Sự học hành của các con không phải để đem lại lợi ích cho bản
thân các con mà là sĩ diện của cha mẹ.
Tôi chỉ là cô giáo
thôi mà, thân thích ruột thịt gì đâu. Nhìn các em mà tôi đứt từng khúc ruột.
Cha mẹ các em thì sao? Nhìn con có thấy xót xa không? Thấy con béo phì, trì độn
có xót không? Thấy con tối đến vác ba lô về đến nhà mặt mũi bơ phờ, hốc hác ăn
vội bát cơm rồi lại cắm đầu vào bài vở, trong con mơ còn lảm nhảm sin, cos,
tang có đau lòng không? Thấy con đeo cặp kính dày như cái đít chai nhưng cái
nồi cơm điện không biết cắm có thấy suy tư không? Thấy con đọc làu làu bảng
tuần hoàn hóa học nhưng dây giày không biết cột có thấy lo lắng cho tương lai
con hay không?
Có lần bé 4 tuổi đi vệ sinh. Tôi rửa ráy cho bé mà không thể nào thò tay qua khe chân bé được. Hai cái đùi bé nần nẫn thịt tạo thành 3-4 cái ngấn. Sợ bé trượt té tôi cho tay vào xốc nách bế bé ra ngoài mà 2 bàn tay tôi không biết đặt vào đâu cho chắc. Cô 40 tuổi bế bé 4 tuổi ra khỏi nhà tắm mà vã hết cả mồ hôi. Cho bé ra ngoài, tôi chạy ngược lại nhà tắm đóng cửa và khóc hu hu trong đó.
Mỗi lần gặp mẹ là đều nghe mẹ khoe bé ăn một lúc...2 tô cơm. Mỗi lần ăn mì là 2 gói. Mẹ là công nhân nhưng tự hào vì 1 tháng bé uống hết mấy triệu tiền sữa lận. Mẹ đứng nói chuyện với cô đâu chừng 10 phút là bé lôi trong cặp ra 2 hộp sữa hút liền một lúc. Với thân xác và sức ăn như thế liệu tuổi thọ của bé là bao nhiêu? Và trong suốt quãng đời ngắn ngủi với thân xác phì nộn như vậy, bệnh tật gì sẽ đến với bé?
Bé 8 tuổi đi học. Con học trong phòng, mẹ ngồi cửa lớp. Bé xin đi vệ sinh là mẹ cũng lập tức theo vào nhà tắm. Chi vậy? Mẹ giúp con thay băng VS đó. Một phụ nữ phải 15 tuổi trở lên mới có kinh, khi ấy cơ thể đã phát triển tương đối hoàn chỉnh và đã biết ý tứ, khéo léo tự chăm sóc bản thân. Đàng này một bé gái 8 tuổi, tóc còn chưa biết chải mà phải vướng vào chuyện lách cách đó. Cha mẹ có thấy đau lòng không?
Tôi dọn nhà vệ sinh.
Mỗi lần dọn là biết ngay trước đó các em trai đã đi tiểu. Tôi không bực. Chỉ
thấy ái ngại cho các em. Tôi biết các em không có được sự gần gũi, chỉ dạy của
cha mẹ. Chỉ băn khoăn, với kĩ năng sống nghèo nàn như vậy các em bước vào đời
với tâm thế như thế nào? Rồi sau này các em làm cha, làm mẹ thì lại tiếp tục
một thế hệ trẻ nữa vứt đi.
Tôi chỉ mong phụ huynh
một lần mở sách con ra, bất cứ môn gì, nếu đọc mà thấy hứng thú thì mới cảm
nhận được tâm tư các con.
Tôi chỉ mong phụ huynh một lần hỏi con xem có thích đến trường không, có thích học thêm không để họ hiểu con mình đang phải chịu đựng cái gì.
Tôi chỉ mong phụ huynh một lần hỏi xem con thích làm nghề gì. Nếu nó nói thích làm nghề chân tay mà không cần qua đào tạo đại học. Rồi chấp nhận ý thích của con thì có lẽ bể học đối với các con không còn là bể khổ nữa.
Đâu cần đến lúc con
nuốt mấy chục viên salbultamol để thể hiện phẫn uất thì mới là kết thúc sự
sống. Hằng ngày, hằng giờ cha mẹ đang nhét vào miệng con, đầu con những viên
thuốc để chết dần dần đó.
Tôi không có con, đồng nghĩa với việc không phải là phụ huynh. Mỗi năm đến tháng 9 tôi cũng không có cảm xúc gì hay bận bịu, lo toan về chuyện học hành, trường lớp cho bọn trẻ. Nhưng nhìn thiên hạ, quả thật không thể nào trong lòng không có chút ưu tư.
Việc giáo dục một đứa trẻ cần sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình thì giờ đây, 2 đối tượng này trở thành 2 lực lượng đối đầu nhau. Vậy thử hỏi đứa trẻ sẽ học hành và phát triển như thế nào trong một môi trường mà lúc nào cũng hình thành 2 chiến tuyến như vậy?
Đầu năm học phải là
những tháng ngày gợi sự háo hức, tìm tòi, khám phá cho trẻ thì hai lực lượng
trên biến nó thành sự khởi đầu của một cuộc chiến kéo dài ròng rã suốt 9 tháng
sau đó. Họp phụ huynh đầu năm là dịp để nhà trường và gia đình thông tin cho nhau
và đưa ra hướng đi cho năm học mới thì giờ đây nó trở thành những buổi đấu tố,
thậm chí là đấu đá chí mạng. GVCN thì rụt rè đưa ra những thông báo, quy định
đóng góp. Các thầy các cô chắc cũng chẳng vui gì khi phải trân mình hứng đạn
trong cái buổi gọi là họp PHHS kéo dài mấy tiếng đồng hồ nghiệt ngã đó. Phụ
huynh cũng chỉ chờ có dịp này để phản đối những ấm ức dồn nén từ những năm học
trước, công thêm năm học này để mà “xả lũ”. Nhìn quang cảnh buổi họp, thầy/cô
thì rón rén khổ sở, phụ huynh thì năm bè bảy mối, phe thân trường thì ra sức
bảo vệ quy định của hiệu trưởng, sở đề ra, phe đối đầu thì ra sức phản đối các
quy định móc túi phụ huynh. Thật không còn ra cái thể thống gì nữa!
Lai rai cho đến tận hôm nay, tức là năm học đã trôi qua 1 tháng nhưng cái sự học coi bộ vẫn chưa êm đềm. Vẫn thấy phụ huynh chụp màn hình những đoạn chat nảy lửa với GVCN post lên FB, vẫn là những thông báo, quy định, thư mời, thư gọi, thư “tự nguyện”. Và hầu hết chẳng phụ huynh nào mặn mà với mấy tờ giấy hắc ám đó. Đó đây vẫn là những bài viết chống đối những quy định móc túi phụ huynh. Bài viết nào cũng đầy những comment tức tối. Kiểu như chỉ chờ có bài viết như vầy là tuôn ra.
Gọi là group PHHS nhưng chỉ GVCN và 1-2 vị trưởng nhóm, phó nhóm được tham gia diễn đàn. Điều đó nói lên sự bức xúc của phụ huynh không có chỗ xả. Qua đó cũng cho ta thấy GV cũng không dám xả cửa vì xả thì có mà vỡ đập. Đấy! Có cái diễn đàn để cùng trao đổi mà cũng bị hạn chế thì đủ hiểu con cái chúng ta được học hành ra sao.
Nhà trường thì cứ đẻ
ra chính sách, quy định rồi giáng xuống đầu GV. GV cũng chỉ là quân tốt lại
giáng xuống phụ huynh. Phụ huynh cáu tiết vặc lại GV. Cái vòng đối đầu cứ luẩn
quẩn suốt năm học. Chả hiểu mỗi sáng gặp nhau ở cổng trường phụ huynh chào GV thế
nào? Rồi sau mỗi lần cãi vã, tranh luận nảy lửa với PH, liệu GV có phân biệt
được công tư mà cất nỗi bực tức qua một bên, hay khi vào lớp thấy cái tên mày
thì tao chợt nhớ ra bố/mẹ mày phản đối quy định nên giờ tao phải hành mày cho
bõ ghét?
Không biết quý vị ra sao, tôi nhìn các em mà lòng ngao ngán và bế tắc. Cứ tưởng tượng trong một gia đình bố mẹ chuẩn bị li dị nhau, suốt ngày chén đũa sóng sánh, con cái nó sống vui thế nào? Nhà trường, GV và phụ huynh đối đầu nhau lũ trẻ nó học tập thế nào?
Nhìn các em tôi
thương, rồi thương qua cả cha mẹ các em. Có đất nước nào mà dân tình người lớn
cắm đầu cắm cổ kiếm miếng ăn đến tối mặt, rồi đến việc học thì trẻ em căng
thẳng như lên đường tòng quân hay không? Nhìn các em vác cái ba-lô trên vai tôi
ngỡ như đoàn quân lầm lũi đi giữa 2 làn đạn mà không biết sẽ ghim vào các em
bất cứ lúc nào.
Trời ơi, đất nước tôi!
No comments:
Post a Comment